Trường Chinh - Nhà báo “dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ”
Dùng ngòi bút làm vũ khí
Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu. Ông sinh ngày 9.2.1907 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Hành Thiện (Nam Định). Cha ông là Đặng Xuân Viện (1880 - 1958), một nhà nho uyên bác, không thành đạt về khoa bảng nên không tham gia quan trường, ở nhà dạy học và viết sách. Cụ là một cây bút xuất sắc trong nhóm “Nam Việt Đồng Thiện Hội”, từng viết cho nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội như Nam phong, Trung Bắc tân văn, Đông Pháp, Ngọ báo và từng được tặng giải thưởng nhất cuộc thi thơ do báo Đông Pháp tổ chức. Cụ đã để lại cho đời sau bộ sách Minh Đô sử (100 quyển) và nhiều tập sách về danh nhân, cổ sử của đất nước.
Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Từ, con cụ Cử nhân Nguyễn Đức Ban. Bà là người phụ nữ có tiếng công, dung, ngôn, hạnh, là nhà giáo đầu tiên, người truyền dạy tình yêu quê hương, đất nước cho các con. Ông nội của Đặng Xuân Khu là Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến sỹ tam giáp đệ nhất danh năm 1856, làm quan đến chức Tuần phủ Hải Dương, một vị quan thanh liêm, trung thực, một nhà Nho uyên bác, tác giả của nhiều công trình lớn như: Sử học bị khảo, Việt sử cương mục tiết yếu, Cổ nhân ngôn hành lục...
Do truyền thống giáo dục và điều kiện gia đình khá giả, từ nhỏ Trường Chinh đã được làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, được tiếp thu từ cha, mẹ những bài học về yêu nước từ văn hóa và lịch sử.
Lớn lên, ông được gia đình cho theo Tây học ở Trường Thành Chung Nam Định. Ngay trên ghế nhà trường, ông đã tham gia các hoạt động đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. 19 tuổi, ông và một số học sinh khác ở Nam Định tổ chức bãi khóa, làm Lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Sau sự kiện đó, ông gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí. Năm 1927, Trường Chinh lên Hà Nội thi lấy bằng Diplome, sau đó thi đỗ vào Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Tuy nhiên, hai năm sau, ông bỏ học, tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và chính thức dấn thân vào con đường cách mạng chuyên nghiệp. Trường Chinh được phân công làm công tác biên tập của tờ báo Búa liềm.
Suốt từ 11.1930 đến ngày tháng 9.1936, Trường Chinh bị thực dân Pháp giam cầm đày ải ở các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi Sơn La. Trong tù, ông luôn là một chiến sĩ gan góc, kiên cường, không chỉ chống lại sự đàn áp của kẻ thù mà còn tham gia làm báo để giáo dục chính trị cho các bạn tù cộng sản, yêu nước, đấu tranh chống lại các tư tưởng sai trái và sự xuyên tạc, chống phá của các đảng viên Quốc dân Đảng chống cộng. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của nhà tù Sơn La, ông đã viết cuốn sách Chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cải lương.
Năm 1936, sau khi được trả tự do, Trường Chinh nhanh chóng liên lạc với tổ chức Đảng và bắt nhịp với phong trào cách mạng đang mở rộng trong điều kiện chính phủ cánh tả ở Pháp thực hiện chính sách cởi mở ở Đông Dương. Ông được phân công tham gia ban biên tập và làm bí thư chi bộ, trực tiếp chỉ đạo báo Le Travail. Tuy chỉ tồn tại được 7 tháng, nhưng tờ báo đã để lại tiếng vang rộng lớn trong xã hội đương thời, nhất là trong giới trí thức Việt Nam và trí thức dân chủ tiến bộ ở Pháp. Trên báo Le Travail, Trường Chinh trực tiếp viết nhiều bài báo quan trọng, trình bày những vấn đề lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.
Vừa lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo báo chí, vừa viết báo để chỉ đạo phong trào, Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn vào thành công của Cách mạng Tháng Tám. Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao công lao to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh, người “đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công” (Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, Báo Nhân dân, ngày 6.10.1998).
Vừa tham gia biên tập cho tờ Le Travail, Trường Chinh vừa gánh vác nhiệm vụ Trưởng Ủy ban hành động hợp pháp của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động hợp pháp của các đảng viên công khai và những trí thức có cảm tình với Đảng, đặc biệt là chỉ đạo hoạt động báo chí công khai của Đảng như: Rassemblement (số đầu ra ngày 16.3.1937), Enavant (số đầu ra ngày 20.8.1937). Ông cũng được Xứ ủy giao trách nhiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các đảng viên làm tổng thư ký các tòa soạn như: Học Phi ở báo Tiểu thuyết thứ năm (tồn tại từ 18.3.1937 đến 1.8.1937), Nguyễn Đức Kính ở báo Hà thành ngọ báo (từ 6.4.1937 đến 26.3.1938), Trần Đình Tri ở báo Thời thế (từ 30/10/1937 đến 12.2.1938).
Sau khi các tờ báo trên lần lượt bị đình bản, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định xuất bản báo Tin tức và giao Trường Chinh phụ trách và trực tiếp làm Giám đốc chính trị. Báo Tin tức là tờ báo công khai của Đảng, trụ sở tại 105, phố Henry De Orléan, Hà Nội, nay là phố Phùng Hưng. Trong thời gian này, Trường Chinh là cây bút chủ lực, viết nhiều bài quan trọng trên báo.
Ông còn lấy bút danh Qua Ninh cùng với Võ Nguyên Giáp với bút danh Vân Đình công bố tác phẩm nổi tiếng Vấn đề dân cày. Sách được nhà sách Đức Cường in thành hai tập và phát hành tháng 7.1938. Đây có thể coi là thiên điều tra mẫu mực về tình cảnh nông dân Việt Nam dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và chính sách phản động của chúng về ruộng đất, tô thuế, nạn cho vay nặng lãi. Đồng thời, tác phẩm cũng phê phán những nhận thức sai lầm về nông dân, khẳng định vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng Việt Nam.
Sau khi báo Tin tức bị đóng cửa, Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mua lại tờ Đời nay và đổi tên thành Đời nay tập mới để tiếp tục cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai. Trường Chinh tiếp tục đảm nhận trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tờ báo. Đời nay tập mới ra đời vào đêm trước của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, khi chính quyền thực dân Pháp từng bước thu hẹp dân chủ, tăng cường đàn áp cách mạng ở Đông Dương. Vì thế, Đời nay tập mới đã phải đóng cửa sau khi xuất bản số 38, tất cả cán bộ của báo rút vào hoạt động bí mật.
Cùng trong năm 1939, Trường Chinh còn thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo chính trị các tờ báo: Notre voix, Ngày mới và Người mới. Trong các tờ báo này, Notre voix xuất bản bằng tiếng Pháp, là tờ báo để lại dấu ấn quan trọng trong giới trí thức đương thời.
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra ngày 1/9/1939, chính quyền thực dân trở mặt đàn áp cách mạng, dìm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trong bể máu. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp tháng 5.1941 tại Pác Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã bầu Ban chấp hành Trung ương do Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Với trọng trách lãnh đạo Đảng, ông dồn tâm sức vào các công việc lãnh đạo phong trào, chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi điều kiện chín muồi. Đồng thời, ông càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết báo nhằm tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối, chủ trương tiến hành cách mạng của Đảng.
Vừa đảm nhận trọng trách Tổng Bí thư, lãnh đạo Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng (thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang bị chính quyền Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Trung Quốc, từ 8.1942 đến 10.1944), Trường Chinh vừa chỉ đạo báo chí và trực tiếp viết những bài báo quan trọng, phân tích đánh giá tình hình thời cuộc, truyền đạt những chủ trương chính sách quan trọng của Đảng, chỉ đạo hoạt động của các tổ chức Đảng trong cả nước, kịp thời định hướng, chỉ đạo cao trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Cây bút chính luận xuất sắc
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng, cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. Ông cũng là người chịu trách nhiệm chỉ đạo báo chí, trực tiếp viết hàng trăm bài báo, truyền bá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, của Mặt trận, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tăng gia sản xuất, đánh giặc cứu nước.
Trong 18 số báo Cờ giải phóng từ ngày 12.9.1945 đến ngày 18.11.1945, khi báo ngừng xuất bản, Trường Chinh có một loạt bài trong mục “Cuốn sổ tay của chiến sỹ”, phê phán tình trạng chia rẽ giữa Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân ở một số nơi, chỉnh đốn về vấn đề xây dựng chính quyền nhân dân, hướng dẫn các hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ non trẻ. Ông cũng khẳng định quyết tâm sắt đá của cả dân tộc kháng chiến đến cùng, “tới khi không còn một tên thực dân Pháp ở Đông Dương nữa”.
Ngay sau khi Cờ giải phóng nói lời từ biệt bạn đọc, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản Báo Sự thật với danh nghĩa “Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương” do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo.
Trên báo Sự Thật, Trường Chinh đã công bố các bài báo có tính chất tổng kết, đánh giá những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám. Về sau, Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp những bài báo này in thành tập sách nổi tiếng “Cách mạng tháng Tám”.
Đầu năm 1947, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn khi Trung ương Đảng và Chính phủ vừa rút lên Việt Bắc, Trường Chinh viết một loạt bài đăng trên báo Sự thật từ số ra ngày 4.3.1947 đến số ra ngày 1.8.1947 dưới đề mục Kháng chiến nhất định thắng lợi. Đó cũng chính là nội dung của tập sách Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Trong tác phẩm này, Trường Chinh đã khái quát tiến trình lịch sử và nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, chỉ ra kẻ thù của nhân dân ta chính là bọn thực dân xâm lược Pháp và xác định rõ kế sách tiến hành cuộc chiến đấu để đi đến đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, là do anh Trường Chinh” (Đồng chí Trường Chinh - người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng nước ta, Võ Nguyên Giáp, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8.2.2007).
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng tháng 2.1951, Đảng đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam. Trường Chinh được bầu tiếp làm Tổng Bí thư của Đảng. Báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng ra đời, xuất bản số đầu tiên ngày 11.3.1951, kế tiếp sự nghiệp của báo Sự thật trong điều kiện Đảng ra hoạt động công khai. Trước đó, Tạp chí Cộng sản, với tư cách là cơ quan lý luận của Đảng đã xuất bản số 1, tháng 7.1950. Do trách nhiệm công tác nặng nề, phải dành nhiều thời gian và công sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc kháng chiến, Trường Chinh không có điều kiện để viết báo thường xuyên. Tuy nhiên, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng hay trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn của kháng chiến, ông vẫn có những bài báo bình luận sắc xảo về tình hình trong nước và thế giới, về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, truyền đạt tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, chỉ đạo hoạt động và uốn nắn nhưng sai lầm khuyết điểm của các tổ chức Đảng, chính quyền nhân dân. Ông cũng luôn quan tâm đến báo chí và những người làm báo, nhiều lần trực tiếp giảng bài cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, nói chuyện nghề nghiệp với các nhà báo trẻ.
Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, một nhà cách mạng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ông còn là nhà lãnh đạo báo chí, nhà báo tài năng, dùng ngòi bút làm vũ khí tổ chức lực lượng, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, phục vụ cho lý tưởng cách mạng cao cả.
Ông tâm niệm: “Vì cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác”(1)
_____________________________
(1) Trường Chinh - một nhân cách, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H., 2002, tr.588.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Người Làm Báo điện tử ngày 28.06.2017
Bài liên quan
- Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
- Lịch sử báo chí Kazakhstan
- Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
- Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
- KỶ NIỆM 80 NĂM BÁO CỨU QUỐC (1942-2022): Một thế hệ nhà báo gạo cội
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
“Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc”. Đó là nhận xét của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Vào thời cổ đại, trong điều kiện xã hội du mục ở Kazakhstan, không có báo chí như ngày nay, nhưng đã có những hình thức sơ khai của báo chí. Nghệ thuật dân gian truyền miệng đã trở thành một phương tiện tích lũy, xử lý, trình bày và phổ biến thông tin ở thảo nguyên Kazakhstan. Các nhà thơ du mục đã làm điều này và làm khá chuyên nghiệp. Họ được gọi là “akyns” và “zhyrau” - là nhà thơ, nhạc sĩ và người sưu tập các truyền thuyết, bài hát, di chuyển từ làng này sang làng khác, và kể lại tin tức một cách tự nhiên. Ở Kazakhstan, đây được gọi là “uzun - kulak” - “tai dài” và hiện tượng này là nguyên mẫu của “dịch vụ thông tin” ngày nay.
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
(LLCT&TTĐT) Báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và quan tâm đầy đủ. Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào báo chí cách mạng. Trong khi đó, còn nhiều nguồn tư liệu khác có thể khai thác và lấy thông tin, ví dụ như hồi ký của các nhà báo hoặc nhà văn làm báo. Bài viết sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về báo chí nước ta thông qua 2 hồi ký tiêu biểu là “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và “Bốn mốt năm làm báo” của Hồ Hữu Tường.
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 14/6/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)". Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức về Nhà báo Xuân Thủy gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Nhà báo để lại.
Bình luận