Ẩn dụ bổ sung - một phương tiện tu từ độc đáo trong văn xuôi Việt Nam (Khảo sát tùy bút, phóng sự, các bài báo)
Cái khó của nghề cầm bút, nói như một nhà ngôn ngữ học, “không phải những gì thấy được đều tả ra được, và những gì tả ra được đã làm mọi người hiểu được”. Vì vậy cần có nhiều phương tiện diễn đạt để người cầm bút có thể trình bày cảm xúc, ý nghĩ của mình. Trong số các phương tiện đó có một phương tiện hiện nay rất đáng chú ý là ẩn dụ bổ sung. Ân dụ bổ sung(1) là một phương tiện tu từ trong nhóm ẩn dụ giúp người viết giải phóng những cảm nhận bị đóng khung trong một giác quan, giải phóng từ ngữ khỏi sự lệ thuộc vào cách nói thông thường để gợi mở rộng hơn cả về nhận thức và xúc cảm, tạo điểm nhấn thông tin.
Tuy là phương tiện tu từ có nguồn gốc từ trong lời nói tự nhiên với chức năng chủ yếu là giao tiếp, nhưng khi đi vào văn học, ẩn dụ bổ sung đã trở thành phương tiện sáng tạo hình tượng độc đáo. Đặc biệt khi được thử nghiệm trong phong trào Thơ Mới (1930-1945) ẩn dụ bổ sung đã khẳng định giá trị diễn đạt cảm xúc tinh tế sâu sắc tạo ra một thế giới mờ ảo mà chân thực, trong đó hòa trộn chủ quan và khách quan thẩm mĩ, con người và thế giới.
Thực tế cho thấy trong văn xuôi, nếu sử dụng được ẩn dụ bổ sung sẽ phát huy được hai thế mạnh: vừa miêu tả chính xác hiện thực khách quan, vừa bộc lộ cảm xúc tác giả, làm cho câu văn có hồn hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, và nhất là đọng hơn. Chẳng phải những câu văn được ghi nhớ nhiều nhất là những câu có ẩn dụ và ẩn dụ bổ sung đó sao?
Khảo sát tuỳ bút, bút ký, phóng sự, và các bài báo trước 1945, chúng tôi thấy ẩn dụ bổ sung rất ít được sử dụng, nhưng riêng ở tuỳ bút của Nguyễn Tuân, phương tiện tu từ này đã được nhà văn sử dụng rất thành công. Chúng tôi đã thống kê được 26 ẩn dụ bổ sung trên 500 trang Tuỳ bút trước 1945:
“Mấy bữa nay, nút lọ dầu Khuất Thần có một hương vị êm ái và quyến rũ” (Gió đã lên).
“Nhưng ở vào phút nghiêm trọng này của một thế hệ, tôi muốn người ta ngồi lên một con ngựa chiến ô lĩnh mà gieo một vần thơ hoà nó vào tiếng trống giục bóng trăng thanh rớt xuống một mảnh thành” (Những ngọn đèn xanh).
Xu hướng nghệ thuật nổi bật của Nguyễn Tuân là cầu kỳ trong sử dụng ngôn từ. Ông coi nghề văn là nghề sáng tạo “chữ”. Với ông, “chữ” – tức là việc lựa chọn từ ngữ và cách kết hợp sử dụng từ ngữ - giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo văn chương. Quan niệm nghệ thuật này luôn chi phối hoạt động sáng tạo của Nguyễn Tuân và ám ảnh ông suốt cả cuộc đời, đã giúp ông sáng tạo được những ẩn dụ bổ sung độc đáo, có tác dụng miêu tả sâu sắc.
Thí dụ: “Trong không khí khô nỏ bài Xuân Nữ nghe giòn tan. Người nhạc công ráo cổ, đánh rơi nước bọt vào ruột tăm kèn, tiếng kèn rè và đục mất một nhịp rồi nấc lên và vít xoáy vào khoảng thu già. Nhỡ nhàng một tiếng kèn, tiếng trống bản vấp đến một khổ. Rồi cái âm nhạc lạnh và gắt ấy lại đều đều mà đi, mà rớt từng giọt với thỏi vàng hồ rụng xuống” (Gió đã lên).
Những ẩn dụ bổ sung được Nguyễn Tuân sử dụng trong đoạn văn trên đã tô đậm đặc điểm của những sự vật, hiện tượng được miêu tả ở các góc độ đánh giá khác nhau, vừa thể hiện cảm nhận tinh tế của nhà văn, vừa diễn đạt sinh động, chính xác và có hình ảnh những sự vật, hiện tượng đó.
Sau Cách mạng Tháng Tám, loại ẩn dụ này xuất hiện trong văn xuôi Nguyễn Tuân càng nhiều hơn. Khảo sát 2.000 trang tuỳ bút sáng tác sau 1945, chúng tôi thống kê được 113 ẩn dụ bổ sung thuộc 16 kiểu loại khác nhau, với những cách kết hợp rất độc đáo, có giá trị biểu đạt sâu sắc, chẳng hạn như:
“Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, âm ấm như gặp lại cố nhân” (Người lái đò sông Đà).
Là một nhà văn tài hoa và tinh tế, có ý thức tìm tòi sáng tạo trong sử dụng ngôn từ, cùng với ảnh hưởng của lối tư duy trực tiếp bằng liên tưởng, bằng ấn tượng, bằng giác quan, bằng mối tương giao giữa các giác quan khi cảm nhận thế giới và phong cách tự do phóng túng, ý thức sâu sắc về “cái cá nhân” uyên bác tài hoa cùng với tình yêu đắm say “những tính cách độc đáo, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mĩ của gió, của bão, của núi cao, rừng thiêng, của thác ghềnh dữ dội” (Nguyễn Đăng Mạnh) đã giúp Nguyễn Tuân có những phát hiện tinh tế để có những trang tuỳ bút giàu cảm xúc trữ tình, những triết lí, triết luận và suy tưởng phong phú, cuốn hút người đọc đến say mê:
“Mà bên nước tôi thì đang bừng lên cái nắng bốn giờ chiều, cái nắng đậm đà của mùa thu biên giới, cái thứ nắng hanh đang sấy khô gió Tây Trang và đang mài sắc thêm tiếng động của hoa lau phất cờ trong bóng núi”. (Sông Đà).
Trong nhiều trang viết thành công xuất sắc của Nguyễn Tuân giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám có sự tham gia của nhiều ẩn dụ bổ sung, và cũng chính ở những vị trí ấy, ẩn dụ bổ sung đã khẳng định giá trị biểu đạt, giá trị xây dựng hình tượng trong văn xuôi:
“Trắng trời trắng đất một thế giới ban. Người anh ròng rã hai ngày quyện trong một mùi thơm mát nhẹ đăng đắng, nó ẩn ẩn hiện hiện mùi phong lan rừng cấm.” (Đọc và xem A Phủ).
Có người nói “Nguyễn Tuân là nhà thơ lạc bước vào văn xuôi” có lẽ bởi văn xuôi Nguyễn Tuân giàu chất trữ tình như những bài thơ - văn xuôi vậy. ở đó, những màu sắc, hình ảnh, âm thanh và nhịp điệu hoà vào nhau, tạo thành âm hưởng ngân vang trong lòng người đọc. Những dòng “thơ - văn xuôi” đậm trữ tình đó có khi là những cảm xúc mãnh liệt được thể hiện bằng những ẩn dụ và ẩn dụ bổ sung độc đáo:
“… Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần, đời Lý, đời Lê quãng sông này cũng lặng tờ đến như thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Thuyền tôi trôi qua không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa…” (Sông Đà).
Tuy là kết hợp “lệch chuẩn” với lời nói thông thường nhưng lại tuân theo lôgic tâm lý, tâm trạng, ẩn dụ bổ sung đã tạo nên cái duyên cho câu văn bởi cách lạ hoá và làm nhoà ranh giới giữa thơ và văn xuôi, tạo ra sự dung hoà giữa hai thể loại cách xa nhau về bản chất, mà vẫn diễn đạt được những triết lí, triết luận, những suy tưởng phong phú của nhà văn.
Say mê đi tìm những cái mới lạ, Nguyễn Tuân đã phát hiện, khám phá nhiều cảnh sắc thiên nhiên với vẻ đẹp kỳ thú có sức cuốn hút mạnh mẽ. Những vẻ đẹp mới lạ, độc đáo, thú vị đó đập mạnh vào các giác quan nghệ sĩ của nhà văn, cảm hứng được khơi dậy mãnh liệt, nhiều khi dâng lên say sưa chuếnh choáng, nếu chỉ với những phương tiện tu từ vốn vẫn được sử dụng không thể diễn tả được, mà cần phải có sự hỗ trợ của ẩn dụ bổ sung, một phương tiện tu từ giàu sức biểu hiện, mới có thể diễn tả chính xác, sinh động những gì nhà văn đã thấy, đã nghe, và cảm nhận:
“Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kỳ mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm, âm ấm như gặp lại cố nhân” (Người lái đò sông Đà).
Nguyễn Tuân rất ưa dùng những ẩn dụ bổ sung kết hợp giữa danh từ với tính từ để tô đậm màu sắc cảnh vật, phẩm chất con người, tạo nên giọng điệu trữ tình dạt dào cảm xúc yêu đời và lạc quan:
“Mùa khô ở Tây Bắc, ánh sáng lọc vô ngần, cái thứ nắng sáng khác hẳn dưới đồng bằng, nó thiệt là cái ánh sáng của vùng cao, cái ánh sáng làm mê tơi những người vẽ tranh, những người quay phim màu. Cái ánh sáng tươi giòn đặm đà một năm chỉ có một kỳ kia đang chiếu lên miền tây Tổ quốc bao la núi sông, dội vang lên cái tiếng nói ấm áp của biết bao con người mới bắt tay vào việc mới…” (Đào Cộng sản).
Yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên và cuộc sống, nhưng cũng nổi tiếng là con người ngạo mạn khinh khi. Ông ghét những thói xấu của con người và phê phán sâu cay. Nét tính cách ấy lại càng bộc lộ rõ rệt khi đối mặt với bản chất xấu xa của kẻ thù. Trong nhiều trường hợp, ẩn dụ bổ sung là cách nói có hiệu quả để ném vào mặt kẻ thù:
“Trong khi ấy, ở chỗ xa tít tắp nào đó của bờ Thái Bình Dương, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ lại tự bào chữa một cách không cần thiết, giọng khê nồng hằn học với cả áng mây không chịu tan trên trần Hà Nội…” (Đèn điện phố phường Hà Nội).
ẩn dụ bổ sung “giọng khê nồng hằn học” được Nguyễn Tuân sáng tạo và sử dụng thật đắc địa, đầy trọng lượng để miêu tả thái độ không trung thực, che giấu sự thực thua kém, không chịu thừa nhận không quân Mĩ bị thua đau trên bầu trời Hà Nội của đế quốc Mĩ qua phát ngôn trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Sự chuyển đổi thính giác – khứu giác là một kết hợp không chuẩn về quy tắc ngữ nghĩa nhưng lại nói được nhiều hơn điều cần nói.
Như vậy, có thể nói ẩn dụ bổ sung không chỉ phát huy khả năng trong lĩnh vực trữ tình, mà còn có thể bộc lộ giá trị trong lĩnh vực khác: lên án, tố cáo, phê phán. ở mặt này ẩn dụ bổ sung cũng thể hiện rất xuất sắc.
Cái hay của tuỳ bút là cái hay của văn, của ngôn từ được sáng tạo mới lạ, độc đáo, giàu sắc thái tu từ để tạo nên sự độc đáo mà thể loại khác không có. Nguyễn Tuân đã làm được điều đó một cách xuất sắc nhờ giải phóng khỏi khuôn khổ cứng nhắc của ngôn từ thông dụng.
Nhưng không chỉ với tuỳ bút Nguyễn Tuân, hiện nay trong kí, phóng sự, ẩn dụ bổ sung cũng được dùng để diễn đạt những cảm nhận tinh tế, đa chiều, hay những ý tưởng phong phú của người “thư ký của thời đại”. Trong tập “Bút ký được giải Báo Văn nghệ, 1996-1997” chúng tôi tìm được 14 ẩn dụ bổ sung:
“Mặt biển buổi sáng mùa đông đầy sương nhưng chỉ một lát sau khi mặt trời đã lên cao, màn sương loãng ra và tan nhanh trong gió sớm.” (Nguyễn Văn Đệ – Một chuyến đi biển).
Ngoài ra còn có khoảng 230 trường hợp như thế trên các tờ báo có tiếng như Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Lao động, Tiền phong, Văn nghệ, Nghề báo, v.v… Thí dụ:
“Chùm thơ về ong, về hoa, về kè, về cọ (1965-1966) là một chùm chín muộn đầy hương sắc của ông, hiện thực được kì ảo hoá nhưng vẫn chân thực và thuyết phục, có một sự kết hợp kín đáo giữa thi pháp cổ điển với lãng mạn.” (Vũ Quần Phương, Niềm thơ không dứt, Nhân dân, số 18185.2005)
Đặc điểm của kí, phóng sự là nhiều thông tin, con số và sự kiện trong cuộc sống hàng ngày, nên dễ rơi vào khô cứng, nếu sử dụng được các ẩn dụ và ẩn dụ bổ sung, bài viết sẽ có giá trị hơn, không chỉ bởi hiện thực khách quan sẽ được miêu tả chính xác hơn, sự bình giá sẽ tinh tế sâu sắc hơn mà còn làm mềm đi những trang viết đầy rẫy những con số và sự kiện, thậm chí còn có thể làm cho nó trở nên có hồn, sống động. Chẳng hạn:
“Và rồi Trường Sơn tỉnh giấc, đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá hiện đại hoá hình thành, cây đàn nước Việt như được tiếp thêm nguồn âm thanh mới, hào sảng, bề thế và lộng lẫy” (Lương Ngọc An, Đi suốt Trường Sơn, Văn nghệ trẻ, số 21, 2005).
“Vẫn rung lên trong tâm thức tôi những tiếng ngọt ngào êm dịu như tiếng mẹ ru hời, tiếng rì rào lá reo, tiếng róc rách mạch ngầm nước chảy, tiếng con chim gọi bạn vọng về: Quê đồi yêu dấu!” (Tạ Ngọc Tấn, Quê đồi, Những nẻo đường hành hương, Nxb VH, HN, 2005, tr5).
“Qua Lùng Phình lên Cổng Trời, trước mắt du khách là bức tranh thiên nhiên rộng lớn với các bản người Mông. Nổi lên trên màu xanh đậm của những vườn mận là các mái nhà trắng lấp loá ánh nắng. Khung cảnh trữ tình được tô điểm thêm bởi những vách đá cheo leo, sừng sững, nương ngô xanh biếc mượt mà, vạt rừng sa mu trập trùng theo lớp núi, cây cổ thụ lặng lẽ uy nghiêm…” (Cao Văn Tư, Vòm nhô sông Chảy, Lao động, số 126, 2005).
Trịnh Cẩm Nhi cũng đã làm được như vậy nhờ biết sử dụng ẩn dụ bổ sung để kể lại cho chúng ta nghe về đêm biểu diễn của nghệ sĩ violon Hilary Hahn tại nhà hát lớn Hà Nội, khi viết: “những khoảng ngắt giữa hai hợp âm chủ đạo, người nghe tưởng như dòng âm thanh đang tuôn trào bỗng nhẹ đi theo hơi thở”, “thả trôi tiếng đàn của mình như nỗi bối rối ngơ ngác trước một hạnh phúc chợt đến”, “sự tế nhị và duyên dáng của người nghệ sĩ piano đã trở thành điểm tựa yên ả cho cây violon”… Miêu tả tiếng đàn đâu phải dễ, nhưng tác giả “Lời tâm tình của thiên sứ” (Lao động, số 126.2005) đã gợi lên âm thanh vừa nhiều màu sắc, vừa bình giá vẻ đẹp tài hoa, tinh tế của một nghệ sĩ bậc thầy, lại vừa gợi sức lay động của tiếng đàn trong lòng độc giả.
Là phương tiện tu từ có giá trị miêu tả, xây dựng hình tượng đặc sắc bởi sự chuyển đổi trường nghĩa linh hoạt, nên ẩn dụ bổ sung đã được sử dụng nhiều trong thơ trữ tình ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, góp phần quan trọng làm nên những tuyệt tác của thơ ca dân tộc: Huyền diệu, Đây mùa thu tới, Thơ duyên, Nguyệt Cầm, Tràng Giang, Mùa xuân chín, v.v.. Nhưng ẩn dụ bổ sung không phải phương tiện riêng của thơ, nó còn được sử dụng rất thành công trong văn xuôi, bởi đây là phương tiện chuyên về cảm giác nên có khả năng miêu tả và gợi cảm giác, cảm xúc mạnh hơn các ẩn dụ khác, giúp hiện thực được miêu tả trở nên cụ thể hơn, sinh động hơn, dễ tiếp nhận hơn. Vì vậy ẩn dụ bổ sung không chỉ bó hẹp sử dụng trong thơ trữ tình, mà mở rộng sử dụng trong nhiều thể loại và ở nhiều tác giả văn xuôi, với truyện ngắn, tiểu thuyết, đặc biệt là tuỳ bút, và gần đây, trong báo chí với thể tài ký, phóng sự và cả các bài báo nhỏ, ẩn dụ bổ sung đã được sử dụng nhiều làm cho câu văn Việt Nam đẹp rạng rỡ hơn, nhiều hương sắc hơn.
_____________________________
(1) Xem bài Vai trò của phương tiện tu từ ẩn dụ bổ sung trong văn chương, báo chí Việt Nam từ 1930 đến nay. Tạp chí BC&TT số 3.2001.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 6 (tháng 11+12).2005
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện xã hội hóa giáo dục. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có thêm nguồn lực của các chủ thể khác đầu tư cho giáo dục. Người học có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn mô hình trường dân lập, tư thục, chương trình quốc tế, chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài… Tuy nhiên, thực hiện xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa mà phải có sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Bài viết này đề cập quan niệm về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam; Vụ việc Trường quốc tế Mỹ Việt Nam và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các cơ quan chức năng.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận