Đại dịch Covid-19: Nhìn từ góc độ “cú sốc ngoại sinh”
1. “Cú sốc ngoại sinh”
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế luôn phải đối diện với nhiều tác động từ bên ngoài, trong đó có những vấn đề mang tính bất định, gây ảnh hưởng nhanh, mạnh, sâu rộng và có thể đưa đến nhiều hệ lụy khó lường, đó là các “cú sốc ngoại sinh”. Xét trên góc độ kinh tế, “cú sốc ngoại sinh” là những biến động của các nhân tố bên ngoài quốc gia hoặc bên ngoài chủ thể bị tác động, nhưng có tác động lớn, chi phối sự vận hành, phát triển kinh tế của quốc gia, khu vực hay chủ thể cụ thể nào đó.
Trong thế kỷ XVII đã xảy ra cuộc khủng hoảng hoa tulip - giá hoa tăng chóng mặt trong năm 1636-1637, sau đó tụt dốc không phanh vì tin đồn dịch bệnh phát tán từ loài hoa này. Sự tụt giá bất thường của hoa tulip - với tính chất là một hàng hóa thông dụng nhưng bị đầu cơ - đã tác động đến cả hệ thống tài chính và các chủ thể kinh tế khác. Khi các chủ đầu cơ không có khả năng thanh toán với ngân hàng dẫn đến hệ thống tài chính chao đảo, sự khủng hoảng lan rộng xảy ra sau đó và nền kinh tế Hà Lan vốn quá phụ thuộc vào sản phẩm này đã sụp đổ nhanh chóng.
Ở thế kỷ XVIII, cuộc khủng hoảng bởi bong bóng do Công ty Hải Nam(1) thổi phồng những thành tích về hoạt động thương mại, khiến giá trị cổ phiếu của công ty này tăng vọt từ 128 lên 1.000 bảng Anh chỉ trong vòng nửa năm, tạo nên cơn khát đầu cơ trên khắp nước Anh. Đến thời điểm nguồn tài chính của các nhà đầu tư cạn kiệt, họ bắt đầu bán tháo cổ phiếu dẫn tới giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, đẩy nhiều ngân hàng vào tình trạng phá sản và nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái. Như vậy, sự “tụt giá” không kiểm soát được của cổ phiếu một công ty đã làm “chao đảo” hệ thống tài chính, tiền tệ. Đối với một nền kinh tế, khi hệ thống tài chính, tiền tệ khủng hoảng sẽ gây ra những hệ lụy khó lường cho các chủ thể kinh tế khác, bởi sự bị động của các chủ thể này trước “vấn đề” của một chủ thể khác, đó chính là “cú sốc ngoại sinh”.
Trong thế kỷ XIX, tư tưởng tự do thống trị các nước tiến hành công nghiệp hóa, do đó nhà nước ít can thiệp vào sự vận hành của thị trường. Sự lớn mạnh của nhân tố thị trường, nhất là thị trường tài chính - tiền tệ, đã tạo sự chi phối quan trọng tới sự vận hành của các nền kinh tế mở cửa, các nền kinh tế công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, nhân loại cũng bắt đầu chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu hay khu vực với những hệ lụy khó đoán định bởi các “cú sốc ngoại sinh”. Chẳng hạn, đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã dẫn tới sự sụp đổ lớn nhất trong lịch sử tài chính của Phố Wall bắt nguồn từ cao trào đầu cơ xuất hiện trong những năm 1920.
Từ những năm 20 thế kỷ XX, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất (công nghiệp hóa được thúc đẩy), thương mại, đầu tư dần trở thành xu hướng chi phối sự vận hành nền kinh tế thế giới, cũng như trở thành công cụ để các nền kinh tế lớn hiện diện ở những khu vực, vùng lãnh thổ khác ngoài phạm vi quốc gia, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới thứ II. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu và sự gia tăng tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư thì sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế, các khu vực kinh tế cũng trở nên phổ biến và ảnh hưởng lẫn nhau hơn bao giờ hết. Vì vậy, các “cú sốc ngoại sinh” cũng gia tăng với biên độ ngày càng ngắn hơn.
Sau đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và những điều chỉnh của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ II, nền kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi từ cấu trúc, mô hình đến cơ chế vận hành, gia tăng rõ rệt sự hiệu quả thông qua thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Song, cũng từ đó, các “cú sốc ngoại sinh” xảy ra thường xuyên hơn, với chu kỳ 8-10 năm. Có thể kể đến cú sốc do khủng hoảng dầu mỏ 1973-1975(2), khủng hoảng của thị trường chứng khoán toàn cầu vào năm 1973-1974(3); sự sụp đổ của các công ty “dot com”(4) (cuối năm 2002); khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 2008(5); khủng hoảng nợ Hy Lạp 2010(6). Đến giữa năm 2020, thế giới lại bước vào cuộc khủng hoảng mới do tác động từ đại dịch Covid-19 - một “cú sốc ngoại sinh” không loại trừ bất kể nền kinh tế, bất kể chủ thể nào.
Như vậy, các “cú sốc ngoại sinh” có thể xuất phát từ vấn đề của một sản phẩm (khủng hoảng hoa tulip), một chủ thể kinh tế (bong bóng từ Công ty Hải Nam; công ty dotcom); từ vấn đề cấu trúc vận hành nền kinh tế - liều lượng thị trường/nhà nước (khủng hoảng 1929-1933; khủng hoảng từ mô hình kinh tế xô-viết); từ rủi ro chính sách (khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 2008; khủng hoảng nợ Hy Lạp); rủi ro sản xuất, giao thương (tác động từ đại dịch Covid-19)... Cùng với mức độ sâu rộng của hội nhập, tác động từ các cú sốc này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, có thể đơn chiều hoặc đa chiều, gây ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư hay tổ hợp các khía cạnh, lĩnh vực kinh tế, xã hội... và mức độ tác động khác nhau đối với mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi chủ thể, song thường để lại những hệ lụy khó đoán định mà các quốc gia, các nền kinh tế, các chủ thể đều bị động trong ứng phó.
2. Những tác động từ đại dịch Covid-19 với tính chất là một “cú sốc ngoại sinh”
Từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng, nền kinh tế thế giới chuyển sang trạng thái vận hành mới, với những sự gián đoạn lưu thông kinh tế do yêu cầu bắt buộc của việc phòng, chống dịch. Trạng thái bất thường này đã tác động mạnh mẽ, đa chiều đến nền kinh tế toàn cầu cũng như mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam.
Tác động từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới
Thứ nhất, đại dịch đã làm suy giảm đáng kể thương mại toàn cầu
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các quốc gia phải thúc đẩy mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch với các biện pháp cứng rắn như phong tỏa, giãn cách xã hội dẫn đến việc ngưng trệ các hoạt động giao thương, đình trệ sản xuất... Điều này dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi cho tình hình thương mại thế giới vốn đang có dấu hiệu chững lại do căng thẳng thương mại leo thang và tăng trưởng kinh tế chậm lại trên quy mô toàn cầu.
Kết quả là cung, cầu hàng hóa trên phạm vi toàn cầu sụt giảm, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới giảm đáng kể ngay từ những tháng đầu năm 2020, giảm sâu ở những tháng tiếp theo và nếu tham chiếu với trước khi xảy ra đại dịch, có thể thấy rõ hơn mức độ trầm trọng từ những tác động này.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực đến đầu tư
Bên cạnh những tác động nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu, đại dịch cũng gây tác động tiêu cực đến danh mục đầu tư và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo dự báo của UNCTAD, tác động từ khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến tổng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh, khoảng 40%, từ 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống khoảng 924 tỷ USD năm 2020. Đây là lần đầu tiên dòng vốn FDI giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD kể từ năm 2005. FDI toàn cầu được dự báo sẽ giảm thêm 5 đến 10% vào năm 2021 và chỉ bắt đầu phục hồi từ năm 2022; tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chỉ mang tính kỳ vọng(7).
Ngoài ra, dòng vốn FDI chảy vào các khu vực trên thế giới đều có sự sụt giảm mạnh mẽ.
Thứ ba, đại dịch Covid-19 gây nên sự sụt giảm rõ rệt về việc làm và thu nhập
Những gián đoạn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do yêu cầu phòng, chống dịch ở các quốc gia đã gây ra tình hình sụt giảm việc làm rõ rệt ở tất cả các khu vực. Ngoại trừ Mỹ và Canada, sụt giảm việc làm gây ra bởi thất nghiệp nhiều hơn là do tình trạng đóng băng các hoạt động. ILO dự báo thu nhập toàn cầu sẽ giảm khoảng 10,7% trong ba quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019(8).
Thứ tư, Covid-19 làm suy giảm trầm trọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Kể từ năm 1870, nền kinh tế thế giới đã trải qua 14 lần suy thoái toàn cầu vào các năm 1876, 1885, 1893, 1908, 1914, 1917-1921, 1929-1933, 1938, 1945-1946, 1975, 1982, 1991, 2009 và 2020; trong đó suy thoái do Covid-19 được dự báo là đợt suy thoái sâu thứ tư trong suốt 150 năm (sau các cuộc suy thoái năm 1914, 1929-1933 và 1945-1946) và là suy thoái trầm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.
Tác động từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam
Sau hơn một năm, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít quốc gia thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nền kinh tế mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực, song vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương(9) (2,9% năm 2020) và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực Đông Nam Á(10). Tuy nhiên, để giữ vững đà phát triển, vượt qua đại dịch nói riêng và chủ động trước những “cú sốc ngoại sinh” nói chung, Việt Nam cần nhìn nhận một cách cẩn trọng những tác động từ Covid-19 tới các lĩnh vực kinh tế cơ bản như: thương mại, đầu tư, tăng trưởng... thông qua các số liệu cụ thể:
Những số liệu trên cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được phương châm phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn bảo đảm các hoạt động của nền kinh tế với quyết tâm triển khai mục tiêu kép. Thành công này là kết quả của sự đồng thuận và quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Đồng thời, trong năm 2020, nền tảng căn bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - lĩnh vực nông nghiệp - đã phát huy cao độ, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã bình ổn các hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, kiến tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn.
Những phân tích trên cho thấy, “cú sốc ngoại sinh” - Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế, cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, cả cấu trúc lẫn hành vi, cao hơn nữa là làm thay đổi nhận thức về vận hành, phát triển nền kinh tế. Bởi vì, từ việc thực hiện với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội được áp dụng theo những hình thức khác nhau, khủng hoảng y tế toàn cầu đã nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.
Từ những tác động của đại dịch Covid-19 đến các quốc gia, các nền kinh tế và các chủ thể xã hội, có thể rút ra một số vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất, Covid-19 là một “cú sốc ngoại sinh” đối với mọi chủ thể (quốc gia, nền kinh tế, cá nhân), bản thân nó không phải là hậu quả của bất cứ vấn đề yếu kém nào thuộc hệ thống nội sinh của các chủ thể.
Thứ hai, Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia, các nền kinh tế và phơi bày nhiều nguy cơ của nền kinh tế toàn cầu, cũng như mỗi quốc gia.
Thứ ba, nỗ lực ứng phó với các tác động của Covid-19 là vấn đề cấp bách của hầu hết các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Song, tính hiệu quả của những nỗ lực này đến nay còn chưa rõ nét, bởi các biện pháp đối phó với Covid-19 như “đứt gãy”, “gián đoạn” tiếp xúc là biện pháp bắt buộc vì sự an toàn sinh mạng, nhưng lại gây những tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, trao đổi thương mại trên toàn cầu.
Thứ tư, sự “đứt gãy”, “gián đoạn” trong ứng phó với đại dịch Covid-19 không thể cản trở tiến trình toàn cầu hóa và không làm thay đổi bản chất của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nền tảng cơ bản nhất để vận hành nền kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực cũng như nền kinh tế quốc tế sẽ phải thay đổi đáng kể trong và sau đại dịch Covid-19 là điều không thể tránh khỏi.
3. Một số gợi mở ứng phó với tác động từ “cú sốc ngoại sinh” - Covid-19
Một là, để phát triển bền vững, nền kinh tế các quốc gia không chỉ chú trọng tăng trưởng nhanh, mà cần củng cố sức mạnh để chịu đựng tác động từ những “cú sốc”, đặc biệt là các “cú sốc ngoại sinh”, đồng thời phải có khả năng thích ứng nhanh trong và sau các “cú sốc”. Bởi, các “cú sốc ngoại sinh” ngày càng xảy ra thường xuyên trong bối cảnh gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các nền kinh tế và diễn biến phức tạp, khó lường của nó luôn đẩy các quốc gia vào thế bị động.
Hai là, các quốc gia cần đặt mục tiêu hướng đến nền kinh tế an toàn, coi trọng và bảo đảm khả thi đối với vấn đề tăng trưởng toàn diện, an toàn lương thực, an toàn năng lượng, an toàn môi trường sinh thái và an sinh xã hội bền vững.
Ba là, chính phủ mỗi quốc gia cần chú trọng tính linh hoạt trong ứng phó với các biến cố từ chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng thị phần cung ứng của nền kinh tế đối với các thị trường tiêu dùng trong nước. Đồng thời, tăng cường năng lực của các chủ thể kinh tế, chủ thể xã hội theo hướng linh hoạt hơn và có sức chống chịu cao hơn.
Bốn là, nhà nước đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong ứng phó với các “cú sốc” nói chung, “cú sốc ngoại sinh” nói riêng, do đó chức năng dự báo của nhà nước cần kịp thời, chính xác. Các nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế cần nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng dự báo.
Năm là, đại dịch Covid-19 chưa đoán định được hồi kết, để khắc phục sự gián đoạn các chuỗi kết nối, phục hồi kinh tế thế giới, các nền kinh tế cần nhiều nguồn lực hơn để ứng phó và cứu trợ những nhân tố yếu thế, dễ tổn thương. Do đó, việc duy trì sự liên tục và phục hồi nhanh nhất cho phát triển kinh tế trên nền tảng khôi phục các chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, khu vực là vấn đề cấp thiết. Các quốc gia, các nền kinh tế cần phát huy tốt nhất những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó ưu tiên thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và gia tăng ứng dụng công nghệ số đối với sự vận hành xã hội./.
__________________________________
(1) Một công ty của Anh đã có độc quyền thương mại với các thuộc địa của Tây Ban Nha ở châu Mỹ Latinh. Công ty này đã thiết lập tuyến thương mại đầu tiên tới khu vực Mỹ latinh vào năm 1717 và bắt đầu thổi phồng những thành tích về hoạt động thương mại đó.
(2) Ngày 16.10.1973, giá dầu mỏ từ 3,01 USD tăng lên 5,11 USD một thùng và tăng đến gần 12 USD vào giữa 1974.
(3) Chỉ số FT30 của Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn bốc hơi 73% giá trị, Thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi 97 tỷ USD chỉ sau một tháng rưỡi, khiến đồng USD Mỹ mất giá và làm cuộc khủng hoảng dầu lửa thêm tồi tệ. Suy thoái và lạm phát lan rộng gây ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cho tới tận thập niên 1980.
(4) Cuối những năm 1990, giá trị của một số công ty công nghệ được đánh giá quá cao so với thực tế, khiến các nhà đầu tư đổ xô đi mua chứng khoán mà họ cho là sẽ tiếp tục tăng giá trị... Tuy nhiên, vào cuối tháng 10-2002, khi các báo cáo chỉ ra rằng nhiều công ty đang làm ăn không có lãi, giá trị các cổ phiếu dần chạm đáy và chẳng bao lâu sau đã khiến nước Mỹ một lần nữa rơi vào suy thoái, kinh tế toàn cầu lao đao.
(5) Bong bóng nhà ở cùng với sự giám sát tài chính thiếu hoàn thiện của Mỹ đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát vào giữa năm 2007. Sự đổ vỡ lên đến cực điểm vào tháng 10.2008, lan rộng và đẩy nền kinh thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933.
(6) Tính đến tháng 01.2010, nợ công của Hy Lạp ước tính lên tới 216 tỷ Euro và mức nợ lũy kế đạt mức 130% GDP.
(7) UNCTAD: World Investment Report 2020, 2020, p.1, https://unctad.org/system/files/ official-document /wir2020_en.pdf
(8) 3.ILO: ILO Monitor: Covid-19 and the world of work. Sixth edition. Updated estimates and analysis, 9.2020, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/-dgreports/-dcomm/ documents/briefingnote/wcms_ 755910.pdf.
(9) Ba quốc gia châu Á có tăng trưởng dương năm 2020 là Trung Quốc, Mianma và Việt Nam.
(10) Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Xinhgapo (337,5 tỷ USD) và Malaixia (336,3 tỷ USD), vươn lên vị trí thứ 4 (sau Inđônêxia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philíppin 367,4 tỷ USD).
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận