Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
1. Lợi ích ChatGPT trong việc dạy kĩ năng viết tiếng Anh
ChatGPT, dựa trên mô hình GPT-3, được phát triển bởi OpenAI và chính thức ra mắt vào tháng 11 năm 2022. OpenAI, một tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ, đã đánh dấu bước tiến vượt bậc trong việc phát triển các mô hình ngôn ngữ tự nhiên thông qua sự ra đời của ChatGPT(1). Công cụ này không chỉ có khả năng hiểu và phản hồi ngôn ngữ tự nhiên, mà còn có thể tạo ra các văn bản phức tạp, cung cấp thông tin, giải quyết vấn đề và hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến kinh doanh.
Sự xuất hiện của ChatGPT đã mở ra một kỷ nguyên mới trong việc tương tác giữa con người và máy móc, thể hiện bước tiến lớn trong cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa hiệu quả công việc. Nó không chỉ là một công cụ hỗ trợ mà còn mở rộng tiềm năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo vào đời sống và công việc hàng ngày, đồng thời định hình lại cách con người sử dụng công nghệ để sáng tạo và tương tác.
Việc áp dụng ChatGPT trong môi trường giảng dạy(2), học tập tiếng Anh không chỉ mang lại lợi ích trong việc nâng cao kỹ năng viết mà còn hỗ trợ sinh viên trong việc tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Sử dụng ChatGPT trong cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và giáo viên.
Đối với sinh viên, ChatGPT cung cấp kho tài liệu phong phú và tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi, giúp họ tiếp cận kiến thức linh hoạt, nâng cao kỹ năng viết toàn diện. ChatGPT đã tác động mạnh mẽ đến hành vi học tập của nhiều sinh viên. Việc giải quyết bài tập trở nên dễ dàng hơn vì họ có thể dựa vào ChatGPT.
Đối với giáo viên, ChatGPT giúp tiết kiệm thời gian trong việc soạn giáo án, tìm kiếm tài liệu và đánh giá kết quả học tập. Đồng thời, công cụ này còn hỗ trợ cá nhân hóa quá trình giảng dạy, cho phép giáo viên điều chỉnh nội dung phù hợp với từng sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc phát triển kỹ năng viết. Hơn nữa, ChatGPT giúp sinh viên khám phá nhiều cách diễn đạt và phát triển phong cách viết cá nhân. So sánh các gợi ý từ ChatGPT với phong cách viết của mình giúp họ tự điều chỉnh để nâng cao chất lượng bài viết. Cuối cùng, việc sử dụng ChatGPT còn tạo cơ hội cho sinh viên nâng cao kỹ năng tự đánh giá, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy độc lập. Như vậy, ChatGPT không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là phần thiết yếu trong hành trình học tập của sinh viên.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Greeni Maheshwari tại Đại học RMIT, 85% sinh viên cho rằng tính dễ sử dụng, cá nhân hóa và tính tương tác của ChatGPT ảnh hưởng đáng kể đến thái độ và hành vi của họ đối với công cụ này. Mặc dù mức độ tin cậy và thông minh của ChatGPT không ảnh hưởng đến quyết định sử dụng, khoảng 50-70% sinh viên đã từng sử dụng ChatGPT cho mục đích học tập. Đặc biệt, 80% trong số này dùng ChatGPT để tìm kiếm thông tin, 60% để hỗ trợ viết bài, và 40% để luyện tập ngôn ngữ và cải thiện kỹ năng viết(3).
2. Bất lợi và thách thức của việc sử dụng ChatGPT trong dạy kĩ năng viết tiếng Anh
Theo Božić, V. (2023)(4), mặc dù ChatGPT mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục, nhưng cũng không thể phủ nhận những bất lợi mà nó có thể gây ra, đặc biệt là trong việc phát triển kỹ năng viết của sinh viên. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Khi học sinh sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung viết, họ có thể trở nên phụ thuộc vào công cụ này, dẫn đến việc thiếu hụt các kỹ năng tư duy phản biện và khả năng tự học. Việc không tự mình suy nghĩ và viết có thể làm giảm khả năng sáng tạo và biểu đạt của sinh viên. Nghiên cứu của Zhai (2022)(5) nhấn mạnh rằng việc lạm dụng các công cụ AI như ChatGPT có thể làm giảm chất lượng viết của sinh viên.
Khi không còn cảm thấy cần thiết phải tự mình phát triển kỹ năng viết, họ có thể rơi vào tình trạng thụ động, chỉ đơn thuần sao chép và dán mà không có sự suy nghĩ phản biện. Chất lượng viết không chỉ bị ảnh hưởng bởi kỹ năng ngôn ngữ mà còn bởi khả năng tư duy và sáng tạo của từng cá nhân. Quá trình viết một bài luận không chỉ là việc kết nối các từ ngữ lại với nhau; nó còn bao gồm các bước quan trọng như lập kế hoạch, tổ chức và chỉnh sửa. Fuchs (2023)(6) cho rằng việc bỏ qua những bước này sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm cuối cùng và ảnh hưởng đến khả năng viết trong tương lai của sinh viên.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ChatGPT có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng giao tiếp xã hội của sinh viên. Mặc dù ChatGPT có khả năng mô phỏng các cuộc trò chuyện, nhưng nó không thể thay thế những tương tác xã hội và cảm xúc mà chỉ có thể có trong các cuộc trao đổi trực tiếp. Khi sinh viên dành quá nhiều thời gian tương tác với AI thay vì với bạn bè và giáo viên, họ có thể thiếu hụt các kỹ năng xã hội quan trọng như giao tiếp, lắng nghe và đồng cảm, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của họ. Khi sinh viên sử dụng các mẫu câu hoặc cấu trúc do ChatGPT cung cấp mà không thêm vào ý kiến cá nhân, họ có nguy cơ đánh mất giọng điệu và phong cách riêng của mình (Liu & Tao, 2022)(7). Chính sự thiếu vắng này ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của sinh viên. Điều này có thể dẫn đến việc họ thiếu tự tin trong việc bày tỏ ý tưởng và cảm xúc của mình, làm giảm khả năng thể hiện bản thân một cách sâu sắc và chân thực.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là độ chính xác và thiên lệch trong các phản hồi mà ChatGPT cung cấp(8). Mặc dù công nghệ này có khả năng tạo ra nội dung phong phú và đa dạng, nhưng nó cũng có thể tạo ra những thông tin sai lệch hoặc thiên lệch dựa trên dữ liệu mà nó đã được đào tạo. Nếu học sinh không kiểm tra và xác minh thông tin từ ChatGPT, họ có thể bị dẫn dắt bởi những phản hồi không chính xác, ảnh hưởng đến chất lượng bài viết của họ.
Ngoài ra, việc sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung viết có thể dẫn đến tình trạng đạo văn(9). Nếu sinh viên sử dụng văn bản được tạo ra bởi ChatGPT mà không ghi rõ nguồn gốc hoặc thừa nhận việc sử dụng công cụ này, họ có thể vi phạm quy định về đạo đức học thuật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng trong học tập.
Một vấn đề khác liên quan đến quyền riêng tư cũng cần được xem xét. ChatGPT yêu cầu một lượng lớn dữ liệu để huấn luyện, và có thể có những lo ngại về việc bảo mật và quyền riêng tư của thông tin sinh viên(10). Việc sử dụng công nghệ này mà không có sự bảo vệ thích hợp có thể dẫn đến rủi ro về việc lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Cuối cùng, ChatGPT không thể thay thế vai trò quan trọng của giáo viên trong việc hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên(11). Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà còn mang lại sự hỗ trợ cảm xúc và khả năng điều chỉnh theo nhu cầu của từng học sinh. Sự thiếu hụt sự hỗ trợ và tương tác từ giáo viên có thể làm giảm hiệu quả trong việc phát triển kỹ năng viết của học sinh.
Thách thức về sự phụ thuộc vào công nghệ
Việc sử dụng ChatGPT trong dạy học tiếng Anh, đặc biệt là trong phát triển kỹ năng viết, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tạo ra thách thức lớn nhất: nguy cơ sinh viên phụ thuộc vào công nghệ này. Khi sinh viên sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung, họ có thể dễ dàng hoàn thành bài viết mà không cần suy nghĩ sâu sắc về ý tưởng của mình. Điều này dẫn đến việc giảm khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Sự phụ thuộc vào AI có thể khiến sinh viên không còn cảm thấy cần thiết phải phát triển kỹ năng phân tích và lập luận cá nhân.
Như một nghiên cứu chỉ ra, việc lạm dụng công nghệ có thể làm suy yếu khả năng phản biện của sinh viên, khiến họ trở nên thụ động trong quá trình học tập (Baron, 2023)(12). Khi sinh viên không còn tự mình tìm kiếm và phát triển ý tưởng, họ bỏ lỡ cơ hội để rèn luyện tư duy phản biện và kỹ năng viết. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến trình độ ngôn ngữ mà còn làm giảm đi sự tự tin của họ trong việc thể hiện quan điểm cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên cần tạo ra môi trường học tập khuyến khích sinh viên sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự phát triển ý tưởng và phân tích sâu sắc.
Khi sử dụng ChatGPT vào việc dạy và học tiếng Anh, giáo viên và sinh viên vẫn gặp một số thách thức sau:
Thiếu chiều sâu trong nội dung
Một thách thức khác khi sử dụng ChatGPT là khả năng tạo ra văn bản có ngữ pháp chính xác nhưng thiếu chiều sâu và sự phong phú trong nội dung. Mặc dù ChatGPT có thể giúp sinh viên tạo ra các đoạn văn mạch lạc, nhưng nó thường thiếu đi sự sâu sắc cần thiết để phát triển một ý tưởng một cách toàn diện(13). Điều này có thể khiến sinh viên không nhận ra những thiếu sót trong cách trình bày ý tưởng của mình, dẫn đến việc họ không phát triển được kỹ năng viết một cách toàn diện.
Việc viết lách không chỉ đơn thuần là về ngữ pháp và cấu trúc câu; nó còn liên quan đến việc phát triển ý tưởng, lý luận và cách trình bày một cách thuyết phục. Khi sinh viên chỉ dựa vào ChatGPT để hoàn thành bài viết mà không tự mình suy nghĩ và phát triển nội dung, họ có thể bỏ lỡ các cơ hội để rèn luyện khả năng lập luận và phân tích(14). Như vậy, việc khuyến khích sinh viên không chỉ sử dụng ChatGPT để kiểm tra ngữ pháp mà còn để phát triển ý tưởng và nội dung phong phú là rất quan trọng. Giáo viên cần cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng phản hồi từ ChatGPT để cải thiện nội dung bài viết, từ đó giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc phát triển ý tưởng một cách độc lập và sâu sắc.
Khó khăn trong việc đánh giá chất lượng bài viết
Một thách thức khác khi sử dụng ChatGPT là việc giáo viên gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng bài viết của sinh viên(15). Khi sinh viên sử dụng công nghệ này để hỗ trợ viết, giáo viên có thể khó khăn trong việc xác định đâu là sản phẩm thực sự của sinh viên và đâu là phần do AI tạo ra. Điều này có thể dẫn đến những lo ngại về tính trung thực trong học tập và khả năng đánh giá chính xác năng lực viết của sinh viên.
Sự không chắc chắn này không chỉ ảnh hưởng đến việc đánh giá mà còn có thể làm giảm động lực học tập của sinh viên(16). Nếu giáo viên không thể xác định được mức độ hiểu biết và khả năng viết của sinh viên, điều này có thể dẫn đến việc sinh viên không nhận được phản hồi chính xác và kịp thời về tiến bộ của họ.
3. Đề xuất giải pháp nâng cao khả năng viết tiếng Anh của sinh viên dưới sự hỗ trợ của ChatGPT
Sinh viên cần được khuyến khích tư duy độc lập và phát triển phong cách viết cá nhân. Tư duy độc lập là kỹ năng thiết yếu giúp sinh viên không chỉ trong học tập mà còn trong quá trình phát triển bản thân. Theo Facione (2015)(17), tư duy phản biện giúp người học phân tích và cải thiện suy nghĩ, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, nghiên cứu của Hattie và Timperley (2007)(18) cho thấy rằng phản hồi hiệu quả hỗ trợ người học hiểu rõ tiêu chí đánh giá và nâng cao khả năng tự điều chỉnh. Để cải thiện khả năng viết tiếng Anh của sinh viên với sự hỗ trợ của ChatGPT, giáo viên có thể áp dụng một số giải pháp sau:
Một là, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển từ vựng và ngữ pháp thông qua thực hành viết có hướng dẫn. ChatGPT có thể cung cấp một loạt bài tập từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với nhiều trình độ khác nhau, giúp sinh viên dần dần làm quen với các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng phong phú. Ngoài ra, ChatGPT có thể hỗ trợ sinh viên phân tích các câu văn mẫu, nhận diện các lỗi phổ biến và gợi ý sửa chữa, giúp họ hiểu sâu hơn về cách sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong các bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng là sinh viên cần xem ChatGPT như một công cụ bổ trợ để khai thác ý tưởng và cảm hứng, tạo đà cho sự sáng tạo cá nhân, thay vì lệ thuộc vào công cụ để hoàn thiện bản nháp. Thông qua quá trình này, sinh viên không chỉ rèn luyện kỹ năng viết mà còn học cách tự phát triển phong cách và tiếng nói riêng trong bài viết của mình.
Hai là, giúp sinh viên cải thiện kỹ năng chỉnh sửa và tự đánh giá. ChatGPT có thể cung cấp gợi ý sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, và cấu trúc câu, đồng thời giải thích chi tiết về các lỗi phổ biến, từ đó giúp sinh viên hiểu rõ nguyên nhân của từng lỗi và cách sửa chữa. Việc này không chỉ giúp họ nâng cao chất lượng bài viết mà còn thúc đẩy sự phát triển của kỹ năng tự phản biện và tự điều chỉnh. Sinh viên cần tích hợp phản hồi từ ChatGPT vào quy trình học tập của mình, từ đó có thể tự nhận ra những điểm yếu và thế mạnh trong kỹ năng viết, đồng thời cải thiện qua từng bản nháp. Nghiên cứu của Hattie và Timperley (2007) (19) cho thấy phản hồi hiệu quả không chỉ giúp người học hiểu rõ hơn về các tiêu chí đánh giá mà còn củng cố khả năng tự điều chỉnh, một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tư duy độc lập. Qua quá trình liên tục áp dụng phản hồi và tự đánh giá này, sinh viên sẽ dần hình thành một phong cách viết chín chắn và có ý thức tự định hướng trong học tập.
Ba là, hỗ trợ sinh viên thông qua các bài tập viết sáng tạo. Để khơi dậy hứng thú và kích thích sự sáng tạo trong học viết, sinh viên có thể yêu cầu ChatGPT đưa ra các đề bài hoặc xây dựng các câu chuyện theo chủ đề mà họ quan tâm. Việc này không chỉ giúp sinh viên có thêm cảm hứng mà còn tạo điều kiện cho họ thực hành viết với những ý tưởng mới mẻ và đa dạng. Với sự hỗ trợ của ChatGPT, sinh viên có thể thử nghiệm nhiều phong cách diễn đạt khác nhau, từ đó tìm ra và phát triển phong cách viết cá nhân. Theo đó, sinh viên dần hình thành khả năng thích ứng linh hoạt với các yêu cầu và bối cảnh viết khác nhau, đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo và mở rộng vốn ngôn ngữ một cách tự nhiên.(20)
Bốn là, hỗ trợ sinh viên luyện tập cấu trúc bài viết học thuật. ChatGPT có thể là công cụ hữu ích giúp sinh viên nắm vững các dạng bài viết học thuật như tiểu luận, bài báo khoa học hoặc luận văn. Bằng cách cung cấp hướng dẫn về cấu trúc tổng thể, từ phần mở đầu, thân bài đến kết luận, ChatGPT giúp sinh viên hiểu rõ quy trình lập luận và cách sắp xếp các ý tưởng một cách logic và mạch lạc. Thêm vào đó, ChatGPT còn hỗ trợ trong việc kết nối các ý tưởng một cách chặt chẽ, giúp sinh viên nhận ra mối liên hệ giữa các lập luận và ý chính, từ đó xây dựng được bài viết có tính thuyết phục và khoa học. Thông qua quá trình này, sinh viên không chỉ rèn luyện khả năng viết mà còn phát triển kỹ năng tổ chức và tư duy hệ thống, những yếu tố quan trọng trong viết học thuật.
Năm là, sử dụng phản hồi theo cấp độ ngôn ngữ cá nhân hóa. ChatGPT có khả năng điều chỉnh phản hồi sao cho phù hợp với trình độ và nhu cầu cụ thể của từng sinh viên, từ đó tạo ra những hướng dẫn sát với khả năng ngôn ngữ của họ. Bằng cách cung cấp phản hồi dựa trên cấp độ hiện tại của người học, ChatGPT giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách có hệ thống và dễ hiểu hơn, từ cơ bản đến nâng cao. Tuy nhiên, sinh viên cần tiếp cận các gợi ý từ công cụ này với thái độ phê phán, không chỉ chấp nhận một cách thụ động mà cần tự đánh giá, xem xét những điểm mạnh và điểm yếu trong các ý tưởng được gợi ý. Điều này giúp sinh viên phát triển khả năng tự đánh giá, học cách tự phân tích và phản biện ý tưởng, từ đó củng cố tư duy độc lập và khả năng điều chỉnh chiến lược học tập một cách hiệu quả.
Giáo viên nên khuyến khích sinh viên xem ChatGPT như một công cụ hỗ trợ bổ sung trong quá trình học tập, thay vì phụ thuộc hoàn toàn và coi nó như giải pháp thay thế cho tư duy độc lập. Công nghệ này có thể hỗ trợ sinh viên trong việc tìm kiếm ý tưởng ban đầu cho các bài viết, qua đó mở rộng khả năng tư duy sáng tạo và khám phá các cách diễn đạt mới. Đồng thời, việc tổ chức các hoạt động thảo luận và tranh luận trong lớp học sẽ giúp sinh viên có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng thời kiểm chứng và thách thức các ý tưởng khác nhau. Thông qua đó, sinh viên sẽ phát triển khả năng phản biện và tư duy sáng tạo, hai kỹ năng quan trọng giúp họ phát triển toàn diện trong học tập và công việc sau này.
Việc tích hợp phản hồi từ ChatGPT không chỉ giúp sinh viên nhận thức rõ hơn về điểm yếu của bản thân mà còn thúc đẩy tư duy độc lập, xây dựng thói quen học tập tích cực. Hơn nữa, ChatGPT giúp sinh viên khám phá nhiều cách diễn đạt khác nhau và phát triển phong cách viết cá nhân. Qua đó, việc sử dụng ChatGPT không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên nâng cao kỹ năng tự đánh giá mà còn phát triển tư duy độc lập, góp phần vào sự tiến bộ trong việc viết tiếng Anh thành thạo.
________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Ha.H (2023) 1 năm ChatGPT ra đời: Thế giới đã thay đổi như thế nào? Retrieved from https://vneconomy.vn/techconnect/1-nam-chatgpt-ra-doi-the-gioi-da-thay-doi-nhu-the-nao.htm
(2), (4), (8), (9), (10), (11) Božić, V. (2023). Chat GPT and education. General Hospital Koprivnica. https://www.researchgate.net/profile/Velibor-Bozic-2/publication/369926506_Chat_GPT_and_education/links/64350844ad9b6d17dc4d3a79/Chat-GPT-and-education.pdf
(3) Maheshwari, G. (2024). Factors influencing students' intention to adopt and use ChatGPT in higher education: A study in the Vietnamese context. Education and Information Technologies, 29, 12167–12195. https://doi.org/10.1007/s10639-023-12333-z
(5) Zhai, X. (2022). ChatGPT user experience: Implications for education. Available at SSRN 4312418.
(6) Fuchs, K. (2023). Exploring the opportunities and challenges of NLP models in higher education: Is Chat GPT a blessing or a curse? Frontiers in Education, 8, 1166682.
(7) Liu, K., & Tao, D. (2022). The roles of trust, personalisation, loss of privacy, and anthropomorphism in public acceptance of smart healthcare services. Computers in Human Behavior, 127, 107026.
(12), (13), (14), (15), (16) Baron, N. S. (2023). How ChatGPT robs students of motivation to write and think for themselves. The Conversation.
(17) Facione, P. A. (2015). Critical thinking: A statement of expert consensus for purposes of educational assessment and instruction. The Delphi Report.
(18), (19), (20) Hattie, J., & Timperley, H. (2007). The power of feedback. Review of Educational Research, 77(1), 81-112.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
- Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- 4 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- 5 Quá trình phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng ta trong gần 40 năm đổi mới
- 6 Nhận diện, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Bồi dưỡng phong cách công tác của đội ngũ cán bộ trong Quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, trong đó có đội ngũ chính ủy, chính trị viên (CU, CTV) là việc làm thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược của các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng và đề xuất một số giải pháp bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay.
Bình luận