Dự báo của Yuval Noal Harari về những biến đổi chính trị - xã hội trong thời đại số và những giải pháp cho xã hội tương lai
Diễn ra từ những năm 2000 cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC), công nghệ sinh học... đang biến thế giới thực thành thế giới số bên cạnh thế giới thực. Những thành tựu của cách mạng số hóa đã mang đến những biến đổi kì diệu trong đời sống con người nhưng nó cũng đang tiềm ẩn những cơn chấn động xã hội to lớn.
Yuval Noah Harari sinh ngày 24 tháng 2 năm 1976 là một nhà sử học người Israel và là giáo sư khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử xã hội loài người, gần đây ông công bố những dự báo quan trọng về tương lai của nhân loại trong thời đại số. Những dự báo này được viết trong bộ ba cuốn sách bán chạy trên thế giới hiện nay: Sapiens - Lược sử loài người (2014), Homo Deus - Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỉ 21 (2018). Ông đã thể hiện một cái nhìn tổng quát từ quá khứ, hiện tại đến tương lai của nhân loại. Các tác phẩm của ông đưa ra những dự báo khá u ám về một loạt các vấn đề chính trị, xã hội của nhân loại trong thời đại số hóa. Đây vừa là gợi ý, vừa là cảnh báo cho nhân loại cần có những hành động thiết thực ngay bây giờ để đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
1. Dự báo những biến đổi chính trị - xã hội trong thời đại số
1.1. Xuất hiện lớp người vô dụng đông đảo
Vào thế kỉ 19, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một tầng lớp khổng lồ các vô sản thị dân mới, nhưng sang thế kỉ 21, chúng ta có thể chứng kiến sự ra đời của một tầng lớp vô dụng đông đảo. Câu hỏi quan trọng nhất trong thế kỉ 21 rất có thể sẽ là “Phải làm gì với tất cả những con người thừa thãi này đây?”. Con người có ý thức sẽ làm gì, một khi chúng ta đã có những thuật toán phi ý thức với trí tuệ cao có thể làm mọi thứ tốt hơn?.
Harari cho rằng, lịch sử thị trường lao động được phân chia thành ba khu vực chính: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Cho đến năm 1800, đại đa số mọi người làm trong nông nghiệp, chỉ thiểu số làm trong công nghiệp và dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp làm cho người dân các nước rời bỏ đồng ruộng và bầy gia súc. Từ đó hầu hết, số người chuyển sang công nghiệp và dịch vụ cũng ngày càng tăng. Khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, con người đã sợ rằng cơ giới hóa sẽ gây ra thất nghiệp hàng loạt. Điều này không hề xảy ra, bởi vì khi các ngành nghề cũ trở nên lỗi thời, các ngành nghề mới lại xuất hiện và luôn có thứ gì đó con người có thể làm tốt hơn máy móc.
Tuy nhiên, đây không phải là một quy luật tự nhiên, không có gì đảm bảo điều đó có thể tiếp tục xảy ra trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Con người có hai kiểu năng lực cơ bản là: năng lực thể chất và năng lực nhận thức. Khi máy móc thay thế con người ở năng lực thể chất như những gì đã và đang diễn ra trong hai thế kỉ gần đây thì con người sẽ tập trung vào năng lực nhận thức. Nhưng ngày nay máy móc thay thế cả con người trong ghi nhớ, phân tích, nhận dạng mẫu… (dạng công việc trí tuệ) vậy con người sẽ làm gì? Harari dự báo rằng trong thời đại mới, trí tuệ nhân tạo rất có thể sẽ tạo ra tầng lớp vô dụng khổng lồ. Đó là những người không có giá trị gì về mặt kinh tế, chính trị, quân sự hay thậm chí là nghệ thuật bởi vì trong tương lai AI có thể thay thế con người ở các lĩnh vực này. Tầng lớp vô dụng này sẽ không chỉ thất nghiệp mà không hề có giá trị để thuê mướn.
Trong tương lai khi các thuật toán đẩy con người ra khỏi thị trường lao động, của cải và quyền lực có thể tập trung trong tay của một tầng lớp tinh hoa cực nhỏ sở hữu các thuật toán toàn năng, tạo nên sự bất bình đẳng chính trị - xã hội chưa từng thấy. Ngày nay, các tài xế taxi, xe bus, xe tải có địa vị đáng kể về mặt kinh tế và chính trị - xã hội bởi vì mỗi người đóng góp một phần nhỏ trong thị trường vận tải. Nhưng một khi AI thay thế họ thì toàn bộ quyền lực và của cải ấy sẽ tập trung vào tay các công ty sở hữu thuật toán đó và một nhóm các tỉ phú nắm trong tay công ty đó. Harari dự báo rằng, trong tương lai sẽ là cuộc chiến chống lại sự vô dụng. Cuộc chiến này sẽ còn khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến chống lại sự áp bức của thế kỉ trước.
1.2. Bất bình đẳng sinh học
Khi chế độ tư hữu xuất hiện con người bị chia thành các giai cấp, và từ đó phải chịu đựng sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội nhưng về cơ bản vẫn bình đẳng về mặt sinh học với nhau, vì chưa một thế lực nào thay thế được tạo hóa để can thiệp vào khả năng này. Lịch sử của thế kỉ 20 phần lớn xoay quanh việc giảm bất bình đẳng giữa các tầng lớp, chủng tộc và giới tính. Thế giới năm 2000 tuy vẫn còn phân tầng nhất định nhưng đã có được sự bình đẳng hơn rất nhiều so với các xã hội trước. Thế nhưng trong những năm đầu thế kỉ 21, các dấu hiệu của bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các nhóm xã hội “Một số nhóm ngày càng giữ độc quyền thành quả của toàn cầu hóa trong khi hàng tỉ người bị bỏ lại phía sau, 1% người giàu nhất sở hữu 50% của cải của nhân loại, 100 người giàu nhất sở hữu nhiều của cải hơn 4 tỉ người”(1).
Nếu năm 2050 các tiến bộ y tế có thể làm chậm quá trình lão hóa và tăng tuổi thọ con người lên đáng kể thì các liệu trình mới có phổ cập đến tất cả 10 tỉ con người trên khắp hành tinh hay chỉ cho vài tỉ phú. Nếu công nghệ sinh học cho phép bố mẹ nâng cấp (chỉnh sửa ADN của con mình ngay từ khi còn là phôi thai) thì ai có thể mua được những dịch vụ di truyền học cao cấp này? Harari cho rằng với sự kết hợp của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học rất có thể sẽ chia loài người thành các đẳng cấp sinh học khác nhau: tầng lớp trên là những người giàu có tận hưởng các khả năng vượt trội, tầng lớp dưới là những con người bình thường nghèo khó, không được can thiệp di truyền.
Tình hình có thể tệ hơn rất nhiều nếu sự phát triển của AI có thể xóa bỏ giá trị kinh tế và quyền lực chính trị của hầu hết loài người. Nền văn minh công nghiệp của thế kỉ 20 phụ thuộc vào đông đảo quần chúng để tận dụng lao động giá rẻ, nguyên liệu thô và thị trường. Nhưng trong thế kỉ 21, văn minh hậu công nghiệp sẽ phụ thuộc vào AI, công nghệ sinh học, công nghệ nano, giới nhà giàu có thể tự túc được nhân công, nguyên liệu và thị trường.
Cùng lúc đó, tiến bộ trong công nghệ sinh học có thể biến các bất công về kinh tế thành những bất công về sinh học trở nên khả dĩ. Giới siêu giàu có thể sẽ dùng tiền để nâng cấp bản thân, mua tuổi trẻ, tuổi thọ. Nếu điều này thực sự xảy ra thì đến năm 2100, 1% những người giàu nhất có thể không chỉ sở hữu tài sản khổng lồ mà còn sở hữu cả sắc đẹp, sức khỏe và sự sáng tạo vô biên. Do đó, hai tiến trình song song, công nghệ sinh học và sự trỗi dậy của AI có thể phân chia loài người thành một tầng lớp nhỏ các “siêu nhân” và một tầng lớp dưới khổng lồ gồm những người bình thường vô dụng “Các tập đoàn chính trị cầm đầu ở các quốc gia dạng như Hoa Kỳ có thể sát nhập chung sức chống lại đa số người bình thường. Có thể giới siêu giàu các nước sẽ hợp thành một loài riêng biệt, thượng đẳng”(2).
Như vậy, thay vì toàn cầu hóa đưa đến hợp nhất toàn cầu, nó sẽ có thể mang lại sự phân chia loài. Toàn cầu hóa sẽ hợp nhất thế giới theo chiều ngang bằng cách xóa bỏ các ranh giới quốc gia, đồng thời nó sẽ phân chia loài người theo chiều dọc, hình thành các đẳng cấp sinh học tạo nên sự bất bình đẳng sinh học chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm của thời đại số khi mà công nghệ sinh học thay thế tạo hóa can thiệp vào cơ chế di truyền và gen của con người, còn AI sẽ thay thế lao động sống của người lao động. Những công nghệ vi diệu vẫn nằm trong tay một số ít người thì Harari dự đoán rằng, “tương lai của đại chúng phụ thuộc vào lòng tốt của một giới tinh hoa cực nhỏ, có thể lòng tốt sẽ hiện hữu trong vài thập kỉ, nhưng trong giai đoạn khủng hoảng, như thảm họa khí hậu chẳng hạn, thì việc thảy đám người thừa xuống biển sẽ trở nên rất cám dỗ và dễ dàng”(3). Bởi vì, lúc này đại chúng đã mất đi quyền lực về kinh tế và chính trị, do vậy các nhà nước sẽ mất đi động lực chăm sóc y tế và phúc lợi cho họ.
1.3. Mất tự do
Chúng ta đang ở điểm hợp lưu của hai cuộc cách mạng lớn khi các nhà sinh học đang giải mã những bí mật của cơ thể người, cụ thể là não bộ và cảm giác của con người cùng lúc đó các nhà khoa học máy tính đang mang lại cho chúng ta khả năng xử lý dữ liệu chưa từng có. Khi cuộc cách mạng công nghệ sinh học kết hợp với cuộc cách mạng công nghệ thông tin chúng ta sẽ sinh ra các thuật toán dữ liệu lớn có thể theo dõi và hiểu được cảm giác bên trong mỗi con người, từ đó nó có thể điều khiển được tâm trí của chúng ta, Harari viết, “Ảo tưởng về ý chí tự do của tôi rất có thể sẽ tan vỡ khi tôi ngày ngày thông qua các thiết bị điện tử thông minh để tiếp xúc với các tổ chức tập đoàn và cơ quan chính phủ hiểu và điều khiển được những gì mà cho tới nay vẫn là thế giới bên trong bất khả xâm phạm của tôi”(4).
Google, Facebook được gọi là “kẻ buôn sự chú ý” vì họ cung cấp cho chúng ta thông tin, dịch vụ giải trí miễn phí rồi họ bán sự chú ý của chúng ta cho dịch vụ quảng cáo. Thế nhưng mục đích lớn hơn của họ là thu thập một lượng lớn thông tin về người dùng. Về dài hạn, bằng cách gom đủ dữ liệu và đủ khả năng tính toán, các tập đoàn dữ liệu khổng lồ sẽ bẻ khóa những bí mật sâu kín của sự sống rồi sử dụng kiến thức này để điều khiển chúng ta. Hiện tại, con người đang vui vẻ dễ dàng cho đi tài sản giá trị nhất của họ - dữ liệu cá nhân để đổi lấy dịch vụ thư điện tử miễn phí và các video giải trí Harari hài hước ví, “Điều này thật giống với các bộ lạc châu Phi và thổ dân châu Mĩ khờ khạo bán cả đất nước cho những đế quốc châu Âu để đổi lấy những hạt cườm lòe loẹt và mớ trang sức rẻ tiền”(5).
Nếu người dùng tỉnh ngộ và cố gắng ngăn chặn dòng chảy dữ liệu thì sẽ thấy việc đó càng lúc càng khó khăn hơn vì con người kết nối với máy móc từ trong bào thai. Nếu chúng ta chọn ngắt kết nối thì có thể các hãng bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho bạn, các bác sĩ từ chối chữa bệnh cho chúng ta. Trong đại dịch Covid -19 vừa qua nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ để nhận biết sớm các dấu hiệu mắc bệnh cũng như những đối tượng mà các cá nhân đó đã tiếp xúc. Đây là dấu hiệu mở đầu cho việc trong tương lai các chính phủ sẽ sử dụng công nghệ để kiểm soát công dân.
1.4. Xuất hiện những nền độc tài số
Trong tương lai, để kiểm soát dịch bệnh hay tội phạm, có thể công dân các quốc gia sẽ được yêu cầu đeo một thiết bị giám sát. Các hệ thống giám sát mang đến những rủi ro không kém. Nếu hệ thống giám sát nằm trong tay một chính phủ ôn hòa các thuật toán giám sát mạnh có thể làm điều tuyệt vời nhất đối với nhân loại: sức khỏe, sự an toàn,… được đảm bảo tuyệt đối. Nhưng các thuật toán dữ liệu lớn đó rơi vào tay của một chính phủ độc tài thì chúng ta có thể rơi vào một cơ chế giám sát trong đó mọi cá nhân bị giám sát mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta sẽ đi đến kết cục không tưởng tượng nổi của một cơ chế giám sát toàn phần không chỉ theo dõi mọi hoạt động và lời nói bên ngoài mà còn có thể đi sâu quan sát các trải nghiệm bên trong của chúng ta nữa. Bằng cách sử dụng những hiểu biết ngày càng lớn về bộ não con người và tận dụng sức mạnh khổng lồ của máy móc, thể chế đó có thể lần đầu tiên trong lịch sử nắm bắt được điều mỗi công dân đang nghĩ trong từng giây từng phút.
Khi các thuật toán dần biết các công dân quá rõ, các chính phủ độc tài có thể kiểm soát hoàn toàn công dân của mình. Nó không những sẽ biết chính xác chúng ta cảm thấy gì mà còn có thể khiến chúng ta cảm thấy bất cứ thứ gì nó muốn. Nhà độc tài số có thể không cung cấp cho công dân của mình phúc lợi xã hội, an sinh xã hội tốt đẹp nhưng hắn vẫn có thể khiến họ yêu hắn và ghét những kẻ đối lập với hắn. Dân chủ ở dạng thức hiện tại không thể chống cự nổi sự hợp nhất của công nghệ sinh học và công nghệ thông tin hoặc nền dân chủ sẽ phải tự biến đổi tận gốc rễ trong một dạng thức hoàn toàn mới để ứng phó với điều này hoặc con người sẽ đến lúc sống trong những nền độc tài số.
Cơ chế giám sát cũng có thể biến con người trở thành nạn nhân của những áp bức và phân biệt mới. Ngày nay, ngày càng nhiều ngân hàng, tập đoàn tổ chức đã và đang sử dụng các thuật toán để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định về nhân viên cũng như khách hàng hay đối tác của họ... Trước đây sự phân biệt đối xử diễn ra theo nhóm: da đen, da màu, phụ nữ… do đó các nhóm này có thể tổ chức phản kháng lại sự phân biệt đối xử như vậy. Nhưng giờ đây sư phân biệt đối xử cũng được cá nhân hóa, có thể thuật toán sẽ tìm thấy cái gì đó trong AND, trong tiểu sử, trong tài khoản mạng xã hội của khách hàng, của nhân viên, hay đối tác mà nó không thích. Ngay cả khi họ biết lý do chính xác họ cũng không thể tổ chức phản đối cùng những người khác vì chẳng ai chịu sự phân biệt đối xử hệt như họ, Harari kết luận, “Thay vì phân biệt đối xử theo nhóm như thế kỉ trước, trong thế kỉ 21 chúng ta có thể đối mặt với một vấn đề ngày càng lớn là phân biệt đối xử mang tính cá nhân”(6).
2. Những giải pháp cho xã hội tương lai
Có thể thấy rằng, thử thách chờ đợi con người trong thế kỉ 21 đến từ công nghệ còn lớn hơn nhiều so với thử thách do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai của thời đại trước. Với sức hủy diệt khủng khiếp của nền văn minh hiện nay, chúng ta không thể trả giá cho bất kỳ mô hình thất bại, các cuộc thế chiến và các cuộc cách mạng đẫm máu nào nữa. Bởi vì lần này, các mô hình thất bại có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân, các thảm họa biến đổi gen và sự sụp đổ hoàn toàn của hệ sinh quyển. Để tránh được tương lai có phần u ám đó, Harari đã phác họa một vài giải pháp sau cho sự phát triển của xã hội tương lai.
2.1. Đầu tư cho giáo dục, đồng thời cần tìm ra một mô hình xã hội ưu việt hơn
Harari cho rằng, để giảm tầng lớp người vô dụng, các giải pháp tiềm năng rơi vào ba nhóm chính: làm gì để ngăn chặn tình trạng mất việc làm, làm gì để tạo ra đủ việc làm mới và làm gì nếu dù đã cố hết sức việc làm bị mất đi vẫn vượt quá số việc làm được tạo ra. Chặn đứng hoàn toàn chuyện mất việc làm là bất khả thi bởi như vậy có nghĩa là từ bỏ các tiềm năng khả quan vô bờ bến của AI và robot. Tuy nhiên các chính phủ có thể quyết định thận trọng, làm chậm lại tốc độ tự động hóa để làm giảm các cơn sốc mà nó gây ra và có thêm thời gian điều chỉnh. Công nghệ không bao giờ là tất định. Làm chậm tốc độ thay đổi có thể cho nhân loại thời gian tạo ra đủ việc làm mới thay thế gần hết các việc làm đã mất. Các chính phủ sẽ phải hành động bằng cách bao cấp cho lĩnh vực giáo dục suốt đời đồng thời vẫn cung cấp một mạng lưới an toàn cho các giai đoạn chuyển đổi công việc.
Ngay cả khi có đủ sự trợ giúp từ chính phủ ta vẫn không rõ liệu hàng tỉ người liên tục phải thay đổi công việc mà không gây ra khủng hoảng tâm lý hay không. Nếu sau tất cả các nỗ lực mà một tỷ lệ lớn dân số vẫn bị đẩy khỏi thị trường lao động thì chúng ta sẽ phải tìm ra các mô hình mới cho những xã hội, kinh tế và chính trị hậu việc làm. Harari thừa nhận rằng, các mô hình xã hội kinh tế chính trị mà ta đã từng hưởng từ quá khứ không đủ sức giải quyết một thử thách như vậy. Ông tỏ ra lo ngại cho tương lai của tầng lớp vô dụng. Từ đây, ông đề cập đến việc cần thiết phải xây dựng chủ nghĩa cộng sản mà “chính phủ có thể trợ cấp các dịch vụ cơ bản phổ quát thay vì thu nhập. Thay vì cho mọi người tiền, để rồi họ dùng tiền đó mua sắm bất cứ thứ gì họ thích, chính phủ có thể miễn phí giáo dục, y tế, giao thông… Đây thực chất là tầm nhìn lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Mặc dù giờ không cần tiến hành một cuộc cách mạng của tầng lớp lao động của chủ nghĩa xã hội nữa, chúng ta có lẽ vẫn nên hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu cộng sản bằng phương pháp khác”(7).
2.2. Kiểm soát quyền sở hữu dữ liệu
Nếu nhân loại muốn ngăn chặn sự tập trung toàn bộ của cải và quyền lực trong tay một nhóm tinh hoa nhỏ thì giải pháp là phải điều phối quyền sở hữu dữ liệu. Trong lịch sử, nếu đất đai tập trung trong tay một nhóm ít người xã hội phân thành địa chủ và nông dân, nếu máy móc tập trung vào tay số ít người xã hội phân thành tư sản và vô sản, “Tuy nhiên trong thế kỉ 21, dữ liệu sẽ lẫn át tầm quan trọng của đất đai và máy móc trở thành tài sản quan trọng nhất, chính trị sẽ là một cuộc đấu hòng kiểm soát dòng chảy dữ liệu. Nếu dữ liệu tập trung vào một nhóm nhỏ loài người sẽ phân chia thành các loài khác nhau (siêu nhân và bình dân)”(8).
Loài người đã có hàng ngàn năm kinh nghiệm về sở hữu đất đai, có hàng trăm năm kinh nghiệm về sở hữu máy móc nhưng chúng ta không có nhiều kinh nghiệm trong việc sở hữu dữ liệu. Nó là một nhiệm vụ khó hơn rất nhiều vì dữ liệu có thể có ở khắp nơi và cũng chẳng có ở đâu cả, có thể di chuyển bằng vận tốc ánh sáng, có thể tạo ra bao nhiêu bản sao cũng được. Làm thế nào để kiểm soát dữ liệu là câu hỏi chính trị quan trọng nhất trong kỉ nguyên của chúng ta. Nếu không sớm trả lời câu hỏi này hệ thống chính trị xã hội của chúng ta sẽ sụp đổ. Con người đang cảm nhận được cơn địa chấn đang đến bằng vài bê bối liên quan đến dữ liệu cá nhân trong những năm vừa qua. Có lẽ đây cũng là lý do vì sao công dân trên khắp toàn cầu đang dần mất niềm tin vào tự do mà mới hơn một thập kỉ trước nó còn là câu chuyện hấp dẫn không thể cưỡng lại.
2.3. Đầu tư nghiên cứu tâm trí, ý thức con người
Loài người luôn lo lắng rằng AI sẽ có ý thức nhưng chúng không hề có một chút ý thức nào cả. Mối nguy hiểm nằm ở chỗ nếu chúng ta đầu tư quá nhiều vào phát triển trí tuệ nhân tạo và quá ít vào phát triển ý thức con người thì trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển quá nhanh còn ý thức con người lại được khám phá quá chậm. Nhân loại có ít khả năng phải đối mặt với một cuộc nổi dậy của robot trong các thập kỉ tới nhưng rất có thể chúng ta phải đối mặt với các binh đoàn robot biết cách điều khiển tâm trí loài người. Chúng ta đã được trải nghiệm trước một chút những điều này trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý gần đây trên khắp thế giới khi các hacker học được cách thao túng từng cử tri riêng lẻ bằng cách phân tích các dữ liệu về họ và khai thác các định kiến vốn có của họ.
Thực sự là nhân loại không hề biết tiềm năng tối đa của con người là gì vì chúng ta biết quá ít về tâm trí con người. Thế nhưng, chúng ta không đầu tư nhiều vào việc khám phá tâm trí con người; thay vào đó ta tập trung vào tăng tốc độ kết nối Internet và tính hiệu quả các thuật toán dữ liệu lớn. Nếu không cẩn thận chúng ta sẽ trở thành những con người hạ cấp sử dụng những máy tính cao cấp để tàn phá bản thân và thế giới. Harari cho rằng, “Những nền độc tài số không phải là hiểm họa duy nhất chờ đợi chúng ta. Ngày nay khi các thuật toán Big data dập tắt tự do chúng ta có thể đồng thời tạo ra những xã hội bất bình đẳng nhất từng tồn tại, tất cả của cải quyền lực sẽ tập trung vào tay một nhóm tinh hoa cực nhỏ trong khi hầu hết mọi người sẽ hứng chịu không phải sự bóc lột mà là một thứ khác tồi tệ hơn rất nhiều, đó là sự vô dụng”(9).
Để tránh những kết quả như vậy với mỗi đồng và mỗi phút đầu tư vào phát triển AI thì chúng ta nên đầu tư mỗi đồng và mỗi phút vào phát triển ý thức con người, “Bởi cho đến nay ý thức con người vẫn là một đại dương mênh mông, mà những nghiên cứu của con người chỉ như một cách buồm nhỏ trên đó”(10). Đáng tiếc là tại thời điểm hiện tại chúng ta đang không làm được gì nhiều trong nghiên cứu ý thức con người và những cách phát triển chúng. Chúng ta đang nghiên cứu và phát triển các khả năng của con người chủ yếu theo nhu cầu tức thời của hệ thống kinh tế và chính trị thay vì theo nhu cầu dài hạn của chính nhân loại với tư cách là các cá thể có ý thức.
3. Kết luận
Chưa thể biết được những dự báo của Yuval Noah Harari về các nguy cơ của nhân loại có thể thành hiện thực hay không nhưng rõ ràng những dẫn chứng và lập luận ông đưa ra rất logic, xác đáng. Nó khiến cho chúng ta không khỏi bàng hoàng về những vấn đề nhân loại sẽ phải đối mặt trong tương lai nếu ngay từ hôm nay chúng ta không làm một cái gì đó. Tư tưởng của Harari đã có điểm tương đồng nhất định với chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc thừa nhận chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của những bất bình đẳng và tai họa trong quá khứ, hiện tại và tương lai, để giải quyết vấn đề này thì cần hiện thực hóa những mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản.
Mặt khác, ông cũng khách quan đánh giá nền sản xuất công nghiệp, chủ nghĩa tư bản là nguồn cơn của nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái, áp bức, bất bình đẳng và thảm họa công nghệ. Ông cũng thẳng thắn cho rằng cần có một cấu trúc xã hội hoàn toàn khác, mới có thể giải quyết được những vấn đề này. Như vậy, ông đã gián tiếp phủ nhận sự tồn tại vĩnh cửu của chủ nghĩa tư bản: “Nếu trong thế kỉ 21 các cấu trúc chính trị truyền thống không còn có thể xử lí dữ liệu đủ nhanh để sản sinh ra các tầm nhìn có ý nghĩa, thì cấu trúc mới và hiệu quả hơn sẽ tiến hóa để thế chỗ. Các cấu trúc mới này có thể sẽ rất khác với bất kì định chế chính trị nào trước đây, dù là dân chủ hay toàn trị. Câu hỏi duy nhất là ai sẽ đứng ra xây dựng và kiểm soát các cấu trúc này”(11).
Xuyên suốt các tác phẩm nổi tiếng của mình ông cũng không hề đề cập đến lực lượng nào sẽ có sứ mệnh lịch sử xây dựng một cấu trúc xã hội mới cho nhân loại để ứng phó với các nguy cơ trong tương lai. Đây là điểm khá đáng tiếc trong tác phẩm của ông. Tuy nhiên nội dung tư tưởng của ông rất cần được tiếp tục nghiên cứu ở những cấp độ cao hơn, để tìm ra những gợi mở bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin./.
__________________________________________
(1), (2), (3), 4), (5), 6), (7), (8), (9) Yuval Noah Harari (2019), 21 bài học cho thế kỉ 21, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.102, 103, 72, 107, 94, 60, 105, 99.
(10), (11) Yuval Noah Harari, Homo Deus lược sử tương lai, Nxb. Thế giới, tr.418, 449.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 05.2021
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận