Tư tưởng của V.I.Lênin về quyền dân tộc tự quyết và ý nghĩa đối với Việt Nam hiện nay
1. Tư tưởng của V.I.Lênin về quyền dân tộc tự quyết
V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng, quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc chính là quyền tự quyết về chính trị: “Quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là quyền phân lập về mặt Nhà nước của các dân tộc đó ra khỏi tập thể dân tộc khác, có nghĩa là sự thành lập một quốc gia dân tộc độc lập”(1), Người nói rõ hơn: “Quyền dân tộc tự quyết hoàn toàn chỉ có nghĩa là các dân tộc có quyền độc lập chính trị, có quyền tự do phân lập, về mặt chính trị, khỏi dân tộc áp bức họ”(2). Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền của một dân tộc có thể tách ra trở thành một quốc gia dân tộc độc lập với việc tự quyết định thể chế chính trị của mình khỏi một dân tộc khác đang áp bức họ.
Giá trị của tư tưởng V.I.Lênin về quyền dân tộc tự quyết chính là luôn đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để giải quyết vấn đề quyền dân tộc tự quyết. Không phải Ông ủng hộ bất cứ một dân tộc nào trong một quốc gia thống nhất đòi tách ra thành lập quốc gia riêng biệt mà V.I.Lênin chỉ ủng hộ việc tách ra thành một quốc gia riêng biệt khi dân tộc đó bị áp bức, bóc lột bằng các biện pháp bạo lực. Bối cảnh mà V.I.Lênin đưa ra vấn đề quyền dân tộc tự quyết là sự áp bức dân tộc đang tràn lan, phổ biến ở cả nước Nga và trên thế giới. Nước Nga Sa hoàng là nhà tù của các dân tộc, chủ nghĩa Đại Nga đang lấn lướt, nô dịch các dân tộc khác trong nước Nga “ở nước Nga, sự áp bức mà những người dị tộc ấy phải chịu đựng, còn nặng nề hơn nhiều so với ở các quốc gia lân cận”(3). V.I.Lênin cho rằng, việc thừa nhận quyền dân tộc tự quyết ở nước Nga là vấn đề cấp bách vì những người dị tộc đang phải sống ở những vùng ngoại vi, sự áp bức mà những dị tộc ấy phải chịu đựng còn nặng nề hơn nhiều so với các quốc gia lân cận và những dân tộc bị áp bức sống ở những vùng ngoại vi có những người đồng tộc ở bên kia biên giới được hưởng sự độc lập dân tộc nhiều hơn. “Ở Nga, nơi mà hơn 100 triệu người, chiếm ít ra là 57% dân số, đều thuộc các dân tộc đi áp bức... điều tuyệt đối có tính chất bắt buộc đối với những người dân chủ - xã hội, vì những nhiệm vụ dân chủ và xã hội chủ nghĩa của họ, là phải thừa nhận cho các dân tộc bị chế độ Nga hoàng áp bức, được tự do tách khỏi nước Nga”(4); “Chính là những đặc điểm lịch sử cụ thể của vấn đề dân tộc ở Nga khiến ở nước ta, trong thời kỳ chúng ta đang trải qua, việc thừa nhận quyền dân tộc tự quyết có một tầm quan trọng đặc biệt”(5).
Trong bối cảnh của thế giới thời kỳ của V.I.Lênin sống, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc đi xâm chiếm thuộc địa, biến các quốc gia, dân tộc nhỏ yếu hơn trở thành thuộc địa của mình, hay nói cách khác, tình trạng áp bức của quốc gia này lên quốc gia khác cũng là rất phổ biến “Một phần lớn của châu Á, bộ phận đông đảo nhất của thế giới, hiện đang ở trong tình trạng, hoặc là thuộc địa của các “cường quốc lớn”, hoặc là quốc gia hết sức bị phụ thuộc và bị áp bức về mặt dân tộc”(6). Trong bối cảnh của nước Nga và thế giới đang có sự áp bức dân tộc bằng bạo lực như vậy, V.I.Lênin đã nói đến quyền dân tộc tự quyết. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết được đặt ra khi có điều kiện, chứ không phải lúc nào cũng nói đến quyền dân tộc tự quyết. Điều kiện đó chính là khi sự áp bức dân tộc đang diễn ra và người dân không thể chịu đựng được cuộc sống đó “chỉ quyết định phân lập ra khi nào sự áp bức dân tộc và những xung đột dân tộc làm cho cuộc sống chung tuyệt đối không thể chịu được, làm cho mọi thứ quan hệ kinh tế bị trở ngại”(7). Chính vì vậy, trước thực tế Na Uy đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi tách ra khỏi Thụy Điển, V.I.Lênin đã thể hiện rõ lập trường của mình. Thái độ của V.I.Lênin là ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết của nhân dân Na Uy. V.I.Lênin đã giải thích lý do tại sao Ông ủng hộ điều này “sự liên kết giữa Na Uy với Thụy Điển không phải là tự nguyện... Chính bọn vua chúa trong thời kỳ chiến tranh Napôlêông, đã đem Na Uy dâng cho Thụy Điển, trái với ý nguyện của người Na Uy và người Thụy Điển đã phải đem quân vào Na Uy để chinh phục nước này”(8). Chính vì Thụy Điển đã dùng bạo lực để thống trị, áp bức Na Uy nên V.I.Lênin ủng hộ việc phân lập Na Uy ra khỏi Thụy Điển.
V.I.Lênin đã đưa ra điều kiện để đặt ra vấn đề quyền dân tộc tự quyết. Do đó, chúng ta cần nhận thức rõ rằng, trong điều kiện đất nước đang phát triển bình thường thì không nói đến quyền dân tộc tự quyết, thậm chí là không nói đến chế độ liên bang “khi nào và chừng nào các dân tộc khác nhau vẫn còn là một quốc gia thống nhất, thì không bao giờ, người mác xít lại đi tuyên truyền cho nguyên tắc liên bang, cũng như cho chế độ phân quyền”(9). Đó là vì cả những người mác xít và quần chúng nhân dân đều thấy rất rõ lợi ích của việc duy trì những quốc gia có diện tích lớn và dân số đông có ưu thế hơn nhiều so với các quốc gia nhỏ và dân số ít. Những người mác xít đều thừa hiểu rằng “Với những điều kiện như nhau, thì so với các nước nhỏ, các nước lớn có thể giải quyết một cách thành công hơn nhiều đối với những nhiệm vụ của sự tiến bộ kinh tế và của cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Nhưng chúng tôi chỉ tôn trọng mối liên hệ tự nguyện chứ không bao giờ tôn trọng mối liên hệ cưỡng bức. Bất cứ nơi nào chúng tôi thấy có những mối liên hệ cưỡng bức giữa các dân tộc là chúng tôi bảo vệ một cách vô điều kiện và kiên quyết quyền của mỗi dân tộc được quyết định vận mệnh chính trị của mình, nghĩa là nguyền phân lập, tuy rằng chúng tôi không mảy may tuyên truyền việc mỗi dân tộc đều nhất định phải tách riêng”(10). Và quần chúng nhân dân cũng rất sâu sắc về điều này “Do kinh nghiệm hàng ngày của mình, quần chúng nhân dân biết rất rõ tầm quan trọng của những quan hệ địa lý và kinh tế, những lợi thế của thị trường rộng lớn và của một quốc gia rộng lớn nên họ chỉ nghĩ đến phân lập khi nào sự áp bức dân tộc và những xung đột dân tộc làm cho cuộc sống chung trở thành tuyệt đối không thể chịu đựng được và làm cho mọi thứ quan hệ kinh tế bị trở ngại”(11). Do đó, trong điều kiện một quốc gia dân tộc đang thống nhất phát triển bình thường, mối liên hệ giữa các dân tộc là tự nguyện thì không bao giờ nói đến vấn đề quyền dân tộc tự quyết, đến sự phân lập.
Mục đích của việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết là nhằm bảo đảm bình đẳng dân tộc. Bởi lẽ, quyền này chỉ được nói đến khi có áp bức bằng dân tộc không thể nào chấp nhận được, do đó việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết là để xóa bỏ tình trạng áp bức dân tộc đang hiện hữu, thực hiện bình đẳng dân tộc. V.I.Lênin lấy ví dụ về trường hợp Na Uy và Thụy Điển “Na Uy tự trị với tư cách là một bộ phận của Thụy Điển, đã được hưởng quyền tự trị rất rộng rãi cho đến năm 1905, nhưng vẫn không được bình đẳng về quyền lợi với Thụy Điển. Chỉ khi nó tự do phân lập thì nó mới thực tế tỏ rõ và chứng minh là nó được bình đẳng về quyền lợi”(12). Khi Na Uy vẫn nằm trong Thụy Điển dù đã được hưởng chế độ tự trị thì vẫn chưa được bình đẳng thực sự với Thụy Điển và chỉ khi tách ra trở thành một quốc gia độc lập thì Na Uy mới thực sự bình đẳng về mặt quyền lợi với Thụy Điển. Khi có sự áp bức dân tộc thì phải đấu tranh thực hiện quyền dân tộc tự quyết để bảo đảm bình đẳng dân tộc “Bảo vệ, tuyên truyền, thừa nhận quyền đó tức là bảo vệ quyền dân tộc bình đẳng, bác bỏ những mối liên hệ cưỡng bức, đấu tranh chống mọi đặc quyền về mặt nhà nước của bất cứ dân tộc nào”(13). Từ đó, V.I.Lênin phê phán những kẻ cơ hội, cáo buộc những người ủng hộ quyền dân tộc tự quyết là ủng hộ chủ nghĩa phân lập cũng vô lý như buộc những người ủng hộ tự do ly hôn là khuyến khích phá hoại những mối liên hệ gia đình: “Buộc tội những người ủng hộ quyền tự do tự quyết, tức quyền tự do phân lập, là khuyến khích chủ nghĩa phân lập, thì cũng vô lý và cũng giả nhân giả nghĩa như buộc tội những người ủng hộ quyền tự do ly hôn là khuyến khích việc phá hoại những mối liên hệ gia đình”(14). Ủng hộ quyền dân tộc tự quyết không có nghĩa là muốn chia tách thành những quốc gia nhỏ bé, cũng như ủng hộ quyền tự do ly hôn không có nghĩa là khuyến khích ly hôn. Lênin chỉ ủng hộ quyền dân tộc tự quyết khi dân tộc đó đang bị áp bức bằng bạo lực trong một quốc gia dân tộc khác, cũng giống như chỉ ủng hộ ly hôn khi sự trầm trọng của cuộc sống chung là không thể kéo dài, không ly hôn chỉ gây ra đau khổ cho người trong cuộc.
Theo V.I.Lênin, trong điều kiện đang có áp bức dân tộc mà không nói đến quyền dân tộc tự quyết tức là ủng hộ cho tình trạng áp bức dân tộc này, cũng như khi sự trầm trọng của cuộc sống chung là không thể kéo dài mà không nói đến quyền tự do ly hôn chỉ là kéo dài sự đau khổ mà thôi. Những người mácxít nói đến quyền dân tộc tự quyết không phải mà muốn chia rẽ, xé nhỏ các quốc gia. Người xã hội chủ nghĩa luôn hướng tới lợi ích chung của tất cả mọi người, tất cả mọi dân tộc, phấn đấu cho sự bình đẳng dân tộc không chỉ cho dân tộc mình mà còn cho cả dân tộc khác. Do đó, lập trường đối với quyền dân tộc tự quyết chính là lập trường đối với vấn đề bình đẳng dân tộc và là cái phân biệt có phải là người mácxít hay không phải là người mácxít “Người xã hội chủ nghĩa nào thuộc một dân tộc đi áp bức mà trong thời bình cũng như trong thời chiến, không tuyên truyền cho quyền tự do phân lập của các dân tộc bị áp bức, thì người đó không phải là một người xã hội chủ nghĩa, cũng không phải là một người quốc tế chủ nghĩa”(15). Những người không ủng hộ cho quyền dân tộc tự quyết trong điều kiện đang có áp bức dân tộc bằng bạo lực chính là những người ủng hộ cho giai cấp thống trị, cho những dân tộc đi áp bức dân tộc khác, do đó không thể là người mácxít “Nếu chúng ta không đề ra và không cổ động cho khẩu hiệu quyền phân lập, thì chúng ta sẽ làm lợi không những cho giai cấp tư sản, mà còn làm lợi cho bọn phong kiến và chế độ chuyên chế của dân tộc đi áp bức nữa”(16); “Không ủng hộ cuộc khởi nghĩa của những vùng bị thôn tính thì khách quan mà nói, chúng ta trở thành những kẻ tán thành thôn tính”(17); “ vì sự thôn tính vi phạm quyền dân tộc tự quyết, hay nói cách khác, vì nó là một trong những hình thức áp bức dân tộc”(18); “Phủ nhận quyền tự quyết hay quyền phân lập thì trên thực tế tất nhiên có nghĩa là ủng hộ những đặc quyền của dân tộc thống trị”(19).
V.I.Lênin còn đưa ra những nguyên tắc cần đảm bảo trong thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Là người chống áp bức, nô dịch dân tộc dưới mọi hình thức nên V.I.Lênin cho rằng khi một dân tộc trong một quốc gia đòi thành lập quốc gia riêng thì các dân tộc khác (dân tộc chiếm đa số), nhà nước không được dùng các biện pháp bạo lực để đàn áp, cấm đoán việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Đồng thời, các dân tộc đòi quyền tự quyết cũng phải bằng những biện pháp hòa bình và chính nhân dân trong dân tộc đó sẽ là người quyết định có phân lập ra thành quốc gia riêng hay không bằng biện pháp hòa bình thông qua bỏ phiếu kín.
Như vậy, V.I.Lênin phản đối việc dùng bạo lực để đòi quyền dân tộc tự quyết cả phía dân tộc đòi quyền tự quyết hay dân tộc, Nhà nước của một quốc gia chung đó.
V.I.Lênin cũng khẳng định nguyên tắc cơ bản là phải lấy lợi ích chung của đại đa số nhân dân làm tiêu chuẩn trong việc xem xét và giải quyết vấn đề quyền dân tộc tự quyết “Không được lẫn lộn vấn đề quyền dân tộc tự quyết (nghĩa là hiến pháp nhà nước bảo đảm một phương thức giải quyết hoàn toàn tự do và dân chủ vấn đề phân lập) với vấn đề xem xét một dân tộc nào đó có nên tách ra không. Trong mỗi trường hợp riêng biệt, vấn đề thứ hai này phải được đảng dân chủ - xã hội giải quyết một cách hoàn toàn độc lập, căn cứ vào lợi ích của toàn bộ sự phát triển xã hội và lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản vì chủ nghĩa xã hội”(20). Nguyên tắc trong giải quyết vấn đề quyền dân tộc tự quyết là việc thực hiện quyền này vẫn phải đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội, hướng tới lợi ích chung của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là tiêu chí để xem xét có giải quyết quyền dân tộc tự quyết của một dân tộc nào đó hay không.
2. Ý nghĩa đối với thực hiện quyền tự quyết dân tộc ở Việt Nam
Có thể nói, quan niệm hiện nay của thế giới về quyền dân tộc tự quyết có sự tương đồng và gần gũi về quyền dân tộc tự quyết mà V.I.Lênin đã nói đến. Trong Tuyên bố năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế của Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh: “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết” và “mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc”. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là quyền được thành lập quốc gia độc lập hay cùng với các dân tộc khác thành lập quốc gia liên bang hoặc đơn nhất trên cơ sở tự nguyện, là quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài. Việc thực hiện các quyền này là do nhân dân của các dân tộc đó quyết định. Những quan niệm của luật pháp quốc tế về quyền tự quyết dân tộc là gần gũi với V.I.Lênin vì Ông cũng cho rằng, quyền tự quyết dân tộc là quyền quốc gia đó được tự do phân lập về mặt chính trị, nhà nước, tự quyết định thể chế chính trị trên cơ sở tự nguyện của toàn thể nhân dân bằng hình thức phổ thông đầu phiếu.
Kế thừa và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về quyền tự quyết dân tộc, Đảng ta khẳng định khi các thế lực đế quốc, thực dân xâm lược nước ta, nô dịch, áp bức dân tộc ta thì chúng ta thực hiện đấu tranh để giành độc lập dân tộc, giành lấy bình đẳng dân tộc, thực hiện quyền tự quyết của dân tộc mình. Trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đảng ta khẳng định “Mục đích cuộc kháng chiến của ta hiện nay là thực hiện quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam: dân tộc Việt Nam tự quyết định lấy số phận của mình, tự mình định lấy chế độ mà mình ưa thích. Dân tộc Việt Nam, đa số và thiểu số, tự giác và tự nguyện đoàn kết chặt chẽ thành một quốc gia để bảo vệ quyền đó. Không thể đặt vấn đề các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tách rời khỏi nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam”(21). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà chúng ta tiến hành chính là để thực hiện quyền dân tộc tự quyết, đưa nước ta trở thành nước độc lập tự do. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, chúng ta đã thực hiện tốt quyền dân tộc tự quyết của mình. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang lợi dụng bối cảnh mới của thế giới, đặc biệt là xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa để đe dọa đến quyền tự quyết dân tộc ở Việt Nam. Chúng đang thông qua việc chúng ta tham gia vào các thiết chế kinh tế, chính trị khu vực và quốc tế với việc đặt ra những điều kiện nhất định để chúng ta được gia nhập nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đe dọa đến quyền tự quyết định thể chế chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Chúng đã ra những mồi nhử về kinh tế như được vay vốn, được những ưu đãi về kinh tế... với những điều kiện can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Do đó, chúng ta phải tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để tranh thủ, tận dụng những cơ hội, thời cơ do hội nhập quốc tế mang lại nhưng cũng phải cảnh giác, tỉnh táo tránh tình trạng mất quyền tự quyết dân tộc trong bối cảnh mới rất phức tạp hiện nay. Việc đấu tranh bảo đảm quyền tự quyết dân tộc mà V.I.Lênin nói đến vẫn đang được đặt ra một cách thường trực hiện nay.
Hiện nay, để tìm cách chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch đã đánh tráo khái niệm rằng, V.I.Lênin đã nói đến quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do phân lập để thành lập nhà nước riêng. Do đó, chúng kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đòi thành lập nhà nước riêng, kích động cho ly khai, tự trị. Các thế lực thù địch, phản động và tôn giáo cực đoan lưu vong ở nước ngoài đang thực hiện âm mưu lợi dụng “quyền dân tộc tự quyết” của người bản địa để hình thành các vùng đất tự trị trong lòng đất nước Việt Nam. Chúng kích động một bộ phận đồng bào Khmer ở vùng Tây Nam Bộ đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”; kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên đòi thành lập “Nhà nước Đềga”, kích động một bộ phận đồng bào Chăm đòi thành lập “Vương quốc Chămpa”, kích động một bộ phận đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc đòi thành lập “Vương quốc Mông” nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từng bước tiến tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Nhận thức đúng tư tưởng của V.I.Lênin về quyền tự quyết dân tộc chúng ta kiên quyết đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch này.
Trước hết, về mặt lý luận, pháp luật, chúng ta thấy cả tư tưởng của V.I.Lênin và luật pháp quốc tế đều khẳng định quyền tự quyết dân tộc thì dân tộc ở đây với tư cách là quốc gia dân tộc. Chúng ta cần phân biệt rõ quyền tự quyết dân tộc với quyền của người dân tộc thiểu số. Quyền tự quyết dân tộc là một quốc gia dân tộc bị một quốc gia khác áp bức trở thành thuộc địa, phụ thuộc được quyền tự do phân lập về mặt chính trị thành một quốc gia độc lập. Quyền đó khác với việc các thế lực đánh tráo khái niệm nói rằng V.I.Lênin ủng hộ quyền tự quyết dân tộc có nghĩa là một dân tộc tộc người nào đó trong một quốc gia có thể tách ra trở thành quốc gia riêng. Dân tộc thiểu số cùng với các dân tộc tộc người trong quốc gia đó tham gia vào việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc chung của quốc gia mà họ đang sống nhưng không phải là một tộc người đòi tách ra thành quốc gia riêng. Pháp luật quốc tế cũng đã khẳng định điều này. Pháp luật quốc tế đã nói đến quyền của người dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Hai văn kiện quốc tế nền tảng ghi nhận các quyền của con người đều khẳng định người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử. Trong Điều 2, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 đã khẳng định “Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3). Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 ghi: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này” (Điều 1). Như vậy rất nhiều văn bản pháp luật quốc tế thừa nhận quyền của người dân tộc thiểu số trên tất cả các mặt tương đương như người dân tộc đa số trong quốc gia đó, nhưng không có bất cứ một quy định của pháp luật quốc tế nào cho rằng một nhóm dân tộc thiểu số ở một quốc gia nào đó có quyền được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập.
Như vậy, quyền tự quyết dân tộc không phải là một tộc người trong một quốc gia trong điều kiện bình thường ổn định đòi thành lập quốc gia riêng. Hơn nữa, ở Việt Nam không có áp bức giữa tộc người này với tộc người khác. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc, các tộc người ở Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí chúng ta có nhiều chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Các dân tộc ở Việt Nam bình đẳng, đoàn kết cùng phát triển nên không có cơ sở để nói đến quyền tự quyết dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Cần khẳng định rằng việc một tộc người nào đó đòi tách ra thành quốc gia riêng sẽ không có lợi cho dân tộc thiểu số đó cũng như cho cả nhân dân Việt Nam. Đó chỉ là âm mưu kéo lùi sự phát triển của Việt Nam, cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, chúng ta cần hiểu đúng đắn, sâu sắc, đầy đủ tư tưởng của V.I.Lênin để đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng, cái gọi là quyền dân tộc tự quyết của các thế lực thù địch để chống phá Việt Nam.
___________________________________
(1) V.I.Lênin (1980), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T.25, tr.303.
(2), (4), (15) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.27, tr.327, 338 -339, 84.
(3), (5), (8), (10), (11), (13), (14), (16), (19) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.25, tr.317, 317, 341, 84, 336, 84, 335, 322, 338.
(6), (7), (9) V.I.Lênin, Những vấn đề chính sách dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.55, 83, 42.
(12), (17), (18) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.30, tr.53, 38, 41.
(20) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.24, tr.78.
(21) ĐCSVN (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.12, tr.140.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 27.7.2020
Bài liên quan
- Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
- 3 10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
- 4 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 5 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 6 Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quyết tâm gìn giữ, vun đắp quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, liên tục phát triển
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục phát huy, giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận