Phê phán quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một sự đột phá trong tư duy về xây dựng nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn mới, khó khăn, phức tạp thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Nó là kết quả của quá trình tìm tòi, thử nghiệm, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một quá trình nhận thức từ thấp đến cao, từ chưa hoàn chỉnh đến ngày càng hoàn chỉnh, đầy đủ hơn.
Thành tựu của những năm đổi mới cho thấy, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng được nhận thức đầy đủ, hoàn thiện hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định đây là: “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(1). Nhờ vậy, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành nước có thu nhập trung bình; chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao tiềm lực, vị thế cho đất nước.
Trước những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có việc phủ nhận thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng. Các quan điểm này thường đem đối lập giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, cho rằng những gì của chủ nghĩa tư bản thì chủ nghĩa xã hội không thể sử dụng được, là trái quy luật… Những luận điểm đó ít nhiều đã làm cho một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta mất phương hướng, hoài nghi. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải đưa ra những luận cứ khoa học vững chắc để bác bỏ, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch đó.
Một là, phê phán quan điểm cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước khi các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành đổi mới, cải cách, nền kinh tế ở các nước này sử dụng phổ biến theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp. Do đó, không chỉ các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị mà ngay cả một số cán bộ, đảng viên cũng đồng nhất nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp với chủ nghĩa xã hội; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản. Thực chất, kinh tế thị trường không phải là chế độ kinh tế - xã hội. Kinh tế thị trường chỉ là một hình thức, phương pháp vận hành của nền kinh tế. Ở đó, việc phân bổ tài nguyên, quyết định việc sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai là do các quy luật của thị trường chi phối như các quy luật cung - cầu, giá trị - giá cả… Các yếu tố của sản xuất được đem mua bán trên thị trường.
Dễ nhận thấy, đây là sự phát triển của trình độ cao của sản xuất hàng hóa. Đầu tiên, loài người sản xuất trong nền kinh tế tự cung, tự cấp. Sau đó, khi có hàng hóa dư thừa nhất là khi tiền tệ ra đời người ta đem trao đổi hàng hóa dư thừa đó lấy các hàng hóa mà mình cần. Sự hiệu quả của việc chuyên sản xuất hàng hóa mà mình có ưu thế về kỹ thuật, nguyên liệu, sản xuất với số lượng lớn… dẫn đến chuyển dần từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa. Như vậy, kinh tế thị trường chẳng qua là sự phát triển đến trình độ cao của kinh tế hàng hóa - một sản phẩm của lịch sử nhân loại; nó không phải là sản phẩm riêng có, càng không phải là của chủ nghĩa tư bản.
Do đó, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhất là trong thời kỳ quá độ càng cần phải sử dụng kinh tế thị trường; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lúc sinh thời, V.I.Lênin đã nhấn mạnh chính quyền của giai cấp công nhân cần phải tiếp thu những cái hay, cái tốt của nhân loại (dù là của chủ nghĩa tư bản) để xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Hãy dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tơ rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ, v.v.. = chủ nghĩa xã hội”(2).
Ở Việt Nam, thời kỳ trước đổi mới, nền kinh tế ở nước ta rập khuôn máy móc theo mô hình tập trung, quan liêu bao cấp của các nước xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô. Trong nền kinh tế này, nhà nước phân bổ nguồn lực theo quy hoạch và kế hoạch. Chính vì vậy, dẫn đến sự khủng hoảng và trì trệ trong nền kinh tế. Khi Đảng ta nhận thấy những bất cập trong mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, với tinh thần đổi mới và sự đột phá về tư duy lý luận, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã chuyển sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, đã từng bước nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt, sự thừa nhận tồn tại khách quan của các hình thức sở hữu khác nhau ngoài hình thức sở hữu nhà nước và tập thể, của sản xuất hàng hóa và thị trường. Trong Văn kiện Đại hội VII đã chỉ ra một thành tựu về đổi mới kinh tế là “bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”(3). Đại hội VIII của Đảng (tháng 6.1996) đã đưa ra một nhận thức mới rất quan trọng: “Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng”(4).
Đến Đại hội IX của Đảng (tháng 4.2001) mới chính thức đưa ra khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”: là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại hội XIII khẳng định “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là, nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(5).
Như vậy, kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại trong quá trình phát triển của mình và sử dụng nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan. Trong thực tiễn, bất cứ một nhà nước nào trong quá trình quản lý nền kinh tế của mình luôn phải giải bài toán giữa việc để cho nền kinh tế vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để điều hành, ổn định, định hướng phát triển của nền kinh tế.
Định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây chính là đảm bảo các mục tiêu phục vụ cho dân chủ, công bằng, bình đẳng, phát triển con người chứ không phải vì lợi nhuận mọi giá. Kinh tế thị trường sẽ làm cho việc phân bổ các nguồn lực của xã hội được tối ưu, huy động được mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là khắc phục những mặt trái, khuyết tật của kinh tế thị trường đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân nhằm đạt được những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau để hướng tới những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nó không phải là cái gì khiên cưỡng, gán ghép như các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị vẫn xuyên tạc.
Hai là, phê phán quan điểm cho rằng, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ làm triệt tiêu cạnh tranh, không còn tự do cạnh tranh.
Đảng và Nhà nước ta khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường. Quy luật cạnh tranh là một trong những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường, do đó, không thể có nền kinh tế thị trường nếu thiếu quy luật cạnh tranh. Cạnh tranh giúp các doanh nghiệp luôn phải tối ưu hóa sản xuất của mình, làm sao cho chi phí sản xuất ở mức tối thiểu để đạt được mức lợi nhuận tối đa. Nếu không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ bị phá sản, do đó nó luôn phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh, luôn phải cải tiến sản xuất, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào trong sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề của lao động, thay đổi máy móc, thiết bị…
Đây là quy luật tất yếu, khách quan, trong Nghị quyết số 11-NQ-TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Kết quả của cạnh tranh làm cho nguồn lực của xã hội được sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất; do đó, không thể không tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cho nên nói rằng, không có tự do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật.
Việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những thành tựu to lớn, thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội. Trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề cả về cơ sở vật chất, con người, môi trường sinh thái. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta phát triển liên tục với tốc độ trung bình tương đối cao vào khoảng 7% năm trong suốt 36 năm qua. Quy mô GDP không ngừng tăng lên, năm 2021 đạt 362,6 tỉ USD (theo WorldBank), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân tăng hơn 17 lần, lên mức 3.694,02 USD/người; Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bước ra khỏi chiến tranh, lương thực bị thiếu triền miên, đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều(6). Đến năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Ba là, phê phán quan điểm cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chú trọng đến kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mà hạn chế, loại bỏ kinh tế tư nhân.
Về bản chất, nền kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gồm nhiều thành phần kinh tế và được quy định bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong thời kỳ này, lực lượng sản xuất còn nhiều trình độ khác nhau, do đó cũng phải có nhiều hình thức sở hữu tương ứng. Mỗi một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế tương ứng. Việt Nam với xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện khó khăn, do đó, việc phải huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào sản xuất là tất yếu. Cũng như không thể dùng các biện pháp hành chính, phi kinh tế như trước đây để loại bỏ thành phần kinh tế tư nhân ra khỏi nền kinh tế quốc dân.
Sự tồn tại của sở hữu tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cũng là một tất yếu khách quan. Sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ dẫn tới việc xác định các quan hệ sở hữu mới. Ph.Ăngghen trong Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản đã viết khi trả lời câu hỏi: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”(7).
Như vậy, việc xây dựng nền kinh tế công hữu phải dựa trên một lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ cao, yêu cầu phải có quan hệ sản xuất tương ứng. Do đó, sự tồn tại thành phần kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp, bao gồm nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại trong một thể thống nhất, trong đó, chế độ công hữu ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Không thể có nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu trong nó, chế độ công hữu không đóng vai trò nền tảng.
Đây là một cấu trúc đặc thù của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không có nghĩa là “hạn chế”, hay “loại bỏ” thành phần kinh tế tư nhân. Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, Đảng ta xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.
Đến Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”(8). Vì vậy, quan điểm cho rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ chú trọng đến kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mà hạn chế, loại bỏ kinh tế tư nhân là quan điểm sai lầm, phiến diện.
Bốn là, phê phán quan điểm cho rằng, trong nền kinh tế nói chung, không có thành phần kinh tế nào giữ vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế đều như nhau.
Nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản đề cao vai trò của chế độ sở hữu tư nhân, tự do cạnh tranh, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế được hạn chế ở mức thấp, nền kinh tế được vận hành trên cơ sở của “bàn tay vô hình”. Trong mô hình kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản thì chức năng chính của nhà nước là bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và các quyền tự do cá nhân, bảo đảm sự ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường vận hành một cách tốt nhất. Còn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các đặc trưng đa dạng hóa các hình thức sở hữu, trong đó hình thức công hữu làm chủ thể cùng phát triển với các hình thức sở hữu khác; hình thức cơ bản của chế độ công hữu là chế độ cổ phần. Nhà nước kiểm soát vĩ mô, chức năng quản lý kinh tế của chính phủ chủ yếu nhằm tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển.
Trong một nền kinh tế gồm nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế đều có vị trí, vai trò khác nhau. Các mô hình kinh tế thị trường khác nhau thì các thành phần kinh tế cũng có vai trò khác nhau. Kinh tế thị trường có nhiều ưu điểm như huy động được các nguồn lực trong xã hội, phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất… Tuy nhiên, nó cũng có không ít những “hạn chế”, “khuyết tật”, “mặt trái” như khủng hoảng, đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội…
Để khắc phục những vấn đề này, cần có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước với vai trò quản lý kinh tế vĩ mô, đồng thời tác động vào nền kinh tế thông qua thành phần kinh tế nhà nước. Sự nắm giữ của kinh tế nhà nước ở những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế, liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này nhằm đảm bảo cho nền kinh tế thị trường hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu không, nó sẽ tự phát đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nó thể hiện sự khác biệt về bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa so với các mô hình kinh tế thị trường khác. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được thể hiện trước hết và chủ yếu ở sức mạnh định hướng, hỗ trợ phát triển và điều tiết nền kinh tế chứ không phải ở quy mô và sự hiện diện của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở tất cả hoặc hầu hết các ngành, các lĩnh vực.
Thực tiễn ở các nước, ngay cả những nước theo đuổi thị trường tự do một cách cao nhất như Mỹ thì dấu ấn can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế cũng rõ nét, như việc đầu tư công vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hay khủng hoảng kinh tế năm 2008 cho thấy sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế. Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(9).
Kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Do đó, muốn có được định hướng xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, cần thiết phải làm cho kinh tế nhà nước ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Như vậy có thể khẳng định, việc thực hiện chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt, sâu sắc và tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội ở Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, qua 35 năm tiến hành đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu đổi mới của Việt Nam đã cho thấy, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết rất tốt những vấn đề xã hội hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, sáng tạo, kiên định, nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là minh chứng sinh động bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam./.
________________________________________________
(1), (6) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25, 31 - 32.
(2) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.36, tr.684.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.51, tr.59.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.97.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.I, tr.128.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, T.4, tr.469.
(8) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, số 10-NQ/TW.
(9) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2014, Hà Nội, Điều 51, Khoản 1, tr.25.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 02/2023
Bài liên quan
- Không thờ ơ trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá trước thềm đại hội đảng các cấp
- Đấu tranh phản bác luận điệu lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa” kích động “ly khai, tự trị” dân tộc
- Tính tất yếu khách quan và mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng trong bối cảnh mới
- Giải pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở Việt Nam trong tình hình mới
- Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Tham gia xây dựng Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời là sứ mệnh, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tổ chức Đoàn. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác tham gia xây dựng Đảng. Bài viết này sẽ phân tích những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong công tác xây dựng Đảng.
Không thờ ơ trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá trước thềm đại hội đảng các cấp
Không thờ ơ trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá trước thềm đại hội đảng các cấp
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các thế lực thù địch, phản động lại ráo riết đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng. Các đối tượng tập trung nhiều vào lĩnh vực tư tưởng, chính trị, công tác cán bộ và hoạt động đối ngoại quốc phòng với ý đồ gây nhiễu loạn về tư tưởng xã hội, ly tán lòng dân với Đảng.
Đấu tranh phản bác luận điệu lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa” kích động “ly khai, tự trị” dân tộc
Đấu tranh phản bác luận điệu lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa” kích động “ly khai, tự trị” dân tộc
Thời gian qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “quyền của người bản địa”(1) bằng nhiều luận điệu để tuyên truyền kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đòi quyền “tự trị”, hướng đến “ly khai” (?!). Những luận điệu tinh vi và nguy hiểm này cần được nhận diện rõ nhằm kiên quyết đấu tranh phản bác, góp phần bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tính tất yếu khách quan và mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng trong bối cảnh mới
Tính tất yếu khách quan và mối quan hệ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng trong bối cảnh mới
Xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch và bảo vệ để Đảng luôn vững mạnh là một nhiệm vụ rất quan trọng, là tất yếu khách quan trong bối cảnh mới. Xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng là các hoạt động có mối quan hệ mật thiết với nhau, đan xen vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và làm tiền đề cho nhau. Nội bộ Đảng được xây dựng vững chắc, đoàn kết thống nhất, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đội ngũ đảng viên trong sạch, thì không một thế lực nào có thể chống phá được. Thực hiện tốt việc bảo vệ Đảng sẽ giúp việc xây dựng Đảng được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, có chất lượng cao. Qua đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phê phán các nhận thức lệch lạc, các việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, Đảng nhận thấy đầy đủ, cụ thể hơn những chủ trương cần hoàn thiện, những nhiệm vụ cần thực hiện, những trọng tâm cần tập trung giải quyết, những vướng mắc cần được khắc phục, những phương thức thực hiện cần đổi mới, cải tiến trong công tác xây dựng Đảng.
Giải pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở Việt Nam trong tình hình mới
Giải pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở Việt Nam trong tình hình mới
Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong tiến trình đó, các thế lực thù địch, phản động trong nước và quốc tế ngày càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với cấp độ ngày càng gay gắt, quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt, hòng gây hỗn loạn, nhằm mục đích xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, chúng tìm đủ mọi cách, mọi phương thức nhằm truyền bá các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Chúng bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ hình ảnh đội ngũ lãnh đạo Việt Nam với mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Do vậy, chúng ta luôn phải tỉnh táo, nhận diện đúng nhằm vạch trần bản chất và có biện pháp phòng chống hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn đó.
Bình luận