Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
1. Thời cơ và thuận lợi
1.1. Cơ hội việc làm tại các cơ quan báo chí tiếp tục được đảm bảo
Những năm qua, trong bối cảnh chuyển đổi số, hệ thống báo chí không ngừng đổi mới, cập nhật quy trình sản xuất, nhằm cải thiện chất lượng tác phẩm. Các hình thức thể hiện tác phẩm hình ảnh và cả các dạng thức mới của Báo ảnh đã được một số cơ quan báo chí thử nghiệm và áp dụng. Tạp chí điện tử Zing News đã triển khai chuyên mục Lens (Ống kính) - thể loại phóng sự ảnh tập trung ở các đề tài thời sự, chân dung nhân vật với số lượng ảnh rất lớn, có thể lên đến 40 ảnh mỗi phóng sự. Tương tự như vậy, báo điện tử Dantri cũng có chuyên mục Photo Story (Câu chuyện Ảnh) chú trọng đăng tải các bức ảnh có kích thước lớn, tạo ấn tượng với độc giả. Báo điện tử Vietnamplus tổ chức chuyên mục Tin Ảnh, đưa vào đó những bộ ảnh chính trị thời sự.
Các sự kiện chính trị với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không chỉ được công bố với một, hai bức ảnh như trước kia mà được cập nhật bằng 6 đến 10 bức ảnh sinh động với các góc chụp ở các thời điểm khác nhau. Xu thế sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân độc giả. Ban biên tập của nhiều tờ báo cũng xác định rõ Báo ảnh và phóng viên ảnh là yếu tố quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh hiện nay. Chính vì vậy, nhu cầu cho các tác phẩm Báo ảnh có chất lượng, có chiều sâu tiếp tục tăng mạnh. Cơ hội nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí cho các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đảm bảo. Thậm chí, nhiều sinh viên thường xuyên cộng tác với các tờ báo lớn ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
1.2. Xuất hiện cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp
Không chỉ cơ hội việc làm tại các tòa soạn được đảm bảo mà hiện nay, cơ hội việc làm tại khối doanh nghiệp đã xuất hiện và bắt đầu phát triển. Sau 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020, là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 quốc gia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Cùng với đó, 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Những thành tựu này đã mang đến một nền kinh tế thị trường năng động với hơn 683.000 doanh nghiệp vào đầu năm 2020. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh khiến mức độ canh tranh cũng tăng theo; nhu cầu phát triển đội ngũ truyền thông doanh nghiệp cũng trở nên cấp bách, đặc biệt đối với lĩnh vực truyền thông hình ảnh. Các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Báo ảnh có thêm những cơ hội việc làm mới từ số lượng lớn các doanh nghiệp. Từ năm 2017, nhiều sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Báo ảnh đã trở thành các chuyên gia/chuyên viên truyền thông, chịu trách nhiệm tư vấn, tổ chức sản xuất hình ảnh cho các doanh nghiệp với mức thu nhập tương đối cao, trong đó có các ngân hàng, công ty viễn thông, công ty bất động sản, du lịch …
1.3. Nhiếp ảnh trở thành kỹ năng của thời đại
Trong bối cảnh xã hội thông tin, nhiếp ảnh đang không ngừng đi sâu vào đời sống xã hội. Sự phát triển của mạng xã hội cùng với xu hướng ưu tiên cho hình ảnh làm tăng nhu cầu sản xuất và sử dụng hình ảnh từ chính người dùng. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thiết bị tác nghiệp hình ảnh ngày càng có chi phí thấp hơn, dễ dàng tiếp cận đến với đông đảo người dân. Chiếc điện thoại thông minh đã trở thành chiếc máy ảnh thông dụng nhất, và mạng xã hội là nơi truyền tải các bức ảnh nhanh nhất.
Theo số liệu của Photurial, trong năm 2022, 4.7 tỷ bức ảnh được tạo ra mỗi ngày; trung bình mỗi người có 2.100 bức ảnh trong điện thoại; mỗi ngày có 6,9 tỷ bức ảnh được chia sẻ trên phần mềm WhatsApp và 1,3 tỷ bức ảnh được tải trên Instagram. Nhiếp ảnh trở nên gần gũi hơn với giới trẻ; biết chụp ảnh dần trở thành một trong những kỹ năng cần có của thế hệ ngày nay. Nhu cầu được học tập, nghiên cứu về nhiếp ảnh nói chung, Báo ảnh nói riêng một cách chính quy, chuyên nghiệp của các bạn trẻ ngày càng phát triển rộng rãi. Những năm qua, số lượng sinh viên ứng tuyển vào chuyên ngành Báo ảnh tiếp tục tăng cao.
1.4. Bề dày lịch sử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền với bề dày lịch sử 60 năm là cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành Báo ảnh đầu tiên của Việt Nam. Hệ thống giáo trình, tài liệu tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện, đóng góp vào hệ thống tri thức cho chuyên ngành Báo ảnh, vốn còn nhiều khoảng trống học thuật tại đất nước ta. Những cuốn sách giáo trình như Lịch sử Báo ảnh, Ảnh tin, Phóng sự Ảnh, Kỹ thuật tạo hình Nhiếp ảnh … đã được xuất bản, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn yêu thích nhiếp ảnh trên cả nước.
Đội ngũ giảng viên chuyên ngành Báo ảnh không ngừng trau dồi trình độ lý luận cũng như thực tiễn. Toàn bộ các giảng viên cơ hữu của chuyên ngành đều là tiến sĩ và nghiên cứu sinh. Song song với việc nghiên cứu lý luận, một số giảng viên vẫn tiếp tục tác nghiệp thực tiễn, giành những giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, góp phần đem lại danh tiếng cho chuyên ngành và làm phong phú thêm chất lượng bài giảng. Từ đó, rất nhiều phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia thành danh đã trưởng thành từ mái trường này, góp phần vào việc nâng cao vị thế, thương hiệu cho chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Như vậy, có thể thấy, chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nhiều thuận lợi trong thời cơ mới.
2. Thách thức và khó khăn
2.1. Mức độ cạnh tranh tăng cao
Trong thời gian tới, chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể sẽ đối mặt với sự cạnh tranh từ các cơ sở đào tạo khác. Đối với các cơ sở đào tạo chính quy hệ cử nhân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sân khấu Điện ảnh, Đại học Thăng Long cũng đang cung cấp cho thị trường lao động những phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia chất lượng.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn xuất hiện nhiều các trung tâm đào tạo, dạy nghề nhiếp ảnh thu hút đông đảo học viên. Những trường đại học, cơ sở đào tạo này không ngừng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thu hút người học bằng cách đầu tư vào cơ sở vật chất và liên tục mời các nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh có tiếng tăm tham gia giảng dạy. Các giảng viên thỉnh giảng này có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và có danh tiếng, dễ dàng thu hút được số lượng lớn người học. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo trên thị trường có thể linh hoạt điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, học phí, thù lao cho giảng viên nên có thể nhanh chóng mở các lớp theo nhu cầu của xã hội.
2.2. Cái nhìn bi quan về nghề phóng viên ảnh
Quan niệm của xã hội đối với nghề nhiếp ảnh ảnh vẫn còn sự e dè, ngại ngùng khi cho rằng công việc liên quan đến nhiếp ảnh rất vất vả, thậm chí nguy hiểm, thu nhập không cao, khó có cơ hội thăng tiến, cuộc sống không ổn định. Thực tế đã có những trường hợp xả thân vì yêu nghề, để lại sự cảm phục và lòng tiếc thương vô bờ bến. Những tấm gương này tạo động lực cho nhiều sinh viên nhưng cũng cản trở nhiều bạn trẻ muốn đến với nghề. Một số gia đình lo ngại đến sự an toàn của con em khi đi theo nghiệp Báo ảnh. Dù rằng, nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần là chụp ảnh, nhiếp ảnh còn là bộ môn khoa học, nghệ thuật với rất nhiều vị trí công việc khác nhau. Nhiếp ảnh giúp cho người học có thêm những góc nhìn về cuộc sống, dạy cho người học kiến thức tổng hợp với bộ kỹ năng đa dạng để phát triển bản thân. Tuy nhiên, quan niệm nêu trên của xã hội về nhiếp ảnh không thể thay đổi nhanh chóng.
2.3. Những khó khăn về dạy và học của chuyên ngành
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở vật chất dành cho Báo ảnh chưa thật sự tối ưu, chưa xứng đáng với vị thế và tầm vóc của Học viện dù đã được các thế hệ lãnh đạo rất quan tâm đầu tư trang bị. Nhiếp ảnh gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của khoa học công nghệ, tạo ra sức ép phải liên tục nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công việc và của thị trường.
Một số lượng không nhỏ các sinh viên Báo ảnh không có đam mê, không yêu nghề, chọn chuyên ngành này vì không đỗ các chuyên ngành khác, dẫn đến hiện tượng thiếu chuyên cần, thiếu khả năng tự học, tự nghiên cứu, làm bài với thái độ đối phó. Bên cạnh đó, có những sinh viên thích thú với chuyên ngành nhưng phải đến năm thứ ba mới được học các môn chuyên ngành, làm giảm hứng thú. Vấn đề này tạo ra khó khăn cho đội ngũ giảng viên và các sinh viên yêu nghề, ham học.
3. Khuyến nghị
Để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân chuyên ngành Báo ảnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần tận dụng thời cơ, phát huy thuận lợi, đồng thời vượt qua thách thức, từng bước giải quyết những khó khăn. Sau đây là những khuyến nghị cho 5 - 10 năm tới:
3.1. Đối với trang thiết bị
Sự tiến bộ của nhiếp ảnh nói chung, nhiếp Báo ảnh nói riêng gắn bó mật thiết sự phát triển của khoa học công nghệ. Trên thế giới, các trường đại học uy tín luôn đi đầu về công nghệ ứng dụng, là nơi khởi nguồn những xu hướng mới trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Chu kỳ vòng đời của công nghệ ngày càng được rút ngắn. Cơ sở đào tạo phải cập nhật, nâng cấp trang thiết bị thường xuyên và chính xác để đảm bảo sinh viên có thể được tiếp cận những trang thiết bị tân tiến. Đồng thời, trang thiết bị còn là yếu tố tố mang tính lợi thế cạnh tranh trong việc quảng bá thương hiệu cho cơ sở đào tạo và thu hút sinh viên.
+ Máy chiếu: do đặc thù của chuyên ngành, máy chiếu cần phải đảm bảo chính xác về màu sắc, độ tương phản, cường độ sáng và ở vị trí chính tâm trên bục giảng.
+ Máy ảnh, ống kính: phóng viên ảnh chủ yếu sử dụng các máy ảnh chụp được nhiều hình trong một giây, có kích thước lớn, độ bền cao, khả năng khử nhiễu tốt. Do đó, các máy ảnh nên được lựa chọn là dòng máy chuyên nghiệp của Canon (1Dx) hoặc Nikon (D4,D5,D6). Các ống kính có độ mở lớn như 16-35mm f2.8, 24-70mm f2.8 và 70-200mm f2.8 là lựa chọn phổ biến của các phóng viên, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Các máy ảnh và ống kính này có tính năng phù hợp cho công việc Báo ảnh, có độ bền, tuổi thọ cao nên có thể sử dụng lâu dài.
+ Studio: kích thước của studio cần được đảm bảo đúng với tiêu chuẩn, chiều rộng tối thiểu 5m, chiều dài tối thiểu 10m để sát với thực tiễn công việc. Studio không chỉ được sử dụng vào công tác giảng dạy, thực hành mà còn sử dụng để tác nghiệp cho các ấn phẩm phục vụ công tác truyền thông của Học viện.
3.2. Đối với đội ngũ giảng viên
Giảng viên có vai trò quan trọng trong việc vận hành và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đó là định hướng kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, gợi mở tri thức và đặc biệt là truyền thụ lý tưởng nghề nghiệp, cảm hứng sáng tạo cho sinh viên. Chương trình đào tạo có thành công hay không, phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ giảng viên.
+ Giáo trình, tài liệu: tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hệ thống học liệu, đồng thời, nghiên cứu, khảo sát, cập nhật thực trạng, dự báo xu hướng, đề xuất những quy trình sản xuất, dạng thức tác phẩm mới. Ngoài ra, giảng viên cần phát triển đồng thời hai lĩnh vực: lý luận và thực tiễn để làm phong phú, sinh động hệ thống học liệu và bài giảng.
+ Giảng dạy: tiếp cận thường xuyên với các sinh viên từ những năm đầu tiên để định hướng, tạo cảm hứng nghề nghiệp. Ngoài ra, giảng viên nên đồng hành cùng những sinh viên mới ra trường để kết nối sinh viên với những mối quan hệ mới, tư vấn cho sinh viên về chuyên môn cũng như kỹ năng ứng xử tại môi trường làm việc.
3.3. Hệ thống các môn học chuyên ngành bắt buộc
Hệ thống các môn học chuyên ngành bắt buộc có sự khác nhau giữa các cơ sở đào tạo trên thế giới, phụ thuộc vào hệ thống chính trị ở mỗi nước, quan điểm, định hướng và nguồn lực của mỗi cơ sở đào tạo. Dưới đây là danh sách các môn chuyên ngành bắt buộc của một số trường đại học uy tín trên thế giới, những nơi đào tạo ra các phóng viên, nhiếp ảnh gia đoạt giải cao trong các cuộc thi Báo ảnh uy tín:
Dù có sự khác biệt về danh sách các môn học giữa các cơ sở đào tạo chuyên ngành Báo ảnh nhưng vẫn tồn tại sự tương đồng tại một số môn học, như: Lý thuyết Truyền thông hình ảnh, Ảnh tin, Phóng sự Ảnh, Biên tập Ảnh. Để trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên Báo ảnh làm việc tại các vị trí công việc phóng viên ảnh, nhiếp ảnh gia thương mại, nghệ sĩ Nhiếp ảnh, biên tập viên, nhà nghiên cứu - lý luận nhiếp ảnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần tổ chức hai nhóm môn học: nhóm các môn lý luận và nhóm các môn tác nghiệp.
* Nhóm các môn Lý luận nhiếp ảnh và Báo ảnh:
Lý thuyết truyền thông hình ảnh: Nghiên cứu về nguyên lý thị giác và các phương pháp sử dụng các yếu tố trực quan để truyền tải thông tin, ý tưởng
Lịch sử Báo ảnh: Nghiên cứu về quá trình hình thành nhiếp ảnh và Báo ảnh, sự phát triển của Báo ảnh qua từng thời kỳ và dự báo các xu hướng
Nhiếp ảnh nghệ thuật: Nghiên cứu về nhiếp ảnh dưới góc độ công cụ truyền tải ý tưởng, thông điệp, cảm xúc, các nghệ sĩ có ảnh hưởng và các phong cách sáng tạo tác phẩm
Nhiếp ảnh thương mại: Nghiên cứu về nhiếp ảnh dưới góc độ một loại hình truyền thông trong hoạt động kinh doanh, thương mại và dịch vụ
* Nhóm các môn tác nghiệp Báo ảnh:
Kỹ thuật nhiếp ảnh: Hướng dẫn kỹ năng sử dụng các thiết bị tác nghiệp bao gồm máy ảnh, ống kính, đèn và các phụ kiện
Ảnh tin: Nghiên cứu các vấn đề lý luận của ảnh tin, quy trình và kỹ năng sáng tạo ảnh tin
Phóng sự ảnh: Nghiên cứu các vấn đề lý luận của ảnh tin, quy trình và kỹ năng sáng tạo phóng sự ảnh
Tổ chức ảnh: Hướng dẫn quy trình, kỹ năng xây dựng ý tưởng, tổ chức thực hiện sản xuất ảnh trên các sản phẩm truyền thông
Biên tập ảnh: Hướng dẫn quy trình, công nghệ và kỹ năng quản lý ảnh, chỉnh sửa tổng thể và chi tiết ảnh
4. Kết luận
Nhằm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình cử nhân Báo ảnh cần được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tương xứng với đòi hỏi của thực tiễn tác nghiệp. Đồng thời, hệ thống giáo trình, tài liệu cần liên tục đổi mới, cập nhật. Đội ngũ giảng viên đồng hành với sinh viên trong quá trình đào tạo cũng như khi sinh viên mới ra trường để hướng dẫn, động viên các em. Ngoài ra, các môn học cần được cập nhật theo hệ thống lý luận và thực tiễn để thiết lập được ba hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên: phóng viên ảnh báo, nhiếp ảnh gia và nhà nghiên cứu lý luận nhiếp ảnh./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 12/2022
Bài liên quan
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
- Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
- Những yêu cầu về kĩ năng biên tập ngôn ngữ sách lý luận chính trị đáp ứng mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
- Kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện xã hội hóa giáo dục. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn có thêm nguồn lực của các chủ thể khác đầu tư cho giáo dục. Người học có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn mô hình trường dân lập, tư thục, chương trình quốc tế, chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài… Tuy nhiên, thực hiện xã hội hóa không có nghĩa là thương mại hóa mà phải có sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Bài viết này đề cập quan niệm về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam; Vụ việc Trường quốc tế Mỹ Việt Nam và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các cơ quan chức năng.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo cử nhân chuyên ngành Báo ảnh lâu đời nhất tại Việt Nam, cung cấp cho hệ thống chính trị nhiều phóng viên ảnh có lý tưởng, chuyên môn cao, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Bước vào thời kỳ xã hội thông tin và chuyển đổi số, chuyên ngành Báo ảnh gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Bài báo đặt ra một số vấn đề với chuyên ngành Báo ảnh và đưa ra một số khuyến nghị nhằm vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Trong giáo dục đại học, phong cách, tác phong của giảng viên có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tu dưỡng, rèn luyện, hình thành nhân cách của sinh viên và chất lượng hiệu quả giáo dục, đào tạo của nhà trường. Vì vậy, tăng cường rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bài viết đánh giá khái quát sự cần thiết, từ đó đề xuất một số yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong giảng viên đại học hiện nay.
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
Vai trò của podcast quảng cáo đối với doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay
(LLCT&TTĐT) Sau một khoảng thời gian biến động do đại dịch Covid-19 mang lại, nhu cầu sử dụng và tạo ra các nội dung kỹ thuật số đã tăng vọt từ năm 2021. Người xem cũng như người sáng tạo nội dung đã và đang có sự dịch chuyển sang các nền tảng podcast để được kết nối và tạo ra những cảm xúc tích cực hơn thông qua các chương trình phát trên podcast. Chính vì vậy, các thương hiệu đang bắt đầu đưa podcast vào chiến lược và ngân sách quảng cáo. Podcast đang cho thấy sự đa dạng hơn về cả đối tượng và nội dung chương trình. Theo báo cáo của Market.us(1), thị trường quảng cáo podcast toàn cầu được dự đoán sẽ đạt mức định giá 12,5 tỷ USD vào năm 2023, điều này cho thấy podcast quảng cáo đã và đang đem lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.
Bình luận