Tìm về di sản tư tưởng Hồ Chí Minh văn hóa vì sự phát triển bền vững
Thừa nhận và khẳng định vai trò của văn hoá cùng với kinh tế và chính trị tạo thành thế “chân kiềng” cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước chính là sự trở về với di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”(1).
Là người sáng lập rèn luyện Đảng, Nhà nước ta, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Người là tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo và là kim chỉ nam cho cách mạng nước ta.
Thừa nhận công lao to lớn về những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tại khoá họp lần thứ 24 (từ ngày 20.10 đến ngày 20.11.1987), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hoá kiệt xuất. Ở Hồ Chí Minh, sự hoà quyện giữa “Anh hùng giải phóng dân tộc” với “Nhà văn hoá kiệt xuất”đã tạo nên nét riêng độc đáo của bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, một nhân cách lớn, một mẫu hình “Văn hoá của tương lai”.
Năm 1923, khi tiếp xúc với Người, nhà thơ Xôviết Ôxip Mandenxtam với linh cảm đặc biệt đã thấy ở Người sự hội tụ của một nền văn hoá như thế: “Từ Nguyễn ái Quốc, toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai... Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(2).
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, nơi “địa linh nhân kiệt” vốn có truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học và truyền thống “Nho học”, sớm ý thức được nỗi nhục của một dân tộc mất nước, nỗi đau của sự đói nghèo và dốt nát, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành nuôi chí lớn, quyết ra đi tìm đường cứu nước, với một hành trang không có gì ngoài tấm lòng trong sáng và tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Bôn ba khắp năm châu, với một sự am hiểu và cảm nhận sâu sắc các tinh hoa văn hoá cổ - kim, Đông - Tây, anh Nguyễn yêu nước (Nguyễn ái Quốc) đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin và đã tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi áp bức bóc lột, thoát khỏi nghèo đói, ngu dốt - con đường Lênin, con đường cách mạng vô sản.
Và, cũng từ đây chân lý của thời đại: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” đã được mở ra và cuộc hành trình đấu tranh để hiện thực hoá chân lý đó đã cuốn hút mọi sự chú ý, tư tưởng, tình cảm và hành động của Người. Có thể nói: toàn bộ thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng văn hoá, là sự phản ánh và là sự kết tinh của phong trào đấu tranh nhằm hiện thực hoá mục tiêu, lý tưởng cao cả này.
Với nhãn quan của một danh nhân văn hoá thế giới, ngay khi nước nhà giành được độc lập, thậm chí khi thân thể còn ở trong lao (cuối năm 1942 - đầu năm 1943), Hồ Chí Minh đã có quan niệm đúng đắn và rất tinh tế về văn hoá: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng chúng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(3).
Vậy là, theo quan niệm của Người, văn hoá, trước tiên, là văn hoá của loài người, mang tính loài - vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống. Sở dĩ, con người, động vật - xã hội, thực sự là con người bởi nó có văn hoá. Con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn và phát triển đã sáng tạo ra văn hoá; bằng văn hoá mà con người ngày càng hoàn thiện hơn, nhân văn hơn và văn minh hơn. Khi khẳng định tính loài của văn hoá, không có nghĩa là phủ nhận bản sắc dân tộc của văn hoá, mà trái lại tính “loài” càng cao thì bản sắc dân tộc của văn hoá càng đậm nét và đặc sắc. Trong báo cáo chính trị trình bày trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Hồ Chí Minh đã khẳng định “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hoá dân tộc, khoa học, đại chúng”(4).
Thứ hai, với quan điểm duy vật lịch sử, Người xem cấu trúc của văn hoá bao gồm văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, song khi nói đến văn hoá, thường người ta hay nhấn mạnh văn hoá tinh thần với những hoạt động và những giá trị mà hoạt động tinh thần ấy tạo ra, bao gồm những sáng tạo và phát minh ra: ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật.
Điểm đặc sắc trong quan niệm này là ở chỗ, không chỉ nêu được sáu thành tố cơ bản, chủ yếu hợp thành văn hoá tinh thần mà còn khẳng định tôn giáo là một trong những thành tố quan trọng. Phải nói rằng, với việc thừa nhận tôn giáo là một trong những thành tố của văn hoá tinh thần, Hồ Chí Minh đã thể hiện mình là nhà văn hoá chân chính, đã vượt lên trên những thành kiến, những nhận thức không đầy đủ về tôn giáo.
Vượt qua những hạn chế của lịch sử, với vốn hiểu biết sâu rộng về Nho giáo và Phật giáo cùng các tôn giáo khác, Hồ Chí Minh đã thừa nhận tính hướng thiện, lòng nhân ái của các loại hình tôn giáo: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.
Khổng tử, Giêsu, C. Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu cầu hạnh phúc cho xã hội...
Tôi cố gắng làm học trò nhỏ của các vị ấy”(5).
Đồng thời với việc đề cao dạng hoạt động và hệ giá trị văn hoá tinh thần do chính những hoạt động đó tạo nên, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh những hoạt động và những giá trị văn hoá vật chất trực tiếp liên quan đến mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng chúng.
Văn hoá vốn là khái niệm trừu tượng, đa nghĩa, song với cách diễn đạt dung dị của Người, có thể dễ dàng nhận thức được, thực hiện được và cảm thụ được, nên nó vừa cao sang như ngôn ngữ, chữ viết, khoa học... vừa gần gũi như mặc, ăn, ở. Một định nghĩa về văn hoá như vậy thực đã hội đủ được những tinh tuý của văn hoá Đông - Tây và những giá trị tốt đẹp của truyền thống Việt Nam.
Thứ ba, khi quan niệm về văn hoá, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh phương thức hình thành và phát triển của văn hoá với ý nghĩa là sự tổng hòa của mọi phương thức sinh hoạt (sinh hoạt vật chất và tinh thần) cùng những biểu hiện của nó để con người có thể thích ứng ngày một tốt hơn với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Nhờ có văn hoá và bằng văn hoá, thông qua hoạt động thực tiễn, những tiềm năng vốn có của con người: trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, lối sống, ý chí, nghị lực, sự thành thạo, tài năng của mỗi cá nhân và cộng đồng người được khơi dậy, phát huy, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội; qua đó, con người ngày càng hoàn thiện mình, đúng như nhận định của C.Mác, cùng với hoạt động cải tạo thế giới, con người cũng cải tạo chính mình. Văn hoá là cái đảm bảo cho sự tồn tại, hoàn thiện và phát triển của con người; cái đảm bảo cho xã hội phát triển toàn diện, bền vững và nhân văn.
Thứ tư, không chỉ đưa ra quan niệm về văn hoá và khẳng định vai trò của văn hoá đối với phát triển toàn diện và bền vững, Hồ Chí Minh còn phác thảo một chiến lược phát triển văn hoá gắn với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Chiến lược phát triển văn hoá, theo Người, phải xuất phát từ con người và phải vì phúc lợi và hạnh phúc của nhân dân. Chiến lược phát triển văn hoá bao gồm 5 nội dung chủ yếu:
1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường
2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng
3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội
4. Xây dựng chính trị: dân quyền
5. Xây dựng kinh tế(6).
Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, để hiện thực hoá một cách sinh động chiến lược phát triển văn hoá theo di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, một cách thiết thực nhất, chúng ta cần tổ chức thực hiện thắng lợi những Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, trong đó tập trung thực hiện tốt bốn mục tiêu, ba nhiệm vụ trọng tâm, mà nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng, trong từng cá nhân, gia đình, đơn vị, tổ chức cơ sở, trong quan hệ cộng đồng. Đồng thời, phải bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam theo 5 đức tính được xác định trong Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII (1998); chú trọng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tốt đẹp, phong phú...
Để hiện thực hoá những mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm đó bảo đảm cho văn hoá phát triển trong mối quan hệ hài hoà với phát triển kinh tế và chính trị đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm cho văn hoá phát huy vai trò “soi đường cho quốc dân đi” cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 27.3.2003) về việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người, trên cơ sở đó xây dựng quyết tâm, tình cảm cách mạng, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Người, trong đó có tư tưởng văn hoá và thực hiện thắng lợi đường lối xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong vận dụng và thực hiện thắng lợi tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những đảng viên nắm giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “nói phải đi đôi với làm”, phải nêu gương đạo đức suốt đời: “Nói chung các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(7). Bác đặc biệt nhắc nhở các Bộ trưởng, Thứ trưởng các cán bộ lãnh đạo càng cần phải gương mẫu: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(8).
Hai là, đồng thời với việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, đã đến lúc, cần xây dựng một “Tháp văn hoá Việt Nam”. Tháp văn hoá là biểu tượng cho tinh thần Việt Nam, biểu tượng cho tinh thần tự hào dân tộc, cho khối đại đoàn kết toàn dân, cho trí tuệ người Việt Nam, cho văn hoá Việt Nam. Kinh nghiệm trên thế giới, cũng có một số nước đã xây dựng tháp biểu trưng cho tinh thần dân tộc, chẳng hạn như tháp Ephen của Pháp và gần đây, ở Nga cũng xây dựng tháp văn hoá Nga. Không phải tới bây giờ khi kẻ thù đang tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chúng ta mới nghĩ tới việc xây dựng tháp văn hoá, biểu trưng cho khối đại đoàn kết, mà chính là do đòi hỏi sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với việc tôn tạo các di tích văn hoá, xây dựng các tượng đài (gần đây Hà Nội đã xây dựng được tượng đài Lý Thái Tổ), thiết nghĩ, chúng ta cần phải xây dựng Tháp văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống văn hiến Việt Nam, biểu thị lòng tự tôn dân tộc. Tháp văn hoá nên được xây bên khu di tích Hoàng thành Thăng Long và cùng với Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, với chùa Một cột và các di sản khác hợp thành quần thể văn hoá vừa minh chứng cho lịch sử ngàn năm văn hiến, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống thiết thực cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Yêu cầu của tháp văn hoá phải thể hiện được bản sắc văn hoá Việt, thể hiện được tinh thần tự hào dân tộc Việt Nam, thể hiện được tâm hồn, bản lĩnh, cốt cách người Việt Nam, thể hiện được nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc...
Ba là, đồng thời với việc nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, phát huy tính chủ động sáng tạo của các đoàn thể, các hội nghề nghiệp trong việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 10 khoá IX, cần tăng đầu tư cho văn hoá, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp văn hoá. Kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, trong chiến lược phát triển văn hoá tiên tiến của mình, Trung Quốc thực hiện sự dung hợp của tinh thần nhân văn mới và tinh thần khoa học kỹ thuật cao được biểu hiện trên bốn nội dung: lấy dân làm gốc, lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu cuối cùng, lấy sự phát triển toàn diện con người làm điểm xuất phát, lấy phát triển khoa học làm nội dung quan trọng của việc xây dựng văn hoá.
Đã đến lúc cần thống nhất nhận thức và hành động: đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho phát triển; phải phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ nhằm từng bước hiện đại hoá hoạt động văn hoá là thực hiện sự kết hợp hài hoà “Duy lý” và “Duy tình” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển văn hoá vì sự phát triển toàn diện và bền vững .
Trở về với di sản tư tưởng văn hoá của Hồ Chí Minh, chúng ta không chỉ nhận thức sâu sắc hơn về vai trò “soi đường” của văn hóa, mà hơn thế nữa chúng ta được ấm lên bởi một tình Bác sáng đời ta, đúng như nhà thơ Việt Phương đã viết: “Đến bên Người, ta thở dễ dàng hơn”. Và, càng hiểu sâu về tư tưởng của Người, chúng ta càng kính yêu Người, một con người vĩ đại nhưng rất giản dị, rất gần gũi, rất người. Cố Thủ tướng ấn Độ P. G Nêru đã nói: “Thật là hân hạnh được gặp một con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt đối với chúng ta. Mặc dù trong thế giới ngày nay còn có sự khác biệt và xung đột, nhưng gặp Bác Hồ chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người... tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả”(9).
Với lòng tự hào và biết ơn vô hạn trước công lao trời bể của Người, chúng ta càng quyết tâm thực hiện trọn vẹn lời hứa với Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của thế giới. Sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhất định sẽ thành hiện thực trên đất nước Việt Nam ngàn lần thân yêu của chúng ta./.
______________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 1+2.2005
(1) Hồ Chí Minh về Văn hoá, Văn nghệ (1977), Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.90.
(2) Ôxip Manđenxtan: Gặp mặt chiến sĩ quốc tế Nguyễn ái Quốc, báo Ngọn lửa nhỏ, số 39, ngày 23.12.1923.
(3), (6) (7) Hồ Chí Minh Toàn tập (2000), T3, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.431, tr.263 .
(4) Sđd, T6, tr.173.
(5) Trích theo Tạp chí Cộng sản số 13 tháng 7.2000, tr.15
(8) Sđd, T11, tr.186.
(9) Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế (2001), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.139.
GS, TS Dương Xuân Ngọc
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận