Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thanh niên, sinh viên Thủ đô là một trong những lực lượng xã hội quan trọng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô nói riêng và Tổ quốc nói chung. Xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô là quá trình tác động đến sinh viên nhằm hình thành và hoàn thiện ở họ những nguyên tắc, chuẩn mực đúng đắn trong lối sống phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch, đồng thời đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng con người mới XHCN ở Việt Nam hiện nay.
1. Tầm quan trọng của xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội
Thứ nhất, muốn có CNXH, phải xây dựng con người XHCN
Lối sống XHCN là một phạm trù lịch sử, ra đời cùng với quá trình xóa bỏ lối sống cũ, thông qua cuộc cách mạng XHCN; là quá trình lâu dài, phức tạp, diễn ra trong suốt chiều dài của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH; kết quả tổng hợp của những cải biến cách mạng do giai cấp công nhân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng của đời sống con người. Sự nghiệp xây dựng CNXH không thể không chú ý đến xây dựng con người mới XHCN có lối sống cao đẹp: mình vì mọi người, mọi người vì mình.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Lối sống XHCN là toàn bộ hình thức hoạt động sống của con người trong đời sống và trong điều kiện của CNXH; là lối sống của người lao động làm chủ xã hội” (1). Nội dung chủ yếu hợp thành lối sống XHCN là hoạt động của con người trong lao động, trong sinh hoạt tập thể, hoạt động chính trị xã hội, hoạt động văn hóa tinh thần, cách ứng xử giữa người với người trong cuộc sống hàng ngày. Trong các hoạt động trên, thì hoạt động lao động, hoạt động tập thể và cách ứng xử văn hóa giữa người với người là những hoạt động chủ yếu, làm rõ diện mạo của lối sống trong xã hội.
Khi bàn đến phạm trù lối sống, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đặt nó trong mối quan hệ giữa phương thức sản xuất và hình thái kinh tế xã hội. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, hai ông cho rằng: “Không nên nghiên cứu phương thức sản xuất ấy đơn thuần theo khía cạnh nó là sự tái sản xuất ra sự tồn tại thể xác của các cá nhân. Mà hơn thế nó là một hình thức hoạt động nhất định của sự biểu hiện đời sống của họ, một phương thức sinh sống nhất định của họ”(2).
Theo Hồ Chí Minh, nhiều cá nhân hợp lại thành xã hội, chính vì thế, lối sống cá nhân tích cực thì góp phần tạo nên lối sống tiến bộ của xã hội. Trong từng giai đoạn cách mạng, Bác luôn chỉ rõ mục tiêu bồi dưỡng và đào tạo thanh niên thành những con người mới XHCN: làm chủ tập thể, lao động, yêu nước, có tinh thần quốc tế vô sản, có tư tưởng đúng và tình cảm đẹp, có kiến thức, kỹ năng, thể lực cần thiết để làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân (3).
Lối sống văn hóa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực cho chúng ta học tập và noi theo. Sinh thời, Người căn dặn: muốn xây dựng thành công CNXH thì trước hết phải xây dựng được những con người XHCN(4). Bởi vậy, việc giáo dục, đào tạo, rèn luyện ra những thế hệ trẻ vừa có đức vừa có tài, vừa “hồng” vừa “chuyên”; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức đáng quý, đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của thực tiễn đất nước, phù hợp với mục tiêu của CNXH là vô cùng quan trọng. Những thế hệ người đó, sẽ góp phần xây dựng thành công CNXH trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tư tưởng xã hội...
Thứ hai, xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và đất nước, góp phần hoàn thiện con người mới XHCN.
Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến- trung tâm tri thức, văn hóa, chính trị, kinh tế; nơi diễn ra hầu hết các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước và của khu vực. Trong suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội đã đóng vai trò là kinh đô của nước Đại Việt trong hầu hết thời kỳ, trừ những giai đoạn như thời Đinh, Tiền Lê và thời Tây Sơn, nhà Nguyễn khi đô thành được dời đi.
Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm, những di sản văn hóa Hà Nội đã và đang được gìn giữ tại chính mảnh đất Hà Nội ngày nay - nơi hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước, là sự kết tinh, tỏa sáng phẩm chất Việt Nam trong mỗi con người Hà Nội văn minh, thanh lịch như: truyền thống lao động cần cù, sáng tạo,lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng…
Thủ đô Hà Nội đã góp phần hình thành nên ở sinh viên Thủ đô những nét riêng mà chỉ sinh viên Hà Nội mới có được: bản lĩnh, thanh lịch, văn minh; có nhiều thành tích vượt trội so với sinh viên cả nước trong học tập, nghiên cứu khoa học và tinh thần tình nguyện. Số sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, các giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế ngày càng nhiều, luôn đứng đầu cả nước về số lượng sinh viên tham gia và giải thưởng đã góp phần làm rạng danh hình ảnh của quốc gia, dân tộc (5).
Trong giai đoạn hiện nay, với tinh thần sinh viên Thủ đô "Vững vàng bản lĩnh - phát huy bản sắc - khơi dậy khát vọng - kiến tạo tương lai" (6), phần lớn sinh viên có lối sống thanh lịch, văn minh, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái; nhận thức được yêu cầu của tình hình mới, nỗ lực phấn đấu trong học tập, sáng tạo nghiên cứu khoa học, làm chủ khoa học công nghệ, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chủ động chuẩn bị hành trang để lập thân, lập nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng thế hệ sinh viên Thủ đô thế hệ mới kết nối toàn cầu, ưu tú, toàn diện gắn với phong trào "Sinh viên 5 tốt"(7).
Sinh viên Thủ đô có lợi thế được đào tạo tại những cơ sở giáo dục tốt nhất của cả nước; được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời với thông tin, tri thức, khoa học, công nghệ; được sinh sống và học tập tại Thủ đô nên luôn có sự nhạy bén trước những sự kiện chính trị trong nước và quốc tế, có thái độ và nhận thức chính trị tích cực. “Đa số sinh viên Thủ đô có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên CNXH, nhiều sinh viên cố gắng phấn đấu, tu dưỡng để được đứng trong hàng ngũ của Đảng”(8).
Mặt khác, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước những vận hội mới và vị thế mới để phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang triển khai hiệu quả Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Luật Thủ đô sửa đổi 2024 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc khai thác đầy đủ, toàn diện tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của Thủ đô để xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Trong giai đoạn hiện nay, với trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng cống hiến cho Thủ đô và đất nước, thanh niên, sinh viên Hà Nội sẽ là một động lực xã hội quan trọng, có vai trò và trách nhiệm to lớn trong sự nghiệp xây dựng, kiến thiết Thủ đô.
Thứ ba, xây dựng lối sống XHCN góp phần quan trọng trong việc “phòng ngừa” “miễn dịch” cho sinh viên Thủ đô trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, cũng như âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn thức tỉnh dân tộc, trước hết phải thức tỉnh thanh niên, Người còn khẳng định: thế hệ trẻ là “bộ phận quan trọng”, “tốt đẹp nhất” và “hy vọng nhất” của đất nước(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi, nhắc nhở thanh niên phải kiên quyết khắc phục những tồn tại của họ như: chủ quan, nôn nóng, thiếu thực tế, cần phải có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm.
Hoạt động chủ yếu và trước mắt nhất của sinh viên là học tập và rèn luyện để hình thành phẩm chất, nhân cách mới có thể đáp ứng được những yêu cầu phát triển của xã hội và mục tiêu của giáo dục. Hiện nay, sinh viên Thủ đô chiếm tỷ lệ động đảo so với sinh viên cả nước.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023, Thủ đô Hà Nội hiện có 78 trường đại học, 69 trường cao đẳng, riêng số sinh viên đại học là hơn 600 nghìn sinh viên(10) chiếm khoảng 33,33 % so với sinh viên cả nước (khoảng 1,8 triệu sinh viên). Họ là những thanh niên đến từ những vùng miền khác nhau của Tổ quốc và thế giới; là những tri thức trẻ, nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo doanh nhân,... trong tương lai.Với vai trò là chủ thể của hoạt động học tập, họ luôn có xu hướng vươn lên làm chủ tri thức mới để phục vụ công việc của mình. Bên cạnh việc tiếp thu tri thức, sinh viên cũng đã quan tâm tìm hiểu giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường cùng với toàn cầu hóa đã đặt ra những quy tắc khắc nghiệt mà nếu không có sự định hướng và kịp thời điều chỉnh sẽ làm cho đạo đức, lối sống của con người và xã hội suy thoái nghiêm trọng. Do nhận thức hạn chế, không ít sinh viên trên địa bàn Thủ đô đã có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, có những lời nói, hành động bất nhã ở nơi công cộng(11).
Trong đó, một bộ phận không nhỏ sinh viên còn tồn tại lối sống đua đòi, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu tế nhị lịch sự. Trước những thách thức từ tác động của mặt trái kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, một bộ phận sinh viên Thủ đô không có hoặc phai nhạt lý tưởng sống, tiền bạc dần trở thành mục đích sống cuối cùng, sẵn sàng lựa chọn làm những công việc, những ngành nghề có thể nhanh chóng đem lại sự giàu có; những ngành nghề cao quý nhưng không kiếm được nhiều tiền đã không còn thu hút một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay(12).
Cùng với sự bồng bột, kinh nghiệm sống non trẻ, khi đứng trước những cám dỗ của vật chất, sinh viên dễ dàng bị sa đà vào cái “lợi” trước mắt, họ dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền mà quên đi giá trị làm người, đánh mất đi lương tâm và danh dự. Đã có không ít thanh niên, trong đó có sinh viên, do định hướng không đúng, khủng hoảng niềm tin, sống sa đọa, vi phạm pháp luật vì những tội danh như vận chuyển ma túy, nghiện ngập, trộm cướp...
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: "Dù chỉ có 2,63% học sinh, sinh viên trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng(13). Tất cả đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức cũng như xem thường pháp luật của họ.
Bên cạnh đó, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã liên tục ra sức ngăn cản, gây sức ép đến công cuộc xây dựng CNXH của đất nước ta. Chúng chống phá trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, lối sống… bằng nhiều hình thức với những thủ đoạn tinh vi, thâm độc như tuyên truyền những ấn phẩm văn hóa đồi trụy, những tư tưởng lối sống lệch lạc, thờ ơ, vị kỷ, quay lưng với quá khứ, chà đạp lên thành quả cách mạng của cha ông ta, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ, phủ nhận lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, xuyên tạc chế độ XHCN, chống phá Đảng và Nhà nước, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam…
Chính vì vậy, xây dựng lối sống mới XHCN cho sinh viên Thủ đô sẽ giúp cho sinh viên chủ động “phòng ngừa” “miễn dịch” trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, cũng như nhận diện, phản bác, đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.
2. Nội dung xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô hiện nay nhằm hình thành thế hệ sinh viên có lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc; nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng Thủ đô đất nước trên cơ sở thực hiện Cuộc vận động Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới với các tiêu chí “Bản lĩnh vững vàng; Tri thức phong phú; Ứng xử văn hóa; Tuân thủ pháp luật; Sức khỏe dồi dào; Kỹ năng thành thạo và sáu giá trị: Tiên phong – Gương mẫu – Đoàn kết – Trách nhiệm – Sáng tạo – Hội nhập(14).
Việc xây dựng lối sống mới XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, xây dựng tình yêu Thủ đô, đất nước, yêu chế độ XHCN, có ý chí, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô, đất nước phồn vinh
“Yêu nước, thương nòi” luôn là giá trị tinh thần nổi bật xuyên suốt chiều dài lịch sử của cha ông ta. Tinh thần yêu nước cùng ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng về một đất nước hòa bình, ấm no, hạnh phúc được tạo dựng từ sự nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ của những thế hệ đi trước. Tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước luôn sâu sắc trong mỗi thế hệ người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước của người Hà Nội là hào khí Thăng Long anh hùng, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù tàn bạo, đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Với tinh thần“quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Yêu nước trong điều kiện hiện nay thể hiện ở việc ra sức học tập và rèn luyện, chung tay xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân vì mục tiêu: dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sinh viên Thủ đô cần có ý chí vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, xây dựng và bảo vệ Thủ đô vươn lên sánh vai cùng với các cường quốc năm châu. Điều này đòi hỏi sinh viên phải có thái độ học tập, lao động nghiêm túc, nỗ lực rèn luyện bản thân để trở thành những người có phẩm chất, kiến thức và kỹ năng tốt, từ đó có thể đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự say mê và trung thực trong học tập và lao động là những phẩm chất quan trọng giúp họ vượt qua mọi khó khăn và thách thức trên con đường phát triển.
Hai là, xây dựng lối sống sinh viên Thủ đô “mình vì mọi người – mọi người vì mình”, có tinh thần tập thể, đoàn kết
Với bản tính yêu chuộng hòa bình, người Hà Nội có nếp sống khoan hòa, nhã nhặn. Những mối quan hệ dung hòa có gốc rễ trong truyền thống nhân ái, đoàn kết đã làm cho nhân tài của các vùng miền đến làm ăn, gắn bó lâu dài với Hà Nội, trở thành cư dân Hà Nội và đóng góp cho mảnh đất ngàn năm văn vật. Xây dựng lối sống vì cộng đồng, có tinh thần tập thể, trách nhiệm của sinh viên Thủ đô trước hết là trách nhiệm với chính bản thân mình, sau là trách nhiệm với gia đình, với những người xung quanh và với xã hội.
Lối sống vì cộng đồng là một lối sống biết quan tâm, chia sẻ và hy sinh vì mọi người. Nó được thể hiện ở việc giúp đỡ người khó khăn, cư xử chan hòa với mọi người xung quanh, hăng hái trong những hoạt động tập thể...
Lối sống vì mọi người khiến con người trở nên hạnh phúc và gắn kết hơn. Khi được quan tâm, chúng ta sẽ được tiếp thêm hi vọng sống. Khi quan tâm người khác, ta cảm thấy bản thân có ích hơn. Từ đó mà tâm hồn ta được thanh thản. Không chỉ vậy, sống vì người khác còn là cách tạo nên tinh thần đoàn kết. Trong những hoàn cảnh gian nan, nó hóa thành tình yêu nước, yêu đồng bào cao cả. Những người biết sống vì người khác sẽ chắc chắn sẽ trở thành công dân tốt cho xã hội.
Ba là, xây dựng lối sống có đạo đức, văn minh, văn hóa trong ứng xử; có tinh thần trách nhiệm, lương tâm trong sáng, lòng nhân ái bao dung cho sinh viên Thủ đô
Lịch sử nhân loại suy cho cùng là lịch sử từng bước giải phóng con người, hướng con người thoát khỏi thần quyền và bạo quyền để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, hướng con người đến sự phát triển tự do, toàn diện. Ngày nay, chúng ta xây dựng CNXH là từng bước thực hiện mục tiêu trên. Vì vậy, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người là yêu cầu khách quan, trong đó trước hết là xây dựng lối ứng xử có văn hóa giữa con người với con người. Nói đến văn hóa ứng xử là nói đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức được hình thành trong quá trình tương tác giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa các thế hệ thông qua hành vi giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ) nhằm hướng tới những điều tốt đẹp.
Truyền thống tốt đẹp của Người Hà Nội phải kể đến như: nhân nghĩa, khoan dung, giàu sáng tạo, thanh lịch, văn minh… Truyền thống thanh lịch, văn minh thể hiện trong lời nói “Người thanh tiếng nói cũng thanh”, nhã nhặn, ý tứ, làm đẹp lòng người khác; trong cách ăn ở gọn gàng, nền nếp, trong cách hưởng thụ cuộc sống thiên về khía cạnh tinh thần hơn vật chất; trong hành động, ứng xử, phẩm chất thanh lịch, văn minh biểu hiện ở sự hiểu biết, thái độ tôn trọng người khác. Sự tế nhị, kín đáo, chừng mực, vừa phải làm cho việc tiếp xúc của người Hà Nội với người khác trở nên thoải mái, cởi mở.
Kế thừa và phát huy những truyền thống và phẩm chất trên, ngày nay, xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Hà Nội là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong lối sống của người Hà Nội. Sinh viên Thủ đô hôm nay phải nỗ lực học tập để hiểu được đạo lý ở đời, biết ứng xử có văn hóa trong mọi quan hệ xã hội như: biết kính trên nhường dưới, biết sống vì người khác, quan tâm đến những người xung quanh, đến cộng đồng, biết chia sẻ, kính trọng thầy cô, yêu thương gia đình, sống thân thiện, thấy được nghĩa vụ lớn lao đối với xã hội, có quan niệm đúng đắn về tình yêu, tình bạn…
Bốn là, xây dựng lối sống có lý tưởng, ước mơ, hoài bão; tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vì ngày mai lập thân lập nghiệp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta luôn ân cần khuyên nhủ thanh niên rằng: “... Chúng ta không một chút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta...”(15); “Sinh viên cần phải có tinh thần gan dạ, sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính thực” (16).
Sinh viên bao giờ cũng sống với những ước mơ, hoài bão, bao giờ cũng mang trong mình tâm lý hướng tới cái cao đẹp và họ luôn cần đến một điểm tựa tinh thần để giúp mình vượt qua những khó khăn, thử thách. Điều đáng sợ nhất, như Kalinin - nhà giáo dục lớn của nước Nga đã nói, là sự “trống rỗng trong tâm hồn”, sự hẫng hụt trong định hướng ngay từ tuổi thiếu niên.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lý tưởng cách mạng của sinh viên Việt Nam thể hiện ở tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm chiến thắng kẻ thù; lý tưởng sống của sinh viên Thủ đô hôm nay chính là tình cảm, niềm tin, hành động thiết thực vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân; lý tưởng của họ thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nghiêm túc trong học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp.
Năm là, xây dựng lối sống nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ cương phép nước, có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, dám đứng lên bảo vệ cái đúng, cái thiện
Trong lối sống văn minh, con người phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng kỷ cương phép nước, dám đứng lên bảo vệ cái đúng, cái thiện, có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Sinh viên Thủ đô cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, từ việc tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu lãng phí đến việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và tái chế.
Trong lối sống văn minh, sinh viên phải dám đứng lên bảo vệ cái đúng, cái thiện, cần có sự can đảm và lòng dũng cảm để chống lại những hành vi xấu xa, bất công, gian lận, hành động theo đúng lương tri và tinh thần đạo đức... Sinh viên cần nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội và phải tuân thủ mọi quy định pháp luật, không vi phạm, không phạm tội.
Tóm lại, xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên nói chung và sinh viên Thủ đô Hà Nội nói riêng nhằm hình thành nên thế hệ trẻ vừa có “đức” lại vừa có “tài”, vừa “hồng” vừa “chuyên” đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; đáp ứng yêu cầu của lý luận và thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; từ đó góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thành “Thủ đô anh hùng” “Thành phố vì hòa bình”; xây dựng người Hà Nội Thanh lịch, văn minh./.
__________________________________________________
(1) Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Nxb. Từ điển Bách khoa, H., T2, tr.742.
(2) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., T3, tr.30.
(3),(4), (9) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb. Thanh niên (2004). tr.9, 208, 123.
(5), (8) Vũ Thơ: “ Sinh viên Hà Nội có thành tích vượt trội trong học tập, nghiên cứu khoa học” https://thanhnien.vn/sinh-vien-ha-noi-co-thanh-tich-vuot-troi-trong-hoc-tap-nghien-cuu-khoa-hoc-185798320htm.
( 6), (7) Kim Anh “Sinh viên Thủ đô tiên phong khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai” https://hoinhabao.vn/Sinh-vien-Thu-do-tien-phong-khoi-day-khat-vong-kien-tao-tuong-lai_bv-55455.
(10) Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội (2023), Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2021-2022.
(11) Bảo Thoa: “Tô đậm thêm nét đẹp văn hóa Thủ đô từ ứng xử với lễ hội” https://laodongthudo.vn/to-dam-them-net-dep-van-hoa-thu-do-tu-ung-xu-voi-le-hoi-174482.html.
(12) Đông Khánh, An Khánh: “Trào lưu nhảy việc của giới trẻ” https://vtv.vn/xa-hoi/trao-luu-nhay-viec-cua-gioi-tre-20240806132443155.htm.
(13) Lê Trang “Tỷ lệ học sinh, sinh viên phạm tội có xu hướng tăng” https://vov.vn/xa-hoi/ty-le-hoc-sinh-sinh-vien-pham-toi-co-xu-huong-tang-post1040213.vov.
(14) “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới thanh lịch, văn minh”, http://www.thanhdoanhanoi.gov.vn/tin-tuc-chi-tiet/xay-dung-gia-tri-hinh-mau-thanh-nien-thu-do-thoi-dai-moi-thanh-lich-van-minh-3297.
(15) Hồ Chí Minh (1989), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., T10, tr.20
(16) Hồ Chí Minh (2004), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H., T4, tr.167
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., T3, tr.30.
2. Hồ Chí Minh (1989), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., T10, tr.20.
3. Hồ Chí Minh (2004), Toàn tập, Nxb. CTQG.H., T4, tr.167.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI”, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., tr.173.
5. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Tập 2, Nxb. Từ điển Bách khoa, H., T2, tr.742.
6. Niên giám Thống kê thành phố Hà Nội 2023;
7. Số liệu thống kê giáo dục đại học năm học 2021-2022
8. Lương Gia Ban – Nguyễn Thế Kiệt (2017), “Phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay”, Nxb. Lao Động, Hà Nội.
9. Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Giáo dục Đại học. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
- Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
- Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
- Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 khơi nguồn sáng tạo cho nền văn hoá, văn nghệ nhân dân trong thời đại mới
- Vận dụng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
Thực tế thời gian qua, nhờ chú trọng giáo dục văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển nhất định, thích ứng với những thay đổi lớn của tình hình trong và ngoài nước. Nhờ đẩy mạnh giáo dục văn hóa doanh nghiệp cho người lao động, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng được đội ngũ nhân viên có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, có tư duy sáng tạo, tác phong linh hoạt, cơ bản phù hợp với yêu cầu của thời đại 4.0.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến – đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước Việt Nam, là môi trường thuận lợi góp phần hình thành lối sống xã hội chủ nghĩa (XHCN) của một bộ phận không nhỏ sinh viên học tập trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Bài viết đánh giá tầm quan trọng và trình bày nội dung của việc xây dựng lối sống XHCN cho sinh viên Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS, TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”:
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong hoạch định chính sách công
Sự tham gia của người dân trong quá trình hoạch định chính sách công là rất quan trọng và đem lại nhiều lợi ích. Khi người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các chính sách công sẽ phù hợp hơn với nhu cầu và thực tế của cộng đồng. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả triển khai chính sách, tăng cường sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Sự tham gia của người dân mang lại sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn cho chính phủ. Các quyết định chính sách được đưa ra dựa trên những thông tin và ý kiến đóng góp từ nhiều phía, giúp chính phủ ra quyết định sáng suốt hơn. Đồng thời, người dân cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về các chính sách và có thể giám sát việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, việc tham gia cũng cần được thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng các cơ chế tham gia phù hợp, đảm bảo sự đại diện đầy đủ của các nhóm dân cư khác nhau, và có biện pháp tiếp thu, xem xét các ý kiến đóng góp một cách công bằng và khách quan; học hỏi kinh nghiệm từ một số nước đã đi trước.
Bình luận