(LLCT&TT) Từ trước đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ chưa được chú trọng trong các cơ sở giáo dục ở nước ta. Do vậy, nhận thức chung của xã hội về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, một số người chưa hiểu quy định pháp luật, không biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng khi sử dụng tác phẩm người khác chỉ cần ghi rõ nguồn và tác giả là đủ. Một số khác chỉ vì mục đích mua được sản phẩm với giá rẻ hơn nên chủ động tìm mua những sản phẩm bất hợp pháp để sử dụng. Một số tổ chức tự dựng bản ghi âm, ghi hình đối với tác phẩm của người khác mà không có giao ước gì với tác giả, sau đó xác nhận quyền sở hữu với bản ghi đó. Người tiêu dùng ngang nhiên mua các sản phẩm rẻ, băng đĩa được sao chép bán tràn lan trên thị trường mà không biết đó là sản phẩm vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cần được chú trọng để giảm thiểu tình trạng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay.
1. Một số nguyên tắc cơ bản bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
Công ước Berne quy định về quyền được bảo hộ bao gồm các quyền độc quyền của tác giả như quyền sao chép, quyền phân phối, quyền dịch, quyền phóng tác, quyền biểu diễn nơi công cộng, quyền kể lại trước công chúng, quyền phát sóng, quyền truyền thông tới công chúng, quyền bán lại tác phẩm nghệ thuật gốc. Đây là quyền kinh tế của tác giả, do tác giả trực tiếp thực hiện hoặc cho phép các tổ chức cá nhân khác thực hiện. Quyền tinh thần được đề cập trong Công ước là các quyền được đứng tên tác giả trên tác phẩm, không chấp nhận bất kì sự cắt xén, bóp méo sửa đổi hoặc bất kì hành vi xúc phạm khác liên quan đến tác phẩm, có thể làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả(1).
Theo đó, cá nhân hay tập thể đơn thuần sở hữu một cuốn sách, bản thảo, bức tranh hay bất kỳ bản sao hay bản lưu giữ âm thanh, hình ảnh, hoặc tự xây dựng bản ghi âm, ghi hình chưa được sự cho phép của tác giả gốc… đều không phải là chủ sở hữu bản quyền đó. Chủ sở hữu vật phẩm không được sử dụng nó tuỳ thích, mà phải theo cách được tác giả cho phép. Chẳng hạn không được sử dụng để kinh doanh, không được nhân bản cho người khác, không được xác nhận quyền sở hữu trên mọi nền tảng. Người sở hữu bức tranh có thể ngắm thoả thích, làm bất cứ điều gì với bức tranh đã mua, nhưng không được phép chụp lại để in thành nhiều bản đem bán, in lên áo, quảng cáo. Các tổ chức dựng bản ghi âm, ghi hình phải được sự cho phép của tác giả gốc. Tác giả có quyền yêu cầu người sở hữu huỷ hoặc cấm sử dụng vật phẩm đó, nếu việc sử dụng này xâm phạm quyền tác giả.
Luật pháp quy định bản thân việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với bất kỳ vật thể nào trong đó chứa đựng tác phẩm đã được bảo hộ không bao hàm việc chuyển nhượng bất kỳ quyền nào về bản quyền. Các tác giả được trao cho những quyền lợi đặc biệt trong các lĩnh vực cụ thể liên quan tới hoạt động sáng tạo của họ. Những quyền này cho phép các tác giả đảm bảo được những lợi ích kinh tế cũng như lợi ích phi kinh tế của họ, do đó sẽ thúc đẩy các hoạt động sáng tác, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho xã hội (tái bản, phân phối hay trình chiếu).
2. Thực trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực báo chí
Trong lĩnh vực báo chí, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò khuyến khích hoạt động sáng tạo của phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên. Khi pháp luật có thể bảo vệ lợi ích cho các tác giả từ các tác phẩm của họ, không ai khác có thể khai thác tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả thì mọi người sẽ yên tâm sáng tác. Từ đó, những người sáng tạo tác phẩm trong toà soạn có động lực sáng tạo và qua đó khuyến khích cộng đồng sáng tạo, sẽ tạo được thêm nhiều tác phẩm báo chí.
Để hoàn thành được một tác phẩm báo chí không chỉ là sự nỗ lực sáng tạo, chịu đựng khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của nhà báo, mà còn là sự đầu tư công sức, thời gian lẫn tiền bạc của cả tập thể tòa soạn, cơ quan báo chí. Vậy mà có những trường hợp, một bài điều tra nóng hổi vừa xuất bản xong thì đã có một số báo, tạp chí khác biên tập viết lại thành bài mới trên báo mình, hoặc đăng tải nguyên văn mà không xin phép tác giả. “Lãnh đạo các cơ quan báo chí và lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí nhìn nhận nạn vi phạm bản quyền đang rất phổ biến nhưng chế tài với người vi phạm chưa đủ mạnh. Báo vừa lên tin nóng, tin hay là bị copy, đưa về đăng ở trang của họ, giấu nguồn hoặc cố tình dẫn nguồn rất lờ mờ. Nhiều trang xào xáo tin, bài, đổi tít và sửa nội dung, lắm khi làm sai lệch quan điểm và nội dung tác phẩm gốc”(2).
Báo Tuổi Trẻ bị lấy nguyên văn hơn 16 nghìn tác phẩm báo chí. Việc lấy lại các tác phẩm báo chí diễn ra rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: dẫn lại, trích nguồn mà không xin phép.... Không chỉ Báo Tuổi trẻ, nhiều báo khác cũng phải đối mặt với tình trạng này như báo Thanh Niên (gần 10.000 lần), VnExpress (gần 9.000 lần)...(3).
Tại báo Kinh tế & Đô thị, theo thống kê sơ bộ phải đến quá nửa tin bài được đăng trên báo điện tử được/bị trích dẫn trên mạng. Báo Kinh tế & Đô thị với thế mạnh các tin tức về Hà Nội, đô thị, kinh tế, đặc biệt là kênh thông tin đối ngoại Hanoitmes - trang điện tử tiếng Anh duy nhất trong hệ thống báo chí của Thủ đô... đây cũng chính là những lĩnh vực bị vi phạm bản quyền nhiều nhất. Trong các loại hình vi phạm, phổ biến nhất là trích dẫn lại không được sự đồng ý của báo. Cá biệt có trường hợp chỉ đổi tiêu đề, còn lại nội dung và ảnh trong bài giữ nguyên, nhưng không ghi nguồn. Trong trường hợp này, những trang trích dẫn lại cố tình đặt một tiêu đề rất giật gân nhằm câu view, thậm chí sai bản chất sự việc(4).
Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cũng là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang web khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác sử dụng trái phép mà không hề trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Trung bình trong 1 tháng, Tổ bảo vệ bản quyền Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh xử lý khoảng 70 - 80 trường hợp vi phạm bản quyền để tổng hợp đề xuất các phương án xử lý theo quy trình, theo từng cấp độ như: gọi điện thông báo nhắc nhở, gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý... (5).
Vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí hiện nay thường xuyên diễn ra và khó có sự thống kê chính xác. Hình thức phổ biến là tự ý lấy thông tin, hình ảnh của báo khác mà chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của các tòa soạn, không trả thù lao cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, thậm chí làm sai lệch nội dung theo hướng câu khách, giật gân nhằm trục lợi. Công chúng hàng ngày đọc những bài báo, tin tức giống nhau trên nhiều trang báo khác nhau dưới các hình thức các bài báo giống nhau hoàn toàn, giống nhau một phần, giống ảnh, giống câu trích… Việc vi phạm đã gây cho cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền.
Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tiếp cận với tác phẩm báo chí một cách thích hợp. Tác giả và tổ chức đại diện có khả năng khai thác độc quyền lợi ích vật chất từ tác phẩm đã khuyến khích tác giả đưa tác phẩm vào lưu hành trong công chúng, qua đó, công chúng được tiếp cận tác phẩm. Với thời hạn quy định bảo hộ nhất định đối với tác phẩm có tác dụng hai chiều, đó là giúp cho tác giả được độc quyền kiểm soát tác phẩm của mình trong khoảng thời gian được bảo hộ, công chúng được tiếp cận miễn phí sản phẩm sau khi thời gian bảo hộ được kết thúc.
3. Nguyên nhân của việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí hiện nay
Ý thức về quyền tác giả, quyền liên quan của công chúng và người sáng tạo tác phẩm chưa cao. Phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ sản phẩm báo chí trong nước chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình; hoặc các công cụ kỹ thuật hoặc cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi. Trong khi đó trình độ và hiểu biết về tác hại của xâm phạm sở hữu trí tuệ bản quyền của cả công chúng lẫn những người có liên quan còn chưa thực sự đầy đủ. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí (Truyền hình Việt Nam, Truyền hình kỹ thuật số VTC, báo Tuổi trẻ, VietnamPlus, tạp chí Đẹp …) có bộ phận chuyên chăm lo về sở hữu trí tuệ, và bản quyền; nhưng rất ít cơ quan báo chí công bố công khai chiến lược về sở hữu trí tuệ, coi vấn đề sở hữu trí tuệ là bộ phận trong chiến lược phát triển của mình. Tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như quản lý tài sản thông thường của mỗi cơ quan báo chí.
Do sự cạnh tranh thông tin. Xuất phát từ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là về công nghệ thông tin, đã làm cho các loại hình báo chí phát triển nhanh chóng và hiện đại. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí, giữa các cơ quan báo chí ngày càng mạnh mẽ. Với áp lực về tốc độ, thông tin đang được cạnh tranh từng giây, từng phút, tờ báo nào có thông tin nhanh nhất sẽ chiếm được công chúng nhiều nhất và sẽ có lợi nhuận cao, tạo được uy tín lớn. Do vậy, một số báo bỏ qua mọi quy tắc để lấy thông tin từ các báo khác mà không hề xin phép. Một số báo khác cũng tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền bằng cách thường xuyên “làm ngơ” khi tin tức của báo mình bị vi phạm, miễn là thông tin đó được “bay cao, bay xa” nhiều người biết đến.
Do tính thương mại hoá. Báo chí nước ta hiện nay đã có sự phát triển trên cả phương diện chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của Internet và môi trường số hóa đã tạo nên sự thiếu vắng nhu cầu hưởng thụ sản phẩm báo chí chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu này của công chúng, không ít cơ quan báo chí thực hiện các hành vi sao chép, sử dụng nguồn nội dung không chính thức tạo ra những tác phẩm đáp ứng nhu cầu “ngắn hạn”, muốn thụ hưởng “nhanh”, “rẻ” mà không phải trả nhiều chi phí.
Do tính cạnh tranh về mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tiết kiệm kinh phí là vấn đề luôn được lãnh đạo của các tờ báo quan tâm. Trên thực tế, một số trang báo được ra đời chỉ với một lực lượng nhân sự rất mỏng, số lượng phóng viên ít ỏi đã không đảm đương được công việc của tất cả các chuyên mục, chuyên trang… vì vậy cách giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình là sao chép lại các tin, bài của các tờ báo khác là điều dễ hiểu. Nhiều báo sau khi sao chép tin, bài từ các trang khác đều không nêu rõ nguồn gốc, xuất xứ mà thường ghi nguồn gốc không rõ ràng như “theo…”, “sưu tầm”, “nguồn Internet”...
4. Hậu quả của việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí.
Đối với vấn đề pháp lý: Việc vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ, trong đó có quyền nhân thân và quyền tài sản dẫn đến việc tác giả bị “mất” quyền cho phép hay không cho phép phổ biến tác phẩm của mình; mất quyền đứng tên tác phẩm; không được trả nhuận bút, thù lao theo quy định…; trong một số trường hợp, sự toàn vẹn, tính chuẩn xác của tác phẩm báo chí bị xâm phạm, tác phẩm có thể bị thay đổi; bị sửa chữa, cắt xén, làm méo mó, dị dạng…
Đối với lĩnh vực kinh tế: Việc sao chép bài viết một cách thiếu kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng đến phong cách của một tờ báo, tờ báo bị sao chép bị mất đi lượng độc giả trung thành khi không bảo vệ được tác quyền. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của những người làm báo khi doanh thu quảng cáo của tờ báo bị sao chép sụt giảm.
Đối với công chúng và cơ quan báo chí: Việc sao chép thông tin giống nhau ở các báo khiến công chúng phải tiếp nhận những thông tin y hệt nhau trên các tờ báo khác nhau, gây nên mất thời gian và làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Tình trạng sao chép sản sinh ra thói quen làm báo thiếu tự trọng, thiếu trung thực và không có bản sắc của một thế hệ phóng viên. Trong nhiều trường hợp, nó gây hại cho chính nhân vật trong thông tin và cơ quan báo chí đã sao chép. Khi sao chép thông tin từ một tờ báo viết sai, tờ báo sao chép cũng phải chịu trách nhiệm vì đó là sản phẩm của chính họ.
Một số giải pháp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên báo chí
- Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam đã có Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam với 9 điều, trong đó điều thứ 3 quy định: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi”(6). Nếu những quy định này được những người làm báo thấm nhuần, hành nghề một cách trung thực thì sẽ hạn chế thấp nhất việc vi phạm bản quyền báo chí. Hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, ngoài việc xử lý về pháp luật thì việc lên án nó bằng các quy định đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ có tác dụng rất hiệu quả. Nâng cao nhận thức cá nhân về việc tôn trọng bản quyền của Ban biên tập, những người có toàn quyền quyết định nội dung và hướng đi của một tờ báo.
- Các cơ quan báo chí cần thành lập một liên minh, trong đó các thành viên cần phải cam kết mạnh mẽ không vi phạm vấn đề bản quyền của nhau, thực thi nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần mở rộng liên kết với các doanh nghiệp mạng cung cấp dịch vụ để thực hiện đúng quy định pháp luật về vấn đề bản quyền trên cơ sở chia sẻ quyền lợi, phát huy các thế mạnh; nghiên cứu xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới về xử lý bản quyền tác phẩm báo chí, tham khảo cách thức truy vết và bảo vệ bản quyền để có thể bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình...
- Quản lý các cơ quan báo chí cần thiết lập các quy định chế tài đối với những trường hợp sao chép, vi phạm bản quyền… xây dựng và áp dụng một cách kiên quyết để hỗ trợ việc xây dựng một nền báo chí có giá trị về sở hữu trí tuệ. Theo đó, cơ quan báo chí cần có bộ quy tắc ứng xử cụ thể nhằm giáo dục nhận thức và ràng buộc cách trách nhiệm rõ ràng hơn, có hiệu lực hơn đối với các nhà báo trong việc tôn trọng và thực hiện bản quyền báo chí. Một bộ cẩm nang xử lý tình huống phổ biến về tôn trọng và bảo vệ bản quyền báo chí nên được biên soạn và phổ biến đến các nhà báo để hỗ trợ họ. Ngoài ra, về nghiệp vụ, các tòa soạn cần xây dựng các định dạng rõ ràng về quy cách trích dẫn nguồn, quy cách liên lạc xin phép tác giả trong trường hợp sử dụng nguồn tin bài trên Internet. Các cơ quan báo chí phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, trước các hành vi vi phạm bản quyền, trường hợp cần thiết mời các cơ quan chức năng can thiệp.
Cơ quan báo chí và nhà báo cần xin phép khi sử dụng các bài viết cá nhân được đăng tải trên các trang mạng xã hội, web cá nhân hay diễn đàn. Nếu dựng bản ghi âm, ghi hình trên cơ sở tác phẩm của tác giả khác, toà soạn cần xin phép tác giả, khi sử dụng các bài viết cá nhân cần dẫn link từ bài báo để đưa người đọc kết nối trực tiếp đến trang có bài viết của tác giả. Nếu tòa soạn đăng bài cá nhân của ai đó nhưng không hề xin phép và cũng không dẫn link đến bài viết gốc, do đó bạn đọc chỉ biết bài viết trên trang báo, và công chúng có thể mặc sức bình luận, thậm chí phản đối quan điểm mà ngay chính cá nhân tác giả bài viết không được biết để theo dõi và bảo vệ lợi ích của mình khi cần thiết.
Thực hiện việc dẫn nguồn thông tin một cách triệt để và nghiêm túc: khi cơ quan báo chí hay nhà báo quyết định trích dẫn, sử dụng lại thông tin đã được công bố để đưa vào tác phẩm của mình dưới bất cứ hình thức nào, tác giả cần có trách nhiệm ghi rõ và chính xác nguồn xuất xứ của thông tin đó. Có những trường hợp sử dụng thông tin của người khác không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ nhưng nhà báo cũng không đươc phép quên thực hiện trách nhiệm đạo đức về việc dẫn nguồn chính xác và rõ ràng.
Trong quá trình sử dụng tác phẩm hoặc trích dẫn tác phẩm của tác giả khác, ngoài việc xin phép tác giả và ghi rõ nguồn (theo đúng quy định), tác giả cần có trách nhiệm tôn trọng sự toàn vẹn về giá trị nội dung ban đầu của tác phẩm. Việc dẫn lại nội dung bài viết có thể được thực hiện theo kiểu cải biến tiêu đề, thêm lời bình, bỏ bớt một số thông tin trong chuỗi lập luận, chuỗi số liệu so với bài viết gốc có thể làm cho công chúng tiếp nhận sai lệch ý của tác giả. Thậm chí, điều này còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và danh dự của tác giả. Theo đó, một trích dẫn dù có dẫn nguồn rõ ràng cũng không được làm sai lệch hoặc bóp méo giá trị nội dung gốc, điều này bị xem là vi phạm đạo đức.
Nhà báo không được làm phương hại đến lợi ích kinh tế của bên sở hữu bản quyền, có ý thức tôn trọng các quyền lợi của tác giả và quyền liên quan, cụ thể là nếu nhà báo sử dụng các sản phẩm thông tin đã được công bố trước đó nhằm mục đích kinh tế thì phải cân nhắc đầy đủ quyền tài sản của bên tác quyền.
Nhà báo cần ghi đúng nguồn tin gốc khi dẫn lại tin tức : Trong môi trường truyền thông số, hiệu ứng lan truyền tin tức rất nhanh nên có thể xảy ra tình trạng các báo ghi nguồn theo kiểu dây chuyền. Một bài báo gốc xuất phát từ một báo A được báo B dẫn lại, sau đó báo C tiếp cận bài báo từ báo B và ghi nguồn là “theo báo B”, bản tin được lan truyền qua nhiều lượt dẫn khác nhau và dẫn đến việc cũng một bài báo nhưng có rất nhiều nguồn gốc.
Khi trình độ và hiểu biết về tác hại của xâm phạm Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan của cả công chúng lẫn những người có liên quan còn chưa thực sự đầy đủ, điều cần thiết đẩy mạnh giáo dục về Luật Sở hữu trí tuệ vào trong các chương trình học phổ thông giúp các em học sinh ý thức được về quyền của người sáng tạo ra tác phẩm. Riêng đối với các lĩnh vực sáng tạo như báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật…, cần tăng cường tính chuyên sâu trong bồi dưỡng, giáo dục cho những người hoạt động trong các lĩnh vực đó về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo vệ quyền cho người hoặc tổ chức sáng tạo ra tác phẩm giúp họ bảo vệ được thành quả lao động sáng tạo của mình cũng như khai thác đúng tài sản trí tuệ của người khác, đó chính là cơ sở, động lực cho sự sáng tạo tiếp theo giúp cho xã hội phát triển bền vững./.
_________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2005), Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Công ước Berne; Công ước Rome; Công ước Burussels
3. Cục Bản quyền tác giả và Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam (2002), Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
4. Vũ Thuỳ Dương - Vũ Mạnh Chu (2016), Bản quyền và thực thi bản quyền trong hoạt động xuất bản, Giáo trình nội bộ.
Bình luận