Xuất bản điện tử và nhu cầu đào tạo xuất bản điện tử
1. Xuất bản điện tử ở Việt Nam hiện nay
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông ngày nay, đặc biệt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in giấy) sẽ được giảm đi rất nhiều để thay thế bằng các ấn phẩm điện tử đến được tay nhiều độc giả nhất, trong thời gian nhanh nhất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 nghĩa là tự động hóa, số hóa và kết nối mạng lưới các quá trình thiết kế, sản xuất, thông tin, truyền thông và quản lý. Khi áp dụng cho ngành xuất bản, các nhà xuất bản có thể tăng hiệu quả của các hình thức công bố đa phương tiện bằng cách triển khai các giải pháp công nghệ thông tin linh hoạt hiện đại. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số và in có thể được liên kết thông qua các mô hình kết hợp giúp mở rộng trải nghiệm của người dùng. Điều này cho phép cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo mới có thể được cá nhân hóa. Trên thế giới, trong khoảng những năm cuối của thế kỷ XX, xuất bản điện tử đã có tốc độ phát triển nhanh chóng. Sách điện tử đã vượt xa sách in cả về doanh thu, số bản in và trở nên rất phổ biến.
Tại Việt Nam, đã có đầy đủ các điều kiện về môi trường công nghệ và hành lang pháp lý cho sự phát triển của hoạt động xuất bản điện tử và kinh doanh sách điện tử trên môi trường internet. Thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử ngày càng rõ hơn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho xuất bản điện tử phát triển. Luật Xuất bản năm 2012 đã dành một chương với 8 điều khoản quy định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết hàng năm của Cục Xuất bản, In và Phát hành, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, số lượng xuất bản phẩm điện tử có sự phát triển chưa ổn định: 679 xuất bản phẩm (2016); 217 xuất bản phẩm (2017); 19 xuất bản phẩm (6 tháng đầu năm 2018). So với tiềm năng, quy mô, trình độ của xuất bản điện tử ở Việt Nam hiện nay còn khá nhỏ bé; vai trò của các nhà xuất bản chưa rõ; thị trường vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng internet hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông.
Ở Việt Nam hiện có 4 nhà xuất bản đủ điều kiện được cấp phép xuất bản điện tử, đó là: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.
Là nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép xuất bản điện tử, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số, đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả; tăng cường ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của Nhà xuất bản vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đã nâng cấp website và liên kết website với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có hợp tác với Nhà xuất bản để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị; chú trọng xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, truyền thông thương hiệu và truyền thông sản phẩm trên mọi phương tiện thông tin đại chúng; thuê chuyên gia xây dựng chiến lược marketing cho sàn giao dịch sách in và sàn giao dịch sách điện tử.
Trước xu thế phát triển tất yếu của xuất bản điện tử, Nhà xuất bản đã thành lập Ban Xuất bản điện tử và Ứng dụng Công nghệ thông tin, lấy nòng cốt là các biên tập viên giỏi chuyên môn, am hiểu về CNTT để từng bước nghiên cứu làm sách điện tử từ cấp độ 1 (đơn giản) đến cấp độ 4 (phức tạp); học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển về xuất bản điện tử; tích cực nắm bắt nhu cầu đặt hàng của các bộ, ngành, thuê chuyên gia tư vấn hướng dẫn cách làm cho ra sản phẩm cụ thể, sau đó hợp tác với các bộ, ngành thực hiện các đơn đặt hàng trên tinh thần “vừa học vừa làm kết hợp với sự hỗ trợ của chuyên gia”.
Nhà xuất bản đã hợp tác với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện Đề án sách nói về giảm nghèo thông tin cho các xã, phường, thị trấn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với sách điện tử Báo cáo thường niên; Thanh tra Bộ Nội vụ với dự án Thông tin pháp luật chuyên ngành Bộ Nội vụ trên thư viện điện tử của Thanh tra Bộ với hai phiên bản cho PC và Mobile; Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông với dự án Cung cấp thông tin pháp luật chuyên ngành trên trang tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông; Trường Cao đẳng CNTT hữu nghị Việt - Hàn với dự án Thư viện điện tử; Cục Thông tin cơ sở với dự án sách nói tuyên truyền về lãnh tụ, ngành Công an Nhân dân, ngày toàn quốc kháng chiến; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa với dự án sách điện tử “Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông với dự án sách điện tử “Việt Nam thường niên 2018” tặng các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều...
Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam là cơ quan xuất bản, in, cấp phép và phát hành, đơn vị sản xuất - kinh doanh trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh mục xuất bản phẩm của Nhà xuất bản khá lớn, thuộc 9 lĩnh vực của ngành Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các tài liệu, bản đồ phục vụ quản lý đất đai, quản lý môi trường, địa chất - khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc - bản đồ, các văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường,... Những xuất bản phẩm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực quản lý ngành và phục vụ mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai, biển đảo,... đang rất nóng bỏng hiện nay. Đồng thời, với đặc thù của chuyên ngành Tài nguyên Môi trường và Bản đồ luôn gắn với việc phát triển và ứng dụng GIS (Geographic Information System - Hệ thống thông tin địa lý) nên các sản phẩm xuất bản của nhà xuất bản luôn đòi hỏi phải áp dụng các công nghệ mới.
Nếu trước đây, với hình thức xuất bản truyền thống, các xuất bản phẩm này phải mất nhiều thời gian mới đến được tay độc giả và kém hấp dẫn do chưa đa dạng về cách thức thể hiện, phương thức truyền tải, ... thì ngày nay với xuất bản điện tử đã tạo sự hấp dẫn đối với độc giả, đặc biệt là dễ dàng tiếp cận được ở mọi lúc, mọi nơi với khả năng tương tác mạnh. Những cuốn sách điện tử đầu tiên của Nhà xuất bản như: “Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954”, “Mùa xuân toàn thắng 1975”,... là những xuất bản phẩm điện tử có tính giáo dục cao, sinh động về mặt đồ họa, được tích hợp nhiều phương thức truyền tải thông tin, gồm: bài viết, hình ảnh, mô hình chuyển động, tương tác, video... Từ năm 2007, đã bắt đầu có Atlas điện tử Đăk Nông đóng gói dưới dạng đĩa CD, mở đầu cho một chuỗi các sản phẩm Atlas điện tử Bình Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Ninh... phát hành trên cổng thông tin địa phương. Gần đây, Nhà xuất bản đã nâng cấp công nghệ là webgis hệ thống bản đồ hành chính phát hành trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ xuất bản điện tử nêu trên, hiện nay cả 2 nhà xuất bản đều rất cần tuyển dụng các biên tập viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ công nghệ thông tin, am hiểu về lĩnh vực xuất bản.
Công ty Cổ phần sách Omega Plus là một công ty sách chuyên xuất bản và phát hành các ấn phẩm khoa học về lịch sử, văn hóa, giáo dục, kinh tế, y học, nghệ thuật..., của Việt Nam và thế giới. Omega Plus (Omega+) đã giới thiệu tới bạn đọc hơn 200 đầu sách với số lượng hàng vạn cuốn. Lãnh đạo của Công ty cho rằng, nếu có được nguồn nhân lực nắm bắt và ứng dụng tốt công nghệ cũng như các kỹ năng của xuất bản điện tử thì hoạt động xuất bản và phát hành của Omega+ nói riêng và ngành xuất bản nói chung sẽ được cải tiến và hiệu quả gấp nhiều lần hiện nay.
Trước đây, để tổ chức xuất bản sách dịch từ tiếng nước ngoài, do độ khó của sách khoa học nên việc tìm và chọn người dịch, sau đó là quá trình dịch sách thường kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Nhưng nếu sử dụng phần mềm dịch với công nghệ “máy học” (machine learning) thì thời gian dịch thuật rút ngắn chỉ còn một nửa hoặc một phần ba. Trong thời gian tới, công nghệ dịch tự động (Google Translate) của Google sẽ luôn được cải tiến và trình độ AI (trí tuệ nhân tạo) của Google sẽ có sự phát triển vượt bậc. Điều đó giúp cho công tác tổ chức xuất bản của các đơn vị sẽ ngày càng nhanh chóng hơn.
Đối với hoạt động truyền thông - phát hành sách khoa học, thị trường ngách của mảng sách này là những độc giả khó tính thường đòi hỏi việc tiếp cận và truyền tải thông tin phải vừa phong phú, đa dạng về hình thức vừa tinh tế về nội dung. Các hoạt động quảng bá sách dưới dạng sự kiện offline như hội thảo, tọa đàm, giao lưu ra mắt sách ngày càng tốn kém và ít hiệu quả, trong khi đó việc truyền thông và phát hành trên không gian mạng internet đã trở thành xu hướng phổ biến của xã hội. Ở Omega+, hoạt động truyền thông không chỉ là tối ưu hóa việc tìm kiếm thông tin sách trên các công cụ tìm kiếm (SEO) mà ngày càng chú trọng đến việc sáng tạo ra các sản phẩm truyền thông, các content (nội dung) đa dạng như infographic, clip, recap... trên nhiều trang mạng xã hội khác nhau như Facebook, Instagram, Twitter, Youtube, đã tiếp cận tới nhiều loại khách hàng, tối ưu hóa hoạt động phát hành và cung ứng cho độc giả không chỉ là sách mà còn cả trải nghiệm của khách hàng trong quá trình nhận dịch vụ của Công ty.
Để thực hiện và đáp ứng khối lượng công việc ngày càng tăng lên, Công ty Omega+ cần ngày càng nhiều những nhân sự được đào tạo bài bản không chỉ giỏi về nghiệp vụ xuất bản như biên tập, phát hành mà còn nắm vững, thành thạo sử dụng công nghệ, nhạy bén với những công nghệ mới, và nhất là có tư duy sáng tạo, phát triển trên những nền tảng công nghệ đó.
Một số nhà xuất bản đang trong lộ trình chuẩn bị về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ nhân sự làm xuất bản điện tử như: Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Công an nhân dân...Trong thời gian tới, theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, kỹ thuật để có nhiều nhà xuất bản đủ điều kiện được cấp phép xuất bản điện tử.
Có thể khẳng định rằng, trình độ của xuất bản điện tử Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân lực làm ra nó. Ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, chưa có chương trình đào tạo Đại học Xuất bản điện tử. Xét trên góc độ đào tạo xuất bản thì hiện nay, chương trình đào tạo chuyên ngành xuất bản ở nước ta mới làm tốt việc đào tạo nghề xuất bản truyền thống, còn việc đào tạo nhân lực theo hướng tiếp cận các phương pháp, hình thức xuất bản hiện đại như xuất bản điện tử đa phương tiện còn rất hạn chế.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành quản lý và các cơ sở đào tạo nhân lực ngành xuất bản là cần bám sát nội dung Kết luận số 19/TB-TW ngày 29-12-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đó là: “Có kế hoạch cụ thể về đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực cũng như hoạch định về nhu cầu đầu tư cho đào tạo nhân lực của toàn ngành; Đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới; Tăng cường hạ tầng, thiết bị và chất lượng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở đào tạo; Tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và các đơn vị trong ngành xuất bản”. Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc cần phải mở chuyên ngành đào tạo Xuất bản điện tử ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
2. Chương trình đào tạo xuất bản điện tử
Là một trong những cơ sở đào tạo nhân lực ngành Xuất bản, Khoa Xuất bản - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã sớm nhận thức được sự cần thiết phải có một chương trình đào tạo bậc đại học, chuyên ngành Xuất bản điện tử để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị xuất bản hiện nay. Để thực hiện được chương trình đào tạo Xuất bản điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, đào tạo - bồi dưỡng lại đội ngũ giảng viên, tuyển dụng thêm giảng viên có trình độ công nghệ xuất bản... Trước mắt, để xây dựng chương trình đào tạo Xuất bản điện tử, cần tham khảo chương trình đào tạo của các nước phát triển trên thế giới, từ đó xác định nội dung chương trình cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong chương trình đào tạo Xuất bản điện tử cần đạt được những mục tiêu cơ bản về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất chính trị và đạo đức như sau:
- Về mục tiêu đào tạo chung: Đào tạo Cử nhân xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; nắm vững kiến thức về lý luận chính trị, lý thuyết và kỹ năng nghiệp vụ xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng; có khả năng tổ chức sản xuất các xuất bản phẩm điện tử trong các nhà xuất bản, doanh nghiệp xuất bản phẩm; các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực xuất bản...
- Về mục tiêu cụ thể:
+ Thứ nhất, về kiến thức bao gồm lý thuyết về xuất bản điện tử, quản lý thông tin trên mạng
internet, phương thức tổ chức sản xuất sản phẩm sách điện tử đa phương tiện; quản lý các hoạt động xuất bản điện tử; tổ chức các hoạt động kinh doanh sản phẩm sách điện tử, truyền thông số trong môi trường internet...
+ Thứ hai, về kỹ năng:
Nhóm kỹ năng sáng tạo nội dung xuất bản phẩm điện tử: Bao gồm việc sáng tạo nội dung trên một số nền tảng công nghệ, đa phương tiện (multimedia publishing), đa dạng ngôn ngữ biểu đạt (văn tự, phi văn tự). Bao gồm các kỹ năng sau: nội dung văn bản (text content), nội dung hình ảnh chụp (image content), nội dung hình ảnh đồ họa (graphic content), nội dung âm thanh (audio content), nội dung video (video content), nội dung tương tác (interactive content)...
Người học cần được thực hành các kỹ năng sáng tạo nội dung xuất bản phẩm điện tử như: kỹ năng nghiên cứu, xây dựng ý tưởng đề tài cho xuất bản phẩm; kỹ năng lập kế hoạch đề tài, tổ chức đội ngũ tác giả - cộng tác viên thực hiện xuất bản phẩm; kỹ năng bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ; kỹ năng xây dựng nội dung, hình thức thông điệp của xuất bản phẩm; kỹ năng sử dụng các công cụ, ngôn ngữ biểu đạt thông điệp của xuất bản phẩm; kỹ năng lựa chọn, sử dụng kênh truyền tải xuất bản phẩm (in ấn, truyền dẫn, đăng tải); kỹ năng nghiên cứu nhu cầu, tâm lý người dùng - khách hàng, thị trường tiêu thụ xuất bản phẩm điện tử...
Nhóm kỹ năng biên tập xuất bản phẩm điện tử: Bao gồm các kỹ năng: tổ chức, biên tập xuất bản Sách điện tử (E books); tổ chức, biên tập Danh mục xuất bản phẩm số (Digital catalog publishing); tổ chức, biên tập xuất bản Thư viện số (Digital library); tổ chức, biên tập xuất bản Tạp chí số (Digital magazine); tổ chức, biên tập xuất bản nội dung Cổng thông tin điện tử/Trang thông tin điện tử (website);...
Nhóm kỹ năng quản trị - kinh doanh xuất bản phẩm điện tử: Bao gồm các kỹ năng như: kỹ năng SEO (sử dụng công cụ từ khóa tìm kiếm thông tin); quản trị dịch vụ khách hàng - người dùng; tiếp cận thị trường - tiếp thị xuất bản phẩm điện tử; quản trị hệ thống phát hành sách điện tử; quản lý tài chính số trong xuất bản; bảo mật và an toàn thông tin...
Nhóm kỹ năng ứng dụng kỹ thuật - công nghệ truyền thông số: Bao gồm các kỹ năng ứng dụng kỹ thuật - công nghệ truyền thông số trong sáng tạo nội dung, biên tập, quản trị - kinh doanh xuất bản phẩm điện tử. Cụ thể là các kỹ năng sau: kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế giao diện sách điện tử, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, danh mục xuất bản phẩm điện tử, thư viện điện tử...; kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế, xây dựng nội dung chuyên trang, chuyên mục cho sách điện tử, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, danh mục xuất bản phẩm điện tử, thư viện điện tử..; kỹ năng sử dụng công nghệ quản trị nội dung, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu lớn (big data) cho sách điện tử, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, danh mục xuất bản phẩm điện tử; kỹ năng sử dụng phần mềm quản trị xuất bản thư viện số; kỹ năng sử dụng các phần mềm quản lý tương tác, phản hồi và xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản...
Người học chuyên ngành Xuất bản điện tử còn được trang bị các kỹ năng truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong lĩnh vực xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng. Cụ thể như: lập kế hoạch truyền thông xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng; tổ chức sự kiện, quan hệ báo giới, họp báo công bố sự kiện xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng; tổ chức hội chợ, triển lãm; kỹ năng quảng bá thương hiệu nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm nói chung, xuất bản phẩm điện tử nói riêng; kỹ năng truyền thông trong khủng hoảng và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản...
Ngoài ra, người học chuyên ngành Xuất bản điện tử còn phải có khả năng kết hợp thuần thục các kỹ năng, nghiệp vụ xuất bản điện tử với trình độ ngoại ngữ, tin học để làm việc trong môi trường truyền thông số và hợp tác với các đối tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực truyền thông - xuất bản trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay.
+ Thứ ba, về phẩm chất chính trị và đạo đức
Có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có đạo đức tác phong của người cán bộ cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao của một biên tập viên trong môi trường truyền thông số. Có ý thức đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ quy trình xuất bản điện tử, các quy định quản lý nhà nước về xuất bản điện tử. Tác phong làm việc chuyên nghiệp, độc lập, chủ động.
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân chuyên ngành Xuất bản điện tử có thể đảm nhiệm ở các vị trí, việc làm như: chuyên viên tại các nhà xuất bản, nhất là các công việc liên quan đến xuất bản điện tử; nhân viên sáng tạo nội dung, biên tập xuất bản và quản trị cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tại các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, doanh nghiệp; nhân viên tại các công ty cổ phần sách, công ty truyền thông - xuất bản có các công việc liên quan đến xuất bản phẩm điện tử; chuyên viên quản trị thư viện điện tử, dữ liệu lớn tại hệ thống thư viện quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đào tạo; chuyên viên nghiên cứu, quản lý truyền thông - xuất bản tại các đơn vị sự nghiệp nhà nước liên quan đến ngành Xuất bản nói chung, các hoạt động liên quan đến xuất bản điện tử nói riêng.
____________________________________
Tài liệu tham khảo
1. Cục Xuất bản, In và Phát hành: Báo cáo tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.
2. Trần Chí Đạt (2019): Vấn đề đào tạo xuất bản điện tử - Nhu cầu thực tiễn từ Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Xuất bản điện tử - Nhu cầu thực tiễn và chương trình đào tạo”, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
3. Vũ Trọng Đại (2019): Nhu cầu nguồn nhân lực xuất bản điện tử của một công ty sách, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Xuất bản điện tử - Nhu cầu thực tiễn và chương trình đào tạo”, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
4. Kim Quang Minh (2019): Xuất bản điện tử - Thực tiễn từ Nhà xuất bản Tài Nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Xuất bản điện tử - Nhu cầu thực tiễn và chương trình đào tạo”, Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7.2019
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận