Vai trò của tầng lớp trung lưu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam hiện nay
Sau hơn 35 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh, bền vững, phát triển văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế cũng đang diễn ra những biến đổi rõ rệt trong cấu trúc xã hội: từ cấu trúc xã hội - nhân khẩu (dân số, lao động) đến cấu trúc xã hội - nghề nghiệp,… theo hướng đa dạng hóa với sự xuất hiện nhiều nhóm nghề nghiệp mới như nhóm doanh nhân, chuyên gia và những người có trình độ chuyên môn cao,… thường tập trung ở các đô thị lớn.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng làm gia tăng sự phân hóa giàu - nghèo và phân tầng xã hội. Kết quả của các cuộc điều tra mức sống dân cư (ĐTMSDC) cho thấy khoảng cách thu nhập giữa nhóm nghèo và nhóm giàu ngày một “doãng rộng”. Một bộ phận dân cư có mức sống khá giả, dưới tên gọi tầng lớp trung lưu (TLTL) đã xuất hiện. Điều này đánh dấu bước phát triển mới của cấu trúc xã hội nước ta trong thời kỳ đổi mới. Cấu trúc xã hội “2 giai - 1 tầng” trước kia, giờ đây đã được mở rộng thành cấu trúc “2 giai - nhiều tầng”(1).
1. Khái niệm và đặc điểm của tầng lớp trung lưu
Khái niệm “tầng lớp trung lưu” được dịch từ cụm từ “middle class” (giai cấp trung lưu) và đã được đề cập trên nhiều sách, báo khoa học xã hội thế giới và Việt Nam những năm gần đây. Các nhà kinh tế học định nghĩa TLTL là tập hợp những người có mức thu nhập khá giả trong các tầng lớp xã hội, như một chủ thể kinh tế độc lập, phân biệt với (nằm giữa) nhóm giàu có và nhóm nghèo xét theo mức thu nhập của các chủ thể này. Các nhà xã hội học xem TLTL là một bộ phận trong cấu trúc phân tầng xã hội, là tầng lớp nằm “giữa” nhóm nghèo và nhóm giàu, góp phần “trung hòa” hoặc giảm nhẹ sự phân hóa giàu nghèo, phân cực xã hội. Xã hội nào có quy mô TLTL chiếm tỷ trọng càng lớn trong dân cư thì thường có mức độ phân cực xã hội càng ít hơn, hoặc có cơ hội bảo đảm sự đồng thuận xã hội cao hơn. TLTL cũng sẽ nuôi dưỡng, phát triển một văn hóa riêng, hiện đại, hợp lý, kế thừa các giá trị truyền thống và đề cao các giá trị mới, hiện đại, từ đó nâng cao vốn con người, thông qua học vấn và chuyên môn hóa sâu những nghề nghiệp của một xã hội hiện đại và phát triển(2).
Đặc trưng tiêu biểu của TLTL gồm: (1) có nền tảng giáo dục, học vấn rất tốt; (2) có cơ sở kinh tế cơ bản và tri thức lập nghiệp; (3) tương đối giàu có, chấp nhận phát triển kinh tế; (4) có khả năng lôi kéo và đem đến cơ hội việc làm cho tầng lớp nghèo; (5) dễ trở thành một tầng lớp chuyên gia có trình độ chuyên nghiệp; (6) có một phần tài sản cố định(3).
Về thu nhập, từng tầng trong TLTL được phân theo 3 mức: TLTL cao, TLTL giữa và TLTL thấp. Tương ứng 3 phân nhóm này, các học giả phương Tây còn sử dụng những tên gọi khác như: nhóm công nhân cổ trắng; công nhân cổ xanh (white/ blue colors); giai cấp/tầng lớp quản lý (managerial class); TLTL cũ / TLTL mới (old/new middle class).
Do tính mở và cơ động rất mạnh của các xã hội hiện đại nên các tiêu chí xác định TLTL thường có tính co giãn khá cao. Theo cách hiểu chung nhất, TLTL là những người có mức sống trung bình, chưa thuộc về tầng lớp trên cùng (giàu có), cũng không thuộc tầng lớp dưới cùng (nghèo khổ) của hệ thống phân tầng xã hội. Song, cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn về các tiêu chí chung phân tách 3 nhóm: nghèo - trung lưu - giàu có. Do đó, các tiếp cận đa chiều đòi hỏi các thành viên của TLTL cần phải có học vấn trung bình trở lên, hoặc không bao gồm những người làm lao động giản đơn, không có chuyên môn. Với mức thu nhập và học vấn như vậy, TLTL được được kỳ vọng sẽ có những mô hình hành vi ứng xử về văn hóa, xã hội hay lối sống tương xứng và qua đó tương tác tích cực với các quá trình phát triển.
Quá trình hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế ở châu Á có những đặc điểm rất khác so với ở các quốc gia phương Tây - nơi hiện đại hóa diễn ra tuần tự, trong vài thế kỷ. Ở châu Á, hiện đại hóa bắt đầu muộn hơn nhưng lại diễn ra trong khoảng thời gian ngắn hơn dưới hình thức “công nghiệp hóa rút ngắn”. Quá trình này, cùng với các dòng di cư nông thôn - đô thị ở châu Á tăng mạnh, dẫn đến kết quả là TLTL đô thị đầu tiên có sự hòa trộn rất nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau. Hơn nữa, họ thường là cư dân từ nông thôn ra đô thị lập nghiệp, nhưng vẫn để bố mẹ ở lại, và do vậy, vẫn còn bảo lưu nhiều giá trị nông thôn của mình. TLTL châu Á có nhiều đặc điểm chung, song cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào nhiều nhân tố như những tiền đề của hiện đại hóa, quá trình tăng trưởng kinh tế, các chương trình chính sách mà chính phủ theo đuổi và những điều kiện môi trường. Vì vậy, từ các đặc điểm của họ, có thể thấy được sự đa dạng của TLTL ở châu Á.
Tuy nhiên, theo cách hiểu chung nhất, TLTL ở châu Á ra đời trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thông qua sự cơ động xã hội đi lên trong cơ cấu phân tầng xã hội và có nguồn gốc xã hội rất đa dạng. Những khác biệt giữa các nước về các tiền đề cho phát triển và các chính sách phát triển, về cơ cấu xã hội trước đó, đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến đặc điểm của TLTL, thậm chí ảnh hưởng cả đến thái độ chính trị của họ. TLTL châu Á đang chiếm giữ những vai trò nhất định trong quan hệ với nhà nước, đặc biệt trong tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy dân chủ hóa xã hội, tham gia chính trị ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm phát triển mỗi nước(4).
2. Vai trò của tầng lớp trung lưu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Tầng lớp trung lưu đã và đang chiếm giữ những vai trò nhất định trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước. Hiểu biết được đặc điểm và vai trò của TLTL Việt Nam hiện nay cũng như trong thập niên này (đến năm 2030) sẽ góp phần hỗ trợ cho việc hoạch định các chính sách liên quan đến cấu trúc xã hội và sự phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.
Quy mô của TLTL nước ta đang ngày càng lớn. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra những con số về tỷ lệ TLTL trong dân số nước ta hiện dao động trong khoảng trên dưới 30%. Căn cứ vào nhiều kết quả nghiên cứu cũng như mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, dự báo đến năm 2030, TLTL nước ta có thể chiếm từ 50-55% dân số cả nước.
Đặc điểm về cấu trúc nghề nghiệp của TLTL ở Việt Nam hiện nay là: chủ yếu bao gồm những người làm việc trong các nhóm nghề nghiệp “cũ”, hay còn mang thuộc tính của TLTL “cũ” nhiều hơn là làm việc trong các nhóm nghề nghiệp “mới”, thuộc về TLTL mới. Song, cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và tăng cường ứng dụng công nghệ số của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dự báo đến năm 2030, cấu trúc của TLTL sẽ có những chuyển dịch theo xu hướng chung là: tỷ trọng các nhóm nghề nghiệp mới, hiện đại (TLTL mới) sẽ tăng nhanh, nhóm TLTL cũ sẽ giảm; tỷ trọng của 2 nhóm này ngày càng tiến đến cân bằng hơn(5).
Đặc biệt, các nhóm nghề nghiệp “mới”, có trình độ chuyên môn cao và trung bình sẽ tăng nhanh nhất do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động loại này. Vào các thập niên tiếp theo 2030, 2040, tương quan giữa hai nhóm TLTL cũ và mới sẽ được đảo ngược, khi Việt Nam đạt tới các mục tiêu “Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(6). Đây cũng là thời điểm xã hội Việt Nam được “trung lưu hóa” với tỷ lệ TLTL chiếm từ 75-80% như ở các nước phát triển, thu nhập cao trên thế giới hiện nay.
Sự xuất hiện và phát triển của TLTL là một bước phát triển mới của cấu trúc xã hội nước ta trong thời kỳ đổi mới. Đây là lực lượng kinh tế quan trọng, có khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế, cả trong sản xuất và tiêu dùng, cả cung và cầu, trong mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Về phát triển văn hóa - xã hội, họ cũng sẽ là lực lượng đi đầu trong việc hình thành một lối sống mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa - lối sống của một xã hội đang hiện đại hóa.
Tầng lớp trung lưu với phát triển kinh tế
Trong cấu trúc của TLTL, bên cạnh những thành phần như trí thức, quản lý, người có chuyên môn cao, viên chức,… phải kể đến bộ phận TLTL là doanh nhân, chủ các doanh nghiệp tư nhân - những người có đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ có nguồn vốn lớn để phát triển các yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh như vốn con người, vốn tri thức, kỹ thuật, quản lý… Ngoài ra, họ còn đóng thuế cho ngân sách và tạo việc làm.
Ở khu vực nông thôn, một bộ phận người trung lưu là chủ các trang trại, vừa tạo việc làm, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa dẫn dắt người lao động nông thôn giảm nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới.
TLTL có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, là lực lượng mới thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường(7). Đóng góp của TLTL cho quá trình phát triển kinh tế, thể hiện ở một số điểm nổi bật sau:
Cung ứng lao động trình độ cao
Đây là đóng góp có ý nghĩa nhất của TLTL đối với phát triển kinh tế. Các thành viên TLTL thường có học vấn cao, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn và do đó, đóng góp của họ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng tăng cả về lượng và chất. Đây cũng là đặc điểm giúp nâng cao vai trò, vị thế của TLTL trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế nước ta sẽ ngày càng cần nhiều hơn nguồn nhân lực trình độ cao mà các gia đình trung lưu sẽ là nguồn cung tiềm năng to lớn.
Mức tiêu dùng cao kích thích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển
Bên cạnh những nguồn lực “đầu vào” cho phát triển kinh tế, TLTL còn là những đơn vị tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế. Theo các nhà kinh tế, mức tiêu dùng của TLTL là cấu thành chính của “cầu” nội địa và là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Trong cơ cấu tiêu dùng, ngoài các nhu cầu cơ bản, TLTL còn chú ý đến việc nâng cấp nhà ở và tiện nghi, việc học hành, nâng cao trình độ của bản thân và con cái. Chẳng hạn nghiên cứu cho thấy trên 60% các gia đình trung lưu có kế hoạch nâng cấp nhà ở, có dự định mua sắm, chuyển đổi tiện nghi đắt tiền như ô tô, xe máy,… trong 5 năm tới. Tiếp đến là các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí cao như du lịch trong, ngoài nước,… Với mức tiêu dùng lớn, TLTL cũng là những người đi đầu trong sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử, phát triển ứng dụng công nghệ số vào các dịch vụ sản xuất kinh doanh và đời sống(8).
Quá trình hiện đại hóa cùng với sự mở cửa các loại thị trường, như thị trường chứng khoán và tín dụng, thị trường bất động sản,... cùng với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đang góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh về kinh tế của TLTL ở Việt Nam. Đến lượt nó, TLTL cũng tác động trở lại, làm cho các thị trường trở nên đa dạng, sôi động, gia tăng sức sống của nền kinh tế.
Nâng cao năng suất lao động
TLTL, đặc biệt là nhóm doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng cao hơn để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong một xã hội CNH, HĐH, tầng lớp trung lưu - doanh nhân thường là những người dám mạo hiểm, đi đầu trong đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới, tin học, công nghệ số để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bộ phận TLTL là những người làm lao động quản lý, điều hành hay nhân viên có trình độ chuyên môn cao, làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng chất xám cao như viễn thông, ngân hàng, chứng khoán, logistic,… cũng góp phần nâng cao đáng kể năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, giúp cho nền kinh tế trở nên năng động, hiện đại, đa dạng về sản phẩm và chất lượng hàng hóa, dịch vụ...
Tạo ra nguồn thu thuế quan trọng
TLTL lớn mạnh thì quy mô sản xuất kinh doanh của họ cũng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, tạo ra nhiều của cải, lợi nhuận của doanh nghiệp càng cao. Điều này khiến quy mô đóng góp của họ vào ngân sách càng lớn, thông qua các loại thuế và phí. TLTL càng lớn mạnh thì vai trò kinh tế của họ - nguồn đóng thuế quan trọng vào ngân sách nhà nước càng nổi bật.
Những đóng góp cho phát triển kinh tế sẽ ngày càng được tăng cường như một xu hướng tất yếu, cùng với sự lớn mạnh của TLTL. Qua đó khẳng định rõ nét hơn vị thế và vai trò của tầng lớp này trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, góp phần đưa Việt Nam vươn lên đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” trong những thập niên tới.
Tầng lớp trung lưu với phát triển văn hóa
Trong lĩnh vực văn hóa, TLTL góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Họ vừa là chủ thể sản xuất, vừa là người tiêu dùng văn hóa một cách chủ động, tích cực. Tính trung lưu trong tham gia các hoạt động văn hóa là do họ sẵn có những điều kiện thuận lợi hơn so với các gia đình nghèo và cận nghèo. Qua đó, họ vừa thụ hưởng, vừa tham gia phát triển đời sống văn hóa chung, với quy mô lớn và tính đa dạng. Vai trò này có thể kích thích sự phát triển các hoạt động văn hóa, tạo ra những “khuôn mẫu” văn hóa, hình thành những hệ giá trị, chuẩn mực mới mang tính tiến bộ, hiện đại trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần của cộng đồng và xã hội.
Bên cạnh các cá nhân là thành viên của TLTL, các “gia đình trung lưu” được xem là nơi lưu giữ các khuôn mẫu lối sống của những đơn vị xã hội quan trọng của TLTL, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước hiện nay và trong những thập niên tới. Nghiên cứu cho thấy, trong số những hoạt động được TLTL ưu tiên thực hiện gần đây, tỷ lệ ưu tiên cao nhất (50-70%) của họ là: củng cố sức khỏe cho các thành viên gia đình; củng cố điều kiện sống, nhà ở, tiện nghi; đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình; nâng cao học vấn, chuyên môn cho con cái. Đây là những yếu tố đầu vào quan trọng của vốn con người và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế.
Tuy vậy, với các hoạt động gắn kết gia đình và cộng đồng xã hội bên ngoài, như: nâng cao đời sống tinh thần, học vấn, xây dựng hình ảnh gia đình, vai trò gia đình trong dòng họ và cộng đồng,… mức độ ưu tiên của họ với các hoạt động khá thấp. Sự thiếu cân đối này là một hạn chế so với yêu cầu phát triển cân bằng và hài hòa giữa các yếu tố vật chất và tinh thần, giữa các quan hệ bên trong - bên ngoài gia đình, giữa những giá trị truyền thống - hiện đại trong quá trình phát triển hiện nay. Trong khi đó, TLTL thường được kỳ vọng không chỉ là những gia đình khá giả về kinh tế, mà còn là những “hạt giống tinh thần” khỏe mạnh trong đời sống văn hóa - xã hội và thúc đẩy quá trình phát triển văn hóa quốc gia(9).
Thực tế này là do bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi, trong đó TLTL là những chủ thể đồng thời “mang” cả hai loại giá trị truyền thống và hiện đại. Sự thiếu nhất quán giữa các vị thế kinh tế - văn hóa - xã hội của TLTL ở Việt Nam cũng phản ánh quan niệm hay “tự ý thức” về họ vẫn là một giai tầng xã hội đang trưởng thành, đang từng bước khẳng định vị thế vai trò của mình. Nói cách khác, TLTL ở Việt Nam vẫn chưa đạt tới một “văn hóa giai tầng” điển hình, trong vai trò của một chủ thể quan trọng, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước như kỳ vọng.
Vai trò của tầng lớp trung lưu trong phát triển xã hội
TLTL thường thể hiện vị thế xã hội của mình thông qua tính tích cực xã hội hay sự tham gia xã hội của họ trong lĩnh vực phát triển xã hội. Đáng lưu ý là họ có nhiều hoạt động mang tính phản biện xã hội tương ứng với tính tích cực xã hội cao như: đóng góp ý kiến cho các cơ quan chức năng (bằng văn bản hay tại các cuộc họp chính thức); tham gia hoạt động phòng chống tham nhũng; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tham gia các hội nghề nghiệp; viết bài bày tỏ ý kiến...
Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, mức độ tích cực xã hội của họ còn hạn chế, thể hiện ở tỷ lệ khá thấp (khoảng 3%) những người thuộc TLTL“viết đơn thư bày tỏ ý kiến, kiến nghị gửi các cơ quan chức năng” hoặc “viết bài gửi các phương tiện thông tin đại chúng”. Thậm chí khoảng 1/3 số người trung lưu được hỏi thể hiện sự thờ ơ hoặc hoài nghi đối với việc giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc với các ý kiến như: “không làm gì vì không quan tâm”, “không làm gì vì không tin là giải quyết được”(10).
Như vậy, bên cạnh việc ghi nhận vai trò tích cực nhất định của TLTL trong lĩnh vực phát triển xã hội, nghiên cứu cũng cho thấy những hạn chế khiến TLTL chưa có được tính tích cực xã hội cao, đầy đủ trước những đòi hỏi của thực tiễn phát triển xã hội hiện nay. Tuy vậy, cùng với thời gian, họ sẽ nhận thức và hành động đầy đủ hơn về trách nhiệm xã hội của mình như một phẩm chất tích cực của TLTL trong quá trình phát triển xã hội.
Một số vấn đề về ý thức chính trị của tầng lớp trung lưu
Từ góc độ lý luận, sự xuất hiện của TLTL ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới gần đây có thể xem như một bước chuyển cả trong thực tế và trong nhận thức về các thành phần của cơ cấu xã hội nước ta hiện nay.
Về kinh tế, TLTL là lực lượng năng động, có ý thức và hoạt động kinh tế thị trường mạnh nhất. Phần lớn họ đều có ý thức tự lập tự cường, có tinh thần ham học hỏi, sáng tạo. Song cũng như bất kỳ giai cấp và tầng lớp nào khác, giữa các thành viên, các nhóm bên trong nó đều có những xu hướng khác biệt, không thuần nhất về lợi ích. Vì thế, cần thông qua việc xây dựng các chế độ chính sách để TLTL (đặc biệt là giới doanh nhân, chủ doanh nghiệp) gia tăng trách nhiệm với xã hội, thực hiện hài hòa lợi ích các bên, góp phần bảo đảm sự ổn định để phát triển.
Bên cạnh sức mạnh kinh tế, TLTL cũng đang thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong nhiều lĩnh vực. Ngày càng nhiều người thuộc TLTL tham gia vào những hoạt động công ích, thiện nguyện và từ thiện xã hội, đóng góp tích cực cho lĩnh vực an sinh xã hội dưới nhiều hình thức. Sự lớn mạnh của TLTL cũng sẽ góp phần “hóa giải”, giảm nhẹ các mâu thuẫn xã hội, phân cực giàu - nghèo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy quá trình “trung lưu hóa” và xây dựng một xã hội phát triển, giàu mạnh, văn minh.
Trong một nghiên cứu về TLTL Việt Nam, Victor T. King và các đồng nghiệp Việt Nam (năm 2008) đã đề cập đến vấn đề bản sắc chính trị của nhóm TLTL trẻ. Họ đưa ra nhận định rằng, đối với TLTL trẻ, mới nổi ở các đô thị Việt Nam, “… cho đến thời điểm nghiên cứu (năm 2004), có rất ít bằng chứng cho thấy nhóm TLTL trẻ này đang phát triển một bản sắc chính trị riêng vì họ vẫn tiếp tục gắn bó với lĩnh vực việc làm và giáo dục thuộc khu vực nhà nước, giống như các thế hệ cha anh họ trước đây”(11). Tuy nhiên, gần 20 năm đã trôi qua từ cuộc nghiên cứu này và trong thập niên tới, vị thế, vai trò của TLTL Việt Nam có thể sẽ khác.
Tầng lớp trung lưu nước ta hiện bao gồm nhiều nhóm nghề nghiệp đa dạng, từ doanh nhân đến cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà chuyên môn, công nhân, nhân viên trình độ cao,… Nhiều thành viên TLTL là các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý, người lao động có trình độ chuyên môn cao đã và đang tiếp tục gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần củng cố sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về mặt nhận thức, trong quá trình phát triển cả về lượng và chất, TLTL sẽ dần tự ý thức về vị thế, vai trò của tầng lớp mình. Họ có thể hình thành những tổ chức, hiệp hội, nghiệp đoàn để bảo vệ lợi ích của nhóm, tầng lớp mình. Do vậy, cần có cơ chế để họ biểu đạt và thực hiện nguyện vọng của mình.
Tuy nhiên, hầu hết các thành viên của TLTL hiện nay ở nước ta được lớn lên, trưởng thành và thụ hưởng nhiều thành quả từ công cuộc đổi mới. Nhờ đó, họ có được mức sống và điều kiện sống tương đối cao và ổn định. Vị thế, vai trò của họ ngày càng được khẳng định trong cấu trúc xã hội Việt Nam hiện nay và được củng cố trong tương lai. Vì thế, TLTL Việt Nam sẽ là lực lượng ủng hộ tích cực chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững đất nước./.
_____________________________________________________
(1) Phạm Xuân Nam, “Mấy nét sơ bộ về sự biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tạp chí Xã hội học, Số 4 (76)/2001.
(2) Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội (2004), Từ điển Xã hội học (Biên dịch từ: Gordon Marshall: Oxford Dictionary of Sociology, Oxford University Press, 1998), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
(3) Xem: Đoàn Minh Huấn và Trần Thị Minh Ngọc, Báo cáo Tổng kết Đề tài NCKH cấp nhà nước KX.02.16/11-15: Tầng lớp trung lưu trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam, năm 2015.
(4) Tamura T. Keiko: The Emergence and Political Consciousness of the middle Class in Singapore, The Developing Economies, XLI-2, June 2003, pp.161- 284.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206.
(7), (8) Hội Xã hội học Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ, “Gia đình trung lưu tại Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa”, mã số KHXH-GĐ/16/19/12, giai đoạn 2016 - 2019. Mẫu thực địa khảo sát gồm 2.200 hộ gia đình tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
(5), (9), (10) Trịnh Duy Luân, “Doanh nhân Việt Nam: từ “đội ngũ” đến “tầng lớp xã hội””, Tạp chí Xã hội học, Số 1/2010.
(11) Victor, T. King, Phuong An Nguyen and Nguyen Huu Minh: Professional middle class youth in post-reform Vietnam: identity, continuity and change, Modern Asian Studies, Vol. 42 (4), Cambridge University Press, pp. 783-813.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 13/2/2023
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
10 thành tựu nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong 10 năm (2014 – 2024)
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, qua 75 năm xây dựng và trưởng thành (1949 - 2024), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng xây dựng và phát triển, phục vụ hiệu quả sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận