Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay

1. Một số khái niệm liên quan
Về Truyền thông - một hiện tượng xã hội không thể tách rời khỏi sự phát triển của nhân loại, đã hiện hữu từ những ngày đầu con người giao tiếp với nhau và tiếp tục tiến hóa song hành cùng xã hội. Nó đóng vai trò then chốt trong việc hình thành và nuôi dưỡng nhận thức, tư duy, cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân, góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Chính vì tầm quan trọng này, truyền thông được nhìn nhận và định nghĩa dưới nhiều góc độ khác nhau, tạo nên sự đa dạng trong quan niệm và định nghĩa về nó.
Nguồn gốc từ vựng: Từ "truyền thông" bắt nguồn từ tiếng Latinh "communicare", có nghĩa là biến nó thành thông thường (hay thực tế) chia sẻ, truyền tải thành cái chung.
Phương thức của nó cũng rất đa dạng: Truyền thông có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm: Ngôn ngữ nói (Giao tiếp trực tiếp, thuyết trình, hội thảo...); ngôn ngữ viết (sách, báo, tạp chí, thư từ, ...); hình ảnh: (tranh vẽ, ảnh chụp, biểu đồ, ...); âm thanh: (âm nhạc, radio, podcast, ...); video: (phim ảnh, truyền hình, video trực tuyến, ...); kỹ thuật số (mạng xã hội, email, tin nhắn, ...); phi ngôn ngữ: cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, ...
Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Dững: “Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm… chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người với nhau để gia tăng hiểu biết lẫn nhau và hiểu biết về môi trường xung quanh, nhằm thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm hoặc của cộng đồng xã hội nói chung, bảo đảm sự phát triển bền vững”(1). Theo quan niệm này, quá trình truyền thông có thể làm gia tăng tính độc quyền hoặc phá vỡ tính độc quyền. Ngoài ra, có thể dẫn ra các định nghĩa, quan niệm khác nhau và đều có những khía cạnh hợp lý riêng:
Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin, là hình thức tương tác xã hội trong đó có ít nhất hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung: Là những hoạt động truyền đạt hay lan truyền thông tin; là hình thức truyền đạt, trao đổi thông tin giữa người với người. Người muốn truyền đạt thông tin sẽ áp dụng cách thích hợp để nhắm đến đối tượng cụ thể tiếp nhận thông tin.
Có thể thấy rằng, các định nghĩa, quan niệm khác nhau trên vẫn có những điểm chung cơ bản: Truyền là truyền đạt. Thông là thông tin. Truyền thông được hiểu một cách đơn giản chính là quá trình truyền đạt thông tin nhằm tác động đến suy nghĩ, tư tưởng của đối tượng muốn hướng đến.
Từ các quan niệm và định nghĩa đa dạng về truyền thông, tác giả đã đúc kết thành khái niệm tổng quát như sau:
“Truyền thông là một quá trình tương tác liên tục, trong đó thông tin, ý tưởng, cảm xúc và kiến thức được chia sẻ và trao đổi giữa các cá nhân hoặc nhóm, nhằm mục đích gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tác động đến nhận thức, tư duy, và cuối cùng là điều chỉnh hành vi và thái độ để phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, tổ chức và xã hội”.
Về Quản lý - có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau tùy theo từng môn khoa học hay cách tiếp cận của mỗi người nghiên cứu. Theo các nhà nghiên cứu, thuật ngữ "quản lý" đã có từ cách đây hơn 2.500 năm, nhưng cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vấn đề quản lý theo khoa học mới xuất hiện. Tác giả Frederick W.Taylor đưa ra định nghĩa "quản lý" trong cuốn "Những nguyên tắc khoa học quản lý" như sau: "quản lý là nghệ thuật biết rõ ràng, chính xác cái gì cần làm và làm cái gì đó thế nào bằng phương pháp tốt nhất và rẻ tiền nhất. Quản lý các hoạt động được thực hiện nhằm bảo vệ sự hoàn thành công việc qua những nỗ lực của người khác”(2).
Một số khái niệm quản lý trong tư tưởng Phương Đông và một số tác giả Việt Nam như sau:
Ở Phương Đông: Quản lý là từ Hán - Việt, được hiểu là quá trình "quản" gồm sự coi sóc, giữ gìn, duy trì hệ thống ở trạng thái “ổn định”, quá trình “lý” gồm việc sửa sang, sắp xếp, đổi mới để hệ thống có thể phát triển. Nếu “quản” quá chỉ lo việc “lý”, tức là chỉ lo thích ứng, sẽ phát triển không bền vững. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến việc “lý”, tức là chỉ lo sắp xếp, tổ chức, đổi mới mà không đặt nền tảng của sự ổn định thì hệ thống sẽ hỗn loạn. Sự quản lý làm cho hoạt động của hệ thống luôn ở trạng thái cân bằng.
Một số tác giả Việt Nam, theo tác giả Đặng Bá Lãm: “Quản lý là hoạt động có ý thức của con người nhằm phối hợp hành động của một nhóm người hay một tổ chức nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu nhất định”(3). Hai tác giả Nguyễn Quốc Trí và Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng: “Quản lý là quá trình kế hoạch hóa, tổ chức, chỉ đạo (lãnh đạo) và kiểm tra; quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra”(4).
Đối với quản lý Nhà nước về báo chí, theo Điều 6, Luật Báo chí năm 2016, quản lý Nhà nước về báo chí bao gồm: 1- Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí. 2- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí; xây dựng chế độ, chính sách về báo chí. 3- Tổ chức thông tin cho báo chí; quản lý thông tin của báo chí. 4- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo của các cơ quan báo chí và cán bộ quản lý báo chí. 5- Tổ chức quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực báo chí. 6- Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động báo chí và thẻ nhà báo. 7- Quản lý hợp tác quốc tế về báo chí, quản lý hoạt động của cơ quan báo chí Việt Nam liên quan đến nước ngoài và hoạt động của báo chí nước ngoài tại Việt Nam. 8- Kiểm tra báo chí lưu chiểu, quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí quốc gia. 9- Chỉ đạo, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và công tác khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động báo chí. 10- Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về báo chí(5).
Dựa trên những phân tích và tổng hợp từ các nguồn thông tin đã trình bày, tác giả luận văn đề xuất khái niệm sau đây về quản lý: “Quản lý là quá trình tác động có chủ đích và có tổ chức, bao gồm các hoạt động như hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát, nhằm phối hợp các nguồn lực (con người, vật chất, tài chính, thông tin...) để đạt được mục tiêu đã đề ra một cách hiệu quả và bền vững”.
Về quản lý thông điệp: Có nhiều quan điểm khác nhau về quản lý thông điệp trên báo chí. Theo tác giả Nguyễn Như Bình (2022): “Quản lý thông điệp là hoạt động chỉ đạo, quản lý mang tính chiến lược có tổ chức, hướng đích của chủ thể quản lý về sự kiện, hiện tượng đến đối tượng tiếp nhận nhằm định hướng nhận thức của họ về sự kiện, hiện tượng đó (6). Theo tác giả Nguyễn Thành Đạt (2023): “Quản lý thông điệp là tổng thể các biện pháp tác động có chủ đích, có định hướng của chủ thể quản lý nhằm phân loại, xử lý, phản hồi các bình luận của độc giả, thực hiện công tác bạn đọc của toà soạn báo mạng điện tử một cách hiệu quả nhất”(7).
Như vậy, Quản lý thông điệp có thể được hiểu là quá trình tác động và định hướng sự phát triển của chủ thể truyền thông. Quá trình này sử dụng các chiến lược và chính sách phù hợp với đặc thù của tòa soạn, đồng thời tạo ra, huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực. Mục tiêu cuối cùng là đạt được những thành quả bền vững, liên tục nâng cao chất lượng, nội dung và hiệu quả của thông điệp trên các nền tảng báo chí, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển thương hiệu của tòa soạn.
2. Các yếu tố cấu thành của quản lý thông điệp trên báo chí
Chủ thể quản lý: Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý báo chí truyền thông, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, lãnh đạo các bộ phận trong cơ quan báo chí.
Đối tượng quản lý: Tất cả các yếu tố tham gia vào sản xuất thông điệp trên báo chí, bao gồm sản phẩm báo chí, nội dung, hình thức thông điệp truyền thông (quy chế, hình thức thông tin, đối tượng phục vụ...).
Mục tiêu quản lý: Thông tin, giáo dục, thuyết phục, tổ chức công chúng tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội.
Môi trường quản lý: Tập hợp các điều kiện ảnh hưởng và tác động đến quản lý thông điệp trên báo chí.
Nội dung quản lý: Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông điệp; quản lý nội dung và hình thức thông điệp.
Phương thức quản lý: Chủ thể quản lý linh hoạt kết hợp các phương thức quản lý để đạt mục tiêu. Dựa trên các quan điểm và yếu tố cấu thành đã trình bày, tác giả xin đưa ra khái niệm về quản lý thông điệp trên báo chí như sau: Quản lý thông điệp trên báo chí là quá trình tác động có chủ đích, có tổ chức, mang tính chiến lược của các chủ thể quản lý báo chí, nhằm tạo ra, phát triển, truyền tải và tối ưu hóa các thông điệp trên các nền tảng báo chí, đảm bảo sự nhất quán, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu thông tin, định hướng dư luận, đồng thời xây dựng, phát triển thương hiệu của tòa soạn trong môi trường truyền thông hiện đại.
3. Sơ lược về Báo Xây dựng và vai trò của Báo Xây dựng trong truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị
3.1. Về Báo Xây dựng:
Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1422/QĐ-BXD, cập nhật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Xây dựng, căn cứ theo Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng. Theo quyết định trên, Báo Xây dựng, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng, có chức năng thông tin, tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của ngành Xây dựng. Báo đóng vai trò là kênh thông tin chính thức về các hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Báo Xây dựng bao gồm: (1) Tuân thủ tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ đã được xác định trong giấy phép hoạt động. (2) Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển của báo theo quy định pháp luật, trình Bộ trưởng phê duyệt. Tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình hoạt động của ngành Xây dựng và các sự kiện trong nước, quốc tế liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, lĩnh vực xây dựng nói riêng. (3) Phản ánh đời sống và nguyện vọng của người lao động trong ngành, đồng thời thông tin chính xác về các hoạt động của Bộ, ngành trên toàn quốc. (4) Trao đổi kinh nghiệm, biểu dương điển hình tiên tiến, phê phán tiêu cực, góp phần nâng cao dân trí trong lĩnh vực xây dựng. (5) Định hướng dư luận xã hội, tạo diễn đàn trao đổi ý kiến bạn đọc. (6) Biên tập, xuất bản, phát hành các ấn phẩm báo in, báo điện tử theo quy định. (7) Hợp tác truyền thông trong và ngoài nước theo quy định. (8) Quản lý tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản theo quy định.
Tóm lại, báo Xây dựng là một đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Xây dựng. Báo Xây dựng có chức năng chính là thông tin, tuyên truyền về các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Báo cũng là kênh thông tin chính thức về các hoạt động của Bộ Xây dựng và ngành xây dựng trên toàn quốc.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng là quá trình tác động có chủ đích, có tổ chức và mang tính chiến lược của các chủ thể quản lý báo chí, nhằm tạo ra, phát triển, truyền tải, tối ưu hóa các thông điệp về quy hoạch đô thị trên các ấn phẩm của Báo Xây dựng. Quá trình này đảm bảo sự nhất quán, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu thông tin, định hướng dư luận, đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu của tòa soạn trong môi trường truyền thông hiện đại.
Các thông điệp này bao gồm các nội dung về chủ trương, chính sách, dự án, đánh giá, giải pháp và ý kiến liên quan đến quy hoạch đô thị, được truyền tải qua nhiều hình thức như tin tức, bài viết, bình luận, hình ảnh, video và các sự kiện trực tuyến.
3.2. Vai trò của Báo Xây dựng trong truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị
Để làm rõ vai trò quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên báo Xây dựng hiện nay, tác giả tập trung khảo sát các tác phẩm báo chí trong khoảng thời từ tháng 1 năm 2022 đến tháng 12 năm 2023 trên cả báo Xây dựng ở cả hai loại hình in và điện tử, khu biệt tại chuyên mục “Quy hoạch - kiến trúc”.
Kết quả khảo sát các thông điệp về quy hoạch trên báo cho thấy, năm 2022, có 518/23.390 tác phẩm (Báo điện tử); 192/1.728 tác phẩm (báo in); Năm 2023 là 642/20.422 tác phẩm (Báo điện tử); 200/1.810 tác phẩm (báo in) được đăng trên báo Xây dựng nói chung. Về tần suất, của tác phẩm trong chuyên mục quy hoạch - đô thị trong năm 2022 cả hai loại hình điện tử và in là 59,16 tác phẩm/tháng; năm 2023 là 70,16 tác phẩm/tháng. Từ số liệu khảo sát, có thể thấy số lượng tác phẩm về quy hoạch đô thị trên báo Xây dựng có xu hướng tăng trong năm 2023. Điều này có thể phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn đối với vấn đề quy hoạch đô thị, cũng như hiệu quả trong công tác quản lý và truyền tải thông tin của báo Xây dựng. Theo đó, công tác quản lý tác phẩm báo chí về quản lý đô thị trên báo Xây dựng được thể hiện thông qua các vai trò sau:
Thứ nhất, thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về quy hoạch đô thị đến với công chúng. Với lượng độc giả lớn và uy tín trong lĩnh vực xây dựng, Báo đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Các thông tin trên Báo được cập nhật thường xuyên, bao quát nhiều khía cạnh của quy hoạch đô thị, từ những vấn đề vĩ mô như chiến lược, quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu đến những vấn đề cụ thể như quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng. Báo cũng đã tích cực phản ánh những ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia, nhà quản lý về các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng quy hoạch.
Thứ hai, việc nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên báo Xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững của đất nước. Thông qua việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, báo Xây dựng góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.
Thứ ba, là kênh thông tin quan trọng để phản ánh những vấn đề bức xúc, kiến nghị giải pháp, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch đô thị. Báo đóng vai trò giám sát và phản biện đối với công tác này, giúp đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Thứ tư, thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững bằng cách cung cấp thông tin chính xác, khách quan về quy hoạch đô thị, giúp người dân và các nhà đầu tư có cái nhìn đúng đắn về thị trường bất động sản, tránh những rủi ro và góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.
Thứ năm, tích cực tuyên truyền về các giải pháp đô thị thông minh, đô thị xanh, giúp nâng cao nhận thức về xu hướng phát triển đô thị hiện đại và bền vững, đồng thời kết nối các bên liên quan trong quá trình phát triển đô thị để trao đổi, hợp tác, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
4. Một số giải pháp, khuyến nghị nâng cao chất lượng quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng
Trong bối cảnh phát triển đô thị hóa nhanh chóng và yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị tại Việt Nam, Báo Xây dựng, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, cần không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị. Điều này nhằm đảm bảo thông tin được truyền tải chính xác, kịp thời, hấp dẫn và có sức lan tỏa đến đông đảo công chúng, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững.
Dựa trên những phân tích về thực trạng quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong việc quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thường xuyên tổ chức các buổi học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch đô thị, báo chí và truyền thông. Song song với đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng, pháp luật, kỹ năng viết bài, biên tập, phỏng vấn, và ứng dụng công nghệ thông tin trong báo chí.
Hai là, lãnh đạo cơ quan báo chí cần gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế, đồng thời quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc công tác quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị. Xây dựng quy chế, quy định rõ ràng, ban hành các quy chế, quy định nội bộ về quản lý thông tin, quy trình sản xuất, kiểm duyệt tin, bài, chế độ thông tin, báo cáo, khen thưởng, kỷ luật... việc thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế về quản lý thông điệp truyền thông cũng rất cần thiết, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
Ba là, thực hiện đổi mới toàn diện về nội dung và hình thức thông tin. Cụ thể, cần đa dạng hóa thông tin, bao quát từ các quy hoạch mới, quản lý đô thị đến định hướng phát triển và kinh nghiệm quốc tế. Nâng cao chất lượng thông tin bằng cách đẩy mạnh các bài viết chuyên sâu, phân tích, đánh giá và dự báo về các vấn đề quy hoạch, giới thiệu các mô hình tiên tiến, giải pháp đô thị thông minh, bền vững. Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện, tương tác cao như video, infographic... và thường xuyên, tích cực tăng cường tương tác với độc giả bằng cách xây dựng các diễn đàn trực tuyến, tạo không gian để độc giả trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo những hướng xây dựng hệ thống quản lý thông tin tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch đô thị và phát triển các ứng dụng trên nền tảng số. Phải đảm bảo tính thời sự, cập nhật thông tin về quy hoạch đô thị một cách nhanh chóng, chính xác. Song song đó, thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới như GIS, mô hình 3D, thực tế ảo để minh họa các dự án quy hoạch đô thị, giúp người dân dễ dàng hình dung.
Năm là, thiết lập một cơ chế phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa cơ quan báo chí và các bên trong quá trình sản xuất tin bài, tác phẩm, bao gồm việc tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và các cơ quan ngành dọc để đảm bảo thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác và minh bạch. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tư vấn và tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, xã hội học... nhằm đảm bảo tính khoa học, tính khả thi và hiệu quả của các quy hoạch được thông tin trên báo chí. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp... đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch đô thị. Việc phối hợp hiệu quả giữa các bên sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận cao xã hội, từ đó huy động được tối đa nguồn lực, đảm bảo tính khả thi và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị. Bên cạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách, báo cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường nguồn lực. Cần đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, trang thiết bị hiện đại, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển nền tảng số để Báo Xây dựng có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động, từ thu thập, xử lý thông tin đến sản xuất và truyền tải nội dung. Đặc biệt, chú trọng đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn kinh phí hoạt động, thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần tạo nền tảng tài chính vững chắc cho sự phát triển của tờ báo trong thời buổi kinh tế thị trường và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên báo Xây dựng, bên cạnh giải pháp, tác giả xin nhấn mạnh hai khuyến nghị sau:
1 - Báo Xây dựng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành kênh thông tin uy tín, hấp dẫn về quy hoạch đô thị; trao đổi, tương tác thường xuyên với các cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.
2- Để các bài viết có sức hút và đi vào chiều sâu, các nhà báo, phóng viên cần tích cực lấy thêm các ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia khi viết bài, phân tích, bình luận về các vấn đề quy hoạch đô thị đăng tải trên báo chí. Đồng thời cũng cần có sự tương tác hai chiều với công chúng trong vấn đề thông tin về quy hoạch đô thị, để người dân có cơ hội tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đô thị văn minh, hiện đại./.
_____________________________________________________
(1) Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng (2012), “Truyền thông – lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb.Lý luận Chính trị Quốc gia – Sự. thật, Hà Nội, , tr.13.
(2) Taylo F.W (1991), Những nguyên tắc khoa học quản lý, Nxb, Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
(3) Đặng Bá Lãm (2003), Quản lý thông tin báo chí về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.
(4) Nguyễn Quốc Trí, Nguyễn Mỹ Lộc (2012), Đại cương khoa học quản lý, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
(5) Quốc hội, Luật Báo chí năm 2016, số 103/2016/QH13 ngày 05/04/2016.
(6) Nguyễn Như Bình (2022), “Quản lý thông điệp và biển đảo trên bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội.
(7) Nguyễn Thành Đạt (2023), “Quản lý thông điệp an ninh phi truyền thống trên báo chí của Bộ Công an hiện nay”, Luận văn thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1992), Từ điển tiếng Việt.
2. Nguyễn Văn Dững (2018), “Cơ sở lý luận báo chí”, Nxb. Thông tin và truyền thông, tr.20.
3. Tạ Ngọc Tấn (2001), “Truyền thông đại chúng”, Nxb. Chính trị Quốc Gia.Hà Nội.
4. Bộ Văn hoá Thông tin và Truyền thông (2013), “Một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ báo chí”, Tài liệu bồi dưỡng chức danh Biên tập viên, phóng viên, Hà Nội.
5. Phan Văn Kiền, Phan Quốc Hải, Phạm Chiến Thắng, Nguyễn Đình Hậu (2016), Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
6. Phạm Hùng Cường (2021), “ Quy hoạch đô thị”, Nxb. Xây dựng Hà Nội, tr.5.
7. Quốc hội, Luật Quy hoạch đô thị số 30//QH12 ngày 17/06/2009 của Quốc Hội.
8. UN Habitat – “Multilingual of Human Settlements Terms”- 1992,
9. Hữu Thọ (1997): “Một số vấn đề báo chí trong thời kỳ đổi mới; Tiếp tục phát huy sức mạnh của báo chí trong thời kỳ đổi mới”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
10. Hữu Thọ (1997): “Công việc của người viết báo”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
11. Hữu Thọ (1997): “Nghĩ về nghề báo”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
12. Nguyễn Minh Đạo (1997), “Cơ sở khoa học quản lý”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
13. L.A. Vaxilépva (1999), “Chúng tôi làm tin”, Nxb. Thông tấn, 1999.
14. Tạ Ngọc Tấn (2000), Báo chí truyền thông, Nxb. Chính trị Quốc Gia Hà Nội.
15. Trung tâm Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003), “Từ điển bách khoa Việt Nam”, 4 tập, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
16. Đinh Văn Hường (2006), “Tổ chức và hoạt động của tòa soạn”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội,
17. Lưu Văn An chủ biên (2008), “Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển”, Nxb. Lý luận chính trị.
18. Trung tâm từ điển học (2009), “Từ điển Tiếng Việt”, Nxb. Đà Nẵng.
19. Đỗ Chí Nghĩa (2010) “Vai trò báo chí trong định hướng dư luận xã hội, Luận án Tiến sĩ truyền thông đại chúng chuyên ngành báo chí học, Học viện báo chí và tuyên truyền.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và giải pháp cho chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam -nhìn từ góc độ nguồn nhân lực
- Những yếu tố làm nên giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức trong cơ quan báo Đảng
- Cơ sở đạo đức đối với hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của báo chí
- Vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay
- Công nghệ AI tác động đến quá trình đào tạo báo chí trong giai đoạn hiện nay
Xem nhiều
-
1
Rạng rỡ Việt Nam
-
2
Đảng Cộng sản Việt Nam: 95 năm tiên phong vì Tổ quốc và nhân dân
-
3
Thư chúc mừng năm mới của đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
-
4
Học viện Báo chí và Tuyên truyền Gặp mặt đầu Xuân Ất Tỵ 2025
-
5
Mười sự kiện, hoạt động nổi bật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2024
-
6
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đến thăm và chúc mừng Học viện nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ 2025
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Rạng rỡ Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Rạng rỡ Việt Nam", Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, việc quản lý và truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, có trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận về các vấn đề quy hoạch đô thị. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý thông điệp về “quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay”, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần vào sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
Chuyển đổi số báo chí và giải pháp cho chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam -nhìn từ góc độ nguồn nhân lực
Chuyển đổi số báo chí và giải pháp cho chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam -nhìn từ góc độ nguồn nhân lực
Đến thời điểm hiện nay, báo chí thế giới đã bước vào giai đoạn chuyển đổi số thứ 3, với việc ứng dụng công cụ Open AI, ChatGPT vào sản xuất, sáng tạo nội dung. Chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá những tiềm năng truyền thông siêu lớn dựa trên nền tảng công nghệ tân tiến và năng lực sáng tạo vô tận của con người. Nhưng tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí vẫn đang loay hoay với câu hỏi, chuyển đổi số như thế nào, bởi thiếu kinh phí, cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, đặc biệt là thiếu nhân lực am tường công nghệ và năng lực sáng tạo…, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ sở đào tạo.
Những yếu tố làm nên giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức trong cơ quan báo Đảng
Những yếu tố làm nên giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức trong cơ quan báo Đảng
Văn hóa là giá trị vật chất và tinh thần do tự nhiên, xã hội và con người tạo ra, được con người thừa nhận, gìn giữ và phát huy. Đạo đức là những chuẩn mực do xã hội quy định để điều chỉnh các hoạt động của cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng xã hội. Cơ quan báo Đảng là khái niệm chỉ các cơ quan báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung ương và địa phương. Văn hóa, đạo đức trong cơ quan báo Đảng chính là những giá trị, chuẩn mực được tạo ra để trở thành động lực, điều chỉnh lao động báo chí của đội ngũ nhà báo nhằm sáng tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí mang lại hiệu quả và hiệu lực truyền thông. Trong bài viết này, tác giả bàn đến những yếu tố làm nên giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức trong cơ quan báo Đảng để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn dân chủ, công khai của quần chúng nhân dân.
Cơ sở đạo đức đối với hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của báo chí
Cơ sở đạo đức đối với hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của báo chí
Trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận, đồng thời phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát dư luận và phản biện xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, lằn ranh giữa phản biện xã hội của báo chí và đạo đức nghề nghiệp là khá mong manh, không rõ ràng. Trên cơ sở khái quát về lý luận giám sát và phản biện xã hội mang tính xây dựng của báo chí, bài viết sẽ phân tích cơ sở đạo đức của báo chí đối với hiệu quả giám sát dư luận và phản biện xã hội của báo chí hiện nay.
Bình luận