Chính sách văn hoá - nhìn từ vấn đề bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật
Trong thời đại kinh tế tri thức, đối với bất kỳ một quốc gia nào - chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền tác giả nói riêng, đều là vấn đề sống còn để phát triển kinh tế xã hội. Điều đó không những tạo ra môi trường bình đẳng cho các tổ chức và cá nhân khi tham gia quan hệ pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mà còn là động lực thúc đẩy sự sáng tạo.
ở Việt Nam, pháp chế XHCN trong lĩnh vực Bảo hộ quyền tác giả nói chung, trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng, vẫn còn rất mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, hoặc do sự nhận thức, hiểu biết chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo hộ và những quy định của pháp luật về quyền tác giả; hoặc do chạy theo lợi nhuận, cố tình vi phạm đạo đức kinh doanh; hay do sự yếu kém, quản lý lỏng lẻo của luật pháp – mà tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng trầm trọng. Từ các nhà hoạt động sáng tạo đến các chủ thể sử dụng sản phẩm sáng tạo đều chưa có thói quen thường trực trong việc ứng xử đối với vấn đề thực thi quyền tác giả. Điều đó không những xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, mà còn là nguyên nhân chủ yếu của việc mất trật tự, rối loạn kỷ cương trên thị trường văn hóa hiện nay. Trong quá trình phát triển, hội nhập và giao lưu kinh tế, văn hóa, đặc biệt từ khi Việt Nam tham gia Công ước Berne, thì vấn đề hoàn thiện và thực thi chính sách bản quyền tác giả càng trở nên bức xúc.
1. Chính sách bản quyền tác giả và vai trò của nó đối vói sự phát triển văn hóa xã hội
“Quyền tác giả” (bản quyền- tác quyền) - là quyền của Nhà nước trao cho tác giả đối với tác phẩm do chính tác giả đó sáng tạo. Quyền tác giả bao gồm quyền tinh thần và quyền kinh tế của tác giả đối với tác phẩm đó (quyền công bố, phổ biến tác phẩm tới công chúng qua các phương thức hoặc phương tiện nào đó) và quyền sao chép tác phẩm, quyền cho hay không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, pháp luật của mỗi nước còn có những quy định vừa nhằm thực thi quyền tác giả vừa không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường đối với tác phẩm.
Quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là quyền bảo hộ, bảo vệ quyền tác giả và tác phẩm văn học nghệ thuật. Việc có nhiều chủ thể tham gia quan hệ quyền tác giả là để bảo hộ quyền tác giả có hiệu lực và hiệu quả trong thực tế, khi tác phẩm của họ được các chủ thể khác nhau khai thác, sử dụng trong đời sống thực tiễn. Trước đây, trong thời kỳ nhà nước còn bao cấp, sản xuất tinh thần cũng như trong lĩnh vực sản xuất vật chất, sự sáng tạo chủ yếu là để phục vụ nhân dân, chúng ta thường không quan tâm đến khía cạnh kinh tế. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế, việc phải xây dựng và đổi mới chính sách kinh tế cũng như các chính sách về văn hóa là tất yếu khách quan. Các chính sách về bản quyền tác giả là một nội dung quan trọng trong hệ thống các chính sách về văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Chính sách bản quyền tác giả ở nước ta được xây dựng trên cơ sở của mục tiêu và nguyên tắc: Bảo đảm thực hiện đúng luật pháp của Nhà nước, phù hợp với những Công ước quốc tế về bản quyền tác giả mà nước ta đã cam kết, bảo đảm cho người tiêu dùng quyền lựa chọn những văn hóa phẩm phù hợp, với dịch vụ tốt nhất; giữ vững định hướng XHCN trong sáng tạo văn hóa cũng như trong hoạt động dịch vụ và kinh doanh, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tạo.
Chính sách Bản quyền tác giả không những nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền tác giả và tác phẩm văn hóa- nghệ thuật của những người sáng tạo, mà còn có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển văn hóa, phát triển kinh tế xã hội. Nó khuyến khích việc sáng tạo, phổ biến, chuyển tải các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần vào chiến lược phát triển giáo dục xây dựng con người mới trong giai đoạn hiện nay.
Môi trường pháp lý nghiêm minh, sẽ thu hút các hoạt động giao lưu văn hóa với khu vực và quốc tế. Điều đó vừa khẳng định lợi thế cạnh tranh lành mạnh của các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa trong nước trước sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa ngoại, vừa góp phần kiểm soát được sự sản xuất, lưu thông cũng như xuất nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật kém chất lượng, hay có nội dung phản văn hóa.
Về mặt kinh tế, Bảo hộ quyền tác giả là yếu tố quan trọng để bảo vệ và cân bằng lợi ích chính đáng của tác giả, của chủ sở hữu tác phẩm với lợi ích của công chúng và của xã hội. Đặc biệt nó sẽ khuyến khích sự đầu tư cho các ngành công nghiệp bản quyền về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, như: ghi âm, xuất bản, điện ảnh, video, quảng cáo, phát thanh, truyền hình…Trên thực tế, điều này đã mang lại lợi ích rất lớn cho các quốc gia, một ngành công nghiệp không khói, nhưng lại không thua kém bất kỳ một ngành công nghiệp phát triển nào.
2. Chính sách bản quyền tác giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay
Tuy vẫn còn khá mới mẻ, nhưng cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống Bảo hộ bản quyền tác giả trên cơ sở các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 (công bố ngày 27.6.2005, thực thi vào ngày 1.1.2006). Chính sách bản quyền tác giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật được thể hiện trong hệ thống chính sách về Quyền tác giả nói chung (ở BLDS - 1995: Phần thứ sáu, chương 1- Phần Quyền tác giả; ở BLDS - 2005: Phần thứ sáu, Chương XXXIV- Phần Quyền tác giả và Quyền liên quan).
Chương XXXIV của BLDS - 2005, gồm 2 mục và 14 điều, Mục 1: Quyền tác giả, Mục 2: Quyền liên quan đến quyền tác giả (Bộ luật cũ: có 4 mục và 35 điều). So với các văn bản trước đây, nó đã có sự hoàn thiện hơn trong vấn đề bảo hộ quyền tác giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, như: xác định rõ tư cách tác giả, tư cách chủ sở hữu tác phẩm; quy định rõ hơn quyền các chủ thể trong các trường hợp; phân chia rõ giữa hai quyền: quyền nhân thân và quyền tài sản. Nội dung các quyền mang tính khái quát, phong phú hơn.. Tuy vậy, so với yêu cầu của thực tế hiện nay, thì cần phải nhanh chóng có những văn bản tiếp theo (như Nghị định hoặc Thông tư) để hướng dẫn rõ hơn trong việc thực thi và khắc phục những hạn chế, bất cập trước đây trong bộ luật cũ.
Về chế tài xử phạt hành chính:
Có Pháp lệnh xử phạt hành chính, như: Nghị định số 31/2001/NĐ- CP ngày 26.6.2001 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Văn hóa Thông tin- trong đó có quy định mức xử phạt cho các hành vi vi phạm bản quyền tác giả.
Về tăng cường công tác quản lý: Có Thông tư số 64/TT- ĐA ngày 12.12.1995 của Bộ Văn hóa Thông tin về hướng dẫn bổ sung thực hiện Nghị định 48/CP ngày 17.7.1995, Nghị định 87/CP ngày 12.12.1995 về việc mở cửa hàng, đại lý băng hình và bản quyền băng hình. Chỉ thị số 38/1999/ct- BVHTT ngày 17.3.1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin về tăng cường quản lý đĩa CD ca nhạc, sân khấu trong tình hình hiện nay. Quyết định số 55/1999/QĐ - BVHTT ngày 5.8.1999 của Bộ trưởng Bộ VHTT, về việc sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng, đĩa cùng với quy chế sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh băng đĩa âm thanh và băng đĩa hình ca nhạc, sân khấu. Về quản lý mỹ thuật, có Quyết định số 03/1999/QĐ - BVHTT ngày 2.2.1999 của Bộ trưởng Bộ VHTT về việc ban hành Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và Galery; Quyết định số 05/2000/QĐ- BVHTT của Bộ trưởng Bộ VHTT về việc ban hành Quy chế xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.
Về kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa và kinh doanh văn hóa phẩm: Có Chỉ thị số 09/2000/CT- TTg ngày 20.4.2000 của Thủ tướng Chính phủ. Về công tác thanh tra VHTT, có Chỉ thị số 48/CT- BVHTT ngày 5.3.2003 của Bộ trưởng Bộ VHTT. Về quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài, có Quyết định số 79/2002/QĐ- TTg ngày 18.6.2002 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 3289/VHTT- BC ngày 29.7.2002 của Bộ VHTT hướng dẫn nội dung Giấy phép thu chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh.
Việt Nam cũng đã tham gia được một số Công ước quốc tế, như:
- Công ước Rôme (1961) về bảo hộ người biểu diễn, nhà xuất bản ghi âm và cơ quan phát thanh truyền hình.
- Công ước Berne (1971) về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật.
- Công ước Geneva (1971) về bảo hộ các nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép mà chưa được sự cho phép của họ.
- Công ước Brussels (1974) về liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền hình vệ tinh.
- Công ước UCC Toàn cầu về bản quyền.
- Hiệp ước WCC (1996) của WIPO về tác giả.
- Hiệp ước WPPT (1996) của WIPO về biểu diễn và bản quyền ghi âm.
3. Tình trạng thực hiện bản quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật
Trong quá trình thực hiện Bộ luật Dân sự (1995) - phần quyền tác giả, có thể nhận thấy rằng: Chính sách Bảo hộ Bản quyền tác giả đã được định hình, nhưng chưa hoàn thiện, chưa cụ thể hóa phù hợp với từng lĩnh vực. Một số quy định thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho việc quản lý, điều hành và hoạt động thực thi. So với chuẩn mực quốc tế, một số quy định của Việt Nam chưa phù hợp, cần được sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy phạm pháp luật về Bảo hộ quyền tác giả và tạo cơ hội cho sự hội nhập. Hoạt động thực thi quyền bảo hộ tác giả đang đứng trước những thách thức lớn cần phải giải quyết.
Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả vẫn tiếp tục diễn ra khá phổ biến nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, phần mềm máy tính, điện ảnh, xuất bản, nghệ thuật tạo hình… Tình trạng nhập lậu, in lậu, lưu hành và kinh doanh băng, đĩa lậu vẫn đang tiếp tục diễn ra trên thị trường- là những vấn đề bất cập trong nhiều năm qua, nhất là tại các điểm kinh doanh băng đĩa âm thanh, băng đĩa hình ở các tỉnh, thành phố lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm đã có nhiều cố gắng, tích cực trong việc xử lý vi phạm quyền tác giả, nhưng đến nay trên thị trường vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều sản phẩm băng, đĩa ca nhạc, sân khấu lậu không dán tem kiểm soát vẫn được bày bán công khai, mà không bị xử lý. Điều đó đã gây thiệt hại không nhỏ cho các Hãng, Trung tâm sản xuất băng, đĩa hợp pháp cũng như các nhà đầu tư và các chủ sở hữu tác phẩm. Chỉ riêng trong năm 2004, toàn ngành thanh tra văn hóa thông tin đã tổ chức kiểm tra 31.673 cơ sở kinh doanh, lập biên bản vi phạm 7.281 cơ sở, ra quyết định cảnh cáo 241 cơ sở, đình chỉ hoạt động 170 cơ sở, phạt trên 10 tỷ đồng, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự 31 vụ, trong đó chiếm tỷ lệ cao là các hành vi vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan (Báo Pháp luật Việt Nam, số 4 tháng 4/2005, tr 10).
Theo con số của Cục Bản quyền tác giả Văn hóa nghệ thuật đưa ra tại Hội thảo WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới) về vai trò quyền tác giả trong ngành công nghiệp xuất bản ở Việt Nam, trong 8 năm thi hành Bộ luật dân sự, Cục Bản quyền tác giả đã xem xét và giải quyết trên 140 vụ việc khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, đã có 10 vụ tranh chấp vi phạm phải đưa ra toà án dân sự giải quyết.
Riêng về lĩnh vực âm nhạc, hiện cả nước có hơn 13 triệu đầu băng đĩa, với hàng trăm triệu bản, chưa kể một số lượng khá lớn băng đĩa nhập từ nước ngoài về. Băng đĩa trên thị trường rất phong phú về thể loại: đĩa CD Rom, VCD, băng nhạc, băng video… do nhiều trung tâm sản xuất (Hồ Gươm audio, Sài Gòn au dio, Bến Thành audio...). Năm 2000, hơn 200 nhạc sỹ đã cùng ký tên trong Bản kiến nghị gửi các cấp, các ngành đòi bảo vệ quyền tác giả. Năm 2001, đại diện của 13 hãng sản xuất chương trình băng đĩa âm thanh, băng đĩa hình ca nhạc, sân khấu cùng ký tên trong Bản kiến nghị chung gửi lên các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quốc hội và Chính phủ, Ban Tư tưởng Văn hóa TW, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát NDTC, Tòa án nhân dân, kêu cứu vì nguy cơ đang đứng bên bờ vực của sự phá sản, do nạn sao chép lậu các chương trình băng đĩa sản xuất hợp pháp của họ. Riêng về vụ việc vi phạm quyền tác giả, mỗi năm có hàng trăm bài viết phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tình trạng đạo nhạc cũng bùng lên như một cơn sốt trong làng âm nhạc Việt Nam. Năm 2004, trên thị trường đĩa lậu xuất hiện một bộ đĩa CD copy- cover (gồm 10 đĩa) điểm danh một số lượng lớn hơn 100 ca khúc đạo nhạc, làm sửng sốt dư luận. Nói như những người trong cuộc thì, cho đến nay đạo nhạc không còn là căn bệnh mới được phát hiện nữa, mà nó đã di căn vào khá nhiều các thế hệ nhạc sỹ.
Sở dĩ còn tình trạng trên, một phần là do có sự chưa hoàn thiện về chính sách bảo hộ quyền tác giả.
Thứ nhất, còn bất cập về góc độ pháp chế: Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội (năm 2005), tuy dài nhưng lại chưa đầy đủ. Ví dụ tại điều 14 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, tại điểm a khoản 1, quy định rất đầy đủ các hình thức văn học, như: Truyện vừa, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng lại không có thơ. Trong khi đó, tại điểm b lại chỉ quy định “tác phẩm âm nhạc”, mà lại không liệt kê từng loại như đối với văn học. Các tác phẩm Múa, Tuồng, Chèo không được quy định cụ thể trong điểm c. Trong lĩnh vực âm nhạc, có sự chưa thống nhất giữa quy định quyền tác giả và giới hạn quyền tác giả. Ví dụ tại điều 23: “ Các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao” mà như điểm g quy định là: “Biểu diễn các tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động ở nơi công cộng”. Điều đó còn chung chung. Bởi hầu hết các buổi biểu diễn ở nước ta đều là sinh hoạt văn nghệ biểu diễn công cộng, và không bao giờ tách rời với yếu tố chính trị, tuyên truyền. Nếu giữ quan điểm này sẽ rất bất lợi cho tác giả, vì với những chương trình phục vụ lễ hội cách mạng, thì hầu hết những bài hát rất hay về quê hương đất nước, mang tính chính trị cao, đang được khuyến khích, lại không được hưởng quyền tác giả.
Thứ hai, sự bất cập, hạn chế trong chế tài xử phạt khi Quyền tác giả bị xâm phạm.
Về biện pháp chế tài dân sự: Điều 759- BLDS (năm 1995) quy định: “Tác giả chủ sở hữu tác phẩm khi bị người khác xâm phạm quyền tác giả, quyền của của chủ sở hữu tác phẩm, có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”. Các biện pháp này chỉ mới dừng lại ở yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại mà chưa bao gồm các biện pháp nhằm xoá bỏ nguy cơ tiếp diễn vi phạm trong tương lai, như tiêu hủy hàng hóa vi phạm (chẳng hạn tiêu hủy các băng đĩa in lậu, tiêu hủy những công cụ, phương tiện vi phạm…). Trong BLDS 2005, cũng chưa có quy định cụ thể cho rõ hơn.
Về chế tài hình sự: Điều 131- BLHS quy định ba hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả là: Chiếm đoạt quyền tác giả, Mạo danh tác giả trên tác phẩm, Sửa đổi bất hợp pháp nội dung tác phẩm. Trên thực tế, chưa thấy có hành vi chiếm đoạt quyền tác giả, mà chỉ có các hành vi xâm phạm các độc quyền của tác giả. Ngoài ra, mức phạt cũng theo quy định tại điều 131: phạt tiền từ hai mươi triệu đến hai trăm triệu đồng và mức phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm là vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ để phát huy chức năng trừng phạt và chức năng giáo dục, đặc biệt trong tình trạng quyền tác giả bị xâm phạm tràn lan như hiện nay.
Về chế tài hành chính: Như chúng ta đã biết, Nghị định số 31 CP ngày 26.6.2001, quy định về một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoàn toàn có thể xử lý bằng chế định dân sự mà không cần thiết phải sử dụng các biện pháp hành chính. Do vậy trong các Nghị định, Thông tư sắp ban hành để hướng dẫn việc thực thi BLDS 2005 về Quyền tác giả, cần thiết phải chỉ ra một số hành vi xâm phạm quyền tác giả mà thật sự có ảnh hưởng đến trật tự công cộng và quản lý hành chính nhà nước, thì mới xử phạt theo chế tài hành chính.
Những bất cập trên đây rõ ràng đã có sự cản trở rất lớn đến khả năng sáng tạo cũng như quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế văn hóa. Trong thời đại ngày nay, khi mà yếu tố con người và công nghệ thông tin đang trở thành quan trọng trong cạnh tranh, phát triển kinh tế, thì quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền tác giả trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật nói riêng là điều kiện để ràng buộc các quốc gia về quyền lợi và trách nhiệm, cũng như vì sự tiến bộ chung của nhân loại. Đây là thời cơ và thách thức để chúng ta có bước phát triển mới trong chính sách văn hóa hiện nay./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền tháng 1,2 năm 2006
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận