(LLCT&TT) Bài viết làm rõ quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Trung Quốc từ cải cách mở cửa cho đến nay. Quá trình này được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn khởi đầu tìm tòi; giai đoạn xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (XHCN); giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN. Qua các giai đoạn này Trung Quốc đã đưa ra nhiều đột phá trong những chính sách cơ bản hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, tập trung ở cải cách doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Trung Quốc để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Những thành tựu vượt bậc trong hơn 40 năm cải cách mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc là kết quả của một quá trình cải cách thể chế kinh tế thị trường XHCN đúng đắn sáng tạo của Đảng Cộng sản Trung quốc. Sau khi chính thức được đưa ra tại Đại hội XIV năm 1992, coi xây dựng thể chế thể chế kinh tế thị trường XHCN là phương hướng cải cách thể chế kinh tế, đến Hội nghị Trung ương 3 Khóa XIV, Trung Quốc đưa ra “Quyết định về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN” xác định các nhiệm vụ cụ thể của cải cách thể chế kinh tế thị trường XHCN. Đến năm 2013, trải qua 10 năm thực tiễn, đến Hội nghị Trung ương 3 Khóa XVIII đã thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng đi sâu cải cách toàn diện”, nhấn mạnh đến việc để thị trường phát huy vai trò mang tính “quyết định” trong phân bổ nguồn lực, kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản; đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thị trường hiện đại, hệ thống điều tiết vĩ mô, hệ thống kinh tế loại hình mở; đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; đẩy nhanh xây dựng quốc gia sáng tạo.
1. Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc
Giai đoạn khởi đầu tìm tòi
Hội nghị trung ương 3 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12 năm 1978 nêu ra nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế. Nêu rõ yêu cầu cần phải trao quyền bớt từ trung ương xuống địa phương, để cho các địa phương và doanh nghiệp công nông nghiệp trong nước có được quyền tự chủ kinh doanh quản lý nhiều hơn dưới sự chỉ đạo thống nhất kế hoạch quốc gia và thực hiện công tác theo quy luật kinh tế, coi trọng vai trò của quy luật giá trị
Giai đoạn này, cải cách tiến hành từ khu vực nông thôn trước bằng việc khoán sản phẩm đến hộ gia đình. Từ năm 1984, cải cách mở rộng sang khu vực thành thị, bằng việc nới quyền, nhượng quyền cho cấp dưới và quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp… Đồng thời, Trung Quốc mạnh dạn cho phép thành lập các đặc khu kinh tế ven biển với chức năng là “phòng thí nghiệm cải cách” và “cửa sổ nhìn ra thế giới”. Năm 1980 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện Trung Quốc quyết định xây dựng đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn, mở cửa đối ngoại bắt đầu có những bước đột phá quan trọng. Những đặc khu này với ba đặc thù (chính sách đặc thù, cơ chế đặc thù và con đường phát triển đặc thù) đã thực sự là nơi thử nghiệm những cải cách theo hướng thị trường và là nơi thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Nhờ được hưởng đặc thù, các đặc khu kinh tế ven biển của Trung Quốc đã phát triển thành những trung tâm sản xuất công nghiệp chế tạo, có vai trò là những đầu tàu lôi kéo sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.
Thành quả chủ yếu của cải cách thể chế kinh tế giai đoạn này là xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển kinh tế và nâng cao mức sống người dân Trung Quốc, đưa ra nhiệm vụ của cải cách thể chế kinh tế, cải cách bước đầu đạt được tiến triển, thực hiện sự chuyển biến “lấy đấu tranh giai cấp làm cương” của giai đoạn trước sang lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, từ đóng cửa sang mở cửa đối ngoại.
Giai đoạn xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN
Có thể nói, cải cách mở cửa ở Trung Quốc từ khi bắt đầu đã đi theo hướng kinh tế thị trường. Đại hội XII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra mệnh đề mới “xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Nêu ra kiên trì địa vị chủ đạo của kinh tế quốc doanh và phát triển nhiều thành phần kinh tế, thực hiện phương châm quản lý kinh tế “kinh tế kế hoạch là chủ đạo, thị trường điều tiết là phụ trợ”. Hội nghị trung ương 3 khóa XII năm 1984 đã thông qua Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc cải cách thể chế kinh tế, nêu rõ: “Cải cách là tự mình hoàn thiện của chế độ XHCN, nhiệm vụ căn bản của cải cách là xây dựng thể chế kinh tế XHCN mang đặc sắc Trung Quốc, phải coi có lợi cho phát triển sức sản xuất xã hội hay không là tiêu chuẩn chủ yếu để kiểm nghiệm thành bài của cải cách”(1).
Nghị quyết đã phá bỏ quan điểm truyền thống đối lập kinh tế kế hoạch với kinh tế hàng hóa, thừa nhận kinh tế XHCN là kinh tế hàng hóa có kế hoạch trên nền tảng chế độ công hữu, nêu ra phát triển đầy đủ kinh tế hàng hóa là giai đoạn phát triển kinh tế xã hội không thể bỏ qua, là điều kiện tất yếu thực hiện hiện đại hóa của Trung Quốc. Cải cách thể chế kinh tế tiếp tục chuyến sang giai đoạn cải cách toàn diện lấy cải cách ở thành phố làm trọng điểm, lấy tăng cường sức sống của doanh nghiệp nhà nước làm trung tâm. Dưới tiền đề kiên trì địa vị chủ thể của kinh tế công hữu, phương châm nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển được quán triệt chấp hành, cơ cấu sở hữu tương đối đơn nhất đã có sự chuyển biến lớn. Đại hội XIII năm 1987 nêu rõ thể chế kinh tế hàng hóa kế hoạch XHCN, phải là thể chế thống nhất nội tại giữa kế hoạch và thị trường, về tổng thể phải là cơ chế nhà nước điều tiết thị trường, thị trường dẫn dắt doanh nghiệp, coi xây dựng và bồi dưỡng hệ thống thị trường làm nội dung quan trọng của cải cách thể chế kinh tế. Đồng thời, hợp doanh, hợp tác trong và ngoài nước, thành phần kinh tế phi công hữu như doanh nghiệp vốn nước ngoài, kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh.
Tuy nhiên, mãi đến Đại hội XIV (tháng 10/1992) Đảng Cộng sản Trung quốc mới chính thức nêu lên mục tiêu cải cách thể chế kinh tế Trung Quốc là xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN. Căn cứ theo yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN, cải cách doanh nghiệp nhà nước từng bước trao quyền nhượng lợi, điều chỉnh chính sách trước đây bước vào giai đoạn mới thay đổi cơ chế, chế độ. Hội nghị trung ương 4 khóa XV đã thông qua Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề trọng đại cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước, làm rõ phương châm chỉ đạo của cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước, đưa ra hàng loạt biện pháp chính sách để cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Vậy là, sau 15 năm tìm tòi từ thực tiễn cải cách, nội dung chính của lý luận xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc được khái quát một cách hệ thống.
Giai đoạn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN
Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã coi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là một trong những nhiệm vụ chính của xây dựng và cải cách kinh tế trong 20 năm đầu thế kỷ XXI. Tháng 10/2003, Hội nghị Trung ương 3 khóa XVI xem xét thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN”, làm rõ nhiệm vụ và bố cục tổng thể hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN. Việc xây dựng và bước đầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN đã giúp cho nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi sự trói buộc của thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ trước kia, hình thành chế độ kinh tế cơ bản lấy công hữu làm chủ thể, nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển, tạo nên sức sống mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển.
Nhằm thích ứng với tình hình mới sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã kiên quyết loại bỏ, sửa đổi bổ sung hàng loạt văn bản quy phạm không còn phù hợp, đặt vấn đề thiết lập các bộ đa ngành (siêu bộ), chuyển đổi chức năng chính phủ và tăng cường quản lý xã hội hài hòa XHCN và mục tiêu mới trong xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
Có thể thấy rằng, nhận thức về kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc được đúc rút từ thực tiễn cải cách với phương thức “dò đá qua sông”, vừa cải cách vừa rút kinh nghiệm. Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN chưa hề có tiền lệ trước đó, họ không chỉ nghiên cứu và học hỏi mà còn căn cứ theo thực tiễn Trung Quốc, tiến hành cải cách thăm dò và nỗ lực cải cách.
3. Chính sách cơ bản hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc
Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII, khẳng định: chế độ kinh tế cơ bản với công hữu là chủ thể, cùng phát triển kinh tế chế độ sở hữu nhiều thành phần là trụ cột quan trọng của chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, cũng là căn bản của thể chế kinh tế thị trường XHCN. Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định tiếp tục kiên trì “hai không giao động”, đó là “kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản XHCN và chế độ phân phối, củng cố và phát triển chế độ kinh tế công hữu, khuyến khích, ủng hộ, hướng dẫn phát triển kinh tế phi công hữu.
Cải cách doanh nghiệp nhà nước
Định hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước được cụ thể theo Quyết định tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII (tháng 11/2013): “Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một trong những trọng điểm của cải cách thể chế kinh tế; Xác định chế độ sở hữu hỗn hợp là hình thức thực hiện quan trọng của chế độ kinh tế cơ bản; Xác định lại tư duy cải cách quản lý tài sản nhà nước; Thay đổi nhận thức và địa vị vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, đặt ra những yêu cầu mới và phương hướng cải cách cụ thể với doanh nghiệp nhà nước”(2). Cải cách doanh nghiệp nhà nước được Trung Quốc thực hiện bằng cách giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp. Trung Quốc thừa nhận tính đa dạng của sở hữu, họ cho rằng trong CNXH không chỉ có công hữu mà còn tồn tại cách hình thức sở hữu khác. Kinh tế sở hữu hỗn hợp với sự giao thoa, dung hợp lẫn nhau giữa vốn nhà nước, vốn tập thể, vốn phi công hữu,… là hình thức thực hiện quan trọng của chế độ kinh tế cơ bản, có lợi cho việc mở rộng chức năng, bảo đảm giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển giữa nguồn vốn của các chế độ sở hữu.
Trung Quốc coi cải cách sở hữu hỗn hợp là bước đột phá quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước. Về bản chất, mục đích của cách sở hữu hỗn hợp doanh nghiệp nhà nước là chuyển đổi cơ chế, sở hữu quốc hữu không nhất định là sở hữu của bản thân nhà nước mà quyền sở hữu và quyền kinh doanh đều có thể mở ở mức độ khác nhau cho các chủ thể sở hữu khác nhau. Ngay trong chế độ công hữu, quyền sở hữu và quyền kinh doanh có thể tách rời, sự tách rời đó chẳng những thích hợp với kinh tế sở hữu tập thể mà còn thích hợp với kinh tế sở hữu toàn dân.
Ở nông thôn, thực hiện chế độ khoán sản lượng đến hộ, cũng là tách rời giữa quyền sở hữu (tập thể) với quyền kinh doanh (hộ nông dân). Trong xí nghiệp sở hữu tập thể cũng thực hiện “tập thể công hữu, tập đoàn nhỏ kinh doanh”, “tập thể công hữu, cá thể kinh doanh”, “thành viên tập thể chiếm hữu cổ phần, số ít người nhận khoán kinh doanh”. Việc lấy thuế thay lãi, thực hiện chế độ trách nhiệm khoán kinh doanh trong các xí nghiệp lớn và vừa, việc thâm nhập lẫn nhau các xí nghiệp có chế độ sở hữu khác nhau,… cũng là phương pháp tách rời hai quyền sở hữu và kinh doanh. Có thể nói, đây là một trong những tìm tòi, sáng tạo về lý luận của Trung Quốc.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế quản lý tài sản quốc hữu - Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước chuyển từ “quản lý doanh nghiệp” sang “quản lý vốn”. Tài sản nhà nước bao gồm: nguồn vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Kể từ sau Đại hội XVIII, Trung Quốc luôn chú trọng đưa ra quan điểm, phương hướng cụ thể để hoàn thiện thể chế tài sản nhà nước theo hai phương hướng: hoàn thiện thể chế quản lý nguồn vốn nhà nước, cần sử dụng nguồn vốn nhà nước vào đúng các lĩnh vực trọng điểm; nguồn vốn nhà nước cần hướng đến lĩnh vực bảo đảm và cải thiện đời sống cho nhân dân.
Thứ ba, cải cách phía cung (cải cách trọng cung). Cải cách này nhằm giải quyết vấn đề dư thừa năng lực sản xuất, xử lý “doanh nghiệp xác sống” - không trả được nợ, kinh doanh đình trệ, lãng phí nguồn lực nhà nước. Đây là phương hướng chủ đạo của cải cách kết cấu bên cung với cách doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục phá sản và đẩy nhanh thử nghiệm theo hướng thị trường. Từ cuối năm 2015, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp nhà nước lớn phá sản như: Tập đoàn sản xuất máy thiết bị công nghiệp Baoding Tianwei Group (mất khả năng trả khoản lãi 13 triệu USD), Tập đoàn Xi măng China Shanshui (khoản nợ 13 triệu USD); Tập đoàn Thép Guangxi Nonferrous Metals (nợ 2,3 tỷ USD)(3). Đại hội Đảng lần thứ XIX (2017) tiếp tục nhấn mạnh vấn đề cải cách trọng cung “Đi sâu cải cách kết cấu trọng cung; Đẩy nhanh xây dựng đất nước kiểu sáng tạo; Thực thi chiến lược phát triển nhịp nhàng giữa các khu vực; Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa toàn diện”(4). Điều này cho thấy sự quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, các doanh nghiệp nhà nước phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Thứ tư, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong doanh nghiệp nhà nước. Ông Tập Cận Bình cho rằng cần kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với cách doanh nghiệp nhà nước, mở ra cục diện mới cho công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng các doanh nghiệp nhà nước phải thông qua công tác xây dựng Đảng để giúp các doanh nghiệp trở thành chỗ dựa quan trọng cho Đảng và Nhà nước, trở thành lực lượng chính thực hiện các chiến lược quan trọng “đi ra ngoài”, “một vành đai một con đường”. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng được ông ví như “gốc rễ” và “linh hồn” của các doanh nghiệp nhà nước.
Nâng cao sức sống và tính sáng tạo của kinh tế tư nhân
Từ sau cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc dần hoàn thiện về thể chế kinh tế tư nhân. Từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII, Trung Quốc đã đưa ra những phương hướng cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân:
Thứ nhất, Trung Quốc khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Hội nghị trung ương 3 khóa XVIII nhấn mạnh “kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường XHCN, đều là cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội”(5).
Thứ hai, đưa ra các quy định nhằm xóa bỏ những trở ngại về mặt hành chính và các trở ngại đối với việc thống nhất thị trường và cạnh tranh công bằng. Đại hội XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân mạnh: cần thực hiện một cách toàn diện các quy định và biện pháp nhằm xóa bỏ trở ngại trong việc thống nhất thị trường và cạnh tranh công bằng. Đi sâu cải cách chế độ thương mại, xóa bỏ sự lũng đoạn thị trường, đẩy nhanh cải cách thị trường hàng hóa giá cả, nới lỏng hạn chế cho phép ngành dịch vụ, hoàn thiện thể chế giảm sát thị trường…
Thứ ba, kiên trì củng cố và phát triển nền kinh tế theo chế độ công hữu, kiên trì không dao động việc củng cố và phát triển nền kinh tế theo chế độ công hữu, kiên trì việc ủng hộ và dẫn dắt nền kinh tế phi công hữu có địa vị và vai trò không hề thay đổi trong sự phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Cùng với quá trình cải cách, mở cửa, nhất là từ khi chuyển hẳn sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (năm 1992), kinh tế phi công hữu ở Trung Quốc ngày càng phát triển và chiếm tỷ lệ cao trong nền kinh tế quốc dân. “Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1978-2000, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của kinh tế Trung Quốc là 9%, thì tăng trưởng bình quân của kinh tế phi công hữu là trên 20%”(6). Kinh tế phi công hữu đã đóng góp rất lớn trong việc tạo ra việc làm cho lao động, đặc biệt là số lao động bị mất việc làm trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Thứ tư, ủng hộ việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân. Điều này được Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Sự phát triển của kinh tế phi công hữu đã góp phần điều chỉnh cơ kết cấu sở hữu trong nền kinh tế Trung Quốc. “Hơn 25% số doanh nghiệp tư nhân là do doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tập thể chuyển thành qua quá trình cải cách. Nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng sát nhập hoặc mua các doanh nghiệp nhà nước và tập thể, khi nhà nước và tập thể có nhu cầu”(7). Đặc biệt, trong kinh tế phi công hữu có một bộ phận lớn doanh nghiệp có vốn nước ngoài. “Liên tiếp ba năm từ 2017 - 2019, quy mô thu hút FDI của Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới. Thống kê sơ bộ cho thấy FDI giai đoạn 2016-2020 của Trung Quốc đạt 690 tỷ USD, tăng trung bình 10 tỷ USD mỗi năm so với giai đoạn năm năm lần thứ 12 (2011-2015)”(8). Năm 2020, bất chấp đại dịch Covid, nguồn FDI đầu tư vào Trung Quốc vẫn tăng kỷ lục.
Thứ năm, nhấn mạnh phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đai hội XIX nhấn mạnh “đi sâu cải cách khoa học kỹ thuật, xây dựng thể chế sáng tạo khoa học kỹ thuật lấy doanh nghiệp làm chủ thể, lấy thị trường làm chỉ đạo, chỉ có sự kết hợp giữa sản xuất, nghiên cứu và học tập, tăng cường ủng hộ sự sáng tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ”(9). Những quan điểm chỉ đạo trên đây cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, cả hai loại hình này đều cần cạnh tranh công bằng trong cơ chế thị trường XHCN.
Có thể nhận thấy, Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển kinh tế tư nhân. Coi đây là bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phát triển của toàn bô nền kinh tế quốc dân. Các chính sách mà Trung Quốc đưa ra để phát triển kinh tế tư nhân hầu hết tập trung vào việc giảm bớt gánh nặng về mặt tiền tệ và hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp.
4. Một số gợi mở cho hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Dưới góc độ lý luận, thể chế kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc là kết quả của sự tham khảo, vận dụng hài hòa, sáng tạo những học thuyết, quan điểm lý luận của kinh tế học phương Tây và chủ nghĩa Mác vào thực tiễn lịch sử phát triển đất nước Trung Quốc; là một bộ phận cấu thành quan trọng hàng đầu trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Nội dung quan trọng nhất trong lý luận của Trung Quốc về thể chế kinh tế thị trường XHCN nằm ở quan điểm xác lập vai trò của Nhà nước là “hỗ trợ và hợp tác”, hay nói cách khác là thực hiện kinh tế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước. Vai trò hỗ trợ quy định chức năng Nhà nước khơi dậy và bảo vệ các nhân tố của thị trường, ổn định hệ thống tài chính tiền tệ. Vai trò hợp tác là Nhà nước hoạch định những chính sách kinh tế phù hợp với sự vận động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường bên cạnh việc bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội của mình.
Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam từ 1986 đến nay đã chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Tới nay mô hình này đã thực sự phát huy tác dụng, làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ cao, năng động và ổn định. Thực tiễn của Việt Nam qua những năm đổi mới đã khẳng định đường lối và chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn. Do vậy, nghiên cứu thể chế kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc, thấy rõ vấn đề được xây dựng trên cơ sở khoa học, tôn trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn nâng lên thành lý luận rồi quay trở lại chỉ đạo thực tiễn là những bước đi tôn trọng quy luật khiến cho cải cách kinh tế ở Trung Quốc thành công. Nghiên cứu vấn đề này ở Trung Quốc giúp Việt Nam tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam.
Thứ nhất, thay đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường XHCN trước hết phải giải phóng tư tưởng, đổi mới tư duy. Trong đó, “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất kiểm nghiệm chân lý”, lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm.
Thứ hai, cải cách doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc có nhiều đổi mới sáng tạo về lý luận sở hữu công, tách quyền sở hữu với quyền kinh doanh, xác định chế độ sở hữu hỗn hợp là hình thức thực hiện quan trọng của chế độ kinh tế cơ bản. Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các xí nghiệp hiện đại, xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, cải tổ, liên hợp, sát nhập, cho thuê, bao thầu kinh doanh, hợp tác cổ phần, phát mại, nắm lớn, buông nhỏ, mạnh dạn thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, mạnh tay cho phá sản những doanh nghiệp nhà nước làm ăn yếu kém, ban bố các luật phá sản, luật quản lý tài sản nhà nước, đẩy mạnh cải cách quản lý tài sản nhà nước. Trung Quốc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ ba, xác định vị trí, vai trò của kinh tế phi công hữu ngang bằng với kinh tế công hữu trong nền kinh tế thị trường, giảm bớt gánh nặng về thuế và hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài./.
______________________________________________
(1), (5), (9) TS. Hà Thị Hồng Vân (2020), “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb. Khoa học xã hội, tr.37, 102, 105.
(2) Hoàng Thế Anh (chủ biên, 2018), Cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc và gợi mở đối với Việt Nam, Nxb.. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.109.
(3) Phạm Sỹ Thành (2018), “Kinh tế Trung Quốc 6 tháng đầu năm và triển vọng 2018”, tài liệu Hội thảo tại Viện Kinh tế và chính trị thế giới, tháng 8/2018, tr.210.
(6) Nguyễn Huy Quý, Xây dựng Đảng trong doing nghiệp phi công hữu ở Trung Quốc, https://www.tapchicongsan.org.vn/ the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/3352/xay-dung-dang-trong-cac-doanh-nghiep-phi-cong-huu-o-trung-quoc.aspx#.
(7) Nguyễn Huy Quý, Xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu ở Trung Quốc, https://www.tapchicongsan. org.vn/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/3352/xay-dung-dang-trong-cac-doanh-nghiep-phi-cong-huu-o-trung-quoc.aspx#.
Bình luận