Nghĩ suy nhân kỷ niệm lần 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021)
Năm tháng qua đi, dòng sông lớn trôi qua để lại hai bên bờ những phù sa màu mỡ. Đồng ruộng mở rộng ra, xóm làng, thành phố mọc lên... Trong cuộc sống, lúc bình yên, khi náo nhiệt, con người bị cuốn hút vào những công việc bề bộn của ngày thường, nhiều lúc người ta quên lãng biết bao điều quí giá, giống như những cánh đồng xanh quên bẵng nó đã nhờ phù sa của dòng sông lớn bồi đắp cho. Rồi bất chợt khi nhiều khó khăn ập đến, con người đứng trước những thử thách ngặt nghèo, buộc phải suy nghĩ, lục trong ký ức, tìm đến kho tàng tri thức đã tích luỹ được tự bao đời để tìm lời giải đáp cho hôm nay, cho những bước đi lên, tựa như cánh đồng khô cạn nhớ về dòng sông và cần phải có dòng sông.
Trong những thời điểm phức tạp của thế sự cũng như đã bao phen vận nước lâm nguy, dân tộc ta lại nhớ tới Người, tìm thấy Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - ánh sáng trí tuệ, niềm tin và sức mạnh để chiến thắng.
Nước mất nhà tan, đất nước chìm trong tăm tối. Bao người con ưu tú của dân tộc vật vã tìm đường cứu nước, nhưng bâng khuâng muôn ngả biết về đâu? Bí quyết thành bại là đâu? Ai là người dẫn dắt đồng bào, dân tộc?
Trong tình cảnh ấy, dân ta cần một đảng dẫn đường và chính Người - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã đem đến cho nhân dân ta vũ khí để bước lên Đường kách mệnh, tự giải phóng mình, giành lấy độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích cao đẹp vô cùng khó khăn ấy thì phải có sức mạnh đoàn kết dân tộc thành một khối vững chắc. Người nói: “Vậy nên sức kách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng kách mệnh” (Sách Đường kách mệnh).
Ở nước ta thời kỳ đó từng có các đảng phái của các giai cấp, các tầng lớp xã hội phi vô sản, cách mạng nửa vời, yếu ớt và non kém không làm được, sứ mệnh lịch sử dẫn đường cho dân tộc trong sự nghiệp giành độc lập, tự do.
Ba tổ chức đảng của giai cấp công nhân tuy có cùng một mục tiêu nhưng chia rẽ, phân tán không trở thành sức mạnh.
Dân biết hướng về ai? Tập hợp những người cách mạng ưu tú thành một tổ chức, một đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào. Đó là ý nguyện của nhân dân. Đó là đòi hỏi của lịch sử. Tổ quốc này, nhân dân này, hoàn cảnh này không thể tương dung với mọi hình thức chính trị đa nguyên, tựa như con thuyền đi biển chỉ cần một người thuyền trưởng vững vàng chèo lái, để mọi người cùng ý hợp, tâm đầu.
Sáu mươi năm đã đi qua, cả dân tộc tiến lên dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Đảng được vũ trang bằng học thuyết khoa học và cách mạng của thời đại. Đảng Cộng sản Việt Nam, tập hợp trong tổ chức của mình những người ưu tú nhất của giai cấp và dân tộc. Kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước lên vũ đài chính trị với một lực lượng hùng hậu, thực sự là người đại diện cho trí tuệ, lương tâm và danh dự của nhân dân ta. Lấy phục vụ giai cấp và dân tộc làm mục đích hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành ánh sáng, niềm tin và hy vọng của tuyệt đại đa số nhân dân.
Đảng đã dẫn dắt dân tộc. Đảng đã đem lại vinh quang cho giống nòi. Đảng luôn luôn chịu trách nhiệm trước Tổ quốc trong mọi bước thăng trầm.
Có một đảng chân chính cách mạng lãnh đạo mới có mùa thu dựng nước huy hoàng, nền cộng hoà dân chủ Việt Nam ra đời từ đó; mới có lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu, mới có thủa ban đầu dân ta thắng Mỹ, đất nước sau hàng trăm năm nô lệ đã sạch bóng quân thù; mới có ngày đổi mới để tiếp tục tiến lên…
Thế giới có nhiều đổi thay phức tạp nhưng Đảng ta vẫn vững lái dẫn đường. Đảng Cộng sản Việt Nam, người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, đang hướng dẫn ta đi tiếp con đường mà Bác Hồ đã chọn.
Lịch sử vẫn không ngừng tiến về phía trước, dân ta cũng vẫn cần một Đảng Cộng sản dẫn đường.
Nhân dân ta tin Đảng bằng bài học được rút ra từ suốt mấy mươi năm đấu tranh gian khó, quật cường và bằng cả trí tuệ sáng suốt tạo nên bởi một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến đang vươn mình tiến lên một xã hội văn minh.
Học hỏi nhân loại để càng hiểu rõ về mình, để sáng mãi một niềm tin. Cái tất yếu của đường đời, của sự nghiệp của nhân dân ta là vậy. Dân tin Đảng, cần có Đảng. Đảng gánh trọng trách trước toàn dân. Sứ mệnh lịch sử của Đảng không ai thay thế được.
Trong lời tựa viết cho các lần tái bản cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Ph.Ăng-ghen đã nhắc: bất cứ ai, ở bất cứ đâu nếu phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đi chệch những tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn thì đều phải trả giá đắt. Lời tiên đoán của Ph.Ăngghen vẫn hoàn toàn đúng. Ai phủ định sự tất yếu, người đó sẽ bị sự tất yếu phủ định. Lịch sử đã và vẫn diễn ra như thế…
“Đảng có vững mạnh cách mạng mới thành công. Cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”(1). Đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trí tuệ của một đảng cách mạng là ở sự đúng đắn của học thuyết mà đảng ấy nhận làm nền tảng tư tưởng của mình.
Thế giới đầy đau thương của chúng ta do các chế độ bóc lột gây ra đã xuất hiện biết bao học thuyết, chủ nghĩa để kiến giải nguyên nhân và tìm kiếm con đường giải phóng cho những người lao động. “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là Chủ nghĩa Lênin”(2). Lịch sử Việt Nam và thế giới đã và đang chứng minh hùng hồn lời khẳng định nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết sống động và phát triển, nó kế thừa những tri thức của nhân loại, nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm các phong trào cách mạng của nhân dân. Nó không phải là những nguyên tắc do một hai đầu óc thiên tài tạo ra để “ứng vào” giới tự nhiên và lịch sử loài người mà là “được rút ra từ trong giới tự nhiên và lịch sử loài người. Không phải giới tự nhiên và loài người thích ứng với các nguyên tắc mà trái lại, nguyên tắc chỉ đúng nếu nó phù hợp với tự nhiên và lịch sử” (Ăng-ghen: Chống Đuy-rinh).
Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học đã phê phán những kẻ giáo điều, rập khuôn, muốn biến học thuyết của các ông thành kinh thánh, coi nó là những chân lý cuối cùng, tuyệt đích, bất biến, mong tìm thấy ở đó lời giải đáp cho tất cả mọi công việc của ngày hôm nay, rồi khi khó khăn, thất bại họ hốt hoảng la lên “Chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời rồi”. Không! Chủ nghĩa Mác - Lênin, sức sống bất diệt của nó là sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa tất cả những tri thức của loài người đã tích luỹ được từ trước. V.I.Lênin là người bảo vệ và phát triển, làm phong phú Chủ nghĩa Mác trong thời đại của Người. Hồ Chí Minh đã nhờ cái “cẩm nang thần kì” là Chủ nghĩa Mác - Lênin mà làm nên lịch sử. Và chính hoạt động lịch sử của Người làm học thuyết Mác - Lênin tiếp tục phát triển. Không có học thuyết Mác - Lênin, thế giới của chúng ta không thể có sự phát triển như ngày nay. Nhưng nói như C.Mác, thế hệ sau đứng lên vai thế hệ trước mà tiến lên. Trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin là trung thành với lý tưởng nhân đạo nhất, thủ tiêu chế độ người bóc lột người, giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xây dựng một thế giới hoà bình, ấm no, hạnh phúc trên cơ sở sức sản xuất phát triển cao và một chế độ công bằng, nhân ái, trong đó con người được hoàn toàn tự do. CNXH và chủ nghĩa cộng sản sẽ từng bước thực hiện lý tưởng cao đẹp đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “XHCN là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng”(3). Đảng ta trung thành với sự nghiệp vĩ đại đó. Nhân dân ta đã từng hy sinh chiến đấu vì mục tiêu cao cả đó. Lý tưởng của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân hoàn toàn thống nhất với nhau.
Nhưng trên bước đường đi lên, Đảng ta đã mắc một số sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Khuyết điểm ấy trước hết là do sự non kém về lý luận, chưa nắm vững quan điểm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và điều kiện cụ thể của đất nước. Trên con đường khám phá, sáng tạo để xây dựng một chế độ xã hội mới thì những sai lầm mắc phải cũng là lẽ đương nhiên. V.I.Lênin đã viết: “Về mặt lý luận: Trong thời kỳ cách mạng cũng như trong bất cứ lúc nào, người ta đều mắc những điều ngu xuẩn, Ăng-ghen đã nói như thế và đã nói đúng - cần cố gắng làm sao để mắc thật ít những điều ngu xuẩn và sửa chữa thật nhanh chóng những điều ngu xuẩn đã mắc phải”(4). Lịch sử đất nước ta trên một thập kỷ vừa qua đã không tránh khỏi điều nghiệt ngã đó. Song, lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc ta từ khi có Đảng là lịch sử của đấu tranh cách mạng kiên cường, có không ít sai lầm khuyết điểm nhưng dũng cảm nhận ra và quan tâm khắc phục. “Cái khó ló ra cái khôn”, Đảng và Dân tâm đầu ý hợp, vấp ngã lại đứng lên, trung thành và sáng tạo đi tiếp từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cốt lõi của vấn đề là Đảng đã ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Bởi vì “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(5). Người khẳng định: “Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(6). Con thuyền Việt Nam nhất định vượt qua thác ghềnh hiểm trở để cập bến bờ thắng lợi bởi nó có Đảng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng của Bác Hồ, chèo lái chỉ đường.
Nước nhà thống nhất, Bác đã đi xa, Người không có mặt cùng dân tộc trong ngày vui đại thắng. Nhưng, Người vẫn sống mãi cùng ta trong tất cả mọi lo toan. Nhà chiến lược thiên tài ấy đã lường trước những khó khăn, phức tạp của công cuộc xây dựng đất nước. Người căn dặn: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn đến mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(7).
Gần 52 năm qua kể từ ngày Bác từ giã thế giới này, tất cả những gì đã làm và chưa làm được chứng tỏ rằng sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm các nhiệm vụ của giai đoạn mới. Nguồn gốc sâu xa của sự không ngang tầm là ở chỗ, trong nhiều năm chúng ta đã coi nhẹ và có khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, việc chỉnh đốn lại Đảng tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn không ít tổ chức cơ sở đảng và đảng viên (kể cả cán bộ trung cao cấp) chưa làm tròn nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức và năng lực chưa tương xứng với chức, quyền.
Từ trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tìm thấy lẽ sống ở đời. Những nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là sự khám phá ra những chân lý mới mẻ. Nó là sự khẳng định những chân lý đã được trí tuệ và công sức, máu xương của hàng triệu người trên trái đất chứng minh. Nó là sự định hướng cho tư duy của toàn Đảng, toàn Dân trong những tình huống bộn bề, phức tạp. Nó khêu gợi lại trong mỗi cán bộ, đảng viên những điều tốt đẹp để suy nghĩ và hành động. Nó làm thức dậy trong ta ánh sáng và niềm tin. Nó giúp ta tìm đến những tư tưởng cao đẹp của Bác Hồ, tựa như những cánh đồng khô cạn tìm về dòng sông lớn đầy nước trong lành.
__________________________
(1), (2). Hồ Chí Minh (1980), Về xây dựng Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.20.
(3). Hồ Chí Minh (1977), Các dân tộc đoàn kết bình đẳng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, Nxb. Sự thật, tr.70.
(4). V.I.Lênin (1978), Toàn tập, T.44, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, tr.277.
(5) Hồ Chí Minh (1980), Tuyển tập, T.I, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.200.
(6) Hồ Chí Minh (1980), Về xây dựng Đảng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.230.
(7) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tr.41.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử ngày 18.5.2021
Bài liên quan
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
- Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 3 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 4 Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- 5 Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- 6 Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vạch trần thủ đoạn của tổ chức "Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam" - Bài 1: Chiêu lừa hiểm độc nhắm vào người mắc bệnh hiểm nghèo
"Năng lượng gốc có thể chữa bách bệnh, kể cả bệnh nan y mà không cần dùng thuốc"; "Chữa khỏi bệnh từ xa, chỉ cần thông qua phương tiện truyền hình ảnh”... Tổ chức “Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam” (sau đây gọi tắt là NLG) tung ra những luận điệu phi khoa học như vậy, nhưng vẫn có không ít người tin theo. Thời gian qua, nhiều độc giả của Báo Quân đội nhân dân đã phản ánh với tòa soạn sự bức xúc về hoạt động lén lút của tổ chức này. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã điều tra về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tổ chức NLG hiện nay.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong lòng dân tộc Việt Nam và thế giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhà chính trị - nhà văn hoá lớn của thế kỷ XX, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người bạn thân thiết của nhân dân các dân tộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của Người gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng và lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.
Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của công tác giáo dục thanh niên. Người đã chỉ rõ sự cần thiết; nội dung, phương thức giáo dục thanh niên và trách nhiệm của các chủ thể trong công tác này. Bài viết trình bày khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên và đề xuất giải pháp vận dụng tư tưởng của Người vào công tác giáo dục thanh niên Việt Nam góp phần phát huy vai trò của thanh niên trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Bình luận