Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
1. Những kết quả tích cực
Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm của các chủ thể ngày càng được nâng cao thông qua vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khảo sát cho thấy, cấp ủy các cấp, đặc biệt là Thành ủy Hà Nội và Đảng bộ Khối doanh nghiệp thành phố thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động kinh doanh, trong đó có nội dung giáo dục văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, một số cấp ủy khu vực doanh nghiệp đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức đảng và chủ doanh nghiệp; triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, tập trung vào những nội dung trọng tâm, nội dung mới, nội dung khó, chủ động dự báo tình hình, biến động của doanh nghiệp trên địa bàn để tìm giải pháp giải quyết. Triển khai kế hoạch phát triển tổ chức đảng và đảng viên mới ở các doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã thành lập 56/69 tổ chức Đảng mới (đạt 81,2%), kết nạp 356/454 đảng viên mới (đạt 78,4%), trong đó có 2 đảng viên là lãnh đạo doanh nghiệp. Một số đơn vị thành lập tổ chức đảng ở doanh nghiệp đạt kết quả tốt vượt chỉ tiêu được giao, như: Tây Hồ (2/1 chỉ tiêu), Hai Bà Trưng (4/3 chỉ tiêu), Thanh Xuân (4/3 chỉ tiêu), Đông Đa (5/3 chỉ tiêu), Hoàng Mai (4/4 bàn). Các đơn vị có nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức đảng gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Thực tế, qua khảo sát điều tra với người lao động là chủ doanh nghiệp, mọi người luôn nhận diện rõ ràng mục tiêu hướng tới trong việc giáo dục văn hóa doanh nghiệp như góp phần nâng cao dịch vụ khách hàng, nâng cao năng suất và chất lượng mối quan hệ công sở, tác động tích cực tới sự gắn bó lâu dài của nhân viên.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng nhận thức và trách nhiệm hơn trong việc tạo ra sự tương tác và có nhiều kênh kết nối, tận dụng các xu hướng, công nghệ mới để mở rộng quy mô và kết nối. Quy trình làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn, ngày nay nhờ công nghệ hiện đại và kết nối Internet tiện lợi, nhanh chóng hơn, các doanh nghiệp nên tận dụng điều này nhiều hơn để tăng tính tương tác, quản lý.
Quản lý từ xa hoặc trao đổi và đưa ra quyết định nhanh chóng, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh ngay cả khi ở nước ngoài để hỗ trợ, phục vụ du khách một cách tốt nhất. Lắng nghe ý kiến phản hồi từ du khách và nhân viên để nắm bắt những tồn tại, vướng mắc, hạn chế trong quá trình làm việc, tổ chức hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trao đổi, học hỏi những quy trình làm việc mới hoặc những cải tiến từ các đối tác là các công ty nước ngoài, doanh nghiệp trong nước hoặc học hỏi từ kinh nghiệm của các chính phủ về vấn đề của đất nước họ.
Thứ hai, trình độ, năng lực của các chủ thể giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng được nâng lên rõ rệt
Qua khảo sát cho thấy, đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, chuyên gia tham gia vào công tác đào tạo, giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thành phố Hà Nội hiện nay ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhiều chủ doanh nghiệp đồng thời là các chuyên gia về đào tạo thường xuyên tổ chức các khoá học để bồi dưỡng trình độ, kỹ năng cho người lao động, trong đó nội dung văn hoá doanh nghiệp được coi trọng.
Theo báo cáo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, đội ngũ chuyên gia với 20 người thường xuyên tham gia giảng dạy, giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho các hội viên đã được nâng cao trình độ rõ rệt trong vòng 5 năm qua.
Hiện nay, đội ngũ chuyên gia trong các ngành nghề nói chung đều đang tự trau dồi trình độ, chuyên môn, kiến thức nghề nghiệp để góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo trong thời kỳ mới. Riêng về văn hoá doanh nghiệp, các chủ thể giáo dục cải thiện chất lượng nội dung để giúp người lao động, các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trước tiên phải hiểu ý nghĩa của văn hoá đối với doanh nghiệp của họ và tại sao nó lại cần được giáo dục cho người lao động. Có nhiều lý do khiến các công ty muốn xây dựng văn hoá doanh nghiệp, từ việc đạt được lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ và thâm nhập thị trường mới cho đến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bất kể lý do là gì, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ lý do trước khi bắt tay vào hành động giáo dục văn hóa cho người lao động. Quan trọng hơn, văn hóa doanh nghiệp không bao giờ nên là một mục tiêu mà là một công cụ mà các nhà lãnh đạo có thể tận dụng để đưa doanh nghiệp của họ đến gần hơn với các mục tiêu kinh doanh cụ thể. Để xác định mục tiêu cuối cùng mong muốn của văn hoá doanh nghiệp, nội dung giáo dục của chủ thể luôn nhắn nhủ tới các doanh nghiệp rằng trước tiên các doanh nghiệp nên tiến hành phân tích nhu cầu. Bạn đang cố gắng đạt được điều gì thông qua sự đổi mới? Bạn sẽ cần những nguồn lực nào để đạt được điều đó? Và sự đổi mới sẽ diễn ra ở đâu trong công ty? Đây chỉ là một số câu hỏi cần được quan tâm hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo quan tâm đến văn hoá doanh nghiệp.
Thứ ba, nội dung giáo dục văn hóa doanh nghiệp được kế thừa và phát triển giữa truyền thống và hiện đại
Qua khảo sát cho thấy, để phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các nội dung giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có tính kế thừa và phát triển giữa truyền thống và hiện đại. Như trong hệ thống bài giảng dành cho nhóm đối tượng là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội luôn nhấn mạnh nét đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp trong các tổ chức nói chung và trong các ngân hàng thương mại nói riêng phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh doanh của chính doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp được kế thừa và phát triển để thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi của xã hội trong khi hoạt động kinh doanh của các đơn vị luôn có nhiều biến động. Đại hội XII đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa gồm: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa; tích cực hội nhập văn hóa quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa.
Khi văn hóa doanh nghiệp của một doanh nghiệp không theo kịp trình độ phát triển của doanh nghiệp sẽ trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển của đơn vị. Vì vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp hiện nay cần xác định vai trò không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp trong việc phát triển hoạt động kinh doanh cũng như là yếu tố đáp ứng nhu cầu cạnh tranh hiện nay của mình. Phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội nhằm phục vụ mục tiêu thúc đẩy tiến bộ xã hội. Với định hướng này, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ có sự chỉ đạo, điều hành bộ phận phát triển phù hợp với triết lý kinh doanh, tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh mà doanh nghiệp đã lựa chọn và tuyên bố.
Thứ tư, nội dung giáo dục cập nhật kịp thời những giá trị văn hóa, đạo đức mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Qua khảo sát cho thấy với những nội dung giáo dục vừa truyền thống, vừa hiện đại, người lao động chuyên môn tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tự tin, mạnh dạn hơn trong công việc, họ cảm thấy được vị trí của mình trong bức tranh toàn cảnh của công ty và ngày càng được đánh giá cao về những đóng góp của mình.
Với số lượng các khoá học về kinh doanh nói chung, văn hoá doanh nghiệp nói riêng được tổ chức ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội, người lao động, nhất là các chủ doanh nghiệp ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các nội dung văn hoá doanh nghiệp. Do đó những giá trị văn hoá, đạo đức mới của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng được cập nhật kịp thời hơn. Và bản thân người lao động ngày càng có những nhận thức cao hơn, hoàn thiện hơn.
2. Một số hạn chế, bất cập
Thứ nhất, trình độ, năng lực của các chủ thể giáo dục chưa đồng đều
Kết quả khảo sát cho thấy, các chủ thể giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm nhiều xuất phát điểm với các trình độ, năng lực khác nhau. Trong đó, đội ngũ chủ thể từ các cơ quan Đảng, chính quyền, công đoàn có trình độ học vấn cao, lý luận chính trị vững vàng nhưng sự am hiểu về văn hoá doanh nghiệp, nhất là thực tiễn văn hoá doanh nghiệp thủ đô còn hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ chủ thể xuất phát từ các chủ doanh nghiệp, am tường về văn hoá doanh nghiệp thường có trình độ học vấn thấp hơn nhưng khả năng hiểu biết, nắm chắc các vấn đề về văn hoá doanh nghiệp lại khá tốt.
Thứ hai, một số nội dung giáo dục văn hoá cho người lao động chưa thực sự phù hợp với điều kiện, bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Do không có sự phân loại các nội dung nên một số nội dung giáo dục mang tính chất san bằng, có thể phù hợp với loại hình kinh doanh này nhưng lại không phù hợp với các loại hình kinh doanh khác cũng như sự khác biệt về hình thái và đặc điểm ngành của các doanh nghiệp. Trong mọi hoạt động kinh doanh, văn hóa tồn tại một cách tự nhiên và khách quan. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng của mình.
Để tạo dựng và phát triển bản sắc văn hóa đặc trưng đó, mỗi môn học cần có nền giáo dục văn hóa doanh nghiệp riêng cho từng doanh nghiệp khác nhau. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể giúp họ nhận thức rõ ràng bản chất văn hóa của họ. Đồng thời, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa trong doanh nghiệp phải là công việc lâu dài, thường xuyên, liên tục của các đơn vị quản lý doanh nghiệp cùng với sự đoàn kết, đồng thuận của tập thể, nhân viên trong doanh nghiệp.
Ví dụ, giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành du lịch phải có những đặc điểm khác với các ngành khác. Đặc điểm của ngành có những yêu cầu đặc biệt về nguồn nhân lực. Chẳng hạn, nhân viên trong ngành thường được yêu cầu phải có ngoại ngữ tốt, kỹ năng giao tiếp, tính cách hướng ngoại và chú trọng đến ngoại hình.
Nhân viên là người trực tiếp tạo ra chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng và quảng bá hình ảnh công ty. Mặt khác, ngành du lịch tương đối nhạy cảm với các tác động môi trường trong và ngoài nước như dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, khiến nhiều công ty rơi vào khó khăn. Sự khắc nghiệt và liên tục đào thải của ngành tạo ra nhu cầu phát triển các giá trị văn hóa của mỗi công ty, giúp họ trụ vững trước khó khăn, vượt qua thử thách.
Thứ ba, chưa hình thành tính tích cực, bền vững trong hành động của người lao động trong xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp một cách bền vững
Qua khảo sát cho thấy, bên cạnh các giá trị cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp trường tồn với thời gian thì nhiều giá trị thường linh hoạt và biến đổi phù hợp với bối cảnh của mỗi thời kỳ. Do đó, trên cơ sở thấm nhuần các nội dung văn hoá doanh nghiệp, người lao động phải luôn chủ động, tích cực, sáng tạo trong các điều kiện thực tế. Tuy nhiên, thực tế ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội, vấn đề này chưa được thực thi hiệu quả. Người lao động thường hành xử theo các lối mòn trong từng mối quan hệ công việc, chưa chú trọng áp dụng các nội dung giáo dục vào thực tế để linh hoạt hơn trong giao tiếp, trong quan hệ khách hàng, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ với giới lãnh đạo.
Thứ tư, về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục hiệu quả chưa đáp ứng như kỳ vọng
Kết quả khảo sát nhanh do Cục Thuế Hà Nội thực hiện đối với 28.377 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2023 cho thấy, chỉ có 30,4% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; 30% gặp khó khăn do chi phí chống dịch; trên 14% gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động quay trở lại làm việc sau dịch; trên 20% không mua được nguyên liệu hoặc phải mua giá cao...
Bốn đợt dịch Covid-19 tại Việt Nam đã tác động nặng nề, gây áp lực lên mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, chưa có đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công tác xây dựng môi trường giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tiễn trên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm tăng cường giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của giáo dục văn hóa cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong tình hình mới.
Nội dung giáo dục văn hóa cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều vấn đề bất cập so với nhu cầu, trình độ, điều kiện làm việc của đối tượng giáo dục là người lao động. Phương thức giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu tính linh hoạt, tính hiện đại, tính đa dạng, chưa phù hợp với môi trường làm việc của đối tượng dẫn đến hạn chế về tính hiệu quả giáo dục. Kết quả giáo dục chưa cao, không đồng đều dẫn đến việc hình thành văn hóa doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tính bền vững. Trong thời gian tới, cần nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên./.
_______________________________________________________
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.T1,2.
3. Đỗ Thị Hằng (2013), Phát triển văn hóa doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Misa, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Đại học Thương mại, Hà Nội.
4. Trần Thị Huyền (2013), Duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp Viettel để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Học viên bưu chính Viễn thông, Hà Nội.
5. Phan Quốc Việt và Nguyễn Huy Hoàng, 2012. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp – Yếu tố quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp, Trung tâm phát triển kỹ năng con người Tâm Việt.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận