Thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế ở Bình Thuận
Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 4 năm qua (2001 - 2004), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, vượt qua nhiều thử thách và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao, theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001 tốc độ tăng tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn là 10,4%; năm 2002: 11%; năm 2003: 12,2% và năm 2004 là 13% (bình quân tăng 11,6%/năm cao hơn thời kỳ 1996 - 2000). Do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nên quy mô kinh tế của tỉnh năm 2004 đã gấp 1,55 lần năm 2000.
Cơ cấu kinh tế cũng từng bước chuyển dịch theo hướng tiến bộ: Tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, từ 22,7% năm 2000 lên 25,8% năm 2003 và 27,8% năm 2004, khu vực dịch vụ từ 35,3% lên 37,7% và 38,0%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần từ 42% xuống 36,5% và 34,2% trong thời gian tương ứng.
Đi vào từng ngành cụ thể, cho thấy các ngành sản xuất và hoạt động dịch vụ trên địa bàn đều phát triển toàn diện và tăng trưởng khá.
Trước hết là nông nghiệp, vượt qua những khó khăn do hạn hán gay gắt trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng trong năm, sản xuất nông nghiệp của Bình Thuận vẫn đạt kết quả khá. Năm 2004 năng suất lúa đạt 38,31 tạ/ha, sản lượng đạt 338,4 nghìn tấn. So với năm 2001, năng suất tăng 1,5 tạ/ha và sản lượng tăng 3,2 nghìn tấn trong khi diện tích gieo cấy giảm 2.848 ha. Là vùng đất khô thiếu nước nên Bình Thuận rất coi trọng các cây lương thực cạn, chịu hạn. Vì vậy diện tích, năng suất và sản lượng ngô tăng nhanh trong những năm gần đây: Năm 2004 diện tích ngô đạt 19,5 nghìn ha, năng suất đạt 46,1 tạ/ha và sản lượng đạt 90 nghìn tấn, so với năm 2001 diện tích tăng 45,5%, năng suất tăng 24,3% và sản lượng tăng 80%. Sản lượng ngô tăng không chỉ làm tăng sản lượng lương thực có hạt từ 385,4 nghìn tấn năm 2001 lên 428,4 nghìn tấn năm 2004 (tăng 11,1%) mà còn làm thay đổi cơ cấu sản lượng lương thực của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tỷ trọng ngô trong sản lượng lương thực có hạt của tỉnh tăng từ 13% năm 2001 lên 27,4% năm 2004. Kết quả này đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi của địa phương và các tỉnh trong vùng. Bên cạnh các cây lương thực, trong 4 năm qua, Bình Thuận rất quan tâm phát triển các cây trồng có thế mạnh như bông vải, thanh long, điều, cao su, hồ tiêu… Năm 2004 sản lượng bông đạt 5.404 tấn, gấp 3,25 lần năm 2000, sản lượng thanh long đạt 94,9 nghìn tấn, gấp 2,2 lần; sản lượng cao su đạt 3.881 tấn, gấp 6,5 lần; hồ tiêu đạt 2.340 tấn, gấp 1,7 lần. Không chỉ tăng về sản lượng, chất lượng sản phẩm một số cây trồng của Bình Thuận trong những năm gần đây đã được thị trường trong nước và thế giới đánh giá cao, nhất là thanh long, hạt điều, hạt tiêu. Các nông sản này không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều. Riêng sản lượng bông vải đã góp phần quan trọng bổ sung nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến vải sợi mà nước ta phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Cùng với trồng trọt, 4 năm qua chăn nuôi của Bình Thuận cũng phát triển mạnh. Hiện Bình Thuận có đàn bò lớn nhất cả nước, năm 2004 đạt trên 161,4 nghìn con, tăng 40% so với năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 8,7%; đàn lợn đạt 260 nghìn con, tăng 23,2%, bình quân tăng 5,1%/năm. Sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 29 nghìn tấn, tăng 31%, bình quân năm tăng 6,1%. Là tỉnh gần các trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch lớn, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Nai… nên hoạt động chăn nuôi của Bình Thuận đã chuyển nhanh theo yêu cầu thị trường nhằm tăng chất lượng sản phẩm. Các chương trình dự án Sind hóa đàn bò cóc truyền thống, nạc hóa đàn lợn, nuôi vịt siêu trứng, siêu trọng, nuôi bò sữa được thực hiện tốt đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Ngoài đáp ứng các nhu cầu trong tỉnh, nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh thị trường các tỉnh, thành phố lân cận, các khu du lịch với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tăng.
Thủy sản là thế mạnh của Bình Thuận, trong 4 năm qua tiếp tục phát triển theo hướng bền vững và tăng trưởng khá. Sản lượng thủy sản năm 2004 đạt 156,9 nghìn tấn, tăng 21,3% so với năm 2000, trong đó, sản lượng hải sản khai thác đạt 152 nghìn tấn, tăng 18,7%, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.883 tấn, tăng gấp 3,6 lần. Trong điều kiện có nhiều khó khăn do nguồn hải sản ven bờ cạn kiệt, 4 năm qua Bình Thuận đã cố gắng đầu tư thực hiện chương trình đánh bắt hải sản xa bờ và đạt kết quả khá. Sản lượng cá biển năm 2004 đạt 78 nghìn tấn, tăng gần 10 nghìn tấn so với năm 2000. Bên cạnh đó, phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh theo quy mô trang trại và hộ gia đình đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Ngành nghề nuôi thủy sản rất đa dạng: nuôi tôm sú, tôm giống, nuôi tôm càng xanh, nuôi baba, cá nước ngọt. Đến cuối năm 2004 toàn tỉnh có 1.147 ha nuôi tôm, 490 trại nuôi tôm giống với bể ương 40 nghìn m3. Sản lượng tôm giống sản xuất năm 2004 đạt 3,5 gấp 4 lần năm 2000.
Nhìn chung, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản Bình Thuận 3 năm qua phát triển toàn diện và tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 7,4% năm, vượt kế họach đề ra và cao hơn tốc độ chung của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.
Cùng với phát triển nông nghiệp, sản xuất công nghiệp của Bình Thuận cũng phát triển tương đối toàn diện, gắn với nông, lâm nghiệp, thủy sản và xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao: bình quân 4 năm đạt 16,2% cao hơn mức tăng chung của cả nước. Cơ cấu sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng đa ngành, đa thành phần. Đáng chú ý là các sản phẩm công nghiệp trọng yếu của tỉnh như chế biến nông sản, thủy sản, khai thác muối, làm nước đá phục vụ đánh bắt, bảo quản hải sản… đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó: muối hạt tăng 21,8%/năm, nước máy tăng 29,3%/năm, thủy sản đông lạnh tăng 1,28%/năm; gạch các loại tăng 18,4%/năm. Năm 2004, sản lượng thủy sản đông lạnh đạt 10.062 tấn, tăng 64% so với năm 2000, sản lượng nước mắm 20,1 triệu lít tăng 53,8%. Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến thủy sản đã đứng vững trên thị trường trong nước và xuất khẩu với số lượng năm sau cao hơn năm trước, như nước mắm, tôm, mực đông lạnh…
Bên cạnh việc phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản và công nghiệp 4 năm qua, các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận cũng khá sôi động và đạt hiệu quả cao hơn các thời kỳ trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân 4 năm tăng 19,1%/năm (nếu trừ yếu tố giá thì tăng 12,9%); Kim ngạch xuất khẩu từ 46,7 triệu USD năm 2000 đã tăng lên 75,1 triệu USD năm 2004. Doanh thu du lịch năm 2004 đạt 365 tỷ đồng so với 106,6 tỷ đồng năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 35,9%.
Những thành tựu phát triển kinh tế của Bình Thuận nói trên gắn liền với những tiến bộ trong đầu tư phát triển. Là một tỉnh còn nghèo, ngân sách thu không đủ chi, phải nhờ Trung ương hỗ trợ, nhưng 4 năm qua Bình Thuận đã cố gắng tập trung nguồn vốn của Trung ương và địa phương, nhất là vốn ngoài quốc doanh cho đầu tư phát triển. Tổng nguồn vốn thực hiện 4 năm qua 6.407 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước 2.196 tỷ đồng (chiếm 34,3%), vốn ngoài quốc doanh 4.072 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp nước ngoài 139 tỷ đồng (chiếm 2,2%). Kết quả là nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đó là đường ven biển Hàm Minh - Thuận Quý, đường Mũi Né - Suối Nước, nâng cấp đường giao thông nông thôn vùng miền núi, hải đảo, các khu du lịch… Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy còn khiêm tốn nhưng đã có nhiều khởi sắc. Trong 4 năm Bình Thuận đã thu hút thêm được 26 dự án mới, nâng số dự án còn hiệu lực đến cuối năm 2004 lên 35, với số vốn đăng ký 128,5 triệu USD. Ngoài ra, trong 4 năm qua, tỉnh còn tiếp nhận 250 tỷ đồng vốn của các tổ chức phi chính phủ, vốn ODA để giải quyết các vấn đề xã hội và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Nhờ vậy, đến nay bộ mặt thành phố Phan Thiết, các thị trấn, các vùng nông thôn, các khu du lịch, các vùng núi có nhiều đồng bào dân tộc ít người, vùng ven biển, hải đảo xa… đều “thay da đổi thịt” theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế Bình Thuận cũng còn một số mặt yếu kém và bất cập. Là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về đất đai, rừng, biển, giao thông thủy bộ, thị trường… nhưng đến nay vẫn là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi. Kinh tế tăng trưởng chưa thật ổn định, tốc độ tăng GDP bình quân 4 năm mới đạt 11,67% chưa đạt kế hoạch đề ra (12%) và còn thấp so với tiềm năng. Nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển không đều và còn nặng tính tự phát, trong đó lâm nghiệp yếu kém cả trồng rừng, nuôi rừng và nhất là bảo vệ rừng. Mô hình kinh tế trang trại phát triển tự phát, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường. Xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ nông nghiệp sang nuôi thủy sản không đều và thiếu quy hoạch. Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ còn nhiều bất cập và yếu kém, hiệu quả sử dụng vốn vay còn thấp, tình trạng nợ đọng còn phổ biến.
Trong công nghiệp, sản xuất chưa thật sự ổn định, thiếu các ngành nghề mũi nhọn, sản phẩm công nghệ cao. Công nghiệp nông thôn phát triển chậm, 6 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 13 làng nghề đạt tiêu chí quy định, nhưng luôn trong tình trạng lúng túng cả về sản xuất và thị trường, chất lượng sản phẩm và giá thành chưa đủ sức cạnh tranh ngay trên địa bàn. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tuy có tiến bộ nhưng chưa đều và chưa vững. Tình trạng tự phát, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh trong các họat động khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, kinh doanh nhỏ ở thành phố Phan Thiết và các thị trấn, ven đường quốc lộ 1 chậm được khắc phục. Kim ngạch xuất khẩu chưa năm nào đạt kế hoạch đề ra, trong đó mặt hàng chủ lực là thủy sản chất lượng còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ. Sản phẩm du lịch còn nghèo về số lượng, đơn điệu về chủng loại, thấp về chất lượng, nên chưa có sức hút đối với khách quốc tế và thời gian lưu trú ngắn. Công tác quảng bá, tiếp thị du lịch còn hạn chế. Nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác hợp lý, nhất là các đảo, khu nghỉ mát, du lịch sinh thái...
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên đây là: Thiếu vốn đầu tư phát triển nhưng chưa có phương thức hợp lý khai thác các nguồn vốn trong dân cư. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhất là thủy lợi, điện, giao thông nông thôn. Hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước yếu kém nhưng cổ phần hóa chậm. Năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp còn hạn chế và không đều nên chưa theo kịp yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong giai đoạn hội nhập. Thủ tục hành chính phiền hà nhưng chậm cải tiến đổi mới nên chưa có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. ý thức chấp hành kỷ cương, phép nước của một số bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nghiêm.
Bước vào năm 2005, Bình Thuận có nhiều thuận lợi mới song khó khăn và thách thức cũng không ít. Hạn hán gay gắt đang diễn ra trên diện rộng và chắc chắn sẽ tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong khi đó, để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, nhiệm vụ còn lại của năm 2005 lại rất nặng nề. Về kinh tế: tốc độ tăng GDP phải đạt trên 13,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 2,4 lần so với năm 2004. Đó là những mục tiêu rất cao, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Song với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và những kết quả đạt được trong 4 năm qua, nhất là năm 2004, tiềm lực kinh tế và nguồn lực con người của tỉnh đã tăng lên so với trước, nếu có các chính sách và giải pháp tích cực đồng bộ thì triển vọng năm 2005 vẫn có thể đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Dự báo: năm 2005, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của 3 khu vực sẽ là: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 8,5%, trong đó thủy sản tăng 9,5%, công nghiệp và xây dựng tăng trên 17,5%, trong đó công nghiệp trên 15,5%, dịch vụ tăng khoảng 17,5%, trong đó xuất khẩu tăng trên 30% (năm 2004 tăng 25%). Và như vậy, GDP có khả năng tăng trên 13,4%. Tuy nhiên để có thể biến triển vọng thành hiện thực, phải có nhiều quyết sách và giải pháp tích cực, đồng bộ, theo hướng:
- Tập trung nguồn lực của Trung ương và của tỉnh để khai thác hợp lý các tiềm năng và thế mạnh như nguồn lợi hải sản, diêm nghiệp, du lịch, dịch vụ…
- Phát triển mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nông thôn và thành thị trên cơ sở khôi phục và mở rộng quy mô ngành nghề chế biến nông lâm thủy sản, các làng nghề truyền thống, nghề mới, sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, hàng mộc dân dụng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
- Phát huy ưu thế liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để mở rộng thị trường thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài và liên kết kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ nghề cá, dịch vụ tài chính, ngân hàng…
- Huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế và của dân cư trong tỉnh nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo nguồn lực tài chính vững mạnh cho đầu tư phát triển, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp chế biến để tăng sức mạnh của sản phẩm./.
_____________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005
Nguyễn Đình Sinh
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận