Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong thế kỷ XX, loài người đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng thảm khốc, sau đó cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài 44 năm đã nhiều lần đẩy thế giới đến bên bờ cuộc chiến tranh hủy diệt, đồng thời diễn ra hàng loạt cuộc chiến tranh cục bộ gây đau thương, hậu quả nặng nề, dai dẳng cho loài người. Từ cuối thế kỷ XX, hàng loạt các vấn đề như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, xung đột tôn giáo, sắc tộc, khủng bố, chủ nghĩa dân tuý, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng diễn ra gay gắt, đe dọa nền hòa bình của các nước trên thế giới. Đẩy lùi chiến tranh, thế giới được sống trong hòa bình, tăng cường hợp tác và phát triển luôn là khát vọng, là đòi hỏi bức thiết, đồng thời là xu hướng chung của mọi quốc gia trên thế giới, trở thành xu thế phát triển khách quan. Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn”(1).
1. Một số yếu tố tác động đến xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay
Một là, về kinh tế.
Khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; trí tuệ hóa lao động ngày càng trở nên phổ biến, làm tăng nhu cầu và khả năng hợp tác và phát triển ở các cấp độ cá nhân, xã hội, quốc gia và quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư dẫn đến những biến đổi to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi các quốc gia phải có những thay đổi trong các lĩnh vực quản trị kinh tế - xã hội.
Toàn cầu hoá đã làm gia tăng số lượng, quy mô và phát huy vai trò của các công ty xuyên quốc gia, thúc đẩy tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh tự do hóa thương mại, chuyển dịch vốn đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; mở rộng thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia; thúc đẩy giao lưu và hội nhập kinh tế quốc tế... Cạnh tranh kinh tế trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Các quốc gia dân tộc, các nền kinh tế có sự phụ thuộc lẫn nhau do tác động của toàn cầu hóa. Lợi ích của các nước ngày càng có liên quan mật thiết với nhau, do đó, các nước cần hòa bình như một tất yếu khách quan để tồn tại, hợp tác và phát triển.
Hai là, về chính trị.
Trong môi trường toàn cầu hóa, hầu như các nước, các bên đều trải qua và đều trả giá cho chiến tranh, thấy được tầm quan trọng của đàm phán thương lượng thay cho gây hấn, xung đột để giải quyết các tranh chấp. Nước Mỹ tuy là siêu cường nhưng cũng không thể tạo ra trật tự thế giới đơn cực. Các cường quốc vẫn đang theo đuổi xu hướng đa cực. Các nước đồng minh của Mỹ ngày càng bất bình với chính sách cường quyền của Mỹ. Xu thế chung của thế giới hiện nay là các nước muốn đàm phán, hiệp thương để cùng giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn. Với những tình huống căng thẳng có nguy cơ xung đột, khủng hoảng, thường xuất hiện các lực lượng trung gian hòa giải, các chuyến công du, thương thuyết của các sứ giả hòa bình, đại sứ thiện chí... Đó là cơ sở cho hòa bình được kiến tạo và vượt trội hơn nhân tố chiến tranh.
Ba là, về xã hội.
Toàn cầu hóa đặt nhân loại trước hàng loạt các vấn đề lớn mà chỉ có hòa bình, hợp tác và phát triển là phương thức duy nhất để giải quyết. Sự bùng nổ dân số, sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sinh thái suy thoái, biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa; nạn nghèo đói, bệnh tật, phân hóa giàu nghèo... đã và đang là những vấn đề toàn cầu cấp bách đòi hỏi sự hợp tác giải quyết của mọi quốc gia trên thế giới. Thế giới rất cần môi trường hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển để cùng chung tay giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Như vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển là thông điệp, là tiếng nói của lương tri, công lý của các thế hệ hôm nay và mai sau, đó cũng là phương thức tồn tại và phát triển của các quốc gia trên thế giới hiện nay.
2. Xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới hiện nay
Một là, xu hướng hòa bình trên thế giới hiện nay
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, xu hướng hòa bình hòa hoãn, cùng tồn tại hòa bình luôn giữ vị trí chủ đạo. Nguy cơ nổ ra chiến tranh lớn, chiến tranh thế giới về cơ bản đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, nguy cơ về các cuộc chiến tranh khu vực, xung đột dân tộc và sắc tộc lại bùng phát mạnh mẽ. Tại “Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ” tại Liên hợp quốc (9-2000) nguyên thủ của hơn 150 quốc gia đã đến dự và cùng nhau trao đổi về hòa bình và phát triển chung cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Nhưng không lâu sau thế giới lại chứng kiến một loạt các cuộc chiến tranh, xung đột. Sau sự kiện khủng bố của Mỹ (11-9-2001), Mỹ lấy lý do chống khủng bố để tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan (2002); chiến tranh Iraq (2003) gây thiệt hại nặng nề cho các nước này.
Bên cạnh đó, cuộc đối đầu giữa Israel với các lực lượng Hamas, Hezbollah ở Palestin, Libăng, Syria và Iran ngày càng căng thẳng, làm cho Trung Đông luôn là một “chảo lửa”. Cuộc xung đột giữa các lực lượng ở Myanmar ngày càng phức tạp đẩy nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ. Cuộc giao tranh quân sự ở biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan, giữa Pakistan và Afghanistan, giữa Ấn Độ với Trung Quốc đã khiến khu vực biên giới giữa các nước cũng đang trở thành “điểm nóng”, cùng với đó là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran, Ấn Độ và Pakistan, Mỹ và Triều Tiên.
Ở châu Phi, vùng trũng của kinh tế thế giới, nhưng các xung đột vũ trang, nội chiến nổ ra khắp mọi nơi như ở Algeria, Tunisia, Congo, Namibia, Ethiopia, Angola, Somalia, Rwanda, Nam Sudan.... Đặc biệt, cuộc xung đột quân sự giữa Nga với Ukraina (2022) ngày càng căng thẳng chưa có hồi kết, đã làm phức tạp thêm đời sống chính trị toàn cầu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, làm mất đi cơ hội hòa bình và phát triển của nhiều dân tộc trên thế giới.
Hòa bình vẫn là mục tiêu đấu tranh hàng đầu của nhân loại tiến bộ và là khát vọng sống mãnh liệt của các dân tộc, nhất là các dân tộc đã từng chịu các cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài. Không có chiến tranh vẫn là nhận thức chung giữa các cường quốc. Mỹ kiên quyết không đưa quân trực tiếp tham chiến ở Ukraina để tránh xung đột trực tiếp với Nga. Nguy cơ chiến tranh trong toàn hệ thống quốc tế sẽ không gia tăng thêm và hòa bình thế giới vẫn được đảm bảo. Việc đảm bảo hòa bình không hề dễ dàng trong một thế giới chứa chất nhiều điều bất ổn, nhiều biến động khó lường và thách thức gay gắt. Đấu tranh cho hòa bình và an ninh ngày càng trở nên bức xúc, có tính thời sự và là chủ đề lớn của thời đại. Hòa bình và phát triển là nguyện vọng, là mối quan tâm của toàn thế giới, là sự thống nhất và đồng thuận trong nhận thức lẫn hành động của tất cả các quốc gia, dân tộc.
Hòa bình ngày nay là điều kiện tiên quyết cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế. Tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển đang tìm mọi cách tranh thủ cơ hội hòa bình ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những xung đột, bất đồng, thực hiện thống nhất trong đa dạng phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước. Hầu hết các quốc gia dân tộc đã trải qua và phải trả giá cho chiến tranh đều thấy sự cần thiết của đàm phán, thương lượng hòa bình thay cho gây hấn, xung đột để giải quyết các tranh chấp. Sự tàn phá của chiến tranh (nhất là chiến tranh công nghệ cao, hủy diệt); bằng khủng bố... là trái với đạo lý của loài người. Thế giới ngày nay cần hòa bình, nhân dân các nước cần hợp tác, phát triển, xã hội cần tiến bộ, điều đó đã trở thành trào lưu, xu thế tất yếu cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Hai là, phát triển kinh tế - xã hội là quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia.
Ngày nay, thực lực kinh tế quyết định vị thế của một quốc gia, dân tộc trong quan hệ quốc tế và đời sống chính trị thế giới. Ưu tiên kinh tế đã trở thành trào lưu thế giới và là tất yếu phát triển của lịch sử đương đại. Phát triển kinh tế - xã hội hiện nay không chỉ liên quan đến vấn đề dân sinh, đến ổn định chính trị lâu dài của một đất nước mà còn liên quan đến hòa bình và an ninh của khu vực và thế giới. Nếu xuất hiện sự suy thoái, phản phát triển không chỉ diễn ra ở cục bộ một nước mà sẽ nhanh chóng ảnh hưởng và liên lụy đến khu vực và thế giới.
Phát triển kinh tế thị trường là định hướng chủ yếu của các quốc gia hiện nay. Nhiều mô hình kinh tế thị trường đã được tiến hành ở các quốc gia, khu vực trên thế giới. Mở cửa, hợp tác cùng khai thác cùng hưởng lợi, cạnh tranh kinh tế trên tinh thần hợp tác cùng tồn tại, phát triển chứ không phải là đối đầu, xâm lược, như những giai đoạn trước. Hàng loạt các vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay đang đặt ra cho các quốc gia mà con đường giải quyết chỉ có thể là hòa bình và hợp tác, phát triển. Sự bùng nổ dân số, sự cạn kiệt tài nguyên và suy thoái của môi trường, bệnh dịch hiểm nghèo; sự phân cực xã hội... và nhiều vấn đề khác muốn giải quyết đều cần có môi trường hòa bình, ổn định, đẩy nhanh sự liên kết, hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - khâu then chốt của phát triển.
Ba là, hợp tác là con đường và phương thức đạt tới hòa bình và phát triển
Chỉ có hợp tác tích cực, lành mạnh và văn minh mới thực hiện được hòa bình và phát triển. Hợp tác dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và lợi ích của tất cả các bên, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi. Hợp tác trong điều kiện nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa bao hàm cả cạnh tranh và đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc tế hiện tại cũng như tương lai. Lợi ích của các nước trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng liên hệ chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau, do đó, cần có hòa bình để liên kết với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Không thể có sự phát triển nếu không có cơ sở và nền tảng là hòa bình, cũng không thể có phát triển nếu không thông qua phương thức hay động lực là hợp tác và đấu tranh.
Các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường đều cần phải hợp tác toàn diện. Hợp tác bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh xâm lược và khủng bố. Hợp tác để phòng tránh và vượt qua các thảm họa thiên nhiên từ những biến động dữ dội của môi trường. Hợp tác để duy trì, tái tạo, phát triển sự sống, xác lập lại trật tự hài hòa vốn có của tự nhiên, xã hội và con người. Hợp tác để cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị tích cực của truyền thống lưu giữ trong các bản sắc văn hóa dân tộc.
Hợp tác hiện nay đòi hỏi phải tuân thủ theo nguyên tắc: vừa hợp tác vừa cạnh tranh một cách có văn hóa trên tinh thần hòa bình và bao dung. Trong quá trình hợp tác cũng rất cần sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể thông qua các cơ chế phối hợp, điều chỉnh, hòa giải và thương lượng theo các chuẩn mực chung cùng nhau giải quyết bất đồng, mâu thuẫn, xung đột.
3. Vai trò của Việt Nam trước xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới
Xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, một mặt mang lại những thuận lợi, thời cơ đồng thời cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Xu hướng này đang tác động tới Việt Nam theo chiều thuận, mang lại cho Việt Nam những cơ hội trong quá trình hội nhập và phát triển. Việt Nam cũng tích cực, chủ động chuẩn bị, điều chỉnh các nhân tố bên trong để tận dụng những tác động thuận chiều từ xu hướng hoà bình, hợp tác và phát triển, hướng vào mục tiêu phát triển đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
Trước tình hình thế giới có những biến đổi nhanh chóng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm nhận thức được dòng “chủ lưu” của thời đại. Đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo phù hợp với xu hướng hòa bình hợp tác và phát triển của thế giới. Đường lối chính sách đối ngoại hòa bình hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta được các nước trong cộng đồng quốc tế đồng tình và ủng hộ. Việt Nam mong muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới, sẵn sàng hợp tác song phương và đa phương trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước, cùng có lợi, cùng tham gia và có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, thực hiện các cam kết quốc tế nhanh chóng và hiệu quả để trở thành đối tác tin cậy.
Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã tiến hành những cải cách căn bản về mô hình phát triển kinh tế, về cơ chế quản lý kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực cải cách thể chế pháp luật, kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị có nguyên tắc, theo một lộ trình hợp lý, giữ được ổn định chính trị, kinh tế có sự tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn đối thoại quốc tế về chính trị, kinh tế, văn hóa.
Sau gần 40 năm Đổi mới, từ ổn định chính trị đến tăng trưởng kinh tế cao, “Quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới. Nền kinh tế năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên hợp quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam ngày nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục”(2).
Điều đó đã giúp nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và thế giới. Với những bước tiến đáng khích lệ nêu trên, Việt Nam đã và đang góp phần tích cực vào xu hướng hòa bình hợp tác và phát triển chung của khu vực cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, hợp tác và phát triển, Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Một là, xuất phát điểm của Việt Nam thấp, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, không phù hợp với thông lệ quốc tế nên gặp không ít khó khăn và thách thức trong quá trình hợp tác và hội nhập. Hiện nay, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, thực lực kinh tế, trình độ quản lý còn hạn chế là trở ngại lớn trong phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế về mọi mặt. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn thiếu nhiều tiêu chí, nhất là hệ thống pháp luật. Đây là trở ngại đáng kể trong việc phát huy tiềm năng đất nước khi đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như các tổ chức quốc tế khác.
Trình độ khoa học, công nghệ của nước ta còn ở mức thấp, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đạt chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư. Cải cách hành chính còn chậm, hệ thống pháp luật còn yếu và thiếu, chưa đồng bộ, trong khi đó quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn tồn tại. Tất cả những điều trên gây ảnh hưởng tiêu cực trong đánh giá của các công ty, tập đoàn kinh tế và các chính phủ đang muốn thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế với Việt Nam.
Hai là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không tránh khỏi phát sinh nhiều vấn đề xã hội như phân hóa giàu nghèo, lạm phát, khủng hoảng, suy thoái đạo đức, lối sống, và các tệ nạn xã hội khác... làm tăng nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam là nước đa dân tộc, đa tôn giáo nên khi các nguy cơ tiềm tàng bùng phát những điểm nóng xã hội từ các vấn đề kinh tế - xã hội sẽ dễ bị các thế lực thù địch kích động gây nên những bất ổn định xã hội, tiến tới làm phá sản các mục tiêu phát triển nếu như Chính phủ không có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu.
Ba là, các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cùng các tiêu cực, tệ nạn xã hội thì “diễn biến hòa bình” có thể trở thành tự “diễn biến hòa bình” nếu không được xử lý nghiêm và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi.
Để tiếp tục tận dụng những thuận lời, thời cơ, vượt qua những thách thức, nguy cơ, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, kết hợp được nội lực với ngoại lực; xây dựng và phát triển đi liền với củng cố và bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được. Đây cũng là cách tốt nhất để thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, tận dụng tốt nhất xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Vai trò của Việt Nam trước xu hướng hoà bình, hợp tác và phát triển thể hiện trên một số vấn đề sau đây:
Một là, đối với vấn đề chiến tranh.
Do từng trải qua các cuộc chiến tranh với những hậu quả nặng nề, nên Việt Nam luôn lên án chiến tranh xâm lược, ủng hộ các cuộc đấu tranh chống xâm lược và can thiệp. Việt Nam ủng hộ giải quyết thông qua thương lượng hòa bình mọi vấn đề tranh chấp trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền tự quyết con đường phát triển của mỗi dân tộc, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình và công lý. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn…. Không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu; quyết liệt phản đối các hành vi cô lập và cấm vận đơn phương đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc”(3).
Hai là, đối với vấn đề khủng bố.
Việt Nam luôn lên án chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ và tham gia nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống khủng bố trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Phản đối việc lợi dụng chiêu bài “chống khủng bố” để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Ba là, đối với vấn đề phát triển bền vững.
Việt Nam góp phần tích cực thúc đẩy xu hướng hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế về thu hẹp, tiến tới xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, dân tộc, vùng miền, khu vực; về sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Việt Nam luôn ủng hộ và tích cực thiết lập trật tự kinh tế, chính trị quốc tế bình đẳng, cùng có lợi với các nước trên thế giới.
Bốn là, đối với vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Toàn cầu hóa là xu thế khách quan, tác động nhiều chiều đến tất cả các nước, các nền kinh tế, vừa mở ra cơ hội phát triển, vừa tạo ra thách thức, nhất là đối với các nước đang phát triển. Việt Nam không thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa, phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, tranh thủ thời cơ, thuận lợi và khắc phục những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hóa đem lại, góp phần khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước, qua đó “đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”(4).
Năm là, đối với vấn đề trật tự thế giới mới.
Việt Nam phản đối trật tự đơn cực, phấn đấu cho một trật tự thế giới đa cực, dân chủ và bình đẳng. Ủng hộ phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế, dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, ngày 5-10-2024 tại Paris (Pháp), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “cũng chính trong những khó khăn, chủ nghĩa đa phương lại thể hiện rõ vai trò không thể thay thế….Việt Nam tin rằng một chủ nghĩa đa phương đổi mới phải hướng đến tương lai hoà bình, thịnh vượng và bền vững với mọi quốc gia và người dân. Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa những mục tiêu này”(5).
Tóm lại, tình hình thế giới tuy diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đứng trước rất nhiều khó khăn, bất ổn, nhưng xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển là xu hướng tất yếu của thời đại. Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình, mỗi quốc gia đều có vai trò quan trọng trong “bản giao hưởng lớn của thời đại”. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu, vươn mình để xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững cho dân tộc Việt Nam và cho hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết chắc chắn của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau./.
_______________________________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 105.
(2) Tô Lâm, “Toàn văn phát biểu chính sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 23-9-2024, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-chinh-sach-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-dai-hoc-columbia-hoa-ky-10224092411013163.html
(3) Tô Lâm, “Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25-9-2024, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/chia-se-tam-nhin-cua-viet-nam-cho-mot-tuong-lai-hoa-binh-on-dinh-hop-tac-thinh-vuong-va-ben-vung-678806.html
(4) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; https://www.vietnamplus.vn/phat-bieu-be-mac-hoi-nghi-tw-10-khoa-xiii-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-post978002.vnp
(5) Tô Lâm, “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp 'Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới'”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 05-10-2024, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-phien-hop-vi-mot-chu-nghia-da-phuong-doi-moi-102241006212604807.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Minh Quân (Chủ biên), Về một số xu hướng chính trị chủ yếu trên thế giới hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
2. Tống Đức Thảo, Bùi Việt Hương (Đồng chủ biên), Trào lưu xã hội dân chủ ở một số nước phương Tây hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
3. Nguyễn Hoàng Giáp (Chủ biên), Một số vấn đề chính trị quốc tế trong giai đoạn hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
4. Vũ Văn Hiền, Một số xu hướng phát triển của thế giới hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22/7/2023.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
- Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
- Xây dựng và củng cố bản lĩnh, bản lĩnh chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay
- Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Đảng ủy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
- 3 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, truyền thông của Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Truyền thông Trung Quốc và tham gia các tọa đàm về đào tạo
- 4 Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
- 5 Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- 6 Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Qua gần 40 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa có nhiều thay đổi nhanh chóng, tích cực. Các sản phẩm văn hóa và nhu cầu hưởng thụ văn hóa ở Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Đặc biệt, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra một “thiên đường” tiện ích về các sản phẩm văn hóa hiện đại như E-book, Audio book, nghệ thuật số, các kênh phim trực tuyến,… Sự thay đổi mang tính bước ngoặt ấy mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp xuất bản, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn, trong đó có nguy cơ xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, dân tộc về văn hóa. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với ngành công nghiệp xuất bản là vừa phải phát triển xứng tầm, vừa phải góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
Ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường luôn trở thành động lực mạnh mẽ trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng kể từ khi ra đời năm 1930 đến nay, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ luôn được Đảng ta đặt ra thường xuyên. Trải qua gần 40 năm đổi mới, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ngày càng được nhận thức, bổ sung sâu sắc, đầy đủ hơn, phản ánh năng lực tư duy và tầm trí tuệ lãnh đạo đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng và củng cố bản lĩnh, bản lĩnh chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Xây dựng và củng cố bản lĩnh, bản lĩnh chính trị cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Công cuộc đổi mới trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của đất nước ta đòi hỏi có những con người nhận thức hành động, cải tạo, biến đổi xã hội một cách chủ động, tích cực, sáng tạo. Trong đó, sinh viên Việt Nam là lực lượng quan trọng, chủ nhân tương lai của đất nước, làm chủ khoa học và công nghệ sớm đưa nước ta cất cánh cùng với các nước tiên tiến trên thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ to lớn đó, trước mắt cần xây dựng và củng cố bản lĩnh, bản lĩnh chính trị cho sinh viên.
Bình luận