Mâu thuẫn trong nhận thức - cách đặt vấn đề của các nhà triết học cổ đại
1. Cách đặt vấn đề thứ nhất: "Đạo khả đạo, phi thường Đạo"
Đó là cách nhà triết học Trung Hoa cổ đại Lão Tử mở đầu cuốn “Đạo Đức kinh”, một trong những tác phẩm kinh điển của triết học phương Đông nói riêng và của thế giới nói chung. Nhà triết học đã đề cập đến một vấn đề có tính chất nhận thức luận trước khi bàn tới những vấn đề bản thể luận. Đây là một cách đặt vấn đề độc đáo bởi điều mà Lão Tử quan tâm trước hết là: Con người có khả năng nhận thức được cái tuyệt đối, cái bản chất sâu thẳm của vũ trụ không? Và đâu là giới hạn nhận thức của con người? Đồng thời, qua cách đặt vấn đề này, ông cũng gián tiếp chỉ ra cách tiếp cận, lĩnh hội những tư tưởng ông nêu ra trong "Đạo đức kinh".
Vậy, mâu thuẫn trong nhận thức theo cách đặt vấn đề thứ nhất này là gì?
"Đạo khả đạo, phi thường Đạo" - Cái đạo (mà ta) có thể gọi ra được, (thì) không còn là cái Đạo bất biến, vĩnh viễn nữa. ở đây, mặc dù Lão Tử đề cập tới vấn đề nhận thức luận nhưng cũng cần lưu ý tới khái niệm "Đạo", một khái niệm bản thể luận của ông. Đó là khái niệm triết học rất trừu tượng để chỉ cái bản chất, cái khởi nguyên của thế giới, của vạn vật. Nó còn mang nghĩa là quy luật tuyệt đối chi phối sự vận động, phát triển của vũ trụ. Như vậy, vấn đề có tính chất nhận thức luận mà Lão Tử đặt ra ở đây có liên quan tới khả năng nhận thức bản nguyên thế giới của con người - tức là nhận thức ở tầm trừu tượng rất cao và đi vào những tầng sâu trong thế giới hiện thực. Nhận thức ở chiều sâu như vậy tất yếu sẽ chạm tới "ngưỡng", tới giới hạn của nó xét trong hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của sự phát triển nhận thức con người. Và chính tại giới hạn đó, con người nhận ra những mâu thuẫn khách quan, tất yếu trong nhận thức của mình. Theo ngôn ngữ của Lão Tử, đó là mâu thuẫn giữa cái Đạo đã được nói ra, được diễn đạt thành lời (tức là nhận thức của con người về Đạo) với cái Đạo tuyệt đối, vĩnh viễn trong hiện thực. "Đạo khả đạo, phi thường Đạo"- cái Đạo khi đã gọi ra được thì không còn là cái Đạo "thường", bất biến, vĩnh viễn nữa. Khi đi vào nhận thức cái bản chất, khởi nguyên, cái quy luật tuyệt đối chi phối thế giới vạn vật, con người muốn đạt tới "Đạo", nhưng cứ mỗi khi con người đạt tới ở một mức độ nào đó thì họ lại thấy đây chưa phải là cái Đạo bất biến, vĩnh viễn, cái chân lý tuyệt đối mà còn có những giới hạn khác phải vượt qua. Điều này giống như "vòng tròn nhận thức" - càng nhận thức được nhiều thì càng thấy nhiều điều mình chưa nhận thức được. Đây chính là mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết, giữa hiện thực khách quan luôn vận động, biến đổi và tính có giới hạn (xét trong một hoàn cảnh lịch sử - cụ thể) của nhận thức con người phản ánh hiện thực đó, giữa vũ trụ vô tận và sâu thẳm với nhận thức còn hạn chế của con người. Chẳng phải đó chính là một động lực của sự phát triển nhận thức?
Lời dạy trên của Lão Tử còn chỉ ra cho hậu thế cách thức tiếp cận những vấn đề về bản chất thế giới, mà trong trường hợp này là học thuyết về "Đạo", "vô vi" của Lão Tử. "Đạo khả đạo, phi thường Đạo", con người không thể chỉ dựa vào ngôn từ, khái niệm mà hiểu được, mà "ngộ" được bản chất thế giới. Lời (ngôn ngữ, khái niệm) chỉ là phương tiện để chuyển tải ý của nhà hiền triết. Vì vậy mượn lời để tải ý, khi ngộ ra ý rồi thì có thể bỏ qua lời. Đấy là ẩn ý của Lão Tử. ở điểm này, học thuyết của Đạo gia đã "gặp gỡ" với Phật giáo mà cụ thể là triết lý Vô ngôn của Phật giáo. Theo triết lý này, Phật giáo có kinh để dẫn dắt con người đạt tới Phật tính nhưng con người không được chấp vào từng câu chữ trong kinh. Điều này giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Kinh ở đây giống như đầu ngón tay, mặt trăng ở đây tượng trưng cho Phật tính. Mượn kinh để giác ngộ, khi giác ngộ rồi thì quên kinh. Mượn ngón tay để chỉ mặt trăng, nên đừng chấp vào ngón tay(1). Điểm khác là ở chỗ, giác ngộ trong Phật giáo là giác ngộ "Phật tính", "chân Tâm" còn trong Đạo Đức kinh, đó là "Đạo" thường hằng, bất biến chi phối vạn vật trong vũ trụ. Nhưng điểm giống nhau ở chỗ cả hai hướng tiếp cận đều là những gợi ý thú vị xét ở góc độ nhận thức luận. Dường như các nhà hiền triết cổ đại phương Đông qua cách tiếp cận này còn muốn nói một điều, rằng ngoài tư duy ngôn ngữ còn cần sử dụng những hình thức, những phương thức tư duy, ý thức khác nữa. Đây cũng là một gợi ý mà hậu thế chúng ta cần suy nghĩ bởi trên thực tế, con người mới chỉ sử dụng một phần nhỏ khả năng của bộ não. Còn rất nhiều những hiện tượng bí ẩn đối với khoa học ngày nay chứng tỏ khả năng kỳ diệu của bộ não con người.
2. Cách đặt vấn đề thứ hai: nghịch lý "Mũi tên bay"
Cùng thời với Lão Tử và đức Phật Thích Ca ở phương Đông, ở nửa bên kia của thế giới cổ đại, phương Tây, các nhà triết học Hy-lạp cũng có cách đặt vấn đề riêng về mâu thuẫn trong nhận thức. Tiêu biểu trong số đó là những nghịch lý do Denon, nhà triết học phái Êlê nêu ra. ở đây chúng tôi muốn đề cập tới một trong số những nghịch lý của ông - nghịch lý "Mũi tên bay".
Denon cho rằng, mũi tên đang bay là mũi tên dừng lại liên tục trên từng vị trí của quãng đường bay tới đích. Tại thời điểm A, mũi tên có vị trí A1 trong không gian - vì thế nó là đứng im tại vị trí A1 ở thời điểm A. Tại thời điểm B, mũi tên có vị trí B1 xác định trong không gian - vì thế mũi tên đứng im tại vị trí B1 ở thời điểm B. Như vậy, sự "vận động" của mũi tên chỉ là tổng hợp những sự "đứng im" (tại A1, B1,...) của nó. Vậy, không có vận động hay vận động là vô nghĩa.
Các giáo sư của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã phân tích cặn kẽ và sâu sắc những nghịch lý do Denon đưa ra, trong đó có nghịch lý "Mũi tên bay"(2). Sở dĩ có nghịch lý trên là do sự không phân biệt rõ vận động với tư cách là một quá trình hiện thực với kết quả hình học, trừu tượng của nó. Nhận thức theo cách này không vạch ra, không bao hàm tính khả năng của vận động, nó biểu hiện vận động như là một số cộng, một chuỗi trạng thái đứng im (V.I.Lênin). Như vậy, nghịch lý "Mũi tên bay" là kết quả phân chia phiến diện một quá trình ra thành "các yếu tố hữu hạn" và ghi nhận chúng nhờ các sự trừu tượng hoá khi mô tả vận động. Mâu thuẫn trong nhận thức ở đây, theo cách đặt vấn đề của Denon, nảy sinh trong việc mô tả vận động. Trên thực tế, mũi tên được người cung thủ bắn ra sẽ bay tới đích. Vận động trong thế giới khách quan, mà cụ thể trong ví dụ này là vận động cơ học, là thực và được phản ánh đầu tiên vào trong cảm giác, trong nhận thức cảm tính của con người. Người bình thường ai cũng có thể cảm giác được. Nhưng muốn "mô tả" nó trong tư duy (bằng khái niệm) đòi hỏi phải có sự tham gia của lý tính, của tư duy trừu tượng. Mọi rắc rối bắt đầu nảy sinh từ đây, trong cách Denon giải quyết mối quan hệ giữa vận động và đứng im. Ông đã tìm cách phủ nhận vận động cơ học hiện thực bằng việc đưa ra nghịch lý "Mũi tên bay" và những nghịch lý khác. Nguyên nhân sai lầm trong nghịch lý này đã được chỉ ra ở trên. Đó là sai lầm mang tính chất nhận thức luận, xuất phát từ việc Denon tuyệt đối hoá sự đứng im tương đối tại một thời điểm "gián đoạn" xác định cụ thể trong không - thời gian của sự vật mà không tính đến, không bao quát được quá trình sự vật ấy biến đổi, vận động một cách liên tục trong không - thời gian. Tuy nhiên, đóng góp của Denon với lịch sử triết học nói chung và lịch sử phép biện chứng (PBC) nói riêng là ở chỗ, từ sai lầm ấy, nghịch lý của Denon lại đặt ra một vấn đề lớn của nhận thức luận: "Làm thế nào diễn tả một cách hợp lý (trong lôgic của các khái niệm) bước chuyển từ một vị trí (và trạng thái) này của vật thể đang vận động sang vị trí (trạng thái) khác"(3). Về vấn đề này, Lênin cũng chỉ ra rằng, "tính gián đoạn nhận thức luận dường như làm xơ cứng vận động nhưng thiếu nó thì nhận thức là không thể, do vậy, chỉ có thể thay thế một số phương pháp nhận thức mang tính xuyên tạc và làm xơ cứng bằng các phương pháp khác ít xơ cứng hơn, mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn được chúng"(4). Như vậy, cần phải có một phương pháp tư duy đúng để nhận thức đúng.
Tóm lại, qua cách đặt vấn đề thứ hai này, các triết gia cổ đại muốn đề cập đến một mâu thuẫn trong nhận thức, đó là mâu thuẫn trong việc phản ánh bằng khái niệm các quá trình vận động, biến đổi của thế giới khách quan. Nếu như ở cách đặt vấn đề thứ nhất, Lão Tử chỉ ra mâu thuẫn trong nhận thức nảy sinh khi con người nhận thức những vấn đề đạt tới "ngưỡng", tới giới hạn nhận thức thì ở cách đặt vấn đề thứ hai này, Denon chỉ ra mâu thuẫn trong nhận thức nảy sinh ngay trong quá trình con người nhận thức, ở cấp độ lý luận, biện chứng của thế giới thể hiện ở những hiện tượng cụ thể. Dù ở cấp độ nào, tầng sâu thế giới hay những vận động cơ học diễn ra trước mắt thì vấn đề "tính đồng nhất" giữa nhận thức và hiện thực vẫn luôn được đặt ra. Song, trong trường hợp này, Denon còn đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa cảm tính và lý tính, ở chỗ lý luận của Denon chứng minh mũi tên đứng im nhưng những chứng cứ cảm tính lại phủ nhận điều đó. Mặc dù lý luận của Denon trong nghịch lý "Mũi tên bay" là sai lầm nhưng điều ghi nhận ở đây là việc ông đưa ra nghịch lý này như là gợi ý xem xét mối quan hệ biện chứng giữa cảm tính và lý tính.
3. Cách đặt vấn đề thứ ba: "nhận thức trong sáng" và "nhận thức đen tối"- Đê-mô-crit nói về quan hệ biện chứng giữa cảm tính và lý tính
Trước hết, chúng ta hãy xem xét cách đặt vấn đề của Đê-mô-crit thông qua cuộc tranh luận giữa cảm tính và lý tính xem thứ nào trong số đó là quan trọng hơn đối với việc nhận thức chân lý.
"Lý tính: Chân lý là thuộc về tôi, vì mọi sự vật đều cấu thành từ nguyên tử, mà chỉ có thể nhận thức nguyên tử là nhờ tôi, anh không thể đạt tới chúng.
Cảm tính: Lý tính đáng thương, sau khi lấy của chúng tôi các minh chứng, anh lại dùng chúng để bác bỏ chúng tôi! Chiến thắng của anh - sự xuống dốc của anh!"(5).
Trong cuộc tranh luận trên, một bên lý tính viện dẫn rằng nhờ nó phát hiện ra thuyết nguyên tử nên chân lý thuộc về lý tính, cảm tính không thể có được chúng; bên kia, cảm tính cho rằng lý tính không thể có được chân lý nếu thiếu các minh chứng của cảm tính, rằng lý tính thật đáng thương khi bác bỏ cảm tính. Có thể nói, cuộc đối thoại trên cùng với nhiều luận điểm sâu sắc khác của Đê-mô-crit chứng tỏ cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề quan hệ giữa cảm tính và lý tính của ông có nhiều điểm biện chứng, hợp lý. Theo Đê-mô-crit, hai dạng nhận thức trên có quan hệ chặt chẽ với nhau. Cảm tính là giai đoạn đầu tiên của nhận thức. Nó cung cấp những "hình ảnh" ban đầu về sự vật. Nhưng ông chỉ coi cảm tính là nhận thức "đen tối" (có sách dùng là "mờ tối"), vì nó chưa làm cho con người hiểu bản chất tinh tế nằm sâu trong sự vật. Vì thế, con người cần phải dựa vào một hình thức nhận thức cao hơn là lý tính, hay ông gọi là nhận thức "trong sáng". Tuy nhiên, theo Đê-mô-crit, nhận thức "trong sáng" tự nó không thể đạt tới chân lý mà nó phải dựa trên những minh chứng do cảm tính - nhận thức "đen tối" mang lại. Đây chính là đóng góp của Đê-mô-crit đối với lịch sử PBC nói chung và PBC nhận thức nói riêng, ở chỗ ông đã chỉ ra được quan hệ biện chứng giữa cảm tính và lý tính; hơn nữa, "Vì nhận thức "trong sáng", chính xác đạt được thông qua nhận thức "đen tối", nên có thể coi Đê-mô-crit là tác giả của luận điểm về nhận thức thông qua cái đối lập. Đây là một tư tưởng biện chứng quan trọng chỉ được đánh giá một cách xứng đáng bởi PBC mác-xít"(6).
4. Cách đặt vấn đề thứ tư: "Chúng ta lội xuống và không lội xuống cùng một con sông", "chúng ta tồn tại và không tồn tại"
Trong lịch sử PBC, Hê-ra-clit được đánh giá là "một trong những người sáng lập ra PBC"(Lênin). Tư tưởng biện chứng của Hê-ra-clit được trình bày theo một phong cách đặc biệt, nhiều khi rất khó hiểu. Tuy nhiên, ẩn sau lối hành văn ấy của Hê-ra-clit lại là một phương pháp luận tư duy rất sâu sắc và có ảnh hưởng lớn tới các nhà triết học phương Tây sau này, trong đó có cả Hê-ghen, nhà triết học cổ điển Đức với PBC duy tâm nổi tiếng.
Trở lại với cách đặt vấn đề của Denon, nhà triết học này đã triệt để sử dụng lý luận khá trừu tượng nhưng siêu hình để chứng minh tính "phi chân lý" của vận động trong mối quan hệ với mặt đối lập của nó là đứng im. Và ông đã sử dụng khái niệm "đứng im" - "vận động" trong quan hệ đối lập tuyệt đối, không dung hoà với nhau. Vì thế ông phủ nhận sự vận động bằng cách chứng minh (tất nhiên đây là sai lầm nhận thức) vận động bằng tổng số những lần đứng im của sự vật. Về mặt phương pháp tư duy, rõ ràng đây là phương pháp tư duy mang tính siêu hình. Phương pháp ấy được thể hiện ra bằng tư tưởng là việc không chấp nhận sự tồn tại đồng thời, sự đồng nhất của các mặt đối lập, tức là phủ nhận sự tồn tại của mâu thuẫn biện chứng.
Ngược lại với Denon, Hê-ra-clit cũng sử dụng những nghịch lý, câu đố và lối nói bóng gió, nhưng lại theo hướng khẳng định mâu thuẫn biện chứng khách quan, khẳng định sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập với tư cách là động lực của sự phát triển. Ông đã dùng những "hình ảnh - khái niệm" mâu thuẫn nhau để phản ánh mâu thuẫn biện chứng. Đặt các khái niệm đối lập trực tiếp cạnh nhau trong cùng một cách ngôn chính là cách Hê-ra-clit diễn đạt quy luật mâu thuẫn. Ông nói: "Chúng ta vừa lội xuống vừa không lội xuống cùng một dòng sông", "Chúng ta tồn tại và không tồn tại", "Nước biển vừa sạch vừa bẩn", "Cùng ở trong mỗi chúng ta - sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già", "cái lạnh nóng lên, cái nóng lạnh đi; cái ướt khô đi, cái khô ướt lại", "mọi vật sinh ra duy nhất, duy nhất sinh ra mọi vật"...
Mặc dù trong cách diễn đạt của Hê-ra-clit, các khái niệm trừu tượng chưa được sử dụng nhiều mà chủ yếu ông sử dụng những "hình ảnh nghĩa", "hình ảnh - khái niệm", nhưng chính cách diễn đạt này lại có sức mạnh lớn: nó phản ánh đồng thời cái chung và cái riêng, cái "logos" phổ biến tồn tại thông qua rất nhiều các hiện tượng riêng rẽ. Nói cách khác, các "hình ảnh - khái niệm" của ông có tính mở về nghĩa. Điều này cũng phản ánh một nét đặc trưng trong tư duy lý luận cổ đại, đó là sự kết hợp giữa hình ảnh với khái niệm, giữa trực quan sống động với tư duy trừu tượng(7). Không chỉ trong triết học phương Tây cổ đại mà trong kho tàng tư tưởng phương Đông thời đó cũng có nhiều ví dụ về cách phản ánh mâu thuẫn biện chứng trên, cụ thể như học thuyết Âm - Dương hay học thuyết của Đạo gia. Điều đó cho thấy những tương đồng giữa tư duy triết học ở phương Đông và phương Tây.
Các nhà triết học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã nhận định: " Đóng góp cơ bản của Hê-ra-clit trong lịch sử PBC là cách trình bày đầu tiên về quy luật thống nhất (hài hoà) và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Ông đã cố thể hiện bản chất mâu thuẫn của các sự vật trong logos chủ quan và chỉ ra sự thống nhất giữa biện chứng của nhận thức và biện chứng của thế giới. Trên con đường đó, ông đã vấp phải các trở ngại mà đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Đó là vấn đề khả năng phản ánh bản chất mâu thuẫn của các sự vật, kể cả bản chất của vận động, vào lôgíc của các khái niệm"(8).
Phải chăng chính cách đặt vấn đề của các nhà triết học cổ đại là những gợi mở để lớp hậu thế tiếp tục khai phá những bí ẩn kỳ diệu của thế giới và của nhận thức con người?/.
________________________________
(1) Xem thêm, Nguyễn Hùng Hậu (2004), Triết lý trong văn hoá phương Đông, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.40 - 47.
(2) (3) Xem thêm, Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (1998), Lịch sử phép biện chứng, T.1, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.154 - 165, 164.
(4), (5), (6), (7), (8) Sđd, tr. 164 - 165, 184 - 185, 185, 107-108, 137.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5 (tháng 9+10)/2005
Bài liên quan
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
- Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
- Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
- Lịch sử hình thành khái niệm văn hóa đại chúng ở phương Tây
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Một trật tự toàn cầu mới đang được định hình, điều đó cũng đồng nghĩa với một sự đòi hỏi về cách tiếp cận an ninh mới do những luật chơi mới định hình. Chiến tranh lai cùng với tiến trình chuyển đổi số đang đặt ra một sự tác động đồng thời, thay đổi bản chất sức mạnh của mỗi quốc gia. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tư duy mới về an ninh, tư duy phức hợp, để có thể đồng lúc nhìn thấy từ nhiều chiều kích khác nhau, những tác động an ninh trong một tương quan tổng thể. Thay vì tập trung vào các danh mục của các mối đe dọa, ngăn chặn và phòng ngừa, vấn đề an ninh quốc gia hiện nay được chuyển hướng vào một mục tiêu duy nhất đó là an ninh quốc gia tổng thể, việc ngăn chặn và phòng ngừa cũng phải chuyển hướng sang thích ứng và phản ứng linh hoạt hiệu quả trước mọi tình huống, bằng mọi biện pháp và từ mọi điểm tiếp cận. Các trọng tâm chiến lược cho an ninh quốc gia cũng chuyển từ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc ưu tiên, sang việc dịch chuyển liên tục các mục tiêu theo hướng tấn công vào bất kỳ điểm tiếp cận nào có thể làm suy yếu theo hiệu ứng mạng lưới một cách nhanh nhất sức mạnh quốc gia. Những thách thức mới này, do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận phức hợp về an ninh và hình thành nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới - trong đó an ninh truyền thống và các vấn đề phi truyền thống hòa nhập thành một tổng thể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
(LLCT&TT) Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp qui luật.
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.
Bình luận