(LLCT&TT) Nền báo chí Việt Nam manh nha hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XIX nhưng có lẽ, phải từ đầu thế kỷ XX trở đi, báo chí nước nhà mới thật sự có tính chất chuyên nghiệp. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, riêng giai đoạn 1932 - 1945, có khoảng 200 tờ báo và tạp chí lưu hành trên cả nước. Điều thú vị là hầu hết báo chí giai đoạn này đều mang dấu ấn của văn chương.
Nền báo chí Việt Nam manh nha hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XIX nhưng có lẽ, phải từ đầu thế kỷ XX trở đi, báo chí nước nhà mới thật sự có tính chất chuyên nghiệp. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, riêng giai đoạn 1932 - 1945, có khoảng 200 tờ báo và tạp chí lưu hành trên cả nước. Điều thú vị là hầu hết báo chí giai đoạn này đều mang dấu ấn của văn chương. Báo chí ở thời điểm này trở thành diễn đàn hoạt động công khai và hiệu quả nhất, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá tác phẩm của nhà văn (như Nam Phong, Đông Dương tạp chí, An Nam tạp chí, Tao Đàn, Phụ nữ Tân Văn, Hà Nội báo, Phong hoá, Ích hữu, Ngày nay...). Tính chất văn chương chi phối hoạt động báo chí ở nhiều cấp độ, với nhiều mức độ khác nhau. Đây là một hiện tượng có ý nghĩa đặc thù của nền báo chí Việt Nam những ngày đầu tiên.
Không có gì lạ khi các nhà văn trong thời kỳ đầu đều có cơ hội để trở thành những nhà báo gạo cội. Ngược lại, đội ngũ các cây bút viết báo đồng thời cũng là những người sáng tác văn học. Nếu tính các cây bút đảm nhiệm vị trí kép như thế thì từ những năm đầu thế kỷ đến khoảng năm 1932 đã có một bảng danh sách khá dài với những tên tuổi như: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Phượng Dực, Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Bá Trạc, Phạm Quỳnh, Phan Khôi...
Cho đến giai đoạn 1932 - 1945, ngoài những thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn là Nhất Linh (Nguyễn Trường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Dư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ - Lê Ta (Nguyễn Thứ Lễ), Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu, ta có thêm những tên tuổi như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Lê Tràng Kiều và rất nhiều gương mặt khác. Có thể nói, đội ngũ đông đảo các cây bút thời đó đã làm nên một loại hình nhà báo - nhà văn độc đáo trong lịch sử báo chí và văn học Việt Nam hiện đại, trong đó Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng ở giai đoạn 1932 - 1945 được xem là những đại diện tiêu biểu xuất sắc hơn cả.
Nghề báo nhiều gian nguy và thử thách nên mọi nhà báo khi dấn thân vào nghề này đều phải có niềm đam mê từ rất sớm. Trong hồi ký Bốn mốt năm làm báo, Hồ Hữu Tường kể lại những ngày đầu đến với báo chí như một sự ép duyên: “Tôi đã biết đọc báo từ năm 1916. Đọc trong tờ tạp chí rất khô khan của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác là Nam Phong. Cha mẹ tôi là tá điền của người cậu bà con, nhà gần nhà tôi, và làm hội đồng. Vì cái chức hội đồng ấy, cậu bị nhà nước ép mua dài hạn tạp chí nầy. Nhưng trong nhà chẳng ai thèm đọc”(1). Từ chỗ “đọc những bài khó khăn, chẳng hiểu chi ráo”, cậu bé Tường đã dần dần nảy sinh tình yêu với báo: “Mãi đến chín năm về sau, vào cuối năm 1925, tôi mới thích và mê đọc báo”(2).
Vũ Bằng trong tác phẩm Bốn mươi năm nói láo hóm hỉnh kể về mối cơ duyên với báo chí: “Tôi chỉ nhớ rằng thuở nhỏ tôi ưa đọc sách là vì nhà tôi là nhà bán sách, ngoài thời giờ học bài tôi phải ngồi bán sách, xếp sách để gửi bán đi khắp nước. Lúc rảnh, tôi vồ lấy sách để đọc, từ đọc sách tôi thích đọc báo, đọc mãi thấy hay hay thì tôi làm thơ, tôi viết báo, thế thôi, chớ chẳng vì lý do gì hết”(3). Đó chính là tình yêu, ngọn lửa đam mê với nghề đã được đánh thức, giúp họ dám đương đầu với mọi thử thách để quyết liệt đi theo con đường mình đã chọn, như Vũ Bằng đã vượt qua mọi định kiến của gia đình, dám bỏ học, trốn học để theo đuổi nghề viết: “... nghề báo đưa tôi đến chỗ trốn học, nói dối, nhưng chưa đủ, nó còn đưa tôi đi xa hơn nữa”(4).
Ông cũng không ngại viết bài cho những mục nhỏ nhất, không ngại tiếp xúc, học hỏi những đàn anh đi trước. Trong bối cảnh chưa có các trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp thì trở thành nhà báo là một việc không dễ dàng: “Làm báo là làm một nghề không có trường, không có thầy. Tôi thích viết báo và muốn làm nghề đó quá, nhưng biết làm sao bây giờ? Không có cách gì hơn là bạ tờ báo nào cũng đọc, bạ cuốn sách truyện nào cũng coi, rồi... học thuộc lòng từng đoạn...”; “tôi khổ công mài giũa, rèn luyện văn chương con cóc”; “học thuộc lòng chưa đủ, tôi còn phải cắt ra dán vào một quyển sách để gối đầu giường”(5).
Những kinh nghiệm viết báo tưởng chừng ngô nghê ấy lại là lời nhắc nhở về sự khổ luyện cho bất cứ nhà báo nào nếu muốn thực sự làm nghề một cách nghiêm túc. Cũng trong hồi ký của mình, Vũ Bằng đã chiêm nghiệm và khái quát lên những phẩm chất mà bất cứ nhà báo nào cũng cần phải có: “...người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo vẫn là trong số những người đánh kính nể nhất”(6).
Tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng sống trong thời kỳ mà văn học và báo chí bất phân ranh giới, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cùng những người anh em của mình đã thức ngộ ra một chân lý như ngọn đuốc soi sáng cho chặng đường nghề: “Chúng tôi hiểu được rằng viết báo là để phục vụ cách mạng, viết văn cũng phục vụ cách mạng. (...) Chỉ có cá nhân chủ nghĩa, đặt cá nhân lên trên tập thể mới sinh ra mâu thuẫn giữa viết văn và viết báo. Mâu thuẫn ấy không có ở những người toàn tâm toàn ý phục vụ tờ báo”(7). Họ cũng thấu hiểu hơn ai hết ảnh hưởng của tâm hồn văn chương đến việc viết báo, giúp cho độc giả có thêm những bài viết tuyệt vời: “Vì cái máu văn chương làm chúng tôi lăn lộn với cuộc sống. Lấy tài liệu kỹ. Ghi cả ngôn ngữ. Cả cảnh. Cả những chi tiết không phục vụ cho việc viết báo”(8).
Có thể thấy, quá trình nhà báo bén duyên với nghề cho đến khi xác lập phong cách và tìm được chỗ đứng trong làng báo là một hành trình không hề dễ dàng, thậm chí đầy rẫy khổ đau và hi sinh. Nhưng khi nhìn nhận, đánh giá lại chặng đường đời đã qua, hầu hết các tác giả hồi ký đều không kêu ca, oán thán hay buông những lời cay độc cho quá khứ. Viết về hành trình nghề nghiệp của mình, có người dùng giọng tự trào hài hước như Vũ Bằng (Bốn mươi năm nói láo); có người lấy giọng trữ tình mượt mà làm giọng chủ đạo như Bùi Ngọc Tấn (Viết về bè bạn), Lý Quý Chung (Hồi ký không tên); có người lại dùng giọng triết lý suy nghiệm như Hồ Hữu Tường (Bốn mốt năm làm báo), Bà Tùng Long (Hồi ký Bà Tùng Long), Tô Hoài (Cát bụi chân ai), Hữu Thọ (Những ngày không xa)…
Dù bằng cảm hứng hay giọng điệu khác nhau thì xuyên suốt trong những trang viết của các nhà báo vẫn là thái độ cầu thị nghiêm túc và niềm say mê, tâm huyết với nghề. Như lời khẳng định tha thiết của Vũ Bằng: “Người mẹ nào sanh con ra lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”(9). Đó là những nhân cách sống đáng để cho chúng ta phải trân trọng và học tập.
Không chỉ kể chuyện đời mình, hồi ký của các nhà văn và nhà báo còn mang đến những câu chuyện thú vị về những bạn bè trong giới báo chí - những cây cổ thụ trong làng báo. Khảo sát các tác phẩm hồi ký viết về nhà báo, chúng tôi nhận thấy có hai hướng khai thác chính: hướng thứ nhất, tác giả chủ định tái hiện, dựng chân dung các nhân vật bằng cách cung cấp nguồn thông tin phong phú, nhiều chiều về đời tư, tiểu sử, quá trình làm báo qua sự trải dài của dòng thời gian và sự mở rộng của các mô hình không gian (hướng này khá gần gũi với cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết); hướng thứ hai, tác giả chỉ tập trung nhấn mạnh một vài nét nổi bật nhất trong tính cách những người bạn của mình bằng cách miêu tả “điểm nhãn” và đặt nhân vật trong những “lát cắt” của cuộc sống, những khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian (hướng này khá giống cách viết của truyện ngắn).
Dù bằng cách nào, hồi ký cũng là nơi tác giả thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc và mối quan tâm đặc biệt dành cho những người bạn. Vì lẽ đó, ngay trong những hình tượng tưởng chừng nhếch nhác, xo xúi, trong những “thói hư tật xấu” bị “tố cáo” thẳng thừng, không giữ kẽ, ta vẫn thấy biết bao yêu thương, trìu mến của những người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Với hướng thứ nhất, có thể kể ra trường hợp tiêu biểu là phần viết về Nguyên Hồng trong phần hồi ký Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn. Tác giả đã sử dụng biểu tượng biển như một biểu tượng chủ đạo để hỗ trợ cho việc khắc họa tính cách, phẩm chất nhà văn - nhà báo Nguyên Hồng “Về Hải Phòng tôi đã gặp Nguyên Hồng, gặp biển”(10). Rõ ràng, biển không chỉ là một hình ảnh thiên nhiên gắn với mảnh đất quê hương của Nguyên Hồng mà trong thế sóng đôi, biểu tượng biển đã giúp người đọc hiểu rõ hơn những cá tính, khát vọng cũng như những ẩn ức trong sâu thẳm con người ông. Biển trong văn hóa nhân loại thường biểu trưng cho “động thái sự sống”, “nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh”. Nguyên Hồng với quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, quá trình làm báo đầy nhiệt huyết dường như đã tìm được sự đồng điệu trong những cuộn sóng không ngừng nghỉ của biển cả. Và như thế, trong sự kết nối linh hoạt và mật thiết giữa các biểu tượng, hình tượng Nguyên Hồng đã được viền nổi một cách đậm nét và sinh động.
Với hướng thứ hai, bằng cách viết “điểm nhãn”, các tác giả đã tái hiện lại loạt tên tuổi của làng báo chỉ bằng một vài chi tiết điển hình đặc sắc. Cái tài của người viết là không cần miêu tả dài dòng mà vẫn tóm bắt được thần thái của bạn bè mình chỉ qua vài hành động, lời nói, hình ảnh đặc thù, làm cho bạn đọc thích thú.
Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng là bức tranh tái hiện sinh động cả một thế hệ những người làm báo của thời kỳ trước với một cái nhìn tinh tế, hài hước. Đó là Phùng Tất Đắc “mặt lạnh như tiền”, “vén tay áo sơ mi lên ngồi rung đùi khảo cứu Nho giáo”(11). Đó là Nghiêm Xuân Hiến “miệng nói cứ chúm lại như sắp huýt gió, và bất cứ chuyện lạ hay không cũng trợn tròn đôi mắt to quá cỡ, dễ làm cho trẻ con bị sài”(12). Đó còn là Nguyễn Văn Vĩnh “lúc nào cũng đội cái cát cô lô nhần ở trên đầu không chịu bỏ ra, kể cả những khi viết bài, tiếp khách”(13). Và rồi những Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Ngô Tất Tố... vừa là bạn văn, vừa là bạn báo, chỉ một vài nét đã được tái hiện thật tài tình.
Hồ Hữu Tường đã nhắc đến nhóm “Ngũ long” của làng báo Việt trong những năm đầu của thế kỷ XX. Họ gồm Phan Văn Trường, Tây Hồ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh. Chuyện làm báo của họ tạo ra những giai thoại kỳ thú. Ví như khi viết báo chống thực dân, cụ Tây Hồ thường đưa ý kiến đề xuất, các cụ Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Nguyễn Anh Ninh sẽ biên ra tiếng Pháp, cuối cùng giao cho Nguyễn Tất Thành hiệu đính và giao cho nhà báo với bút hiệu chung là “Nguyễn Ố Pháp” (nghĩa là ông Nguyễn ghét người Pháp). Cái tên này được độc giả hoan nghênh nhưng lại bị các đồng sự Pháp phản đối vì cái tên cực đoan và dễ ghét, đề nghị đổi: “Từ đó, bút hiệu Nguyễn Ố Pháp bị đổi ra là Nguyễn Ái Quốc. Về sau, bốn vị kia tách ra, tên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Hồ Chí Minh”(14).
Bút hiệu đó sau này không chỉ còn là bút hiệu dành cho việc viết báo mà đã góp phần tạo nên tên tuổi một vĩ nhân cho dân tộc ta. Chưa hết, cây cổ thụ của làng báo - Nguyễn An Ninh hiện ra đầy chân thực và giản dị qua những chi tiết miêu tả đắt giá: “Nguyễn An Ninh chạy phăng phăng trên chiếc xe đạp, khắp nẻo đường đất nước để bán dầu cù là An Ninh cả ngày, đến tối dừng chân nơi một nhà quen, thiên hạ bu chung quanh mà nghe Ninh giải thích những bài vở được đăng trong số rồi. Bởi báo viết bằng tiếng Tây mà người đọc lại không đọc được rất nhiều, thêm Ninh có biệt tài diễn tả rất bình dân”(15).
Có thể nói, nhờ công việc “bán dầu cù là” mà nhà báo có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với quảng đại quần chúng, giúp họ tiếp cận tốt hơn các tác phẩm báo chí bằng tiếng nước ngoài. Nhà báo nổi tiếng Đoàn Văn Trương cũng được nhắc đến với những chuyện “thâm cung bí sử”: “Số là hai vợ chồng anh mới cưới nhau mà bà vợ vừa cấn thì xảy ra việc cơm chẳng lành, canh không ngon. Trương buồn rầu, bỏ vợ, thì coi không phải. Mà còn ở, thì cắn đắng nhau hoài chịu không nổi. Trương hỏi tôi có cách gì để tính cho êm đẹp. Khai thác cơ hội, tôi mới đề nghị cho anh ta hi sinh vì đại nghĩa, đứng tên làm quản lý tờ Le Miliant, chịu vào tù để mượn bàn tay đế quốc mà rẽ thuý chia loan”(16). Hoá ra, chuyện đời không vui vẻ lại là cái cớ để nhà báo cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp.
Tương tự, trong hồi ký Một thời để mất, Bùi Ngọc Tấn chỉ bằng vài dòng đã điểm mặt chỉ tên một loạt nhà báo nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến với những câu chuyện đời tư dí dỏm. Chuyện một anh phóng viên vì sao lại được chú cún con yêu quý đột xuất: “Nguyễn Trí Tình thuật lại chuyến đi phỏng vấn một chị dân lao động ở khu lao động Lương Yên cho số báo mồng 1 tháng 5. Nguyễn Trí Tình vừa ngồi một lúc thì chị chủ nhà đi chợ về. Chị thả từ cái rọng ra một con chó con mới mua ở chợ. Con chó từ ngoài sân ngoe nguẩy cái đuôi ngắn ngủn, ngỏng đầu hít hít và chạy thẳng vào trong nhà, tới chỗ Nguyễn Trí Tình ngồi rồi cứ quấn quýt lấy hai bàn chân đi bít tất của anh lúc ấy đã rút ra khỏi giầy ba ta.(...) Vì sao lại có tình bạn tuyệt vời này. Rồi anh chợt hiểu nguyên nhân của mối tình tiền kiếp đó: chân anh, bít tất anh đi giày vải lâu ngày không giặt, có mùi quá nặng”(17).
Chuyện trêu chọc giữa nhân viên và thủ trưởng của tờ báo: “Cũng có số báo Tất Vinh chỉ cho đăng một mẩu quảng cáo: “Nếu bạn và người yêu bạn cùng hơi bị vổ thì hôn nhau như thế nào? Trong số báo sau bạn TD vui lòng giải đáp”. Bạn TD là đồng chí Tổng biên tập báo Tiền phong của chúng tôi, hai vợ chồng đồng chí đều có hàm răng hơi hô. Tất nhiên độc giả TD xem báo của chúng tôi chỉ có thể cười”(18). Những câu chuyện đời tư xuất hiện trong hồi ký về các nhà báo đã kéo gần khoảng cách giữa họ và độc giả, giúp người đọc hiểu và yêu mến hơn con người đời thường của họ.
Người làm báo cần có lý tưởng cao đẹp và góp ích cho xã hội, cho dân tộc mình như lời tâm sự của Vũ Bằng: “Báo chí không phải là một trò giải trí, nhưng là một bộ môn văn hoá phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, không những nói lên phẩm chất hoặc văn minh siêu việt hoặc thoái hoá, đồi truỵ của chế độ ấy mà còn đi sâu vào từng tình tiết, tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của xã hội”(19).
Ở điểm này, hồi ký của Vũ Bằng đã gặp gỡ với rất nhiều hồi ký của các nhà báo khác như Bùi Ngọc Tấn, Hồ Hữu Tường, Hữu Thọ, Lý Quý Chung..., những người đã mượn trang viết để chuyển tải trở trăn với nghề và mang đến cho công chúng sự tiếp cận chân xác hơn với những người làm báo. Rõ ràng, thông qua những dòng hồi ức chân thật, ta đã nhìn thấu mọi đắng cay của nghề báo, những hi sinh, chịu đựng mà họ phải trải qua để hoàn thành tốt nhất sứ mạng của mình. Trước năm 1975, tình hình báo chí trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Nhà báo phải đương đầu với nhiều thử thách từ công việc đến đời sống sinh hoạt. Đó là những chuyến đi thực tế để lấy tư liệu, rong ruổi khắp mọi nẻo đường: “Nguyễn Trí Tình suốt đêm đi làm với các anh chị đổ thùng. Đón giao thừa với các anh lái xe lửa trên chuyến tàu Hà Nội - Lạng Sơn. Tôi thì lang thang ở vùng quê Ninh Bình - Hà Nam (...). Đó là chưa kể những chuyến đi về các mũi nhọn của nông thôn đầy gian khổ nhưng biết bao hào hứng khác. Như chuyến về Lâm Động (Thuỷ Nguyên) lấy tài liệu ngày giỗ trận... Chuyến đi lên Ngũ Kiên (Phúc Yên) nơi đi đầu trong phong trào cấy song long quá hải...”(20).
Những trải nghiệm thực tế mang cho nhà báo nhiều kinh nghiệm, tư liệu quý giá để lên bài nhưng đôi khi cũng tạo nên những cản trở, khiến họ không thể cất bút: “Tôi đã tới lò nong, nơi Châu Diên làm việc. Những chiếc lò đang vận hành... Bao trùm lên tất cả là hơi nóng. Cái nóng ngàn độ từ các lò toả ra. (...) Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thấy Châu Diên viết gì về xi măng. Có lẽ muốn viết phải đứng xa xa một chút chăng”(21). Gánh nặng của cuộc mưu sinh đè lên vai của tất cả các nhà báo, họ phải chấp nhận “viết báo ăn ngay, lấy ngắn nuôi dài như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên anh em làm văn nghệ”: “Chẳng còn cách kiếm tiền nào khác ngoài việc viết. Không từ một thể loại. Mỗi tháng tôi đảm bảo một trang thủ công nghiệp cho báo Thời Mới. Viết cho báo Cứu Quốc, nơi anh Xuân Thu, anh em chú bác ruột với tôi làm biên tập. Và cho Chính Yên báo Nhân Dân... Còn một nơi quan trọng: Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, mục Tổ quốc ta tươi đẹp”(22).
Nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với người làm báo thời đó chính là sự can thiệp thô bạo và chế độ kiểm duyệt gắt gao của bè lũ thực dân: “Là vì quyền lợi dân tộc nhiều khi trái ngược với quyền lợi của một chế độ hay của một chánh phủ nên mâu thuẫn thường phát sanh, tạo ra những điều trái nghịch, bất công, uất hận. Vì thế báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm mà người làm báo - cũng như làm chánh trị- thường bị vu cáo, hành hạ, tù tội, đày ải hay chết oan, chết ức”(23).
Hồ Hữu Tường còn kể lại những ngày phải làm báo giấu giếm trong tù như khi làm tờ nhật báo Thiên Thu hay cảnh tượng các nhà báo, chủ bút bị đuổi bắt, tra tấn vì tuyên truyền “phản động”: “nhân cuộc quét hốt sạch sành sanh do thế chiến II, anh ấy bị vào khám cùng độ ba bốn trăm người khác tờ Tranh Đấu”; “Báo Tia sáng lại khác có ông Tây đứng làm quản lý (...). Đến tháng sáu, ông cũng bị bắt”(24); “tạp chí Tháng Mười thì Đào Hưng Long đứng làm quản lý, cũng như báo Thầy Thợ, anh cũng bị bắt tháng sáu năm 1939, lãnh 3 năm tù”(25). Có thể nói, nền báo chí nô dịch đã kìm hãm không ít sáng tạo của các nhà báo và đẩy họ vào những tình thế hiểm nghèo, có khi không thể giữ được mạng sống.
Nghề báo, nghề làm việc với con chữ, cũng là nghề phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đôi khi cả máu để đánh đổi sự thật. Hồi ký các nhà báo là một nhịp cầu để đưa công chúng đến gần hơn với những người làm nghề “đặc biệt” này. Trong hồi ký các nhà báo, từ cách phối hợp linh hoạt các điểm nhìn trần thuật đến việc tạo lập giọng điệu trần thuật đa thanh, các tác giả đã thành công trong việc chuyển tải hơi thở của thời đại, phản ánh sâu sắc những vấn đề của hôm nay không kém gì những cuốn tiểu thuyết có tầm bao quát rộng lớn./.
__________________________________________
(1), (2), (14), (15), (16), (23), (24), (25) Hồ Hữu Tường (2017), Bốn mốt năm làm báo, Nxb. Hội Nhà văn.
(3), (4), (5), (6), (9), (11), (12), (13), (19) Vũ Bằng (2000), Bốn mươi năm nói láo, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(7), (8), (10), (17), (18), (20), (21), (22) Bùi Ngọc Tấn (2012), Viết về bè bạn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
Bình luận