Giá trị lịch sử của những tác phẩm ảnh báo chí
Ảnh báo chí phản ánh hiện thực cuộc sống bằng ngôn ngữ hình ảnh. Những bức ảnh báo chí có tính mục đích rõ ràng, ghi nhận những sự vật, hiện tượng tại mốc thời gian gần nhất với thời điểm hình ảnh được công bố, đăng tải. Tính chân thật và khách quan của ảnh báo chí là đặc trưng cơ bản của các tác phẩm ảnh, điều này giúp các bức ảnh có thể tái hiện lại các khoảnh khắc lịch sử, bất kể đó là sự kiện vừa diễn ra hay là câu chuyện đã tồn tại từ hàng trăm năm trước. Nhìn từ góc độ nghiên cứu lịch sử, các tác phẩm ảnh báo chí góp phần phản ánh những hoạt động của con người trong quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên và quá trình con người tương tác với nhau.
Trong quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên, lịch sử được hình thành, bao gồm cả lịch sử phát triển của tự nhiên và lịch sử phát triển của xã hội loài người. Cùng với sự phát triển của công nghệ và khoa học kỹ thuật, nhiếp ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng đã trở thành phương tiện hữu hiệu ghi nhận và tái hiện lịch sử của tự nhiên ở khía cạnh thuần túy tự nhiên, bao gồm mọi hoạt động không có sự can thiệp của con người. Đó có thể là hình ảnh bầy chim đang làm tổ, một chú gấu bắc cực giữa mênh mông tuyết trắng, một cú vồ mồi chớp nhoáng của chim đại bàng v.v. Từ đó, chúng ta nhìn thấy tự nhiên biến đổi như thế nào qua thời gian. Đó là hình ảnh một tảng băng trôi lờ lững cho thấy khí hậu toàn cầu đang nóng lên, dẫn đến hiện tượng băng tan ở hai cực của trái đất, hình ảnh một đàn bò rừng bison gặm cỏ lúc rạng đông, nhấn mạnh thực tế một chủng loài động vật cần được bảo vệ v.v...
Khi tự nhiên tồn tại ngoài sự can thiệp của con người, ảnh báo chí cho chúng ta nhìn thấy những khoảnh khắc dữ dội nhất của một trận lũ lụt, một cơn lốc xoáy hay một vụ phun trào núi lửa. Từ đó, lịch sử tồn tại và thay đổi của một cộng đồng người được nhắc đến và ghi nhận như những dữ liệu lịch sử không thể thay đổi. Ví dụ: Vụ phun trào núi lửa Pinatubo (Philippin) năm 1991 khiến hơn 800 người thiệt mạng; vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 ghi nhận gần 70 nghìn người chết, 17 nghìn người mất tích, hàng trăm nghìn người bị thương, hơn 5 triệu người mất đi nhà cửa; vụ sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 lấy đi sinh mạng của 18.500 người với thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 300 tỷ USD.

Ở khía cạnh tự nhiên tồn tại trong mối quan hệ tương tác với con người, chúng ta thấy lịch sử phát triển của tự nhiên gắn liền, không thể tách rời với sự phát triển của xã hội loài người. Ví dụ: Hình ảnh người đàn ông đứng trước một núi sọ bò rừng bị sát hại, nhắc lại giai đoạn lịch sử thế kỷ 19, những người định cư và thợ săn đã đẩy bò rừng gần như đến bờ vực tuyệt chủng. Đây không chỉ là hậu quả của việc săn bắn quá mức, mà còn là một chiến lược có chủ đích được chính phủ Hoa Kỳ và những người định cư sử dụng, kế hoạch này nhằm mục đích phá hủy nền tảng của cuộc sống bản địa và buộc họ phải sống trong các khu bảo tồn.

Chính sự xuất hiện hiếm hoi của một loài động vật tưởng chừng dễ bắt gặp trong đời sống hàng ngày là lý do để trao giải nhất Ảnh báo chí thế giới (Hạng mục Nature) năm 1986 cho tác giả James A. Sugar của tờ báo Black Star (Mỹ), với hình ảnh một đàn bò rừng Bison xuất hiện lúc bình minh.

Trong mối quan hệ với tự nhiên, ảnh báo chí phản ánh cả mặt tích cực và tiêu cực. Ở mặt tích cực, ảnh báo chí kể câu chuyện về những nỗ lực của con người bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể nhìn thấy những cố gắng không ngừng nghỉ của con người mở rộng diện tích cây xanh, bảo vệ đất đai cây trồng, hay hình ảnh những cộng đồng người sống hòa hợp với tự nhiên... Năm 2015, nhiếp ảnh gia Christian Ziegler (Germany) ghi lại dấu ấn với bộ ảnh tuyệt đẹp về hành vi của các loài thực vật. Mười bức ảnh chụp đặc tả miêu tả chi tiết hình ảnh các loài thực vật ăn thịt đã tiến hóa ở một số vùng khác nhau trên thế giới, để phản ứng với môi trường thiếu dinh dưỡng. Hay bộ ảnh rực rỡ màu sắc của tạp chí National Geographic năm 2016 về loài tắc kè hoa ở Madagascar đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nạn phá rừng làm mất môi trường sống, đoạt giải ba Ảnh báo chí thế giới. Ở mặt tiêu cực, các tác phẩm ảnh báo chí ghi lại những “vết sẹo” của tự nhiên, thông qua các đề tài về ô nhiễm môi trường, về thực trạng diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, những loài động vật hoang dã bị tàn sát v.v. ở khắp nơi trên thế giới.
Bắt đầu từ 2018, giải Ảnh báo chí thế giới giành riêng một hạng mục cho giải ảnh báo chí về môi trường. Con người sống, hít thở và tồn tại đều dựa vào môi trường, thế nhưng những ứng xử của con người với môi trường đang khiến cho cuộc sống của chính con người đang bị đe dọa, vì khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong bức ảnh đoạt giải ba Ảnh báo chí thế giới, hạng mục Envirment (Môi trường), tác giả Mário Cruz chụp một đứa trẻ thu thập vật liệu tái chế nằm trên một tấm nệm xung quanh là rác trôi nổi trên Sông Pasig, ở Manila, Philippines. Bức ảnh đã tái hiện một hiện thực đau lòng rằng sông Pasig được tuyên bố là đã chết về mặt sinh học vào những năm 1990, do sự kết hợp của ô nhiễm công nghiệp và chất thải mà các cộng đồng lân cận đổ ra. Một báo cáo năm 2017 của Nature Communications cho thấy Pasig là một trong 20 con sông ô nhiễm nhất thế giới, với 63.700 tấn nhựa đổ ra đại dương mỗi năm. Những nỗ lực đang được thực hiện để làm sạch Pasig, được công nhận bằng một giải thưởng quốc tế vào năm 2018, nhưng ở một số phần của con sông, chất thải vẫn quá dày đặc đến mức có thể đi bộ trên rác.

Chúng ta nhìn thấy lịch sử xã hội của con người chịu chi phối của tự nhiên, gắn bó không thể tách rời với tự nhiên. Nơi những cánh rừng bị chặt phá, những loài động vật bị tàn sát là nơi có nền kinh tế phát triển lạc hậu, an ninh lương thực bị đe dọa, như trong bức ảnh báo chí của tác giả K M Asad (Bangladesh) mang một thông điệp rõ ràng về ảnh hưởng của môi trường đến cuộc sống của con người. Thông tin trong bức ảnh cho biết người dân sống tại Kalabogi và khu vực Sundarbans phải chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô do mực nước biển dâng cao và độ mặn trong nguồn nước ngọt ngày càng tăng. Từ hình ảnh vệ tinh đã phát hiện mực nước biển dâng cao 200 mét mỗi năm ở một số nơi trong khu vực. Các khảo sát cũng chỉ ra rằng ước tính có khoảng 20 triệu người sống dọc theo bờ biển Bangladesh bị ảnh hưởng bởi độ mặn trong nước uống. Hơn một nửa các khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi độ mặn, làm giảm năng suất đất và sự phát triển của thảm thực vật, là nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Các cánh đồng lúa và đất canh tác được chuyển đổi thành các trang trại nuôi tôm, cũng là nguyên nhân làm tăng thêm độ mặn của nước ngầm và suy thoái đất.

Trong quá trình con người tương tác với nhau, các lĩnh vực của đời sống xã hội được hình thành và phát triển, tạo thành nguồn dữ liệu vô tận cho lịch sử. Qua các bức ảnh báo chí, chúng ta không chỉ nhìn thấy ký ức của một con người cụ thể, mà còn là cả một giai đoạn lịch sử lắng đọng trong từng khoảnh khắc bấm máy. Đó là một bé gái khóc òa trong vòng tay của người cha vốn là tù nhân chiến tranh sau thế chiến thứ hai, là cô gái da đen ngẩng cao đầu giữa những khuôn mặt hằn học trong ngôi trường phân biệt chủng tộc ở Mỹ năm 1957, là người mẹ ôm con vượt qua dòng nước xiết của dòng sông chia cắt đôi bờ đất nước Việt Nam năm 1965, là hai người lính ở hai bên chiến tuyến khoác vai nhau trong khoảnh khắc hiếm hoi năm 1973, là hai vợ chồng nhìn nhau qua khung cửa sổ trong đại dịch covid 19 năm 2021 v.v. Tất cả những bức ảnh báo chí đó mang trong mình giá trị lịch sử bởi nội dung chân thực và thấm đẫm hơi thở của thời đại.

Tác giả Alfred Eisenstaedt hồi tưởng về thời điểm ông chụp bức ảnh “Ngày chiến thắng”, đó là ngày kết thúc của cuộc chiến tranh thế giới II. Ông nhìn thấy một người lính thủy quân vừa xuống tàu, niềm hạnh phúc bất ngờ khiến anh tóm lấy tất cả những ai mà anh bắt gặp ở bến tàu, ôm lấy họ và hôn “quên trời đất”. Ở một buổi phỏng vấn, tác giả đã bày tỏ sự hài lòng về bức ảnh, không chỉ bởi khoảnh khắc “đi vào lịch sử” mà còn bởi ông đã bắt được sự tương phản về màu sắc trang phục của hai nhân vật, bố cục hài hòa một cách “thần kỳ” giữa hai nhân vật chính và những người xung quanh.
Trong kho tàng ảnh báo chí Việt Nam, những bức ảnh báo chí gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Những khoảnh khắc được lưu giữ trong mỗi bức ảnh đánh dấu từng chặng đường đã qua của những con người cụ thể, của những sự kiện cụ thể, của những khoảnh khắc “không nói nên lời”. Mỗi bức ảnh mang theo nó hạnh phúc, nỗi đau, sự mất mát hy sinh và cả niềm tin, niềm hạnh phúc chói lòa của các nhân vật “làm nên lịch sử”. Năm 1975, phóng viên ảnh Lâm Hồng Long (Thông tấn xã Việt Nam) đã trở thành nhân chứng của khoảng khắc thiêng liêng, khi người chiến sĩ cộng sản gặp lại mẹ, bị tuyên án tử hình và bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo. Ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất đất nước, cũng là ngày đoàn tụ của hàng triệu gia đình người Việt Nam đã phải xa cách do chiến tranh. Bức ảnh của Lâm Hồng Long đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho khát vọng hòa bình của đất nước, của dân tộc.

Dấu ấn của các phóng viên ảnh in dấu trong các tác phẩm ảnh báo chí, như những người ghi chép lại lịch sử dũng cảm nhất. Họ là những phóng viên chiến trường, với chiếc máy ảnh là vũ khí. Nếu người lính phải nhấn vào cò súng để tiêu diệt kẻ thù, thì người phóng viên ảnh nhấn vào cò bấm máy ảnh để giữ lại những khoảnh khắc con người phải đấu tranh giữa ranh giới sự sống và cái chết. Những khoảnh khắc đó mang giá trị lịch sử bởi nó không thể lặp lại, không thể sắp đặt, như khoảnh khắc một nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn năm 1962 trong bức ảnh của Malcolm W. Browne (AP), khoảnh khắc một bé gái với thân thể bỏng rát bởi bom napan trong bức ảnh của Nick Ut năm 1971 ở Việt Nam ... Một trong những bức ảnh được xem là biểu tượng để phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam tại nước ngoài, là bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của tác giả Vũ Ba (Báo Quân đội Nhân dân). Năm 1967, khi Liên Xô làm triển lãm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, nước bạn đã nhận được tác phẩm này và sau đó đã sửa tên thành Không thể để thế này được và trao giải thưởng lớn cho tác giả. Những giải thưởng, những bằng khen được trao cho các tác giả không chỉ để công nhận giá trị lịch sử của các bức ảnh, mà còn để ghi nhận đóng góp và vai trò của các tác giả trong mỗi khoảnh khắc lịch sử.

Khi ảnh báo chí phản ánh chân thực cuộc sống, mỗi khoảnh khắc sẽ là chiếc gương soi của hiện tại và là câu chuyện lịch sử được nhắc tới trong tương lai. Người phóng viên ảnh từ lâu nay được nhắc tới như những người viết sử bằng ngôn ngữ hình ảnh, các bức ảnh phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu là: chân thực khách quan, thời sự, tư tưởng, đại chúng và thẩm mỹ. Những bức ảnh báo chí có thể trở thành những tài liệu lịch sử quan trọng, là minh chứng cho những gì đã diễn ra trong quá khứ. Giá trị lịch sử của các bức ảnh báo chí giúp chúng ta hiểu hơn về những câu chuyện đã diễn ra trong quá khứ, để chúng ta có những quyết định tốt hơn cho tương lai sắp diễn ra. Lịch sử nằm trong những bức ảnh phản ánh mối quan hệ của con người với tự nhiên, mối quan hệ của con người với con người trong xã hội. Với đặc trưng của ngôn ngữ hình ảnh, mỗi bức ảnh báo chí đều có khả năng kể cho các thế hệ tương lai nghe về một sự kiện lịch sử, hay một con người vĩ đại góp phần làm nên lịch sử, theo cách mà những ngôn ngữ khác không nói được./.
___________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Artbook (2013), Behind the front line, NXB Thế Giới.
2. Vũ Huyền Nga (2023), Ảnh chân dung (Biên soạn giáo trình), Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
3. Vũ Đức Tân (2024), NSNA Đinh Đăng Định và bộ ảnh vô giá về Bác Hồ, tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống.
4. Trang web https://www.worldpressphoto.org/
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
- Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
- Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 66: LỜI HIỆU TRIỆU MÙA XUÂN
-
2
Mạch Nguồn số 68: LAN TỎA PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TẠI HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
-
3
Quản trị khủng hoảng truyền thông của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện ở Việt Nam hiện nay
-
4
Mạch Nguồn số 65: NHÌN LẠI 2024 "CHUYỆN LÀNG, CHUYỆN NƯỚC"
-
5
[Video] Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Động lực mới cho phát triển kinh tế”
-
6
Đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị ở các trường đại học tại Việt Nam hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mạch Nguồn số 66: LỜI HIỆU TRIỆU MÙA XUÂN
Mỗi dịp Tết cổ truyền, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đều gửi lời chúc năm mới tràn đầy ý nghĩa, mong rằng năm mới sẽ mang đến cho mỗi người dân sự bình an, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc viên mãn và thành công rực rỡ. Thư chúc Tết đong đầy niềm tin yêu, kỳ vọng và khát vọng lớn lao về một năm mới an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho toàn dân tộc. Mỗi câu chữ trong thư như ngọn lửa truyền cảm hứng, kết nối triệu trái tim, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng giới thiệu Mạch Nguồn số 66 - “Lời hiệu triệu mùa xuân” để càng thấy rõ ý nghĩa của lời chúc Tết.
Giá trị lịch sử của những tác phẩm ảnh báo chí
Giá trị lịch sử của những tác phẩm ảnh báo chí
Ảnh báo chí với đặc trưng cơ bản là tính chân thật khách quan góp phần tái hiện các khoảnh khắc có giá trị lịch sử. Nghiên cứu phân tích trường hợp các tác phẩm ảnh báo chí thế giới và Việt Nam để thấy đóng góp của ảnh báo chí vào sự phát triển của lịch sử, thông qua phản ánh mối quan hệ của con người với tự nhiên, con người với con người.
Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bảo vệ quyền riêng tư trong sản phẩm truyền hình ở các nước trên thế giới - những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trong bối cảnh truyền hình đa nền tảng phát triển nhanh chóng, việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong các sản phẩm báo truyền hình tại Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt khi chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ và hiệu quả trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Anh, Đức, Nhật Bản hay Liên minh châu Âu đã xây dựng hệ thống quy định pháp lý và đạo đức báo chí chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư, đồng thời cân bằng với quyền được thông tin của công chúng. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là cần thiết để giúp Việt Nam nhận diện đầy đủ các nguyên tắc, quy trình và cơ chế giám sát hiệu quả nhằm phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm quyền riêng tư trên truyền hình. Từ đó, có thể rút ra những bài học thiết thực, phù hợp với điều kiện pháp lý và văn hóa truyền thông trong nước, góp phần hoàn thiện khung pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tăng cường quyền con người trong lĩnh vực báo chí truyền hình.
Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
Ứng dụng công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói trên báo điện tử tại Việt Nam - một số vấn đề đặt ra
Tại Việt Nam, công nghệ nhận dạng và chuyển văn bản thành giọng nói (Text-to-Speech, viết tắt - TTS) được nhiều báo điện tử sử dụng để tạo thêm kênh (channel) tiếp nhận cho độc giả. Như một “trợ lý ảo” (tên gọi khác của các phần mềm được phát triển dựa trên trí thông minh nhân tạo có thể hỗ trợ con người thực hiện các nhu cầu cá nhân), việc “đọc báo thay” công chúng - trong đó bao gồm các nhóm đặc thù, sẽ giúp họ dễ dàng tiếp nhận thông tin hơn.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Bình luận