Những vấn đề đang đặt ra trong công tác lý luận và đề xuất định hướng giải pháp
Qua 35 năm đổi mới đất nước, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác lý luận của Đảng nói riêng đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng trân trọng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Bên cạnh những thành tựu, công tác lý luận cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục và đặt ra nhiều vấn đề mới.
1. Những vấn đề mới đang đặt ra trong công tác lý luận của Đảng
Thứ nhất, khung khổ lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; về phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện một Đảng cầm quyền; về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; về nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xã hội số, chính phủ số; về mô hình tổng quát phát triển đất nước: bền vững, sáng tạo, bao trùm; về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; về phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội; về giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển kinh tế; về xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị; vấn đề xây dựng, phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện; về kết hợp giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; về quan hệ giữa độc lập dân tộc với hội nhập quốc tế...
Trong điều kiện sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta có đặc thù riêng, không giống với các nước khác, chúng ta phải vừa đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa phải tổng kết thực tiễn đúc rút thành lý luận phù hợp với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của nước ta. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới và khó cho công tác tư tưởng, lý luận. Một mặt, công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần, tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng để thống nhất, đoàn kết, cùng chung sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; mặt khác, công tác lý luận của Đảng phải nhanh chóng, kịp thời tổng kết thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng để bổ sung, phát triển lý luận, ngày càng hoàn thiện lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc, đủ sức thuyết phục toàn Đảng, toàn dân tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao...
Thứ hai, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Chúng ta đều thống nhất với nhau rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho chúng ta thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học soi đường, chỉ lối cho sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển không ngừng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng đến nay cần làm rõ thêm: những luận điểm, quan điểm, nguyên lý nào của chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị vĩnh viễn, trường tồn; những luận điểm, quan điểm, nguyên lý nào của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua; những luận điểm, quan điểm, nguyên lý nào cần bổ sung, phát triển. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng nào là vận dụng, tư tưởng nào là bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để phù hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Công tác lý luận phải làm như thế nào để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đảng ta xác định, công tác lý luận là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển và củng cố niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để có niềm tin khoa học thì phải vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam nhằm hình thành cơ sở lý luận cho đường lối cách mạng của Đảng; phổ biến, truyền bá chủ trương, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấm nhuần, hiểu đúng, tin tưởng và cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân biến thành hành động cách mạng cụ thể, thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác lý luận trên cơ sở khoa học phải góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi chống phá cách mạng nước ta của chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Đây là những công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi công tác lý luận của Đảng phải đổi mới hơn nữa và phải có cách thức, phương thức thiết thực, phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Thứ ba, tình hình quốc tế diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho thế giới thay đổi một cách căn bản trên tất cả các phương diện vừa mang lại những thời cơ, cơ hội mới, vừa tạo ra những thách thức, nguy cơ mới, yêu cầu mới. Tình hình trong nước, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nước ta có thế và lực mới trên trường quốc tế; đồng thời còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức mới, tác động trực tiếp đến công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.
Các nguy cơ đã được dự báo, thì có nguy cơ không những chưa được đẩy lùi, mà còn phức tạp hơn. Nền kinh tế nước ta đã và sẽ còn nguy cơ tụt hậu so với nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội để vươn lên.
Tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được chặn đứng, một bộ phận đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi “diễn biến hòa bình”... Nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế như: nguy cơ lệ thuộc về kinh tế, phân hóa giàu - nghèo ngày càng doãng ra, ô nhiễm môi trường sinh thái ngày càng nghiêm trọng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự xâm lăng văn hóa...
Thứ tư, công tác lý luận phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức và cán bộ. Thời gian qua, công tác tổ chức và cán bộ bên cạnh những mặt thành tựu, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém đã làm ảnh hưởng không nhỏ và đặt ra nhiều vấn đề mới tới công tác tư tưởng, lý luận. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ công tác lý luận. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, lý luận chưa có lời giải đáp thỏa đáng... Cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề mới, khó khăn phức tạp cho công tác lý luận phải giải quyết. Nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân...
Thứ năm, trên thế giới hiện nay xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng, tiếp thu những giá trị tiến bộ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch. Nghiên cứu về bản chất, đặc điểm mới của chủ nghĩa tư bản hiện đại... để tiếp tục khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề nước ta cần học tập, tiếp thu vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...
Thứ sáu, các thế lực cơ hội, thù địch chống phá quyết liệt trên mặt trận tư tưởng, lý luận với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong khi đó, chúng ta đấu tranh, phản bác còn bị động, chưa thực sự quyết liệt. Sự đấu tranh, phản bác của ta trên một số vấn đề chưa đủ cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn để làm cho đối phương phải “tâm phục, khẩu phục”, do vậy, chưa thể làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch...
Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng còn xem nhẹ công tác lý luận, việc bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng chưa được làm tốt; nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng chưa đi vào cuộc sống; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt được như mong muốn, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cấp cao chưa nêu gương, năng lực hạn chế, nhiều người tham nhũng, tiêu cực, nói không đi đôi với làm, làm không như nói; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn biến phức tạp... tất cả những điều trên đây dẫn đến sự suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
2. Giải pháp nâng tầm công tác lý luận trong thời gian tới
Một là, phải xây dựng một đội ngũ tinh hoa, có năng lực tốt, tiến hành tổng kết thực tiễn, kết hợp với nghiên cứu lý luận sâu sắc, làm rõ mô hình chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, nhân dân ta đang xây dựng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta một cách có cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn vững chắc, đủ sức thuyết phục. Nghĩa là tạo ra khung khổ lý luận thực sự khoa học và cách mạng trên những vấn đề cơ bản nhất. Chỉ rõ quan điểm, luận điểm nào của chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị trường tồn, quan điểm, luận điểm nào đã bị thực tiễn lịch sử vượt qua; quan điểm, luận điểm nào cần bổ sung, phát triển. Tổng kết tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta như thế nào...
Hai là, công tác lý luận phải cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng phải trên cơ sở vừa vận dụng đúng quy luật khách quan vừa phù hợp với thực tiễn sinh động của đất nước, khu vực và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử - cụ thể; ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và có điều kiện, nguồn lực bảo đảm để nghị quyết đi ngay vào cuộc sống...
Ba là, công tác lý luận phải bám sát và dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn đổi mới đất nước, đúc rút thành lý luận phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại… góp phần giải quyết nhanh, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, không ngừng lý luận hóa thực tiễn gắn với thực tiễn hóa lý luận. Không làm như vậy không thể có bất cứ sự phát triển nào của công tác lý luận chính trị cũng như không thể nói tới bất cứ một sức sống nào của bản thân lý luận chính trị của chúng ta. Nói cách khác, nếu làm khác đi là vô hình trung làm “đông cứng”, làm “khô héo” lý luận chính trị cũng như tự “đóng cửa” hoặc chặt cụt con đường phát triển tự nhiên của chính công tác lý luận chính trị của chúng ta...
Trong tiến trình tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, cần đặc biệt kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận cơ bản với nghiên cứu lý luận ứng dụng và nghiên cứu lý luận triển khai; lấy hiệu quả thực tiễn để kiểm chứng các chế định - “con đẻ” trực tiếp của công tác nghiên cứu lý luận triển khai, hiện thân của công tác nghiên cứu lý luận ứng dụng và mục tiêu của công tác nghiên cứu lý luận cơ bản. Đến lượt chúng, các mặt nghiên cứu lý luận này phải lấy tính hiệu quả thực tiễn làm thước đo giá trị đích thực, làm mục đích hướng tới của mình và từ đó, tự hoàn thiện mình không ngừng. Đó là biện chứng phát triển của công tác lý luận chính trị, sức sống của lý luận chính trị của chúng ta nói riêng.
Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng, của xã hội và để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nâng cao hiểu biết, nâng cao trình độ lý luận chính trị đủ sức phân biệt đúng - sai, phân biệt phải - trái, nâng cao sức đề kháng trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch; trước mọi thông tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; trước mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế...
Cần cung cấp thông tin kịp thời, định hướng nhanh nhạy để báo chí chính thống làm chủ trận địa thông tin: thông tin nhanh, chính xác, đầy đủ, kịp thời mọi vấn đề của đời sống xã hội. Xây dựng một đội ngũ chuyên gia giỏi để cung cấp trên mạng xã hội những thông tin chính thống, nhanh, đủ sức lấn át thông tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Quản lý, xử lý nghiêm minh những trang mạng xã hội, blog, facebook cá nhân cố tình tung tin giả, thông tin xấu, độc...
Năm là, bảo vệ và phát triển không ngừng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là yêu cầu số một thuộc về chính bản thân Đảng. Không làm được điều này, Đảng không còn là đảng mácxít chân chính nữa; và do vậy, công tác lý luận chính trị không còn là công tác lý luận chính trị xã hội chủ nghĩa nữa.
Có nghĩa, việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong công tác lý luận chính trị cũng bao hàm cả việc làm giàu hơn và phong phú hơn nữa kho tàng chủ nghĩa Mác - Lênin bằng cách thâu thái trên tinh thần cầu thị khoa học tất cả tinh hoa thành tựu lý luận chính trị - xã hội trên thế giới, mà chính C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là những mẫu mực trên phương diện này. Đó là con đường phát triển đầy hứa hẹn của công tác lý luận chính trị và là sự tự hoàn thiện của chính bản thân nền lý luận chính trị của chúng ta. Đấu tranh, phản bác có sức thuyết phục, tâm phục khẩu phục trên cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn vững chắc những luận điệu xuyên tạc, phản động của những kẻ cơ hội, phản động nhằm bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng...
Sáu là, xây dựng đội ngũ những người nghiên cứu lý luận chính trị vững mạnh, kiên định lập trường chính trị gắn chặt với việc kiến tạo một đội ngũ những nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành nhằm xây dựng một đội ngũ những nhà lý luận xuất sắc, trong đó những nhà lý luận chính trị đóng vai trò nòng cốt. Thời đại mới và yêu cầu phát triển mới của đất nước đặt ra điều này. Đó chính là trọng trách của công tác lý luận.
Không có gì phát triển một cách tự thân cả. Lý luận chính trị xã hội chủ nghĩa và việc xây dựng đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu lý luận chính trị cũng vậy. Do đó, việc xây dựng một đội ngũ những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta trên nền móng sức mạnh tổng hợp gồm những nhà lý luận về khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, y học, khoa học pháp lý, khoa học nhân văn, v.v. là nhu cầu phát triển tất yếu, một bảo đảm cơ bản có tính quyết định sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của công tác nghiên cứu lý luận chính trị và tính thiết thực, khả thi của lý luận chính trị.
Vấn đề đặt ra một cách cấp bách là, tiếp tục xây dựng cơ chế nhằm thu hút, tập hợp đông đảo và đầy đủ những nhà khoa học hàng đầu của đất nước đang công tác, học tập và làm việc ở trong và ngoài nước. Đó cũng là biện pháp để nâng tầm trí tuệ của Đảng lên ngang với sự phát triển của đất nước hiện nay; của mỗi cán bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các nhà khoa học lý luận chính trị.
Bảy là, xây dựng một cơ chế nghiên cứu lý luận chính trị một cách cơ bản, thực sự dân chủ và minh bạch.
Đây là công việc rất cần kíp. Cơ chế hoạt động khoa học phù hợp và hữu hiệu là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng một nền lý luận chính trị tiên phong.
Trước hết, mở rộng không ngừng dân chủ và minh bạch hóa cao độ trong nghiên cứu vừa là yêu cầu, vừa là động lực phát triển của công tác nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng.
Thứ hai, tôn trọng ý kiến cá nhân, không độc quyền chân lý, không trù úm quy kết, không a dua, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác và ý kiến của cơ sở, chống thói cơ hội, thực dụng chính trị... là những yêu cầu tối thiểu của mỗi người, nhất là những nhà lãnh đạo khoa học, nhà chính trị trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là phương châm hành động của mỗi tổ chức nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng.
Tám là, chú trọng sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu lý luận chính trị.
Bài học ngày hôm qua, nếu được sơ kết, tổng kết đúng đắn chính là phương hướng và con đường hành động hiệu quả của ngày hôm nay trên hành trình đi tới ngày mai. Đó là con đường để tiếp cận chân lý trong nghiên cứu khoa học chính trị, để tránh sự tụt hậu và khủng hoảng của lý luận chính trị. Đó cũng là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng nền lý luận chính trị của chúng ta. Do đó, ở đây không dung thứ thói thiển cận, cục bộ, thực dụng và cơ hội về khoa học và chính trị. Nói một cách hình ảnh, chính những thói xấu đó sẽ chôn sống một cách “ngọt ngào” và không thương tiếc nền lý luận chính trị mácxít chân chính./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 14.04.2021
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận