Tính chuyên nghiệp khi khai thác nguồn tin và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo
Báo chí hoạt động nhờ vào mối quan hệ giữa nhà báo và nguồn tin. Các nhà báo dựa vào nguồn tin để được cung cấp thông tin cho họ viết bài. Ngược lại, nguồn tin dựa vào tin tức báo chí để chuyển tải thông điệp của họ đến với công chúng. Thông tin và nguồn tin có mối quan hệ trực tiếp gần gũi với nhau. Cho dù nhà báo muốn khách quan và chính xác trong đưa tin thì họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn tin để khai thác dữ liệu, ý kiến, thông tin. Chính vì vậy mà “nguồn tin” nào hiểu được sức mạnh của truyền thông thì họ sẽ luôn tạo ra sự tiếp cận thân thiện với báo chí về các ý tưởng của họ. Không những họ tạo ra sự chú ý ưa chuộng với giới báo chí mà còn hạn chế những thông tin không có lợi đối với họ. Các nguồn tin thường là người có chức sắc, đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội, vụ viện, hoặc là các chuyên viên, hay là những người dân bình thường.
Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số trường hợp để bàn thảo liên quan đến việc thiếu kiểm chứng các nguồn tin của các nhà báo, đã dẫn đến những sai phạm trong đăng tải thông tin, vi phạm nghiêm trọng các qui tắc đạo đức báo chí.
1. Câu chuyện thứ nhất: Nguồn tin là cô gái có cảnh đời éo le - chuyện về cô Lượm giả
Sự việc được bắt đầu từ cuộc thi viết “Mối tình đầu của tôi” do một tờ báo mạng tổ chức năm 2010. Bài viết “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời” của một cô gái tên Lượm ở Huế đã gây sự chú ý lớn với Ban Tổ chức. Đó là câu chuyện về một đứa trẻ bị bỏ rơi, được bà lão ăn mày nhặt trên ghế đá công viên đem về nuôi và đặt tên là Lượm. Tuổi thơ em là chuỗi ngày đi ăn xin với bà. Lúc 8 tuổi, bà mất, không còn ai che chở, Lượm phải làm nhiều việc để mưu sinh như bán báo, đánh giày thậm chí đi bán bồ đà theo lời dụ dỗ của người không quen biết để rồi bị bắt giam 2 tháng. Nhiều lúc em bị giang hồ bắt đi móc túi, làm “gái bán hoa”, v.v. Khi được các biên tập viên chương trình “Người xây tổ ấm” phát sóng đầu năm 2011 trên VTV1, nhân vật “Lượm” đã làm cho hàng triệu khán giả xúc động và căm ghét những “kẻ” bất nhân đã hại cuộc đời cô. Nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ “cô Lượm”. Nhưng sau đó, nhiều người dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế khi xem truyền hình đã phát hiện “Lượm” chính là Trần Thị Thùy Dương, sinh năm 1983, con gái đầu của ông Trần Văn Thành và bà Lê Thị Liễu sống tại địa phương này cùng với chồng là anh Phạm Văn Thân - làm nghề thợ nề.
2. Câu chuyện thứ hai: nguồn tin là một anh hùng trong bối cảnh thiên tai địch họa - người đàn ông trở về từ bão Chanchu
Tối 6.8.2006, hình ảnh một người đàn ông - thường trú tại xã Quế Ninh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam - trở về sau 83 ngày lênh đênh trên biển được phát trong chương trình thời sự của VTV và ngày hôm sau, nhiều tờ báo trong nước đăng tải câu chuyện cảm động về ngư dân duy nhất trong số gần 300 ngư dân miền Trung mất tích trong bão Chan Chu đã trở về lại mái tranh nghèo với mẹ già, con thơ.
Người đàn ông “trở về từ bão Chanchu” tên Nguyễn Văn Hương, trước ống kính truyền hình, máy ghi âm, máy ảnh đã kể lại “câu chuyện”: “Tôi đi trên tàu ĐNA 90079 của bà Lê Thị Huệ (Thanh Khê Đông, thành phố Đà Nẵng) được hơn nửa tháng thì nghe tin bão đến. Khoảng 3 - 4 giờ sáng ngày 16.5.2006, khi đang ngồi ăn mì tôm với một bạn nghề thì bất ngờ sóng lớn quật mạnh vào tàu. Chiếc tàu bị nhấc bổng lên rồi lật úp. Trong bóng đêm, tôi chỉ còn biết cố gắng ngoi lên khỏi những cơn sóng dữ để tìm bất cứ thứ gì nổi được mà bám vào. Trôi dạt đến ngày thứ 4 thì cổ họng khô rát, chân tê cứng... Tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng hình ảnh 2 đứa con thơ, người vợ tảo tần và mẹ già tóc bạc ở nhà đã cho tôi thêm sức mạnh để duy trì cuộc sống. Trong lúc tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình sẽ bị chết khát thì bất ngờ tôi nhìn thấy trong chiếc can nhựa buộc ngang bụng còn một ít nước. Tôi đã dùng cái áo lót cho vào can, sau đó đưa lên nhỏ từng giọt nước vào miệng... Đến ngày thứ 13 (tức là ngày 27.5.2006) tôi đã được tàu ông Hai (một chủ tàu không số ở Bình Định) vớt lên và cứu sống...”.
Nhưng một thời gian ngắn sau đó, “người hùng” Nguyễn Văn Hương đã bị lột mặt nạ khi có người xem truyền hình phát hiện ông ta bịa chuyện vật lộn trong phong ba, vì sự thật là trong thời gian ấy, ông ta đang ở cùng bà vợ bé tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, Huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Trước đó, các nhà hảo tâm của cả nước “ngưỡng mộ người hùng” đã gửi tiền ủng hộ anh ta xây nhà cửa.
3. Câu chuyện thứ ba: nguồn tin là những trẻ em nghèo bị xâm phạm thân thể
Trung tuần tháng 11.2010, nhiều cơ quan báo chí trong nước đã tung ra các bài viết về vụ việc bốn đứa trẻ ở Nhà mở Đồng Nai bỏ trốn. Câu chuyện như sau: Vào chiều 8.11.2010, người dân phường 4, quận 5, TP. HCM phát hiện bốn đứa bé lang thang trong tình trạng thương tích khắp người nên đưa đến công an phường. Các cơ quan chức năng phường 4, quận 5 đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. HCM) đưa hai em bị gãy tay đi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) các em khác được đưa vào trung tâm Hỗ trợ xã hội.
Khi tiếp xúc với phóng viên, những em này kể, nhiều lần bị cô giáo (người quản lý Nhà mở) đánh nên phải bỏ trốn. Từ lời kể của trẻ con, nhiều phóng viên đã viết bài phê phán nặng nề. Những bài viết về câu chuyện “hành hạ trẻ em ở Đồng Nai” được giật những cái tít “tra tấn như thời Trung cổ”, “địa ngục trần gian”, “bảo mẫu dã man” v.v. Đã có 20 cơ quan báo, đài với trên 30 tác phẩm báo chí cùng “vào cuộc” trong sự kiện này (kể cả những tờ báo của thành phố Hà Nội) đã tạo ra một áp lực dư luận lớn.
Sau khi sự việc xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với các cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ sự việc, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai để tiếp nhận trẻ. Sau hơn một tháng làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, ngày 17.12.2010, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Biên Hòa đã có báo cáo kết quả xác minh, không có sự việc các cháu ở Nhà mở Đồng Nai bị gây thương tích và bị hành hạ như báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, các cháu bị thương tích là do té ngã và Công an Thành phố Biên Hòa sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Sau gần 3 tháng phải sống dưới búa rìa dư luận oan ức khi bản thân đang mang thai, cô giáo vẫn không nhận được một lời xin lỗi nào từ các cơ quan báo chí dù chị không yêu cầu cải chính hay bồi thường.
4. Câu chuyện thứ tư: nguồn tin chủ động đánh bóng bản thân hoặc tổ chức mình
Ngày 1.4.2011 tại Lèn Cờ đã xảy ra vụ sập mỏ đá khiến 18 người chết, trong đó phần lớn là phụ nữ, 6 người bị thương nặng, để lại 54 trẻ mồ côi. Nguyên nhân được xác định là phương pháp khai thác không đúng (khoét hàm ếch), người lao động thiếu các thiết bị an toàn và không được đào tạo về an toàn lao động. Tuy nhiên, chỉ trước đó mấy tháng, bài báo An toàn lao động ở mỏ đá Lèn Cờ (thời điểm xuất bản: thứ Năm, 25.11.2010 15:04 http://congannghean.vn/NewsDetails.aspx?NewsID=929) của tác giả Nguyễn Quế Văn đã viết như sau: Kể từ ngày thành lập (2007) đến nay, công ty luôn chú trọng việc đảm bảo an toàn trong lao động cho người và phương tiện Mỏ đá Lèn Cờ (thuộc xã Nam Thành, huyện Yên Thành) do Công ty TNHH Chín Mén khai thác. Hàng ngày tại mỏ có 60 lao động làm việc, trong đó có 20 thợ khoan nổ mìn đã qua đào tạo và 40 công nhân bốc xếp. Ngoài việc mua bảo hiểm lao động cho 100% công nhân và bảo hiểm thân thể cho công nhân chuyên nghiệp, hàng ngày công ty thực hiện nghiêm túc việc nổ mìn theo giờ quy định. Mỗi năm công ty khai thác từ 45.000 - 50.000m3 đá các loại, đáp ứng nhu cầu dân sinh trên địa bàn và một phần của huyện Diễn Châu, thành phố Vinh. Nhờ chú trọng khâu an toàn trong lao động nên qua 3 năm khai thác, công ty chưa để xảy ra một vụ tai nạn nào đáng tiếc. Hiện công ty đang tập trung mở hệ thống thoát nước thải xung quanh lèn nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực khai thác trong mùa mưa.
5. Qua những câu chuyện trên, công chúng bị lừa do sự thiếu tính chuyên nghiệp của các nhà báo khi tiếp cận, khai thác nguồn tin
a/ Với nguồn tin là những nạn nhân
Trong câu chuyện về cô “Lượm” và trẻ em bị cô giáo “tra tấn”, chúng ta thấy rõ, các nguồn tin là những người dân bình thường, họ có điều kiện xã hội “thấp hơn”, sống ở nông thôn, là phụ nữ, trẻ em nghèo bị “ức hiếp”. Rõ ràng, họ là những “nguồn tin” ít khi có tiếng nói trên báo chí, truyền thông đại chúng, và chỉ xuất hiện khi họ là nạn nhân. Ở đây, “nguồn tin” là “nạn nhân”.
Câu chuyện tác nghiệp của các nhà báo trong vụ việc “Bốn đứa trẻ Nhà mở Đồng Nai bỏ trốn” và cô “Lượm” là những ví dụ khá điển hình cho những sai sót do không hoặc thiếu kiểm chứng trong tác nghiệp. Xuất phát từ tâm lý “bảo vệ cái yếu”, trong bối cảnh gặp các “nhân vật” có cảnh đời éo le, bất trắc, các phóng viên dễ dàng tin ngay vào câu chuyện mà họ được kể. Trong trường hợp các trẻ em ở Đồng Nai, “nguồn tin” không chỉ có “lời con trẻ” mà có các cán bộ đã tiếp nhận các cháu sau khi bỏ trốn. Các cán bộ cũng tin lời kể của các em, điều này đã làm các nhà báo quên đi kỹ năng nghiệp vụ, thiếu thẩm định cần thiết để rồi kết luận vội vã.
Vụ “người hùng” trở về sau cơn bão Chan Chu cũng đã xảy ra trong bối cảnh tương tự như vậy. Cơn bão lớn này đã cướp đi sinh mạng và tài sản của biết bao người dân Miền Trung. Trước sự cảm thông, chia sẻ của cả nước đối với nỗi đau khổ, mất mát của những gia đình bị nạn, các nhà báo, cũng có trái tim xúc động như hàng triệu người dân Việt Nam, đã dễ dàng bị mê hoặc bởi câu chuyện tưởng tượng ra của ông Hương.
Trong cả ba trường hợp trên, các nhà báo đã bị trái tim “nóng” tràn lấp các kỹ năng nghiệp vụ là hỏi và kiểm chứng dữ kiện. Các nhà báo thường đặt những câu hỏi khó hoặc đặt nghi vấn đối với những nhân vật có vị trí trong xã hội. Nhưng trong bối cảnh các nhân vật ở các vị trí thấp kém trong xã hội, các nhà báo dường như dễ dàng tin và có thái độ xuề xoà hơn.
Các tình huống trên đây là bài học kinh nghiệm của các nhà báo trong tác nghiệp. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà báo cũng phải hành động có tính khách quan. Nhà báo là người đi thu thập thông tin, kiểm chứng thông tin, viết thông tin đó một cách khách quan và đăng tải cho công chúng. Để làm được điều đó, nhà báo luôn phải tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp, tác nghiệp một cách chuyên nghiệp chứ không phải tác nghiệp theo cảm xúc.
b/ Với nguồn tin là một tổ chức muốn đánh bóng tên tuổi qua truyền thông
Trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, nhiều tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng truyền thông như một công cụ để xây dựng thương hiệu của mình. Đây là một hoạt động liên quan đến sự phát triển của ngành PR tại Việt Nam. Nghề báo và nghề PR đều có cùng mục đích đưa thông tin tới công chúng, chia sẻ lợi ích truyền tải thông tin đến quảng đại quần chúng. Nhưng về cơ bản hai nghề này có nhiều điểm khác nhau hơn giống nhau.
Báo chí là để phục vụ quảng đại quần chúng. Vai trò của nhà báo là phục vụ lợi ích chung của công chúng, của quốc gia và dân tộc trong bất kỳ tình huống nào. Ngược lại, PR thì phục vụ một tổ chức cụ thể, hoặc trong nhiều trường hợp các công ty PR chuyên nghiệp phục vụ khách hàng trả tiền cho họ để xây dựng và quản lý những mối quan hệ nhằm làm cho tổ chức đó và khách hàng đó đạt được mục đích của họ. Tóm lại, nhà báo phục vụ quyền và nhu cầu thông tin của công chúng, còn nhà PR chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu của khách hàng của họ.
Trong câu chuyện thứ tư về mỏ đá Lèn Cờ, câu chuyện được tiết lộ sau khi xảy ra tai nạn ở đây cho thấy doanh nghiệp Chín Mến đã đánh lừa dư luận bằng việc đưa ra thông tin rằng công ty luôn chăm lo việc bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Thực tế, hơn 4 tháng trước khi xảy ra tai nạn, đã có nhà báo thực tập ở Đài huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện ra sự nguy hiểm chết người của mỏ đá Lèn Cờ và viết bài gửi báo Công an Nghệ An, nhưng bài báo này đã không được đăng. Ngược lại, ngay sau đó, báo này đã đăng bài của tác giả Nguyễn Quế Văn. Có thể thấy, doanh nghiệp Chín Mến đã sử dụng báo chí ca ngợi mình để che giấu những việc làm khuất tất, cụ thể là phương pháp khai thác không đúng, người lao động thiếu các thiết bị an toàn và không được đào tạo về an toàn lao động. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Quế Văn hoặc là tin theo các báo cáo, con số của nguồn tin, không kiểm chứng, hoặc không thực hiện vai trò của nhà báo mà sử dụng cơ quan báo chí (Công an Nghệ An) để làm “truyền thông” cho doanh nghiệp này.
Nguyễn Quế Văn và báo Công an Nghệ An đã đăng tin bài sai sự thật, có thể gián tiếp dẫn tới sự chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước trong giám sát doanh nghiệp, dẫn tới tai nạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với người lao động ở mỏ đá Lèn Cờ.
Các tình huống trên cho thấy, sản phẩm thông tin do nhà báo làm ra là sai sự thật vì nhà báo hoàn toàn dựa vào nguồn tin và thiếu kiểm chứng. Các nguồn tin ở đây lại chính là chủ thể quản lý đầu ra của thông tin bằng cách xuất hiện như là một thành viên trong sân chơi, và thừa nhận sự quan tâm của công chúng bằng cách sử dụng ngôn từ tin tức để bảo vệ cho lý lẽ của họ; bằng cách chối bỏ sự tiếp cận của báo chí vào lãnh địa hoạt động của họ; bằng cách kiểm soát báo chí qua việc cung cấp thông tin lựa chọn và những giá trị phù hợp với lợi ích của họ. Các nhà báo đã không thực hiện đúng vai trò của nhà báo là cung cấp thông tin chính xác, đúng sự thật, và họ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
6. Những câu hỏi cần thiết giúp nhà báo tác nghiệp chuyên nghiệp
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là làm thế nào để người dân được thông báo một cách đầy đủ, sâu sắc, công bằng và chính xác. Đây cũng là vai trò của báo chí trong xã hội và qua đó, quần chúng đã gửi gắm sự tin cậy của họ đối với báo chí. Qui ước tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam đặt ra 10 tiêu chí cho họat động báo chí của các nhà báo Việt Nam. Còn ở nhiều nước trên thế giới, ngoài các văn bản qui định đạo đức nghề nghiệp chung do công đoàn các nhà báo đề ra, các nhà báo nước ngoài còn phải chịu sự hướng dẫn qui định đạo đức của từng hãng nơi họ làm việc.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu báo chí và các nhà báo trên thế giới đã tích cực đóng góp trong việc làm phát triển nhận thức về đạo đức nghề nghiệp. Sau đây là một số câu hỏi nhằm giúp các nhà báo suy nghĩ để có những quyết định đúng đắn trong khi làm báo do nhiều tác giả đưa ra. Các nhà báo Việt Nam có thể tham khảo và rút ra những điều cần ngẫm nghĩ cho chính mình trước khi quyết định cầm bút viết.
1/ Tôi biết cái gì và cái gì tôi cần biết?
2/ Mục đích bài báo của tôi là gì?
3/ Những vấn đề đạo đức tôi cần quan tâm là gì?
4/ Những qui định nghề nghiệp tôi cần quan tâm?
5/ Làm thế nào để tôi đưa những ý kiến, những quan điểm khác nhau để giúp cho sự phát triển chung của xã hội?
6/ Các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin có ảnh hưởng đến quyết định đăng bài của tôi không? Động lực của họ là gì, có hợp lý không?
7/ Những tác động gì có thể xảy ra do bài viết của tôi?
8/ Những giải pháp gì có thể giúp tôi hoàn thành tối đa nghĩa vụ đưa tin một cách trung thực?
9/ Tôi có thể bảo vệ, lý giải những quyết định đăng thông tin của tôi một cách rõ ràng và đầy đủ trước các bạn đồng nghiệp, trước cơ quan báo chí, và lớn hơn cả là trước dư luận công chúng?./.
_____________________________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7.2011
PGS, TS Đinh Thị Thuý Hằng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận