Tâm lý tiếp nhận và kỹ năng viết báo thuyết phục công chúng
1. Quá trình tiếp nhận và tâm lý tiếp nhận của công chúng với sản phẩm báo chí
Nghiên cứu về quá trình tiếp nhận, A. P. Lazarfeld khẳng định 2 bước của quá trình truyền thông điệp là: tiếp nhận cá nhân với các sản phẩm truyền thông (bước 1) và sự lan tỏa xã hội trong phạm vi nhóm và cộng đồng sau các tiếp nhận cá thể (bước 2). Xét theo quan điểm hệ thống, quá trình tiếp nhận của công chúng với các sản phẩm báo chí bao gồm nhiều thành tố cấu thành trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các thành tố đó bao gồm:
(1). Công chúng báo chí: các nhóm người có tiếp cận, sử dụng và chịu ảnh hưởng của các sản phẩm báo chí.
(2). Nhu cầu, động cơ, mục đích tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng: họ có đọc báo, nghe radio, xem truyền hình, tiếp cận báo mạng điện tử hay không, điều gì thúc đẩy họ tiếp cận và tiếp nhận thông tin trên báo chí…
(3). Nội dung tiếp nhận chủ yếu của công chúng với các sản phẩm báo chí: công chúng chủ yếu tiếp cận với những thông tin loại gì, với nội dung như thế nào…
(4). Phương thức và phương tiện tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng: ví dụ, công chức thường đọc báo in và lướt web đọc tin tức trên máy tính tại phòng làm việc, còn giới trẻ thì chủ yếu dùng laptop, i-pad, i-phone và dòng điện thoại thông minh để đọc tin tức và tham gia vào các mạng xã hội…
(5). Hình thức, bối cảnh tiếp nhận của công chúng: chẳng hạn, người Hà Nội thường đọc báo vào thời gian rỗi trong ngày, còn người dân thành phố Hồ Chí Minh thường đọc báo vào buổi sáng sớm, trong bữa ăn sáng hoặc trong khi uống cà phê sáng.
(6). Các sản phẩm báo chí hiện có trong thị trường: quá trình tiếp nhận của công chúng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường báo chí ở địa phương hay quốc gia, đặc biệt là hệ thống sản phẩm báo chí miễn phí (ví dụ như đài truyền thanh, các sản phẩm báo chí truyền hình, các tờ báo miễn phí – đọc tại thư viện – hoặc được trợ giá, internet không dây công cộng…).
(7). Tiếp nhận của cá nhân về sản phẩm báo chí: bước tiếp nhận đầu tiên của một cá nhân với sản phẩm báo chí.
(8). Tiếp nhận nhóm và cộng đồng với sản phẩm báo chí: phụ thuộc nhiều vào đặc tính của các nhóm trong xã hội trong hoạt động giao tiếp cũng như hệ thống nhu cầu của họ với các loại thông tin báo chí khác nhau.
(9). Hiệu quả tiếp nhận của các sản phẩm báo chí: là sự kết hợp giữa tiếp nhận cá nhân và tiếp nhận cộng đồng, thể hiện sự hiểu biết, phạm vi lan truyền và khả năng tác động vào hệ thống hành vi xã hội sau khi đã trải qua quá trình tiếp thu thông tin từ báo chí. Đây là kênh phản hồi quan trọng cho sự điều chỉnh nội dung, hình thức của các sản phẩm báo chí, nhiều khi còn là cơ sở đánh giá để đề xuất những thay đổi về cơ chế tổ chức tác động nhằm tạo ra những kênh tiếp cận công chúng phù hợp nhất với các nhóm công chúng mục tiêu hoặc ưu tiên trong chiến lược định vị sản phẩm báo chí.
Về tâm lý tiếp nhận, có thể hiểu tâm lý tiếp nhận của công chúng báo chí là toàn bộ các hiện tượng tâm lý có tính quy luật của công chúng báo chí trong quá trình họ tiếp nhận các sản phẩm báo chí. Tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí bao hàm cả quá trình lĩnh hội, thái độ, tình cảm và ý chí; cả những hiện tượng thuộc tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội quy định hành vi tiếp nhận sản phẩm báo chí của công chúng. Có thể chia các vấn đề về tâm lý tiếp nhận thành những phần như sau:
(1). Tâm lý cá nhân trong hoạt động tiếp nhận: các quy luật tâm lý cá nhân như nhận thức, tình cảm, nhu cầu, động cơ… tác động đến hành vi tiếp cận và hiệu quả tiếp nhận sản phẩm báo chí.
(2). Tâm lý xã hội trong hoạt động tiếp nhận: các quy luật tâm lý xã hội tác động đến quá trình tiếp nhận sản phẩm báo chí của các nhóm công chúng.
(3). Các cơ chế của quá trình nhận thức, tình cảm và ý chí đến hoạt động tiếp nhận của công chúng như: ảnh hưởng của tính tự giác và tính tự phát, cơ chế bắt chước đến hiệu quả tiếp nhận của công chúng báo chí. Đây là một trong những nhóm nội dung của tâm lý tiếp nhận sản phẩm báo chí, rất quan trọng, là tâm điểm của hoạt động nghiên cứu tâm lý tiếp nhận, rất cần thiết nhưng lại đang là khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu.
(4). Các vấn đề nổi bật của tâm lý tiếp nhận như: thị hiếu báo chí, khả năng tăng cường hiệu quả tiếp nhận của các nhóm công chúng qua cộng hưởng về tâm lý, cụ thể là: các đặc điểm về điều kiện thời gian, điều kiện vật chất cho việc tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm công chúng; khả năng và thái độ của nhóm với các loại thông tin báo chí, các sản phẩm báo chí ở các loại hình báo chí khác nhau; động cơ và mục đích tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm; nội dung và sự lựa chọn các sản phẩm báo chí và thông tin báo chí của nhóm; các phương thức tiếp nhận sản phẩm báo chí của nhóm; hiệu ứng lan truyền thông tin báo chí trong nhóm; khả năng sử dụng thông tin báo chí trong cuộc sống…
1. Đặc thù tâm lý tiếp nhận của công chúng với tác phẩm báo chí – yêu cầu về kỹ năng viết báo tiếp cận công chúng
2.1. Tác động bằng thị giác cảm tính và thị giác lý tính – mức độ và góc độ tiếp nhận của công chúng với một bài báo
Công chúng dễ bị thu hút bởi các bức ảnh đẹp trên báo chí, nhất là những vùng thường nhìn thấy đầu tiên. Những hình ảnh này có thể tạo ấn tượng hoặc lập tức gây nhàm chán cho công chúng, dẫn tới họ có thể có quyết định đọc hay không đọc một tờ báo hay một tờ tạp chí. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều ảnh đặt ở các trang đầu và cuối là có thể hấp dẫn công chúng. Người đọc không có khả năng lựa chọn một trong nhiều hình ảnh trong khoảnh khắc, để từ đó chỉ có ấn tượng tốt với một tờ báo, tạp chí nào đó. Nếu có quá nhiều hình ảnh, họ sẽ rất ngại lựa chọn nó. Mặt khác, nếu các hình ảnh đó thiếu tính thông tin, tính thẩm mỹ và tính giáo dục, người đọc sẽ không tin tưởng, thậm chí coi thường, không muốn đọc nó hoặc ghét bỏ, “tẩy chay” nó. Do đó, hình ảnh tĩnh trên báo phải được lựa chọn, đặt đúng vị trí để hấp dẫn người xem và đặc biệt là dẫn công chúng đến việc đọc trong những khoảnh khắc tiếp cận ban đầu bằng những ấn tượng vừa có. Kỹ thuật này gọi là tạo đường dẫn cho quá trình tiếp nhận của công chúng với sản phẩm báo in. Nó là cơ sở cho nguyên tắc tạo đường tiếp nhận của công chúng – con đường đích thực công chúng đi để tiếp nhận thông tin trên các sản phẩm báo in (cũng như các sản phẩm báo chí loại hình khác).
Điểm đặc biệt của việc xem ảnh trên báo chí là nó kết thúc rất nhanh, sau đó là quyết định đọc hay không đọc, đọc những gì trong tờ báo hay các trang tạp chí đó. Do đó, bằng cách trình bày hợp lý và các nội dung nổi bật thể hiện ở các tít báo trong khoảng gần nhất về không gian mặt báo, lập tức phải giúp công chúng chuyển từ dạng tiếp nhận cảm tính các hình ảnh hấp dẫn sang kiểu tiếp nhận mang hình thức lý tính với các sự kiện, các vấn đề chính trị- kinh tế- xã hội được trình bày dưới dạng ngôn ngữ viết. Qua nghiên cứu gần đây của một số tác giả về việc tổ chức nội dung và trình bày trên báo in thì các tờ báo, tạp chí như: Lao động, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Thời báo kinh tế Sài gòn… có khả năng thu hút và tác động đến hiệu quả tiếp nhận của người đọc theo chiều sâu và tạo ra hiệu ứng lan truyền ở phạm vi rộng, đều do đã đáp ứng được một cách cơ bản những đòi hỏi trong quy luật: tạo hấp dẫn cho hành vi xem, chuyển nhanh một cách có hiệu quả sang hành vi đọc bằng các thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu công chúng đã nêu trên đây.
Nếu công chúng đã tiếp cận được gần như đầy đủ các nội dung thông tin trình bày dưới dạng ngôn ngữ viết thì sự tác động của các thông tin báo chí đến hoạt động tiếp nhận của công chúng là đáng kể. Bởi lẽ, tính tích cực trong tiếp nhận thông tin báo in chỉ có thể thể hiện ra ngoài bằng hành vi đọc chứ không phải hành vi xem. Khi đọc báo, người đọc buộc phải liên tưởng, tư duy lô-gic vì chính ngôn ngữ viết mang cấu trúc của tư duy lo-gic, với các khái niệm và các phán đoán được sắp xếp theo quy luật của tư duy lô-gíc. Do đặc điểm này mà báo in có khả năng cạnh tranh cao với các loại hình báo chí khác trong xu thế phát triển mạnh của báo điện tử ngày nay. Thế mạnh của thông tin phân tích và thông tin thẩm định mang khả năng dự báo cao sẽ tạo ra sự cuốn hút đặc biệt của các sản phẩm báo in.
Như vậy, cảm giác ngại và chán của người đọc khi tiếp cận với các báo, tạp chí thường xuất hiện trong 2 trường hợp: hoặc là lập tức phải đối diện với hành vi đọc mà không có hành vi xem; hoặc là bội thực hành vi xem, không tạo ra sự cuốn hút và tính tích cực trong tư duy của người đọc. Và xét cho cùng, muốn tạo ra hiệu quả tiếp nhận cho công chúng với các sản phẩm báo in, loại hình báo chí có khả năng đem đến cho công chúng khả năng tiếp nhận các thông tin báo chí theo kiểu thị giác có sự tham gia của các yếu tố lý tính, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa hình ảnh tĩnh, các phần dẫn chuyển (các tít báo nổi bật, các lời dẫn… ) với phần nội dung được trình bày dưới dạng các cột chữ có nền hoặc không nền, nhằm khắc phục tính tức thời của hành vi xem và sự căng thẳng, gây cảm giác ngại trước khi tiếp nhận thông tin bằng chữ viết dày đặc theo các cột chữ của báo in. Sự kết hợp đó phải giúp công chúng khi tiếp cận với báo in có thể có tiếp nhận bằng thị giác cảm tính (xem), và chuyển một cách nhanh chóng từ thị giác mang màu sắc cảm tính sang tiếp nhận bằng thị giác lý tính (đọc có mục đích), tạo ra khả năng tiếp nhận thông tin một cách sâu sắc, khái quát và mang tính hệ thống.
2.2. Cửa tiếp nhận, mức độ và góc độ tiếp nhận của công chúng với một bài báo
Cửa tiếp nhận là điểm vào của một cá nhân khi tiếp cận và bắt đầu quá trình tiếp nhận một tác phẩm báo chí nào đó. Với báo in, thường có 2 nhóm công chúng chủ yếu, đó là: công chúng truyền thống (có thói quen tiếp cận với một sản phẩm báo chí nào đó, một chuyên trang, chuyên mục hay nhóm tác phẩm báo chí của một vài tác giả tên tuổi nào đó) và công chúng vãng lai (tiếp cận trên cơ sở phản xạ “cái gì thế ”, do tò mò, hoặc nhìn thấy dấu hiệu nhu cầu, thị hiếu của mình có thể được thỏa mãn). Cửa tiếp nhận là điểm vào của đường tiếp nhận của công chúng – tức là con đường mà quá trình đến với thông tin báo chí của công chúng khi tiếp cận với một sản phẩm, tác phẩm báo chí nào đó.
Sự khác biệt cơ bản nhất giữa tâm lý công chúng báo chí với công chúng văn học là thời gian tiếp cận, bối cảnh và đặc biệt là cửa tiếp nhận, đường tiếp nhận của công chúng với báo chí. Công chúng báo chí chỉ dành rất ít thời gian trong ngày để tiếp cận với sản phẩm báo chí, họ không nhất thiết và không có thời gian đọc, nghe, xem toàn bộ các thông tin báo chí trên các sản phẩm, tác phẩm báo chí. Do đó, việc tạo cửa tiếp nhận và đường tiếp nhận hiệu quả nhất với đa số công chúng là yêu cầu quan trọng trong kỹ năng viết báo và tổ chức sản phẩm báo chí. Nếu không có cửa tiếp nhận hấp dẫn, nhà báo không thu hút được sự chú ý của công chúng, và kết quả là thông tin không được tiếp cận. Nếu cửa tiếp nhận được bố trí cho những tác phẩm kém ý nghĩa hoặc chất lượng thấp, công chúng sẽ tiếp nhận nhưng hiệu quả thấp, thậm chí hiệu ứng ngược (ví dụ: trong trường hợp tiêu đề của bài báo giật gân, với yếu tố phi văn hóa, thiếu khách quan). Điều quan trọng là uy tín của nhà báo, cơ quan báo chí bị giảm sút.
Theo trình tự của sự lĩnh hội, với báo in và báo mạng điện tử, công chúng tiếp cận tác phẩm báo chí bằng thị giác cảm tính – bao gồm hình ảnh, chữ lớn, hấp dẫn – trước, sau đó mới quyết định có đọc tiếp hay không. Ba mức độ đọc của công chúng bao gồm: đọc lướt, lựa chọn; đọc chi tiết; đọc sâu. Công chúng tiếp cận bằng mắt, rất nhanh, dừng điểm nhìn vào những khu vực có ấn tượng, có hình ảnh liên quan đến nhu cầu, thị hiếu của họ, hay đơn thuần chỉ là “lạ mắt”, sau đó quyết định có lựa chọn đọc tiếp hay không. Vai trò của ảnh “đinh” (ảnh quan trọng nhất của tác phẩm báo chí), vị trí của ảnh “đinh”, tiêu đề tác phẩm báo chí, chú thích ảnh, lời dẫn của bài viết là những yếu tố tác động đến mức độ đọc này. Ảnh “đinh” phải là ảnh báo chí, có sức tạo liên tưởng về hình ảnh tới vấn đề mà công chúng quan tâm hoặc thích thú. Ảnh động do không mang tính khuôn mẫu nên dễ thu hút thị giác cảm tính của công chúng hơn.
Tiêu đề tác phẩm báo chí là yếu tố tạo ra bước chuyển từ thị giác cảm tính sang thị giác lý tính – điều làm nên tác động chiều sâu, có hệ thống và bền vững đến nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng. Nói cách khác, tiêu đề cần “chạm ” được vào những nhu cầu của công chúng, ví dụ như nhu cầu tìm hiểu tại sao giá xăng dầu và chất lượng xăng dầu bán tại các đại lý xăng dầu có vấn đề, thực trạng quản lý các đại lý xăng dầu ra sao với tiêu đề bài báo “Đi Tây đi Tàu không bằng… xăng dầu đại lý” của tác giả Ngọc Oanh (Báo Thương Mại- phát hành năm 1991). Hay bài báo về tấm gương một anh hùng lực lượng công an với chiến công đánh ma túy “Đánh ma túy cũng phải say” của tác giả Nguyễn Tri Thức (Báo Lao động, số 126, 8.5.2005), kích thích công chúng tò mò đến với những thông tin về “đánh ma túy”, một loại thông tin mà hầu hết người dân, đặc biệt là những người làm cha mẹ, người làm công tác giáo dục và có trách nhiệm hay ý thức phòng chống tệ nạn xã hội rất quan tâm. Tiêu đề và lời dẫn tiếp cận tốt tâm lý công chúng khiến công chúng thấy tò mò, muốn đọc tiếp, tuy vậy, cần chú ý đến tính khách quan của thông tin trong tiêu đề và lời dẫn. Ví dụ bài báo “Mua ấn đền Trần để…thăng quan” (Dân Trí điện tử, 01.03.2010), tác giả đưa ra tiêu đề và lời dẫn như sau:
Mua ấn đền Trần để… thăng quan!
Lợi dụng tâm lý hám lợi, muốn thăng quan, phát tài, lễ khai ấn mang ý nghĩa tưởng nhớ công đức các vua ở đền Trần (Nam Định) đang bị biến thành ngày hội mua bán ấn. Đáng tiếc là người mua ấn đa phần là quan chức.
Đọc cả bài báo, người đọc không thấy có luận chứng và luận cứ nào thuyết phục để khẳng định rằng hầu hết người mua ấn là các quan chức, và việc các quan chức mua ấn là do tâm lí hám lợi, muốn thăng quan, phát tài. Nhận định cảm tính và vì muốn viết tiêu đề và lời dẫn câu khách, vừa mới tiếp cận với cửa tiếp nhận, công chúng đã nhận ra nhà báo “vu” cho một nhóm người những “tội” mà họ không có, tức là nhà báo đi ngược lại nguyên tắc đưa tin khách quan.
Các mức độ đọc của công chúng cho chúng ta bài học về xây dựng bố cục tác phẩm báo chí phù hợp với tâm lý tiếp nhận của công chúng, trong đó:
+ Ảnh đinh, tiêu đề và lời dẫn có chức năng tác động vào mức độ đọc lướt và lựa chọn.
+ Nên chia các vấn đề và từng nội dung thông điệp thành các khối nội dung chi tiết khác nhau, sử dụng tiêu đề phụ (subtitle) cho mỗi khối nội dung công chúng muốn đọc chi tiết. Tiêu đề phụ cũng cần phải thu hút sự chú ý của công chúng, kích thích sự lựa chọn của công chúng.
+ Cần tổ chức nhóm thông tin sâu cho từng tác phẩm báo chí thích hợp với nhu cầu thông tin sâu của công chúng bằng các hộp (box) thông tin, mô hình, biểu đồ, mô tả thông tin bối cảnh (ví dụ cột thông tin mô tả nhân vật, những thông tin nền tảng về kỹ thuật…) hay thông tin giải thích các khái niệm trừu tượng (từ điển mini)…
2.3. Viết báo tiếp cận khả năng tiếp thu, nhu cầu và thị hiếu công chúng:
Việc “câu” công chúng bằng nhu cầu, thị hiếu là một kỹ thuật rất quan trọng của nhà báo. Muốn làm được điều đó, nhà báo phải nghiên cứu vấn đề thật kỹ, tiếp cận thực tế, lấy thông tin ở nhiều góc độ, nhiều nguồn tin, hiểu đúng bản chất vấn đề, quan tâm đến vấn đề, có khả năng phân tích nhu cầu, thị hiếu của công chúng để thiết kế được bản đồ tư duy thích hợp.
Trong từng thời điểm, ở một quốc gia, một địa phương, hoặc với một cộng đồng hay liên quan đến một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống (ví dụ: tài chính, nông thôn, xây dựng Đảng, quản lý kinh tế, văn hóa và du lịch, y tế, giáo dục…), luôn tồn tại những điểm nổi bật nhất trong hệ thống nhu cầu của công chúng – ví dụ an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú, lương và sinh hoạt tối thiểu hay tình trạng quyền phụ nữ của chị em công nhân thuộc các khu công nghiệp ở Bình Dương…
Khi các sự kiện xảy ra, nhà báo luôn phải quan sát, phân tích để phát hiện các vấn đề có liên quan đến nhu cầu thị hiếu của công chúng, đồng thời gắn với mục tiêu tác động đến công chúng của mình. Với mục tiêu phát hiện những vấn đề tiêu cực xoay quanh việc quản lý việc mua và bán xăng trong các đại lý, tác giả Ngọc Oanh đã phát hiện đề tài phù hợp với nhu cầu cơ bản nhất của công chúng. Còn trong bài báo “Đánh ma túy cũng phải say”, nhà báo Nguyễn Tri Thức có mục đích xây dựng một chân dung người tốt việc tốt có thành tích phòng chống buôn bán ma tuý qua biên giới. Cả hai tác giả trên đều đã thành công trong việc kết nối chủ đề bài viết với nhu cầu của công chúng, làm cho công chúng nhận ra nhu cầu thông tin của mình có thể được đáp ứng thông qua tác phẩm báo chí. Ngược lại, trong bài báo “Mua ấn đền Trần để… thăng quan”, đọc tiêu đề, nhiều người tưởng rằng tác giả đã chạm được vào nhu cầu thông tin về vấn đề du lịch tín ngưỡng, nhưng thực chất, tác giả đã không hiểu đúng nhu cầu cơ bản, xác đáng và luôn cần phải đáp ứng đó là nhu cầu tín ngưỡng, được ước vọng cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Nói cách khác, dù họ là ai trong xã hội, họ cũng có quyền được tín ngưỡng, được khẩn cầu cho một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này khác hoàn toàn với hiện tượng mê tín dị đoan hay buôn thần bán thánh cần lên án trong xã hội. Chính vì vậy, với sự thiếu hiểu biết về nhu cầu và quyền con người, tác giả bài báo đã vô tình làm giảm uy tín của chính mình trong lòng người đọc.
2.4. Phối hợp tính khách quan và chủ quan trong một tác phẩm báo chí
Công chúng báo chí, khi tiếp cận với sản phẩm báo chí, có tâm lý vừa muốn được tiếp cận khách quan với sự kiện, vấn đề (không bị ai áp đặt, dẫn dắt), vừa muốn được tham khảo ý kiến đánh giá của nhà báo, của các chuyên gia giỏi, những người có uy tín và cả các nhóm người khác trong xã hội, để kiểm định và xác nhận tính đúng đắn trong nhận thức, thái độ và hành vi của họ với vấn đề họ đang đọc, nghe, xem. Vì vậy, yêu cầu của một tác phẩm báo chí là phải có sự kết hợp giữa tính chủ quan và khách quan khi tác động đến công chúng. Các yếu tố khách quan bao gồm: những con số, chi tiết được mô tả một cách khách quan, lời nói của nhân vật được trích dẫn, các bức ảnh, đoạn phim tư liệu ghi hình tại hiện trường… Các yếu tố chủ quan có thể là: lời nhận định, phân tích, phán đoán của nhà báo, thái độ của nhà báo thể hiện qua cách diễn đạt, qua việc sắp xếp bố cục hay chọn các yếu tố ưu tiên. Chẳng hạn, với tiêu đề “Hội khuyến học tỉnh Thái Nguyên tặng học bổng cho 20 học sinh nghèo”, tác giả thể hiện thái độ biểu dương thành tích của Hội khuyến học. Nhưng nếu nhà báo coi trọng và đánh giá cao những nỗ lực của các em học sinh nghèo vượt khó, thì tiêu đề cần đổi lại là “20 học sinh nghèo Thái nguyên được trao học bổng”.
Khi kết hợp tốt tính khách quan và chủ quan trong tác phẩm báo chí, nhà báo có thể kết hợp linh hoạt đặc trưng của nhiều thể loại trong một tác phẩm báo chí. Chẳng hạn như bài báo “Đánh ma túy cũng phải say”, tác giả đã kết hợp tốt thể loại phỏng vấn với dạng bài phản ánh để phác họa chân dung nhân vật. Bài viết có lời dẫn, có phần mô tả và phân tích trước khi dẫn các đoạn phỏng vấn. Bố cục bài viết bao gồm tiêu đề, lời dẫn, 2 tiêu đề phụ với hai thông điệp nội dung rõ ràng, đủ để công chúng có thể tiếp cận cả mặt khách quan và chủ quan. Còn bài báo “Xin ấn đền Trần để… thăng quan” thì không đảm bảo thông tin khách quan và chính xác, mặt chủ quan quá nhiều, lại thiếu cơ sở, quy chụp trong đánh giá, do đó không đạt được những yêu cầu chung của tác phẩm báo chí tiếp cận tâm lý công chúng, dẫn đến không có khả năng thuyết phục công chúng.
Bên cạnh những yêu cầu đã nêu trên, việc có chọn tác phẩm báo chí đăng tải hay không, nếu có thì tiếp cận ở góc độ nào, phụ thuộc vào việc đánh giá tâm trạng của công chúng về vấn đề đang đề cập tới. Bằng nhãn quan chính trị, bằng sự nhạy cảm và khả năng đánh giá dư luận xã hội, tâm trạng các nhóm công chúng của tác phẩm báo chí, khả năng lan tỏa và tác động của tác phẩm báo chí khi đề cập ở góc độ này hay góc độ khác, nhà báo cần xác định đúng thời điểm và nội dung thông điệp tương ứng.
TS. Đỗ Thị Thu Hằng
Nguồn: Theo ajc- Vũ Quang - Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Bài liên quan
- Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- “Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
- Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
- Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
- Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
Cuốn sách “Nói hay đừng” tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự, tản mạn… của nhà báo Trần Đức Chính, được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo trong suốt cả sự nghiệp của ông. Điều đặc biệt là, cuốn sách được những đồng nghiệp thế hệ sau, những “học trò” thân thiết và yêu quý của ông tập hợp và chọn lọc, biên soạn.
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Môi trường là cái nôi nuôi dưỡng sự sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối vớt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn nhân loại. Cùng với báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình, tạp chí điện tử đang ngày càng góp tiếng nói, nâng cao nhận thức về môi trường cho từng người dân và toàn xã hội. Các tạp chí điện đã có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp môi trường như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm hấp dẫn, có giá trị định hướng dư luận, phát huy hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Mặc dù một số nền tảng video ngắn đã cải tiến thuật toán nhằm ngăn ngừa các nội dung độc hại tiếp cận người dùng nhưng các nỗ lực này dường như mới chỉ nhằm xoa dịu dư luận và đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các video xấu vẫn tràn ngập trên các nền tảng TikTok, YouTube Short, Facebook Reel, Bigo Bar, Instagram, Likee… tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi người sử dụng mạng xã hội.
Bình luận