Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
1. Nhận thức về truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số
Truyền thông là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin giữa hai hoặc nhiều người với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội(2). Chính sách là một tập hợp các biện pháp của Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng được thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội(3).
Trên cơ sở khái niệm truyền thông, khái niệm chính sách và một số quan niệm của các tác giả, chúng tôi đồng ý với tác giả Nguyễn Đình Thành: truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, của cộng đồng và của toàn xã hội(4).
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ, ngày càng trở nên phổ biến, mô tả việc ứng dụng công nghệ số hay gọi là số hóa (Digitalize) vào tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực truyền thông chính sách, làm thay đổi toàn diện các yếu tố cấu thành hoạt động truyền thông, tăng hiệu quả tương tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cao, thiết thực và nhanh chóng cho đối tượng truyền thông.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách trước hết chính là việc sử dụng các công cụ, giải pháp công nghệ số để đổi mới mô hình, cách thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan truyền thông chính sách. Thực chất là chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số, là sử dụng công cụ kỹ thuật số để tự động hóa và cải thiện cách làm việc hiện tại. Đây được xem là bước khởi đầu của quá trình chuyển đổi số và hiện nay nhiều cơ quan truyền thông chính sách ở Việt Nam đã và đang triển khai, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm và dịch vụ truyền thông chính sách. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở việc đầu tư vào công nghệ để số hóa các chức năng và quá trình hiện tại trong hoạt động truyền thông chính sách thì không đủ để chuyển đổi thực sự một đơn vị kinh doanh hay cả một lĩnh vực truyền thông chính sách.
Chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là việc triển khai một loạt những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc cách thức hoạt động truyền thông chính sách, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới trong hoạt động kinh doanh truyền thông chính sách. Trên cơ sở dữ liệu và quy trình được số hóa từ môi trường diễn ra các hoạt động liên quan truyền thông chính sách, sử dụng các công nghệ số phân tích, đánh giá, đưa ra các quyết định để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của đơn vị kinh doanh.
Nói cách khác, chuyển đổi số thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty nhằm tạo những sản phẩm, dịch vụ mới cùng những giá trị và phương thức tiêu dùng mới. Vừa đóng vai trò thông tin tuyên truyền, định hướng, vừa là chủ thể chủ động chuyển đổi số, thậm chí phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, truyền thông chính sách hiện nay đang có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng phải đối diện với không ít thách thức.
Trong công cuộc chuyển đổi số, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, truyền thông chính sách cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số(5).
2. Thực trạng truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam
Nói đến chuyển đổi số là nói về mức độ chuyển hóa thông tin, mà nói đến thông tin là nói về bản chất chức năng của truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách cùng các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò trung gian, ở giữa như chất keo dính, kết nối mỗi cá nhân trong xã hội. Xã hội hiện đại không thể thiếu truyền thông chính sách. Nói cách khác, tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống hiện đại đều cần sự kết nối của truyền thông như một yếu tố trung gian của xã hội thông tin. Và như vậy, truyền thông chính sách phải là mạch sống, là động lực cho tất cả các lĩnh vực hoạt động. Nhưng trong bối cảnh nói trên, dường như truyền thông chính sách đang bị xếp ở vị thế thứ yếu.
Quá trình chuyển đổi số trong truyền thông chính sách ở nước ta thời gian qua tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn đang chậm hơn xu thế chung. Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng ngại triển khai chuyển đổi số trong truyền thông chính sách. Khi chuyển đổi số không phải chỉ thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người. Chuyển đổi số nói chung và chuyển đối số trong truyền thông chính sách nói riêng là chương trình hành động mới và khó.
Do lĩnh vực truyền thông mới luôn biến động không ngừng, để việc xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý bắt nhịp với thực tiễn nên áp dụng cách tiếp cận “Sandbox”:“Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ”(6).
Nguyên nhân của thực trạng chậm triển khai chuyển đổi số trong truyền thông chính sách là:
Thứ nhất, nhận thức về vai trò, sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số hiện là xu thế mang tính tất yếu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tuy nhiên không phải tất cả những người có trách nhiệm trong đơn vị truyền thông chính sách hiểu thấu đáo được vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan truyền thông chính sách của Việt Nam còn chậm; đa số các cơ quan báo chí, truyền thông mới bắt đầu ở giai đoạn ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tác nghiệp...
Thứ hai, thách thức về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách. Vai trò nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trong chuyển đổi số rất quan trọng, nhưng hiện nay đây lại là rào cản chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan truyền thông chính sách gặp khó khăn trong chuyển đổi số; đồng thời, cũng là điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Riêng về công nghệ thông tin, năm 2020 Việt Nam thiếu 400.000 nhân sự; năm 2021 con số này vào khoảng 500.000 nhân sự. Để chuyển đổi số thành công, không chỉ cần đội ngũ phóng viên, biên tập viên có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi mà còn cần hiểu biết về công nghệ mới. Đây là điểm yếu trong khâu đào tạo thuộc hệ thống các cơ sở đào tạo truyền thông chính sách của Việt Nam. Hiện nay, mới có khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Thứ ba, nguồn lực đầu tư của không ít các cơ quan truyền thông chính sách đang là một trong những thách thức quan trọng với quá trình chuyển đổi số. Cùng với quá trình chuyển sang thực hiện cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, truyền thông chính sách cũng đã có bước chuyển nhưng còn chậm; số các cơ quan báo chí tự chủ không nhiều. Theo Cục Báo chí, năm 2019 số cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về kinh phí mới đạt 39%, tự chủ một phần là 36%,... Những khó khăn trong nguồn thu ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư đổi mới cơ sở hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số.
Thứ tư, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương thành những quy định cụ thể trong các hoạt động chuyển đổi số diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn, chưa có đổi mới về cơ chế tài chính, khởi nghiệp công nghệ; thiếu quy định về các vấn đề tài sản, đầu tư... Trong chuyển đổi số, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng, tuy nhiên việc dữ liệu có được coi là bí mật kinh doanh hay không và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào vẫn chưa được quy định rõ; vấn đề bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số cụ thể ra sao, bảo vệ dữ liệu và khai thác dữ liệu người dùng thế nào... cần phải được thể chế hóa. Để có thể thúc đẩy nền báo chí dựa trên công nghệ số, rất cần có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng và tạo ra cơ chế để các cơ quan truyền thông chính sách kết nối, khai thác nguồn dữ liệu và làm giàu thêm nguồn dữ liệu số. Thực tế hiện nay vẫn còn có sự tách biệt nguồn dữ liệu giữa các lĩnh vực, các bộ ngành trong nền kinh tế.
Thứ năm, khung khổ pháp lý hiện nay đang bộc lộ những hạn chế, bất cập so với biến động của thực tiễn và dần trở thành kẽ hở hoặc sự ngăn trở đổi mới phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo, quản lý cho rằng, cần đẩy nhanh nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí có nội hàm bao quát rộng hơn đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về truyền thông chính sách, truyền thông phù hợp điều kiện mới (ví dụ: cần có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, cần có quy định về chế độ lưu chiểu đối với loại hình đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp...), qua đó tạo khuôn khổ thể chế cho phát triển truyền thông chính sách, trong đó có các phương tiện truyền thông trên Internet.
Trong sự phát triển của không gian thông tin hiện nay, việc bảo vệ thông tin cá nhân và mối quan hệ giữa thông tin cá nhân với truyền thông chính sách phải dựa cùng lúc vào hệ thống của nhiều luật khác nhau, như: Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử... Tuy nhiên, hiện nay, mỗi luật đang nhìn nhận vấn đề này ở các khía cạnh khác nhau, chưa đồng bộ. Do vậy, trong bối cảnh truyền thông mới, trước thách thức về an ninh thông tin nói chung, an ninh thông tin cá nhân trên mạng nói riêng, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 40 quốc gia đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Nói đến chuyển đổi số truyền thông chính sách cũng đồng thời nói đến việc đổi mới hạ tầng công nghệ truyền thông chính sách. Việc thúc đẩy các hạ tầng công nghệ mới phải dựa trên pháp luật về công nghệ phù hợp. Như vậy, cần thúc đẩy nhanh chóng tiến trình sửa đổi Luật Viễn thông và sớm xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Thực tế sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới; thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của môi trường truyền thông số mà trong đó hoạt động truyền thông chính sách có vai trò quan trọng.
Thứ sáu, chuyển đổi số có hiệu quả, thành công hay không phụ thuộc vào việc bảo đảm an ninh thông tin và thị trường truyền thông chính sách. Việc cập nhật các giải pháp tiên tiến, từ công nghệ, dịch vụ đến con người, quy trình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là vô cùng quan trọng. Trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nếu an ninh thông tin không được bảo đảm thì không chỉ là mất dữ liệu, thiệt hại tài chính, mà còn bị chiếm quyền sử dụng, thay đổi giao diện, xuyên tạc nội dung thông tin, gây hoang mang, làm giảm niềm tin của công chúng vào đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước(7).
3. Nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian tới
Để đẩy mạnh truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số, trước mắt tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm rõ nội dung, vai trò và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực truyền thông chính sách nói riêng để tạo quyết tâm, đồng thuận. Chuyển đổi số là con đường để truyền thông chính sách phát triển, thực hiện các chức năng của mình trong kỷ nguyên số. Các đơn vị truyền thông chính sách cần đẩy mạnh quá trình này, xem chuyển đổi số là chiến lược phát triển trọng tâm và hình thành chiến lược chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển chung. Đương nhiên việc chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách không chỉ là công việc của các đơn vị truyền thông chính sách, mà là công việc chung cả xã hội, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội, những đối tượng thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ truyền thông chính sách.
Hai là, xây dựng chương trình đào tạo “Truyền thông chính sách số”. Vấn đề của truyền thông chính sách số hay truyền thông chính sách hội tụ, truyền thông chính sách đa phương tiện không hẳn nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người. Hai yếu tố cốt lõi liên quan vấn đề con người trong chuyển đổi số là nằm ở nhu cầu của công chúng và năng lực của người cung cấp thông tin.
Trong hai yếu tố đó thì nhu cầu của công chúng là điều có thể thấy rõ thông qua các khảo sát gần đây về tình hình sử dụng các phương tiện, các nền tảng khác nhau trong việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng từng khẳng định rằng, mục tiêu cốt lõi của chuyển đổi số là “để phục vụ bạn đọc tốt hơn”. Vấn đề còn lại nằm ở năng lực, tư duy và thói quen của những người cung cấp thông tin, cụ thể ở đây là các lãnh đạo cơ quan truyền thông chính sách và chính chủ thể truyền thông chính sách, phóng viên cung cấp thông tin cho công chúng.
Để có một chủ thể truyền thông chính sách chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển truyền thông chính sách và công chúng phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo truyền thông chính sách, các đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ và chính bản thân chủ thể truyền thông chính sách. Trong ba yếu tố đó, vai trò của các đơn vị đào tạo truyền thông chính sách là rất quan trọng.
Ba là, đầu tư nguồn lực cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số. Việc bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động kinh doanh trong môi trường số, ngoài các quy định pháp luật, ý thức và trình độ phóng viên thì hạ tầng công nghệ hiện đại là điều kiện không thể thiếu. Do vậy, cần khai thác các nguồn lực, đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đi liền với tận dụng, lựa chọn các đối tác có uy tín trong hoạt động bảo mật khi thuê hạ tầng.
Bốn là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của truyền thông chính sách trong môi trường số. Chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Kinh doanh trên nền tảng số có những đặc điểm khác biệt, nên cần có quy định phù hợp, mở đường cho phát triển các mô hình mới, các dạng sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tạo cơ chế giao tiếp về nội dung, tài chính, quyền sở hữu tương thích trong môi trường số. Do là lĩnh vực mới, cần có thực tế để hình thành các quy định phù hợp, nên trước mắt, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và đặc thù thị trường Việt Nam có thể triển khai các mô hình thí điểm, từ đó tổng kết để có những quy định phù hợp bảo đảm hài hòa các lợi ích của các chủ thể trên thị trường.
Năm là, xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số truyền thông chính sách”. Hoạt động chuyển đổi số truyền thông chính sách sẽ thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tiễn, thậm chí chỉ mang tính “hình thức, hô hào” nếu như không có một hệ thống sở cứ xác thực nhằm xác định tính hiệu quả của chuyển đổi số của từng cơ quan truyền thông chính sách và cả hệ thống truyền thông chính sách đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện để từ đó ban hành những định hướng, chính sách phù hợp.
Ở góc độ này, bộ chỉ số chuyển đổi số truyền thông chính sách sẽ là chỉ dấu quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện. Một trong những yêu cầu cần hướng đến trong chiến lược chuyển đổi số truyền thông chính sách Việt Nam tầm nhìn 2030 là việc xây dựng được những tiêu chí, chỉ số đánh giá, khuyến nghị phù hợp. Trước mắt, việc tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo thường niên đánh giá chuyển đổi số cần thực hiện bài bản, khách quan, công bằng; không phải là thao tác xếp hạng thuần túy mà phải giúp hình thành những giải pháp khuyến nghị cụ thể để cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp điều chỉnh, thúc đẩy việc hiện thực hóa chiến lược thành công.
Sáu là, xây dựng “không gian thực hành chuyển đổi số truyền thông chính sách”. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp các tổ chức, cơ quan ban, ngành tổ chức một số diễn đàn lớn nhằm quy tụ nhiều nhà quản lý, chuyên gia phân tích truyền thông chính sách, truyền thông, công nghệ. Cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông chính sách nên quan tâm hơn về ý tưởng phối hợp với các trung tâm đào tạo về truyền thông chính sách hiện nay tại ba miền Bắc - Trung - Nam, xây dựng các mô hình thực hành, thực nghiệp, đổi mới sáng tạo truyền thông chính sách. Đó vừa là đầu tư cho hiện tại, vừa là đầu tư cho thế hệ tương lai.
Thay vì chỉ chờ đợi một nguồn duy nhất là nguồn ngân sách công để đầu tư mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất, có thể tạo cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của những “ông lớn” về công nghệ, để khai thác những hệ thống trang thiết bị mới nhất. Thay vì phụ thuộc nguồn nhân lực công nghệ từ bên ngoài thì có thể tái đào tạo và tạo cơ hội học tập trọn đời trên môi trường số cho đội ngũ đông đảo nhân sự truyền thông chính sách hiện nay.
Bảy là, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông chính sách. Số hóa các tư liệu, tài liệu, xuất bản phẩm đa phương tiện là sản phẩm của Đề án để lưu trữ tại cơ sở dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Hiệu chỉnh và xây dựng thêm các nội dung bổ trợ nhằm khai thác tối đa dữ liệu đã số hóa (đa ngôn ngữ, xây dựng các ấn bản điện tử bổ trợ) tiến tới xây dựng hệ sinh thái thông tin chính sách trên môi trường mạng. Ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, website 3D, mô hình, ứng dụng (app)... nhằm cung cấp các trải nghiệm, tương tác để từng bước nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tối đa sự hứng thú, tạo ấn tượng để người dân cùng tham gia tuyên truyền thành tựu quyền con người, quảng bá đất nước.
Ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, điều hướng thông tin, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người ở Việt Nam. Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu chính sách phục vụ lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả các sản phẩm truyền thông chính sách(8).
Tám là, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và các địa phương liên quan, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đổi mới hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong các hoạt động truyền thông chính sách(9). Chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở đổi mới cách thức, nội dung, hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, báo chí, mạng xã hội; chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động thông tin, báo chí và trên không gian mạng. Phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các kênh thông tin trên mạng xã hội đủ mạnh, bằng nhiều thứ tiếng để chủ động đấu tranh với luồng thông tin xấu độc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an toàn thông tin trên không gian mạng. Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Chín là, các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hóa phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan chủ lực, có nhiệm vụ xây dựng các hình thức tuyên truyền chuyên sâu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như chuyên trang, chuyên mục, tuyến bài tuyên truyền trọng điểm. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới(10)./.
_______________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(2) https://vietintravel.com/truyen-thong-la-gi-va-suc-manh-cua-truyen-thong-hien-nay/
(3) PGS, TS. Trần Thị Thanh Thủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Vai trò và các yêu cầu đối với truyền thông chính sách, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/01/05/vai-tro-va-cac-yeu-cau-doi-voi-truyen-thong-chinh-sach/, cập nhật ngày 5.1.2021.
(4) Nguyễn Đình Thành (2014), Ứng dụng truyền thông trong vận động chính sách, Bài trên trang của Thành: http://nguyendinhthanh
(5) Lê Nguyễn (2022), Chuyển đổi số báo chí, truyền thông hiện đại - sự tổng hòa của các yếu tố, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/chuyen-doi-so-bao-chi-truyen-thong-hien-dai-su-tong-hoa-cua-cac-yeu-to-612136.html, truy cập ngày 1.6.2022.
(6) PGS, TS. Bùi Chí Trung, TS Phan Văn Kiền, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội & nhà báo Nguyễn Bá - Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Một số khuyến nghị về định hướng chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia, https://nhandan.vn/mot-so-khuyen-nghi-ve-dinh-huong-chien-luoc-chuyen-doi-so-bao-chi-quoc-gia-post700921.html, truy cập ngày 11.6.2022.
(7) PGS,TS Vũ Văn Hà, Đại học Đại Nam (2021), Báo chí, truyền thông trong xu thế chuyển đổi số, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/bao-chi-truyen-thong-trong-xu-the-chuyen-doi-so-137238, truy cập ngày 21.12.2021.
(8) Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam.
(9) Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.
(10) Thủ tướng Chính phủ (2021), Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông số 2/2023
Bài liên quan
- Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
- Ứng dụng công nghệ truyền thông nhìn từ xu hướng "selfie" trên mạng xã hội
- Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
- Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
- Bài 2: Không có công thức chung cho một “tòa soạn số”
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền cảm hứng sáng tạo và tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục cống hiến
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” sẽ là giải thưởng lớn mang tầm quốc gia về khoa học và công nghệ, với bản sắc riêng của khoa học lý luận chính trị, góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, không ngừng đổi mới, sáng tạo để có những công trình khoa học lý luận chính trị có chất lượng.
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, báo chí đối ngoại được xem như là công cụ chủ đạo, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh quốc gia trên báo điện tử VietnamPlus.
Ứng dụng công nghệ truyền thông nhìn từ xu hướng "selfie" trên mạng xã hội
Ứng dụng công nghệ truyền thông nhìn từ xu hướng "selfie" trên mạng xã hội
Hiện nay, ngày càng có nhiều mạng xã hội mới hoạt động dựa trên dữ liệu dựa trên dịch vụ định vị vị trí - Location Based Services (viết tắt là LBS)(1) tham gia vào thị trường xây dựng nền tảng trực tuyến. Các mạng xã hội này đều phát triển tính năng “selfie" đáp ứng sự yêu thích của người dùng đối với tính năng này. Tính năng "selfie", trong tiếng Việt để chỉ việc tự chụp ảnh của chính mình mà không cần sự giúp đỡ từ người khác; theo ngôn ngữ nói, là "tự sướng". Hiện nay, việc "chụp ảnh tự sướng" đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển tính năng cho các nền tảng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng. Về mặt tâm lý, những bức ảnh selfie đẹp giúp người dùng cảm thấy tự tin hơn và mang lại niềm vui khi chia sẻ với bạn bè. Hành vi này không chỉ phản ánh nhu cầu mới của người dùng mà còn có thể tác động đến các nhà phát triển ứng dụng, trở thành một yếu tố tham khảo quan trọng trong việc phát triển sản phẩm công nghệ.
Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
Những nguy cơ mất an toàn trong sử dụng mạng xã hội trên không gian mạng của sinh viên hiện nay
Bài viết đề cập đến thực trạng sử dụng mạng xã hội (MXH) và nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng cuả sinh viên thông qua phân tích dữ liệu khảo sát 598 mẫu là sinh viên tại 5 trường đại học tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên dành nhiều thời gian trong ngày sử dụng MXH và sử dụng đồng thời nhiều MXH. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cung cấp nhiều thông tin cá nhân trên MXH, không chú ý đến các điều khoản bảo mật của các MXH cũng như chưa chú trọng nguyên tắc bảo mật khi sử dụng MXH, có nhiều hành vi nguy cơ dẫn đến mất an toàn bản thân trên không gian mạng. Đây là nguyên nhân dẫn đến trên 80% sinh viên đã từng rơi vào những tình huống hay nguy cơ rủi ro trên không gian mạng. Kết quả nghiên cứu góp phần bổ sung thêm hiểu biết và cơ sở khoa học định hướng giải pháp giảm nguy cơ rủi ro và tăng cường an toàn trên không gian mạng cho sinh viên nói riêng và người sử dụng MXH nói chung.
Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
Bài cuối: Đoàn kết, bản lĩnh tạo không gian thực hành chuyển đổi số báo chí
Với vai trò là đội quân xung kích, là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn của mình dưới tác động của chuyển đổi số.
Bình luận