Vận dụng kinh nghiệm đối ngoại công an nhân dân giai đoạn 1945-1975, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới
1. Công tác đối ngoại Công an nhân dân góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn 1945-1975
Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (ngày 02/9/1945) đã phải đối mặt với tình thế vô cùng khó khăn. Đất nước phải đối phó với thù trong, giặc ngoài; đồng thời, chưa có một quốc gia nào công nhận nền độc lập và xác lập mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lúc này, cuộc kháng chiến cứu nước của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia có chung một kẻ thù là thực dân Pháp, ba nước Đông Dương trở thành một chiến trường chung. Do vậy, trong giai đoạn đầu triển khai công tác đối ngoại, lực lượng Công an (LLCA) nhân dân chỉ có mối quan hệ với Công an Lào và Campuchia.
Đáp lại mong muốn và quyết tâm “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(1) của Việt Nam, từ năm 1950, Chính phủ các nước Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungary, Rumany, Ba Lan, Bungary... đã đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và đã được quốc tế công nhận là một quốc gia có chủ quyền. Từ đây, cùng với các lực lượng, LLCA nhân dân tiến hành công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với công an các nước XHCN. Trong đó, phải kể đến mối quan hệ, hợp tác với Công an Trung Quốc.
Được sự đồng ý của Trung ương Đảng, Nha Công an Trung ương đã đề nghị Công an Trung Quốc hỗ trợ Công an Việt Nam tập trung xây dựng lực lượng trên nhiều lĩnh vực; trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác xây dựng lực lượng cảnh vệ. Khi đó, Công an Trung Quốc đã cử chuyên gia sang hỗ trợ trực tiếp với Ban lãnh đạo Trường Công an Trung ương biên soạn giáo trình giảng dạy các môn nghiệp vụ cơ bản trong công tác công an và trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề nghiệp vụ công an cho các học viên của Trường.
Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc tiễu phỉ ở khu vực biên giới, hai bên đã thực hiện thắng lợi chiến dịch tiễu phỉ; đồng thời, Công an tỉnh Cao Bằng đã cử nhiều đoàn sang trao đổi công tác chuyên môn với Công an tỉnh Quảng Tây. Như vậy, trong quan hệ đối ngoại, hợp tác với công an Trung Quốc trong thời gian này, một mặt phối hợp với nước bạn một cách có hiệu quả trong chiến dịch tiễu phỉ, mặt khác học tập kinh nghiệm nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần bảo vệ an ninh khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Để từng bước củng cố, LLCA nhân dân đã tận dụng mọi điều kiện, tranh thủ sự giúp đỡ của LLCA các nước XHCN trên các mặt đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất và cung cấp các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ cho LLCA nhân dân.
Khi phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi dự Hội nghị Giơnevơ, các đồng chí được cử đi bảo vệ đoàn đã chủ động liên hệ với Bộ An ninh Cộng hòa Dân chủ Đức hỗ trợ một số phương tiện kỹ thuật như máy dò kim loại và máy dò tín hiệu tiếng ồn... Các phương tiện nghiệp vụ đó đã hỗ trợ đắc lực cho LLCA bảo vệ an toàn cho các thành viên, bảo vệ nơi ở và làm việc của phái đoàn, bảo vệ bí mật tài liệu và chủ trương đàm phán, chống địch thâm nhập thu thập tin tức, nghe trộm bằng các phương tiện kỹ thuật. Đồng thời, ta còn liên hệ với an ninh Liên Xô giúp đỡ kiểm tra kỹ thuật, kịp thời phát hiện và tháo gỡ máy nghe trộm được đối phương đặt trong điện thoại tại phòng ở của phái đoàn ta(2).
Trong những năm đầu triển khai công tác đối ngoại, LLCA nhân dân đã phá được thế bao vây, cô lập của kẻ thù, góp phần khai thông tuyến biên giới Việt - Trung, bảo đảm an toàn cho việc nhận viện trợ từ Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN cho cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc được hòa bình, lực lượng tình báo, gián điệp của các nước đế quốc tăng cường các hoạt động phá hoại miền Bắc Việt Nam. Chúng dùng nhiều thủ đoạn và phương tiện kỹ thuật để chống phá. Trong khi đó, LLCA nhân dân Việt Nam còn thiếu nhiều kinh nghiệm, số lượng cán bộ được đào tạo chính quy còn ít, chưa có phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống lại những hoạt động chống phá của địch.
LLCA nhân dân Việt Nam nhận thức rõ, để xây dựng lực lượng đủ mạnh đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác, bên cạnh việc phát huy những yếu tố nội lực, thì yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công tác xây dựng LLCA là phải trang bị kiến thức nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, Bộ Công an quyết định tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Nội vụ một số nước trong phe XHCN, đặc biệt là sự giúp đỡ của Liên Xô, nhằm từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an và xây dựng cơ sở kỹ thuật ban đầu cho ngành.
Cuối năm 1955, mối quan hệ hợp tác giúp đỡ giữa công an Việt Nam và Liên Xô được chính thức thiết lập. Việc cộng tác với Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô được xác định là có tầm chiến lược quan trọng. Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô đã giúp xây dựng LLCA nhân dân Việt Nam toàn diện, trong đó tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo cán bộ và trang bị vật tư, vũ khí, phương tiện kỹ thuật.
Trên lĩnh vực đào tạo cán bộ, Liên Xô đã giúp LLCA Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với kinh nghiệm hơn 40 năm đấu tranh phản gián, Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô đã giúp LLCA Việt Nam đào tạo một số lượng lớn cán bộ, từng bước kiện toàn lực lượng, xây dựng một số điều lệnh, điều lệ, chế độ công tác và xây dựng hệ thống giáo trình giảng dạy trong các trường công an. Đầu năm 1959, Liên Xô đã cử chuyên gia đến hỗ trợ Trường Công an Trung ương xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đồng thời trực tiếp giảng dạy, huấn luyện cho cán bộ giảng viên của trường. Nội dung giảng dạy được cán bộ các phòng nghiên cứu ghi chép lại tỉ mỉ làm cơ sở để xây dựng, biên soạn thành bài giảng để sử dụng đào tạo tại trường(3).
Năm 1960, một số cán bộ, chiến sĩ công an đã trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp được Bộ Công an cử sang bổ túc nghiệp vụ tại Liên Xô. Sau khóa bổ túc nghiệp vụ đầu tiên, Liên Xô đã giúp đào tạo hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an. Hầu hết, số cán bộ được đào tạo tại Liên Xô sau này trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của LLCA các cấp như: đồng chí Bùi Thiện Ngộ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); đồng chí Trần Quyết - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Phạm Tâm Long - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ...(4)
Trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1970 đến giữa những năm 1980, các cơ quan an ninh và nội vụ của Liên Xô, đặc biệt là Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, đã giúp Việt Nam đào tạo 2.380 cán bộ, bao gồm cán bộ lãnh đạo từ cấp Trung ương đến địa phương và các cán bộ chuyên môn kỹ thuật với các chuyên ngành phản gián, ngoại tuyến, an ninh, văn hóa tư tưởng, cơ yếu, cảnh sát, kỹ thuật nghiệp vụ(5); số cán bộ này là nguồn nhân lực quý giá của LLCA nhân dân Việt Nam.
Với sự giúp đỡ của Liên Xô, LLCA Việt Nam đào tạo được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu và có hiểu biết về khoa học kỹ thuật cao; được tiếp cận với những tri thức mới và những kinh nghiệm nghiệp vụ được tích lũy từ nhiều thập kỷ đấu tranh chống gián điệp, góp phần từng bước xây dựng LLCA vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng.
Song song với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô còn giúp Công an Việt Nam xây dựng một số công trình khoa học kỹ thuật quan trọng như: 5 cơ sở kỹ thuật thử nghiệm vô tuyến điện sử dụng trong công tác nghiệp vụ, được lắp ráp năm 1957; công trình “Phương Đông” phục vụ cho công tác thám không được khởi công xây dựng năm 1960 và đưa vào sử dụng năm 1963; công trình 75810 (công trình “Phương Đông II”) phục vụ công tác mã thám gồm Trung tâm phát Hà Đông,Trạm định vị ở Quảng Bình, Điện Biên Phủ, tổng trị giá 17 triệu rúp; công trình 75812 (Trường Sĩ quan An ninh) quy mô 1.000 học viên, trị giá 3,5 triệu rúp; công trình 75822 (Trường Cao đẳng Phòng cháy Chữa cháy) quy mô 300 học viên, trị giá 1,36 triệu rúp; viện trợ bổ sung công trình 75391 (phục vụ công tác trinh sát kỹ thuật); trung tâm máy tính điện tử phục vụ công tác xử lý tin tức và viện trợ hệ thống vô tuyến điện thoại Altai nhằm tăng cường khả năng thông tin liên lạc trong LLCA Việt Nam...(6)
Ngoài những công trình khoa học kỹ thuật nghiệp vụ quan trọng phục vụ công tác chiến đấu lâu dài, Liên Xô còn viện trợ cho Bộ Công an nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại để phục vụ yêu cầu chiến đấu cấp bách trước mắt như: 125 xe thông tin các loại, 85 bộ đàm, 65 máy phát điện 5 KW, 30 tổng đài dã chiến 10 số, 500km đường dây điện thoại dã chiến; 60 xe ô tô gắn thiết bị thông tin vô tuyến, 100 máy đàm thoại cực ngắn(7)...
Chỉ tính riêng các phương tiện chữa cháy, theo tổng kết của lực lượng Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Việt Nam, qua 10 năm (từ năm 1965-1975) từ chỗ chỉ có 11 địa phương được trang bị 24 xe và 10 máy bơm chữa cháy, dần dần đã có 20 địa phương được trang bị 166 xe và 128 máy bơm chữa cháy, gồm 19 chủng loại do 5 nước sản xuất, trong đó phần lớn là của Liên Xô(8).
Các cơ sở vật chất và phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do Liên Xô viện trợ đã góp phần làm tăng thêm sức chiến đấu cho LLCA Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngoài ra, Bộ Công an Việt Nam cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với LLCA các nước XHCN như: Bộ Công an Cộng hòa Dân chủ Đức, Bộ Nội vụ Hungari... Thông qua mối quan hệ lãnh đạo, LLCA đã đề nghị phía nước bạn giúp xây dựng nhiều công trình, viện trợ nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại, phục vụ đắc lực công tác và chiến đấu. Cụ thể: Cộng hòa Dân chủ Đức viện trợ công trình tổng đài điện thoại di động đầu tiên của LLCA; Bộ Nội vụ Hungari viện trợ một số phương tiện nghe bí mật và phát hiện nghe bí mật, công tác mở khóa và chụp ảnh bí mật, công tác kiểm duyệt thư tín và bưu kiện và một số phương tiện khoa học kỹ thuật hình sự...
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từ năm 1945 đến 1975, bám sát và vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, LLCA nhân dân đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và tranh thủ sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của các lực lượng an ninh, nội vụ các nước XHCN, góp phần xây dựng, củng cố LLCA nhân dân. Từ một lực lượng còn thiếu hầu như toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm, LLCA nhân dân được tăng cường, trở thành lực lượng có đội ngũ cán bộ nghiệp vụ được đào tạo tại chỗ và nước ngoài, có cơ sở kỹ thuật với trang thiết bị tiên tiến, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sự hỗ trợ về nhiều mặt của Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước dành cho Việt Nam nói chung và cho LLCA nói riêng, có ý nghĩa to lớn, góp phần xây dựng LLCA nhân dân Việt Nam thực sự lớn mạnh toàn diện. Trong thời điểm Việt Nam là ngọn cờ đầu trong phong trào chống đế quốc, sự giúp đỡ của các nước trong hệ thống XHCN có ảnh hưởng quan trọng đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ thực tiễn kết quả của công tác đối ngoại Công an nhân dân trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đã để lại một số kinh nghiệm lịch sử như sau:
Thứ nhất, phải luôn quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn nhiệm vụ công tác của LLCA nhân dân trong công tác đối ngoại.
Thứ hai, xác định và coi trọng mối quan hệ hợp tác quốc tế với các nước láng giềng, nhất là các nước có chung đường biên giới, đó là nhân tố quan trọng, thiết thực cho việc phòng ngừa và đấu tranh với các đối tượng thù địch và tội phạm.
Thứ ba, luôn tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế; đồng thời, xác định hợp tác phải có trọng tâm, trọng điểm mới đem lại hiệu quả cao.
Thứ tư, để việc hợp tác có hiệu quả, đi vào chiều sâu và giúp lãnh đạo nắm được toàn diện các mặt của công tác đối ngoại, cần có một tổ chức chuyên trách, chuyên sâu công tác này.
2. Vận dụng kinh nghiệm vào công tác đối ngoại Công an nhân dân trong tình hình mới
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen và không ít nguy cơ, thách thức trong quá trình phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xu hướng vận động của quan hệ quốc tế đang diễn ra rất phức tạp, tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia. Định hướng công tác đối ngoại trong tình hình mới được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(9).
Nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, LLCA nhân dân đã độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và tích cực hội nhập quốc tế, từ đó đưa công tác đối ngoại Công an nhân dân được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác. Đến nay, Bộ Công an đã có quan hệ hợp tác với 194 quốc gia thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL; trong đó, quan hệ chính thức với 150 bộ, cơ quan ngang bộ của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tham gia hoạt động tại 18 tổ chức, 13 diễn đàn, 12 cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vận dụng những kinh nghiệm được đúc kết từ lịch sử đối ngoại LLCA giai đoạn 1945-1975, phát huy vai trò của công tác đối ngoại Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng cần tập trung làm tốt một số nội dung:
Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước theo định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, với phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Kết hợp tốt giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao chuyên ngành công an trong triển khai công tác đối ngoại; gắn hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hai là, tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác liên quan đến công tác đối ngoại với các nước và các tổ chức quốc tế, từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động nắm bắt thời cơ, nhận thức rõ thách thức, lựa chọn mức độ, cấp độ tham gia và tích cực khởi xướng các cơ chế liên kết khu vực, quốc tế về an ninh, phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam.
Ba là, tích cực tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phục vụ hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, đàm phán, ký kết hoặc trình cấp có thẩm quyền ký kết, phê duyệt, phê chuẩn các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương và đa phương nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu hợp tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Bốn là, khẩn trương rà soát và bố trí nhiệm vụ công tác phù hợp năng lực đối với lực lượng chuyên trách thực hiện công tác đối ngoại công an nhân dân; chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác công an nói chung và nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế của LLCA nói riêng.
Năm là, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy theo hướng chủ động, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chủ quyền, phục vụ sự phát triển bền vững và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.
Làm tốt công tác đối ngoại, LLCA nhân dân đã tạo được thế trận vững chắc, nâng cao tiềm lực và vị thế của Công an Việt Nam. Sự tin cậy chính trị từ kết quả hợp tác an ninh đã tạo điều kiện mở rộng và phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả./.
__________________________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.256.
(2), (5) Bộ Công an: Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.133,136.
(3) Học viện An ninh nhân dân: Lịch sử Học viện An ninh nhân dân, lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2006, tr.55.
(4), (6), (7) Bộ Công an: Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng kết lịch sử công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (1950-2005), Hà Nội, 2007, tr.12, 13, 19.
(8) Bộ Công an: Lịch sử công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng công an nhân dân Việt Nam (1961-2016) Lưu hành nội bộ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.331-332.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 2/8/2022
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận