Chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh hậu Covid-19: Từ lý thuyết đến thực tiễn
Chủ nghĩa đa phương (Multilateralism) là một thuật ngữ không còn mới trong Quan hệ quốc tế hiện đại. Tuy vậy, do chưa có sự thừa nhận chung vì có nhiều cách tiếp cận khác nhau cũng như sự đa dạng trong thực tiễn hoạt động (cả về số lượng, chất lượng, lẫn cấp độ và hiệu quả) nên cho đến thời điểm hiện tại chủ nghĩa đa phương vẫn là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ở đây sẽ nghiên cứu chủ nghĩa đa phương từ lý thuyết (tìm hiểu các góc độ tiếp cận phổ biến của các nhà khoa học trên thế giới về chủ nghĩa đa phương) đồng thời chọn một hướng tiếp cận để phân tích thực tiễn hoạt động trên thực tế của chủ nghĩa đa phương ở cấp độ chung nhất trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 với một tinh thần tìm ra những bước chuyển mình mang tính tương thích với hoàn cảnh, bối cảnh mới.
Trước hết, về mặt lý thuyết, trên thế giới đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về chủ nghĩa đa phương với những cách tiếp cận khác nhau:
Đầu tiên là cách tiếp cận dưới góc độ học thuyết, ý thức hệ. Các nhà khoa học như James A.Caporaso khẳng định chủ nghĩa đa phương là một niềm tin cho rằng các hoạt động nên được tổ chức dựa trên một cơ sở mang tính phổ quát toàn cầu (hoặc ít nhất là nhiều bên) đối với một nhóm nước nào đó, chẳng hạn như nhóm các nền dân chủ. Đó cũng có thể là một niềm tin về cách thức thế giới hoạt động hoặc là một kỳ vọng rằng thế giới nên được vận hành theo một cách thức nhất định. Theo đó, chủ nghĩa đa phương là một ý thức hệ được thiết kế để thúc đẩy các hoạt động đa phương. Nó tổng hòa các nguyên tắc mang tính kỳ vọng, việc vận động chính sách cũng như các niềm tin thực tế(1).
Trong khi đó James Scott lại giải thích rằng chủ nghĩa đa phương nhìn chung được coi là tổng hòa những yếu tố hoặc các nguyên tắc định tính nhất định định hình nên đặc điểm của sự dàn xếp hoặc thể chế. Những nguyên tắc này là sự không thể tách rời của lợi ích giữa những bên tham gia, là một cam kết có đi có lại và là một hệ thống giải quyết tranh chấp nhằm thực hiện một phương thức, hành vi cụ thể(2).
Dưới góc độ thể chế, John Gernard Ruggie cho rằng chủ nghĩa đa phương hàm ý chỉ những dàn xếp mang tính thể chế có vai trò xác định và bình ổn quyền sở hữu/ chủ quyền của các quốc gia, kiểm soát và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phối hợp. Thể chế chủ nghĩa đa phương khác với các hình thức khác bởi ba đặc điểm: sự không thể chia tách, các nguyên tắc hoạt động phổ quát và sự tương hỗ (có đi có lại) lâu dài. Sự không thể chia tách thể hiện ở phạm vi (về địa lý lẫn chức năng) mà chi phí và lợi ích được phân bổ khi một hành động được bắt đầu trong hoặc giữa các đơn vị cấu thành. Nguyên tắc ứng xử phổ quát thường xuất hiện dưới hình thức các quy chuẩn chung hoặc là các hình thức phổ quát trong việc ứng xử với tất cả các quốc gia khác, thay vì phân biệt trong quan hệ với từng trường hợp trên cơ sở của sở thích cá nhân, tình huống ngoại lệ hoặc một sự đối xử đặc biệt được quy định trước(3). Sự tương hỗ lâu dài khiến các chủ thể kỳ vọng sẽ đạt được lợi ích trong thời gian dài và trên nhiều vấn đề thay vì ăn xổi ở thì(4).
Joseph Nye cũng có những ý tưởng tương đồng với John Gernard Ruggie khi cho rằng “chủ nghĩa đa phương là nói về các cơ chế, trong đó các quốc gia thống nhất về một số dạng hành động chung, qua đó giảm thiểu các “chi phí giao dịch” khi phải chung tay xử lý các vấn đề chung thông qua việc tuân thủ ba nguyên tắc chính: (i) không phân biệt (non - discrimination), nghĩa là các quốc gia tham gia phải được đối xử như nhau; (ii) không phân chia (indivisibility), nghĩa là các thành viên tham gia phải là chủ thể có chủ quyền đơn nhất; (iii) tương hỗ (diffuse reciprocity), nghĩa là các bên liên quan phải có nghĩa vụ giữ vững các chuẩn mực chung trong hợp tác(5).
James A.Caporaso đã nghiên cứu và phân biệt rõ sự khác biệt giữa thể chế đa phương với thể chế của chủ nghĩa đa phương. Thể chế / tổ chức đa phương khác với thể chế của chủ nghĩa đa phương là sự thể hiện của hai cấp độ hoạt động quốc tế liên quan đến nhau. Các tổ chức đa phương tập trung chú ý vào các yếu tố tổ chức chính thức của đời sống quốc tế và được đặc trưng bởi các trụ sở cố định có địa chỉ bưu chính riêng biệt với các nhân viên và ban thư ký thường trực. Còn các thể chế, thiết chế của chủ nghĩa đa phương thì có thể tồn tại dưới hình thức các tổ chức cụ thể nhưng ý nghĩa của nó sâu rộng hơn. Thiết chế đa phương hình thành và tạo ra các thói quen, thực tiễn, ý tưởng và chuẩn mực ít mang tính chính thức và chuẩn hóa của xã hội quốc tế(6).
Dưới góc độ công cụ, nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng chủ nghĩa đa phương là một công cụ trong vô vàn các công cụ khác được sử dụng hoặc bị xếp xó theo tính toán có chủ đích(7). Các lý thuyết công cụ giải thích: các hoạt động đa phương có thể là mục tiêu hoặc một loại hàng hóa tiêu dùng đối với các nước thích hành động theo phương cách đa phương. Trong số các hình thức biểu hiện công cụ của chủ nghĩa đa phương có ngoại giao đa phương. Ngoại giao đa phương(8) là sự tham gia của nhiều hơn hai quốc gia hoặc các bên trong việc đạt được các giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xuyên quốc gia. Ngoại giao đa phương cũng là phương tiện đàm phán các điều ước quốc tế giúp cải thiện tình trạng thế giới. Theo Kishore Mahbubani có các loại hình ngoại giao đa phương: các cuộc họp đa phương diễn ra trong một năm dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp độ khác nhau có thể chia các loại: phổ quát, chức năng/chuyên ngành, khu vực, thời vụ (adhoc)(9).
Dưới góc độ hoạt động, chủ nghĩa đa phương được Robert O.Keohan hiểu là việc thực hiện phối hợp các chính sách quốc gia trong nhóm gồm ba hay nhiều quốc gia thông qua các sắp xếp tạm thời (adhoc) hoặc thông qua các thể chế(10).
Như vậy, dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, chủ nghĩa đa phương có những hình dáng và mảng màu khác nhau. Nhìn chung, bài viết sẽ tiếp cận chủ nghĩa đa phương là hệ thống các nguyên tắc mang tính kỳ vọng được thiết kế và thể chế hóa để thúc đẩy các hoạt động đa phương (hoạt động có từ 3 chủ thể quan hệ quốc tế cùng tham gia trở lên) cũng như là công cụ (nhấn mạnh hình thức tiêu biểu - ngoại giao đa phương) được các chủ thể quan hệ quốc tế sử dụng có chủ đích.
Trên thực tế, chủ nghĩa đa phương đã được thể hiện rõ ràng thông qua hoạt động các chủ thể quan hệ quốc tế với 2 nội dung:
Thứ nhất là quá trình hình thành nguyên tắc cho các hoạt động đa phương của các chủ thể (chủ yếu là các quốc gia) thông qua các cuộc họp/ hội nghị đa phương - hình thức phổ biến của chủ nghĩa đa phương.
Thứ hai là các hoạt động đa phương (ngoại giao đa phương) với tư cách là công cụ của các chủ thể có chủ đích trong quan hệ quốc tế. Ngoại giao đa phương được hiểu là một hình thức hoạt động ngoại giao trong đó có sự tham gia của ba chủ thể quan hệ quốc tế (chủ yếu là quốc gia - dân tộc) trở lên vào quá trình đàm phán, thương lượng, ra quyết sách trong cùng một thời điểm và đáp ứng nhiều đòi hỏi khác nhau trước một vấn đề cụ thể(11). Hoạt động đa phương này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: từ thể chế đa phương (tổ chức quốc tế đa phương, diễn đàn đa phương, hội nghị đa phương) đến những cuộc gặp gỡ đa phương định kỳ hoặc ngẫu hứng rồi việc tham gia các hiệp định (thỏa thuận) quốc tế đa phương, các lễ hội đa phương...
Trước thời kỳ Covid-19, chủ nghĩa đa phương đã tồn tại khá lâu và hiện hữu trong đời sống quan hệ quốc tế, đặc biệt nở rộ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2. Từ năm 1945, các hoạt động thiết lập nguyên tắc định hình các cơ chế đa phương tạo cơ sở cho hoạt động đa phương rất được chú trọng và thực hiện. Tuy không thường xuyên liên tục và định kỳ nhưng chúng cũng đã là một tâm điểm hoạt động của các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc này được các chủ thể (chủ yếu là các quốc gia, tổ chức quốc tế) thảo luận, hoạch định và thể chế hóa bằng các điều ước, hiệp định, hiến chương, tuyên bố... được coi là tiền đề và bộ khung điều chỉnh, dẫn dắt hoạt động đa phương. Thỏa thuận quốc tế đầu tiên và có hiệu lực cho đến nay được đông đảo các quốc gia công nhận và là một nguồn trong nguyên tắc hoạt động đa phương đó là Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết năm 1945. Tiếp theo là hàng loạt các thỏa thuận quốc tế đa phương khác như Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia, Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc theo Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24.10.1970, Công ước Viên năm 1986 về Luật Điều ước giữa quốc gia và các tổ chức quốc tế hoặc giữa các tổ chức quốc tế... Trên cơ sở các điều ước quốc tế đó, các hoạt động đa phương được diễn ra, song thời kỳ này vẫn chỉ diễn ra trong những khuôn khổ chật hẹp (các tổ chức trong nội bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa, nội bộ xã hội chủ nghĩa mà không phổ quát rộng rãi, duy chỉ có một tổ chức chung được hai hệ thống chấp nhận và tham gia là Liên hợp quốc) do ý thức hệ quy định.
Chủ nghĩa đa phương chỉ trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ từ sau năm 1991 trong môi trường mới do thay đổi trật tự thế giới (cấu trúc và nguyên tắc vận hành cấu trúc của trật tự thế giới đã khác với giai đoạn 1945 - 1991 thậm chí gần đây có hiện tượng phát triển mạnh xu hướng xây dựng và thực hiện trật tự dựa trên quy tắc), do những ảnh hưởng lớn của toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ, các vấn đề nảy sinh như an ninh phi truyền thống, các vấn đề toàn cầu... Sự sôi động đó đến từ hoạt động của các thể chế đa phương như các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương chuyên nghiệp đến những hội nghị đa phương thường niên hoặc hội nghị đa phương đột xuất. Hàng năm có hàng chục các cuộc gặp gỡ đa phương vừa hoạt động dựa trên những nguyên tắc đã có, vừa định hình mới hoặc hoàn thiện hoặc thay đổi những nguyên tắc đa phương hiện tồn để hoạt động chủ nghĩa đa phương phù hợp với những biến động của thế giới chẳng hạn như các cường quốc đã bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi nguyên tắc cho hoạt động chủ nghĩa đa phương năng động, sáng tạo phù hợp với thời đại hơn, ví dụ việc các khu vực đều phát triển mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao đa phương khu vực như hình thành và phát triển Liên minh châu Phi - AU (chính thức ra đời 2002), Cộng đồng ASEAN (AC)..., hoặc tăng cường hiện thực hóa các sáng kiến hoạt động đa phương liên khu vực như Diễn đàn đối thoại châu Á - Trung Đông (AMED), diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), hay việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP năm 2018, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP năm 2020,... Bên cạnh đó, việc một số cường quốc đưa ra nhiều sáng kiến mới để thành lập các thể chế chủ nghĩa đa phương mới thay thế dần cho những quy tắc, thể chế chủ nghĩa đa phương cũ đang tồn tại, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của bản thân các cường quốc như việc hình thành khuôn khổ hợp tác không chính thức của Bộ Tứ kim cương - QUAD (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) họp lần đầu vào năm 2019 với sự dẫn dắt của Mỹ. Hoặc Trung Quốc đưa ra và thúc đẩy các cơ chế hợp tác mang dấu ấn của mình, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải - SCO, BRICS, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á -AIIB,...
Một trong những biến động lớn xuất hiện dẫn đến những thay đổi không nhỏ trong việc định hình luật chơi đa phương cũng như hoạt động của các thể chế đa phương do các chủ thể thực hiện khi áp dụng chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế phục vụ cho mục tiêu và nhu cầu của quốc gia mình. Đó là dịch Covid-19 do virus SARS - CoV 2 gây ra. Bệnh xuất hiện từ tháng 12 năm 2019 và trở thành đại dịch vào tháng 3 năm 2020 trên thế giới kéo dài cho đến tận thời điểm hiện nay là tháng 2 năm 2021 với các đợt bùng phát (làn sóng) khác nhau và đem lại hậu quả thảm khốc cho con người (tính đến tháng 3 năm 2020 đã có hơn 2,5 triệu người chết, hơn113 triệu người nhiễm bệnh(12)). Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức tổ chức đời sống, thay đổi kinh tế, xã hội và văn hóa của các dân tộc, các quốc gia và toàn bộ thế giới. Chưa bao giờ việc giao tiếp lại gần mà xa, xa mà gần, dễ mà khó như hiện nay. Quan hệ quốc tế bởi thế cũng có những biến động và đổi thay đáng kể. Môi trường của chủ nghĩa đa phương từ đó cũng thay đổi. Chủ nghĩa đa phương đã được áp dụng và sử dụng một cách linh hoạt mềm dẻo đầy sáng tạo trong môi trường đặc biệt chưa từng có trong lịch sử - môi trường hậu Covid-19.
Đầu tiên, có thể nhận thấy khung nguyên tắc định hình hoạt động chủ nghĩa đa phương đang dần thay đổi. Các quốc gia đã bắt đầu nghĩ tới việc hình thành các quy tắc hoạt động khác trong môi trường bình thường mới của thế giới hậu Covid-19 với các nội dung gắn liền với việc xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và đại dịch Covid-19 nói riêng. Chưa bao giờ tính đồng thuận trong quan hệ quốc tế lại nổi trội như hiện nay. Các quốc gia, dân tộc trên thế giới hơn lúc nào hết tạm gác lại nhiều vấn đề xung đột, mâu thuẫn để có thể cùng ngồi với nhau hoặc hợp tác với nhau cùng chung tay đối phó với dịch bệnh. Hầu hết các thể chế chủ nghĩa đa phương, các hoạt động đa phương từ không chuyên về an ninh (dịch bệnh) như kinh tế (WTO, WB, IMF, Nhóm các nước công nghiệp phát triển - G7, Diễn đàn kinh tế thế giới, APEC, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20...), văn hóa - xã hội (UNESCO, Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN,...) đến các hoạt động chuyên về an ninh - chính trị (Hội đồng Bảo an, WHO, NATO, ARF...) lại đang cùng thảo luận về một vấn đề - vấn đề dịch bệnh bên cạnh những vấn đề chuyên môn của mình tại thời điểm năm 2020 và năm 2021 này. Điển hình là trong cuộc họp thượng đỉnh của G20 tháng 11.2020, phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia cho rằng, đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới chỉ trong thời gian ngắn, khiến cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu bị thiệt hại nặng nề... Nhắc lại cam kết đóng góp 21 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch, Quốc vương Saudi Arabia nhấn mạnh, G20 đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để hỗ trợ kinh tế các nước thành viên bằng cách dành 11.000 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân(13).
Dịch bệnh vô hình chung trở thành một phần không thể tách rời trong nội dung đàm phán chính của hầu như bất kỳ các cuộc họp, cuộc gặp gỡ hay thảo luận đa phương, ví dụ như nội dung trong cuộc họp thượng đỉnh G20 năm 2020 được thể hiện theo hình dưới đây:
Covid-19 từ đó cũng đã trở thành cái tên quen thuộc đối với các nhà lãnh đạo, các nhà ngoại giao, các nhà nghiên cứu và các nhà bình luận quan hệ quốc tế.
Bên cạnh việc trở thành một nội dung trên bàn đàm phán đa phương, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội cho nhiều quốc gia đảo chiều sức mạnh và có lợi thế trên bàn đàm phán khi sở hữu vacxin phòng ngừa Covid-19. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc định hình nguyên tắc và cách thức hoạt động đa phương trong thế giới hậu Covid-19 do sự thay đổi tương quan lực lượng trong quan hệ quốc tế.
Trong môi trường đại dịch Covid-19, khi sự hạn chế về tiếp xúc là điều bắt buộc thì hoạt động đối ngoại đa phương cũng phải thay đổi về hình thức. Mặc dù vẫn còn có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp khi chúng được các chủ thể coi là tối quan trọng thì các cuộc gặp được diễn ra không bình thường như trước nữa - khẩu trang và khoảng cách là những hình ảnh được nhìn thấy thường xuyên - văn hóa ứng xử và giao tiếp, đàm phán đa phương đã thay đổi. Hầu hết các cuộc họp, đàm phán, gặp gỡ từ nửa đầu năm 2020 đến nay là online, thậm chí ngay từ tháng 3 - ngày 19.3 năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hủy cuộc họp trực tiếp của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) thay vào đó là họp trực tuyến. Ngoài ra, các cuộc họp quan trọng mang tính truyền thống khác như EU, G20, các phiên họp, phiên thảo luận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, ASEAN,... cũng diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Đồng thời, do tầm quan trọng của việc hình thành nguyên tắc, quy định hoạt động đa phương (khả năng ảnh hưởng đến lợi ích và chủ quyền quốc gia) nhưng lại diễn ra trong bối cảnh Covid-19 nên không ít các thể chế đa phương đã chọn hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp - đây là hình thức được đánh giá phổ biến và tương đối hiệu quả. Cuộc họp nhóm nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là ví dụ điển hình. Cuộc họp diễn ra với chủ đề “Nỗ lực chung vì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiệu quả: kinh nghiệm và bài học tốt cho các nước mới trúng cử Ủy viên không thường trực” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp từ Hà Nội, có sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế và trong nước, gồm đại diện các nước E10 - I5 ở thủ đô, các Phái đoàn tại New York và đại diện các Đại sứ quán tại Hà Nội(15)...
Những thay đổi về hình thức và nội dung này là phù hợp và có tính thích ứng linh hoạt thể hiện sự năng động trong thực tiễn của chủ nghĩa đa phương, nhưng xét ở một vài khía cạnh khác, hoạt động đa phương bối cảnh hậu Covid-19 lại đang gặp những thách thức không hề nhỏ: Họp trực tuyến sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ (công nghệ thông tin) sẽ dẫn đến những vấn đề bên lề của ngoại giao đa phương không được phát huy do tính bảo mật trong cuộc họp. Họp trực tuyến sẽ làm mất đi cơ hội đối thoại song phương, trong khi một trong những vai trò quan trọng của hoạt động đa phương đó là góp phần làm cầu nối, trung gian để ngoại giao song phương phát triển (sẽ khó có thể có cuộc gặp gỡ song phương diễn ra dưới hình thức trực tuyến). Việc quảng bá hình ảnh quốc gia về văn hóa, đất nước, con người bị hạn chế do việc không tiếp xúc trực tiếp nên nước chủ nhà không có cơ hội tăng cường phát triển thương hiệu quốc gia, lan tỏa sức mạnh mềm trong quá trình tổ chức hoạt động đa phương với sự tham gia của đại diện các quốc gia trên thế giới...
Thời gian tới, khi vacxin đã được điều chế và chứng minh được tính hiệu quả của mình, chủ nghĩa đa phương với việc định hình nguyên tắc, quy định cho hoạt động đa phương cũng như các hoạt động đa phương trên thực tế sẽ tiếp tục phát huy sức sống mạnh mẽ của nó. Song, có thể thấy, khi nỗi lo lắng về dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, thói quen vẫn đã ít nhiều được định hình, các nội dung về vấn đề an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục được đưa vào chương trình nghị sự của các hoạt đông đa phương, các hình thức hoạt động đa phương vẫn diễn ra có thể trực tiếp nhiều hơn nhưng hình thức trực tuyến đan xen trực tiếp như đang diễn ra hiện nay sẽ là sự lựa chọn của nhiều chủ thể quan hệ quốc tế. Với những hiệu quả nhất định của mình, chủ nghĩa đa phương tiếp tục là nguyên tắc, nội dung, công cụ quan trọng của các chủ thể nhằm đạt được lợi ích của mình khi tham gia vào quan hệ quốc tế trong thời kỳ hậu Covid-19./.
___________________________________________
(1), (6), (7) James A.Caporaso, Lý thuyết quan hệ quốc tế và chủ nghĩa đa phương, “International relations theory and multilateralism: the search for foundations”, International Organization 46.3, tr.599-632, trích theo Học viện Ngoại giao (DAV) và KAS, Ngoại giao đa phương (tập tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ), Hà Nội, 2019, tr.62, 61, 63.
(2) James Scott https://www.britannica.com/topic/multilateralism.
(3) John Gernard Ruggie: “Unravelling the World order: The United States and the Future of Multilateralism,” University of California, San Diego, 1989; và “Multilateralism: the Anatomy of an Institution,” International Organization, Vol.46.3 (Mùa hè, 1992), theo Học viện Ngoại giao (DAV) và KAS, Ngoại giao đa phương (tập tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ), Hà Nội, 2019, tr.61.
(4) Rober O. Keohan, “Reciprocity in International Relations,” International Organization 40 (Mùa đông 1986), tr.1-27, theo Học viện Ngoại giao (DAV) và KAS, Ngoại giao đa phương (tập tài liệu tham khảo lưu hành nội bộ), Hà Nội, 2019, tr.61.
(5) Xem Joseph: “Unilateralism vs. Multilaterlism”, Taipei Times, 29-9-2002. Trích theo Đặng Đình Quý (Chủ biên), Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr.35.
(8) Kishore Mahbubani, Multilateral Diplomacy, trong The Oxford Handbook of Modern Diplomacy, 2013, tr.248-262.
(9) Kishore Mahbubani, Multilateral Diplomacy, trong The Oxford Handbook of Modern Diplomacy, 2013, tr248-262, Học viện Ngoại giao, Ngoại giao đa phương, tr.42, 43.
(10) Robert O.Keohane, Multilateralism: Agnenda for research”, International Journal, Vol 25, Mùa thu 1990. tr.731-33, trích theo Học viện Ngoại giao và KAS, Ngoại giao đa phương (lưu hành nội bộ), Hà Nội 2019, tr.6-7.
(11) Lưu Thúy Hồng (2015), Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
(12) https://covid19.who.int/.
(13) Theo http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-bat-dau-du-Hoi-nghi-Thuong-dinh-G20/414761.vgp.
(14) http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-bat-dau-du-Hoi-nghi-Thuong-dinh-G20/414761.vgp.
(15) https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-hop-nhom-nuoc-uy-vien-khong-thuong-truc-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-820106.vov.
Nguồn: Bài đăng trênTạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 3.2021
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Sách tinh gọn, hay sách tóm tắt, là một sản phẩm tuy không mới nhưng do sự phát triển của các nền tảng số cũng như mạng xã hội mà đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này còn có nhiều vấn đề, như chưa tạo ra được lợi nhuận trực tiếp, dễ bị vi phạm bản quyền, các chế tài và quy định pháp luật tuy đã có nhưng chưa được cập nhật với tình hình thực tế, các đơn vị xuất bản vẫn còn e dè chưa phát triển mạnh. Do vậy, cần nâng cao vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành - trung gian kết nối các yếu tố trong hoạt động khai thác sách tinh gọn cũng như những sản phẩm phái sinh. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng cần đi đầu trong khai thác bản quyền, xây dựng hệ thống nhân sự chuyên nghiệp, giáo dục và tuyên truyền đến các tác giả nhằm phát triển hoạt động khai sách tinh gọn cho thị trường xuất bản Việt Nam.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận