Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam thông qua công tác kiểm tra của Đảng
1. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của Đảng
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội và lịch sử đặc thù, nó tồn tại ở mọi chế độ xã hội hiện nay, trong đó có Việt Nam và được dư luận xã hội rất quan tâm. Tham nhũng thường gắn với quyền lực, nhất là quyền lực nhà nước. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng và xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh là một nhiệm vụ cấp bách để Việt Nam có thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Để phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần phát huy hiệu quả vai trò công tác kiểm tra của Đảng. Cùng với các phương thức khác, công tác kiểm tra, có một vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, góp phần đẩy lùi tham nhũng, xây dựng một nền hành chính nhà nước hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Cần tiếp tục coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Với quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam nói riêng thông qua công tác kiểm tra đã đạt được những kết quả tích cực.
Thứ nhất, các quy định, hướng dẫn về thực hiện công tác kiểm tra của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện.
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng, cũng như đưa ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của công tác kiểm tra của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 3 khoá X, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp đó tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Đảng ta ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;…
Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta nêu lên ba giải pháp đột phá, trong đó giải pháp thứ ba được đưa ra nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”(1)… qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp tiến hành công tác kiểm tra nhằm phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Thứ hai, những kết quả đạt được trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm tra đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở các cơ quan hành chính nhà nước.
Có thể nhận thấy rằng, tổ chức đảng, cấp uỷ, UBKT các cấp, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền đã nhận thức rõ tác hại của tham nhũng và tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ngay sau các kỳ Đại hội Đảng, nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được tổ chức đảng, cấp uỷ, ủy bản kiểm tra cấp uỷ các cấp ban hành sát hợp với tình hình thực tiễn và được tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, có hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp.
Theo “Báo cáo tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII”, trong giời gian qua công tác kiểm tra của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên vi phạm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh của Đảng. Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cũng trong nhiệm kỳ này, cấp ủy, UBKT các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 03 lần so với nhiệm kỳ trước(2).
Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước thông qua công tác kiểm tra của Đảng thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những con số thống kê đã nói lên quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, tổ chức bộ máy UBKT, cơ quan UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp thường xuyên được củng cố, tăng cường.
Việc kiện toàn bộ máy UBKT, cơ quan UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra đã được tổ chức đảng, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Trong những năm qua các cấp uỷ, tổ chức đảng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế của UBKT, cơ quan UBKT để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các thành viên. Đã chú trọng tuyển dụng nguồn cán bộ kiểm tra từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc ở các trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước đưa đi rèn luyện thực tiễn tại địa phương, cơ sở trước khi bổ sung cán bộ cho cơ quan UBKT. Công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra và ngược lại cũng được các cấp uỷ chú trọng.
Bốn là, sự tham gia tích cực của người dân đã góp phần phát huy vai trò và thúc đẩy hoạt động kiểm tra của Đảng trong phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan hành chính nhà nước.
Sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nguồn sức mạnh to lớn. Thời gian qua, thông qua việc phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực của người dân đã góp phần tăng cường công tác kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiều án tham nhũng, trong đó có những án tham nhũng nghiêm trọng đã được làm sáng tỏ sau khi nhận được tố cáo, phán ánh của người dân. Nhiều ý kiến đề xuất đóng góp của người dân, dư luận xã hội về cải cách tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định, thể chế về phòng, chống tham nhũng đã được các cấp uỷ, tổ chức đảng, UBKT các cấp tiếp thu, vận dụng vào thực tiễn và mang lại kết quả khả quan.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước thông qua công tác kiểm tra của Đảng thời gian qua cũng gặp những hạn chế nhất định:
Một là, nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng trong cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế, chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng, còn coi đó trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, điều tra; công tác phối hợp với đoàn kiểm tra khi tiến hành hoạt động kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa phát huy tinh thần tự giác; trong đấu tranh với hành vi tham nhũng, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là khi có liên quan đến người đầu đầu, cấp uỷ viên các cấp, thậm chí còn có hiện tượng bao che cho cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng.
Hai là, quy định về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp uỷ, UBKT các cấp trong phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng còn thiếu, chưa cụ thể. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp uỷ, UBKT cấp uỷ các cấp với cơ quan thanh tra, điều tra, Toàn án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, còn thiếu đồng bộ. Điều này, dẫn đến nhiều khó khăn cho hoạt động kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc tiến hành hoạt động kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng có liên quan đến những cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cơ quan hành chính thuộc diện cấp uỷ, ban thường cấp uỷ quản lý.
Ba là, trình độ của đội ngũ cán bộ kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập, trong khi tham nhũng lại đang diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn. Trong thực tế, có nhiều án tham nhũng xảy ra, có vụ việc nghiêm trọng, nhưng trong một thời gian dài tổ chức đảng không phát hiện, thậm chí qua quá trình kiểm tra cũng không phát hiện ra, chỉ đến khi có đơn tố giác, sự lên tiếng của dư luận xã hội những hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính nhà nước mới lại được làm sáng tỏ. Điều đó có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Bốn là, việc xử lý kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và đối với cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng nói riêng còn những hạn chế: xử lý hoặc xử lý không đúng mức gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; còn có hiện tượng nể nang, né tránh trong đấu tranh với hành vi tham nhũng; việc phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu tồn tại qua nhiều năm qua; trong xem xét, xử lý kỷ luật, một số cấp uỷ, UBKT chưa làm tốt công tác thẩm tra, xác minh, chưa đánh giá đúng nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm dẫn đến xử lý kỷ luật chưa thật sự chính xác.
Những yếu kém, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong các cơ quan hành hành chính nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của tham nhũng, vai trò, tầm quan trọng công tác kiểm tra của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, dẫn đến quyết tâm chính trị chưa cao, chưa dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cần thiết cho công tác này. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng trong các cơ quan hành chính chưa phát huy tính tiên phong gương mẫu, chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, thậm chí có hiện tượng buông lỏng, xem nhẹ dẫn đến chưa phát huy được tác dụng, ý nghĩa của công tác kiểm tra đối với phòng, chống tham nhũng ở trong thực tiễn.
Thứ hai, các quy định, hướng dẫn thực hiện kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng ở các cơ quan hành chính nhà nước tuy ngày càng hoàn thiện nhưng còn thiếu những quy định cụ thể làm căn cứ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai một cách có hiệu quả trong thực tế. Thẩm quyền, trách nhiệm của cấp uỷ, UBKT cấp uỷ trong phòng, chống tham nhũng tuy đã được xác định nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, phần nào làm suy giảm hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của Đảng và tác động đến yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Cơ chế phối hợp giữa cấp uỷ, UBKT cấp uỷ với các cơ quan điều tra, thanh tra, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ở nhiều nơi chưa được chú trọng, chưa thật sự chặt chẽ và thiếu đồng bộ.
Ba là, tổ chức bộ máy UBKT các cấp chưa hoàn thiện, nhất là ở cấp huyện, cấp cơ sở. UBKT, cơ quan UBKT các cấp hiện nay lại không có đơn vị và cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra về phòng, chống tham nhũng. Năng lực của đội ngũ cán bộ kiểm tra có mặt còn hạn chế, chưa theo kịp so với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, nhất là cán bộ kiểm tra cấp cơ sở.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam thông qua công tác kiểm tra của Đảng
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra. Bên cạnh đó, trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cơ quan, đơn vị xảy ra hiện tượng tham nhũng. Chỉ khi gắn trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng mới bảo đảm rằng, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn nhận thức một cách đầy đủ, thực hiện một cách nghiêm túc các chủ trương, biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước một cách có hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới hệ thống và cơ chế, xây dựng xây dựng hệ thống tổ chức phòng, chống tham nhũng với sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng. Hoàn thiện các quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các quy định về công tác kiểm tra của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiểm tra là chức năng lãnh đạo của Đảng, do vậy cần kiên trì và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quá trình đổi mới hệ thống và thiết lập các quy định về kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu thiết lập một hệ thống tổ chức duy nhất của Đảng để bảo đảm sự lãnh đạo tập trung và thống nhất công tác phòng, chống tham nhũng thông qua việc tiến hành thí điểm việc hợp nhất các cơ quan nội chính, cơ quan uỷ ban kiểm tra và thanh tra nhà nước thành một cơ quan để tăng thẩm quyền, tránh sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, đồng thời đạt được sự bao quát đầy đủ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở các cơ quan hành chính nhà nước và thúc đẩy các cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính nhà nước thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra, điều tra, xử lý tham nhũng của các cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, chặt chẽ.
Ba là, cần có cơ chế ủng hộ và khuyến khích người dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan của Đảng, nhất là cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (cơ quan UBKT, cơ quan nội chính) cần thiết lập hệ thống tiếp nhận các khiếu nại, phản ánh, các ý kiến và đề xuất mà người dân đưa ra, trên cơ sở đó cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách cụ thể và kỹ lưỡng để đưa ra các quyết sách quan trọng. Các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Đảng cần thiết phải thiết lập các đường dây nóng, hòm thư điện tử tiếp nhận các đơn thư, phản ánh về tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác từ người dân. Khuyến khích quần chúng tố giác tham nhũng tiêu cực, đồng thời coi trọng và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.
Bốn là, Đảng cần xây dụng một đội ngũ cán bộ chuyên trách đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng với đầy đủ thẩm quyền, phương tiện trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục đạo đức cách mạng, tính trung thực cho đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng. Chú trọng tuyển dụng, bổ nhiệm người tài, có chính trị rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không phân biệt là người trong hệ thống chính trị hay ngoài hệ thống chính trị tham gia vào cơ quan kiểm tra về phòng, chống tham nhũng của Đảng. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách riêng về ngạch, bậc, chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng tham gia vào công tác kiểm tra phòng, chống tham nhũng, đảm bảo đội ngũ cán bộ này ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sẽ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ và luôn giữ gìn được sự liêm chính./.
_______________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. CTQGST, Hà Nội, tr.257.
(2) https://noichinh.vn/tin-hoat-dong/202109/hoi-nghi-toan-quoc-cac-co-quan-noi-chinh-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang-310056/.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 11/2021
Bài liên quan
- Tương lai cho thế hệ vươn mình
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
- Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
- Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS. Tổng Bí thư Tô Lâm
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
3
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
4
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
5
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, những năm gần đây Thái Bình đã khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển để tạo đà cho phát triển bền vững, hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng”. Bài viết khái quát những thành công trong lãnh đạo phát triển kinh tế biển và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo của Tỉnh ủy Thái Bình thời gian qua.
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, lịch sử của Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên, các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công tác tư tưởng có vai trò trọng yếu trong thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác tư tưởng lại càng có vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó tạo nên sức mạnh vô địch, là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu, kỳ vọng, đích đến của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quốc Oai, Thành phố Hà Nội công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện ngày càng đạt kết quả tích cực. Nâng cao chất lượng đảng viên là cơ sở, tiêu chí quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, toàn diện. Bài viết làm rõ thực trạng chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ rõ những khó khăn, thách thức; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội thời gian tới.
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Thực hiện dân chủ ở cơ sở - xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức – là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân kiểm tra, nhân dân thụ hưởng. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề quan trọng, luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Để dân chủ ở cơ sở được hiện thực hóa, việc đảm bảo thực hiện với những cơ chế cụ thể là vấn đề cấp thiết.
Bình luận