Một số biểu hiện mới của chủ nghĩa dân tộc hiện nay và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Nhận diện một số biểu hiện mới của chủ nghĩa dân tộc
“Biểu hiện mới” được hiểu là: vấn đề mới phát sinh; hoặc có những vấn đề tuy đã xuất hiện từ lâu, không phải là vấn đề mới, nhưng quá trình vận động, phát triển lại xuất hiện, chứa đựng những yếu tố mới. Từ quan niệm như vậy, biểu hiện mới của chủ nghĩa dân tộc hiện nay có thể nhận diện ở những nét căn bản sau:
Một là, vấn đề ý thức hệ giai cấp được đặt xuống hàng thứ yếu, nổi lên là ý thức dân tộc chi phối trong đời sống xã hội hiện đại.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây, thế giới chia làm hai hệ thống - XHCN và TBCN thì vấn đề ý thức hệ giai cấp luôn được đặt lên hàng đầu trong giải quyết các vấn đề của nội khối cũng như trong quan hệ giữa hai hệ thống.
Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, chống chủ nghĩa tư bản vì mục tiêu CNXH, cũng như cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc được chỉ đạo, định hướng và liên kết chặt chẽ với nhau bởi ý thức hệ của giai cấp công nhân, được soi rọi bằng hệ tư tưởng Mác - Lênin hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Cụ thể hơn, trong thời kỳ này, việc giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, theo ý thức hệ mác xít được xem là vấn đề nguyên tắc và có giá trị điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả quan hệ giai cấp - dân tộc trong nội bộ các nước thành viên thuộc hệ thống XHCN.
Trên thực tế, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ này trở thành yếu tố hết sức quan trọng gắn kết các quốc gia dân tộc, cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vì một lý tưởng chung, đó là bảo đảm chủ quyền dân tộc và xây dựng thành công CNXH ở mỗi nước cũng như trên phạm vi toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng CNXH ở một số nước, chính những vi phạm lập trường mácxít trong giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc; giữa CNXH và chủ nghĩa dân tộc đã dẫn đến những rạn nứt, mâu thuẫn trong nội bộ, thậm chí, nó trở thành một trong những nguyên nhân làm tan vỡ hệ thống XHCN, đồng thời khiến cho chủ nghĩa quốc tế XHCN cũng rơi vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng trầm trọng.
Từ khi hệ thống XHCN theo mô hình Xô viết tan rã thì ý thức hệ giai cấp và việc giải quyết mối quan hệ giai cấp - dân tộc trong nội khối cũng đã có nhiều biến đổi, vấn đề giai cấp, lợi ích giai cấp, lợi ích của CNXH, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã bị xem nhẹ ở nhiều nơi, trong khi ý thức dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan có xu hướng trỗi dậy. Ngay trong nội bộ các nước XHCN còn lại vẫn có những hành động can thiệp vào chủ quyền của nhau, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc của mỗi nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân. Điển hình là Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, thiết lập những căn cứ quân sự trên các đảo tự nhiên và nhân tạo, tuyên bố “đường lưỡi bò” trên Biển Đông một cách vô căn cứ... đã xem nhẹ lợi ích quốc tế, làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia dân tộc khác, trong đó có cả lợi ích của các quốc gia dân tộc cùng chung hệ tư tưởng, chung ý thức hệ, từ đó, làm ảnh hưởng xấu đến chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vấn đề ý thức hệ như được xóa nhòa, không còn là hàng rào ngăn cách các quốc gia - dân tộc. Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, Mỹ đã từng tuyên bố: “Đó là một chiến lược của chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc được định hướng bởi kết quả chứ không phải ý thức hệ”(1). Trong bối cảnh mới, hầu hết các quốc gia đều chủ động hợp tác, phát triển, mở rộng quan hệ đối ngoại trên cơ sở mục tiêu hàng đầu là lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây vừa là nhân tố thuận lợi, nhưng đồng thời lại là những thách thức mới đặt ra đòi hỏi mỗi nước đều phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để có thể giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ này sao cho vừa có thể giữ vững được sự ổn định, nhất là ổn định về chính trị để tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác cùng phát triển, vừa kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường độc lập của dân tộc.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, ẩn sâu bên trong những biểu hiện mới này, vấn đề ý thức hệ giai cấp vẫn hiện hữu và đang được che lấp bởi lợi ích dân tộc. Có thể nhận thấy, trên thực tế, Mỹ và các nước tư bản vẫn đang tìm kiếm những lợi ích của mình khi thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc và với bản chất không thay đổi, trong nhiều trường hợp, chủ nghĩa tư bản vẫn can thiệp, gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo và cả những nước XHCN còn lại. Sự can thiệp, chống phá liên tục với nhiều hình thức vừa tinh vi, vừa trắng trợn của chính quyền Mỹ và các nước phương Tây đối với các nhà nước không cùng ý thức hệ vẫn tiếp tục diễn ra.
Hai là, chủ nghĩa dân tộc có tầm ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ quốc tế.
Từ năm 1991 đến nay, nhiều vấn đề quốc tế, quan hệ quốc tế bị chi phối bởi vấn đề dân tộc, chủ nghĩa dân tộc. Biểu hiện ở những điểm cơ bản sau:
Hiện nay, việc đề cao lợi ích dân tộc đến mức cực đoan, xem nhẹ lợi ích quốc tế, thậm chí bất chấp luật pháp quốc tế đang là hiện tượng diễn ra phổ biến. Trong đời sống chính trị hiện đại, có một thực tế mới là giai cấp cầm quyền ở một số quốc gia bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đề cao thái quá “tinh thần dân tộc”, từ đó làm trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng... và chúng đang ngày càng chi phối các mối quan hệ quốc tế. Các nước lớn tìm cách áp đặt, thậm chí, xâm phạm chủ quyền quốc gia của các nước nhỏ, bất chấp luật pháp quốc tế. Thí dụ, từ năm 2010 đến nay, sự can thiệp của Mỹ và một số nước phương Tây vào các nước Ảrập, đặc biệt là Xyri khiến cho các nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn, chiến tranh liên miên, đất nước tan rã và các nhóm Hồi giáo cực đoan nổi dậy gây ra hậu quả tàn khốc ở khu vực này.
Trong bối cảnh mới hiện nay, chủ nghĩa dân tộc ngày càng được khuyếch trương và mang những sắc thái mới. Thí dụ, Mỹ dưới thời của Tổng thống Donal Trump với chính sách “nước Mỹ trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”; hay Trung Quốc với “giấc mơ Trung Hoa” và những hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế nhằm giành lợi thế ở khu vực Biển Đông... là những minh chứng cho thấy những toan tính của các nước lớn đang bị chi phối nặng nề của chủ nghĩa dân tộc cường quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Việc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, hay trào lưu bài ngoại, chống nhập cư... trước tác động của toàn cầu hóa đều là những hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Đó là các hành vi của chủ nghĩa thực dụng, đề cao lợi ích quốc gia mang tính tư lợi, vị kỷ, hẹp hòi. Trong quan hệ quốc tế, một số nước chỉ tập trung vào việc đạt được quyền lợi cho quốc gia dân tộc mình mà sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, lảng tránh nghĩa vụ quốc tế và những vấn đề toàn cầu. Việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump tuyên bố rút khỏi một số tổ chức quốc tế và các hiệp ước quốc tế như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổ chức UNESCO, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Hiệp định Pari về chống biến đổi khí hậu... là những minh chứng cho vấn đề này. Trào lưu bài ngoại hiện đang diễn ra ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu và ở Anh cũng có lý do từ chủ nghĩa dân tộc.
Ba là, chủ nghĩa dân tộc được kích hoạt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị đã biến đổi, trong đó chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh ở nhiều lĩnh vực. Có thể xem xét biểu hiện của nó ở một số lĩnh vực cơ bản sau:
Về mặt kinh tế. Khoa học và công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là tất yếu khách quan, thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển, đồng thời, tạo cơ hội, điều kiện cho các quốc gia đang phát triển và kém phát triển có thể tranh thủ các nguồn đầu tư, viện trợ từ các nước phát triển, hay tận dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kỹ thuật số, công nghệ thông tin... để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, khắc phục dần sự lạc hậu, kém phát triển. Toàn cầu hóa cũng là yếu tố khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, tạo động lực phát huy ý chí vươn lên quyết tâm hội nhập và tranh thủ toàn cầu hóa để thoát nghèo của nhiều dân tộc. Nói cách khác, nó là động lực thôi thúc chủ nghĩa dân tộc chân chính, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, quyết tâm vươn lên tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức để thoát nghèo, hội nhập thành công và phát triển.
Bên cạnh mặt tích cực, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế có nhiều tác động tiêu cực, nó không phân chia lợi ích và cơ hội đồng đều cho các quốc gia, khu vực, cộng đồng người, dân tộc. Một số tộc người, nhóm dân cư, giới xã hội... bị tụt lại, hoặc bị gạt ra bên lề của quá trình này. Ở một số quốc gia, khi quyền lợi kinh tế bị đe dọa, phải cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn kinh tế, với các nhóm nhập cư hay từ các nước, họ có xu hướng chống lại toàn cầu hóa. Từ đó, nhiều quốc gia đã đưa ra những quyết định bảo hộ, trước hết là bảo hộ thương mại để bảo vệ lợi ích kinh tế của quốc gia - dân tộc mình. Chủ nghĩa dân tộc trong trường hợp này kiên quyết chống lại toàn cầu hóa khi lợi ích kinh tế của quốc gia dân tộc bị vi phạm, thậm chí, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của các quốc gia dân tộc khác.
Thực tiễn đời sống kinh tế thế giới trong bối cảnh mới hiện nay cho thấy, mọi chủ thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, bất kể đó là nước nghèo hay nước giàu, nước đang phát triển hay nước phát triển. Thí dụ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm ảnh hưởng tới sự suy thoái kinh tế của nước Anh, Đảng Dân tộc Anh (BNP) đã tuyên bố sẽ ban hành chính sách kinh tế dân tộc chủ nghĩa ở nước này nếu lên nắm quyền. Hay ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ, toàn cầu hóa đã khiến một số ngành kinh tế chuyển dịch sang các nước đang phát triển, trong khi ở chiều ngược lại, dòng người nhập cư cũng bị đe dọa về việc làm và lợi ích của các nước này. Vì vậy, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, bài nhập cư... đã trỗi dậy. Cuộc chiến thương mại quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc có lý do từ chủ nghĩa dân tộc kinh tế được đề cao.
Về mặt chính trị. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, an ninh của các quốc gia càng trở nên bất ổn, khó kiểm soát và dễ đổ vỡ hơn, đó cũng là mảnh đất tốt cho tư tưởng dân tộc dân túy, bài ngoại trỗi dậy. Toàn cầu hóa, hội nhập đã làm suy yếu vai trò của quốc gia dân tộc, thu hẹp quyền lực, phạm vi và hiệu quả tác động của các nhà nước - dân tộc; sự khủng hoảng của CNXH hiện thực mô hình Xô viết là yếu tố thúc đẩy sự tan rã của các nhà nước liên bang để hình thành các tiểu quốc gia độc lập gắn với một vài cộng đồng sắc tộc và tôn giáo (thí dụ, sự tan rã của Liên bang Xô viết, hay của Liên bang Nam Tư), hoặc hình thành những khu vực độc lập thay thế cho các nhà nước - dân tộc thống nhất theo mô hình cũ; hay những vấn đề xung đột vũ trang, khủng bố quốc tế, vấn đề hạt nhân khiến cho an ninh của các quốc gia ngày càng trở nên bất ổn, khó kiểm soát và dễ đổ vỡ, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các tư tưởng dân tộc cực đoan trỗi dậy.
Bên cạnh đó là xu hướng hình thành hệ thống quyền lực mới theo mô hình liên quốc gia (tiêu biểu là sự thành lập của khối EU)(2) để bảo vệ lợi ích của các quốc gia - dân tộc trong nội khối, cũng như để hợp tác cùng giải quyết những vấn đề chung mang tính toàn cầu, như: tài chính thế giới, môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bệnh dịch...
Về mặt văn hóa, xã hội. Như một quy luật tất yếu, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin, kết nối mạng và toàn cầu hóa kinh tế đã dẫn đến toàn cầu hóa văn hóa, khi đó, bản sắc văn hóa dân tộc bị tấn công mạnh mẽ và có nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất. Mặt khác, trong toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là do tác động của các cuộc xung đột, bạo lực quân sự, các cuộc khủng bố diễn ra khốc liệt ở nhiều quốc gia khu vực, thí dụ như ở khu vực các nước Ả rập, khu vực Trung Đông... khiến cho dòng người tị nạn, di cư mong tìm được những “miền đất hứa” gia tăng mạnh mẽ, gây ra những xáo trộn về thành phần dân tộc, tôn giáo, về lãnh thổ cư trú...
Ở nhiều quốc gia, trào lưu này khiến cho cư dân bản địa lo sợ khi lợi ích và cuộc sống của họ bị đe dọa, xáo trộn, từ đó, dẫn đến những va chạm, xung đột văn hóa, dân tộc, tôn giáo... Từ đây, chủ nghĩa dân tộc bài ngoại trỗi dậy ở nhiều quốc gia, khu vực, thậm chí, nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc trong khối Liên minh châu Âu buộc họ phải nhóm họp để tìm cách chia sẻ trách nhiệm trong việc giải quyết tình trạng này.
Một lo ngại rất lớn của các nước châu Âu, nhất là những nước Đông Âu khi tiếp nhận dòng người tị nạn - đó là bên cạnh những lợi ích kinh tế bị chia sẻ, thì những xung đột văn hóa cũng sẽ nảy sinh, vì phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một cộng đồng Hồi giáo quá lớn xâm nhập vào xã hội của họ. Hay phong trào Brexit ở Anh đã kêu gọi bảo vệ bản sắc dân tộc Anh truyền thống, chống lại dòng người nhập cư từ các nước, bao gồm cả từ các nước thuộc EU và phản đối chính sách phân bổ sai các lợi ích. Thậm chí, phong trào này còn tạo cảm hứng muốn ly khai ở nhiều vùng, quốc gia trên thế giới. Tờ New York Times cho biết, Brexit đã tạo cảm hứng cho những người ủng hộ Texas tách ra khỏi Mỹ(3). Từ đó cho thấy, dù là nước lớn hay nước nhỏ, trong chiến lược phát triển của mình đều ưu tiên lợi ích quốc gia - dân tộc, nghĩa là lợi ích của liên minh và khu vực luôn ở hàng thứ yếu. Đây cũng là xu thế nổi trội trong thế giới đương đại hiện nay.
2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trước tác động của chủ nghĩa dân tộc
Trong bối cảnh trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc hiện nay, Việt Nam không tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng. Để phát huy mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, cần quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng sau đây:
Một là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ Tổ quốc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược của cách mạng, là mạch nguồn mạnh mẽ khơi dậy sức mạnh của con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trong bối cảnh mới, Việt Nam cần tiếp tục khơi dậy ý thức dân tộc, chủ nghĩa dân tộc chân chính, biểu hiện tập trung ở tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để tạo động lực to lớn bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần thực hiện phương châm: Đảng lãnh đạo toàn diện; Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển; nhân dân các dân tộc làm chủ, đoàn kết, đồng thuận phấn đấu “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đảng lãnh đạo toàn diện nhằm bảo đảm kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH thông qua đường lối chính trị đúng đắn nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính của con người Việt Nam; mặt khác, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nội bộ đất nước cũng như những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bên ngoài làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với vai trò phục vụ, kiến tạo phát triển cần xây dựng cơ chế, hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp, khoa học, nhất là chính sách dân tộc đúng đắn nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để giải quyết tốt các vấn đề trong cộng đồng dân tộc và phục vụ nhân dân một cách hiệu quả nhất. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, quan tâm thiết thực đến cuộc sống của nhân dân, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển và mọi tầng lớp nhân dân đều được thụ hưởng công bằng những thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đến lượt mình, nhân dân các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, phục vụ của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, đoàn kết nhiệt thành, đồng thuận xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế(4).
Hiện nay, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế. Để đạt mục tiêu đó trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trên thế giới, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên tinh thần “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(5).
Quán triệt quan điểm này nhằm xây dựng đường lối, chiến lược phát triển phù hợp, kịp thời, trong đó, đặc biệt coi trọng đường lối đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy nội lực bên trong, kết hợp với các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt vì lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời ứng biến kịp thời, hiệu quả trước những chuyển biến mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, cũng như trước tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại... đang nổi lên mạnh mẽ, qua đó phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Với đặc thù của một quốc gia đa dân tộc, nên các thế lực thù địch, phản động bên trong và bên ngoài thường xuyên tìm mọi cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhằm kích động ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xuyên tạc chủ trương, đường lối của cách mạng Việt Nam. Chúng ráo riết lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, dân chủ với đủ mọi hình thức tinh vi xảo quyệt hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo.
Do vậy, phải luôn chủ động đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, cũng như các vấn đề khác để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN hoặc cố tình chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; đồng thời kiên quyết, kiên trì đấu tranh, trong đó có đấu tranh pháp lý để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông cũng như trên trường quốc tế, qua đó thúc đẩy hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc và thích ứng với chuyển biến của tình hình mới nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo thế và lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
_______________________________________________
(1) Xem: Những điểm nhấn trong Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, http://tapchiqptd.vn.
(2) Xem: GS, TS Đỗ Quang Hưng: Các dân tộc thiểu số và tôn giáo, trong sách: “Một số vấn đề mới trong quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay” do TS Phan Văn Hùng chủ biên, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.230-231.
(3) Brexit tạo cảm hứng cho phong trào Texit tách Texas khỏi Mỹ, https://congly.vn.
(4), (5) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.162, 161-162.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 13.3.2022
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
- Về phương pháp luận chuyên ngành Lịch sử Đảng
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
VỀ VIỆC GỬI VÀ ĐĂNG BÀI TRÊN TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ TRUYỀN THÔNG ĐIỆN TỬ
Ban Biên tập (BBT) Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia, nhà khoa học, CTV đã nhiệt tình đóng góp về nhiều phương diện để Tạp chí không ngừng phát triển. Hiện nay, Tạp chí xuất bản 05 sản phầm: Tạp chí in tiếng Việt thường kỳ (12 số/năm), Tạp chí in tiếng Việt – Chuyên đề (2 kỳ/năm), Tạp chí in tiếng Anh (2 kỳ/năm), Tạp chí điện tử tiếng Việt, Tạp chí điện tử tiếng Anh. Tất cả các sản phẩm đều đã được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN và được Hội đồng GSNN đưa vào danh mục tạp chí khoa học được tính điểm cho công trình, bài báo đăng trên tạp chí thuộc chuyên ngành Báo chí - Truyền thông, ngành Ngôn ngữ và Liên ngành Triết học – Xã hội học – Chính trị học. Do nhu cầu công bố bài báo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, học viên Cao học, NCS hiện nay là rất lớn nên ngoài các nhiệm vụ chính trị của Tạp chí được Ban Giám đốc (BGĐ) giao hàng năm, Thường trực Ban Biên tập đã báo cáo BGĐ Học viện cho phép áp dụng thực hiện cơ chế tác giả ký hợp đồng tự nguyện đóng góp kinh phí thẩm định, biên tập, xuất bản bài báo trên Tạp chí điện tử như đối với Tạp chí in số Chuyên đề. (Xin liên hệ trực tiếp đến bộ phận Tạp chí điện tử của Tòa soạn để biết thêm chi tiết).
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Tính nhân văn trong Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 được khởi nguồn từ mạch nguồn văn hóa dân tộc, từ căn nguyên ra đời, đến nội dung và hướng nhận thức, hành động của quần chúng nhân dân đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Từ đó, Đề cương là kết tinh tính nhân văn của Đảng trong thực hiện sứ mệnh lấy văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” để tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong từng bước đường lãnh đạo bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tính nhân văn lan tỏa, Đề cương đã, đang và sẽ vẫn là cơ sở, động lực quan trọng về cả lý luận và thực tiễn góp phần tích cực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước vững bền, cũng chính là góp phần không ngừng thúc đấy sự phát triển trường tồn của đất nước, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (kỳ 2)
Như trong Kỳ 1 (đăng trên Tạp chí LLCT&TT số tháng 2/2023), tác giả đã dẫn nhập: Thế giới đang bước những bước đi đầu tiên trong việc tiến tới một trật tự toàn cầu mới, điều sẽ định hình lại toàn bộ luật chơi toàn cầu đã được thiết lập trong hơn bảy thập kỷ qua. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới cho nền an ninh quốc gia, trong cách tiếp cận về an ninh và những hình thái mới của chiến tranh… Kỳ 1 đã giới thiệu về “Chiến tranh lai và đòi hỏi về một cách tiếp cận phức hợp cho an ninh quốc gia”. Kỳ 2, tác giả tiếp tục bàn về “Cách tiếp cận phức hợp về an ninh quốc gia và đề xuất khái niệm an ninh phi truyền thống mới”, với các phần nội dung chính: Bối cảnh mới về an ninh quốc gia do tác động của tiến trình chuyển đổi số đặt ra; Cách tiếp cận phức hợp về an ninh quốc gia và đề xuất một khái niệm an ninh phi truyền thống mới.
Bình luận