Xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - những luận điệu sai lầm và xưa cũ
1. Khái quát về các quan điểm sai trái, thù địch về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Hơn 75 năm kể từ khi giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Quá trình đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng là quá trình xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, bị áp bức bóc lột bởi chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đã trở thành những người tự do, làm chủ chính mình, làm chủ xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao, vị thế và vai trò làm chủ của người dân được pháp luật thừa nhận và bảo đảm trong thực tế. Điều này không chỉ tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân Việt Nam, mà còn được thừa nhận của các nước, tổ chức, lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây xuất hiện nhiều quan điểm xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách để chống lại chế độ ta một cách điên cuồng nhằm phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cụ thể, họ rêu rao rằng: 1) ở Việt Nam không có dân chủ hoặc dân chủ hình thức, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tư do tín ngưỡng, tôn giáo, v.v.. ; 2) chế độ chính trị ở Việt Nam là độc đảng, nên không có dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là áp đặt, toàn trị, bóp nghẹt dân chủ, vừa đá bóng vừa thổi còi… Vì vậy, họ khuyên rằng, để bảo đảm dân chủ phải chuyển từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới đảm bảo dân chủ.
Vậy, thực chất của các loại quan điểm trên đây là gì? Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thực hành như thế nào? Đây là những vấn đề cần được làm rõ trên hai cả phương diện lý luận và thực tiễn.
2. Luận cứ bác bỏ các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thứ nhất, có phải ở Việt Nam không có dân chủ?
Phải khẳng định ngay rằng, các loại quan điểm trên đây không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây thực chất là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước, có mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Điều này, được lý giải bởi những luận cứ sau đây:
Một là, về cơ sở lý luận và pháp lý.
Nghiên cứu quá trình ra đời và phát triển của các nền dân chủ trong lịch sử, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, dân chủ ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời và phát triển của xã hội có giai cấp và nhà nước. Theo đó, lịch sử phát triển đến nay có các nền dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản và dân chủ vô sản. Mỗi một chế độ dân chủ đều mang bản chất của giai cấp thống trị, trong đó nền dân chủ vô sản mang bản chất của giai cấp công nhân. Khác với các nền dân chủ trước đó, dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, dân chủ thuộc về thiểu số, nền dân chủ vô sản dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đó là nền dân chủ cho số đông, nên “chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ gấp triệu lần”(1).
Ở Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng đến nay luôn khẳng định mục tiêu, tư tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, qua từng thời kỳ cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, lãnh đạo dân tộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong các Cương lĩnh chính trị của Đảng thời kỳ đổi mới đều khẳng định bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm”(2). Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”(3).
Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh và yêu cầu hiện thực hóa qua các kỳ đại hội và hội nghị của Đảng. Tại Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta yêu cầu: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(4).
Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể chế hóa và ngày càng hoàn thiện. Ngay trong Điều 1 của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (1946) đã khẳng định: “Nước Việt Nam là nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(5). Các quyền cơ bản của công dân được quy định từ trong Hiến pháp như: mọi công dân đều ngang quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, bình đẳng trước pháp luật và có quyền tham gia chính quyền; quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, tự do đi lại trong nước và ra nước ngoài; quyền nhà ở và thư tín, quyền tư hữu tài sản, quyền lợi của các giới cần lao trí thức và chân tay, quyền được giúp đỡ và chăm sóc, quyền được học tập, v.v..
Từ bản Hiến pháp năm 1946 cho đến trước thời kỳ đổi mới (năm 1986), Nhà nước Việt Nam đã thông qua và ban hành các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, nhằm bổ sung và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã ba lần ban hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp(6). Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Hiến pháp là sự thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh(7). Các bản Hiến pháp trước đó, cũng như Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.
Về chính trị, Hiến pháp năm 2013 khẳng định bản chất của chế độ chính trị là quyền lực thuộc về nhân dân: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”; “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”; “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông quan các cơ quan khác của Nhà nước”; “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”(8), v.v..
Về kinh tế, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”(9), v.v..
Về văn hóa - xã hội, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hóa văn hóa nhân loại. Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo bệ Tổ quốc”(10). Ngoài ra, các chính sách về lao động, việc làm, giáo dục, y tế, phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường cũng được quy định từ trong Hiến pháp năm 2013(11).
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 dành toàn bộ Chương II để hiến định Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó khẳng định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”; “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…”; “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân…”; “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Ngoài ra, còn có các quyền cơ bản khác như: quyền được sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền được sở hữu về thu nhập hợp pháp, sở hữu tư nhân, quyền tự do đi lại, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền bất khả xâm phạm thân thể, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín, quyền đảm bảo an sinh xã hội, quyền có việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, quyền kết hôn, ly hôn, quyền học tập, nghiên cứu khoa học, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, quyền được sống trong môi trường trong lành(12), v.v.. đều hiến định đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể hóa đường lối của Đảng và những quy định trong Hiến pháp năm 2013, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và ban hành các quyết định, quy định, các đạo luật, bộ luật, văn bản dưới luật để quản lý phát triển xã hội, trong đó mục tiêu hướng đến là phải đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xă hội.
Hai là, về cơ sở thực tiễn.
Thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trên lĩnh vực chính trị, phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới. Đảng lãnh đạo thông qua Cương lĩnh, chủ trương, đường lối, không làm thay chức năng của Nhà nước. Sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng có nhiều bước tiến mới. Khuyến khích thảo luận, tranh luận dân chủ, tự do tư tưởng trong sinh hoạt Đảng, tôn trọng, bảo lưu ý kiến thiểu số, ý kiến khác trên tinh thần xây dựng. Ban hành nhiều quy chế, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân. Quy định rõ việc báo cáo công việc và hoạt động giữa hai nhiệm kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; các cấp ủy có nhiệm vụ báo cáo sự lãnh đạo, chỉ đạo giữa hai kỳ họp. Quy định lấy phiếu tín nhiệm với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Thực hành dân chủ trong các cơ quan nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hoạt động của Quốc hội trong thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp. Việc thảo luận, chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với các cá nhân, tổ chức của cơ quan nhà nước ngày càng thực chất, công khai trên các phương tiện truyền thông để nhân dân theo dõi, giám sát.
Hoạt động của Chính phủ ngày càng phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện chính sách công. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, minh bạch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các thủ tục hành chính, tham gia giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước. Toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp ngày càng phát huy tối đa vai trò giám sát, xét xử độc lập, minh bạch trong việc thực thi Hiến pháp và pháp luật.
Thực hành dân chủ trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng được đổi mới, phát huy vai trò làm chủ của các giai tầng trong xã hội. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định 218 “về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” và nhiều quy định, hướng dẫn khác là cơ sở để thực hành quyền làm chủ của nhân dân trong thực tiễn. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân đối với các chủ trương, quyết sách của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và tổ chức thực hiện.
Trên lĩnh vực kinh tế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thực hiện và ngày càng hoàn thiện về thể chế, phát huy tối đa mọi nguồn lực đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt hơn 35 năm qua, “quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đó ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Về cơ cấu nền kinh tế, xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài”(13). Đây là thành tựu nổi bật, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, đóng góp của các thành phần, loại hình kinh tế đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành nền tảng vững chắc trong đời sống tinh thần xã hội. Các chủ trương, chính sách xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, khoa học - công nghệ được thể chế hóa và ban hành. Quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của công dân, sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật được cụ thể hóa. Công bằng, bình đẳng xã hội có nhiều bước tiến, các quyền con người, quyền công dân được bảo đảm. Nhờ kinh tế phát triển, mà “tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước).
Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết.
Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020.
Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đó có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hoá cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển”(14).
Như vậy, trong điều kiện đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mọi tiềm năng, nguồn lực của nhân dân được phát huy; lợi ích, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được đảm bảo thực thi trong thực tế, thể hiện từ bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã và đang được xây dựng, hoàn thiện ở Việt Nam.
Thứ hai, có phải ở Việt Nam cần phải thực hiện đa nguyên, đa đảng mới có dân chủ không?
Vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đã xuất hiện từ thời kỳ cổ đại, khi nhà triết học Hy Lạp Aritxtốt vận dụng quan điểm nhị nguyên luận về khởi nguyên của thế giới vào đời sống chính trị. Đến thời kỳ cận đại, khi chủ nghĩa tư bản bắt đầu phát triển, các nhà tư tưởng tư sản phát triển lên hình thức cao hơn nhằm chống lại sự chuyên chế của thể chế quân chủ và của các chính trị gia tư sản. Hiện nay, bên cạnh các quốc gia thực hiện thể chế chính trị đa nguyên, vẫn còn nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện thể chế chính trị nhất nguyên, trong đó có Việt Nam. Nhưng thực tiễn cho thấy, không phải cứ đa nguyên, đa đảng, thì có dân chủ, đất nước phát triển, ngược lại, nhất nguyên, một đảng cầm quyền thì mất dân chủ, đất nước không phát triển.
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX đã có nhiều phong trào muốn giành lấy ngọn cờ lãnh đạo dân tộc như: phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, có Đảng Việt Nam Quang phục hội (1912), Việt Nam Quốc dân Đảng (1927), Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929)… Đây đều là những phong trào yêu nước tiêu biểu theo những khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng không một đảng phái nào đủ khả năng để định hướng con đường phát triển của dân tộc. Chỉ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với mục tiêu chính trị rõ ràng: “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, đã quy tụ được đại đa số nhân dân đi theo và ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời còn có sự tham gia của các đảng phái khác như: Việt Nam quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách). Nhưng khi đất nước lâm nguy, thì Việt Quốc, Việt Cách bỏ chạy theo chân quân Tưởng Giới Thạch, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đứng ra lãnh đạo ngọn cờ cách mạng của dân tộc. Thời kỳ này, ở Việt Nam còn có Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời ngày 30/6/1944, tự giải tán ngày 20/10/1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời ngày 22/7/1946, tự giải tán ngày 22/7/1988), tất cả đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng đấu tranh thực hiện mục tiêu vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Còn việc thực hiện đa nguyên, đa đảng kiểu Mỹ cũng đã được chế độ ngụy quyền Việt Nam Cộng hoà áp dụng ở miền Nam Việt Nam. Nhưng suốt mấy chục năm tồn tại không hề mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân miền Nam. Thay vào đó chỉ là sự tranh giành quyền lực để làm tay sai cho đế quốc Mỹ, là những vụ truy lùng bắt bớ, những vụ thảm sát đẫm máu những người dân vô tội.
Hiện nay, hầu hết các nước tư bản đều thực hiện đa nguyên, đa đảng, nhưng thử hỏi có phải tất cả các nước đó đều bảo đảm dân chủ thực sự không? Câu trả lời là không. Rất nhiều quốc gia thực hiện đa nguyên, đa đảng nhưng không đảm bảo dân chủ, đất nước vẫn kém phát triển. Những cuộc lật đổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước tư bản trong thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Ngay nước Mỹ, rất nhiều người coi đó là hình mẫu của nền dân chủ, nhưng trên thực tế lại không phải vậy. Nếu là dân chủ vì sao ở Mỹ vẫn có sự phân hóa giàu nghèo đến mức 1% dân số chiếm 90% của cải xã hội? Vì sao ở Mỹ an ninh vẫn bất ổn, hàng năm xảy gia hàng trăm vụ xả súng giết chết hàng ngàn người vô tội? Vì sao ở Mỹ phân biệt chủng tộc được xếp vào nhóm nước cao nhất trên thế giới? Vì sao ở Mỹ những chính sách an sinh xã hội kiểu như “Obamacare” không được chính phủ tư sản ủng hộ thông qua?, v.v..
Tất cả những điều đó cho thấy, “sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”(15).
Như vậy, từ lý luận và thực tiễn cho thấy, không phải cứ đa nguyên, đa đảng thì có dân chủ hay dân chủ nhiều hơn, còn nhất nguyên, một đảng thì không có dân chủ hay dân chủ ít hơn. Có dân chủ hay không tùy thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, đại diện cho lợi ích của ai, đất nước có thực sự ổn định và phát triển, nhân dân có được hưởng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc không, đó mới là điều quan trọng. Việc một đảng hay đa đảng cầm quyền phụ thuộc vào tương quan lực lượng trên vũ đài chính trị, bối cảnh đảng đó xác lập địa vị cầm quyền, phụ thuộc vào truyền thống văn hóa của mỗi nước. Vì vậy, ở Việt Nam không cần phải thực hiện đa nguyên, đa đảng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền mới đảm bảo được cuộc sống tự do, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân, lãnh đạo dân tộc phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa đã được chính nhân dân Việt Nam lựa chọn./.
___________________________________________
(1) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. CTQG, H., T.37, tr.312.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.327.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.84-85.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.I, tr.172-173.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Hiến pháp Việt Nam (Năm 1946, 1959, 1980, 1992 và các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992), Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.8.
(6) Gồm có: Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Hiến pháp năm 2013.
(7), (8), (9), (10), (11), (12) Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.8, 8-14, 25, 28, 27 - 30, 14 - 24.
(13), (14), (15) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lư luận và thực tiễn về chủ nghĩa xă hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr.31, 31 - 33, 21.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 02/2023
Bài liên quan
- Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
- Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
- Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
- Vạch trần luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề tự do tôn giáo âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đoàn cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và một số cơ quan báo chí thăm Quỹ Báo chí Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn Dự án hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ giai đoạn 2 (2022-2024), ngày 22-8, tại Thủ đô Seoul, Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF) đã đón đoàn cán bộ, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đại diện một số cơ quan báo chí của Việt Nam đến thăm và làm việc.
Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Trí thông minh nhân tạo hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiêu bài thâm hiểm của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hủy tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trắng trợn xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu này là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Công tác đối ngoại góp phần bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới
Dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đối ngoại Việt Nam có vai trò tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần nâng cao vị thế đất nước, xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam, đưa đất nước gắn kết ngày càng chặt chẽ với thế giới; đồng thời, đóng góp quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Bài cuối: Cần nhận thức đúng về kết quả thực hiện nhân quyền tại Việt Nam
Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thì mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tin tưởng, kiên định, giữ vững con đường cách mạng và thành tựu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước ta.
Bình luận