Việc sử dụng các yếu tố ngữ âm trong hành vi nói trên truyền hình
Trong ngôn ngữ học, hành vi nói bao gồm: việc sử dụng các yếu tố ngữ âm, việc sử dụng các yếu tố từ vựng và việc sử dụng các yếu tố ngữ pháp. Bài viết này nghiên cứu việc sử dụng các yếu tố ngữ âm trong hành vi nói trên truyền hình dưới góc độ lý thuyết ngôn ngữ học, bao gồm: thanh điệu và chất giọng; nhịp điệu; sự phân tiết; trọng âm, điểm nhấn; tốc độ.
1. Thanh điệu và chất giọng
Ngôn ngữ truyền hình là sự kết hợp đa phương tiện: hình ảnh, âm thanh, ký tự, biểu bảng, biểu đồ. Như vậy, chất liệu giao tiếp chính của truyền hình là: hình ảnh (cả hình ảnh động lẫn hình ảnh tĩnh), âm thanh (gồm lời nói, tiếng động, âm nhạc) và chữ viết. Ba chất liệu ngôn ngữ này tạo cho truyền hình lợi thế truyền tải thông tin vừa sống động, sinh động, hấp dẫn, vừa cụ thể, chính xác, khách quan.
Trong giao tiếp truyền hình, hình ảnh là thứ ngôn ngữ quan trọng nhất; âm thanh - cụ thể là lời nói, đứng vị trí thứ hai, đóng vai trò hỗ trợ hình ảnh. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, vị trí, tầm quan trọng của ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ lời nói gần như ngang bằng nhau; hình ảnh luôn cần đến sự dẫn giải bằng ngôn ngữ lời nói. Nếu thiếu lời nói, hình ảnh sẽ mơ hồ khó hiểu, kém chính xác. Và như vậy, sẽ không còn là tác phẩm báo chí. Những ý niệm, khái niệm trừu tượng, thế giới cảm xúc và tư duy sâu kín, tinh tế, phức tạp của con người phải cần đến lời nói để chuyển tải. Ở những chương trình đối thoại, giao tiếp với công chúng, lời nói thậm chí giữ vai trò trung tâm; hình ảnh làm nhiệm vụ hỗ trợ, bổ sung, làm sinh động, chính xác hóa cho lời. “Trên truyền hình, lời nói còn làm nhiệm vụ khơi nguồn phản hồi của đối tượng tiếp nhận thông tin, khuyến khích, tạo cơ hội cho công chúng xuất hiện nhiều hơn trên sóng. Bên cạnh đó, lời nói của nhà báo trên sóng truyền hình còn có tác dụng định hướng, dẫn dắt lời ăn tiếng nói của công chúng”(1).
Yếu tố góp phần làm nên đặc trưng riêng của mỗi biên tập viên, phát thanh viên/phóng viên chính là thanh điệu và chất giọng. "Ăn nói gió đưa ngọt ngào" là nói năng nhẹ nhàng, thanh thoát, lời nói có hồn, có tình, có nhạc điệu, dễ quyến rũ, đi vào lòng người như rót mật.
Trong ngôn ngữ học, hiểu theo nghĩa hẹp thì chất giọng là kết quả của sự điều hợp dây thanh của các cơ trong quá trình sản sinh lời nói mà chúng ta không thể quan sát được bằng mắt nhìn thông thường. Nghiên cứu bằng các phương tiện kỹ thuật đã cho phép quan sát được kích cỡ, hình dáng của sóng tạo ra khi luồng không khí đi qua thanh hầu đang mở để tạo âm. Nhờ đó, chúng ta có thể biết sự điều hợp dây thanh của các cơ ở thanh hầu vốn quy định kích cỡ, dáng vẻ của sóng đó(2).
Âm tiết tiếng Việt luôn luôn có diện mạo mạch lạc, phân chia rạch ròi. Âm tiết nào cũng mang thanh điệu với các âm vực khác nhau, độ khép - mở khác nhau tạo ra vần nhịp, tiết tấu và sự trầm bổng, réo rắt cho giọng nói, khiến cho tiếng Việt khi thì nhẹ nhàng ngân vang, khi thì nghẹn ngào, sâu lắng.
Nói năng là hoạt động của mỗi cá nhân nên lời nói luôn có tính cá nhân. Khi nói năng, các yếu tố ngôn điệu tạo ra bản sắc cho từng giọng nói của mỗi người.
Các biên tập viên/phát thanh viên/phóng viên truyền hình có được chất giọng tốt là điều kiện “cần”, nhưng để có “đủ” thì cần phải có chuyên môn cao và kiến thức về ngôn ngữ học.
2. Nhịp điệu
Nhịp điệu là chuỗi lời nói liên tục (tự nhiên, hoặc đọc) được phân chia một cách tự nhiên thành các khúc đoạn khác nhau, và ở giữa chúng là các ngắt giọng (pause). Các khúc đoạn lời nói khác nhau dài ngắn khác nhau, và có thể được xác định/ đo đếm bằng số lượng các âm tiết có mặt và bằng milli giây một cách thực nghiệm, hoặc là cả hai đơn vị này.
Lời nói trong diễn ngôn là yếu tố động, gồm chuỗi âm thanh liên tục của hai quá trình ngược nhau: quá trình làm nổi bật và quá trình hoà kết. Trong đó, thanh điệu và ngữ điệu thuộc quá trình hoà kết, còn chỗ ngừng và trọng âm thuộc quá trình làm nổi bật. Những quá trình này có điểm hợp nhất là tính nhịp điệu trong ngữ lưu. Mỗi tiết nhịp - đơn vị cơ bản của cả hai quá trình - tạo nên tính hài hoà của lời nói và chính trên đó mà hai quá trình được bộc lộ.
Nhịp điệu trong lời nói của người Việt là một bộ phận quan trọng làm nên đặc trưng cấu trúc tiếng Việt. Nó góp phần tạo nên hiệu quả cho phát ngôn và diễn ngôn. Nhưng trong thực tế sử dụng, có được hiệu quả đó còn tuỳ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật dùng lời của mỗi cá nhân người nói. Dễ dàng nhận thấy là, ngay trong khẩu ngữ hằng ngày của người Việt đã có lối nói có tiết nhịp, cân đối, nhịp nhàng. Điều này có cơ sở từ trong bản chất ngôn ngữ của tiếng Việt.
Để nâng cao tính nhịp nhàng, cân đối đó, trong nói năng, nhất là trên truyền hình, đạt đến mức nghệ thuật (nghệ thuật hoá diễn ngôn) chỉ khi mỗi cá nhân phát thanh viên, biên tập viên/phóng viên trong quá trình sử dụng lời nói có ý thức khai thác triệt để và vận dụng sáng tạo các đặc trưng vốn có của ngôn ngữ để tạo ra vẻ đẹp lung linh, sức quyến rũ cho lời nói của mình.
Nhịp điệu cũng xuất hiện thường xuyên trong lời nói tự nhiên và nhất là trong ngôn ngữ nghệ thuật. Ở đây, nhịp điệu là cấp độ tổ chức ngữ âm cao hơn âm tiết, có chức năng hình thành nên tính chất âm thanh của dòng lời nói. Đó là những tổ chức âm thanh đặc biệt: đều đặn, cân đối, nhịp nhàng, uyển chuyển... được tạo ra từ các cách kết hợp âm tiết như: ngắt nhịp, cường độ, trường độ, tốc độ...
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các loại nhịp cụ thể với cấu trúc thông tin được chuyển tải ở trong thông điệp là một vấn đề cần phải được nghiên cứu nhằm chọn ra các loại nhịp cũng như các kiểu kết hợp các nhịp tối ưu và chuyên dụng đối với các thông điệp thời sự sao cho đạt tới trình độ nghệ thuật và điêu luyện phục vụ cho việc truyền phát các chương trình truyền hình đạt hiệu quả cao với độ dễ nghe, dễ hiểu là công việc mà hầu hết các đài truyền hình chưa làm được tốt. Việc này, một lần nữa, theo chúng tôi, cần có một sự hợp tác chiến lược và thường xuyên giữa ngành ngôn ngữ học và ngành truyền hình trong việc nghiên cứu các cấu trúc tin và việc truyền phát các cấu trúc tin này đến công chúng bằng tiếng Việt nói tự nhiên.
Để đạt được hiệu quả về nhịp điệu như lời nói sống động hàng ngày, cái quyết định là phải có đề tài hay, hấp dẫn, khán giả đang quan tâm; sau nữa người thể hiện (các biên tập viên, phát thanh viên, phóng viên) phải nắm chắc chiều sâu văn hoá và tâm hồn dân tộc, có vốn sống phong phú, lịch lãm, có hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt. Mỗi từ, mỗi ngữ đoạn, mỗi câu trong phát ngôn đều phải toát lên sự mạch lạc, hàm súc, biểu cảm mạnh mẽ, đầy hình tượng, có sức khắc hoạ cao, có đường nét, có hình khối. Mỗi câu phải là một nét vẽ, đồng thời cũng là một tâm hồn làm cho người nghe, kết hợp với hình ảnh - cái trông thấy, có được hình dung hoàn mỹ về ý tưởng trong ý đồ của mình về chủ đề hay đề tài. Có khi lời nói lại phải là một sự công phá mãnh liệt của tiếng nói đanh thép, đầy sức khẳng định, chinh phục hoàn toàn thái độ của người xem. Sự sành điệu của diễn ngôn trên truyền hình là phải cuốn hút, lôi kéo khán giả "vào cuộc", "hoà nhập vào sự tình" như bị thôi miên, bị quyến rũ mà phải dán mắt vào màn hình, không dứt ra được.
3. Sự phân tiết
Trong một chuỗi âm thanh liên tục của lời nói, thao tác đầu tiên của quá trình làm nổi bật có thể nhận thấy là sự đối lập giữa các đoạn âm thanh và các đoạn không có âm thanh. Đoạn không có âm thanh gọi chung là sự phân tiết. Trong các ngôn ngữ phân tiết tính như tiếng Việt, chúng ta có thể thấy có các bậc cấu trúc của sự đối lập đó về trường độ và thời gian từ nhỏ đến lớn như sau: 1/ Chỗ ngắt, 2/ Chỗ ngừng và 3/ Chỗ nghỉ. Thực tế giao tiếp, bằng trực cảm, ta cũng có thể quan sát được các loại đơn vị phân tiết này. Mỗi đơn vị phân tiết được thể hiện ở ranh giới kết thúc của một loại đơn vị có phạm vi tương ứng trong ngữ lưu.
Chỗ ngắt là sự phân tách các âm tiết, có trường độ và thời gian ngắn nhất. Chỗ ngắt là ranh giới của các âm tiết khi đọc hay nói (trên chữ viết là những khoảng trống ước định một cách cách cơ giới); là chỗ kết thúc của âm tiết trước và bắt đầu của âm tiết tiếp theo. Có thể sơ đồ hoá vị trí của chỗ ngắt trong ngữ đoạn như sau: Âm tiết / chỗ ngắt / âm tiết. Ví dụ:
Đất / nước / đẹp / vô / cùng / nhưng / Bác / phải / ra / đi. (Chế Lan Viên)
Việc ngắt âm tiết mang tính cố định và hằng tại, xuất phát từ bản chất phân tiết của tiếng Việt.
Trong khi chỗ ngừng được quan niệm là khoảng dừng (không có âm thanh) giữa các ngữ đoạn (gồm nhiều tiết) trong phát ngôn. Như vậy, về thời gian và trường độ, chỗ ngừng sẽ lớn hơn chỗ ngắt. Ta có thể hình dung vị trí của chỗ ngắt trong ngữ đoạn như sau: Ngữ đoạn / chỗ ngắt / ngữ đoạn. Ví dụ:
Thời trang / là niềm đam mê của rất nhiều người. // Nhưng đã bao giờ quý vị nghĩ đến thời trang tuần hoàn / và thời trang có trách nhiệm với môi trường hay chưa?//
(Phóng viên Tùng Thư VTV, 20.8.2022, thời sự vtv@vtv.vn).
Chúng tôi cũng muốn nói đến một sự tiếp nối khác là chỗ nghỉ. Đây là dấu hiệu sau khi kết thúc một câu hay một chuỗi câu (tức một đoạn văn), trước khi bắt đầu nói hay đọc câu tiếp theo. Cơ cấu của sự thực hiện động thái này như sau: câu, (đoạn) / chỗ nghỉ / câu (đoạn). Ví dụ đoạn nói (dẫn) của phóng viên Nguyễn Ngân trong phóng sự “Đưa na xuống núi”, nói về việc thu hoạch na của bà con huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn:
Âm thanh báo hiệu na chuẩn bị được chuyển xuống núi.// Hai vành xe máy cũ đóng cố định ở hai điểm đỉnh núi và chân núi.// Đường dây một nghìn mét.// Tám gia đình chung nhau một đường dây.// Một lượt vận chuyển tối đa bẩy mươi cân.// Bà con gọi là “tời na”.// Thay vì gánh na mất hơn một tiếng,/ từ trên núi,//giờ chỉ cần vài phút.//
Na xuống núi liên tục.// Để tránh phía dưới na chưa kịp tháo,/ người phía trên đã thả tiếp.// hai thúng na có thể văng vào nhau,// văng xuống núi //…
… Cây na theo chân những đồng bào dân tộc Tày, Nùng, lên những ngọn núi có độ cao 800 mét rồi vào thung lũng.// Nơi nào bước chân người dân đến được, nơi đó có na.//
(Nguyễn Ngân VTV, 21.8.2022, thời sự vtv@vtv.vn)
Một phóng sự ngắn với giọng đọc rõ ràng, rành mạch, biểu cảm với những chỗ ngắt, chỗ ngừng hợp lý của phóng viên Nguyễn Ngân làm cho khán/thính giả rất dễ nghe, thậm chí còn thấy được niềm vui trong lao động sản xuất của bà con vùng cao.
Sự ngưng lời phân tiết (chứ không phải là sự dừng lời, chấm dứt sự nói năng) còn có ý nghĩa căn bản là sự phân đoạn thực tại câu theo hình tuyến và ứng với sự phân biệt nghĩa. Thực tế là sự ngừng nghỉ thường ứng với sự phân tách các đơn vị ngữ pháp mà rõ nhất là trên văn bản viết, những chỗ ngừng, nghỉ đó được đánh dấu bằng hệ thống dấu câu tương ứng với chức năng cụ thể của từng dấu.
Sự ngưng lời (phân tiết) có vai trò, ý nghĩa nhất định, là phương tiện thể hiện nhịp điệu, chỗ ngừng (ngắt quãng), chỗ nghỉ, là những yếu tố tham gia lời nói. Ở đây, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới chỗ ngừng vì nó là sự biểu hiện rõ nhất khả năng làm mạch lạc diễn ngôn về mặt ngữ âm, tạo ra âm hưởng hay bản sắc cho lời nói. Đó là cái dùng để đối lập với chuỗi âm tiết hoặc âm tiết (có vai trò tương đương với chuỗi âm tiết). Lúc này, chỗ ngừng được coi là có đặc trưng nhất định nào đó trong chuỗi âm thanh của lời nói, hay đấy cũng là nét khu biệt trong âm thanh lời nói, được đánh dấu bằng sự vắng mặt của yếu tố âm thanh. Trong chuỗi âm thanh hiện thực (khi nói, đọc, thể hiện văn bản...), việc ngừng, nghỉ là tất yếu và mang tính bắt buộc. Ngừng, nghỉ sau mỗi phát ngôn có tác dụng về mặt cơ học và sinh lý mà trước hết là tác dụng âm học của ngôn ngữ học.
Khi nói hay đọc trực tiếp trên đài truyền hình, các yếu tố ngữ âm có vai trò hết sức quan trọng. Tiếng nói trước hết là âm thanh. Âm thanh là một yếu tố của ngôn ngữ, là hình thức vật chất trong cái biểu đạt của ngôn ngữ. Cùng một nội dung, một hoàn cảnh giao tiếp nhưng người “lợi khẩu” (có tài ăn nói) thì đạt hiệu quả cao hơn người không "lợi khẩu". Khi nói, dấu ấn cá nhân bộc lộ rõ ràng. Như vậy, muốn nói tốt, phải biết khai thác tối đa các yếu tố ngữ âm trong từng tiếng, từng đoạn, từng câu.
Trong chuỗi lời nói hiện thực (khi nói, thể hiện văn bản) thì người nói ngừng, nghỉ là điều tất yếu. Đó là cách để lấy hơi, để tách biệt các đoạn phát ngôn. Tuy nhiên, ở nhiều trường hợp, người nói ngừng nghỉ không do nhu cầu thuần sinh lý mà có chủ định, có ý tứ rõ ràng. Cùng với các yếu tố khác của nhịp điệu, chỗ ngừng phục vụ cho chiến lược giao tiếp của người nói, nhằm tác động có ý thức đến đối tượng tiếp nhận. Ngừng đúng lúc, đúng chỗ, đủ thời lượng là lợi thế của người bản ngữ khi nói. Đối với người nói trên truyền hình, đây không chỉ là yêu cầu đầu tiên về kỹ thuật nói chuẩn mà còn phải được nâng lên thành nghệ thuật.
Sự rời rạc, cẩu thả trong nói năng, diễn đạt là tước đi cái âm hưởng của ngôn từ. Do vậy, không những không lột tả được mà còn làm mất đi cái thần của những ý tưởng, sự sống động của những sự kiện, vẻ đẹp của những sự tình và con người.
Sự ngắt nghỉ, dừng, ngừng cũng cần hết sức chú ý khi nói năng. Sự tùy tiện trong việc "thả" trọng âm, nhấn mạnh không trúng là phản đích diễn ngôn, ngắt câu lung tung, dứt đoạn vô cớ, thiếu cơ sở... tất cả đều làm tổn hại đến hiệu lực của lời nói, của diễn ngôn. Chỉ sơ suất nhỏ một lần cũng đủ xóa sạch mọi cố gắng của người nói, giống như thể nốt nhạc lạc lõng trong một bản hoà tấu hoàn mỹ.
Phát thanh viên/biên tập viên truyền hình nói năng không đạt được những yêu cầu tối thiểu, không tuân thủ đúng nguyên tắc ngừng, nghỉ nghiêm túc, đúng chỗ sẽ phá vỡ kết cấu nghĩa của ngữ lưu, dẫn đến chỗ khó hiểu, gây khó khăn cho sự tiếp nhận, thậm chí thông tin còn bị hiểu sai lệch đi theo hướng tiêu cực. Chẳng hạn, sự ngắt giọng không đúng chỗ do sự ngập ngừng ở mức độ nhẹ cũng gây nên hiệu quả là sự không bình thường của diễn ngôn. Ví dụ:
“Chương trình Thời sự của chúng tôi hôm nay đến đây là hết. Xin cảm ơn quý vị và các bạn đã... dành… thời gian theo dõi”.
4. Trọng âm và điểm nhấn
“Trọng âm là một biện pháp âm thanh làm nổi bật một đơn vị ngôn ngữ học lớn hơn âm tố (âm tiết, từ, ngữ hoặc câu) để phân biệt với các đơn vị khác cùng cấp độ”(3).
Trọng âm logic còn gọi là điểm nhấn. Điểm nhấn (focus) là biện pháp sử dụng từ ngữ của người nói nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn khi giao tiếp. Cùng một phát ngôn nhưng đặt điểm nhấn vào từ nào, cụm từ nào thì nội dung ý nghĩa của phát ngôn đó được nhấn mạnh ở đó. Người ta gọi những điểm nhấn như vậy là trọng âm logic. J.Lions cho rằng: “Trọng âm logic là một kiểu trọng âm đặc biệt. Thông thường một từ nào đó trong câu quan trọng về mặt logic, về mặt ngữ nghĩa mà sự chú ý cần tập trung vào đó, thì được nhấn mạnh bằng một trọng âm logic”(4). Ví dụ như điểm nhấn trong lời nói của Lại Văn Sâm trong các chương trình trò chơi truyền hình đã tạo được ấn tượng với khán giả.
5. Tốc độ
Tốc độ lời nói là sự rải âm tiết khi nói trên một đơn vị thời gian. Do đó, ta thường có nhận xét: nói nhanh, nói chậm, nói bình thường.
Dòng âm thanh được phát ra khi nói là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Nó khác với đọc văn bản vì khi đọc, hiện thực chỉ còn là một phần trực tiếp của tư tưởng mà thôi. Người bản ngữ bao giờ cũng biết chủ động điều chỉnh tốc độ nói cho phù hợp với hoàn cảnh, nội dung, tính chất, mục đích của văn bản và phù hợp với tình cảm khi giao tiếp. Chẳng hạn, nói về những vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội... phải khác với khi nói về những vấn đề thuộc lĩnh vực tình cảm, tâm hồn; chuyện vui khác với chuyện buồn; nói với người già (Câu lạc bộ người cao tuổi), nói với đồng bào dân tộc ít người (chương trình Dân tộc và miền núi) bao giờ tốc độ nói cũng phải chậm rãi, từ tốn, khiêm nhường. Nói với học sinh, sinh viên có thể nói nhanh, sôi nổi, hào hứng, lôi cuốn (chương trình Đường lên đỉnh Olympia, những chương trình dành cho thanh thiếu niên...). Đặc biệt, các chương trình tường thuật các sự kiện, hành động diễn ra nhanh chóng, gấp gáp, sôi động thì tốc độ nói phải theo kịp sự vận động của đối tượng, sự vật, các diễn biến của sự kiện, sự tình như tường thuật bóng đá, thi đấu thể thao, diễu binh, diễu hành...
Dù nói nhanh hay chậm, song tất cả đều phải đảm bảo yêu cầu chung là rành rọt, rõ ràng, khúc chiết.
Phát thanh viên/phóng viên/ biên tập viên truyền hình có thể căn cứ vào số lượng âm tiết trong một phát ngôn (câu) và sự phân bố chúng trong tiết nhịp để có thể điều chỉnh nói nhanh hay nói chậm.
Số lượng âm tiết trong một tiết nhịp là yếu tố tạo nên nhịp điệu cho lời nói. Trong dòng ngữ lưu, chúng có sự giãn cách hay liên kết với nhau. Sự phân bố âm tiết trong tiết nhịp do kết cấu tầng bậc của âm tiết, do ý thức của người nói.
Sự thất thường về tốc độ biểu hiện sự sai lạc về âm vực trong giọng nói có thể gây ra sự thiếu ăn nhập của lời và hình ảnh trên màn hình. Lên giọng (lên gân) vô cớ hoặc xuống giọng vô tình, nói quá to hoặc quá nhỏ, nói quá nhanh hoặc quá chậm, dằn từng tiếng hoặc quá gấp gáp, liến thoắng trong nhịp điệu..., tất cả đều trực tiếp phương hại đến hiệu quả của diễn ngôn, của chương trình. Muốn tránh được những khiếm khuyết ấy, không còn cách nào khác là phải rèn luyện để có được sự đĩnh đạc của giọng nói, cho rành rọt, dõng dạc, "tròn vành rõ chữ" của văn bản; rèn cho được sự nhuần nhuyễn, uyển chuyển, thích hợp với từng ngữ cảnh của chủ đề: cần thì lời nói "có gang có thép", cần thì lời "có cánh", có hồn. Nhịp điệu, tiết tấu được chăm sóc cẩn thận và kỹ lưỡng, ấy là nghệ thuật của "thợ nói" - người làm truyền hình.
Các biên tập viên/phát thanh viên/phóng viên truyền hình cần phải ý thức phân biệt rõ giữa tốc độ nói (đọc) chuyên nghiệp với tốc độ nói (đọc) của các phong cách nói tiếng Việt khác. Giữa nói/phát tiếng Việt trên truyền hình và nói tiếng Việt trong đời thường, chẳng hạn, là khác nhau. Nói tiếng Việt trong đời thường có thể có một tốc độ nói riêng. Nói tiếng Việt trên truyền hình mang tính chuyên nghiệp, với một tốc độ riêng. Nói (sự nói) trên truyền hình là giao tiếp đại chúng, do đó, cần phải được ý thức ngay từ đầu. Trong khi đó, tiếng Việt nói trong đời thường mang nhiều đặc trưng cá nhân và phương ngữ nhiều hơn. Vì vậy, nên coi đây là một mục huấn luyện và đào tạo bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngành truyền hình. Với đội ngũ biên tập viên/phát thanh viên các đài truyền hình thì đưa nội dung trên vào chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ.
Để có thể đạt tới trình độ nghệ thuật trong diễn đạt khi xuất hiện trên truyền hình, lời khuyên chân thành của các biên tập viên lên hình thành công là: Bạn hãy luyện tập nói khi nào có thể, đừng bỏ qua bất cứ cơ hội nào; hãy tin ở những gì mình nói; hãy tập trung vào bản ghi tóm tắt, đừng phân tích tình cảm và cảm xúc của mình, hãy nghĩ đến người nghe; hãy nghỉ ngơi và thư giãn trước mỗi lần lên hình; hãy tin ở thành công và phải chấp nhận mình như mình có; và cuối cùng, hãy hiểu là mọi người đều phải trải qua những khó khăn, lúng túng, có lúc sợ hãi... như mình./.
___________________________________________________
(1) Trương Thị Kiên, Ngôn ngữ lời nói trong chương trình thời sự truyền hình - nhìn từ góc độ lý thuyết, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 11.2015.
(2) Nguyễn Văn Lợi - Jerold A. Edmondson, Thanh điệu và chất giọng (voice quality) trong tiếng Việt hiện đại (Phương ngữ Bắc Bộ): Khảo sát thực nghiệm, Tạp chí Ngôn ngữ số 1.1997.
(3), (4) J.Lions, Nhập môn ngôn ngữ học lý thuyết, Nxb. Giáo dục, 1996.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 12/2022
Bài liên quan
- Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
- Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Trần Huy Liệu: Nhà báo - người lữ hành không biết mệt mỏi
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hiện nay
Để công tác giáo dục và đào tạo đạt hiệu quả cao không thể vắng bóng hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo thông qua sát sao lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Bài viết phác hoạ thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hiện nay, chỉ rõ hạn chế, bất cập; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này thời gian tới.
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Trong thời đại số, báo mạng điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những bài viết trên các nền tảng báo chí trực tuyến không chỉ phản ánh thực trạng cung - cầu lao động mà còn góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và người lao động về tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về tính hấp dẫn, tính định hướng và khả năng lan tỏa của thông điệp. Vì vậy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cấp thiết, cần được cơ quan báo chí quan tâm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
Các chương trình thiện nguyện trên sóng truyền hình không chỉ là cầu nối giữa những tấm lòng nhân ái và những hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan báo chí, truyền thông. Là kênh thời sự - chính luận chủ lực của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV1 đã và đang thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong các hoạt động hỗ trợ người yếu thế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, các chương trình này cần được đầu tư hơn về nội dung, phương thức triển khai cũng như cách thức kết nối với khán giả. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của VTV1, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả lan tỏa, góp phần phát huy tốt hơn nữa vai trò của truyền hình trong công tác thiện nguyện.
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Quản lý thông điệp về quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay
Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, việc quản lý và truyền tải thông điệp về quy hoạch đô thị hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự phát triển đô thị bền vững. Báo Xây dựng - cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng, có trách nhiệm và sứ mệnh tiên phong trong việc thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận về các vấn đề quy hoạch đô thị. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý thông điệp về “quy hoạch đô thị trên Báo Xây dựng hiện nay”, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này, góp phần vào sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, “báo chí đã thực sự là cầu nối rất quan trọng để văn hóa được phản ánh nhiều hơn vào các chính sách, pháp luật và thực tế sinh động của xã hội”(1). Báo chí cũng là kênh đi đầu trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Bình luận