Mấy ý kiến về tổ chức dạy học trực tuyến trong trường đại học hiện nay - qua thực tế dạy học các môn khoa học Mác - Lênin
Dạy học trực tuyến là vấn đề đã được đặt ra và xem xét từ góc độ là một xu thế của giáo dục đào tạo trong kỷ nguyên số và xã hội công nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng nổ thì dạy học trực tuyến đã dần trở thành hiện thực tất yếu ở các cấp, bậc học. Thực hiện dạy học trực tuyến trong bậc giáo dục đại học ở Việt Nam, giai đoạn đầu cũng chỉ như một giải pháp tình thế. Song, trước tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp, dạy học trực tuyến đã trở thành biện pháp thích ứng linh hoạt của các nhà trường và các giảng viên, sinh viên đều dần thích nghi. Theo đó, người ta cũng bàn nhiều đến vấn đề tổ chức dạy học trực tuyến như thế nào, làm sao để thầy có kỹ năng dạy trực tuyến, trò có kỹ năng học trực tuyến hiệu quả và làm như thế nào để đảm bảo được chất lượng dạy học trực tuyến?
Dạy học trực tuyến - dạy học từ xa - dạy học online - elearning là những thuật ngữ được sử dụng để nói đến phương thức dạy học diễn ra trên Internet, thông qua các công cụ hiện đại như máy tính, máy điện thoại thông minh, kết nối giữa giảng viên và sinh viên qua các phần mềm dạy học để thực hiện hoạt động dạy và học mà không phải theo cách dạy học như ở các lớp học truyền thống. Nếu phân định rõ ràng thì các khái niệm trên có sự khác nhau đáng kể về cả phạm vi và mức độ thực hiện. Tuy nhiên, chúng có điểm chung cơ bản là chỉ việc dạy học dựa trên Internet, mối liên hệ giữa người dạy, người học cũng như hoạt động dạy và học được thực hiện thông qua các nền tảng, các phần mềm hỗ trợ mà công nghệ thông tin đem lại. Như vậy, có thể hiểu, tổ chức dạy học trực tuyến các môn khoa học Mác - Lênin là quá trình dạy học sử dụng các phương tiện điện tử và công nghệ thông tin truyền thông để giảng viên thực hiện chuyển giao, chia sẻ các tri thức khoa học Mác - Lênin đến người học nhằm thực hiện mục tiêu dạy học xác định.
Sinh viên là đối tượng người học đã trưởng thành, ý thức và tính chủ động của họ trong học tập khá tốt nên khi đại dịch diễn biến phức tạp, các trường đại học đã nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học bằng phương thức trực tuyến. Theo đó việc dạy học các môn khoa học Mác - Lênin cũng sớm được chuyển đổi sang trực tuyến. Đến nay, hầu hết các giảng viên và sinh viên đều đã quen với phương thức dạy học mới này. Qua khảo sát nhóm giảng viên dạy học các môn khoa học Mác - Lênin về tự đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến môn học mình phụ trách, phần lớn giảng viên trả lời rằng phương thức dạy học trực tuyến đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu dạy học. Bên cạnh đó, không có giảng viên nào coi dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế (Biểu đồ 1). Chính quan điểm, thái độ của giảng viên với dạy học trực tuyến là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả của quá trình dạy học đó.
Giảng viên có vai trò chủ đạo, tổ chức, định hướng quá trình dạy học. Nghiên cứu thực trạng tổ chức dạy học trực tuyến các môn khoa học Mác – Lênin được thực hiện qua khảo sát 64 thầy/ cô giáo đã và đang tham gia giảng dạy trực tuyến các môn khoa học Mác - Lênin từ học kỳ 2 của năm học 2019-2020 đến nay, ở 8 trường Đại học gồm Đại học Thương mại, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Kiểm sát, Đại học Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong đó, 20 giảng viên giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin, 21 giảng viên giảng dạy Chủ nghĩa xã hội khoa học và 23 giảng viên giảng dạy Triết học Mác - Lênin. Kết quả khảo sát là cơ sở để làm rõ nhận định của các giảng viên tham gia giảng dạy các môn khoa học này ở phần tự đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến ở trên.
1. Về cách thức tổ chức dạy học trực tuyến trong các trường đại học hiện nay
Khi tổ chức dạy học trực tuyến, tuỳ vào từng nội dung bài học, giảng viên có thể linh hoạt xây dựng kế hoạch bài dạy theo nhiều cách khác nhau để thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý mục tiêu chung là giảm thời lượng kết nối trực tuyến thời gian thực, đồng thời tăng thời lượng làm việc tự chủ của sinh viên. Nói cách khác là giảng viên cần phải tổ chức được các hoạt động tự học cho sinh viên. Bởi vì, dạy học trực tuyến, sự tương tác của giảng viên và sinh viên không chỉ bao gồm tương tác trực tiếp thời gian thực qua phần mềm theo kế hoạch môn học nhà trường đặt ra mà còn bao gồm tương tác gián tiếp qua hệ thống dạy học trực tuyến và qua học liệu mà giảng viên lựa chọn hoặc tự xây dựng để giao cho sinh viên. Lượng thời gian và thời điểm tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng sẽ linh hoạt hơn, thời lượng kết nối trực tiếp qua phần mềm sẽ giảm đi mà vẫn đảm bảo được tiến trình dạy học tổng thể. Để thấy được vấn đề này, nghiên cứu khảo sát về quy định lượng thời gian kết nối trực tiếp với sinh viên trong môn học của các giảng viên phụ trách như thế nào? Kết quả: có 38 ý kiến (59,4%) trả lời là phải thực hiện giống như lượng thời gian dạy học trực tiếp; 13 ý kiến (20,3%) trả lời là linh hoạt và không nhất thiết phải bằng lượng thời gian dạy học trực tiếp; 11 ý kiến (17,2%) trả lời thực hiện theo thời gian biểu do nhà trường quy định nhưng có lượng thời gian ít hơn dạy học trực tiếp (Biểu đồ 2) Với câu hỏi về lượng thời gian cụ thể của mỗi buổi/ca dạy học kết nối trực tiếp thời gian thực với sinh viên qua phần mềm dạy học là bao nhiêu? Kết quả: 43,8% giảng viên trả lời là 120 phút; 37,5% câu trả lời là 180 phút; 14,1% câu trả lời là 90 phút; có 9,4% câu trả lời thời gian kết nối hơn 180 phút.
Kết quả khảo trên đã cho thấy, đa số giảng viên đang thực hiện giống lượng thời gian dạy học trực tiếp. Thời lượng kết nối của một buổi lên lớp trực tuyến cũng tương đối lớn. Trong khi hiện nay, nhiều trường đại học đã và vẫn đang sắp xếp lịch dạy và học theo ca, mỗi buổi có 2 ca, mỗi ca 180 phút. Nhiều giảng viên và hầu hết các sinh viên thường xuyên phải thực hiện dạy và học 02 ca/buổi. Do đó, thời lượng kết nối thời gian thực như vậy sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng với cả người học và người dạy. Những ý kiến thu được qua phỏng vấn sâu đối với giảng viên và sinh viên về thực tiễn trải nghiệm dạy học trực tuyến của họ, hầu hết đều xác nhận tác động ảnh hưởng này.
So với việc dạy học trên lớp, việc tổ chức dạy học trực tuyến đòi hỏi cách tiếp cận mới, giảng viên cần tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, tập trung hơn vào các hoạt động hướng dẫn học bằng tương tác gián tiếp qua hệ thống dạy học trực tuyến với sinh viên. Quá trình tổ chức dạy học trực tuyến cho mỗi bài học được phân chia theo 03 giai đoạn: giai đoạn trước, trong và sau khi kết nối trực tiếp để thực hiện bài giảng qua các nền tảng truyền tải hình ảnh. Giai đoạn 1 - giai đoạn trước khi kết nối trực tiếp, giảng viên cần giao nhiệm vụ học tập cho sinh viên bằng các dạng bài tập tự học, tự nghiên cứu qua hệ thống dạy học trực tuyến và qua các học liệu mà giảng viên lựa chọn để giao cho sinh viên như video bài giảng của giảng viên đã được ghi hình trước đó (hoặc video bài giảng có sẵn trong các kho học liệu), giáo trình, các tài liệu nghiên cứu chuyên ngành. Trong đó, giảng viên nêu rõ yêu cầu và các nhiệm vụ học tập mà sinh viên phải giải quyết; quy định khoảng thời gian thực hiện, hoàn thành và nộp bài tập tự học cho giảng viên qua hệ thống dạy học trực tuyến. Chú ý, để đảm bảo và nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến cũng như hình thành và phát triển ý thức và kỹ năng tự học của sinh viên, nhất thiết giảng viên phải nhận xét, đánh giá, tổng hợp kết quả tự học của sinh viên trước khi buổi kết nối trực tiếp thời gian thực diễn ra. Như vậy, các nội dung tri thức cơ bản của bài học đã được chuyển giao qua việc sinh viên nghiên cứu, đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, xem các video bài giảng và giải quyết các câu hỏi, bài tập giảng viên yêu cầu. Giai đoạn 2 - giai đoạn kết nối trực tiếp trong không gian “lớp học ảo” để báo cáo, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn 1 và hình thành kiến thức, kỹ năng. Giai đoạn này, sinh viên báo cáo về kết quả học tập, giảng viên nhận xét, đánh giá, hướng dẫn cho sinh viên thảo luận những nội dung trọng tâm, những vấn đề cần lưu ý và còn thiếu xót, “neo chốt” kiến thức, kỹ năng của bài học để sinh viên nắm vững. Giai đoạn 3 - sau khi kết nối trực tiếp, giảng viên cần chuẩn bị các câu hỏi trắc nghiệm hoặc các tình huống thực tiễn và thông qua kết nối gián tiếp để kiểm tra, khảo sát việc nắm bắt, vận dụng tri thức đã học của sinh viên vào giải quyết thực tiễn. Có thể thấy, tổ chức dạy học trực tuyến theo 3 giai đoạn như trên, nếu có sự chuẩn bị tốt cho giai đoạn 1 và giai đoạn 3 thì sự hiệu quả của giai đoạn 2 nói riêng, của tiến trình dạy học nói chung hoàn toàn vẫn đảm bảo tốt khi thời lượng kết nối trực tiếp giảm. Như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích về cả sức khoẻ cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, về lâu dài còn có tác động tích cực đến ý thức, phương pháp, kỹ năng học tập của sinh viên, nâng cao chất lượng dạy học.
2. Về phương pháp và cách thức dạy học trực tuyến trong các trường đại học hiện nay
Khảo sát về cách thức nhóm giảng viên đang thực hiện trong dạy học trực tuyến các môn khoa học Mác - Lênin cho kết quả khá tốt. Có 28/64 (43,8% ) giảng viên đã sử dụng các video bài giảng trong dạy học; 47/64 giảng viên (73,4%) sử dụng thêm nhiều tài liệu, học liệu tham khảo cho sinh viên; 35/64 giảng viên (54,7%) đã tổ chức hoạt động học tập qua những tiện ích trên các nền tảng dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, tỉ lệ giảng viên thực hiện giao nhiệm vụ học tập cho sinh viên trước khi kết nối trực tiếp 39/64 (60,9%); kiểm tra, đánh giá thường xuyên các bài tập tự học giao cho sinh viên là 33/64 (51,6%); 41/64 giảng viên (64,1%) thường xuyên giao chủ đề thảo luận nhóm và cho sinh viên thuyết trình giải quyết (Biểu đồ 4).
Những kết quả trên cho thấy, nhóm giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới phương pháp, cách thức dạy học, thích ứng yêu cầu của dạy học trực tuyến. Hầu hết các giảng viên, ở những mức độ khác nhau đã áp dụng mô hình lớp học đảo ngược vào quá trình tổ chức dạy học môn học mình phụ trách. Các môn khoa học Mác - Lênin vốn là những môn học lý luận chính trị đặc thù, có khối lượng kiến thức lớn, nhiều khái niệm, phạm trù trừu tượng nên ngay cả khi dạy học trên lớp trực tiếp, đa phần giảng viên vẫn lựa chọn phương pháp dạy học truyền thống là thuyết trình, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn khá hạn chế. Khi chuyển sang dạy học trực tuyến, 95,3% giảng viên vẫn sử dụng phương pháp chiếu slide và thuyết trình nhưng phần lớn trong số đó đã có sự kết hợp đa dạng thêm các phương pháp, cách thức dạy học thu hút và phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên.
3. Về những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến trong trường đại học hiện nay
Theo kết quả khảo sát, 71,9% giảng viên được hỏi đã trả lời là họ gặp khó khăn về đường truyền mạng kém. Đây cũng là khó khăn chung với hầu hết các loại hình kết nối trực tiếp qua các ứng dụng meeting truyền tải âm thanh, hình ảnh. Bởi trong thời gian xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19, nhu cầu làm việc, học tập trực tuyến gia tăng đột biến dẫn đến quá tải đường truyền mạng đã làm cho các kết nối trực tiếp qua tất cả các ứng dụng (Zoom cloud meeting, Microsoft Teams…) đều không ổn định, tình trạng kết nối chậm, lag mạng… gây ra rất nhiều khó khăn, chán nản cho cả giảng viên và sinh viên. Chính vì vậy, càng cần phải sử dụng linh hoạt thời gian kết nối trực tiếp và gián tiếp trong dạy học giữa giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, 34,4% giảng viên trả lời họ gặp khó khăn vì nội dung các bài học quá dài. Trong dạy học hiện đại, nhất là với phương thức dạy học trực tuyến, vấn đề đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức dạy học vô cùng quan trọng, thay vì giảng viên tập trung thuyết trình, cố gắng truyền tải đủ các nội dung bài học thì việc giảng viên đưa ra các yêu cầu tự học với sinh viên, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá việc tự học của sinh viên. Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề sinh viên không tham gia tương tác (28,1% ý kiến của giảng viên) mà còn giúp tháo gỡ khó khăn về dung lượng kiến thức của các môn học quá dài và rèn được kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.
Như vậy, với những kết quả khảo sát thực trạng tổ chức dạy học trực tuyến các môn khoa học Mác - Lênin, để có thể ổn định, nâng cao hơn nữa hiệu quả của phương thức dạy học này, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
- Đối với các nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn với dạy học trực tuyến.
+ Xây dựng kế hoạch dạy học, thời gian, thời lượng dạy học khoa học, hợp lý. Cùng với đó, phải có sự đổi mới các quy định về kiểm tra đánh giá kết quả quá trình dạy học phù hợp với dạy học trực tuyến.
+ Trong điều kiện xã hội bình thường các nhà trường cũng cần duy trì một phần nhất định phương thức dạy học trực tuyến trong kế hoạch dạy học chung để vừa xây dựng thói quen, phát triển kỹ năng dạy học trực tuyến, vừa đảm bảo sự thích ứng linh hoạt trong các điều kiện mới.
+ Tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin với băng thông rộng, tốc độ cao trong toàn bộ khuôn viên trường học, lớp học. Xây dựng, phát triển hệ thống thư viện số với nguồn tài liệu phong phú.
+ Có những hỗ trợ cho giảng viên dạy học trực tuyến, bao gồm những hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng tổ chức dạy học, phương pháp dạy học trực tuyến. Trong nghiên cứu khảo sát về các kỹ năng dạy học trực tuyến của giảng viên có được từ nguồn nào thì phần lớn giảng viên (64%) trả lời là từ các khóa tập huấn do nhà trường tổ chức cùng với sự nghiên cứu học hỏi của bản thân. Khi được hỏi về những góp ý của giảng viên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của dạy học trực tuyến, nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến vai trò quản lý của các nhà trường như việc tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; xây dựng các quy chế chung về thực hiện dạy học trực tuyến; thời lượng dạy học trực tuyến… Những kết quả khảo sát cũng đã cho thấy, một phương thức dạy học nhiều mới mẻ thì sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường, các cấp quản lý với đội ngũ giảng viên trên tất cả mọi mặt chính là động lực to lớn để dạy học chuyển mình nhanh chóng và đạt được kết quả cao.
- Đối với đội ngũ giảng viên, với vai trò là nhân tố chính thực hiện sự đổi mới, thực hiện tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, đội ngũ giảng viên cần phải thay đổi quan điểm và thái độ với dạy học trực tuyến, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc. Tích cực, nỗ lực tự nghiên cứu, học hỏi, bồi dưỡng các kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến của bản thân để không chỉ làm chủ được các công cụ, thiết bị công nghệ dạy học trực tuyến mà còn thiết kế, tổ chức được các giờ học hấp dẫn, hiệu quả. Tham mưu, đề xuất cho nhà trường, các cấp quản lý dạy học về xây dựng quy chế, chính sách phù hợp với phương thức dạy học này.
- Với bản thân sinh viên, tích cực, tự giác, chủ động là những yêu cầu không thể thiếu trong học tập trực tuyến. Sinh viên cần phải xác định được mục tiêu học tập rõ ràng. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên tự giác, tích cực, xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập của bản thân.
Tóm lại, dạy học trực tuyến trong các trường đại học, trong đó, dạy học trực tuyến với các môn khoa học Mác - Lênin đã được thực hiện phổ biến trong suốt hơn 2 năm học qua. Nó không chỉ là giải pháp tình thế mà đã dần dần chứng tỏ những ưu điểm của một phương thức dạy học linh hoạt, nhiều ưu thế trong bối cảnh xã hội hiện đại và với đối tượng người học là sinh viên, học viên. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định và phát huy tốt những hiệu quả của phương thức dạy học này cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của nhà trường, các cấp quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên và sinh viên, phát huy tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của các bên để xây dựng một cơ chế dạy học trực tuyến hiệu quả, đảm bảo tốt chất lượng./.
________________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu Bồi dưỡng tăng cường năng lực dạy học trực tuyến (lưu hành nội bộ), Hà Nội, 202.sss
2.https://docs.google.com/forms/d/16u6brL5to6rj1vQGYeHoNastvbk9vA_nm-qBxe0UVGw/ edit#responses, Khảo sát dạy học trực tuyến các môn khoa học Mác - Lênin.
3. Diễm Trang, Dạy và học trực tuyến. Hiệu quả đến đâu? https://thanhnien.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-hieu-qua-den-dau-post1391394.html, ngày 16/10/2021.
4. Dạy học trực tuyến là gì? Tại sao học online là xu thế thời đại, https://vnpt.com.vn/tin-tuc/day-hoc-truc-tuyen-la-gi.html, ngày 1/9/2021.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5/2022
Bài liên quan
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
- Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
- Những yêu cầu về kĩ năng biên tập ngôn ngữ sách lý luận chính trị đáp ứng mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo cử nhân chuyên ngành Báo ảnh lâu đời nhất tại Việt Nam, cung cấp cho hệ thống chính trị nhiều phóng viên ảnh có lý tưởng, chuyên môn cao, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Bước vào thời kỳ xã hội thông tin và chuyển đổi số, chuyên ngành Báo ảnh gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Bài báo đặt ra một số vấn đề với chuyên ngành Báo ảnh và đưa ra một số khuyến nghị nhằm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Trong giáo dục đại học, phong cách, tác phong của giảng viên có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện, hình thành nhân cách của sinh viên và chất lượng hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường. Vì vậy, tăng cường rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bài viết đánh giá khái quát sự cần thiết, từ đó đề xuất một số yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong giảng viên đại học hiện nay.
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
(LLCT&TTĐT) Sau một khoảng thời gian biến động do đại dịch Covid-19 mang lại, nhu cầu sử dụng và tạo ra các nội dung kỹ thuật số đã tăng vọt từ năm 2021. Người xem cũng như người sáng tạo nội dung đã và đang có sự dịch chuyển sang các nền tảng podcast để được kết nối và tạo ra những cảm xúc tích cực hơn thông qua các chương trình phát trên podcast. Chính vì vậy, các thương hiệu đang bắt đầu đưa podcast vào chiến lược và ngân sách quảng cáo. Podcast đang cho thấy sự đa dạng hơn về cả đối tượng và nội dung chương trình. Theo báo cáo của Market.us(1), thị trường quảng cáo podcast toàn cầu được dự đoán sẽ đạt mức định giá 12,5 tỷ USD vào năm 2023, điều này cho thấy podcast quảng cáo đã và đang đem lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.
Bình luận