Phan Đăng Lưu : “Sâu mọt lũ mày choa quét sạch ”
Ngạo nghễ trên đầu thù
Trong số hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù đang tâm hãm hại nhiều người đã cố gắng liên lạc lần cuối với gia đình, với bạn bè, đồng đội. Đây cũng chính là dịp để họ bày tỏ tình cảm, khí phách của mình trước những người thân yêu, trước kẻ thù. Nhưng để có được giọng điệu nhạo báng, cười cợt trước cái chết như nội dung lá thư Phan Đăng Lưu gửi con trai yêu quý thì không phải ai cũng làm được. Đó là biểu hiện vị thế của người chiến thắng của một trí tuệ mẫn tiệp biết trước được kết cục của cuộc chiến dù bản thân và rất nhiều đồng đội của ông đang phải đối diện với án tử hình.
Phan Đăng Lưu đời thứ 14 dòng dõi Mạc Mậu Giang (con vua Mạc Phúc Nguyên) nguyên quán ở làng Lũng Đông huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương. Để trốn tránh sự truy sát của họ Trịnh, Mạc Mậu Giang chạy vào xã Tràng Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An và đổi sang họ Phan. Phan Đăng Lưu sinh ngày 5.5.1902. Thân phụ ông là Phan Đăng Dư vốn là bậc túc Nho có lòng yêu nước, thương dân. Chán ghét thời cuộc, ông không ra ứng thí để làm quan mà ở nhà vui thú với sách vở, ruộng đồng, nối chí cha làm nghề bốc thuốc cứu người. Thân mẫu Phan Đăng Lưu là Trần Thị Liễu, một phụ nữ tảo tần hết lòng vì chồng vì con. Lên 6 tuổi Phan Đăng Lưu được cha mẹ cho đi học chữ Nho. Khi bước sang tuổi 11, ông chuyển sang học ở trường Sơ học Pháp - Việt ở Vinh, sau đó thi đậu vào trường Trung học Quốc tử giám - Huế. Tốt nghiệp, ông thi vào trường Nông nghiệp thực hành (Tuyên Quang), đến năm 23 tuổi thì ra trường. Trong thời gian ở quê chờ bổ nhiệm Phan Đăng Lưu lập gia đình với bà Nguyễn Thị Chín. Tháng 6.1923 Phan Đăng Lưu được nhận vào làm ở một cơ sở chuyên nghiên cứu tơ tằm đặt tại huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An cho gần gia đình. Tại đây ông gặp lại bạn bè cũ và cùng họ tham gia Hội phục Việt. Vì tích cực tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu cùng đồng bào cả nước tổ chức để tang Phan Chu Trinh nên ông bị nhà cầm quyền theo dõi gắt gao, bị thuyên chuyển vào Bình Định rồi sau đó tới Lâm Đồng. Trước những phản ứng gay gắt của Phan Đăng Lưu, ngày 30.6.1927 Khâm sứ Trung Kỳ đã ký Nghị định sa thải ông.
Mất việc nhưng Phan Đăng Lưu không lấy thế làm buồn. Ông khăn gói trở về quê chuẩn bị tinh thần để bước vào trường hoạt động cách mạng. Đây mới là cái đích để ông dành cả cuộc đời hướng tới. Lúc này, Hội Phục Việt sau nhiều lần đổi tên, đã có tên mới là Việt Nam cách mệnh đảng. Cuối năm 1928, Phan Đăng Lưu đại diện cho Việt Nam cách mệnh đảng sang Trung Quốc liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để bàn việc thống nhất hai đảng. Do tình hình chính trị lúc bấy giờ ở Trung Quốc cũng như nội bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên có nhiều diễn biến phức tạp nên kế hoạch không thực hiện được. Tháng 9.1929, ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ còn dang dở nhưng vừa đặt chân đến Hải Phòng thì bị bắt. Ngày 21.11.1929, Phan Đăng Lưu bị toà Nam án Nghệ An xử 3 năm tù, đày đi Buôn Ma Thuột về tội hoạt động chính trị bất hợp pháp và trốn đi nước ngoài trái phép. Trong thời gian ở tù, ông bị tăng thêm án phạt 5 năm vì tội lén gửi thư từ, bài vở ra ngoài. Năm 1936 ông được trả tự do trước thời hạn nhưng phải chịu quản thúc tại quê nhà. Đây là thời điểm trong cả nước đang diễn ra phong trào Đông Dương đại hội do Nguyễn An Ninh phát động. Không chịu ngồi yên, ông bỏ lên Huế cùng các đồng chí lập Uỷ ban Trung Kỳ. Nhờ những chính sách ít nhiều có tính chất tiến bộ của chính phủ L.Blum, Đảng Cộng sản Đông Dương từng bước khôi phục lại vị thế của mình. Xứ uỷ Trung kỳ được xác lập (1937), Phan Đăng Lưu được bầu làm Xứ uỷ viên, phụ trách bộ phận hoạt động công khai của Đảng. Ông đã chỉ đạo thành lập nhiều uỷ ban vận động Đại hội Đông Dương trên địa bàn miền trung. Trước khí thế rầm rộ của nhân dân cả nước, nhà cầm quyền đã ra lệnh cấm tổ chức Đại hội Đông Dương. Mặc dù Đại hội không tiến hành được nhưng đây là lần tập dượt quan trọng để Đảng ta có thể huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân trong những dịp đấu tranh sau này.
Cho dù chính quyền thực dân ở Đông Dương cố tình bưng bít nhưng các chính sách cai trị phản động của họ vẫn bay về tận Paris. Đầu năm 1937 chính phủ Pháp phái G.Gô-Đa đi thị sát tình hình thuộc địa. Phan Đăng Lưu tiếp tục sử dụng vị thế hợp pháp, công khai cùng các đồng chí đi khắp nơi hướng dẫn bà con viết dân nguyện, đưa ra những kiến nghị, yêu sách đòi các quyền tự do, dân chủ, nhân sinh. Những đòi hỏi có tính cải cách xã hội này được Phan Đăng Lưu hệ thống lại trong một bản Dân nguyện dài chuyển tận tay cho Gô-Đa. Có thể nói bản Dân nguyện này đã có những tác động nhất định đến các chính sách cai trị của nhà cầm quyền ở các thuộc địa. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm chủ nghĩa phát-xít đang từng bước chiếm ưu thế, báo hiệu một cuộc chiến tranh thế giới sẽ nổ ra. Lúc này, việc giữ bình ổn các xứ thuộc địa là hết sức cần thiết. Chính vì vậy người Pháp buộc phải nới lỏng một số quyền cho người dân Đông Dương như: quyền được bỏ phiếu bầu ra người đại diện vào các Viện dân biểu, Hội đồng quản hạt, người dân được tự do hội họp, biểu tình, bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí... Đây chính là cơ hội để Đảng ta tham gia đấu tranh nghị trường, tiến tới làm chủ mặt trận báo chí, công khai giáo dục, hướng dẫn nhân dân tiến hành cách mạng... ở khu vực miền Trung, Phan Đăng Lưu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), Phan Thanh (Nguyễn Thế Rục), Lâm Mộng Quang, Nguyễn Sơn Trà là những người hoạt động xông xáo nhất, khiến kẻ thù nhiều phen mất ăn mất ngủ.
Chiến tranh thế giới II nổ ra. Chính quyền cực hữu Pê-tanh lên cầm quyền ở Pháp đã ban hành hàng loạt văn bản đặt Đảng Cộng sản và những đảng phái tiến bộ khác ra ngoài vòng pháp luật, thắt chặt hoặc xoá bỏ mọi quyền tự do dân chủ tại các xứ thuộc địa. Hàng nghìn đảng viên cộng sản và các nhân sĩ tiến bộ, yêu nước bị bắt. Thực tế này buộc Đảng ta phải có những đối sách kịp thời. Phan Đăng Lưu được bầu làm Uỷ viên thường vụ Trung ương cử vào Nam nắm phong trào. Đúng vào lúc bầu không khí chính trị nước ta diễn ra ngột ngạt nhất thì phát-xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Chính sách cai trị hà khắc của cả Pháp và Nhật đã làm nóng thêm khối mâu thuẫn giữa dân tộc ta với kẻ thù ngoại xâm. Mối căm hờn trong dân chúng ngùn ngụt bốc cao. Trước tình hình này, Phan Đăng Lưu và các đồng chí trong Xứ uỷ Nam kỳ quyết định lên kế hoạch phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Khó khăn nhất lúc này là hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đã bị bắt, bị giết hại. Phan Đăng Lưu quyết định ra Bắc triệu tập Hội nghị tổ chức lại cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị đã được tiến hành vào tháng 11.1940 tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hội nghị lúc đầu đã đề cử Phan Đăng Lưu làm Tổng Bí thư nhưng ông xin rút với lý do Xứ uỷ Nam Kỳ đang ở vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng, rất cần sự có mặt của ông. Sau khi nghe báo cáo của Phan Đăng Lưu về kế hoạch khởi nghĩa Nam Kỳ, Hội nghị đã bàn bạc, thảo luận hết sức sôi nổi. Cuối cùng Hội nghị quyết định không tiến hành phát động khởi nghĩa bởi tình hình thế giới và trong nước lúc đó chưa thuận lợi cho cách mạng. Phe phát-xít đang chiếm ưu thế, Pháp và Nhật lại đang cấu kết với nhau, chưa bộc lộ mâu thuẫn lớn, chúng sẽ dễ dàng đàn áp các lực lượng chống đối. Trong khi đó, lực lượng của ta lại quá mỏng, chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Phan Đăng Lưu lên đường vào Nam theo mật lệnh tạm ngừng khởi nghĩa, nhưng vừa đặt chân đến Sài Gòn ông đã bị bắt, chưa kịp thông báo cho các đồng chí trong Xứ uỷ Nam kỳ ý kiến của Trung ương. Chính vì vậy mà đêm 23.11.1940, khởi nghĩa Nam kỳ vẫn diễn ra và đúng như dự đoán, đã bị đàn áp dã man.
Không khai thác được gì ở ông, ngày 9.3.1941, tại toà án quân sự, kẻ thù đã tuyên Phan Đăng Lưu mức án tử hình. Và ngày 24.5.1941, ông đã hiên ngang bước ra trường bắn để lại sau lưng bao ước mơ cháy bỏng còn dang dở.
Lao tù tôi luyện thêm ý chí cách mạng
Có thể nói, sự nghiệp hoạt động báo chí của Phan Đăng Lưu không dài (khoảng 10 năm từ 1929 đến 1939) nhưng những gì ông để lại khiến bất cứ ai cũng phải khâm phục. Giống như nhiều nhà cách mạng Việt Nam khác, ông đã sử dụng rất hiệu quả báo chí làm phương tiện đấu tranh, đáp ứng nhu cầu chính trị của Đảng. Ngoài việc viết báo ông còn dịch một số sách bàn về chính trị, triết học, kinh tế.
Con đường đến với báo chí của Phan Đăng Lưu diễn ra khá đặc biệt. Khi bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột (1929 - 1936), Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông không chịu cảnh “cá chậu chim lồng” đã tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài thông qua đồng bào người Êđê. Để tiện cho việc tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước cho người dân, Phan Đăng Lưu miệt mài học tiếng Êđê rồi dạy lại cho các bạn tù. Ông là người khởi xướng tờ báo viết bằng hai thứ tiếng có tên Doãn - Đê dùng làm tài liệu huấn luyện, giáo dục cho chính trị phạm và nhân dân quanh khu vực. Có thể coi đây là một trong những tờ báo cách mạng bí mật đầu tiên ở nhà tù Buôn Ma Thuột. Nhờ những bài viết sắc sảo của Phan Đăng Lưu mà ý thức chính trị của tù nhân và người dân được nâng lên rất nhiều. Không ít người đã từ bỏ xu hướng chính trị cũ để đến với lý tưởng cộng sản. Cũng nhờ tờ báo mà sợi dây tình cảm giữa đồng bào thiểu số với anh em chính trị phạm ngày càng được thắt chặt. Nhiều lính coi tù người Êđê, từ chỗ đối xử tàn tệ với tù nhân, nhờ sự cảm hoá của tờ báo, trở thành liên lạc viên tích cực chuyển tài liệu từ bên ngoài vào nhà tù và ngược lại. Nhờ mối quan hệ này mà Phan Đăng Lưu đã nhiều lần gửi bài tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù Ban Mê Thuột cho báo Tiếng dân ở Huế. Tiếc là, chế độ kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền đã ngăn cản không cho các bài báo này xuất hiện trước công luận. Giờ đây, ta chỉ còn biết đến chúng qua bản dịch sang tiếng Pháp trong kho lưu trữ của chế độ cũ. Trong một bài dự kiến in trên báo Tiếng dân số 623 ngày 13.9.1933, tác giả đã khái quát đời sống tù nhân “Họ ăn cá mắm và uống nước suối. Trong tình trạng khí hậu độc hại, những người lực lưỡng còn có thể nuốt được miếng ăn như thế, những người yếu thì đành lòng nhìn những người khác ăn uống mà nghẹn cổ nuốt không trôi. Mỗi tuần chỉ được ra tắm 15 phút.
Ăn và mặc mất vệ sinh, ốm không có thuốc, sinh ra bệnh phù thũng, kiết lỵ, sốt rét và nhiều bệnh nguy hiểm khác. Khi đi khám bệnh nhiệt độ trong người lên đến 38 hay 39 độ vẫn phải đi lao công. Người nào đó, nhiệt độ lên đến 40 độ mới được nghỉ. Bệnh viện chỉ nhận những người bệnh kiết lỵ, khi máu đã chảy ra quần. Nhiều người mắc bệnh này đã chết ngay trong khi đang lao động.
Những tấm kịch đáng thương như thế diễn ra hàng ngày. Ai liều lĩnh đòi trở lại chế độ cũ liền bị lập tức nhốt vào xà lim ăn nhạt và tăng án lên 5 năm tù nữa”.
Không chỉ tố cáo, Phan Đăng Lưu còn cùng các bạn tù kiên cường đấu tranh đòi cải thiện chế độ giam giữ. “Phần đông những người bị giam cầm ở Buôn Ma Thuột đều không chống nổi với bệnh phù thũng trong thời gian gần đây. Sau nhiều lần kiểm chứng, thầy thuốc đã quyết định trở lại khẩu phần gạo của mỗi người tù là 500 gr, vừa đây tăng lên 750gr.
Điều hợp lẽ là giảm suất gạo của người ốm để chữa bệnh, nhưng người tù khoẻ mạnh lao động ngoài trời suốt ngày nhìn thấy khẩu phần mình bị giảm, không thể ăn đói được. Cách này đề phòng bệnh phù thũng nhưng lại nguy hiểm là sinh ra nhiều bệnh tật khác cho họ.
Chúng tôi hy vọng nhà cầm quyền tìm những biện pháp khác để phòng bệnh mà không giảm khẩu phần ăn của tù nhân”.
Là người có học thức nên Phan Đăng Lưu được giám đốc trại giam giao cho công việc bàn giấy, quản lý sổ sách. Đây là dịp để ông tiếp cận với nhiều tài liệu làm căn cứ để viết bài. Trong các bài báo viết từ trong tù của ông, số liệu được sử dụng bao giờ cũng chính xác, cụ thể, có tính thuyết phục cao: “ở nhà tù Buôn Ma Thuột cứ 100 người chết thì 24 người bị chết về bệnh đái ra máu. Trong 3 tháng gần đây có 3 người là nạn nhân của bệnh khủng khiếp này.
Đái ra máu có thể từ sốt rét mà ra. Trong 100 người thì 99 người có vi trùng đái ra máu ở trong máu. Những người bị sốt rét đến 38 độ trong 4 - 5 ngày không được một viên ký ninh nào. Cứ 2 - 3 lần như thế thì biết là số phận sắp chết. Hiện nay, tình trạng đó có đến 16 hay 17 trường hợp”.
Phan Đăng Lưu là người năng nổ, tháo vát, biết chăm lo đến cuộc sống chung nên rất được các bạn tù tin tưởng, kính trọng. Ông thường được cử làm đại diện cho tù nhân đứng ra dàn xếp, đưa yêu sách cho giám đốc trại giam. Là người phụ trách ban đời sống, ông được quyền ghé thăm các xà lim. Nhờ đó mà ông nắm rất chắc mọi diễn biến trong trại. Ông viết: “Năm 1928, việc gông cùm ở đây đã bãi bỏ, năm 1931 được lập lại. Hiện nay ở xà lim A nhà đày Buôn Ma Thuột tù không những bị cùm chân mà còn bị đeo gông ở cổ và gắn vào nền nhà”.
Để tránh sự khủng bố của địch những bài viết trong tù của Phan Đăng Lưu đều không ký tên thật mà thường nhân danh tập thể, nói lên ý nguyện tình cảm của tù nhân như: Tù chính trị ở Buôn Ma Thuột, Dân nguyện, Thương tâm, Mục tiêu hoặc viết tắt: QB, BCH...
Tung hoành nơi trường văn, trận bút
Do hầu hết các bài báo Phan Đăng Lưu gửi từ trong tù ra đã bị kiểm duyệt bỏ nên công luận lúc đó ít biết đến ông với vai trò một nhà báo cách mạng. Tài năng và tiếng tăm của ông chỉ thực sự nổi bật trong thời kỳ Vận động dân chủ (1936 - 1939). Ngay từ khi nhận nhiệm vụ phụ trách bộ phận đấu tranh công khai với địch, Phan Đăng Lưu đã nhận thức rất rõ vai trò to lớn của báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Để qui báo chí về một mối Phan Đăng Lưu đã cùng với các đồng chí lập kế hoạch triệu tập Hội nghị báo giới Trung kỳ, trên cơ sở này thành lập Mặt trận báo chí dân chủ. Sau khi có giấy phép của Khâm sứ Trung kỳ, Hội nghị đã được tiến hành vào ngày 27.3.1937 tại Đồng pháp lữ quán với sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí và đại diện các tầng lớp nhân dân miền Trung. Trên cơ sở nghị quyết của Hội nghị Phan Đăng Lưu đã viết hàng loạt bài đấu tranh đòi tự do báo chí trên các tờ báo do ông phụ trách như: Sông Hương tục bản, Dân, Dân tiến. Trong đó, những bài viết trên Sông Hương tục bản là đáng chú ý nhất. Sông Hương vốn là tờ báo do Phan Khôi làm chủ số 1 ra ngày 1.8.1936. Do những khó khăn về tài chính tờ báo có nguy cơ phải đóng cửa. Để khỏi vướng vào những thủ tục rườm rà khi xin giấy phép Đảng chủ trương mua lại tờ báo này giao cho Phan Đăng Lưu phụ trách. Trên danh nghĩa vẫn phải để tên “sáng lập viên Phan Khôi”, nhưng mọi điều hành công việc toà soạn đều nằm trong tay những người cộng sản. Biết đây là tờ báo cách mạng chính quyền nhiều lần tìm cách gây khó dễ. Nhân việc Lê Thanh Cảnh chủ nhiệm báo Tràng An kiện Nguyễn Cửu Thạnh (chủ nhiệm Sông Hương tục bản) ra toà về tội “huỷ báng” Khâm sứ Trung kỳ đã cấm Sông Hương tục bản không được đề cập đến các vấn đề chính trị. Sau khi phải tạm ngừng 28 ngày, Sông Hương ra trở lại và đã có bài “Báo Sông Hương thay đổi đề tài” nói rõ chính kiến của mình: “Vậy từ nay báo Sông Hương không thể vượt ra ngoài vòng của ông chủ nhiệm trước (Phan Khôi - TG) đã vạch cho nó. Song dù có thay đổi thể tài mặc lòng báo Sông Hương thuỷ chung vẫn đứng về mặt đại chúng (số đông người).
Báo Sông Hương sẽ luôn luôn chống chọi với những tư tưởng già cỗi, hủ lậu, bảo thủ. Hơn nữa báo Sông Hương sẽ cống hiến cho bạn đọc những tư tưởng mạnh bạo, mới mẻ, thích hợp với trào lưu thế giới ngày nay” (Sông Hương tục bản số 7 ngày 19.8.1937). Quan điểm trên của Sông Hương cũng chính là quan điểm của Phan Đăng Lưu. Và ông đã nhiều lần tố cáo nhà cầm quyền xúi giục những cá nhân, tổ chức tìm cách cản trở không để Sông Hương đến với bạn đọc: “... Quan phụ mẫu nào đó làm khó dễ cho người bán báo Sông Hương!
Ông Hương Kiểm nào đó đã lạm quyền giữ báo Sông Hương lại không chịu giao cho chủ nó!
Thầy đội trạm nào đó cứ quen giữ báo Sông Hương lại cho bà đội đọc rồi chiếm luôn đi nốt, hoặc giữ lại hàng tháng rồi mới giao lại cho người mua...Nếu trong hạn 10 ngày, nghĩa là trong khoảng 240 giờ đồng hồ mà còn thấy chứng nào tật ấy chúng tôi sẽ đem chiếu điện tuốt thuột luột” - Sông Hương tục bản số 11 ngày 23.9.1937.
Không dừng lại ở việc tố cáo những gì nhà cầm quyền đối xử với Sông Hương tục bản, Phan Đăng Lưu còn nhiều lần nói về thực trạng báo chí Việt Nam, một nền báo chí nô lệ: “Nghiệp báo chí ở xứ mình nó long đong làm sao chớ? Cái tờ báo mình yêu đương đùm bọc ở trong tay mà sự sống chết của nó chỉ trong nháy mắt của một chữ ký, chưa kể chủ nhiệm vì nó mà phải đi hầu toà. Chưa kể chủ bút vì nó mà phải đi ở tù. Chưa kể độc giả, vì nó mà phải bị mất nhà, bị đòi hỏi, bị án tiết...” Rồi cũng qua việc phơi bày này Phan Đăng Lưu đã bộc lộ khí chất của mình: “Cho biết xưa nay người ta có thể chém đầu một chiến sĩ, cầm tù một người cách mạng, chớ lịch sử chưa bao giờ cho chúng ta thấy người ta có thể ràng trói, xích xiềng một cái tư tưởng”. Xuất phát từ những dòng tâm huyết này, ông đã nói rõ trách nhiệm, bổn phận của một nhà báo cách mạng: “Còn sống một ngày nó vẫn nguyện làm cho hết cái phận sự của nó, dẫu còn một hơi thở, dẫu còn một giọt nước ...
... Một ngày hãy gắng lấy một ngày, một số cho tròn một số, dẫu đến cái giờ phút cuối cùng có bị giật cán bút đi cũng có thể nói mình hỏi mình mà không thẹn với lương tâm...” - Sông Hương tục bản số 12 ngày 30.9.1937.
Với gần một vạn bản mỗi kỳ, Sông Hương tục bản là một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất khu vực miền Trung lúc đó, được các tầng lớp nhân dân hết sức yêu quý, ủng hộ. Đây là cái gai cần phải nhổ trong con mắt nhà cầm quyền. Ngày 11.10.1937, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thu hồi giấy phép chấm dứt 4 tháng tồn tại oanh liệt của tờ báo này. Vì có tên trong sổ đen của mật thám và đã từng can án nên Phan Đăng Lưu không thể đứng tên xin phép ra tờ báo khác. Ông đã bàn với các nghị viên yêu nước Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các làm đơn ra báo Dân. Xứ uỷ Trung kỳ mà ở đây trực tiếp là Phan Đăng Lưu đứng đằng sau điều hành mọi hoạt động của tờ báo này. Không dừng lại ở việc lên án mặt trái xã hội như Sông Hương tục bản, báo Dân lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi chính quyền phải tiến hành những cải cách, phải tôn trọng các quyền tự do của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, vì những bó buộc xã hội mà những nội dung đấu tranh của Phan Đăng Lưu vẫn chưa vượt lên hẳn những quy định của pháp luật đương thời: “Vì thế cho nên cái luận điệu cho dân tự do ngôn luận tức là để cho họ phá rối cuộc trị an là một luận điểm sai lầm vô cùng.
Trái lại, cho dân chúng được tự do ăn nói trong lúc này, tất là để cho dân thổ lộ hết thảy bao nhiêu sự uất ức nó dồn dập ở trong lòng, là để cho dân bớt hoài nghi, bớt oán thán. Chính phủ có hiểu rõ lòng dân thì sự cai trị mới dễ dàng hơn...” - Báo Dân số 6 ngày 12.8.1938.
Biết báo Dân là của những người cộng sản, chính quyền thực dân tiếp tục tìm cách đóng cửa. Sau khi tờ báo này bị thu hồi giấy phép về tội đăng tin thất thiệt, kích động và làm rối loạn nhân tâm, Phan Đăng Lưu lại cùng các đồng chí Lưu Quý Kỳ, Huỳnh Văn Thanh ra tờ Dân tiến, sau nữa là Dân muốn. Để tránh sự xoi mói của nhà cầm quyền, Phan Đăng Lưu chủ trương chỉ tập hợp bài vở, biên tập và làm ma-két ở Huế, còn khâu in thì mang vào Sài Gòn vì ở trong đó chế độ kiểm duyệt có phần lơi lỏng hơn. Cách làm này đã vấp phải những khó khăn không lường trước được nên hai tờ báo này chỉ ra được ít số thì ngừng.
Ngoài việc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, những tờ báo do Phan Đăng Lưu chỉ đạo thời kỳ vận động dân chủ còn đề cập đến các lĩnh vực như đòi cải cách chế độ thuế khoá, lên án các tệ nạn xã hội, phơi bày mối mâu thuẫn ngày càng lớn của thế giới tư bản, phê phán quan điểm của Trốt-kít... Trong đó nội dung có tính bao trùm nhất là những vấn đề xoay quanh cuộc đấu tranh nghị trường.
Như chúng ta đã biết vào những năm 1935 - 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm cải thiện môi trường chính trị ở chính quốc và các thuộc địa. Đây là cơ hội để Đảng Cộng sản Đông Dương xuất đầu lộ diện, nói lên tiếng nói của mình. Tuy chưa có địa vị hợp pháp nhưng Đảng ta đã khéo léo đưa người ra tranh cử vào các cơ quan lập pháp. Tại khu vực Trung kỳ, việc đấu tranh đưa người vào Viện dân biểu diễn ra rầm rộ nhất. Và Phan Đăng Lưu chính là người chỉ đạo cao nhất của phong trào này. Nhờ những bài viết mạnh mẽ, thấu tình đạt lý của ông mà 18 ứng viên cộng sản, nhân sĩ tiến bộ, yêu nước đã trúng cử vào Dân viện, trong đó có nhà cách mạng lỗi lạc Phan Thanh (tức Nguyễn Thế Rục). Khi viết báo, Phan Đăng Lưu đã sử dụng vô cùng linh hoạt các thể loại xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Những bài mang tính chất tố cáo thủ đoạn của nhà cầm quyền, của bọn trưởng giả bán nước cầu vinh chiếm số lượng nhiều nhất. Trong bài “Cuộc tổng tuyển cử Dân viện Trung kỳ” ông viết: “Cũng như một số ông nghị nữa, chỉ hơn người ta được cái nhiều tuổi. Mục đích vào viện để nay mai được cái phẩm hàm, để về làng ăn trên ngồi trốc, vì vậy nên đến ngày hội thì nom thật là thảm. Đi đến cửa quan miệng thì dạ dạ, bẩm bẩm, tay gãi đầu gãi cổ, chân thì đi thụt lùi. Người như thế vào thời bây giờ, bảo ai mà kính trọng được”. Tác giả đã đưa ra hình ảnh vị dân biểu xứng đáng với sự tin cậy của cử tri: “... Người làm dân biểu phải đủ tài trí, đủ can đảm mới đối phó được với chính phủ một cách xứng đáng mà bênh vực quyền lợi cho dân. Nếu làm dân biểu mà nhất nhất nghe theo chính phủ thì không những không ích lợi cho dân, mà đối với chính phủ cũng là người vô dụng nữa...” (Sông Hương tục bản số 3 - 4 ra vào các ngày 3 và 10 tháng 7.1937). Phan Đăng Lưu cực lực lên án bọn Nghị gật, Nghị hòn, Nghị giả đã bày ra vô vàn mưu ma chước quỷ để có được một chân trong Dân viện như dùng tiền, dùng rượu thịt, gái đẹp, dùng những lời hứa chót lưỡi đầu môi hoặc dựa vào thế lực của chính quyền để có được những lá phiếu nhơ bẩn. Bên cạnh đó, ông còn lên án chính quyền lợi dụng sự kém hiểu biết của dân chúng, cấu kết với tầng lớp quan lại, địa chủ bày ra những trò gian lận trong bầu cử. Ông viết: “Chúng tôi không thấy tỉnh lỵ nào chịu yết thị những bản số cử tri mới bao giờ. Số cử tri không làm lại cho phân minh, không cho cử uỷ viên ở hương thôn, không trước thêm người có văn bằng, như thế thì lấy đâu mà yết thị ở tỉnh lỵ trước ngày 5.12? Mà ví dẫu có yết thị thì số cử tri mới mà cứ để lý hào, ty thuộc tự tiện biên chép vào, thời sự yết thị ấy cũng chẳng có giá trị gì.
Việc tuyển cử là việc trọng đại của một nước. Dân suốt năm suốt đời nạp thuế làm dân cực khổ trăm chiều. Chờ vời vợi bốn năm qua mới có một chính quyền đi đầu phiếu đề cử người đại biểu của mình. Cái quyền ấy đã định trong Chỉ Dụ, một bọn thừa hành đã kiếm cách mà rút đi của dân”. Rồi Phan Đăng Lưu nhận định: “Việc bầu cử người ta đã làm sai. Rồi đây đến việc ứng cử, không khéo người ta cũng làm sai nữa. Cái sự làm sai do nhiều khi không phải sự trễ nải mà chính là một cái dụng tâm” - Sông Hương tục bản số 1 - 2 ra vào các ngày 19 và 26.6.1937.
Bên cạnh việc vạch mặt chỉ tên những việc làm sai trái của chính quyền của bọn sâu mọt hại dân bán nước, Phan Đăng Lưu đã đưa ra những tiêu chuẩn của người đại diện cho dân chúng. Ông đã đấu tranh quyết liệt với những kẻ định gạt những người cộng sản ra khỏi danh sách ứng cử: “Trong lúc này không nên phê bình ai là quốc gia, ai là cộng sản, ai là lão thành, ai là thanh niên, ai là cấp tiến, ai là hoà bình, ai là tư bản, ai là vô sản không cần phân biệt làm gì. Trong lúc này chúng ta chỉ cần biết ai là người trong sạch, ai là người thiệt lòng yêu nước, thương dân, ai là người muốn làm việc cho dân, cho nước, thời những hạng ấy ta sẽ bầu họ vào nghị trường” (Sông Hương tục bản số 4 ra ngày 10.7.1937). Không chỉ có vậy, ông còn vạch ra chương trình hành động cho những dân biểu tiến bộ như đòi mở rộng quyền hạn cho viện dân biểu, cử ra một chính phủ có trách nhiệm xây dựng chế độ phổ thông đầu phiếu, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, sửa đổi chế độ thuế thân, giảm thuế điền thổ, bãi bỏ độc quyền rượu, muối, thuốc phiện, thuốc lá, bài trừ nạn thất học, mở mang cứu tế, thi hành luật lao động... Chương trình hành động này của Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri. Kết quả là trong lần đấu tranh này những người cộng sản đã giành được số phiếu áp đảo. Đây là thắng lợi vô cùng quan trọng của Đảng ta trên mặt trận đấu tranh công khai với địch.
Cho đến nay, nhiều nhà báo lão thành cách mạng nước ta vẫn nhắc đến Phan Đăng Lưu với vai trò một cây bút điển hình của các thể loại Xã luận, Bình luận quốc tế, Tiểu phẩm. Nếu như ở Bình luận tác giả chủ yếu bàn về các vấn đề nổi cộm diễn ra trên thế giới thì ở Xã luận và Tiểu phẩm ông lại đề cập đến những vụ việc có tính thời sự đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước, đặc biệt là của người dân miền Trung. Mặc dù đều mang tính chiến đấu rất cao nhưng mỗi thể loại ông đều cố gắng xây dựng phương thức thể hiện độc đáo, mang đậm dấu ấn phong cách tác giả. Trong số này, Tiểu phẩm mang tính hiện đại hơn cả. Trong lịch sử làng báo nước ta, có những người một mình phải gánh vác mọi công việc của một toà soạn (từ khâu viết bài, xếp trang, trình bày, in ấn, phát hành, thủ quỹ) như Nguyễn ái Quốc với Người cùng khổ, Nguyễn An Ninh với Chuông rè. Họ cùng lúc phải viết nhiều bài ở những thể loại khác nhau trong khi vẫn phải tôn trọng tính định kỳ của tờ báo. Phan Đăng Lưu cũng vậy. Có điểm đặc biệt là, ngay trong một số báo ông phải viết nhiều tiểu phẩm cho các mục khác nhau như “Câu chuyện hàng tuần”, “Góp nhặt chuyện tầm phào”, “Cà kê dê ngỗng”, “Lối thơ vô chánh phủ”... Đó là chưa kể những tiểu phẩm viết thêm chỉ có tiêu đề (tít) mà không đặt ở mục nào. Mỗi tiểu phẩm này lại có những hình thức khác nhau bởi chúng hướng tới nhiều loại đối tượng. Dung lượng của chúng cũng không đồng đều, khi là văn xuôi, lúc là văn vần, hết sức linh hoạt, uyển chuyển. Đây là việc làm khó, không phải ai cũng làm được, kể cả những nhà báo giàu kinh nghiệm. Phan Đăng Lưu hoàn toàn xứng đáng là một trong những bậc thầy về tiểu phẩm báo chí cách mạng Việt Nam.
*Chỉ với 2 năm hoạt động báo chí công khai (1937 - 1938), Phan Đăng Lưu đã để lại cho chúng ta một di sản khá đồ sộ, đó là chưa kể những bài báo trong tù và mấy cuốn sách dịch rất có giá trị. Tiếc là kẻ thù đã sớm cướp đi của chúng ta một nhà báo, một nhà chính trị, một nhà cộng sản trí thức lỗi lạc. Ông ra đi nhưng những bài học ông để lại sẽ sống mãi. Các thế hệ nhà báo Việt Nam nguyện tiếp bước ông đấu tranh không mệt mỏi vì sự tồn vong của cách mạng, nhằm vươn tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
__________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005
* Thư viết bằng tiếng Pháp của Phan Đăng Lưu gửi cho con trai từ khám tử tù. Bản dịch của Nguyễn Thành. Nhiều tư liệu trong bài viết này chúng tôi đã lấy từ cuốn Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, 1998 của tác giả Nguyễn Thành.
TS Hoàng Văn Quang
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận