Hình thức “Diễn đàn bỏ phiếu” trên báo mạng điện tử
Diễn đàn là một hình thức trao đổi thông tin tận dụng được đầy đủ nhất những thế mạnh của báo mạng điện tử. Hình thức này không hạn chế số người tham dự, không bị ngăn cách bởi vị trí địa lý và chỉ bằng cái nháy chuột là người ta đã có thể gửi và nhận thông tin. Nếu sử dụng công nghệ đa phương tiện thì các cuộc trao đổi thông tin này không chỉ là những dòng văn bản đơn thuần mà còn có cả âm thanh và hình ảnh.
Hiện nay, trên báo mạng điện tử có ba hình thức diễn đàn chủ yếu mà chúng tôi tạm đặt tên là “Diễn đàn bỏ phiếu”, “Diễn đàn bạn đọc” và “Diễn đàn tờ báo”. Hình thức “Diễn đàn bỏ phiếu” là một dạng diễn đàn mà ở đó bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình chỉ bằng cách lựa chọn và tích vào một trong những câu trả lời đã có sẵn. “Diễn đàn tờ báo” là hình thức diễn đàn do tờ báo đưa ra chủ đề, bạn đọc là người hưởng ứng bằng cách viết ra ý kiến của mình, còn “Diễn đàn bạn đọc” thì từ khâu đầu (đưa ra chủ đề) đến khâu tham gia thảo luận đều do bạn đọc quyết định.
Thực ra sự phân chia các hình thức diễn đàn trên báo mạng điện tử cũng chỉ là tương đối, bởi trên các báo hiện nay, các hình thức này luôn đan xen vào nhau, trong hình thức này có hình thức kia. Ví dụ, trong “Bạn đọc viết” của các báo có đăng rất nhiều ý kiến đồng tình hoặc phản đối của bạn đọc về vấn đề nào đó được nêu ra trong một bài báo đã đăng. Xét cho cùng, thì đây chính là một dạng của “Diễn đàn tờ báo” nhưng lại được xếp trong “Diễn đàn bạn đọc”. Hình thức “Diễn đàn bỏ phiếu” cũng chính là “Diễn đàn tờ báo” song do nó có những đặc thù riêng nên chúng tôi tách ra thành một hình thức độc lập.
Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi xin được giới thiệu về hình thức “Diễn đàn bỏ phiếu”.
Thực chất, hình thức này xuất phát từ phương pháp ankét trong xã hội học là sử dụng bảng hỏi với một loạt các câu hỏi đóng và mở để thu thập thông tin. Khi xuất hiện một vấn đề quan trọng, được nhiều người quan tâm, có nhiều ý kiến tranh cãi và chưa đi đến chỗ ngã ngũ thì bằng những câu hỏi trắc nghiệm, các nhà nghiên cứu muốn có được ý kiến của đông đảo nhân dân. Thường thì đây là thông tin thống kê, cụ thể mang tính giải trí, thời sự đáp ứng một nhu cầu nhất định liên quan đến quan niệm, lối sống của nhiều người.
Tuy nhiên trong hình thức “Diễn đàn bỏ phiếu” trên báo mạng điện tử thường thì mỗi một lần trắc nghiệm chỉ có một câu hỏi và luôn là câu hỏi đóng. Đó là câu hỏi đã có sẵn các phương án trả lời, rất thuận tiện để trả lời và không tốn nhiều thời gian của độc giả. Bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề đều có điều kiện trực tiếp gửi lựa chọn của mình cho toà sọan bằng cách đánh dấu (v) vào ô lựa chọn. Mỗi lần lựa chọn câu trả lời là mỗi lần độc giả tự bày tỏ thái độ, tình cảm của mình về vấn đề đó. Nó giống như những lá phiếu khiến họ phải suy nghĩ, phải trăn trở và vì vậy, những kết quả thu được là rất đáng trân trọng.
Một số tờ báo đã tận dụng triệt để công nghệ để tương tác với bạn đọc mỗi khi họ tham gia trả lời câu hỏi. Ví dụ như trong “Thăm dò ý kiến” của VTV (trang web của Đài truyền hình Việt Nam), sau khi độc giả bấm vào nút “chọn” thì sẽ hiện lên một cửa sổ nhỏ với dòng chữ: “Cám ơn quý vị đã tham gia cuộc bình chọn của chúng tôi”. Điều này sẽ làm cho bạn đọc cảm thấy được tôn trọng và yên tâm là lựa chọn của mình đã đến đúng địa chỉ.
Khi bấm chọn vào “Xem kết quả” ngay dưới các phương án trả lời sẽ thấy hiện lên một bảng tổng sắp giúp độc giả biết ngay được kết quả trưng cầu ý kiến. Đây là một đặc điểm hoàn toàn khác so với các cuộc điều tra trong xã hội học.
Trên thực tế, hiện nay, cũng không phải tất cả các tờ báo mạng điện tử của nước ta đã có hình thức diễn đàn này, nó mới chỉ xuất hiện trên một số tờ như: VnExpress, VietNamNet, VTV, Lao Động điện tử… một số tờ khác như Nhân Dân điện tử, VOVNews vẫn chưa có. Với mỗi một tờ báo thì nó có tên gọi khác nhau như: “Trưng cầu ý kiến” (VnExpress), “Thăm dò dư luận” (VietNamNet), “Thăm dò ý kiến” (VTV)…tuy nhiên, về bản chất thì hoàn toàn giống nhau.
Những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý kiến của bạn đọc có thể là một vấn đề được nhiều người quan tâm như “Hình thức xử lý nào đối với người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm” (4.8.04 - trang Xã hội, VnExpress) hay “Sau ngày Mỹ chuyển giao quyền lực 28.6, tình hình an ninh tại Iraq sẽ” (29.6.04 - trang Quốc tế, VietNamNet)…
Hoặc cũng có thể chỉ là vấn đề quan tâm của một nhóm đối tượng như “Có nên tăng giá vé máy bay nội địa” (14.8.08 - trang Kinh doanh, VnExpress) hay “Những chương trình PC giá rẻ ở Việt Nam sẽ thu hút nhiều người mua?” (10.8.04 - trang Vi tính, VnExpress) hay “Bạn đọc báo gì?” (23.2.04 - trang Văn hoá, VietNamNet)
Hình thức xây dựng “Diễn đàn bỏ phiếu” cũng khá đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ lựa chọn. Chúng tôi xin đưa ra hai ví dụ lấy từ hai báo như sau:
“Trưng cầu ý kiến” ngày 24.7.04 của VnExpress:
Hành động bắt cóc rồi chặt đầu con tin ở Iraq là:
l Hèn hạ
l Đúng đắn
l Không ý kiến
Biểu quyết Xem kết quả
“Thăm dò dư luận” ngày 29.6.04 của VietNamNet:
Sau ngày Mỹ chuyển giao quyền lực ngày 28.6, tình hình an ninh tại Iraq sẽ:
l Dậm chân tại chỗ
l Dần đi vào ổn định
l Bạo lực tiếp tục leo thang
l Không có ý kiến gì!
Kết quả Biểu quyết
Đặc biệt, khi bấm vào “kết quả” hoặc “biểu quyết” trong “Thăm dò dư luận” của VietNamNet ngoài việc có thể xem được kết quả của cuộc điều tra đó, bạn đọc còn nhìn thấy một bảng tổng sắp “Các bài bình chọn khác thuộc cùng chuyên mục” với đầy đủ: tiêu đề bình chọn, ngày tạo, kết quả và thông báo còn thời gian bình chọn hoặc hết hạn. Bạn đọc cũng nhìn thấy một danh sách các chuyên mục khác mà khi bấm chọn vào tên một chuyên mục sẽ được biết các bài bình chọn trong chuyên mục đấy.
Nhờ vào phương thức này mà chúng tôi có thể biết được từ tháng 9 năm 2003 đến tháng 9 năm 2004, VietNamNet đã tạo được 82 bài bình chọn trên 12 chuyên mục khác nhau, nhiều nhất là Xã hội với 17 bài, Người viễn xứ 13 bài, Thể thao 15 bài…
Tuy nhiên, hình thức diễn đàn này không phải lúc nào cũng xuất hiện trên các báo mà nó chỉ có khi câu trả lời của nó là một thông tin thú vị cho mọi người.
Ưu điểm của hình thức diễn đàn này:
Thứ nhất, vì không chiếm nhiều diện tích, hình thức gọn nhẹ nên “Diễn đàn bỏ phiếu” rất cơ động, có thể xuất hiện ở nhiều nơi trong một trang báo hoặc nhiều trang trong một tờ báo.
Thứ hai, nhờ có hình thức diễn đàn này mà công việc thu thập các kết quả điều tra xã hội học trở nên đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều. Những tốn kém trong việc in ấn tài liệu, tập huấn điều tra, phát câu hỏi, ghi chép, thu thập ý kiến và tổng hợp cả một núi dữ liệu theo cách làm truyền thống đã trở thành lỗi thời.
Công việc của nhà điều tra lúc này chỉ đơn giản là xây dựng một câu hỏi với một hệ thống các câu trả lời rồi đưa lên một “khung” có sẵn, tất cả mọi việc về sau đều đã được cài đặt sẵn trong máy.
Thứ ba, nó giúp cho các tờ báo có thể thu thập được địa chỉ email của bạn đọc và phân loại xem họ là những độc giả thường quan tâm đến những vấn đề gì nhất. Tận dụng tính tương tác, các tờ báo mạng điện tử có thể phân phối báo theo yêu cầu tức là hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng toà soạn sẽ cung cấp bản tin tóm tắt hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực quan tâm về địa chỉ email của độc giả. Tất nhiên, trong đó phải chứa một hệ thống các siêu liên kết để dẫn họ truy cập vào tờ báo. Điều này sẽ giúp cho mối liên hệ giữa tờ báo và công chúng ngày càng trở nên sâu sắc hơn.
Hạn chế của hình thức diễn đàn này:
Một là, giống như bất kỳ một cuộc điều tra nào, hình thức diễn đàn này cũng có những “rủi ro” khó khắc phục. Tuy tiện lợi và không tốn kém nhưng một trong những hạn chế của hình thức này là độ tin cậy của kết quả. Không ai có thể dám chắc rằng mỗi bạn đọc chỉ “bỏ phiếu” duy nhất một lần vì vậy việc kiểm chứng độ chính xác của thông tin dường như là không thể. Nếu một bạn đọc nào “đùa ác” có thể bỏ phiếu rất nhiều lần.
Hai là, không phải ai cũng bỏ thời gian để đọc và tích vào ô lựa chọn nên số lượng độc giả tham gia trả lời có thể là không phù hợp đối với mỗi chủ đề. Thêm nữa, kết quả chỉ phản ánh ý kiến của độc giả báo đó mà chưa chắc đã là ý kiến của độc giả báo khác hay đại đa số công chúng nói chung. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tính chính xác của thông tin bởi trong nguyên tắc điều tra, số lượng phiếu thu được và phạm vi thu thập thông tin là hai trong những yếu tố quyết định sự thành công của một cuộc điều tra.
Vì vậy, kết quả của các cuộc điều tra này chỉ có thể được áp dụng cho riêng tờ báo đó, còn ai đó nếu muốn sử dụng thì chỉ có thể dùng làm tài liệu tham khảo chứ không thể là những cứ liệu trung thực nhằm đưa ra một quyết sách cụ thể gì./.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005
ThS Trường Giang
Bài liên quan
- Xu hướng tổ chức nội dung trên mạng xã hội của cơ quan báo chí hiện nay
- Mô hình đo lường giá trị và giải pháp truyền thông thương hiệu
- Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
- Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay
- Viết cho ai, một nội dung cơ bản trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 3 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 4 Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- 5 Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- 6 Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Xu hướng tổ chức nội dung trên mạng xã hội của cơ quan báo chí hiện nay
Xu hướng tổ chức nội dung trên mạng xã hội của cơ quan báo chí hiện nay
Trong những năm trở lại đây, hoạt động trên mạng xã hội của báo chí ngày càng tích cực và để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với bạn đọc. Tuy nhiên, trong năm 2023, lưu lượng truy cập vào các đường “link” tin tức trên mạng xã hội Facebook đã giảm 48% so với năm trước (Theo báo cáo của Viện Báo chí Reuters). Điều này đặt ra một câu hỏi lớn là làm thế nào để báo chí không bị ảnh hưởng bởi xu hướng luôn thay đổi, vừa có thể tiếp cận gần gũi với độc giả vừa đáp ứng đủ các quy định của báo chí nói chung và tôn chỉ mục đích của từng cơ quan đặc thù nói riêng.
Mô hình đo lường giá trị và giải pháp truyền thông thương hiệu
Mô hình đo lường giá trị và giải pháp truyền thông thương hiệu
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến sự ra đời, phát triển của rất nhiều thương hiệu, có những thương hiệu thành công và trường tồn, cũng có những thương hiệu nhanh chóng ra đời hoặc biến mất. Ngày nay, sự quan tâm và hiểu biết về thương hiệu đã ngày càng rõ nét vì sức ảnh hưởng của thương hiệu tới sự tồn tại và phát triển của một công ty, tổ chức. Vậy điều gì quyết định sức mạnh của thương hiệu và sự sống còn của thương hiệu? Trên thực tế có rất nhiều chỉ số ảnh hưởng đến thương hiệu, từ chiến lược kinh doanh đến chiến lược quản trị, chiến lược truyền thông quảng cáo của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Bài báo sẽ tập trung làm các mô hình, yếu tố đo lường giá trị thương hiệu cũng như các giải pháp truyền thông thương hiệu thông qua chiến lược kênh truyền thông và nội dung truyền thông hiệu quả.
Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà văn hóa và là nhà báo lý luận chính trị. Đồng chí có nhiều năm gắn bó với Tạp chí Cộng sản - cơ quan tạp chí lý luận chính trị của Trung ương Đảng. Trong bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, đồng chí đã chia sẻ những điều giản dị mà vô cùng sâu sắc về trọng trách và những yêu cầu, đòi hỏi từ công việc tạp chí. Đó là những chỉ dẫn vô cùng quý báu đối với mỗi cán bộ làm công tác tạp chí lý luận chính trị.
Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay
Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay
Quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt quan trọng của quyền lực chính trị. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là yêu cầu khách quan nhằm bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Bài viết đề cập chủ trương của Đảng và thực trạng báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài “Kiểm soát và giám sát quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền: Cơ chế và giải pháp đột phá để thực hiện kiểm soát, giám sát quyền lực có hiệu quả” (Mã số KX.04.09/21-25).
Bình luận