Lý Công Uẩn người khai sinh Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974) tại làng Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Truyền thuyết kể lại rằng, có người con gái tên là Phạm Thị Ngà thường đi làm thuê ở chùa ứng Thiên làng Cổ Pháp, hàng ngày gánh nước, tưới cây, giữ vườn... Một đêm bà đun bếp thì nhà sư trụ trì chùa bước qua chạm phải chân, sau đó bà thụ thai. Nhà sư sợ mang tiếng với thiên hạ nên bảo bà đi chùa khác làm thuê. Bà đi đến chùa Gia Châu ở gần đó thì trời sắp tối nên xin ở lại ngủ nhờ. Nhà sư trụ trì chùa này đêm trước nằm mơ thấy Long Thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Tỉnh dậy, nhà sư sai chú tiểu quét dọn sạch sẽ, túc trực từ sáng đến chiều, nhưng chỉ thấy một người đàn bà có mang tới xin ở nhờ. Sau đó bỗng có chuyện lạ. Một đêm trời bỗng nổi mưa gió ầm ầm, khu tam quan của chùa bỗng sáng rực hẳn lên, hương thơm ngào ngạt lan toả. Nhà sư cùng mọi người vội ra xem thì thấy người đàn bà đã sinh một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, hai bàn tay có 4 chữ “Sơn hà xã tắc”. Được 3 năm bà Phạm Thị Ngà bế con đến chùa Cổ Pháp. Nhà sư trụ trì chùa Cổ Pháp là Lý Khánh Văn. Bà Phạm Thị Ngà để con trai lại cho nhà sư làm con nuôi, rồi bà đi đến đồi Mả Báng thì bị bạo bệnh rồi chết. Xác bà mối đùn lên thành mả. Người đi đường thấy lạ hỏi, thì nghe trên trời có lời đáp: “Mả mẹ đẻ vua Lý đấy!”
Nhà sư Lý Khánh Văn nuôi đứa trẻ rất tận tình, chu đáo, đặt tên cho cậu là Lý Công Uẩn. Khi cậu được khoảng 7 tuổi lại được sư Vạn Hạnh trụ trì chùa Lạc Tổ (gần chùa Cổ Pháp) dạy học. Lý Công Uẩn học hành rất chăm chỉ và tài giỏi, không ai bì kịp.
Người đàn bà họ Phạm đã có một cặp mắt thật tinh đời. Gửi con vào nhà chùa là chỗ yên thân, chọn được người để gửi gắm và nuôi dưỡng con, người mẹ cũng yên tâm về sau con mình sẽ được học tập giáo lý Phật giáo - thời đó là quốc giáo. Hai nhà sư Lý Khánh Văn và Vạn Hạnh bằng tài năng và trách nhiệm, uy tín và sự tận tâm đã chăm lo nuôi dạy Lý Công Uẩn nên người và thành đạt.
Lý Công Uẩn lớn lên tỏ rõ có chí lớn khác thường. Ông đến Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Khi vua Lê Đại Hành băng hà, triều đình lục đục, các con chém giết nhau để tranh giành ngôi báu. Cuối cùng Lê Long Đĩnh thắng thế lên ngôi. Long Đĩnh tàn bạo, hiếu sắc lại ham mê tửu sắc nên bị bệnh nặng phải nằm để coi triều nên sử cũ gọi là Lê Ngọa Triều.
Cả một xã hội hỗn loạn, đau khổ đang cần có người giải thoát. Người đó đối lập với bạo tàn phải có cái nhân; đối lập với ăn chơi xa xỉ phải có cái giản; đối lập với u muội, ươn hèn phải có cái trí. ở Lý Công Uẩn hội tụ cả ba tiêu chuẩn trên! Uy đức của Lý Công Uẩn lớn đến nỗi vua bạo tàn là Lê Long Đĩnh cũng phải vì nể. Long Đĩnh giết Lê Long Việt để cướp ngôi, quần thần đều chạy trốn, duy chỉ có Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn ôm xác chết mà khóc. Thế mà kẻ giết vua vẫn không dám trừng phạt, lại vẫn khen là người trung, cho làm Tứ Sương quân phó chỉ huy(1).
Lê Long Đĩnh mất ngày 29 tháng 10 năm Kỷ Dậu, khi đó Lý Công Uẩn đã 35 tuổi và đang chỉ huy quân Túc vệ trong chốn cung cấm. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Lê nên Chi hậu Đào Cam Mộc, sư Vạn Hạnh cùng các quan trong triều đã suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, sau này gọi là vua Lý Thái Tổ.
Từ trước tới nay, các tài liệu sử sách đều cho rằng ngày Lý Công Uẩn lên ngôi là ngày 15 tháng 3 (âm lịch) năm Kỷ Dậu. Nhưng một vài tài liệu nghiên cứu gần đây đẫ nêu lên một thời gian khác: đó là ngày mồng 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (21.11.1009)(2).
Việc thay đổi triều đại của Lý Công Uẩn không đơn thuần là thay thế một vương triều mà là thay thế cả một thiết chế chính trị xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. Sự kiện ngẫu nhiên này là phản ánh cái tất yếu lịch sử đến đây phải xảy ra, không thể sớm hơn, nhưng cũng không thể muộn hơn.
Sau khi lên làm vua, năm 1010, Lý Công Uẩn viết Chiếu dời đô và quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Khi thuyền chở vua đến bến sông Hồng, có dải mây màu đỏ bay trên lưng trời nên mới có truyền thuyết về “Rồng bay lên”, và nhà vua đã đổi tên nơi đây thành Thăng Long.
Chiếu dời đô chỉ có 214 chữ, nhưng là một bài chính luận gọn gàng, sắc sảo, bộc lộ tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo có ý thức về sự trưởng thành và phát triển của đất nước. Trong phần mở đầu của Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết: “Xưa nhà Thương đến đời vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến đời vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Đại theo ý riêng của mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh...”. Dời đô để “mưu toan nghiệp lớn... cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh...” chứ không phải để tranh bá đồ vương, cho nên được các sử gia xưa đánh giá là “dời đô yên dân”. Chỉ 4 chữ, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn lao. Yên dân là phải phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân, vì “Vua lấy dân làm trời” nhưng “dân lấy ăn làm trời”!
Chiếu dời đô cũng đã trách hai triều đại Đinh, Lê: “... Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng của mình, khinh thường mệnh trời... cứ đóng yên đô thành ở nơi đây khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không thích nghi”. Và coi đó là nguyên nhân khiến “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”.
Những lời chê trách đó có phần đúng vì các triều đại Ngô, Đinh, Lê chỉ là những thủ lĩnh có cách nhìn và đánh giá thiên về phòng thủ quân sự; nhưng cũng có phần không đúng vì nhãn quan chính trị cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội phải đến lúc chín muồi mới có thể dời đô chứ không phải muốn dời đô lúc nào cũng được.
Đến thời Lý Công Uẩn, những yêu cầu đó đã hội đủ và chính ông đã được lịch sử giao cho sứ mệnh vinh quang đó. Đổi mới đế đô để có được một đế đô tồn tại lâu dài như Thăng Long của Lý Công Uẩn, đưa đến đổi mới xã hội Việt Nam, là một thành công to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hơn nữa, ngoài ý nghĩa chính trị trọng đại, nó còn có ý nghĩa kinh tế sâu sắc: khi kinh tế đã phát triển đòi hỏi phải có một thị trường dân tộc thống nhất lấy đế đô làm trung tâm. Nhưng Hoa Lư không đáp ứng được yêu cầu đó vì chỉ có địa thế núi sông hiểm trở, thích hợp với một vị trí phòng thủ lợi hại về quân sự. Còn Thăng Long ở giữa vùng đồng bằng, với vị trí trung tâm đất nước và những điều kiện giao thông thuỷ bộ thuận tiện, mới có thể trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của một quốc gia độc lập, hùng cường: “Thành Đại La, Kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Trong đoạn cuối của Chiếu dời đô, nhà Vua đặt câu hỏi: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. Và câu trả lời của các quan cũng là câu trả lời của toàn dân nước Việt: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế lâu dài, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo”(3).
Là Chiếu dời đô, nhưng nội dung và tầm bao quát của nó không chỉ là “dời đô”, đó là một tuyên ngôn Tuyên ngôn đổi mới, đổi mới triều đại, đổi mới xã hội, đổi mới cả trong tư duy chính trị lẫn kinh tế, đánh dấu sự phát triển và một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc.
Trong hành trình gần trọn thiên niên niên kỷ của mình, đã có lúc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội mất vai trò thủ đô. Lần thứ nhất, Hồ Quý Ly dời đô vào Thanh Hoá xây dựng Tây Đô (thế kỷ XV); lần thứ hai, nhà Nguyễn thế kỷ XIX dời đô vào Huế (1802 - 1945). Nhưng những nơi đó chỉ đóng vai trò kinh đô trong một thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn. Còn Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với hình ảnh “Rồng bay lên” đẹp đẽ và kiêu hãnh, tượng trưng cho ý chí vươn lên của dân tộc vẫn trường tồn, là thủ đô duy nhất và mãi mãi của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh sự nghiệp đổi mới có một không hai này của Lý Công Uẩn là hoàn toàn đúng đắn./.
______________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 1+2.2005
(1) Văn Tạo, Lý Công Uẩn - Đổi mới triều đại, đổi mới đế đô, đổi mới xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1.1995, tr.43.
(2) Xem thêm: Chu Quang Trứ, Xung quanh nhân vật Lý Công Uẩn, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5.1994, tr.57 - 65.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1993, T1, tr.241.
Vũ Trường Giang
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận