Vận dụng tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, phát huy cao độ sức mạnh quốc gia của Việt Nam trong thời kỳ mới
Sức mạnh nhân văn Việt Nam là các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc được Đảng kế thừa và phát triển dưới ánh sáng chủ nghĩa nhân văn mácxít và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; là những ứng xử mang tính thu phục nhân tâm của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do và trong công cuộc đổi mới. Trong thời kỳ mới, phát huy sức mạnh nhân văn Việt Nam dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh là phương cách hết sức quan trọng để gia tăng nội lực, huy động ngoại lực.
“Tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước)”(1), thể hiện khát vọng lớn lao của Đảng và dân tộc ta. Để thực hiện tầm nhìn đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phát huy cao độ sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Nhìn lại chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có thể nhận định phát huy giá trị nhân văn là một trong những cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Đặc biệt, trên chặng đường 90 năm của cách mạng Việt Nam, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với các giá trị nhân văn cao đẹp, dân tộc ta đã huy động cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tập hợp lực lượng quốc tế một cách hiệu quả. Gần đây nhất, thấm nhuần tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định mục tiêu, phương thức chống dịch COVID-19 từ rất sớm, rất rõ ràng và đúng đắn, khơi dậy nguồn sức mạnh quốc gia to lớn, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Cũng như những thắng lợi to lớn khác của cách mạng Việt Nam, thành công trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, về cả lý luận và thực tiễn, vận dụng tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là “chìa khóa vàng” cho việc phát huy cao độ sức mạnh dân tộc cũng như tập hợp lực lượng, huy động sự ủng hộ quốc tế, hay có thể nói “sức mạnh nhân văn” là một cấu phần quan trọng làm nên sức mạnh quốc gia Việt Nam.
1. Quan niệm về sức mạnh quốc gia
Trong lịch sử nhân loại, để tồn tại và phát triển, mỗi quốc gia - dân tộc đều cần phải huy động hiệu quả mọi nguồn lực quốc gia. Quan niệm về sức mạnh/quyền lực cũng như sức mạnh quốc gia biến thiên qua lịch sử và khác nhau đối với mỗi góc nhìn. Mặc dù là khái niệm trọng tâm của ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế, nhưng “quyền lực/sức mạnh” (power) vẫn chưa có được một định nghĩa thống nhất(2). Có nhiều cách định nghĩa “sức mạnh” nhưng phổ biến nhất là hai cách định nghĩa như sau: Theo cách tiếp cận mang tính mục tiêu, sức mạnh được định nghĩa là năng lực gây ảnh hưởng và tác động lên các chủ thể khác, và do đó là một phương tiện để đạt được an ninh quốc gia. Theo cách tiếp cận về năng lực, sức mạnh thường được định lượng bằng tổng hòa các nguồn lực và khả năng của quốc gia, thông thường bằng các chỉ số có thể định lượng được như sức mạnh quân sự, nền kinh tế, ngoại giao và truyền thông(3). Do sự chi phối mạnh của lý thuyết Hiện thực trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, “sức mạnh quốc gia” thường được hiểu là các nguồn lực sức mạnh cứng. Chẳng hạn, theo John Mearsheimer, sức mạnh quốc gia bắt nguồn từ các nền tảng vật chất, đặc biệt là sức mạnh quân sự(4). Joseph Nye đưa ra một khái niệm rộng hơn về sức mạnh cứng, “là khả năng sử dụng được cả cây gậy và củ cà rốt của sức mạnh kinh tế và chính trị để ép các nước khác theo ý đồ của mình”(5). Như vậy, theo cách hiểu truyền thống, khi nói đến sức mạnh quốc gia, người ta thường đề cập đến khả năng cưỡng chế thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, áp lực hoặc trừng phạt về kinh tế, chính sách liên minh, ngoại giao pháo hạm và các hình thức đe dọa khác.
Giới nghiên cứu chiến lược Trung Quốc từ cuối thập niên 1980 đã đưa ra một khái niệm gọi là Sức mạnh quốc gia toàn diện (Comprehensive National Power - CNP), trong đó bao gồm cả vai trò của kinh tế và yếu tố công nghệ vào sức mạnh quốc gia. CNP đo lường sức mạnh của một quốc gia thông qua việc định lượng hóa bằng cách kết hợp các chỉ số thành tố, tính đến cả yếu tố quân sự, kinh tế và văn hóa(6). Từ khoảng đầu thế kỷ XXI, trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, nổi lên quan điểm của J.Nye về sức mạnh mềm (soft power). Theo J.Nye, về cơ bản, sức mạnh quốc gia bao gồm tổng hòa các yếu tố sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Bên cạnh định nghĩa về sức mạnh cứng nêu trên, J.Nye định nghĩa sức mạnh mềm dựa trên sự hấp dẫn của văn hóa, lý tưởng chính trị, hay chính sách đối ngoại của đất nước. Nói cách khác, sức mạnh mềm của một quốc gia được hiểu là sức hấp dẫn, thu phục, lôi cuốn, ảnh hưởng đối với quốc gia khác mà không mang tính cưỡng chế. Dưới thời Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton nhấn mạnh việc vận dụng sức mạnh thông minh (smart power). Theo đó, “sức mạnh thông minh không hẳn là sức mạnh cứng hay sức mạnh mềm mà đó là sự vận dụng một cách khéo léo cả hai loại sức mạnh này”(7). Trong vài năm gần đây, với sự bùng nổ của truyền thông và công nghệ mới, xuất hiện khái niệm sức mạnh sắc nhọn (sharp power). Theo Christopher Walker và Jessica Ludwig, sức mạnh sắc nhọn là việc sử dụng các chính sách ngoại giao, thông tin, truyền thông để thao túng, gây ảnh hưởng và làm suy yếu hệ thống chính trị của đối phương(8).
Tuy nhiên, lịch sử và thực tiễn hiện nay cho thấy các cường quốc không hẳn đã hoàn toàn thành công trong việc sử dụng các loại hình sức mạnh nêu trên để có được ảnh hưởng mong muốn, hay nói cách khác là thu phục được “nhân tâm”. Mặt khác, có các quốc gia đã thành công trong bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc gia không hẳn vì có sự vượt trội về sức mạnh cứng, mềm, hay sắc nhọn, thông minh, mà thông qua việc nêu cao các giá trị chung để huy động toàn dân và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đó thường là các giá trị nhân văn cơ bản của nhân loại.
Nhân văn là giá trị mang tính phổ quát, là lý tưởng và mục tiêu mà loài người luôn vươn tới trong suốt tiến trình phát triển của mình. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, đã có nhiều tư tưởng nhân văn, nhân đạo được thể hiện ở những mức độ khác nhau, tiếp cận từ các góc độ khác nhau, song tựu chung là tìm cách lý giải và đáp ứng các nhu cầu của con người. Trên bình diện quốc gia, nhân văn thể hiện ở những giá trị trường tồn giúp các dân tộc bị áp bức vẫn có thể tồn tại, giúp tạo nên sức mạnh để giành lấy độc lập, tự do và hòa bình. Liên quan đến khía cạnh này, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) quan niệm “một nền hòa bình chỉ dựa trên những điều ước kinh tế, chính trị giữa các chính phủ không thể có được sự hưởng ứng lâu dài và chân thật của tất cả mọi người và do vậy nền hòa bình này phải được thiết lập dựa trên nền tảng đoàn kết về trí tuệ và nhân văn của cả nhân loại”(9). Từ đầu thế kỷ XXI, UNESCO đã thúc đẩy khái niệm “chủ nghĩa nhân văn mới cho thế kỷ XXI”, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các dân tộc, sự hợp tác toàn cầu để giải quyết các vấn đề chung, bảo đảm sự bình đẳng cho con người và phát triển bền vững(10).
2. Phát huy tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong hình thành sức mạnh quốc gia của Việt Nam
Theo quan niệm về nhân văn của UNESCO, có thể nói Việt Nam là trường hợp điển hình trong lịch sử nhân loại về phát huy giá trị nhân văn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bảo vệ độc lập, chủ quyền, tự do và bản sắc văn hóa của mình trước những kẻ thù mạnh mẽ nhất, hung bạo nhất, trong thế tương quan lực lượng rất chênh lệch. Một nguyên nhân thành công căn bản chính là việc phát huy những giá trị nhân văn cao cả. Trước mọi kẻ thù, người Việt Nam luôn “có lòng yêu nước nồng nàn”, luôn kiên cường, bất khuất, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước. Để cân bằng tương quan lực lượng, vấn đề mấu chốt là huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ độc lập, tự chủ. Theo đó, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập tự do “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(11). Tuy nhiên, đến khi chiến thắng thì ông cha ta luôn nghĩ đến việc giữ gìn nền hòa bình bền vững bằng đường lối đối ngoại hòa hiếu, sẵn sàng hòa giải, thậm chí còn cấp ngựa, xe cho về nước, “lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”(12).
Được sáng lập và rèn luyện bởi Hồ Chí Minh, trong 90 năm qua, dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn mácxít và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, độc lập - tự do, vì nhân dân. Trên cơ sở đó, Đảng đã huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dù trong bối cảnh tương quan lực lượng rất chênh lệch, để giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, và để chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Qua đó, hiện thực hóa khát vọng hòa bình, độc lập, tự do ngàn đời của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh cách mạng đó, Đảng ta luôn nêu cao chính nghĩa, khát vọng hòa bình và độc lập nhằm tạo dựng mặt trận ủng hộ Việt Nam, qua đó khai thác tối đa sức mạnh thời đại.
Trong thời bình, với tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”(13), Đảng đã tập trung kiến thiết quốc gia theo định hướng XHCN. Đảng dũng cảm tự đổi mới, thực hiện công cuộc đổi mới cũng với mục tiêu vì nhân dân, vì một đất nước Việt Nam XHCN hòa bình và giàu mạnh. Với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sự ổn định chính trị, kinh tế phát triển năng động, các chính sách an sinh xã hội ưu việt và luôn kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Như vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị nhân văn là cơ sở để huy động sức mạnh toàn dân, tận dụng được sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp dân tộc vượt qua mọi thách thức trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Cơ sở của sức mạnh nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam là các giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam, có thể cô đọng lại là truyền thống yêu hòa bình, kiên cường bất khuất nhưng hòa hiếu, nêu cao độc lập, tự do nhưng sẵn sàng kết giao, vì nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giá trị đó được hệ thống, bổ sung và củng cố dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp cận chủ nghĩa nhân văn mácxít, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển khoa học các giá trị nhân văn Việt Nam, từ đó hình thành nên tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Người nói “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(14).
Trên cơ sở các giá trị nhân văn truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa nhân loại và dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và luôn gắn liền với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là cơ sở mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là điều kiện, cơ sở để giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột. Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH thì độc lập mới bền vững, hạnh phúc của nhân dân mới được thực sự, người lao động mới hoàn toàn được giải phóng. Người nói “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(15).
Sức mạnh trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện ở lòng yêu thương con người, khoan dung, độ lượng. Người không chỉ yêu thương mọi người dân, mà còn có lòng bao dung, nhân ái, vị tha đối với những người lầm đường, lạc lối và cả tù binh. Người kiên trì theo đuổi con đường giải phóng con người một cách triệt để nhằm xây dựng một chế độ xã hội trong đó con người có điều kiện phát triển toàn diện và phát huy hết mọi năng lực sáng tạo. Ngay từ những năm tháng hoạt động trên đất Pháp, Người đã thể hiện mục đích cao cả của mình “Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng con người”(16). Đây chính là điểm mấu chốt khiến cho tư tưởng của Người không chỉ là ngọn cờ của dân tộc Việt Nam, của các dân tộc bị áp bức, mà tất cả nhân loại. Chính vì vậy mà tư tưởng và văn hóa của Người được coi là “nền văn hóa của tương lai”.
Trên cơ sở vận dụng những giá trị nhân văn mang tính phổ quát đó, Hồ Chí Minh đã tranh thủ thành công sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ đối với cách mạng Việt Nam. Người nhận định “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”(17). Phát huy sự tương đồng về tình cảm yêu hòa bình, hữu nghị, lẽ phải và đạo lý của nhân loại tiến bộ, với tình yêu thương con người sâu sắc và “tình hữu ái vô sản”, Hồ Chí Minh “đã khơi dậy và tăng cường tình đoàn kết, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước, các tổ chức, các lực lượng, các nhân sĩ và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta”(18). Trong đấu tranh ngoại giao, Người “không chỉ chú trọng phát huy pháp lý quốc tế mà còn đề cao chính nghĩa, vận dụng những giá trị của văn hóa và ngoại giao truyền thống Việt Nam cũng như những tư tưởng phổ biến, tiến bộ của nhân loại, luôn chú ý tìm ra những điểm đồng, nêu cao nhân nghĩa và đạo lý trong quan hệ quốc tế”(19).
Như vậy, có thể khẳng định, cơ sở lý luận của sức mạnh nhân văn Việt Nam chính là các giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc được Đảng ta kế thừa và phát triển dưới ánh sáng chủ nghĩa nhân văn mácxít và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bao gồm cả sự vận dụng sáng tạo các giá trị nhân văn phổ quát của nhân loại tiến bộ. Do vậy, về phương diện lý luận, việc phát huy các giá trị nhân văn cao đẹp trong quá trình đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng CNXH là việc làm đúng quy luật, phù hợp lợi ích dân tộc, ý nguyện của nhân dân cũng như các giá trị của nhân loại và thời đại.
Cơ sở thực tiễn của sức mạnh nhân văn Việt Nam chính là những ứng xử mang tính thu phục nhân tâm của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do và trong công cuộc đổi mới. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam trở thành hiện thân của khát vọng độc lập dân tộc, được các dân tộc bị áp bức và thuộc địa khắp nơi noi theo trong công cuộc đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ. Với thắng lợi trước đế quốc Mỹ, Việt Nam tiếp tục là nguồn cổ vũ để các dân tộc bị áp bức chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân mới. Thực hiện thành công công cuộc đổi mới với thành tích xóa đói giảm nghèo, hoàn tất sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam đang trở thành hình mẫu của sự phát triển năng động, của việc đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các công việc chung của thế giới.
Minh chứng mới nhất là việc Việt Nam nổi lên như một “hình mẫu thành công” với các giá trị nhân văn cao cả giữa lúc cả nhân loại đang đương đầu với đại dịch COVID-19 hiện nay. Quốc tế cũng đánh giá cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, trước sự đoàn kết trên dưới một lòng, trước lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa đồng bào sắt son của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp của một dân tộc tuy còn khó khăn, nhưng sẵn sàng hỗ trợ cho bạn bè, đối tác; cảm phục trước tinh thần trách nhiệm phất cao ngọn cờ đoàn kết ASEAN, hợp tác đa phương, kết nối các quốc gia để cùng nhau vượt qua đại dịch thế kỷ. Có thể mạnh dạn nhận định, nếu như trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam là lương tri của nhân loại, thì hiện nay hình ảnh Việt Nam như một biểu tượng nhân văn đang nổi bật trên thế giới. CNN, hãng thông tấn hàng đầu của Mỹ nhận xét “việc này tuyệt vời đến mức khó tin”(20) với sáng kiến ATM gạo của Việt Nam. Những người nước ngoài ở Việt Nam bày tỏ “Cảm ơn nghĩa cử của các bạn, cảm ơn sự hy sinh, cảm ơn sự tử tế, cảm ơn lòng nhân từ” và “với sức mạnh của các bạn, chúng tôi không sợ gì nữa”(21).
Nguyên nhân của thành công này, trước hết là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với mục tiêu nhân văn tối thượng, xuyên suốt là “tất cả vì nhân dân”. Thành công dựa trên nền tảng “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội“(22). Do đó, chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự hoạt động hiệu quả của hệ thống chính trị. Đó cũng là tinh thần trách nhiệm cao cả của một quốc gia thủy chung, tình nghĩa đối với bạn bè, đối tác. Vì vậy, nên Việt Nam có được sự ủng hộ của quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín. Sức mạnh nhân văn thể hiện từ Lời kêu gọi quốc dân, đồng bào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đến những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, vai trò của Quốc hội, những chỉ thị, hành động sát cánh cùng nhân dân của các cấp lãnh đạo từ Bộ Chính trị đến các bộ, ngành địa phương. Sức mạnh ấy cũng thể hiện ở những nỗ lực trên tuyến đầu của các lực lượng y tế, quân đội, công an; ở những nghĩa cử dành cho đồng bào trong và ngoài nước và cả người nước ngoài ở Việt Nam. Sức mạnh nhân văn Việt Nam còn thể hiện ở những chuyến hàng viện trợ đầy nghĩa tình cho bạn bè gần xa, ở sự chung tay cùng cộng đồng ASEAN và quốc tế kêu gọi hợp tác đa phương trong cuộc chiến chống đại dịch.
Như vậy, xét về cả lý luận và thực tiễn, có thể xác định sức mạnh nhân văn Việt Nam hiện nay được phát huy từ cả bên trong và bên ngoài. Đối với bên trong, đó là việc nêu cao mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, việc thực hiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân, định hướng XHCN. Đó cũng là việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam thấm nhuần các giá trị nhân văn truyền thống và tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Đối với bên ngoài, đó là việc kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, làm bạn với các nước, nêu cao thượng tôn pháp luật, là thành viên có trách nhiệm, tham gia giải quyết các vấn đề chung của nhân loại. Qua đó, thế giới nhìn Việt Nam như một quốc gia với mục tiêu cao cả vì dân giàu, nước mạnh, phát triển bền vững vì con người và bảo tồn tự nhiên; một quốc gia nỗ lực đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển của nhân loại. Bạn bè quốc tế nhìn con người Việt Nam, mà trước hết là qua lãnh đạo, qua các nhà ngoại giao, qua người dân như hiện thân của những con người kiên cường nhưng hòa hiếu, độc lập tự chủ nhưng đầy trách nhiệm với công việc chung của nhân loại. Nếu như các quan niệm về sức mạnh, trong đó có sức mạnh mềm là để gây ảnh hưởng, bắt các quốc gia khác tuân phục, đi theo, thì sức mạnh nhân văn không ngoài mục đích vì con người, vì nhân loại, và do vậy là sức mạnh thu phục nhân tâm. Một trong những thí dụ cụ thể là trong thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, chủ yếu nêu các hình mẫu như Hàn Quốc, Singapore. Họ bỏ qua Việt Nam do định kiến về một quốc gia theo định hướng XHCN. Thậm chí, hãng thông tấn Reuter, trước thành công vang dội của Việt Nam, còn bỏ công đi tìm hiểu ở các nhà tang lễ để kiểm chứng con số tử vong ở Việt Nam. Tuy nhiên, với mục đích sáng rõ “tất cả vì nhân dân”, cách làm độc đáo và sáng tạo, với sức mạnh toàn dân, những nỗ lực bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chinh phục niềm tin của cộng đồng quốc tế.
Trong thời kỳ mới “hậu đại dịch”, nhân loại chắc chắn sẽ có những đổi thay sâu sắc. Đất nước ta cũng sẽ có những chuyển đổi trên nhiều mặt để phù hợp với “trạng thái bình thường mới”, để phát huy những điểm mạnh và khắc phục những khiếm khuyết trong thời gian qua. Tuy nhiên, dù cho tình hình biến đổi ra sao, phát huy sức mạnh nhân văn dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn là phương cách cần thiết để gia tăng nội lực, huy động ngoại lực. Đối với quốc gia, việc nêu cao các mục tiêu “hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phát triển bền vững giúp tập hợp và huy động sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cô lập những thế lực muốn gây bất ổn, phá hoại nền hòa bình và độc lập dân tộc. Đảng hiệu triệu toàn dân với những mục tiêu nhân văn cao cả nhằm khơi dậy khát vọng, niềm tự hào dân tộc để tập trung mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển. Đồng thời, nêu cao giá trị nhân văn dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giúp minh định con đường đi lên CNXH của dân tộc, đấu tranh với sự mập mờ, các chiêu bài núp bóng cái gọi là “các giá trị phổ quát”, hoặc là chủ nghĩa nhân văn mang tính cải lương, phi cách mạng.
Đối với cộng đồng quốc tế, thông qua việc nêu cao thông điệp nhân văn vì hòa bình, ổn định, xây dựng lòng tin, phát triển bền vững và thượng tôn pháp luật, Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại theo chiều rộng, đồng thời đưa các mối quan hệ đã xác lập đi vào chiều sâu vì các lợi ích chung. Với sức hấp dẫn của hòa bình, ổn định, an toàn, thân thiện, và sự phát triển năng động, Việt Nam tiếp tục thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển bền vững. Việc nêu cao chính nghĩa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, vì an ninh và ổn định của khu vực và thế giới góp phần thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam hóa giải thách thức đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Trên cơ sở các giá trị nhân văn chung, Việt Nam cũng có khả năng tham gia các tập hợp lực lượng xử lý các vấn đề toàn cầu và chung tay cùng các lực lượng tiến bộ trên thế giới vì sự nghiệp chung của nhân loại.
__________________
(2) Neorealism and Its Critics, Columbia University Press, New York, 1986. tr.333.
(3) David A. Baldwin: Power and International Relations: A Conceptual Approach, Princeton University Press, 2016, tr.9.
(4) John Mearsheimer: The Tragedy of Great Power Politics (Updated edition), W. W. Norton & Company, 2014, tr.57.
(5) Joseph Nye: Propaganda Isn’t the Way: Soft Power, International Herald Tribune, 10-1-2003.
(6) Jagannath P.Panda: China’s Path to Power, Strategic Analysis, 32:5 (2008), tr.901-911.
(7) Richard L. Armitage và Joseph S. Nye, Jr: “Một nước Mỹ an toàn hơn và thông minh hơn”, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), https://www.csis.org/analysis/smarter-more-secure-america
(8) Walker C. và Ludwig J: The Meaning of Sharp Power, https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2017-11-16/meaning-sharp-power.
(9) Lời nói đầu trong tuyên ngôn của UNESCO http://www.en.unesco.org
(10) Irina Bokova: A New humanism for the 21st Century, https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/
pf0000189775.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.33-34.
(12) Bình Ngô Đại Cáo.
(13), (15), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.175, 175, 397.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.668.
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.491.
(18), (19) Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 219, 102.
(20) Alicia Lee: ‘Rice ATMs’ provide free rice for people out of work in Vietnam due to the coronavirus crisis, https://edition.cnn.com/2020/04/13/world/coronavirus-vietnam-rice-atm-trnd/index.html.
(21) https://zingnews.vn/nguoi-nuoc-ngoai-dong-loat-nhan-cam-on-viet-nam-giua-mua-dich-post1074397.html.
(22) Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, http://dangcongsan.vn/tieu-diem/toan-the-dan-toc-viet-nam-chung-suc-dong-long-de-chien-thang-dai-dich-covid-19-551590.html.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12.2020
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận