Vai trò của truyền thông đại chúng trong lĩnh vực thay đổi hành vi dân số, sức khoẻ sinh sản ở nông thôn nước ta hiện nay
Hiện nay, công tác dân số ở nước ta đang chuyển sang giai đoạn mới: nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu thì: truyền thông có vai trò tác động đột phá vào quá trình làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi dân số/ sức khỏe sinh sản (DS/SKSS) của người dân. Do vậy, trong những năm qua chúng ta đã dành ưu tiên đầu tư cho việc chuyển tải các thông điệp về DS/SKSS từ truyền thông đại chúng (TTĐC) đến truyền thông trực tiếp tới các nhóm dân cư trong cả nước. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông vẫn còn nhiều trở ngại, bất cập, làm giảm mức độ hiệu quả của truyền thông DS/SKSS, nhất là loại hình truyền thông đại chúng tại khu vực nông thôn.
Về thực trạng tác động của truyền thông đại chúng về DS/SKSS ở vùng nông thôn nước ta hiện nay, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ khảo sát và phân tích ở ba loại phương tiện truyền thông đại chúng cơ bản: báo viết, đài phát thanh và truyền hình. Qua nghiên cứu thực trạng tác động của các thông điệp về vấn đề DS/SKSS trên các phương diện truyền thông đại chúng tiêu biểu của Trung ương và địa phương ở Yên Bái và Long An (Đài truyền hình Trung ương, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Gia đình & Xã hội, báo Phụ nữ Việt Nam..., các đài phát thanh, truyền hình, báo viết của tỉnh Yên Bái và Long An) tới người dân vùng nông thôn Yên Bái và Long An, chúng tôi nhận thấy: bên cạnh những kết quả đã đạt được thì TTĐC đang gặp phải hàng loạt khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy tốt vai trò của nó trên lĩnh vực làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân nông thôn về DS/SKSS. Qua khảo sát cho thấy:
1. Thông điệp truyền thông DS/SKSS qua Đài truyền hình:
Hiện nay sóng của Đài Truyền hình Trung ương có khả năng bao phủ khoảng hơn 80% vùng dân số cả nước. Từ năm 2002 - 2005, các nội dung về DS/SKSS đã được chuyển tải thường xuyên và đều đặn trong các chuyên mục riêng của kênh VTV2, VTV1 Đài truyền hình Trung ương như: Dân số và phát triển (VTV2); Văn hóa ứng xử (VTV2); Sức khỏe cho mọi người (VTV2); Tạp chí Gia đình (VTV2); Giáo dục công dân (VTV2); Dân số (VTV1); Dân tộc miền núi (VTV1); Phụ nữ (VTV1); Văn hóa xã hội (VTV1); Chính sách cuộc sống... Ngoài các chuyên đề riêng, những nội dung liên quan đến vấn đề DS/SKSS còn được lồng ghép tuyên truyền vào hàng loạt các chương trình khác như các trò chơi, giải trí, thời sự... trên truyền hình. Có thể nói, các thông điệp chuyển tải về nội dung DS/SKSS được truyền hình phản ánh khá đa dạng, phong phú và kịp thời. Dù vậy, vẫn còn một bộ phận khá lớn người dân nông thôn lại chưa có nhận thức, cơ hội và kỹ năng tiếp nhận vấn đề DS/SKSS qua truyền hình.
ở khu vực nông thôn của hai tỉnh trong mẫu kghảo sát có 70,8% số gia đình có ti vi, số người được hỏi đã xem các chương trình truyền hình chỉ có 41,2% thường xuyên; 37,8% xem “vài lần/ tuần”; 12,8% “rất ít khi xem”; và 8,2% “không xem”. Trong nhóm 41,2% người “thường xuyên xem tivi” có 68,6% trả lời họ nhận thức được về các thông tin liên quan đến DS/SKSS từ đài truyền hình. Nhóm “xem vài lần/ tuần” có 20,1%; nhóm người “rất ít xem” là 8%; còn nhóm người “không xem” là 2%.
2. Thông điệp truyền thông DS/SKSS qua đài Phát thanh:
Hiện nay, Đài tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng khoảng 90% vùng dân số cả nước. Ngoài chuyên mục chính mang chủ đề: Dân số - tài nguyên - môi trường đã thực hiện trên 10 năm nay, còn có rất nhiều chương trình phát thanh đã chuyển tải các thông điệp về DS/SKSS như các chương trình về nông dân, phụ nữ, các bản tin thời sự... đặc biệt là chuyên mục riêng với tên gọi Gia đình- xã hội được phát sóng trên hệ 1 vào lúc 22h30 hàng ngày với thời lượng là 15 phút. Chương trình này đã xây dựng hai chuyên mục chính liên quan đến SKSS là Hành trang tiến tới hôn nhân (phát vào thứ 3, thứ 5) và SKSS (phát vào tối thứ 2, thứ 4).
Trong các địa bàn khảo sát trên, số gia đình có radio-catsét là 43,8%. Tỷ lệ người nghe đài phát thanh “hàng ngày” là 22,6%; “vài lần trong một tuần” là 17,0%; “rất ít khi” là 17,0%; và “hoàn toàn không” là 43,3% . Trong số người nghe đài “hàng ngày” có 55,0% khẳng định họ hiểu biết kiến thức về DS/SKSS từ Đài phát thanh; nhóm người nghe đài “vài lần trong một tuần” là 13,1%; “rất ít khi” là 4,1; người “hoàn toàn không” nghe đài là 0,5%.
3. Thông điệp truyền thông DS/SKSS qua các báo viết:
Hiện nay, nước ta có hơn 600 báo và tạp chí được phát hành rộng rãi tới tất cả các vùng nông thôn trong cả nước. Tuy nhiên, thói quen đọc báo chủ yếu chỉ là đội ngũ cán bộ và một số ít gia đình có điều kiện.
Các báo Gia đình và Xã hội, Phụ nữ Việt Nam, Sức khỏe và Đời sống, Tiền phong và nhiều báo khác đã đăng tải các tin, bài viết liên quan đến lĩnh vực DS/SKSS một cách thường xuyên và đều đặn. Đặc biệt, báo Gia đình & Xã hội mỗi tuần phát hành 3 kỳ, với số lượng lớn. Mỗi số báo thường có từ 5 đến 11 tin, bài viết về lĩnh vực DS/CSSKSS. Báo Phụ nữ Việt Nam phát hành hàng tuần, chỉ tính từ tháng 1.2002 đến 9.2002 đã có 108 bài viết về DS/SKSS, với các chủ để về Tuổi dậy thì, SKSS vị thành niên, giáo dục giới tính và tình dục, chế độ ăn uống của bà mẹ khi mang thai, vấn đề tình dục của phụ nữ sau khi sinh con...
Kết quả khảo sát có 4,4% số người được hỏi có đọc báo “hàng ngày”; 10,2% đọc báo “vài lần/tuần”; 10,1% “rất ít khi” đọc báo; 73,8% “không đọc” báo. Trong nhóm người đọc báo “hàng ngày” có 89% số người biết các kiến thức về DS/SKSS một phần từ đọc báo; nhóm người đọc báo “vài lần/tuần” là 56%; nhóm người “rất ít khi đọc” báo là 12,3%; còn nhóm người không bao giờ đọc báo thì cho biết: họ không nhận thức được vấn đề DS/SKSS do báo cung cấp.
Qua phỏng vấn sâu chúng tôi nhận thấy, khi thường xuyên đọc các tờ báo có chuyển tải thông tin về DS/SKSS thì người dân có sự khẳng định khá cao về vai trò, nội dung, hình thức, hiệu quả tác động của tờ báo mà họ đọc. Nhiều cộng tác viên dân số (CTVDS) còn khẳng định báo viết cũng là nguồn tài liệu hữu ích cho truyền thông DS/SKSS gián tiếp.
Như vậy, giữa ba loại phương tiện truyền thông đại chúng: báo viết, báo hình và báo nói cho thấy tính chất mức độ và hình thức tác động khác nhau về vấn đề DS/SKSS lên người dân nông thôn. Đài phát thanh có khả năng phủ sóng lớn hơn đài truyền hình, phù hợp cho người biết chữ và không biết chữ. Tuy nhiên, số hộ gia đình có radio - catset lại thấp hơn so với hộ có ti vi. Đồng thời, nhu cầu, thời gian và mức độ xem truyền hình của người dân nông thôn cũng cao hơn so với nghe đài. Vì thông tin về DS/SKSS của truyền hình có tính chất hấp dẫn lôi cuốn hơn so với nghe đài phát thanh. Như vậy, đài truyền hình đang chiếm ưu thế hàng đầu trong truyền thông về DS/SKSS tới người dân nông thôn. Tuy nhiên, chi phí truyền thông DS/SKSS trên đài phát thanh lại rẻ hơn, phương tiện thu thanh đơn giản, nhiều gia đình nông dân có khả năng mua hơn so với truyền hình. Còn đối với báo viết bên cạnh hạn chế giới hạn về đối tượng có thể tiếp cận được, nhưng có thế mạnh là tác động đi vào chiều sâu có tính bền vững cao.
Từ những khảo sát trên cho thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng ở nước ta đã quan tâm tập trung chuyển tải các thông điệp về DS/SKSS tới người dân, đóng vai trò không thể thiếu được trong việc góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi về DS/SKSS của người dân nông thôn. Tuy nhiên đối với người dân nông thôn, một tỷ lệ không nhỏ chưa thực sự có nhiều điều kiện cơ hội, thói quen và kỹ năng tiếp cận, xử lý các thông điệp về DS/SKSS do truyền thông đại chúng cung cấp.
Một số nguyên nhân làm giảm hiệu quả, vai trò của truyền thông đại chúng về DS/SKSS ở nông thôn nước ta hiện nay
1. Hạn chế về nhận thức, nhu cầu và điều kiện lao động của người dân nông thôn
- Trình độ học vấn ở vùng nông thôn, nhất là ở những khu vực có nhiều khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa... còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Có tới 45,7% số người được hỏi chỉ có trình độ học vấn tiểu học trở xuống. Học vấn chưa cao dẫn đến một bộ phận dân cư nông thôn không nhận thức hết vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống.
- Do hạn chế về học vấn nên một bộ phận dân cư không phân tích, xử lý các thông điệp về DS/SKSS từ truyền thông đại chúng. Điều đó làm giảm tính hiệu quả của quá trình truyền thông DS/SKSS trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Nhu cầu, thói quen tiếp nhận các thông điệp từ truyền thông đại chúng để tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho cuộc sống nói chung và vấn đề DS/SKSS nói riêng của người dân ở khu vực nông thôn còn thấp so với đô thị. Điều này cũng làm cho vai trò của truyền thông đại chúng trong việc tác động thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi về DS/SKSS đối với người dân nông thôn chưa được phát huy tốt.
Những người có nhu cầu cao về hiểu biết kiến thức DS/SKSS thì đồng thời cũng là những lao động chính trong gia đình (15 - 49 tuổi). Họ thường phải lao động thời gian dài trong ngày nên rất ít có thời gian để nắm bắt các thông điệp từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều kiện và thời gian lao động còn ảnh hưởng bởi tính “khép kín” ở nông thôn, người dân ít có cơ hội trong việc tiếp cận các tri thức nói chung và hiểu biết về DS/SKSS nói riêng thông qua các phương tiện, kỹ thuật truyền thông hiện đại.
2. Những hạn chế mang tính chất kỹ thuật, nội dung, phương pháp chuyển tải các thông điệp về DS/SKSS của truyền thông đại chúng:
- Thời lượng và thời gian phát sóng của đài truyền hình và đài phát thanh về chương trình DS/SKSS còn ít và chưa hợp lý. Các chương trình chiếu phim nước ngoài, quảng cáo, giải trí... đang có xu hướng gia tăng và chiếm ưu thế về thời điểm có thể thu hút đông công chúng. Các thông điệp truyền thông về DS/SKSS xuất hiện và được lồng ghép còn “khiêm tốn” trên kênh VTV1, VTV3 là những kênh có chất lượng sóng tốt và có nhiều khán giả. Đài truyền hình chưa thực sự đi sâu vào khai thác truyền thông DS/SKSS thông qua lồng ghép vào các chương trình có đông khán giả theo dõi. Trong khi các chương trình riêng về DS/SKSS trên kênh VTV2 chưa thực sự thu hút được nhiều người xem. Bởi vì, thời gian chuyển tải cũng là lúc nhiều người dân đang tham gia lao động, chưa thích hợp với phần lớn dân chúng nông thôn.
- Các chương trình, thông điệp truyền thông về DS/SKSS còn thiếu hấp dẫn so với chương trình khác. Thậm chí, một số chương trình còn thiếu tính thẩm mỹ, nhiều khi xa lạ với truyền thống văn hóa, tâm lý của người Việt Nam, gây phản ứng xấu, nhất là đối với người dân nông thôn. Trong không ít chương trình các kỹ thuật, thuật ngữ có tính chuyên môn cao liên quan đến DS/SKSS chưa được Việt hóa, đơn giản hóa, cụ thể hóa, khu biệt hóa... Do đó, làm cho người dân nông thôn rất khó nắm bắt, ít ham thích, ít có khả năng “tự tiêu hóa” thông điệp và lại càng khó thực hiện hành vi. Hình thức truyền thông DS/SKSS còn chưa linh hoạt, thiếu sinh động. Do đó, người dân thường thích các chương trình ca nhạc, điện ảnh, thể thao và giải trí... hơn so với chương trình liên quan về DS/SKSS.
- Việc truyền thông DS/SKSS còn chưa có sự gắn kết tốt với nhu cầu thị hiếu của người dân nông thôn về truyền thông đại chúng. Kết quả khảo sát cho biết người dân nông thôn có xu hướng thích đọc một số tờ báo có tính chất “bình dân” như: Công an Nhân dân, An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Nông nghiệp nông thôn, Thể thao... Nhưng các tờ báo này lại rất ít đăng tải thông điệp DS/SKSS. Trong khi đó, các tờ báo có xu hướng chuyển tải thường xuyên thông điệp này như: Sức khỏe và đời sống, Phụ nữ Việt Nam, Gia đình và Xã hội... thì nhiều người dân ở nông thôn lại chưa biết tới. Tương tự như vậy, phần lớn người dân nông thôn có thói quen xem tivi trên các kênh VTV1,VTV3, vì có nhiều chương trình giải trí phù hợp với nhu cầu cũng như thời gian nhàn rảnh của phần lớn dân cư trong khi truyền thông DS/SKSS chủ yếu lại tập trung ở kênh VTV2...
3. Những hạn chế về nguồn lực của người dân và cộng đồng:
- Đời sống kinh tế còn gặp khó khăn cho nên không phải gia đình nào ở nông thôn nước ta cũng có thể trang bị cho mình đầy đủ phương tiện truyền thông: tivi, radio – catset, báo viết như ở các đô thị.
- Nếu có trang bị về tivi, nhưng với chi phí giá thành điện năng như hiện nay thì không phải hộ gia đình nông thôn nào cũng có khả năng xem tivi thường xuyên được.
4. Sự phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các cấp với ngành truyền thông đại chúng, văn hóa thông tin, bưu chính viễn thông và vai trò, tính tiên phong của cộng tác viên dân số trong hỗ trợ truyền thông DS/SKSS trên các phương tiện thông tin đại chúng còn chưa được quan tâm đúng mức.
- Trong khi hàng loạt các nguyên nhân như đã phân tích đang tác động mạnh mẽ tới người dân thì vai trò của UBDSGĐ & TE các cấp mà trực tiếp là cấp cơ sở và đội ngũ cộng tác viên dân số trong việc định hướng, tư vấn cho người dân hiểu về sự cần thiết và kỹ năng khai thác các thông điệp truyền thông DS/SKSS qua các PTTTĐC chưa được xác định rõ. Lực lượng cộng tác viên dân số hầu như mới chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền thông trực tiếp mà chưa nhận thức tốt vấn đề phối kết hợp với truyền thông gián tiếp. Hơn nữa họ cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc phối kết hợp truyền thông gián tiếp và truyền thông trực tiếp. Chính lý do này làm cho nhiều người dân ở khu vực nông thôn bỏ qua cơ hội tìm hiểu các thông điệp DS/SKSS trên các PTTTĐC. Những thông tin liên quan đến vấn đề DS/SKSS chưa được đội ngũ cộng tác viên dân số tư vấn, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ cho nhóm người dân có nhu cầu.
- Sự phối kết hợp hỗ trợ giữa ủy ban DSGĐ&TE với cơ quan TTĐC, văn hóa thông tin, bưu chính viễn thông trong việc truyền thông về vấn đề DS/SKSS đã đạt được những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Chẳng hạn, chưa tính tới phải có chương trình truyền thông riêng phù hợp cho đối tượng là người nông dân, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, dân tộc thiểu số; sự phối kết hợp ở UBDSGĐ & TE với các ngành văn hóa, thông tin, bưu chính viễn thông còn chưa có một cơ chế rõ ràng thống nhất trong việc cùng nhau làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi DS/SKSS. Chính điều này làm cho việc tiếp âm các chương trình truyền thông DS/SKSS trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở; dịch vụ đọc báo miễn phí ở bưu điện văn hóa xã còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, không phải ở đâu và lúc nào người dân cũng có cơ hội nắm bắt thông điệp DS/SKSS thông qua các hình thức trên các PTTTĐC.
5. Độ dài và thời gian truyền thông hướng tới mục tiêu DS/SKSS chưa hợp lý:
Lý thuyết về truyền thông khẳng định: mức độ hiệu quả của TTĐC phụ thuộc một phần quan trọng vào độ bền lâu của thời gian mà nó tiến hành. Để thay đổi thói quen, thị hiếu, nhận thức và hành vi DS/SKSS của người dân nông thôn đòi hỏi phải là một quá trình tác động thường xuyên, lâu dài và phải có sự “gia tốc” trong một thời điểm nhất định. So với nhiều vấn đề xã hội khác, mối quan tâm và thị hiếu của người dân về lĩnh vực DS/SKSS thông qua các phương tiện TTĐC chưa thể hằn sâu và mạnh mẽ. Do vậy, hiệu quả của các thông điệp về DS/SKSS trên TTĐC còn nhiều hạn chế.
6. Mức độ tham gia hỗ trợ truyền thông DS/SKSS của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở còn ít, chưa thường xuyên:
Năng lực hiểu biết và nhận thức tầm quan trọng của TTĐC trong cung cấp thông tin DS/SKSS tới người dân nông thôn của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở còn hạn chế. Qua thực tế cho thấy ở đâu mà cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nhận thức, quan tâm tiếp nhận các tri thức hiểu biết qua TTĐC thì ở đó hiệu quả của truyền thông DS/SKSS tăng lên rõ rệt. Bởi vì, thông qua sự quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền của họ vào các họat động công việc hằng ngày mà các chương trình TTĐC về DS/SKSS sẽ tác động mạnh mẽ, thường xuyên đến người dân trong cộng đồng.
Các giải pháp chủ yếu
1. Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho việc truyền thông về vấn đề DS/SKSS trên các phương tiện TTĐC. Vì muốn có hiệu quả thì truyền thông phải thường xuyên và liên tục. Hơn nữa mức độ chuyển biến đối với người dân, nhất là khu vực nông thôn về hành vi DS/SKSS là chưa cao. Trong khi đó, nhu cầu của hiểu biết và thay đổi hành vi DS/SKSS của họ lại rất lớn.
2. Phát huy lợi thế của từng phương tiện truyền thông đại chúng trong tuyên truyền vấn đề DS/SKSS
- Xác định vai trò quan trọng hàng đầu của đài truyền hình trên lĩnh vực truyền thông thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về lĩnh vực DS/SKSS để có ưu tiên thỏa đáng trong nâng cao số lượng và chất lượng chương trình. Bởi vì, truyền hình có thể truyền tin một cách cập nhật, dễ hiểu, chỉ dẫn cặn kẽ, có khả năng lôi cuốn thuyết phục cao, bởi có âm thanh, hình ảnh, màu sắc và nhất là khả năng lồng ghép DS/SKSS vào các chương trình giải trí, trò chơi trên truyền hình. Như vậy, vừa kết hợp được hai chức năng quan trọng của truyền hình là giải trí và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cuộc sống. Hình thức tiếp cận kiến thức về DS/SKSS như vậy vừa nhẹ nhàng, hấp dẫn, thích thú và nhớ lâu hơn đối với người tiếp nhận.
- Đối với đài phát thanh cần phải tăng cường xây dựng các chương trình truyền thông về DS/SKSS nhiều hơn. Bởi vì, chi phí của nó rất thấp, nhưng giá trị sử dụng lại cao. Các chương trình này cần phải phát sóng ổn định vào buổi sáng hoặc tối để hệ thống loa phóng thanh ở cơ sở chủ động tiếp âm. Từ đó người dân nông thôn sẽ có điều kiện tốt hơn để nắm bắt.
Đối với các báo viết cần phải tăng cường chuyển tải thông điệp DS/SKSS trên nhiều tờ báo khác nhau, nhất là những tờ báo gắn với nhu cầu và điều kiện của người dân nông thôn. UBDS GĐ & TE cần hỗ trợ một số đầu báo thông qua hình thức đưa báo đến điểm bưu điện văn hóa xã để người dân đọc miễn phí và nhiều người có thể cùng đọc. Từ đó mở rộng nhiều hơn đối tượng tiếp cận truyền thông DS/SKSS qua báo viết.
3. Tăng cường thời gian, quy mô truyền thông qua các chiến dịch với sự phối kết hợp cùng tham gia của tất cả các phương tiện, hình thức truyền thông: Thực tế cho thấy TTĐC tuyên truyền về DS/SKSS thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của người dân nông thôn là thông qua các chiến dịch. Do vậy, mỗi một chiến dịch như vậy cần phải phát huy tối đa vai trò của TTĐC trên các tờ báo viết, đài truyền hình và đài phát thanh của trung ương và địa phương. Cũng như đẩy mạnh sự tham gia của các PTTTĐC khác như: tờ rơi, panô, đèn chiếu, tranh ảnh... Quy mô của chiến dịch tuyên truyền DS/SKSS cần phải tập trung và thời gian kéo dài hơn, đưa nhiều nội dung tuyên truyền phong phú và đa dạng hơn. Đồng thời có sự phối kết hợp giữa chiến dịch truyền thông DS/SKSS trực tiếp và TTĐC. Như vậy, sẽ đảm bảo tính hiệu quả giữa các hình thức truyền thông này được cao, đặc biệt là khu vực nông thôn.
4. Đổi mới sự phối kết hợp giữa UBDS GĐ&TE với các cơ quan TTĐC, văn hóa thông tin, bưu chính viễn thông trong việc đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người dân nông thôn trong tiếp nhận vấn đề DS/SKSS thông qua TTĐ: Chính sự kết hợp này sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp thu vấn đề DS/SKSS từ TTĐC một cách hiệu quả hơn.
5. Nâng cao nhận thức và khả năng tuyên truyền, định hướng, tư vấn của đội ngũ cộng tác viên dân số: Vai trò của các PTTTĐC trong việc làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân nông thôn sẽ được phát huy cao hơn khi có sự phối kết hợp với đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở. Trong điều kiện dân trí, dân sinh ở nông thôn còn thấp thì vai trò của cộng tác viên dân số là rất quan trọng. Do vậy, họ cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để định hướng, tư vấn và giúp đỡ người dân trong việc tiếp nhận thông điệp về DS/SKSS qua các PTTTĐC.
6. Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm thúc đẩy vai trò của TTĐC đối với vấn đề DS/SKSS tới người dân trong cộng đồng: Việc tuyên truyền, tư vấn, hướng dân vấn đề DS/SKSS được cán bộ lãnh đạo, quản lý lồng ghép vào trong các nghị quyết, cuộc họp, dự án phát triển... ở địa phương sẽ giúp cho người dân có ý thức và khả năng tốt hơn trong tiếp nhận hiểu biết và kỹ năng về DS/SKSS từ các PTTTĐC. Vấn đề này phải được xác định là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền tháng 1,2 năm 2006
Bài liên quan
- Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
- (LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên những ứng dụng siêu kết nối và sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo), những nguồn dữ liệu khổng lồ (bigdata) len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế số là một tất yếu khách quan. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất nông nghiệp phát triển, việc xây dựng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, mà rất cần sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Từ đó, bằng sức mạnh của minh, thông tin báo chí sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, thói quen mua - bán sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh tế có quy mô lớn của nước ta hiện nay.
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.
Bình luận