Nâng cao hiệu quả giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình với khán giả
Để làm tốt công việc, MC truyền hình, ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên môn và tinh thông ngôn ngữ, còn phải am tường các vấn đề giao tiếp, tâm lý giao tiếp, cũng như các kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng trong tác nghiệp. Bài viết này đề cập một số yếu tố chi phối cùng một số giải pháp đề xuất để nâng cao hiệu quả giao tiếp của MC truyền hình với công chúng.
Người dẫn chương trình truyền hình và vấn đề giao tiếp trên truyền hình
Người dẫn chương trình và MC là hai thuật ngữ đồng nghĩa. MC là viết tắt của tiếng Anh trong cụm từ Master of Ceremony (chủ nhân của các buổi lễ). Theo định nghĩa của các từ điển tiếng Anh, MC là: “Người giới thiệu khách hoặc những người cung cấp dịch vụ giải trí vào một dịp trang trọng.” (Oxford Learner’s Dictionary).
“Người đóng vai trò là người dẫn chương trình cho một sự kiện, đặc biệt là giới thiệu diễn giả và người biểu diễn tại một bữa tiệc hoặc chương trình phát sóng.” (Dictionary.com).
Từ các định nghĩa trên, người dẫn chương trình truyền hình (viết tắt là MCTH) được hiểu là người làm công việc dẫn chương trình trong môi trường rất đặc thù tại các đài truyền hình trung ương hoặc địa phương. MCTH thường tác nghiệp ở các trường quay hoặc sân khấu, nơi sự kiện diễn ra, dưới tác động của máy quay, ê-kip làm việc, ánh sáng, âm thanh v.v.. cùng với người nghe là khán giả và các khách mời tham gia sự kiện.
Trong một chương trình hay sự kiện mà MC tham gia với tư cách là người điều hành, nhìn chung, cuộc giao tiếp thường có hai nhân vật: người nói (speaker) và người nghe (hearer). Người nói là MC và người nghe là những người tham gia sự kiện, chương trình. Tuy nhiên, trong một sự kiện cụ thể của MCTH, có thể các vai giao tiếp phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn, trong một game show truyền hình, sẽ có MCTH (speaker), các giám khảo (guests) và người chơi (participants) và khán giả (audience).
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giao tiếp
Trước hết phải xác định các nhân tố của giao tiếp nói chung, bên cạnh những nhân tố đặc thù của nghề nghiệp MCTH nói riêng. Vấn đề nghiên cứu ở đây hoàn toàn có thể tiếp cận từ lý thuyết truyền thông và các lý thuyết về báo chí học liên quan. Các nhà nghiên cứu về truyền thông từ xưa tới nay đã đưa ra nhiều mô hình truyền thông khác nhau. Mô hình truyền thông đầu tiên, của Claude E. Shannon và Warren Weaver (1949), khá đơn giản và dễ hiểu. Hai tác giả trên đã chỉ ra 5 yếu tố cấu thành một cuộc truyền thông/giao tiếp như sau:
- Nguồn thông tin: tạo ra thông điệp
- Máy phát, mã hóa thông điệp thành tín hiệu
- Kênh: nơi tín hiệu được truyền qua và cũng là nguồn nhiễu tạp
- Máy thu: giải mã (cấu trúc lại) thông điệp từ tín hiệu
- Điểm đến: nơi nhận thông điệp
Các mô hình sau đó kế thừa và phát triển mô hình trên, càng ngày càng phức tạp và đầy đủ hơn. Mô hình của Philip Kotler (1967) là một trong số các mô hình phản ánh được khá đầy đủ bản chất của quá trình truyền thông/ giao tiếp. Theo đó, có 9 yếu tố tham gia vào quá trình này: Người phát (Sender), Mã hóa (Encoding), Thông điệp (Message), Phương tiện (Media), Giải mã (Decoding), Người nhận (Receiver), Nhiễu tạp (Noise), Phản ứng (Response), Phản hồi (Feedback).
Các yếu tố thành phần của quá trình truyền thông nói trên cũng chính là những nhân tố ảnh hưởng đến và quyết định hiệu quả của một cuộc truyền thông/giao tiếp nói chung và cuộc giao tiếp của MCTH nói riêng. Ngoài những nhân tố chung chi phối cuộc giao tiếp nói trên, còn có các nhân tố đặc thù của nghề nghiệp MC chi phối hiệu quả của cuộc giao tiếp của MC với công chúng khán giả, nói riêng.
Theo Lý thuyết truyền thông, xét theo tiêu chí kênh, có 4 hình thức giao tiếp khác nhau: bằng lời nói (verbal), bằng văn bản (text, writing), bằng hình ảnh (visual) và không lời (non-verbal) hay ngôn ngữ cơ thể (body language). Xét theo tiêu chí độ trang trọng, có thể chia giao tiếp thành 2 loại khác là chính thức (formal) và không chính thức (informal).
Giao tiếp của MCTH với khán giả ở đây, xét theo tiêu chí kênh giao tiếp, là giao tiếp bằng lời, kết hợp với phi lời (ngôn ngữ cơ thể). Còn nếu xét theo phong cách hay độ trang trọng, ngôn ngữ giao tiếp trên là sự pha trộn giữa chính thức và không chính thức: MC thường chủ yếu dùng ngôn ngữ chuẩn mực để giao tiếp với khán giả, tuy nhiên, MC vẫn có thể xen lẫn những câu pha trò hay nói đùa để đưa đẩy, hâm nóng cuộc tương tác trong sự kiện.
Theo tác giả Đỗ Thị Thu Hằng (2015), trong giao tiếp báo chí, giữa nhà báo với nhân vật/ công chúng, cần chú ý tới phương tiện giao tiếp và bối cảnh giao tiếp. Còn theo tác giả Trần Hoàng Thái trong bài viết Văn hóa giao tiếp người dẫn chương trình truyền hình, MCTH cần sử dụng tốt 3 loại phương tiện giao tiếp sau để trở thành một MC tiêu chuẩn: Ngôn ngữ nói: Ngôn ngữ nói là hệ thống âm thanh, từ ngữ cùng các quy tắc kết cấu chúng trong giao tiếp xã hội, là phương tiện giao tiếp chủ yếu của người dẫn chương trình với khán giả. Cận ngôn ngữ (para language): Cận ngôn ngữ bao gồm: ngữ điệu, tiết tấu và âm sắc. Sự kết hợp giữa ngữ điệu, tiết tấu và âm sắc làm cho ngôn ngữ nói tạo nên sắc thái biểu cảm mà ngôn ngữ viết không thể biểu thị được. Phi ngôn ngữ: Là những hoạt động của cơ thể bao gồm: đi; đứng; ngồi, nét mặt, ánh mắt, nụ cười; cử chỉ, điệu bộ và động tác tay.
Như vậy, căn cứ theo đặc thù nghề nghiệp và ngôn ngữ của MCTH, dưới tác động của các nhân tố giao tiếp chung, các nhân tố riêng chi phối hiệu quả giao tiếp của MCTH với người nghe/công chúng trong sự kiện truyền hình có thể được rút ra như sau:
Về mặt chủ quan/ cá nhân, các yếu tố cần được xét đến bao gồm: Ngoại hình và trang phục, lời nói/ khả năng nói, khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ cử chỉ và cận ngôn ngữ, năng khiếu dẫn chuyện, khiếu hài hước, tài ứng xử, ứng biến, vốn kiến thức nền và chuyên ngành và cuối cùng là văn hóa ứng xử và văn hóa giao tiếp. Trong khi đó, về mặt khách quan/ ngoại cảnh, chủ yếu ở đây nhân tố tác động là môi trường giao tiếp: gồm có vấn đề các thiết bị ánh sáng, âm thanh, sân khấu; vấn đề thời tiết, nhiệt độ v.v..
Vấn đề đặt ra và một số giải pháp
Trong thực tế đời sống, mức độ thành công một chương trình truyền hình trực tiếp với MC, cũng chính là hiệu quả giao tiếp của MCTH với công chúng khán giả, phụ thuộc rất nhiều vào các nhân tố chủ quan từ chính MCTH và các yếu tố ngoại cảnh/ khách quan khác. MCTH là nghề đòi hỏi tiêu chuẩn khá cao. Do vậy, vẫn còn những bất cập cần khắc phục trong khi tác nghiệp.
Theo tác giả Lê Thị Như Quỳnh (2015), dựa trên việc khảo sát các chương trình của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trong 3 năm từ 2010-2013, MCTH thường mắc các lỗi như lỗi ngôn ngữ, lỗi giao tiếp.
Về lỗi ngôn ngữ, có thể xét thấy lỗi phát âm, bao gồm: nói quá nhanh hoặc nuốt âm; nói vấp, nói nhịu; lỗi dùng từ: dùng từ ngữ khó hiểu, bóng bẩy, cầu kì nhưng không rõ nghĩa hoặc thiếu chính xác; dùng từ ngữ khoa trương quá mức; lỗi đặt câu: Câu quá dài nên bị bỏ lửng; lỗi diễn đạt: dài dòng, rối rắm; Lạm dụng khẩu ngữ; Dùng văn Tây; Lúng túng trong việc dùng từ hô khởi đầu câu. Về lỗi giao tiếp, MCTH cần khắc phục lỗi xưng hô: không phù hợp hoặc quá nhấn mạnh yếu tố tuổi tác; lỗi phát ngôn: nói thừa thãi, lệch trọng tâm, nói hớ; lỗi điều hành: diễn đạt không đúng, đặt câu hỏi không phù hợp; lỗi cách thức hội thoại: nói quá nhiều hoặc nói hấp tấp; lỗi kiến thức: sai kiến thức nền và chuyên ngành; lỗi ngôn ngữ hình thể: ngôn ngữ cơ thể không phù hợp hoặc lạm dụng chúng.
Ngoài các bất cập đã được chỉ ra trong nghiên cứu trên, qua thực tế quan sát, có thể thấy, một số MC còn mắc các lỗi như: lỗi cận ngôn: giọng nói chua, nhấn nhá trọng âm chưa phù hợp với sắc thái cần có và ngữ điệu thiếu biểu cảm; lỗi dẫn chương trình: nói lan man, dài dòng, sa đà vào những chi tiết vụn vặt.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan, MCTH có thể gặp phải một số các yếu tố khách quan khác, ảnh hưởng tới quá trình dẫn chương trình, tác nghiệp. Ví dụ như vấn đề về cơ sở vật chất, thiết bị: sân khấu, âm thanh, ánh sáng, micro không bảo đảm, ảnh hưởng tới chất lượng tác nghiệp của MCTH; vấn đề về môi trường, thời tiết không thuận lợi trong những chương trình tác nghiệp ngoài trời. Cuối cùng, yếu tố con người, cụ thể là khán giả, khách mời hay ê-kip thực hiện cũng chính là yếu tố quan trọng, có tác động không nhỏ tới sự thành công của MCTH trong bất cứ chương trình nào, đặc biệt là những chương trình đòi hỏi tính tương tác cao giữa người dẫn chương trình và những nhân vật khác.
Để khắc phục những lỗi và bất cập trên, có thể đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về phía cá nhân, MCTH cần được đào tạo bài bản và tập huấn, nâng cao nghiệp vụ hàng năm. Trong đó, trọng tâm là nâng cao khả năng thực hành ngôn ngữ tiếng Việt, về tất cả các bình diện liên quan tới nghề nghiệp như: phát âm, dùng từ, đặt câu, diễn đạt, đặc biệt là khả năng thuyết trình và hùng biện trước công chúng. Bên cạnh đó, MC cũng cần nâng cao khả năng giao tiếp của mình cùng với việc củng cố, bổ sung các kiến thức chuyên ngành sâu và kiến thức nền cần thiết cho lĩnh vực mà mình phụ trách.
Thêm vào đó, văn hóa ứng xử và văn hóa giao tiếp của MC cũng cần thường xuyên được trau dồi, học hỏi để không ngừng nâng cao, đạt tầm chuẩn mực. Sự thành công của MC phần lớn phụ thuộc vào lòng say mê nghề nghiệp, ý chí tự học để vươn lên, không chỉ trông chờ vào việc đào tạo tập trung của cơ quan/ tổ chức chủ quản.
Thứ hai, về phía cơ quan truyền hình cần xây dựng lộ trình đào tạo cập nhật và nâng cao nghiệp vụ hàng năm cho MCTH nói riêng cũng như các bộ phận chuyên ngành khác nói chung. Ê-kip làm chương trình trực tiếp cùng MCTH phải chủ động đề xuất với cơ quan chủ quản chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị chuyên dụng để có được một môi trường tác nghiệp tốt nhất, tránh các lỗi kỹ thuật không đáng có khi tác nghiệp, làm ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả chương trình nói chung và giao tiếp của MCTH nói riêng./.
_____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kotler, Ph. (1967) Marketing management: Analysis, planning and control, Englewood Cliffs, NJ, USA: Prentice Hall.
2. Schramm, W. (1954), The Process and Effects of Mass Communication, University of Illinois Press.
3. Shannon, C. E. & Weaver, W. (1949/1964), The Mathematical Theory of Communication, University of Illiois Press.
4. Negative factors affecting communications; https:// www.citeman.com/6836-negative-factors-affecting-communications.html 5. What is a Master of Ceremonies? ttps://www.humorthatworks.com/how-to/the-job-of-an-mc/
6. Vũ Quang Hào (2001) Ngôn ngữ báo chí, NXB ĐHQG Hà Nội.
7. Đỗ Thị Thu Hằng (2015), Giáo trình Tâm lý học Báo chí; Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
8. Kotler, Ph. (2000), Những nguyên lý tiếp thị, tập 2, Nxb Thống kê, Hà Nội.
9. Lê Thị Như Quỳnh (2015), Lỗi ngôn ngữ và giao tiếp của người dẫn chương trình truyền hình, Ngôn ngữ & Đời sống, số 4.
10. Lê Thị Như Quỳnh (2017) Một số đặc điểm của lời dẫn chương trình truyền hình, TC Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHSP TP. HCM, Tập 14, số 2; tr.30-39.
11. Trần Hoàng Thái, Văn hóa giao tiếp người dẫn chương trình truyền hình, http://quanlyvanhoa.hcmuc. edu.vn/van-hoa-giao-tiep-nguoi-dan-chuong-trinhtruyen-hinh.html
12. Tìm hiểu về nghề MC và những kỹ năng của người dẫn chương trình; https://abv.edu.vn/tim-hieu-ve-nghemc-nguoi-dan-chuong-trinh-va-nhung-ky-nang-cuanguoi-mc.html.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Người Làm Báo điện tử ngày 16.6.2021
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận