Tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc
Về quan hệ chính trị, ngoại giao
Tiếp xúc cấp cao được coi trọng với hình thức đa dạng, linh hoạt hơn. Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương. “Việc lãnh đạo cao nhất của hai Đảng duy trì trao đổi thường xuyên, định hướng, dẫn dắt quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, có vai trò định hướng chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước”(1). Ngoài số lượng chuyến thăm, thời điểm chuyến thăm cũng thể hiện sự coi trọng cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (từ ngày 30/10 đến 1/11/2022) diễn ra ngay sau khi Trung Quốc vừa tổ chức thành công Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự chúc mừng và ủng hộ cao nhất của Việt Nam đối với Trung Quốc và đối với Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài cấp cao nhất mà Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trung Quốc cũng là nước đầu tiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm từ sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá “điều này thể hiện sự coi trọng cao độ của chúng ta đối với phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung - Việt”(2).
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, lãnh đạo cao cấp hai nước xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới, khẳng định kiên trì phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, củng cố tình hữu nghị truyền thống, tăng cường chia sẻ chiến lược, tăng cường sự tin cậy chính trị, quản lý tốt sự khác biệt. Nhân các chuyến thăm cấp cao trong 15 năm qua, hai bên đã ký kết hơn 100 văn kiện, thỏa thuận.
Từ năm 2008 đến nay, ngoài các chuyến thăm chính thức, hình thức tiếp xúc giữa lãnh đạo cao cấp hai nước đã được làm phong phú hơn, linh hoạt hơn. Lãnh đạo cao cấp hai nước có các hình thức tiếp xúc trao đổi gồm các chuyến thăm lẫn nhau, cử đặc phái viên, thiết lập đường dây nóng, gặp gỡ đại diện hai Bộ Chính trị, trao đổi thư điện, gặp gỡ thường niên và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Các cơ chế này đã phát huy tác dụng quan trọng khi cần thiết hoặc trong điều kiện đặc biệt.
Sự tin cậy chiến lược giữa hai nước được củng cố và tăng cường. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn đề cao và khẳng định những điểm tương đồng, nhất trí giữa hai nước về điều kiện, mục tiêu phát triển, tính chất đặc thù của mối quan hệ, khẳng định rõ định vị của mỗi bên về nhau, qua đó góp phần tăng cường sự tin cậy chiến lược. “Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung... Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, Trung Quốc coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”(3).
Thông qua tiếp xúc cấp cao, hai bên thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ nhận định, đánh giá về tình hình thế giới, khu vực. Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với những công việc lớn, mục tiêu quan trọng, sáng kiến mới của Trung Quốc, như “4 toàn diện”, bố cục tổng thể của “5 trong 1”, hai mục tiêu 100 năm, ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”... Tuyên bố chung năm 2022, Thông cáo báo chí chung năm 2023 thể hiện Việt Nam ủng hộ con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai, các sáng kiến mới của Trung Quốc, như “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)…
Đặc biệt, thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai bên đã đưa ra phương hướng, trọng điểm thúc đẩy nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của quan hệ hợp tác, giải quyết vướng mắc trong các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại đến vấn đề biên giới lãnh thổ. Đơn cử như, về kinh tế, thương mại, hai bên đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển thương mại song song với giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, đó là từng bước giảm nhanh tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đưa ra giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tạo điều kiện tăng cường thương mại chính ngạch, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng hoa quả của Việt Nam, khắc phục tình trạng hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thiếu ổn định, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực, trình độ công nghệ cao sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...
Về hợp tác kinh tế, thương mại
Quan hệ thương mại tiếp tục xu thế tăng trưởng nhanh. Trong 15 năm qua, kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 9 lần, từ khoảng 20 tỷ USD năm 2008 lên 175,57 tỷ USD năm 2022. Từ năm 2018, Việt Nam đã vượt Ma-lai-xi-a, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - U-crai-na, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương vẫn duy trì xu hướng phát triển tích cực. Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như rau quả. Một trong những vấn đề quan tâm của Việt Nam là bảo đảm sự ổn định việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã từng bước được giải quyết. Trung Quốc cam kết tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho các loại hoa quả có múi và một số mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam; năm 2022, hai nước đã lần lượt ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng sầu riêng, khoai lang, tổ yến sang Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, thứ hạng có sự cải thiện rõ rệt. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam vươn từ tốp 20 lên tốp 10, từ 628 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,197 tỷ USD, đứng thứ 16/84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2008 lên 3.567 dự án với tổng số vốn là 23,3 triệu USD vào năm 2022, đứng thứ 6 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam(4). Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã có sự tăng trưởng nhanh liên tục và đã xuất hiện các dự án lớn. Trong bối cảnh Trung Quốc tích cực triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), năm 2017, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại, kết nối năng lực sản xuất, kết nối BRI với “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đảm nhận thầu khoán nhiều dự án trọng điểm trong các lĩnh vực trọng điểm của Việt Nam, như khai khoáng, nhiệt điện, luyện kim.
Về quốc phòng - an ninh
Hai nước đã hình thành nhiều cơ chế hợp tác liên quan đến hợp tác quốc phòng - an ninh cả trên đất liền và trên biển, như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2014, từ năm 2015 trở đi, giao lưu hữu nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước), thiết lập cơ chế phối hợp biên phòng ba cấp (Trung ương, quân khu, cấp tỉnh). Lực lượng biên phòng hai bên đã thiết lập đường dây nóng nhằm kịp thời trao đổi thông tin, thông báo quy định, chính sách mới trong quản lý bảo vệ biên giới, cửa khẩu; đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, hoặc thông báo trao đổi xử lý khi có tình huống đột xuất.
Về an ninh, hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương(5). Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp thứ trưởng, thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Hai bên hợp tác hiệu quả trong phòng, chống một số vấn đề an ninh phi truyền thống, mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm về ma túy, buôn bán người, truy nã tội phạm,… ở khu vực biên giới và hằng năm, tổ chức hội nghị tổng kết công tác.
Về giao lưu nhân dân và văn hóa
Tháng 11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “hai bên phải đưa hợp tác nghiêng về lĩnh vực dân sinh, tiếp tục tăng thêm tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh niên”(6). Trong 15 năm qua, các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch giữa hai nước đã được đẩy mạnh với hình thức phong phú, đa dạng. 50 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh/thành phố/khu tự trị của Trung Quốc. Các cơ chế, chương trình giao lưu hợp tác giữa địa phương hai nước được tổ chức thường xuyên, như Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa Bí thư bốn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang của Việt Nam với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc và Ủy ban công tác liên hợp giữa bốn tỉnh này với Quảng Tây; Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)...
Các cơ chế mới được hình thành song song với mở rộng quy mô của các cơ chế cũ nhằm thúc đẩy giao lưu giữa các tầng lớp nhân dân hai nước. Từ năm 2010, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc phối hợp luân phiên tổ chức Diễn đàn nhân dân Việt Nam - Trung Quốc. Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2000 đã được mở rộng về quy mô. Ngoài ra, còn có Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới. Năm 2017, Cung Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc được coi là công trình mang tính biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và giao lưu mật thiết về văn hóa đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Về giáo dục, hằng năm, Chính phủ Trung Quốc cấp học bổng cho công dân Việt Nam ở các cấp bậc đào tạo từ đại học trở lên. Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc cấp 44 suất học bổng toàn phần cho công dân Việt Nam đi học đào tạo cấp bậc tiến sĩ, thạc sĩ và đại học tại Trung Quốc(7). Hiện nay, có khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc và khoảng 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam(8). Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới, cấp cho Việt Nam ít nhất 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc, và từ 1.000 suất học bổng dành cho giáo viên giảng dạy tiếng Trung Quốc trở lên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ các công trình nước sạch vệ sinh tại 8 trường học, trao học bổng cho học sinh thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.
Sau khi thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu, song bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ song phương. Mặc dù quan hệ chính trị, ngoại giao được tăng cường, nhưng trên thực tế, quan hệ giữa hai nước có lúc không ổn định; một số hạn chế và vấn đề trong hợp tác chưa được giải quyết hiệu quả, như vấn đề nhập siêu, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có lúc gặp khó khăn, thiếu tính ổn định, tiến độ và chất lượng của một số công trình thầu khoán chưa được bảo đảm... Lãnh đạo hai nước đã đạt được nhận thức chung về xử lý vấn đề trên biển; năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, nhưng tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Xử lý và giải quyết những vấn đề này như thế nào có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Hiện nay, môi trường quốc tế và khu vực đang có sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc chưa từng có. Thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề an ninh phi truyền thống có mức độ ảnh hưởng sâu rộng, tức thời, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột cục bộ…; các nước đều chịu tác động nhất định từ cuộc cạnh tranh nước lớn, từ sự thay đổi cán cân lực lượng, chuyển dịch quyền lực. Các trào lưu lớn trên thế giới vốn phát triển thuận chiều trong nhiều thập niên như toàn cầu hóa, đa phương hóa, đang có xu hướng đảo chiều hoặc thoái lui. Nhưng nhìn ở một chiều cạnh ngược lại với thách thức thì hợp tác để cùng đối mặt và vượt qua thách thức chính là cơ hội để hai nước Việt Nam và Trung Quốc tăng cường sự tin cậy chiến lược, tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự phức tạp của môi trường quốc tế, nguy cơ, thách thức gay gắt mà các nước xã hội chủ nghĩa phải đối mặt, mong muốn hai bên cần tự tin vào con đường, mô hình đã lựa chọn và đoàn kết với nhau, để bảo đảm “an ninh chính trị và ổn định xã hội” của mỗi nước.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, bắt đầu bước vào thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai, thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”, “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” từ nay đến năm 2050. Báo cáo Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần nhắc đến điểm hội tụ, giao thoa về lợi ích, trong quan hệ với các nước láng giềng, nhấn mạnh “làm sâu sắc hơn sự tin cậy hữu nghị và điểm gặp gỡ lợi ích với các nước láng giềng”, “điều chỉnh khái niệm công bằng và lợi ích”(9). Trong chính sách ngoại giao láng giềng, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, giữ vị trí quan trọng. Trung Quốc khẳng định “coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”(10).
Về phía Việt Nam, trước bối cảnh khu vực và thế giới phức tạp như hiện nay, Việt Nam luôn kiên trì, khẳng định rõ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và chính sách quốc phòng “bốn không”(11), tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở này, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn, tìm kiếm thêm điểm gặp gỡ lợi ích trong bối cảnh mới, làm sâu sắc hơn nữa nội hàm của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 đã đề cập đầy đủ tất cả lĩnh vực trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nêu lên những yêu cầu, phương hướng, nội dung hợp tác cụ thể đối với từng lĩnh vực từ định hướng chung, hợp tác giữa hai Đảng, hợp tác kinh tế, thương mại, quốc phòng - an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục...; xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay là quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới.
Các lĩnh vực chủ chốt trong hợp tác Việt Nam - Trung Quốc sẽ được thúc đẩy theo hướng duy trì và củng cố thành quả, từng bước giải quyết tồn tại, tháo gỡ vướng mắc. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, ngoài duy trì tăng trưởng về kim ngạch, hai bên nhấn mạnh đến thương mại điện tử, thúc đẩy an toàn, ổn định chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nước(12). Những điểm nghẽn trong xuất khẩu nông sản gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người nông dân đã từng bước được tháo gỡ, tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được tiếp tục thúc đẩy. Ngược lại, phía Việt Nam tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho các mặt hàng của Trung Quốc.
Kết nối về kết cấu hạ tầng đã có nhiều kết quả khi hai nước thực hiện kết nối BRI với “Hai hàng lang, một vành đai kinh tế”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện Tuyến đường bộ - đường biển mới phía Tây, coi đó là một hợp phần của BRI ở khu vực phía Nam, thông qua việc triển khai kết nối đường sắt Trung Quốc - Lào, Trung Quốc - Thái Lan, Thái Lan - Lào. Vì vậy, đẩy nhanh kết nối hợp tác Lan Thương - Mê Công, kết nối Việt Nam với Tuyến đường bộ - đường biển mới(13) là một điểm nhấn hợp tác mới mà Trung Quốc mong muốn, bao gồm kết nối từ hướng Quảng Tây và kết nối từ hướng Vân Nam (kết nối đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Tuyên bố chung năm 2022 nêu “sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” và “tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)”. Trong thời gian tới, hai nước tập trung hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số, đường sắt cao tốc Bắc - Nam(14).
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, hợp tác an ninh giữa hai nước được nhấn mạnh hơn với nhiều nội dung cụ thể, như chống khủng bố, chống “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu”, tội phạm về ma túy, chống lừa đảo trên mạng và viễn thông, đánh bạc qua biên giới, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Tựu trung, việc xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện “là tầm cao mới phát triển quan hệ hai nước, cũng là hình thức mới trong biến đổi của quan hệ hai nước”(15). Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc (năm 2022) rằng: “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc”(16). Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc (tháng 6/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhất quán coi trọng việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc; khẳng định đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam(17). Điều này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 16/9/2023 nhân dịp tham dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Trung Quốc luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc(18). Trong vòng 3 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến Trung Quốc hai lần, hội đàm, gặp Thủ tướng Lý Cường ba lần thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta đối với quan hệ song phương với Trung Quốc, là sự cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, đồng thời cũng là hoạt động thiết thực kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển trên nền tảng của khuôn khổ và thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trước đó, những lĩnh vực hợp tác quan trọng như kinh tế, thương mại đã và đang phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Quan hệ chính trị, ngoại giao được củng cố và tăng cường với số lượng chuyến thăm cấp cao nhiều, thông qua tuyên bố chung, thông cáo chung, đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng. Hợp tác kinh tế duy trì xu thế tăng trưởng ngay cả trong điều kiện khó khăn, như dịch bệnh COVID-19 hay kinh tế thế giới suy giảm. Hai nước đang trong giai đoạn phát triển then chốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phù hợp với tình hình mỗi nước. Sự tin cậy chiến lược được tăng cường, nền tảng xã hội của quan hệ được củng cố, các vấn đề còn vướng mắc từng bước được tháo gỡ, giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đúng theo thỏa thuận, nguyên tắc mà hai nước đã đạt được sẽ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển theo hướng ổn định, lành mạnh, chất lượng cao trong thời gian tới, vì lợi ích của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới./.
______________________________________________________
(1) “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 8/9/2022, https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-va-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-post722756.html.
(2) “Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nói về chuyến thăm đầu tiên sau Đại hội XX, Phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ giữa hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam”, ChinaNews, ngày 31/10/2022, http://m.chinanews.com/ wap/detail/zwsp/gn/2022/10-31/9883797.shtml.
(3) “Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 8/9/2023, https://baochinhphu.vn/thong-cao-bao-chi-chung-viet-nam-trung-quoc-102230629193919446.htm.
(4) “Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022”, Trang thông tin Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngày 26/12/2022, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2022/Bao-cao-tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-20-130022.aspx.
(5) Các thỏa thuận như: Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng, chống buôn bán người, Thỏa thuận về cơ chế hợp tác giữa công an thành phố Hà Nội với công an thành phố Bắc Kinh; Thỏa thuận thiết lập cơ chế hợp tác giữa công an 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh với công an tỉnh Quảng Tây; Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Chống khủng bố, Bộ Công an Việt Nam với Cục Chống khủng bố, Bộ Công an Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an Việt Nam với Cục điều tra hình sự, Bộ Công an Trung Quốc về tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo viễn thông…
(6) “Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: Đẩy nhanh việc kết nối Sáng kiến “Vành đai, Con đường” và “Hai hành lang, một vành đai kinh tế””, ChinaNews, ngày 4/1/2018, http://www.chinanews.com/ gn/2018/11-04/8667875.shtml.
(7) “Thông báo tuyển sinh đi học tại Trung Quốc năm 2021”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Hợp tác quốc tế, ngày 15/1/2021, http://icd.edu.vn/372/thong-bao-tuyen-sinh-di-hoc-tai-trung-quoc-nam-2021.html/BPF/vi-VN/CMS_Cat/Thong-Tin -Tuyen-Sinh/CMS_Detail/1905.
(8) “70 năm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Hữu nghị, hợp tác là dòng chảy chính”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 17/01/2020, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/70-nam-quan-he-viet-nam-trung-quoc-huu-nghi-hop-tac-la-dong-chay-chinh-447409/.
(9) “Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đoàn kết phấn đấu xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa - Báo cáo tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Trang mạng Chính phủ Trung Quốc, ngày 25/10/2022, http://www.gov.cn/xinwen/2022-10/25/content_5721685.htm.
(10) “Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Trung Quốc”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 8/9/2023, https://baochinhphu.vn/thong-cao-bao-chi-chung-viet-nam-trung-quoc-102230629193919446.htm.
(11) Đó là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
(12) Năm 2022, hai bên đã ký Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về tăng cường hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng Việt Nam - Trung Quốc, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.
(13) “Đồng chí Vương Nghị thực hiện cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn”, Trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 17/4/2021, https://www.fmprc.gov.cn/web/wjbz_673089/xghd_673097/202104/t20210417_9175204. shtml
(14) “Phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc - Việt Nam”, Trang mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 13/7/2022, https://www.mfa.gov.cn/wjbzhd/202207/t20220713_ 10719458.shtml.
(15) Vương Tranh, “Sự tác động lẫn nhau giữa chính trị và an ninh: Một góc nhìn về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, 2018, tr. 112.
(16) “Việt Nam - Trung Quốc tăng cường tin cậy, nâng tầm hợp tác”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 1/11/2022, https://special. nhandan.vn/VietNam-TrungQuoc-tang-cuong-tin-cay/index.html.
(17) Hà Văn, “Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 28/6/2023, https://baochinhphu.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-ket-thuc-tot-dep-chuyen-tham-chinh-thuc-trung-quoc-va-tham-du-hoi-nghi-wef-thien-tan-102230628235202872.htm.
(18) “Phát triển quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 16/9/2023, https://baochinhphu.vn/phat-trien-quan-he-voi-trung-quoc-la-lua-chon-chien-luoc-va-uu-tien-hang-dau-trong-chinh-sach-doi-ngoai-cua-viet-nam-102230916184548818.htm.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 12/12/2023
Bài liên quan
- Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
- Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
- Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
- Vai trò của phát ngôn đối ngoại đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
Từ ngày 24 đến 27/9/2024, 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam đã đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về nghiên cứu học thuật, đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông.
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững
Ngày 24/9 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc Phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khoá 79. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phiên Thảo luận.
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục phát huy, giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Bình luận