Nâng cao nhận thức cho sinh viên chuyên ngành trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh là vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay, mục đích của các thế lực thù địch là “hạ bệ thần tượng”, tiến tới làm sụp đổ nền tảng lý luận của Đảng, xóa bỏ con đường mà Đảng và nhân dân đang xây dựng. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng sinh viên. Vậy tại sao phải nâng cao nhận thức cho sinh viên? Sinh viên có vai trò gì trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh trước sự chống phá của các thế lực thù địch?
1. Sự cần thiết phải nâng cao nhận thức cho sinh viên chuyên ngành trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh
Nâng cao nhận thức cho sinh viên trong đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh xuất phát từ những lý do cơ bản sau:
Một là, xuất phát từ tầm quan trọng của di sản Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và sự chống phá của các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng, tấn công vào cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi bước đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thực tiễn minh chứng sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi. Ngay từ Đại hội II (2.1951) Đảng đã nêu rõ: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ Tịch; sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”(1). “Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ nay mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(2). Trong quá trình đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(3). Điều có tính cốt yếu để công cuộc đổi mới đi đến thành công là “Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội”(4). Theo đó, các kỳ Đại hội, Đảng luôn khẳng định vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, “là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” và “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(5).
Giá trị và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc mà còn có sức ảnh hưởng, lan tỏa đối với thời đại, Bí thư Đảng Cộng sản Cu Ba Phi-đen Ca-xtơ-rô đã ca ngợi: “Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng chói những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường… Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”(6). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ - Gớt Hôn viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ và một nhà tư tưởng mácxítlêninnít vĩ đại của thế giới. Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu lịch sử với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính vì vậy, đồng chí đã làm ra lịch sử”(7).
Một điều dễ nhận thấy qua 35 năm đổi mới, dựa trên nền tảng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, “Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử…
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(8), tuy nhiên, cùng với đó thì các lực lượng thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn tìm mọi cách tấn công, chống phá quyết liệt. Để đạt được mục đích chống phá, các thế lực thù địch không từ bỏ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào. Họ từ xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách đến tư tưởng của Hồ Chí Minh. Họ cắt xén, bóp méo sự thật, tách các quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để bình xét, đánh giá dẫn đến cách hiểu sai lệch theo ý đồ của người chống phá. Các thế lực thù địch sử dụng đa dạng các hình thức, thông qua đài phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí, ấn phẩm và mạng Internet với vô số các website của các cơ quan thông tin nước ngoài hay nhóm người Việt phản động lưu vong, các trang mạng xã hội đã tung, chèn những thông tin, hình ảnh, nội dung sai trái, phản động, xuyên tạc về Hồ Chí Minh như Dân làm báo (danlambao), Quan làm báo (quanlambao), fanpage của Việt Tân, Nhật ký yêu nước, Ngụy biện, Dân luận… để pha trộn thông tin thật giả, bình luận xuyên tạc, kích động nhằm phát tán nhanh, rộng các luận điệu xuyên tạc ra khắp thế giới. Do đó, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, khẳng định giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò của sinh viên đang được đặt ra cấp bách hiện nay.
Hai là, xuất phát từ sứ mệnh của sinh viên chuyên ngành trong việc tuyên truyền, đưa di sản Hồ Chí Minh vào thực tiễn và đấu tranh bảo vệ di sản Hồ Chí Minh.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong công tác tuyên giáo, trong giảng dạy lý luận nói chung và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là một nhiệm vụ được đặt ra cấp thiết. Với vai trò là những người làm công tác tuyên truyền, công tác giảng dạy, sinh viên chuyên ngành - cán bộ, giảng viên lý luận trong tương lai phải là những lực lượng trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ những giá trị Hồ Chí Minh trong mỗi giai đoạn phát triển của dân tộc. Cuộc đấu tranh đó không chỉ phủ nhận những quan điểm sai trái, thù địch thông qua những căn cứ khoa học, mà đó còn là sự khẳng định hơn nữa chân giá trị đích thực về di sản của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, lan tỏa hơn nữa những giá trị đó trong đời sống hiện thực nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Do đó, giáo dục, đào tạo sinh viên chuyên ngành là quá trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên về tư tưởng Hồ Chí Minh trong tương lai, đào tạo thế hệ cán bộ đủ năng lực nghiên cứu và giảng dạy Hồ Chí Minh học trong các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng; đủ năng lực làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đội ngũ trí thức tương lai đó không chỉ là những người giảng dạy, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến thực tiễn cuộc sống mà còn tham gia tư vấn, hoạch định chính sách và đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Ba là, xuất phát từ sự chống phá của các thế lực thù địch mà đối tượng bị lôi kéo là sinh viên – tầng lớp thanh niên có năng lực, trình độ, hăng hái, dám nghĩ, dám làm nhưng còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.
Sinh viên là tầng lớp mang những đặc điểm của lứa tuổi thanh niên. Đây được xem là giai đoạn chuẩn bị hành trang cho toàn bộ cuộc đời của mình, từ lựa chọn học vấn, nghề nghiệp, văn hóa, lối sống, kinh nghiệm để định hình giá trị riêng. Đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất để phát triển và hoàn thiện trình độ nhận thức về tự nhiên, xã hội, phát triển tư duy lý luận, tư duy logic và cao hơn là tư duy sáng tạo. Tầng lớp thanh niên, sinh viên với nhiều hoài bão, lý tưởng và khát khao được tìm tòi, khám phá, tiếp thu nhanh với cái mới, là lực lượng có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” các giá trị, bàn giao nhiệm vụ, ủy thác trách nhiệm, gửi gắm niềm tin của thế hệ đi trước. Vì vậy, có thể nói thanh niên, sinh viên là “tiền đồ”, là “tương lai” của dân tộc. Theo đó, nếu được chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận “bàn giao”, kế tục các thế hệ đi trước thì vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc sẽ trường tồn, phát triển.
Mặt khác, do tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm thực tiễn còn hạn chế, sinh viên chưa có đủ năng lực để nhận diện các chiêu bài của các thế lực thù địch, còn dễ bị chi phối bởi tâm lý đám đông nên dẫn đến những hành vi bột phát, bốc đồng, thiếu suy xét. Theo đó, sinh viên là đối tượng dễ bị các phần tử xấu lôi kéo, kích động, lợi dụng để gây bạo loạn, tán phát những thông điệp mang tính tiêu cực, phản động. Các thế lực thù địch bằng nhiều hình thức chống phá, thông qua các “công cụ” như đài phát thanh, truyền hình, sách báo, tạp chí và nhất là hệ thống Internet để “theo đuổi” cho được ý đồ của chúng. Hiện nay, lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, các thế lực thù địch đã triệt để tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Twitter, Instagram, tiktok… để phát tán tài liệu phản động, những ấn phẩm đồi trụy. Chúng bịa đặt, đưa nhiều thông tin sai lệch, lấp lửng, giật gân, hướng dư luận theo quan điểm sai trái, kích thích sự tò mò, lôi kéo thanh niên, sinh viên vào diễn đàn để truy cập và bình luận theo hướng tiêu cực để từ đó làm “chuyển hóa” trong suy nghĩ và tư tưởng của thanh niên, sinh viên. Các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “nội công, ngoại kích”, ra sức tuyên truyền xuyên tạc hòng làm suy giảm niềm tin, tạo ra trong thế hệ trẻ một “khoảng trống” về mục tiêu lý tưởng, lịch sử truyền thống và thành tựu của cách mạng. Cái đáng sợ hơn của các thế lực thù địch không chỉ dừng lại tấn công trên mạng xã hội, mà “Từ Facebock xuống đường”, từ các luận điệu xuyên tạc Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, kẻ thù còn hướng người tham gia đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội, kích động, kêu gọi tập hợp, phát triển lực lượng từ không gian mạng thành các nhóm, các tổ chức đối lập, chống Đảng, chống Nhà nước. Theo đó, cách tốt nhất để chống lại mọi sự tấn công của kẻ thù là phải làm cho sinh viên “khỏe mạnh” về mọi mặt. Cần phải xây dựng môi trường lành mạnh, định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho sinh viên trước âm mưu lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch là yêu cầu đặt ra cấp thiết trong giáo dục hiện nay.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên chuyên ngành trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh
Xuất phát từ tầm quan trọng của di sản Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và vai trò của sinh viên lý luận trong việc bảo vệ di sản Hồ Chí Minh trước những quan điểm xuyên tạc, chống phá, để làm tốt nhiệm vụ lịch sử “trao truyền” này, cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản sau:
Một là, phải nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên. Sinh viên tư tưởng Hồ Chí Minh phải là những nhà giáo dục, nhà tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Hồ Chí Minh thật nhuần nhuyễn, bài bản. Muốn vậy, phải đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức, phương pháp giáo dục. Chú trọng đổi mới phương pháp trong giảng dạy, mỗi quan điểm, tư tưởng mà Hồ Chí Minh chỉ dẫn cần liên hệ với thực tiễn hiện nay để người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành, từ đó vận dụng có hiệu quả quan điểm, tư tưởng của Người vào thực tiễn. Nắm rõ, hiểu đúng, hiểu đủ về Hồ Chí Minh là cơ sở để làm tốt nhiệm vụ của mình sau khi ra trường. Theo đó, khi xét tuyển vào ngành học, cần chú trọng thực tiễn nền tảng lịch sử của sinh viên. Phải hiểu biết sâu sắc về lịch sử và thực tiễn của đất nước thì mới hiểu và đánh giá đúng hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như vận dụng những kiến thức đã học để đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc. Ví dụ như, để hạ thấp và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và chế độ, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bóp méo khi cho rằng: “cách mạng Tháng Tám (1945) chỉ là sự ăn may, là khoảng trống quyền lực”. Lời giải đáp chỉ có hiệu quả khi người học phải hiểu được rằng, để có được thành quả đó, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, chuẩn bị suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là sự chuẩn bị về đường lối, về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, dự đoán thời cơ, chớp thời cơ với phương châm “đem sức ta để giải phóng cho ta” cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi trọn vẹn. Đó không phải là sự “ăn may” như các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc.
Hay như, nếu hiểu biết về lịch sử sâu sắc các em sẽ thấy rõ mưu đồ của Mỹ từ những năm 50 khi viện trợ gần 80% chi phí cho Pháp ở chiến tranh Đông Dương là để từng bước thế chân Pháp ở miền Nam Việt Nam với lần lượt các chiến lược: Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh. Cùng với đó, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến dịch siêu pháo đài bay B.52, hòng đưa Hà Nội và miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá” (1972). Đế quốc Mỹ đã sử dụng trên 8 triệu tấn bom đạn, gần 80 triệu lít chất độc hóa học cùng những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Mỹ đã huy động lực lượng đông đảo quân viễn chinh (gồm quân Mỹ và quân của một số nước đồng minh). Huy động tới 70% biên chế lục quân, 60% số lính thủy đánh bộ, 40% biên chế hải quân và 60% biên chế không quân, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ. Số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam có lúc cao nhất đã lên đến hơn nửa triệu người; còn số thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên tới 6,5 triệu lượt người(9). Như vậy, với những con số nêu trên thì đây là cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam chứ không phải là “cuộc nội chiến”, không phải “miền Bắc xâm lược miền Nam” như kẻ thù vẫn xuyên tạc, ngụy biện. Điều mà chính cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cũng đã phải thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm khi biến Việt Nam thành nơi thí nghiệm chính sách của chúng ta chứ không phải đối với chính sách của người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, có lẽ việc đưa các lực lượng quân sự Mỹ vào Việt Nam là biện pháp giải quyết tồi nhất”(10). Tướng Maxwell D. Taylor đã thú tội: “Tất cả chúng ta đều góp phần của mình vào thất bại của Mỹ ở Việt Nam”(11).
Một yêu cầu trong giảng dạy, nâng cao nhận thức cho người học là lồng ghép việc trang bị kiến thức với nhận diện các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Đây cần được xem là nhiệm vụ thường trực của đội ngũ giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Đối với giảng dạy chuyên ngành, các học phần có thể lồng ghép như: “Tiểu sử, nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thông qua giảng dạy, cần giúp các em thấy rõ âm mưu của kẻ thù, lợi dụng thời kỳ Hồ Chí Minh hoạt động ở nước ngoài, tư liệu lưu trữ còn hạn chế, nhiều “khoảng trống” chưa được khảo cứu nên các thế lực thù địch đã bịa đặt, ngụy tạo những tư liệu, sự kiện có tính “giật gân” để lái người đọc, người nghe theo ý đồ của chúng. Hoặc đối với học phần “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, cần làm rõ cho sinh viên nắm được những luận điệu mà kẻ thù thường lợi dụng để xuyên tạc như: Hồ Chí Minh chỉ có tư tưởng về độc lập dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, do đó chúng cho rằng, việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là khiên cưỡng, là đi ngược với ý nguyện của Hồ Chí Minh. Với học phần “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản”, cũng cần giúp các em nhận diện được sự chống phá của các thế lực hiện nay thông qua việc thổi phồng, khuếch đại những hạn chế, khuyết điểm, “mượn” Hồ Chí Minh để công kích, phê phán Đảng. Từ đó chúng cho rằng Đảng hiện nay đã không còn như Đảng sinh thời Hồ Chí Minh sáng lập, do vậy phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng…
Hai là, cần xây dựng cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học đúng đắn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong nhận thức và hành động của sinh viên là do sai lầm trong nhận thức và thiếu phương pháp luận trong hành động. Theo đó, muốn có nhận thức đúng, đấu tranh với kẻ thù hiệu quả đòi hỏi người học phải nắm vững quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm toàn diện và hệ thống, quan điểm kế thừa và phát triển; phải đảm bảo nguyên tắc vừa nghiên cứu tác phẩm của Hồ Chí Minh kết hợp với thực tiễn mà Hồ Chí Minh hoạt động và chỉ đạo. Bởi dù vĩ đại đến đâu, vĩ nhân đều là con người của một thời đại nhất định, bị thời đại chế định. Do vậy, quan điểm tư tưởng của Người không phải “là cái gì đã xong xuôi”, “bất khả xâm phạm” mà cần có quan điểm đúng để đánh giá và vận dụng, phát triển một cách sáng tạo trong điều kiện thực tiễn mới.
Cần xây dựng cho sinh viên phương pháp tư duy và kỹ năng phân tích, phản biện, tránh tiếp thu một chiều, thụ động kể cả nguồn thông tin chính thống. Hiện nay, nguồn tư liệu về Hồ Chí Minh tương đối nhiều, đa dạng góc tiếp cận, chủ thể nghiên cứu không chỉ trong nước mà còn mở rộng phạm vi quốc tế. Đối với các học giả nước ngoài, phải kể đến như David Hamberstam, W. J.Duiker, Daniel Hémery; Sophie Quinn Judge; E. Côbêlép… những nghiên cứu của các học giả này góp nhiều tư liệu quý, giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi tham khảo và tiếp nhận nguồn tư liệu này đòi hỏi người học, người nghiên cứu cần có tư duy chọn lọc, kế thừa bởi nhiều tư liệu, sự kiện mà các học giả này khai thác không phải lúc nào cũng chính xác, thậm chí là sai lệch, cần bác bỏ. Ví như W.J.Duiker đã có những nhận định không đúng khi ông đặt vấn đề về tệ sùng bái cá nhân: “Ngày nay, ba thập kỷ sau khi ông qua đời, tệ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh vẫn tồn tại ở Hà Nội. Tệ sùng bái này chủ yếu làm chỗ dựa cho một chế độ tuyệt vọng tìm cách duy trì tính chính đáng của mình khi tình hình đã thay đổi theo thời gian”(12). Cách lập luận như vậy là chủ quan, chụp mũ, bởi nếu đặt vào văn hóa chính trị Việt Nam thì có thể thấy rằng, truyền thống tôn vinh, thờ phụng anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo… đã là nét văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và Hồ Chí Minh - “anh hùng giải phóng dân tộc” cũng không nằm ngoài dòng văn hóa đó.
Hay tác giả Diniel Hémery cho rằng, động cơ ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh chỉ là huyền thoại: “Hình ảnh chàng trai yêu nước của Nghệ An bỏ quê ra đi tìm con đường giải phóng Tổ quốc chỉ thuộc về điều tưởng tượng huyền thoại sau năm 1945 hoặc sau năm 1920… Sự ra đi năm 1911 không phải là dứt khoát như người ta tưởng”(13). Rõ ràng, đây chỉ là suy diễn chủ quan của tác giả, không dựa trên thực tiễn hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Vì vậy, khi tiếp nhận thông tin, người học cần phân tích, đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu khác nhau để tránh chủ quan, sai lầm. Cần phân tích, xử lý thông tin đa chiều, tránh tiếp nhận một cách dễ dãi như sinh thời Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này?”, “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận”(14). Tiếp thu và lĩnh hội thông tin cũng cần có nền tảng hiểu biết vững chắc, có phương pháp và tư duy đúng, có bản lĩnh chính trị vững vàng mới tránh được sự nhầm lẫn, sự lôi kéo của các thế lực thù địch.
Ba là, đối với sinh viên chuyên ngành, đặc biệt là nói và viết về lãnh tụ, về bậc “Đại nhân, Đại trí, Đại dũng” thì ngoài kiến thức, sự hiểu biết, rất cần có sự nhiệt huyết, yêu nghề, yêu ngành khoa học mà mình đã lựa chọn hoặc có “duyên nợ” với nó. Sinh viên phải là những người được “truyền lửa” để ngọn lửa đó tiếp tục lan tỏa đến các thế hệ tiếp nối. Thầy cô phải giúp các em thấy được niềm tự hào và trọng trách khi trở thành sinh viên mang tên Bác. Trong chương trình học, cần tổ chức cho các em nhiều chương trình ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu thực tế để các em được tìm hiểu những địa danh, các di tích lịch sử, nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và hoạt động cách mạng, qua đó giúp các em củng cố thêm kiến thức, tăng thêm sự hiểu biết và lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sự trải nghiệm thực tế “mắt thấy, tai nghe” sẽ là chất “xúc tác”, là cảm xúc để các em thêm yêu, thêm tự hào về ngành học và mình đang theo đuổi.
Bốn là, một yêu cầu cần thiết để nâng cao nhận thức cho sinh viên trong đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh hiện nay là phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên, Liên Chi đoàn, Khoa chủ quản, Câu Lạc bộ Danh nhân Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động gắn chủ đề bảo vệ Đảng, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên được tham gia góp tiếng nói của mình. Các tổ chức sẽ là nơi để nắm bắt tư tưởng và xử lý kịp thời biểu hiện sai lệch của sinh viên. Chú trọng hơn nữa công tác xây dựng các điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của giảng viên, các đảng viên trong sinh viên, đây sẽ là những hạt nhân, là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Tuyên truyền, giáo dục sinh viên trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng để mỗi người được hưởng những lợi ích, giá trị đẹp mà không gian mạng đưa lại (Theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng (Digital Civility Index - DCI) của Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia thấp nhất thế giới). Cần mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đặc biệt là kiến thức về Luật an ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) giúp cho sinh viên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận và phát tán thông tin. Cần định kỳ mời các chuyên gia có chuyên môn sâu về Hồ Chí Minh, chuyên gia công nghệ cao tập huấn cho sinh viên giúp nhận diện các thông tin sai lệch, các trang mạng phản động, các tài liệu giả mạo liên quan đến Hồ Chí Minh, cách thức chống phá của các thế lực thù địch để từ đó sinh viên có thể phân biệt được đúng sai, tiếp nhận thông tin một cách chính xác, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái một cách có hiệu quả.
Như vậy, sinh viên là lớp người trẻ tuổi, là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, kế tục sự nghiệp cách mạng, quyết định vận mệnh của dân tộc. Sinh viên chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh không nằm ngoài sứ mệnh lịch sử đó, trước yêu cầu mới, họ không chỉ là thế hệ tiếp nối đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống mà họ phải là những “chiến binh” trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh. Muốn vậy, cần chú trọng công tác đào tạo, rèn luyện kỹ năng, phương pháp, bản lĩnh cho sinh viên. Sinh viên lý luận nói chung trong đó có sinh viên tư tưởng Hồ Chí Minh phải được đào tạo có địa chỉ, được bố trí việc làm sau khi ra trường, được quan tâm về mọi mặt. Là những người được đào tạo chuyên sâu, bài bản, mang trong mình hoài bão, sự khát khao cống hiến, chắc chắn họ sẽ dành hết tâm lực, trí lực và nhiệt huyết của mình để mang lại giá trị đích thực cho xã hội./
______________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.12, tr.9.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.30, tr.275.
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.127, tr.53.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.202.
(6), (7) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch (1976), Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.75 - 76, tr.530.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.I, tr.25.
(9) Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.312.
(10), (11) Trần Trọng Trung (2005), Nhà Trắng với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb.CTQG, Hà Nội, tr.946, 495.
(12) W.J.Duiker, Ho Chi Minh, (Hồ Chí Minh), Hyperion, New York, 2000, Bản dịch tiếng Việt, tr.388.
(13) Diniel Hémery, Tuổi trẻ của một người dân thuộc địa lưu vong, Tạp chí Approchs, Bản dịch tiếng Việt, tr.39.
(14) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.5, tr.307.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 5/2022
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận