Một số kỹ năng làm chủ diễn đàn khi phát biểu trước công chúng
1. Kỹ năng kiểm soát sự hồi hộp ở giai đoạn bắt đầu xuất hiện
Những giây phút đầu tiên xuất hiện trước người nghe luôn là khoảng thời gian khó khăn với tất cả mọi người nói. Khó khăn bởi trạng thái tâm lý có tên gọi là sự hồi hộp khiến người nói lúng túng. Khó khăn của cái ban đầu và tác động của giai đoạn bắt đầu đến toàn bộ quá trình như thế nào có thể thấy rõ ở hai câu thành ngữ: “Đầu xuôi đuôi lọt”, “Vạn sự khởi đầu nan”. Do vậy, để bắt đầu buổi phát biểu trước công chúng như thế nào, làm gì để kiểm soát sự hồi hộp là những câu hỏi quan trọng.
Những người nói có kinh nghiệm thường không vội vàng bắt đầu bài nói ngay mà cần tạo ra sự chú ý ban đầu. Sau khi bước lên bục phát biểu, cần phải làm nhiệm vụ “tổ chức người nghe”, tập trung sự chú ý của họ, biến những cá nhân riêng lẻ trở thành một tập thể thống nhất, có sự hưởng ứng chung đối với bài nói. Thủ thuật tạo ra sự chú ý ban đầu ở người nghe là sự yên lặng trong khoảng 5 - 10 giây. Trong phút yên lặng ban đầu này, người nói cần giao tiếp bằng mắt với người nghe, nhìn vào mắt của những người có ánh nhìn thân thiện và gặp họ qua ánh mắt, chào họ bằng ánh mắt thiện cảm của mình. Đây cũng là cách mà người nói có thể nhận biết thái độ của người nghe để trên cơ sở đó quyết định lựa chọn phương pháp vào đề, phương pháp trình bày vấn đề.
Trong giai đoạn này, thường xảy ra một số tình huống như sau:
- Người nói hồi hộp: Hồi hộp là một trạng thái tâm lý biểu hiện của xúc cảm tự nhiên. Những người có kinh nghiệm phát biểu trước đông người lâu năm vẫn có biểu hiện này. Hồi hộp vừa có tác dụng tích cực vừa có tác dụng tiêu cực. Tích cực ở chỗ nó có thể giúp người nói hưng phấn hơn, giọng nói truyền cảm hơn. Nó chỉ tiêu cực khi cảm xúc này kéo dài và người nói không biết cách điều tiết. Hồi hộp có thể dẫn đến việc kìm hãm sự vận động của người nói, bị ức chế về tâm lý và do đó thường không có khả năng tư duy định hướng, lúng túng, không làm chủ được lời nói. Biểu hiện của sự hồi hộp thường là: dễ xúc động, tay chân run, khô môi, tái nhạt mặt hoặc đỏ mặt, thở nhanh, động tác thừa lặp đi lặp lại với tần suất cao...
Sự hồi hộp khi nói có các nguyên nhân sau: Một là, thiếu tự tin vào khả năng của mình; Hai là, thiếu kinh nghiệm, chưa từng trải trong thực tiễn phát biểu; Ba là, do đặc trưng tâm lý của một số người (những người hay bị hồi hộp khi nói trước đông người thường là những người dễ xúc cảm); Bốn là, chưa chuẩn bị kỹ, đặc biệt là chưa làm chủ được dàn ý bài nói.
Để xử lý trạng thái hồi hộp, có thể thực hiện một vài biện pháp sau:
Thứ nhất, thở sâu vài ba lần. Thở theo nhịp: hít vào đếm từ 1 đến 4, ngưng lại đếm từ 1 đến 7, thở ra đếm từ 1 đến 8. Hít vào phình bụng ra, thở ra hóp bụng lại. Ngưng lại (giữ hơi thở) giúp giảm áp lực lên tim, mạch khiến người nói giảm hồi hộp.
Thứ hai, làm dịu về thể chất bằng cách tiến hành một việc gì đó: đặt chai nước và cốc nước mà ban tổ chức chuẩn bị sẵn từ phải sang trái, điều chỉnh micro, tắt/ bật quạt, đóng/ mở rèm cửa, di chuyển vị trí một chiếc ghế, một lọ hoa đặt trên bàn, mở cửa sổ hay cửa ra vào...
Thứ ba, đưa mắt tìm kiếm những nét mặt quen thuộc, có thiện cảm với mình và dừng lại ở đó một lúc. Làm thế nào để có được những ánh mắt thiện cảm như vậy? Người nói nên đến sớm, bắt chuyện với một vài người nghe đầu giờ. Những người này sẽ là người ủng hộ người nói, dành cho người nói ánh nhìn thân thiện. Đây cũng là giải pháp cứu nguy cho những người nói còn ít số giờ đứng bục trong bộ sưu tập nghề nghiệp của mình.
Tác giả Nguyễn Hiến Lê(1) cho rằng khi hồi hộp, có thể nói thẳng với thính giả là mình bị hồi hộp. Tuy nhiên, cách tốt nhất để khắc phục là chuẩn bị tốt nội dung bài nói, luyện tập cẩn thận.
- Người nghe ồn ào, không tập trung chú ý. Trong trường hợp này, cách khắc phục tốt nhất là nói to và rõ ràng khi bắt đầu phát biểu. Cách khắc phục này dựa trên quy luật tâm sinh lý: Con người chỉ tiếp thu những tác nhân kích thích âm thanh nào trội hơn, có khả năng tương phản với các kích thích âm thanh khác.
2. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ
Trong quá trình phát biểu trước công chúng, người nói tác động đến người nghe chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ, gồm 3 yếu tố: ngôn từ, cận ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ.
Ngôn từ phải chính xác, truyền cảm, logic, mang dấu ấn cá nhân. Người nói cần khai thác triệt để thế mạnh của cận ngôn ngữ, nhất là sự ngừng giọng, giữ vững sự giao lưu bằng ánh mắt với người nghe. Có thể quan sát vị trí người nghe theo trật tự chữ cái M, W, Z, nửa trái, nửa phải, nửa trên, nửa dưới; chú ý hơn đến những người ngồi ở “góc chết” của hội trường.
Nét mặt của người nói thể hiện mức độ biểu cảm tuỳ thuộc nội dung bài nói, chỉ sử dụng nụ cười mỉm khi cần thiết, tuyệt đối không cười thành tiếng vào micro. Tay đưa lên, đưa xuống linh hoạt, làm những động tác phụ hoạ cho ngôn từ, tránh đút tay túi quần, khoanh tay trước ngực, xoay micro liên tục... Quần áo phải sạch sẽ, trang nhã, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nội dung buổi phát biểu trước công chúng. Giầy chải sạch, tất cùng màu với giầy; không đeo chùm chìa khoá ở đỉa quần; mang theo các phụ kiện cần thiết. Vị trí đứng, khoảng cách giao tiếp, địa điểm phát biểu phải được định trước nên người nói nên đến sớm, quan sát hội trường để các khâu chuẩn bị được chu đáo.
Các yếu tố trên đây tác động lên thị giác và thính giác của người nghe, có tác dụng nâng cao hiệu quả tri giác thông tin của họ. Chúng còn được kết hợp phù hợp với tính chất nội dung thông tin và với các yếu tố ngôn từ để nâng cao chất lượng bài phát biểu trước công chúng. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ đã cung cấp con số đáng bất ngờ như sau: hiệu quả của ngôn từ trong giao tiếp chỉ chiếm 7%, cận ngôn ngữ là 38 % và ngoại ngôn ngữ là 55%(2) Người nói cần biết và thực hành các loại phương tiện ngôn ngữ nói trên để tối ưu hoá tác động của chúng đến người nghe.
3. Kỹ năng tạo lập sự chú ý của người nghe
Chú ý là sự tập trung cao độ của ý thức vào một hoặc một số đối tượng nào đó trong một khoảng thời giác nhất định để phản ánh, nhận thức chúng một cách rõ ràng nhất. Người nghe chăm chú tiếp thu bài phát biểu trước công chúng có thể do bài nói có nội dung mới, thiết thực, mang tính thời sự, được trình bày theo logic, ngôn ngữ chính xác, phổ thông và có tính biểu cảm. Tuy nhiên, người nói cũng cần nắm được đặc điểm của sự chú ý như mức độ tập trung, sự phân phối, tính bền vững, phân tán, tính di chuyển để điều khiển sự chú ý của người nghe trong quá trình nói.
Dưới đây là một vài gợi ý về cách tạo sự chú ý ở người nghe:
- Sử dụng ít nhất các yếu tố luân phiên lượt lời, quán ngữ như: ờ, à, thì, là, mà, của đáng tội là, coi như là, thú thực là, kính thưa các đồng chí,… Những từ và cụm từ này không có lõi thông tin, làm mất thời gian, nên dùng chúng ít nhất có thể;
- Thay đổi ngữ điệu lời nói để không tạo ra cảm giác đều đều, nhàm chán trong quá trình cung cấp thông tin;
- Sử dụng yếu tố bất ngờ, cách trình bày độc đáo;
- Vấn đề trừu tượng cần được mổ xẻ, làm cho dễ hiểu bằng cách đưa các ví dụ cụ thể “mắt thấy, tai nghe”; trình bày sự kiện xen kẽ các khái niệm, phạm trù, quy luật;
- Biến số liệu thành những con số biết nói. Với số liệu có thể làm tròn số theo hướng tăng lên hay giảm xuống tuỳ vào ý đồ của người phát biểu; so sánh số liệu này với số liệu khác; tạo dựng hình ảnh từ con số;
- Thoát ly đề cương, nói ngẫu hứng. Phát biểu trước công chúng đòi hỏi tính chính xác cao độ về nội dung nên người nói cần nhìn vào văn bản đọc chẳng hạn như đọc quan điểm, mục tiêu trong nghị quyết nhưng phải thoát ly khỏi đề cương khi phân tích, giải thích các quan điểm ấy. Đôi khi người phát biểu đưa vào bài nói vài chi tiết chợt đến trong đầu mà không có trong đề cương. Chảng hạn 1 câu hát, câu thành ngữ tục ngữ, 1 câu chuyện/tình huống vừa gặp. Sự ngẫu hứng này tạo ra cảm giác thích thú cho chính người phát biểu.
- Tận dụng từ láy, ẩn dụ, thành ngữ, tục ngữ, trích dẫn thơ, nhạc,… trong những tình huống phù hợp.
4. Kỹ năng tái lập sự chú ý của người nghe
Trong quá trình phát biểu trước công chúng, sự chú ý của người nghe bị suy giảm do nhiều yếu tố. Trong trường hợp này, người nói phải biết nắm bắt thái độ của người nghe qua giao tiếp bằng ánh mắt và chủ động tìm cách khắc phục. Dưới đây là hai đường đồ thị biểu diễn sự chú ý của người nghe:
Đường số 1 cho thấy người nói đã tạo ra được sự chú ý vào đầu và cuối buổi nhưng không duy trì được chúng trong phần lớn thời gian phát biểu, thuyết giảng. Đường số 2 chứng tỏ người nói là người có kỹ năng “giữ chân” người nghe, tái lập được sự chú ý của người nghe ngay khi phát hiện ra họ có biểu hiện sao nhãng. Xin gợi ý một vài thủ thuật người nói có thể dùng để tái lập sự chú ý của người nghe như ở đường đồ thị số 2:
- Nếu thấy người nghe nói chuyện riêng, người nói nên rời bục giảng tiến gần về phía họ. Không dừng lại ở đó, cần đặt 1 câu hỏi để họ trả lời hoặc để họ suy nghĩ về câu hỏi. Nếu làm như vậy nghĩa là người nói đang sử dụng thủ thuật thay đổi trạng thái giao tiếp, chuyển từ độc thoại sang đối thoại;
- Nói to lên hoặc nhỏ lại, thậm chí là im bặt;
- Sử dụng các phương tiện trực quan sinh động như sơ đồ, bản đồ, biểu bảng, video clip, vật dụng...
- Sử dụng biện pháp gây cười như: dùng giọng nói, nét mặt hài hước, chơi chữ, nói lái, nói thiếu, nói tước bỏ ngữ cảnh, kể một câu chuyện cười phù hợp để giảm bớt sự căng thẳng, khôi phục sự chú ý.
Trên đây là 4 kỹ năng giúp người phát biểu làm chủ diễn đàn khi xuất hiện trước công chúng. Kiểm soát sự hồi hộp khi bắt đầu xuất hiện; sử dụng ngôn ngữ; tạo lập sự chú ý của người nghe; tái lập sự chú ý của người nghe là những kỹ năng quan yếu mà mỗi người phát biểu phải biết và vận dụng nhuần nhuyễn khi cầm micro để truyền tải thông điệp đến công chúng./.
______________________________
(1) Nguyễn Hiến Lê (1993), Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp.
(2) Nguyễn Quang (2007), “Giao tiếp phi ngôn từ”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 23, tr 76 - 83.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lương Khắc Hiếu (2005), Giáo trình Nghệ thuật phát biểu miệng, Nxb chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Vũ Hoài Phương (2021), “Kỹ năng giới thiệu Nghi quyết Đảng”, Tạp chí Tuyên giáo số 9, Hà Nội.
5. Trần Ngọc Thêm (1985), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận