Mỗi tin, mỗi bài, mỗi chuyến đi là một bài học đáng nhớ
Sau khi tốt nghiệp Anh văn Đại học sư phạm khóa đầu tiên ở miền Bắc, Nguyễn Như Kim về làm việc ở Thông tấn xã Việt Nam. 40 năm làm báo anh đã đặt chân tới 38 nước, đã chiến thắng ấp Bắc qua các nguồn tin địch, theo dõi diễn biến cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm; Sự kiện 5.8.1964 ở Vịnh Bắc Bộ, 12 ngày đêm máy bay B52 Mỹ tấn công Hà Nội; Chứng kiến những tên lính Mỹ và Đại Hàn rút khỏi miền Nam Việt Nam; Vụ ám sát Tổng thống Sadat ở Cairo; Chứng kiến sự sụp đổ của các chính quyền Bungari, Rumani, Tiệp Khắc và bức tường Berlin; Thăm kho vàng của Sở dự trữ Liên bang Mỹ ở tầng thứ 7 dưới lòng đất và làm việc ở tầng 53 tháp đôi WTC ở New York; Viếng mộ chúa Jesu ở Jeruxalem... mỗi nơi là một bài học đáng nhớ của đời làm báo. Báo chí và Tuyên truyền trân trọng giới thiệu bài viết về kỷ niệm làm báo của anh.
Làm tin chiến thắng Ấp Bắc
Khi tôi vào làm việc ở phòng tin miền Nam, TTXVN thì Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt ở miền Nam. Trong cuộc chiến tranh đó, chúng áp dụng chiến thuật "Trực thăng vận" đề bất ngờ đổ quân xuống một địa điểm nào đó mà chúng nghi là có du kích. Trận ấp Bắc là một trong những trận Mỹ áp dụng "Trực thăng vận" đầu tiên ở miền Nam nước ta đã trụ lại bắn rơi nhiều máy bay lên thẳng Mỹ và phá vỡ trận càn, diệt nhiều địch. Chờ tin chiến thắng của TTX giải phóng thì phải 10 ngày thậm chí 20 ngày sau mới có. Vì vậy, anh Lê Bá Thuyên lúc bấy giờ là Phó Giám đốc cơ quan bảo tôi: "Khi tập hợp tất cả các tin địch từ mấy ngày qua lại rồi khai thác viết thành 1 tin phổ biến về chiến thắng ấp Bắc. Đây là tin quan trọng vì lần đầu tiên ta đánh thắng chiến thuật trực thăng vận của Mỹ...". Tôi mất cả buổi sáng loay hoay viết lấy chỗ này một chi tiết, chỗ kia một sự kiện, ghép vào nhau cho hợp lý, cuối cùng tin "Chiến thắng ấp Bắc..." cũng hoàn thành. Anh Lê Bá Thuyên sửa đi sửa lại sao cho "dễ nghe" rồi cho phát lên đài Tiếng nói Việt Nam và in trên các bản tin cho các báo sử dụng với nguồn tin là "Theo phóng viên TTX Giải Phóng"
Thật ra hồi đó mới vào nghề, tôi còn lơ mơ về những tin thời sự này lắm. Nhưng được sự chỉ đạo của anh Lê Bá Thuyên tôi đã làm được 1 cái tin lớn, chấn động cả miền Nam thời đó. Nó đánh dấu sự thất bại của cuộc chiến tranh đặc biệt do Mỹ tiến hành ở miền Nam nước ta, nó cổ vũ đồng bào miền Nam chiến đấu bất chấp "Trực thăng vận" của Mỹ.
Theo dõi cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm
Đầu tháng 11.1963 tôi đang nằm nghỉ trưa trên bàn làm việc thì anh Lê Bá Thuyên đẩy cửa phòng bước vào gọi dậy và bảo: "Cậu sang ngay phòng máy Têlêtip xem, có tin ở Sài Gòn đang đảo chính chống Diệm. Chú ý xem lực lượng nào đứng ra đảo chính nhé! Nhớ phản ảnh nhanh cho Trung ương biết..." Tôi đạp xe như bay sang phóng máy Têlêtip ở 44 Tăng Bạt Hổ và lục tìm các cuộc tin đã thu. Đã lác đác có các tin của AP, Reuters, AFP và UPI về cuộc đảo chính ở Sài Gòn. Tôi tập hợp, chọn lọc và dịch gấp lấy một vài trang để chuyển lên Trung ương. Buổi chiều được tăng cường 1 chị đánh máy nên tôi chỉ việc ngồi dịch từ tiếng Anh và Pháp rồi đọc cho chị đánh máy gõ, như thế vừa nhanh vừa đẹp trang tin. Suốt mấy ngày đêm liên tục cùng các anh Lê Mai, Hồ Tiến Nghị, các chị Trần Liễu Mai, Bùi Thị Lộc... làm theo ca kịp cho đến đêm 3.11.63 có tin Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị bắt khi trốn ở 1 nhà thờ tại Chợ Lợn và bị bắn chết trên xe bọc thép trên đường bị giải từ Chợ Lớn về Trung tâm Sài Gòn.
Sau cuộc đảo chính này, còn hàng chục cuộc đảo chính khác nữa ở Sài Gòn. Nhưng có lẽ cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm là sự kiện đáng nhớ nhất, bởi lẽ chế độ Diệm Nhu là chế độ tàn ác nhất ở miền Nam nước ta hồi đó.
Thu thập tin về vụ 5.8.1964
Trưa ngày 5.8.1964 tôi đang "giường bàn, chiếu báo, gối bản tin" thì anh Lê Bá Thuyên bước vào bảo sang 44 Tăng Bạt Hổ thu lượm các tin tức Mỹ ném bom miền Bắc. Như mọi lần, tôi phóng xe sang nơi đặt các máy Têlêtip thi tin. Đọc lướt trên các máy thu đã thấy có một vài tin về sự kiện này. Các tin tức cho biết, máy bay Mỹ đã đánh các địa điểm như sông Gianh, Vinh, Lạch Trường, Quảng Ninh. Phần lớn các cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ hải quân của ta và các kho xăng dầu. Địch khoác lác nói máy bay của chúng trở về căn cứ an toàn. Nhưng trong thực tế trưa ngày 5.8.1964 hải quân và bộ đội phòng không của ta đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, và bắt sống tên giặc lái Alvarez ở Hòn Gai. Đây là trận ra quân đầu tiên của ta đánh máy bay Mỹ trên vùng trời miền Bắc. Sau sự kiện này cả miền Bắc phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trong nhiều năm và bắn rơi trên 4000 máy bay địch bắt sống trên 500 tên giặc lái Mỹ.
Kíp làm tin nhanh chúng tôi lại chia nhau ra thành 4 ca theo dõi mấy ngày đêm liền cho đến khi tàu Madox của Mỹ rút khỏi vùng biển nước ta và miền Bắc trở lại thời kỳ tạm thời hoà bình.
Cùng bộ đội phòng không trong Điện Biên Phủ trên không
Đêm 18.12.1972, tốp trực tin nhanh của chúng tôi bị bất ngờ khi máy bay B52 Mỹ đánh phá Hà Nội và một số nơi quanh Hà Nội. Chúng tôi không có tin dự báo như những vụ khác. Nhưng đêm 19.12 thì khác. Ngay từ chập tối chúng tôi đã có được các tin về từng tốp B52 rời đảo Guam đi về phía tây tới Việt Nam. Tiếp đó là các tin nói về các tốp B52 rời căn cứ Korat (Thái Lan) bay về phía đông Bắc, tức là hướng miền Bắc Việt Nam. Những tin đó được các được các anh Nguyễn Thiện Lăng và tôi dịch rồi chuyển nhanh bằng đường liên lạc do mô tô cơ quan đảm nhiệm tới Bộ Chính trị, Bộ tổng tư lệnh. Sau này tôi được một anh lãnh đạo cơ quan kể lại rằng ngay từ tối 19.12, khi nhận được các tin này của TTXVN, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho bộ đội phòng không và không quân sẵn sàng chiến đấu và đã góp phần bắn rơi gần một chục máy bay B52 trong đêm 19.12 trong đó có 1 chiếc ở Đông Anh và 1 chiếc rơi ở làng hoa Ngọc Hà. Và những đêm tiếp theo cho đến đêm 30.12 anh em chúng tôi luôn tập trung ở hầm ngầm 5 Lý Thường Kiệt để làm tin về trận Điện Biên Phủ trên không ở miền Bắc Việt Nam với gần 40 chiếc B52 Mỹ bị hạ và hàng chục tên phi công Mỹ bị bắt sống.
Chứng kiến những tên Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam
Trước hôm ký kết hiệp định Paris (27.1.1973) khoảng ba ngày tôi được gọi lên gặp các anh Đào Tùng và Đỗ Phượng. Hai anh chỉ thị: "Bộ Biên tập cử Kim đi Sài Gòn làm phóng viên tại Ban liên hợp quân sự 4 bên. Cùng đi với Kim sẽ có thêm Trần Mai Hạnh và 3 kỹ thuật viên thông tin. Ngày mai cả đoàn sẽ đi nhận quân trang quân phục tại Bộ tư lệnh quân khu 3 ở Hà Đông...". Rời khỏi phòng làm việc của đồng chí Tổng biên tập, tôi sống trong tình trạng vừa mừng vừa lo. Mừng vì được chọn đi làm phóng viên tại Sài Gòn, nơi tôi từng theo dõi tin tức suốt hơn 10 năm qua. Mừng vì được cơ quan tín nhiệm giao trọng trách phụ trách 1 phân xã đặc biệt trong lòng địch. Mừng vì lần đầu tiên trong đời được đi máy bay Mỹ từ miền Bắc vào Nam, được "đi B bằng máy bay Mỹ" chứ không phải hành quân gian khổ suốt nhiều tháng như các bạn bè của mình trên dọc đường Trường Sơn. Lo vì công việc quan trọng quá, nhiệm vụ nặng nề quá. Lo vì ở trong vòng vây quân thù liệu có an toàn? Tuy thời hạn là 60 ngày, nhưng biết đâu kéo dài hàng năm trời xa vợ, xa con... Nhưng mừng hay lo thì cũng phải đi vì mình vốn đi tiên phong trong nhiều công việc của cơ quan từ trước tới giờ.
Ngày 25.1 đi lĩnh quân trang cùng các anh Trần Mai Hạnh, Trương Việt Cường, Ngô Duy Phùng và Phạm Quang Khang. Ngay chiều hôm đó Bộ biên tập cho biết Trần Mai Hạnh ở lại, còn 4 người sẽ đi. Ngày 26.1 bốn anh em chúng tôi vào trạm 66 ở đường Hoàng Diệu để tập trung. Tại đây đã có vài trăm sĩ quan đang tập trung. Chúng tôi được tập đi đứng theo tác phong quân sự, được ăn uống ở mức khá cao so với cuộc sống lúc đó, và chờ đợi ngày ra sân bay Gia Lâm lên máy bay Mỹ đi Sài Gòn.
Ngày 27.1.1972 Hiệp định Paris được ký kết. Hà Nội rợp cờ, khẩu hiệu hoan nghênh thắng lợi của Hiệp định Paris. Ngày 28.1 đoàn đại biểu Chính phủ ta từ Paris về Hà Nội giữa rừng cờ hoa đón chào của nhân dân Thủ đô vừa trải qua bom đạn 12 ngày ác liệt. Ngày 30.1, chúng tôi ra sân bay giữa ngày Xuân mừng năm mới Quý Sửu.
Sau hơn 5 giờ bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, chúng tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trong các nắng nóng phương Nam. Bọn ngụy quyền cho một đại đội vây quanh máy bay của chúng tôi và bắt chúng tôi ngồi chờ hơn 3 tiếng đồng hồ ở sân bay. Mãi tới chiều chúng tôi mới được xe ô tô của Mỹ chở về trại Davis, nơi đóng trụ sở của 2 phái đoàn quân sự ta ở rìa sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi ổn định cơ sở thu phát tin giữa Tổng xã và phân xã chúng tôi bắt đầu phát những tin tức đầu tiên về hoạt động của đoàn, về không khí trong trại Davis và xung quanh trại.
Cả 2 tháng, tôi được cử đi giám sát các cuộc trao trả tù binh ở Lộc Ninh, Xa mát (Tây Ninh), Hoài Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Đà Nẵng, Đức Nghiệp (Gia Lai) và thăm một vài trại giam trước khi trao đổi tù binh. Trong các chuyến đi vào vùng giải phóng đó, tôi thường bảo anh em bộ đội miền Bắc viết thư gửi về gia đình rồi thu thập mang về Sài Gòn chuyển ra Bắc theo đường quân bưu. Vì hàng tuần có những chuyến bay Mỹ đưa cán bộ ta ra Hà Nội làm việc nên các thư từ đó chuyển rất nhanh tới các địa chỉ trong thư. Có nhiều gia đình xa con em cả chục năm trời, nay vui mừng nhận được thư của người thân từ chiến trường gửi về với niềm vui khôn tả.
Có lẽ trong 60 ngày công tác ở Sài Gòn, kỷ niệm sâu sắc đối với tôi lần được chứng kiến những tên lính Đại Hàn cuối cùng rời khỏi Nha Trang ngày 10.3.72 và lần chứng kiến những tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam ngày 29.3.1972
Tại sân bay Nha Trang ngày 10.3.1972, tôi cùng 3 sĩ quan nữa (một của miền Bắc, 2 của miền Nam) trèo lên chiếc máy bay B.447, đếm từng tên lính Đại Hàn theo danh sách kèm theo trước khi máy bay cất cánh rời Việt Nam về Hàn Quốc.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều ngày 29.3.1972 tôi lại cùng đồng đội chứng kiến những tên lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam nước ta. Trong giây phút tên sĩ quan Mỹ cuối cùng bước lên cầu thang máy bay để về Mỹ, tôi cũng như các sĩ quan miền Bắc và miền Nam có mặt, hết sức tự hào đại diện cho đội quân bách chiến bách thắng đứng chứng kiến sự rút lui của địch. Bản thân tôi với tư cách là nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, lại càng tự hào khi được thay mặt cho hơn 1000 cán bộ phóng viên TTXVN ở cả hai miền đất nước được chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Tự dưng tôi thấy cay cay nơi sống mũi và nước mắt trào ra khi nghĩ tới hơn 200 đồng nghiệp của mình hy sinh trên các chiến trường miền Nam. Các đồng chí ấy đã trao cho tôi vinh dự và trách nhiệm được thay mặt họ chứng kiến những tên xâm lược cuối cùng rút khỏi miền Nam, mảnh đất mà họ đã hy sinh cả tuổi xanh cho Tổ quốc.
Ngày 3.4.1972 tôi cùng phân xã rời Sài Gòn, ra Hà Nội, bàn giao lại văn phòng và các thiết bị thông tin cho anh Nguyễn Châu Quỳ, phân xã trưởng phân xã giải phóng vừa từ Hà Nội vào cùng 4, 5 anh em khác. Họ ở lại trại Davis cho đến ngày 30.4.1975 và góp phần vào chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Từ Hà Nội tường thuật Hoàng thân Xuphanuvông vào Viêng Chăn
Một buổi chiều cuối tháng 12.1973, sắp hết giờ làm việc, tôi được Tổng giám đốc Đào Tùng gọi điện thoại mới lên gặp. Mở đầu câu chuyện anh Đào Tùng nói về thắng lợi của hiệp định Paris năm 1973 về Đông Dương. Anh cho biết ở Lào cuộc đấu tranh thi hành hiệp định Paris đang tiến triển tốt. Anh thông báo chiều nay hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Pathet Lào sẽ vào thủ đô Viêng Chăn để cùng phía Vương quốc Lào thực hiện hoà hợp, hoà giải dân tộc, đem hoà bình cho đất nước Lào.
Anh Đào Tùng bảo tôi dựa vào các nguồn tin của AFP, UPI, AP viết một bài tường thuật chi tiết cho Thông tấn xã Pathet Lào về việc Hoàng thân Xuphanuvông đáp máy bay xuống sân bay Vat tay và đoàn xe đưa chủ tịch Xuphanuvông vào Viêng chăn. Trong tay tôi chỉ có hai tin của các hãng phương Tây nói về vấn đề này. Trở lại phòng làm việc của mình, tôi bắt đầu mường tượng ra cảnh chủ tịch bước xuống sân bay Vat tay ra sao, đoàn quân nghênh đón chủ tịch như thế nào, rồi hoàng thân duyệt đơn vị danh dự ra sao, ông đi vẫy chào những người đón ông như thế nào... rồi đoàn xe tiến về thành phố...
Cho đến lúc đó tôi chưa hề có dịp đến Viêng chăn lần nào. Nhưng có kinh nghiệm đã từng ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, Nha Trang, Đà Nẵng... trong dịp công tác tại Ban liên hợp quân sự 4 ở bên Sài Gòn nên tôi viết bài tường thuật này một cách dễ dàng. Khoảng 6 giờ chiều tôi mang bài tường thuật lên phòng anh Đào Tùng để duyệt. Hai anh em đọc từng câu một xem phải sửa chữ nào, câu nào. Cuối cùng bài tường thuật với nhan đề "Hoàng thân Xuphanuvông tiến vào Viêng chăn trong vinh quang" được anh Đào Tùng ký duyệt và giao cho anh Trần Thư, cán bộ phòng thư ký đưa cho bộ phận điện đài để chuyển cho Thông tấn xã Pathet Lào ở Sầm nưa ngay trong buổi tối để phát rộng rãi trong cả nước Lào đêm hôm đó và đăng báo vào sáng hôm sau. Các báo ở Việt Nam ngày hôm sau cũng đăng báo tường thuật trên và còn đề tác giả là phóng viên Thông tấn xã Pathet Lào. Thế mới vui!
Vậy mà mãi đến năm 1979, tức là 24 năm sau tôi mới có dịp đáp máy xuống sân bay Vat tay và đi thăm Viêng chăn, Luông Prabăng... thăm đất nước vạn tượng xinh tươi và hiền hoà.
Đến nơi lần đầu tiên xuất hiện loài người
Tháng 9.1981, đang ở thủ đô Damas của Xyri để chuyển bị chuyển phân xã từ Cairo sang Damas, tôi nhận được điện của Bộ biên tập cử tôi đại diện cho Hội nhà báo Việt Nam đi dự quốc khánh và thăm Etiôpia. Tôi phải lên đường gấp vì ngày quốc khánh của bạn cận kề.
Tháng 9 ở thủ đô Adis Abeba mưa nắng thất thường, lại ở trên độ cao 1.500m nên không khí hơi loãng, con người sống ở đây phải hít thở mạnh để tăng thêm lượng oxy cho cơ thể. Thành phố này nhỏ bé chỉ có một hai con phố chính, còn lại là nhà mái tôn lụp xụp. Ngoài khu trung tâm thủ đô ra chỉ có khu vực hoàng cung là hấp dẫn du khách.
Etiôpia còn quá nghèo nàn. Phụ nữ thường khoác những tấm vải xô trắng bên ngoài những bộ váy hoa không lấy gì là đẹp hoặc lành lặn lắm. Nam giới ăn mặc càng đơn giản hơn nữa. Hàng hoá ít và đắt. Đời sống còn biết bao khó khăn, trình độ dân trí còn quá thấp.
Sau khi dự quốc khánh của bạn, tôi cùng cánh nhà báo đi thăm nhiều nơi, trong đó có vùng đầm lầy và hồ nước mà người ta bảo là nơi xuất phát của loài người đầu tiên trên thế giới, rồi từ đây những con người nguyên thuỷ này tiến qua Xu đăng, Ai cập tới vùng đất Giêruxalem và tiến lên phía Bắc tới châu Âu. Họ phải trải qua hàng triệu năm ăn lông ở lỗ rồi tiến hóa dần dần. Cái nôi của loài người là một vùng có hồ nước rộng, có ruộng trồng những cây cho một loại hạt kê màu đen dùng làm lương thực chính cho người dân nước này, có đồi núi với cây cỏ xanh rờn suốt bốn mùa cùng các loài động vật hoang dã khác.
Với trí tưởng tượng phong phú, chúng tôi mường tượng ra cảnh những con người đầu tiên trên thế giới xuất hiện tại vùng hồ và đầm lầy này, hàng ngày họ bì bõm trên mặt nước để đánh bắt cá hoặc săn bắn trên vùng đồi núi gần đó để kiếm sống. Đêm đến họ sống trong những hang động nhỏ hoặc trèo lên những cây cao để tránh những con thú dữ tới ăn thịt họ.
Trong dịp thăm đất nước được mệnh danh là "mái nhà châu Phi" này, tôi còn được thăm một cung điện nguy nga của vua chúa nước này để bị lật đổ gần đây. Trong hoàng cung, nơi ở của vua, các đồ dùng đều bằng vàng kể cả vòi nước và bệ xí. Tôi hỏi người bảo vệ hoàng cung rằng tôi được biết xưa kia cứ đêm đến là có một đàn sư tử được thả ra đi quanh khu hoàng này để bảo vệ nhà vua và hoàng tộc này đàn sư tử đó có còn không, ông ta trả lời rằng sau cách mạng đàn sư tử đã được chuyển đi nơi khác rồi...
Chứng kiến vụ ám sát tổng thống A.Sadat
Cuối năm 1977 tôi được Bộ biên tập cử đi làm trưởng phân xã Cairo (Ai Cập) thay anh Đỗ Hội. Được làm việc ở đất nước có các Kim tự tháp nổi tiếng, có sông Nil trong xanh, con sông dài nhất châu Phi chảy qua, có những di tích văn hoá nổi tiếng thế giới là một niềm vui đối với cuộc đời của một nhà báo. Hồi đó muốn tới được Cairo, phải đi xe lửa từ Hà Nội sang Bắc Kinh sang Matxcơva và từ Matxơva bay sang Caro. Lênh đênh gần nửa tháng mới tới Cairo, nhưng cũng có cái hay là được thăm Cố cung ở Bắc Kinh và thăm Hồng trường ở Matxcơva và nhiều nơi khác ở hai đất nước rộng lớn này.
Tôi công tác ở Cairo từ đầu năm 1978. Hè năm 1980 được cơ quan quản lý kênh Suez mời xuống thành phố Suez lên tàu đi dọc kênh một đoạn dài vài ba chục kilomet để viết bài về kênh Suez được khơi sâu thêm và mở rộng ra tới 140m cho các tàu chở dầu có trọng tải 300.000 tấn qua lại được.
Trong một dịp trước đó ít lâu, cánh nhà báo chúng tôi được Chính phủ Ai Cập mời tới Al Arish thủ phủ bán đảo Sinai để được dự buổi lễ Ixraen trao trả bán đảo này cho Ai Cập theo Hiệp định hòa bình Trại David giữa tổng thống Ai Cập Sadat và thủ tướng Ixraen Begin với sự trung gian hoà giải của tổng thống Mỹ Carter
Mỗi lần qua kênh đào Suez này và đi thăm các Kim tự tháp ở Giza, tôi lại nghĩ tới Bác Hồ, người đã qua con kênh này từ năm 1911 khi đi tìm đường cứu nước trên một con tàu của Pháp và đã tới chân các Kim Tự tháp năm 1946 trên đường tới Pháp thương lượng để cố cứu vãn hoà bình cho Việt Nam.
Nhưng sự kiện đáng ghi nhớ nhất đối với trong những ngày công tác ở Ai Cập là vụ ám sát tổng thống Ai Cập A.Sadat trưa ngày 3.10.1981. Vụ ám sát này xảy ra ngay trong lễ kỷ niệm lần thứ 8 cuộc chiến tranh tháng 10.1973 của Ai Cập. Nó xảy ra ngay tại lễ đài ở quảng trường Al Nars của Cairo. Lễ đài ở quảng trường này chia làm 3 khu. Khu giữa là khu dành cho tổng thống và các quan chức cấp cao của chính quyền Ai Cập, khu bên phải dành cho các đoàn ngoại giao và khu bên trái dành cho giới báo chí và các tổ chức Quốc tế. Để đến được khu lễ đài chúng tôi đã phải trải qua một loạt các cuộc kiểm tra gắt gao. Buổi lễ đã xong phần diễn văn và đến phần diễu hành của quân đội Ai Cập. Các đơn vị quân đội thuộc các quân binh chủng lần lượt diễn qua lễ đài. Khi các tốp máy bay chiến đấu phản lực Ai Cập xếp theo hình chữ V mỗi chữ V 5 chiếc, mỗi chiếc phun một loại khói màu rất đẹp bay qua lễ đài ai cũng mải mê ngửa mặt lên trời xem kể cả Tổng thống A.Sadat, thì đúng lúc có một viên sĩ quan Ai Cập (thuộc một tổ chức hồi giáo quá khích chống tổng thống Sadat ký kết hiệp ước hòa bình với Ixaraen) từ trên 1 xe bọc thép nhảy xuống tiến đến giơ tay chào tổng thống Sadat và các quan khách, đồng thời ném ngay một quả lựu đạn vào người ông Sadat, sau khi ném lựu đạn, viên sĩ quan này còn kịp rút khẩu tiểu liên nã một loạt đạn vào người tổng thống. Ông Sadat ngã gục ngay tại chỗ, các Phó tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng người nào người nấy đều rúc đầu xuống các chiếc ghế đệm bông dày để tránh đạn.
Cuộc diễu binh toán loạn và kết thúc hết sức hỗn loạn. Một lát sau một máy bay lên thẳng tới chở ông Sadat tới bệnh viện quân sự để cấp cứu. Nhưng đến chiều hôm đó, tin tức cho biết ông đã chết vì vết thương qúa nặng. Tất cả mọi người có mặt ở quảng trường hôm đó đều bị bất ngờ. Bản thân tôi cũng vậy vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh và quá đẫm máu, vượt ra ngoài mọi sự tưởng tượng, mọi kịch bản mà người ta có thể nghĩ ra.
Ông Sadat bị giết vì ông đã dám "đi trước thời đại" khi bắt tay với Ixraen để giải quyết hoà bình, vấn đề Trung Đông theo một phong cách mới, nghĩa là "cùng tồn tại trong hoà bình và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Bằng bước đi của mình, ông Sadat đã thu hồi được toàn bộ lãnh thổ Ai Cập bị Ixraen chiếm đóng trong các cuộc chiến tranh trước đó. Nhưng với nhưng kẻ hồi giáo bảo thủ và quá khích thì việc ông Sadat bắt tay với Ixraen là một sự "phản bội người Ai Cập" không thể tha thứ được. Và họ đã trù tính cuộc ám sát này ngay từ cuối năm 1977 khi ông Sadat ký kết hiệp ước Trại David với thủ tướng Ixraen Begin.
Quan sát một số nước Đông Âu sụp đổ
Giữa tháng 10.1989 tôi rời thủ đô Damas của Xyri đi Sofia (Bugari) trên đường tới Praha dự hội nghị các trưởng đoàn phân xã TTXVN tại nước ngoài. Do đi hơi sớm nên tôi lưu lại ở Sofia hơn một tuần để làm thủ tục đón vợ tôi sang thăm Đông Âu một chuyến cho vui.
Tôi nhớ ngày 20.10.1989, Đảng cộng sản Bugari tổ chức hội nghị toàn quốc. Tại hội nghị này tổng bí thư T.Jivkov xin từ chức vì lý do sức khoẻ và được chấp thuận. Điều đáng ngạc nhiên đối với tôi là trước khi hội nghị đó họp thì ở ngoài phố, dân đi biểu tình khá đông, họ nêu những khẩu hiệu ngày một phản động, nhưng không ai bị bắt hoặc bị cấm đoán. Hai ngày sau khi ông T.Jivkov từ chức, báo chí Sofia nhất loạt gọi ông là "tên độc tài vùng Ban căng đã sụp đổ"! Trên báo chí người ta kể tội ông rất công khai. Các cuộc biểu tình ngày một đông quanh khu trung tâm Sofia nơi có trụ sở Trung ương Đảng, chính phủ, quốc hội và lăng Dimitrov. Các khẩu hiệu dán khắp nơi nói xấu Đảng cộng sản, đòi dân chủ... Vậy mà lực lượng an ninh không ra tay, ông T.Jivkov bị bắt giữ, và vài tháng sau đó mọi chế định cũ đều bị phá bỏ trước sự thờ ơ của dân chúng, của công an và quân đội. Chủ nghĩa xã hội ở Bugari bị đổ vỡ mà không lực lượng nào đứng ra bảo vệ nó
Đầu tháng 11, tôi tới Praha bằng đường xe lửa từ Sofia qua Rumani và Hungari. Đến phân xã TTXVN ở ngoại ô Praha đã thấy anh Nguyễn Công Đắc từ New Delhi tới dự họp. Anh Đào Tùng còn đang cùng trưởng phân xã Praha Nguyễn Hữu Khánh đi dự hội nghị ở Hungari chưa về.
Vì đã qua lại Praha vài lần nên tôi khá thạo đường đi lối lại từ phân xã vào trung tâm Praha. Buổi tối tôi rủ anh Đắc đi vào trung tâm thủ đô. Praha về đêm rất đẹp, nhất là ở đại lộ trung tâm. Vì hội nghị họp ngày 18.11 nên tôi tranh thủ đi thăm một số thành phố ở miền Tây Tiệp Khắc.Trước khi đi tôi tâm sự với anh Việt Tú phóng viên phân xã Praha rằng: "Tình hình ở Tiệp Khắc có thể như ở Bungari vì mình đọc trên báo Mỹ có người nói. Sau Đức, Hung, Ba Lan sẽ là Bugari, Rumani và Tiệp Khắc". Việt Tú bảo tôi: "ở Tiệp ban lãnh đạo đã có những cải tổ lớn nên khó có thể như ở Bungari..." Tôi không tranh luận mà chỉ nói : "ý kiến trên là của tạp chí Newsweek tuần trước mình đọc được" rồi tôi đi Karlovivary mấy hôm. Tối 17 tôi trở về Praha thì gặp ngay các đoàn biểu tình đông như hội ở Trung tâm thành phố. Tôi đi dọc đại lộ chính thấy nhiều nơi đốt nến nhỏ tưởng niệm những người Tiệp bị chết trong vụ "Mùa xuân Praha" vài năm trước đó. Các khẩu hiệu đề cao tổ chức "Diễn đàn tự do" của ông Havel - một nhà văn bị chính quyền giam cầm ít lâu vì những quan điểm chống đối.
Tôi vẫy vài sinh viên đi biểu tình hỏi xem có ai nói tiếng Anh khá đi dọc đường phố tôi cùng tôi và dịch cho tôi những khẩu hiệu bằng tiếng Tiệp. Kiếm được một cô sinh viên, cô cho biết hôm nay và những ngày tiếp theo sẽ có cuộc biểu tình chống chế độ cũ, đòi lập chế độ mới...
Trở về phân xã tôi kể chuyện với anh em từ các phân xã ta ở nhiều nơi trên thế giới về Praha họp. Chúng tôi đều cho rằng tình hình hết sức nguy kịch cho Tiệp Khắc và các nước XHCN còn lại ở Đông Âu...
Sau ít ngày biểu tình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc phải thay đổi chính quyền và đường lối và ít lâu sau họ bị phong trào "Diễn đàn tự do" đánh bại bằng cuộc "cách mạng nhung" không hề có đổ máu.
Tôi rời Praha bằng xe lửa trở lại Sofia để đón vợ tôi sang thăm Đông Âu. Qua Rumani tôi nhận thấy không khí rất căng thẳng, công an, binh lính gác tại các nhà ga chính, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Sau hơn 10 ngày ở thăm Sofia tối 21.12 vợ chồng tôi lên xe lửa rời Sofia đi thăm Rumani, Hungari, Tiệp Khắc, Cộng hoà dân chủ Đức, Ba Lan... Trước khi lên tàu tôi được biết tình hình chính trị ở Rumani có rắc rối, đã xuất hiện những cuộc biểu tình chống chế độ ở các tỉnh miền Trung Tây nước này. Khi xe lửa chúng tôi đến Bucarest tôi nghe thấy tiếng súng nổ ở xa và thỉnh thoảng máy bay lên thẳng bay lượn, cảnh sát và binh lính canh gác ở ga rất đông đảo. Xe lửa tiếp tục đi lên phía Bắc đến những ga lớn, nhiều đoàn biểu tình kéo tới đòi lên xe để tới những nơi tập trung biểu tình đông đảo. Ai ở trên tàu cũng sợ bị cướp nên không dám mở cửa cabin. Do nghề nghiệp của mình, tôi mở cửa đi ra phía đầu toa hỏi han những người biểu tình đi nhờ tàu hoả. Rất may là gặp được một thanh niên nói được chút tiếng Pháp thế là tôi khai thác anh ta và được biết: ở thủ đô Bucarest đang rối loạn. Các đoàn biểu tình vũ trang bắn nhau với cảnh sát thủ đô và binh sĩ. Nhưng sức mạnh của quần chúng đã áp đảo và vợ chồng ông N.Ceauscescu, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Rumani đã phải lên máy bay chạy trốn. Tối 24.12 khi vợ chồng tôi đang ở Cheb, một thành phố nhỏ trên biên giới Tiệp - Đức, xem tivi Tây Đức đã thấy cảnh ông N.Ceauscescu và vợ bị bắn chết ở một góc vườn của 1 trường học sau cuộc tranh cãi giữa 2 ông bà với lực lượng đảo chính.
Ngày 29.12 chúng tôi đi xe lửa tới Berlin không khí Berlin, lúc này trầm lắng rồi vì bức tường Berlin đã bị đập phá ở một số điểm. Ngay bên cạnh cổng Branderburg là một điểm bức tường bị đục thành một cửa khẩu giữ Đông và Tây Berlin. Một số xe ôtô sang trọng của Tây Berlin đã đi qua cửa khẩu này sang Đông Berlin. Việc đi lại qua hơn 10 cửa khẩu trên dọc bức tường Berlin dài trên 160km chưa phải là dễ dàng lắm nhưng dân ở hai bên đã có thể qua lại có khi có giấy tờ hợp lệ.
Tôi gặp một số công nhân Việt Nam lao động ở Đức, họ cứ gạ gẫm tôi đi cùng sang Tây Berlin để họ ở lại bên đó, nhưng tôi từ chối.
Tối 31.12.1989 là đêm giao thừa đầu tiên người ta tổ chức ngày ở cổng Branderburg và trên bức tường Berlin. Các thanh niên Đông - Tây Berlin trèo lên bức tường Berlin hô vang khẩu hiệu đòi thống nhất đất nước. Không khí khu vực này sôi sục cả Đông và Tây Berlin, nhiều phần tử quá khích vác búa đập phá đổ một số đoạn bức tường tạo thêm những cửa khẩu mới.
Tôi gọi điện cho một anh bạn Đức trước đây là phóng viên ADN ở Cairo với ý định biết thêm tình hình. Anh nói qua điện thoại rằng tình hình bây giờ đang phức tạp lắm, anh không tiện gặp tôi ở Berlin như đã hứa với nhau từ mấy năm trước khi cùng làm việc tại Cairo. Trước đây anh là 1 trong những phóng viên có thế lực nhất ADN. Vậy mà bây giờ anh ấy co mình lại, như vậy là đã rõ, lực lượng tiến bộ đang bị đẩy lùi.
Vào tháp đôi WTC và kho vàng dưới lòng đất
Đầu tháng 9.1994 tôi đi thăm Mỹ ba tháng theo lời mời của một tờ báo Mỹ. Trong 3 tháng ấy, trừ thời kỳ đầu làm việc tại trụ sở Liên Hiệp quốc ra, tôi thường đi các địa phương. Có lúc tôi lang thang ở thượng nguồn sông Potomac, thuộc bang West Virginia, thăm nghĩa trang thời chiến tranh Nam Bắc Mỹ, thăm nhà bảo tàng của John Davis, một sĩ quan da đen thân tín của tổng thống A.Lincoln người dám đề nghị Lincoln huỷ bỏ chế độ nô lệ và đã bị Lincoln bắn bỏ, nhưng 3 năm sau chính Licoln đã phải ký đạo luật huỷ bỏ chế độ nô lệ! Có lúc lững thững trong sân trường đại học Yale - một ngôi trường đại học nổi tiếng đã đào tạo ra nhiều vị tổng thống của nước Mỹ; Có lúc loăng quăng trong một sòng bạc ở Atlantic City hay một tiệm nhảy khoả thân ở bang Connecticut; có lúc thả bộ trên đại lộ Pensylvania ở Washington hay ở trên bãi có xanh mướt của Mall giữa thủ đô Hoa Kỳ gần nơi đặt các bức tượng đá đen ghi danh hơn 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam.
Một hôm vào trung tuần tháng 12, sau khi đi thăm quan Nhà Trắng trở lại New York, tôi cùng anh Minh Tuấn đi thăm tòa tháp đôi WTC gần Wall Street. Chúng tôi lên tầng 53 thăm một người bạn Mỹ làm việc tại toà thị chính New York. Anh muốn giới thiệu với chúng tôi một đĩa CD có tư liệu về Việt Nam do Mỹ sản xuất. Đó là một buổi chiều nắng đẹp. Từ trên tầng 53 nhìn ra xung quanh thành phố khá đẹp. Sau đó chúng tôi tới Sở chứng khoán New York ở gần đó, nhưng họ chưa mở cửa. Chúng tôi rẽ sang thăm Sở dự trữ liên bang nơi có các kho vàng dưới lòng đất. Qua các điểm kiểm soát ngặt nghèo, chúng tôi xuống tầng 7 dưới lòng đất nơi có các phòng chứa vàng của nhiều nước gửi Mỹ cất giữ giúp. Sau khi mấy nhân viên cảnh sát quay tời mở cánh cửa tầng hình khối tròn nặng trên 30 tấn, một cửa nhỏ được mở ra để chúng tôi bước vào đoạn hành lang dài hun hút với nhiều phòng liên tiếp nhau. Mỗi phòng rộng chừng 30m2 đều có giá kê ở 3 mặt tường, trên các giá kê là các cục vàng to bằng viên gạch, mỗi cục thường nặng 10kg. Nhìn vào các phòng này chỉ thấy một màu vàng lóa mắt!
Tôi và anh Minh Tuấn là những nhà báo Việt Nam đầu tiên thăm toà tháp đôi và kho vàng của Sở dự trữ liên bang. Trước khi ra về tôi nhớ mãi dòng một chữ ghi ở dưới cửa kho vàng này: "Mọi thứ đều trở về với cát bụi". Có lẽ đó là một triết lý đúng vì bất kỳ ai dù giàu có đến đâu, thông đến đâu, khoẻ mạnh đến đâu... rồi cũng phải trở về với cát bụi...". Còn toà tháp đôi WTC kia, sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001 nó đã sụp đổ hoàn toàn cùng với hệ thống an ninh của nước Mỹ. Ngày nay người Mỹ không còn cảm thấy an toàn dù ở trên đất Mỹ hay ở bất kỳ đâu.
Viếng mộ chúa Jesus
Đầu tháng 3.1998 tôi được đại sứ Ixraen tại Hà Nội mời đi thăm Ixraen 10 ngày. Đến Tel Aviv vào một buổi sáng mưa, rét. Lên xe về Jerusalem ngay trong mưa. Sau khi nghỉ ngơi, buổi chiều chúng tôi tới thăm khu thành cổ. Jerusalem là nơi hội tụ 3 tôn giáo lớn của thế giới: Do thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Thành phố này là chốn linh thiêng của những tín đồ của 3 đạo giáo trên, nhưng hiện chỉ tồn tại các nhà thờ lớn của Hồi giáo, Do thái giáo, còn nhà thờ Thiên chúa giáo thì nhỏ bé.
Trời mưa rét căm căm khi chúng tôi tới cổng Jaffa để đi vào khi phố cổ. Dọc các phố nhỏ hẹp là các quán bán đồ lưu niệm. Qua vài con phố hẹp quanh co, chúng tôi đi xuống một hang sâu và rộng, trong đó là nơi chúa Jesus bị đóng đinh vào thánh giá. Bấy giờ ở đó có một ban thờ để tưởng niệm Đức Chúa. Ngay bên cạnh là một tấm đá phẳng dài gần 2m, rộng chừng 90 phân, nơi chúa Jesus được gỡ ra khỏi thánh giá nằm trên bàn đá để cho các con chiên rửa ráy, trước khi quấn vải kín người đem vào hầm chôn. Hầm chôn Ngài ở sâu bên trong hang, chỉ có một hai ngọn đèn nhỏ le lói. Có lẽ đã 4.000 năm rồi nên bây giờ cũng không còn chút xương cốt nào. ở cả 3 nơi chúng tôi đều đứng viếng chúa Jesus với lòng thành kính và linh thiêng.
Ngay từ tuổi ấu thơ của tôi thường nghe kể về Chúa Jesus, nhưng phải đến tuổi sắp về hưu mới được đặt chân tới nơi yên nghỉ cuối cùng của Người, dù muộn nhưng vẫn là một niềm vinh dự và tự hào là 1 trong 5 nhà báo Việt Nam đầu tiên được viếng mộ Đức Chúa Jesus.
Bước ra khỏi hầm mộ của Jesus, tôi và các nhà báo khác tới thăm "Bức tường than thở" nằm đối diện với nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa thiêng liêng của người theo đạo Hồi. Đây là bức tường để mọi người đến cầu phúc nên lúc nào cũng đông người tới thăm viếng. Họ đến đây để cầu xin những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Mỗi người viết vào một mảnh giấy nhỏ ghi những mong muốn thiết tha của mình vào đó rồi vê nhỏ mẩu giấy lại nhép vào khe nứt của hai viên đá trên bức tường. Họ hy vọng Chúa sẽ hiểu và đáp ứng những nguyện vọng của họ.
Trong chuyến thăm Ixraen này tôi còn được ghé thăm Hồ Galillé và Biển Chết. Từ hồ Galillé đi một mạch 4 tiếng đồng hồ dọc theo bờ Tây sông Gioođan tôi tới Biển Chết. Đúng là quanh Biển Chết không có cây cỏ nào sống được và trong lòng Biển Chết cũng vậy: không có sinh vật nào sống được vì nước muối ở đây mặn gấp mấy lần nước biển. ở ven biển chết có thể nhặt được những tảng muối bằng nắm tay nằm ngay ven bờ. Trên đường từ Galillé đến Biển Chêts, tôi ghé qua thành phố Betlhem, nơi Chúa Jesus ra đời cách đây hơn 2000 năm trong một máng cỏ!
Thăm giàn khoan ở biển Bắc
Tháng 9.1999 được sứ quán Anh ở Hà Nội điện sang Bruxelles mời tôi sang Luân Đôn dự cuộc hội thảo về dầu khí do hãng BP cùng Bộ kinh tế Anh tổ chức vào đầu tháng 10. Sau cuộc hội thảo này, BP tổ chức cho chúng tôi dự cuộc hội thảo thứ hai ở Aberdin thuộc Xcốtlen, ở mỏm phía Bắc nước Anh. Kết thúc cuộc hội thảo thứ hai này, chúng tôi được mời đi thăm giàn khoan Bruce ở Biển Bắc giáp lãnh hải Nauy.
Đây là một chuyến bay dài gần 300 km ra khơi biển Bắc bằng máy bay lên thẳng nên việc chuyển bị cho đoàn chúng tôi rất kỹ. Trước khi bay chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu về cách thức mặc quần áo phao, làm gì khi bị rơi xuống biển và trèo lên tàu cứu hộ như thế nào?
Đại để là "hơi bị run" trước lúc bay nên khi bay cũng run luôn. Nhìn xuống biển Bắc đen ngòm sóng dữ dội, thỉnh thoảng có vài ba con tàu qua lại hoặc có những giàn khoan dầu khí đang hoạt động. ở vùng này có tới hơn 300 giàn khoan làm việc suốt ngày đêm. Sau 3 giờ bay, chúng tôi tới bãi đậu máy bay lên thẳng trên tầng thượng giàn khoan Bruce. Trời tháng 10 những nhiệt độ ngoài trời cộng với gió thổi mạnh đang ở 3 độ C. Đi xuống tầng 3 bên dưới vào khu Văn phòng của giàn khoan chúng tôi mới thấy ấm áp trở lại. Tham quan tầng 5 của giàn khoan mất chừng 3 tiếng đồng hồ trong gió rét và tiếng ồn ào kinh khủng. Nói chuyện với nhau phải ghé sát tai thì mới nghe được. Đây là một giàn khoan lớn của BP. Sau này một giàn khoan tương tự những nhỏ bằng nửa đã được dựng lên ở Nam Côn Sơn và hàng ngày chuyển vào bờ hơn 1 triệu mét khối khí tự nhiên cho các nhà máy điện đạm Phú Mỹ.
Tại cảng Aberdin chúng tôi gặp 3 thanh niên Việt Nam đang được hãng BP cho thực tập 6 tháng để sau này ra làm việc tại giàn khoan Nam Côn Sơn. Có lẽ ngoài họ ra không còn gặp một người Việt Nam nào ở khu vực này. Nhà báo Xuân Hiệu của báo Nhân Dân nói đùa với tôi và nguyên Tổng giám đốc Petro Việt Nam Ngô Thường San rằng chúng tôi có lẽ là hai nhà.
____________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4).2005
Nguyễn Như Kim
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4)/2005
Bài liên quan
- Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
- Lịch sử báo chí Kazakhstan
- Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
- Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
- KỶ NIỆM 80 NĂM BÁO CỨU QUỐC (1942-2022): Một thế hệ nhà báo gạo cội
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”.
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
Huỳnh Tấn Phát: người mở trận tuyến đấu tranh báo chí giữa lòng Sài Gòn
“Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự, song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh giành độc lập dân tộc”. Đó là nhận xét của Trần Bạch Đằng về Huỳnh Tấn Phát, người không chỉ là kiến trúc sư, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà còn là một nhà báo can trường đã mở trận tuyến đấu tranh bằng báo chí giữa lòng Sài Gòn trong thời kỳ cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Lịch sử báo chí Kazakhstan
Vào thời cổ đại, trong điều kiện xã hội du mục ở Kazakhstan, không có báo chí như ngày nay, nhưng đã có những hình thức sơ khai của báo chí. Nghệ thuật dân gian truyền miệng đã trở thành một phương tiện tích lũy, xử lý, trình bày và phổ biến thông tin ở thảo nguyên Kazakhstan. Các nhà thơ du mục đã làm điều này và làm khá chuyên nghiệp. Họ được gọi là “akyns” và “zhyrau” - là nhà thơ, nhạc sĩ và người sưu tập các truyền thuyết, bài hát, di chuyển từ làng này sang làng khác, và kể lại tin tức một cách tự nhiên. Ở Kazakhstan, đây được gọi là “uzun - kulak” - “tai dài” và hiện tượng này là nguyên mẫu của “dịch vụ thông tin” ngày nay.
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
Một góc nhìn về báo chí Việt Nam qua hồi ký Bốn mươi năm “nói láo” của Vũ Bằng và Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường
(LLCT&TTĐT) Báo chí Việt Nam đã trải qua một chặng đường phát triển rất dài nhưng hiện nay chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và quan tâm đầy đủ. Các công trình nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào báo chí cách mạng. Trong khi đó, còn nhiều nguồn tư liệu khác có thể khai thác và lấy thông tin, ví dụ như hồi ký của các nhà báo hoặc nhà văn làm báo. Bài viết sẽ cung cấp thêm một góc nhìn về báo chí nước ta thông qua 2 hồi ký tiêu biểu là “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng và “Bốn mốt năm làm báo” của Hồ Hữu Tường.
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề: “Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)”
Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), sáng 14/6/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học và trưng bày chuyên đề "Nhà báo Xuân Thủy (1912-1985)". Đây là sự kiện đầu tiên được tổ chức về Nhà báo Xuân Thủy gắn với những di sản báo chí cách mạng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc mà Nhà báo để lại.
Bình luận