Lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện và ý nghĩa đối với Việt Nam
1. Lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện
Học thuyết phát triển con người toàn diện của chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý thuyết có nội hàm phong phú, sâu sắc và khoa học. Nội hàm tư tưởng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc nhận thức đúng đắn đồng thời thúc đẩy sự phát triển của con người và xã hội trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Nội hàm lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện như sau:
Một là, phát triển toàn diện hoạt động, nhu cầu và năng lực của con người.
Phương thức tồn tại của con người chính là hoạt động thực tiễn, hoạt động của con người là động lực chủ yếu cho phát triển và cũng là khâu kiểm nghiệm cuối cùng đối với bất kỳ hình thức phát triển nào. Sự tương tác chủ động giữa hoạt động thực tiễn với con người trở thành động lực cho toàn bộ tiến trình lịch sử của nhân loại. Khi sự tương tác này phát triển đến một giai đoạn nhất định, nghĩa là, một mặt thực tiễn sáng tạo ra điều kiện vật chất, văn hóa, chế độ nhất định, mặt khác, ý thức chủ thể của con người đạt đến trình độ tương đối sẽ xuất hiện lý thuyết và nhu cầu một cách tự giác về phát triển.
Hoạt động thực tiễn chủ yếu bao gồm hoạt động cải tạo giới tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo con người, lần lượt để giải quyết mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội và con người với chính mình. Hoạt động cải tạo tự nhiên chủ yếu chỉ hoạt động sản xuất vật chất. Hoạt động cải tạo xã hội chủ yếu chỉ hoạt động giao tiếp xã hội và hoạt động tổ chức, quản lý và thay đổi quan hệ xã hội. Cải tạo hoạt động bản thân con người chỉ cải tạo thế giới chủ quan và thế giới tinh thần con người, biểu hiện ở hoạt động giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo và thẩm mỹ…
Sự phát triển toàn diện của các hoạt động thể hiện ở nội dung và hình thức các hoạt động trở nên phong phú, hoàn chỉnh, có thể thay đổi, chứ không phải trở nên nghèo nàn, phiến diện và cố định. Đồng thời, con người không còn phục tùng phân công lao động và bị bó buộc trong một ngành nghề hạn hẹp. Mỗi người đều có thể tự do lựa chọn lĩnh vực hoạt động theo sở thích và sở trường của mình, không chỉ theo đuổi hoạt động lao động chân tay mà cả lao động trí óc, không chỉ tham gia lao động sản xuất vật chất, mà cả hoạt động mang tính sáng tạo và thực tiễn trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Phát triển toàn diện hoạt động của con người còn thể hiện ở phát triển toàn diện năng lực và nhu cầu con người. “Con người khác với tất cả những động vật khác ở tính vô hạn của những nhu cầu của mình và ở năng lực mở rộng của những nhu cầu ấy”(1). Mọi hành vi của con người đều xuất phát từ nhu cầu, nhu cầu cá nhân ở mức độ nào đó quyết định phương thức sinh tồn và trạng thái sinh hoạt của con người. Sự phát triển của cá nhân được thực hiện trong quá trình không ngừng nảy sinh nhu cầu, đặt ra nhu cầu và hiện thực hóa chúng. Theo quan điểm của Mác, nhu cầu có tính quy định nội tại và bản chất, là động lực và căn cứ cho mọi hoạt động sống của con người, có phát sinh nhu cầu thì mới dẫn đến hoạt động hành vi con người. Vì vậy mà mức độ đáp ứng nhu cầu trực tiếp liên quan đến mức độ thực hiện bản chất con người, nâng cao nhu cầu là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người phát triển toàn diện.
Mác và Ăngghen đã chia nhu cầu con người thành ba loại: nhu cầu sinh tồn, nhu cầu hưởng thụ và nhu cầu phát triển. Chúng cấu thành nên tính quy định nội tại và bản chất con người, phát triển con người toàn diện trở thành phát triển và đáp ứng toàn diện các nhu cầu nêu trên và chỉ khi một người gắn nhu cầu cá nhân mình với nhu cầu của người khác, với nhu cầu quốc gia, nhu cầu phát triển xã hội mới có được nguồn động lực bất tận, mới có thể phát huy đầy đủ tiềm năng của con người để có thể đạt được sự tự thực hiện và phát triển toàn diện ở mức độ cao nhất.
Năng lực con người là phương thức thực hiện nhu cầu bản thân thông qua thực tiễn xã hội, là sự thể hiện tập trung nhất tố chất con người, là khả năng của con người chủ thể để thỏa mãn nhu cầu xã hội của bản thân, mà trong một mối quan hệ xã hội nhất định phục vụ cho hành vi mang tính đối tượng. Con người khác với các loại động vật khác ở chỗ “sinh mệnh con người không tuân theo con đường đã định từ trước, thực tế tự nhiên chỉ giúp cho con người đi một nửa đoạn đường, một nửa còn lại chờ bản thân con người tự hoàn thiện”(2). Mác cho rằng, mỗi người đều có quyền phát triển toàn diện tài năng của bản thân mình, đây là quyền không thể tranh cãi, “sứ mệnh, chức trách, nhiệm vụ của bất cứ ai đều là phải phát triển toàn diện tất cả những năng lực của mình, kể cả năng lực tư duy”(3).
Phát triển con người toàn diện mang ý nghĩa là phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ, sức mạnh tự nhiên và sức mạnh xã hội, năng lực cá thể và năng lực tập thể, tiềm năng và năng lực thực tế... của con người, cũng có nghĩa là phát huy toàn bộ tài năng và sức mạnh của con người. Con người phát triển toàn diện, chính là con người có thể thích ứng với nhu cầu lao động khác nhau và có thể làm cho mọi năng lực của bản thân được phát triển một cách tự do, toàn diện.
Hai là, phát triển toàn diện cá tính của con người.
Tư tưởng cá tính tự do của Mác được xây dựng trên cơ sở phân tích xã hội hiện thực và phủ định lý luận chủ nghĩa tự do, đặc biệt là lý luận chủ nghĩa cá nhân. Phát triển con người toàn diện mà Mác chủ trương trên thực tế chủ yếu chỉ sự phát triển đầy đủ của con người và năng lực con người được phát triển trên nhiều phương diện, đó là giai đoạn cao nhất của lịch sử phát triển loài người. Phát triển con người toàn diện không có nghĩa là làm cho con người có thể trở nên toàn năng, thông thạo tất cả mọi thứ, mà nhấn mạnh sự phát triển trên nhiều phương diện của con người sẽ tạo ra cá tính phong phú và ý nghĩa quan trọng của chính sự phát triển ấy.
Cá tính con người là thể tổng hợp của các đặc trưng và tính chất đặc thù của con người (bao gồm tố chất sinh lý và tâm lý, phương thức tư duy và hành vi), làm cho cá nhân này trở nên khác biệt với cá nhân khác ở tính độc đáo nội tại được biểu hiện tại đặc trưng phát triển của nó, cá tính độc đáo của một người chứa đựng tính quy định bản chất xã hội trong tư cách con người cá thể. Sự phát triển cá tính của một người càng đầy đủ, mức độ xã hội hóa sẽ càng cao, tính độc lập tự chủ, tính tự do và tự giác, tính tích cực sáng tạo sẽ càng mạnh, sẽ có thể tự do tham gia các mối quan hệ xã hội nhiều hơn, bộc lộ và gia tăng thêm tài năng bản thân, từ đó hình thành nên năng lực toàn diện mà phong phú. “Con người là một cá nhân đặc thù nào đó và chính tính đặc thù của nó làm cho nó thành ra một cá nhân và một thực thể xã hội cá thể hiện thực”(4). Tính đặc thù này biểu hiện ở việc con người có thể tự giác, tự nguyện, tự chủ kiểm soát và chi phối quan hệ xã hội của mình, nắm giữ nguồn sức mạnh bên ngoài có vai trò thúc đẩy phát triển bản thân.
Về mặt nội dung, cá tính con người là một chỉnh thể hữu cơ nhiều tầng nấc, nhiều phương diện, nhiều yếu tố được tạo thành từ mối quan hệ mật thiết và sự tương tác giữa con người với con người… Chủ yếu bao gồm: đặc trưng khuynh hướng cá nhân, bao gồm nhu cầu, động cơ, sự hứng thú, lý tưởng, tín ngưỡng và giá trị; đặc trưng tâm lý, bao gồm khí chất, tính cách và năng lực; đặc trưng nhân cách xã hội của cá nhân, chủ yếu chỉ tác phong, đạo đức, tập tục, hình tượng xã hội, vị trí xã hội và trạng thái tinh thần con người, phản ánh mức độ thừa nhận và đánh giá của xã hội đối với cá thể, là tiêu chí quan trọng phân biệt các cá nhân với nhau.
Mác cho rằng cá tính con người được sản sinh ra trong quá trình sản xuất xã hội, đặc trưng bản chất cá tính con người chính là tính xã hội, ông cho rằng: “Trong sản xuất của tôi, tôi sẽ vật thể hóa tính cá biệt của tôi, sự độc đáo của nó, vì thế trong thời gian hoạt động, tôi sẽ thụ hưởng biểu hiện cá nhân của cuộc sống…, trong hoạt động cá nhân của tôi, tôi sẽ trực tiếp khẳng định và sẽ thực hiện bản chất đích thực của tôi, bản chất con người của tôi, bản chất xã hội của tôi(5). Mác cho rằng, cá tính bị kiểm soát và quyết định bởi quan hệ giai cấp cụ thể. Trong xã hội tư bản, tư bản có tính độc lập và cá tính, nhưng người sống trong xã hội đó lại không có độc lập và cá tính.
Cá nhân có cá tính là thể thống nhất giữa tính cá thể và tính xã hội, tính quyết định với tính sáng tạo, tính hiện thực với lý tưởng, biểu hiện trong một quá trình phát triển lịch sử, biểu hiện ở quá trình biện chứng của quan hệ xã hội quyết định sự phát triển cá tính con người, sự phát triển của cá tính con người lại thay đổi quan hệ xã hội, từ đó thay đổi và hoàn thiện hơn nữa cá tính con người. Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai, địa vị chủ thể của con người sẽ được xác lập, cá tính con người sẽ được phát huy đầy đủ, mỗi một người sẽ có được sự phát triển tự giác và tự do chọn lựa mà không bị hạn chế bởi các hình thức cưỡng ép, con người trở nên độc lập nhờ cá tính, sở trường và các nét đặc sắc của riêng mình.
Ba là, phát triển toàn diện quan hệ xã hội của con người.
Mác cho rằng, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa của tất cả quan hệ xã hội. Thực tế quan hệ xã hội quyết định mức độ phát triển của con người, sự hình thành năng lực con người, biểu hiện của sự phát triển đều không tách rời quan hệ xã hội. Quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh càng phong phú, thế giới nội tâm của anh ta sẽ càng phong phú, cuộc sống của anh ta sẽ biểu hiện đa dạng hơn.
Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, con người hoặc chủ động hoặc bị động tham gia các lĩnh vực xã hội, vào trong các tầng thứ phân công và giao tiếp, cùng vô số cá nhân khác, từ đó cũng sẽ cùng với hoạt động sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần của toàn thế giới thực hiện trao đổi một cách phổ biến, làm cho đối tượng, nội dung, phương thức… của giao tiếp từ giản đơn, nghèo nàn, hẹp hòi, đơn nhất từng bước trở nên phức tạp, phong phú, rộng khắp và đa dạng hơn. “Những lĩnh vực riêng biệt tác động lẫn nhau càng mở rộng ra trong quá trình phát triển đó, sự biệt lập ban đầu giữa các dân tộc riêng biệt càng bị phá huỷ bởi phương thức sản xuất đã được cải tiến, bởi sự giao tiếp và bởi sự phân công lao động do đó mà hình thành ra một cách tự nhiên giữa các dân tộc khác nhau thì lịch sử càng biến thành lịch sử thế giới”(6).
Cùng với xóa bỏ giai cấp, chế độ công hữu về sở hữu tư liệu sản xuất được xác lập và hoàn thiện, hình thức phân công kiểu cũ biến mất, điều kiện vật chất và tinh thần được cải thiện và tố chất tổng hợp của toàn xã hội được nâng cao toàn diện, cá nhân sẽ rũ bỏ được sự phụ thuộc vào vật, vào người khác và cộng đồng, trở thành con người thực sự tự do, giao tiếp giữa người với người sẽ càng tự do hơn, cởi mở hơn.
2. Ý nghĩa đối với phát triển con người toàn diện ở Việt Nam
Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động; ý thức được vị trí và vai trò của con người trong quá trình phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng và Chính phủ đã ban hành một loạt các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển con người Việt Nam toàn diện nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ lý luận của chủ nghĩa Mác về phát triển con người toàn diện có thể đưa ra những gợi mở như sau:
Một là, phát triển kinh tế, đảm bảo về cơ sở vật chất để thực hiện phát triển con người toàn diện.
Giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất luôn là nhiệm vụ cơ bản của chủ nghĩa xã hội, lực lượng sản xuất xã hội là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, điều kiện vật chất để con người tồn tại và phát triển không thể tách rời sự đóng góp của lực lượng sản xuất. Chỉ khi con người giải quyết được vấn đề sinh tồn thì mới có thể nói đến hưởng thụ và phát triển; chỉ khi con người thoát khỏi sự lệ thuộc vào vật chất mới có thể thực hiện giải phóng cá nhân, từ đó thực hiện phát triển con người toàn diện. Giải phóng lực lượng sản xuất cung cấp tư liệu vật chất cho sự phát triển toàn diện của con người, đồng thời mang lại thời gian rảnh rỗi để con người thúc đẩy sự phát triển của bản thân. Năng suất lao động tăng lên đã làm giảm thời gian lao động, từ đó tăng thêm thời gian rảnh rỗi, tạo điều kiện để con người nghỉ ngơi, phát triển sở thích, học hỏi và trau dồi kỹ năng mới, đồng thời tạo cơ hội tốt để nâng cao năng lực, cải thiện tố chất và phát triển nhân cách của con người. Vì vậy, cần phải quan tâm đến nhu cầu của nhân dân về cuộc sống tốt đẹp, nâng cao tinh thần hăng hái, chủ động của nhân dân, tạo cơ sở vật chất phong phú cho công cuộc hiện đại hóa, từ đó thực hiện phát triển con người toàn diện ở trình độ cao hơn và trong phạm vi rộng hơn.
Hai là, xây dựng chính trị, đảm bảo về thể chế cho phát triển con người toàn diện.
Đời sống xã hội của con người về bản chất được thể chế hóa, và các thể chế khác nhau ảnh hưởng đến đời sống xã hội của con người đưa ra các tiêu chuẩn và chuẩn mực cho cuộc sống của con người trong một phạm vi nhất định. Sự phát triển của mọi người đều dựa trên các quan hệ xã hội và chịu sự ràng buộc của một thể chế chính trị. Mỗi cá nhân độc lập đều phải đóng một vai trò cụ thể trong một thể chế nhất định và hình thành một quan hệ xã hội nhất định. Theo quan điểm của Mác, con người thực chất là tổng hòa của tất cả các quan hệ xã hội. Sự phát triển toàn diện của con người đòi hỏi một môi trường xã hội ổn định và tốt đẹp, một xã hội hài hòa phụ thuộc vào thể chế hợp lý và lành mạnh. Do đó, việc thúc đẩy và thực hiện sự phát triển toàn diện của con người cần có sự hỗ trợ về chính sách và sự đảm bảo về thể chế. Sự nghiệp chủ nghĩa xã hội gắn liền với sự tồn tại và phát triển của mọi người dân, nhân dân phải nâng cao ý thức làm chủ, hăng hái, chủ động tham gia để bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội được tiến hành thuận lợi và hoàn thành các mục tiêu xây dựng hiện đại hóa đúng tiến độ.
Ba là, xây dựng văn hóa, tạo động lực tinh thần để thực hiện phát triển con người toàn diện.
Để thực hiện phát triển con người toàn diện cần có cơ sở vật chất vững chắc, đồng thời cần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện chủ nghĩa xã hội, nhằm nâng cao ý thức xã hội và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chỉ khi quần chúng nhân dân thực sự ý thức mình là một phần tử của chủ nghĩa xã hội, họ mới có trách nhiệm với những việc họ làm một cách tự giác. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường và tiến trình toàn cầu hóa, con người được thỏa mãn về nhu cầu vật chất và tinh thần, tư tưởng, quan niệm và thông tin đa dạng đan xen vào nhau, trong khi thúc đẩy giao lưu về văn hóa, nó cũng mang lại một số vấn đề, nhất là đối với một số ít người thiếu hệ thống tri thức toàn diện. Vì vậy, cần phải trau dồi và thực hiện một hệ thống giá trị chung được cả xã hội thừa nhận, loại bỏ những khiếm khuyết, vướng mắc trong các quan niệm, tư tưởng, thiết lập các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa, và tự giác thực hiện, tạo động lực tinh thần và sự ủng hộ về trí tuệ cho sự nghiệp phát triển con người toàn diện.
Bốn là, tạo môi trường xã hội tốt đẹp để thực hiện phát triển con người toàn diện.
Sự phát triển toàn diện của con người đòi hỏi phải có một môi trường xã hội tốt đẹp, ổn định và hài hòa. Để làm được điều này cần tập trung giải quyết những vấn đề thiết thực mà nhân dân quan tâm, tạo ra môi trường xã hội ổn định, hài hòa cho nhân dân. Xây dựng xã hội là một công việc quan trọng nhằm cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy tiến bộ xã hội, nó bao gồm mọi khía cạnh khác liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con người như giáo dục, việc làm, y tế, quản trị xã hội, phúc lợi xã hội; sự hài hòa và ổn định của xã hội liên quan đến sự tồn tại và sự phát triển của tất cả mỗi người. Vấn đề căn bản của phát triển con người là làm cho con người trở thành chủ nhân của chính mình. Giáo dục giúp con người thích ứng được với yêu cầu phát triển của xã hội, phát triển giáo dục toàn diện bảo đảm cho con người có khả năng thích ứng với những vấn đề phức tạp trong sản xuất và đời sống, từ đó thực hiện phát triển con người toàn diện.
Năm là, tạo môi trường sống tươi đẹp để thực hiện phát triển con người toàn diện.
Một mặt, để phát triển con người toàn diện đòi hỏi phải có môi trường xã hội tốt đẹp, ổn định, hài hòa, đảm bảo cho con người có được đời sống xã hội phong phú, mặt khác cũng đòi hỏi phải có môi trường sinh thái tươi đẹp để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Môi trường tươi đẹp, thoải mái là điều kiện bên ngoài quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của con người, sự phát triển toàn diện của con người phải xây dựng dựa trên cơ sở con người và thiên nhiên chung sống hài hòa, cần có những biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái hiệu quả để hình thành nên cục diện con người và thiên nhiên cùng phát triển hài hòa. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất, con người đã tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp, song, cũng gây ra những thiệt hại lớn cho môi trường sinh thái như ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí, sa mạc hóa, làm giảm tính đa dạng của sinh vật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của chính bản thân mình. Vì vậy, cần phải thực hiện chiến lược phát triển bền vững, phát triển hợp lý tài nguyên thiên nhiên, cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm cho con người được phát triển toàn diện trong môi trường thiên nhiên xanh và tươi đẹp./.
_____________________________________
(1) “C.Mác và Ph.Ăngghen” (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG - Sự thật, T.49, tr. 221.
(2), (5) “C.Mác và Ph.Ăngghen” (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG - Sự thật, T.3, tr. 417, 67.
(3), (4) “C.Mác và Ph.Ăngghen” (2000), Toàn tập, Nxb. CTQG - Sự thật, T.42, tr. 171, 56 - 57.
(6) Michael Landmann (1988), Philosophical anthropology, Nxb. Công nhân, Bắc Kinh, tr.80.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 05.2021
Bài liên quan
- Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận