Phạm trù “tự do” trong đạo đức học của I.Kant - giá trị và hạn chế của nó
Đối với I.Kant, đạo đức học chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống triết học của ông. Câu nói nổi tiếng của I.Kant: “Hai điều tràn ngập trong tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý [đạo đức] ở trong tôi”(1) đã khẳng định rất rõ điều này. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà I.Kant lại có nhiều tác phẩm chuyên bàn về đạo đức và đạo đức học đến vậy. Khi nói đến đạo đức học của I.Kant người ta thường hay nhắc đến tác phẩm Phê phán lý tính thực tiễn (hay Phê phán lý tính thực hành) (1788) . Điều này hoàn toàn có lý vì đây là tác phẩm chủ yếu và quan trọng nhất bàn về đạo đức của ông. Tuy nhiên, trước và sau khi tác phẩm chủ yếu bàn về đạo đức này ra đời, ông còn có nhiều tác phẩm khác nữa như: Lời nói đầu cho một siêu hình học trong tương lai (1783), Đặt cơ sở cho siêu hình học về đạo đức (hay đức lý) (1785), Hướng tới một nền hoà bình vĩnh cửu (1795), Siêu hình học đạo đức (1797), Nhân học nhìn từ quan niệm thực dụng (1798). Có thể thấy, trong thời kỳ phê phán, I.Kant không chỉ dừng lại ở triết học lý luận khi xem xét con người với tư cách là chủ thể nhận thức tiên nghiệm để trả lời cho câu hỏi “tôi có thể biết được cái gì?” mà ông còn chuyển sang nghiên cứu triết học thực tiễn - như I.Kant gọi là “siêu hình học đạo đức” xem xét con người với tư cách là chủ thể đạo đức tiên nghiệm, tức chủ thể trong hoạt động thực tiễn để trả lời cho câu hỏi “tôi cần phải làm gì”? Như vậy, trong triết học thực tiễn hay siêu hình học đạo đức, “tự do” và “mệnh lệnh tuyệt đối” được coi là xuất phát điểm và là những khái niệm trung tâm chi phối toàn bộ các quan niệm đạo đức của ông.
1. Quan niệm của I.Kant về tự do và vai trò của nó trong đạo đức học
Mặc dù là người đã bàn về rất nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực triết học và khoa học tự nhiên, trong đó coi lý tính là đối tượng nghiên cứu đích thực của triết học với tư cách là siêu hình học khoa học, song, ngay từ “Phê phán lý tính thuần túy”, I.Kant đã đặt vấn đề và cũng từng khẳng định mạnh mẽ rằng, mục đích tối hậu của triết học là về vận mệnh con người và “nền triết học về vận mệnh con người chính là ĐẠO ĐỨC HỌC. Vị trí thượng đẳng của đạo đức học đứng trên mọi lĩnh vực hoạt động khác của tinh thần con người chính là lý do tại sao cổ nhân bao giờ cũng hiểu triết gia đồng thời và trước hết phải là một nhà đạo đức”(2). Hay nói cách khác đối với I.Kant, triết học thực tiễn trong đó có đạo đức học (siêu hình học đạo đức) mới là thứ triết học thực sự khoa học giữ vị thế thượng đẳng giúp con người đạt được giá trị đạo đức đích thực của cuộc sống, tức đạt được tự do.
Có thể thấy rằng, tự do - đó là khát vọng và lý tưởng đạo đức cao đẹp mà con người luôn muốn hướng tới. Với I.Kant, phạm trù “tự do” có vị trí đặc biệt quan trọng và trở thành phạm trù nền tảng, là xuất phát điểm cho đạo đức học của ông. Về điều này, chính ông đã viết: “Khái niệm về Tự do là vật chướng ngại đối với mọi nhà duy nghiệm, nhưng lại là chiếc chìa khóa dẫn đến các nguyên tắc thực hành cao cả nhất đối với những nhà đạo đức học phê phán”(3).
I.Kant bắt đầu những luận giải của mình về “tự do” bằng việc xét hỏi, cái gì có thể giúp con người nhận thức về “tự do”? Ông nhận ra rằng, chính quy luật đạo đức được ta ý thức một cách trực tiếp (khi ta đề ra cho ta các châm ngôn của ý chí) mới là cái đầu tiên xuất hiện và trực tiếp dẫn ta đi đến khái niệm về sự tự do, trong chừng mực lý tính diễn tả nó như một cơ sở quy định không phải bị đè nặng bởi bất kỳ điều kiện cảm tính nào, trái lại hoàn toàn độc lập với chúng. Trên cơ sở đó I.Kant khẳng định, “con người hoàn toàn có thể nhận thức về “tự do” mà không cần phải đi ra khỏi bản thân cũng như không cần đến bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ những dữ kiện kinh nghiệm. Ông cho rằng, những nguyên tắc đạo đức có thể trở thành cơ sở dẫn dắt con người nhận thức về “tự do” của chính mình là vì, trước hết, những nguyên tắc này có đầy đủ khả năng để đảm nhận nhiệm vụ giải phóng ý chí của con người ra khỏi mọi sự chi phối của những “ham thích sinh lý” và những yếu tố cảm tính bên ngoài, nhờ đó, con người có thể tự làm chủ bản thân trong mọi tình huống; hơn nữa, đó lại là những nguyên tắc cơ bản chỉ dẫn cho ý chí thực hiện năng lực sáng tạo của nó - tự thiết lập nguyên tắc cưỡng chế chính bản thân nó”(4).
I.Kant định nghĩa về tự do như sau: “TỰ DO theo nghĩa thực hành là sự độc lập của Ý CHÍ trước sự cưỡng chế do các xung động của cảm năng gây ra …”(5).
Tự do được I.Kant hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, theo nghĩa “so sánh, tương đối” (Komparative Bedeutung Freiheit) chỉ có trong thế giới hiện tượng; thứ hai, theo nghĩa tự do tiên nghiệm (tự do là khả năng tiên nghiệm đặc biệt cho phép giác tính hoạt động độc lập với quy luật tất yếu của tự nhiên trong lĩnh vực hiện tượng luận). Có thể coi tự do theo nghĩa thứ nhất là tự do tương đối và nghĩa thứ hai là tự do tuyệt đối.
Theo I.Kant, tự do tương đối tồn tại một cách tương đối trong thế giới hiện tượng, trong cơ chế máy móc của tự nhiên. Tự do này được hiểu là sự tách rời một cách tương đối đối với quy luật nhân quả của tự nhiên, nghĩa là sự vật không bị quy định trực tiếp bởi quan hệ nhân quả trong thời gian nào đó. Tự do tương đối gồm hai dạng thức là tự do vật lý và tự do tâm lý (theo I.Kant dùng để chỉ chuỗi nội tâm đơn thuần của những ý tưởng ở trong đầu óc). Tự do vật lý là sự vận động tự thân một cách tương đối của sự vật mà không chịu sự tác động của những lực đẩy và sự tác động trực tiếp từ bên ngoài. Khác với tự do vật lý, tự do tâm lý chỉ tồn tại trong những suy tưởng của con người với tư cách là chủ thể. Những suy tưởng này được coi là tự do, bởi vì những suy tưởng chỉ diễn ra đơn thuần trong đầu óc con người. Một cách tương đối, nó được coi là hành vi tự thân của chủ thể. Giải thích điều này, I.Kant viết: “Thật ra, đối với sự Tự do - vốn phải là cơ sở của mọi quy luật đạo đức và của việc quy kết trách nhiệm tương ứng... nên khi chủ thể hành động, những điều kiện đấy không còn nằm trong quyền lực của chủ thể nữa”(6).
Mặc dù I.Kant chấp nhận việc sử dụng thuật ngữ tự do với ý nghĩa tương đối, song, ông cũng khẳng định rằng, thực chất những hành vi và hiện tượng đó vẫn phục tùng những quy luật của tự nhiên. Do đó, tự do tương đối không phải là tự do đích thực mà thực chất tự do phải được hiểu là tự do theo nghĩa là tự do tiên nghiệm (Freiheit a apriori). Kant cho rằng, về bản chất của tự do tiên nghiệm là sự không bị quy định bởi những quy luật của giới tự nhiên hay còn gọi là “cơ chế máy móc của tự nhiên”. Theo I.Kant, tự do tiên nghiệm được chia làm hai cấp độ: tự do tiêu cực và tự do tích cực. Trong đó tự do tiêu cực chỉ diễn tả sự độc lập hoàn toàn với luật nhân quả tự nhiên, còn tự do tích cực không chỉ là sự độc lập với cơ chế máy móc của giới tự nhiên mà còn tự ban bố quy luật riêng của mình. Với ý nghĩa này, tự do tích cực còn được gọi là sự “tự trị”.
Theo I.Kant, không thể tìm thấy tự do tiên nghiệm trong thế giới tự nhiên (thế giới hiện tượng), vậy tự do tiên nghiệm tồn tại ở đâu? nếu không tồn tại tự do tiên nghiệm thì đạo đức cũng không thể tồn tại được vì quy luật đạo đức chỉ có thể hình thành và được thực hiện trong tự do, trong sự gạt bỏ hoàn toàn những chất liệu của tự nhiên. Để cứu vãn tự do, I.Kant đưa ra một giải pháp độc đáo, ông chia toàn bộ tự nhiên ra làm hai thế giới: thế giới hiện tượng và thế giới vật tự nó. I.Kant viết: “Cho nên, nếu ta muốn cứu vãn Tự do thì không còn con đường nào khác ngoài cách: xem sự tồn tại của một sự vật, trong chừng mực nó có thể được xác định ở trong thời gian và vì thế, cả tính nhân quả dựa theo quy luật của sự tất yếu tự nhiên như là chỉ thuộc về hiện tượng, còn gán sự Tự do cho cùng một chủ thể ấy nhưng với tư cách là một vật tự nó”(7).
Theo những luận giải trên, chúng ta thấy rằng, “tự do” trong quan niệm của I.Kant là tự do luôn gắn liền khả năng “tự làm chủ” và “tự ban bố quy luật đạo đức” của con người, tức là luôn gắn liền với trách nhiệm của con người trước bản thân và cộng đồng, chứ không phải là “tự do” tùy tiện. Vì thế, “tự do” còn bao hàm ý nghĩa là sự tự nhận thức của con người về trách nhiệm của mình đối với bản thân và cộng đồng. Cũng vì thế, “tự do” luôn đòi hỏi sự nỗ lực và lòng quyết tâm của con người để thực hiện trách nhiệm đối với bản thân nói riêng và xã hội nói chung.
Cũng theo những luận giải đó, chúng ta có thể nói rằng, đó là “tự do” tuân theo “luật” - “quy luật đạo đức”. I.Kant viết: “Một người nào đó phán đoán rằng mình có thể làm một việc chỉ vì có ý thức rằng mình phải làm việc ấy, và nhận ra sự tự do nơi chính mình - một điều mà nếu không có quy luật luân lý ắt anh ta không bao giờ nhận ra được”(8). Vì thế, bên ngoài sự tác động của quy luật này, con người không bao giờ có “tự do”. Ông viết: “…ắt không ai dám du nhập sự tự do vào trong khoa học tự nhiên nếu không có quy luật luân lý và cùng với nó, nếu không có lý tính thực hành tham gia vào và buộc ta phải nghĩ tới khái niệm này”(9).
Cùng với sự phân chia hai thế giới, I.Kant cũng phân chia ra hai dạng quy luật: luật nhân quả của tự nhiên thuộc về thế giới hiện tượng, tồn tại trong thời gian; luật nhân quả của tự do thuộc về thế giới vật tự nó, tồn tại theo thời gian vô nghĩa. Điều này được I.Kant viết như sau: “Khái niệm về tính nhân quả xét như là sự tất yếu tự nhiên đối lập lại với tính nhân quả xét như là sự Tự do chỉ liên quan đến sự tồn tại của những sự vật trong chừng mực sự tồn tại ấy là có thể xác định được ở trong thời gian và do đó, như là những hiện tượng đối lập lại với tính nhân quả của chúng như là những vật tự nó”(10). Có thể nói, I.Kant là người theo lập trường nhị nguyên luận, lập trường này không chỉ được thể hiện rõ trong lý luận nhận thức của ông mà còn tiếp tục được phát triển trong cơ sở nhận thức của lĩnh vực thực tiễn.
Như vậy, từ quan niệm về tự do của I.Kant cho thấy, vai trò của tự do đối với đạo đức không chỉ ở trong phạm vi của việc thực hiện hành vi đạo đức mà còn ở trong sự sáng tạo những chuẩn mực đạo đức hay những quy luật đạo đức. Theo I.Kant, lý tính là cội nguồn duy nhất có thể sáng tạo ra quy luật đạo đức thông qua “sự kiện” (faktum) của lý tính. Nhưng để sáng tạo ra những quy luật này, lý tính phải tuân thủ theo những quy tắc riêng: “lý tính - vốn không thể bị đồi bại và có tính tự chế - lúc nào cũng đối chiếu châm ngôn của ý chí với ý chí thuần túy trong bất kỳ hành vi nào, nghĩa là, với chính mình, bằng cách xem chính mình như là có tính thực hành một cách tiên nghiệm”(11). Nghĩa là, lý tính khi sáng tạo ra quy luật đạo đức luôn phải gạt bỏ những điều kiện kinh nghiệm, tức là lý tính phải có tự do hay còn gọi là lý tính thuần túy. Do đó, nếu không có tự do tiên nghiệm thì lý tính không thể nhận ra được quy luật đạo đức. Tự do là cơ sở cho sự nhận thức và hành động theo quy luật đạo đức, chỉ trong tự do con người mới có thể thực hiện đời sống đạo đức. Như vậy, tự do là điều kiện, là nền tảng của đạo đức.
Có thể thấy, bản thân I.Kant ý thức rất rõ rằng, nếu không có “tự do”, con người sẽ luôn phải chịu sự điều khiển của những quyền lực từ bên ngoài, thậm chí, còn trở thành những cỗ máy biết vâng lời. Theo I.Kant, sự việc sẽ hoàn toàn khác, nếu “tiền - giả định” về “tự do” hiện hữu bên trong con người. Ông cho rằng, khi đó con người cũng sẽ đồng thời nhận thấy sự hiện hữu của một cái gì đó bên trong buộc bản thân phải tự suy xét lương tâm trước khi hành động, tức là một cái gì đó buộc con người phải có trách nhiệm trước hành vi của mình. Nhờ đó, con người không thể quy kết trách nhiệm cho bất kỳ nguyên nhân nào khác hoặc người nào khác ngoài chính bản thân mình. Về điều này, ông viết: Trong trường hợp, một ai đó thực hiện những hành vi trái đạo đức, anh ta luôn cố gắng tìm mọi cách biện hộ cho chính mình, song “anh ta cũng thấy rằng vị trạng sư biện hộ không có cách nào làm cho kẻ tố cáo ở ngay bên trong chính bản thân anh ta im lặng được, nếu chỉ cần anh ta nhận rõ rằng ngay trong giây phút phạm tội, anh đã hết sức tỉnh táo, nghĩa là đã có sự tự do”(12). Có thể nói, với I.Kant, “tự do” có một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người.
2. Giá trị và hạn chế của quan niệm “tự do” trong đạo đức học I.Kant
Trên cơ sở trình bày và phân tích những luận giải của I.Kant về “tự do”, chúng tôi nhận thấy, I.Kant đã có những đóng góp không nhỏ vào nhận thức về sự phát triển con người cũng như xã hội loài người. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh như sau:
Một là,“tự do” mà I.Kant quan niệm trong đạo đức học của ông là “tự do” tuân theo luật (quy luật đạo đức).
Đối lập hoàn toàn với “tự do” tùy tiện, vô tổ chức, tự do trong quan niệm của I.Kant là tự do có được khi nào con người hành động theo nguyên tắc đạo đức: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến”(13) thì, con người mới có “tự do” thực sự; trái lại, bên ngoài nguyên tắc đạo đức này con người không thể nói gì về “tự do”. Nói cách khác, với I.Kant, nếu không có nguyên tắc đạo đức thì không có “tự do”. Theo đó, ông cũng cho rằng, “tự do” của mỗi cá nhân với tư cách công dân của xã hội đã bao hàm trong nó sự tồn tại của những nguyên tắc đạo đức. Nói cách khác, “tự do” của mỗi cá nhân luôn gắn liền với hành vi đạo đức. Chính vì thế, chúng ta có thể nói rằng, “tự do” của I.Kant là cơ sở cho việc xây dựng một xã hội đạo đức và văn minh, trong đó, bao gồm những con người luôn sống và hành động theo các nguyên tắc đạo đức.
Ở khía cạnh trên đây cho thấy, nếu xem xét trong bối cảnh Việt Nam chúng ta nhận ra rằng, cũng giống quan niệm của C.Mác về giá trị tự do, khái niệm “tự do” của I.Kant có ý nghĩa giáo dục tích cực nhất định. Hiện nay, ở Việt Nam nhiều người vẫn quan niệm, “tự do” là sự thỏa mãn sở thích của cá nhân, thậm chí còn cường điệu hóa sở thích cá nhân, mà lãng quên đi những nguyên tắc đạo đức, pháp luật. Chính vì thế, việc trở lại tìm hiểu và luận giải khái niệm “tự do” trong đạo đức học của I.Kant là một việc làm có ý nghĩa, bởi nó giúp chúng ta nhận thức được bản chất của “tự do”: “tự do” không phải là sự thỏa mãn sở thích cá nhân, mà trái lại “tự do” luôn gắn liền với những nguyên tắc đạo đức, pháp luật và trách nhiệm của cá nhân trước bản thân cũng như cộng đồng.
Hai là,“tự do” trong quan niệm của I.Kant đòi hỏi con người không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo các nguyên tắc đạo đức để làm chủ chính mình trong mọi tình huống.
Rõ ràng, với ông, “tự do” không phải là con đường hay cách thức để con người hưởng sung sướng, mà trái lại, đó là con đường của sự khổ luyện để con người trưởng thành về mặt đạo đức và nhân cách. I.Kant quan niệm “hạnh phúc” đồng nghĩa với phần thưởng quý giá và thiêng liêng dành cho sự khổ luyện của con người chứ không phải là sự sung sướng hay thỏa mãn nhu cầu, dục vọng của cá nhân. Không những thế, “tự do” của I.Kant còn đòi hỏi con người phải thực hiện trách nhiệm đạo đức với tha nhân và xã hội. Ông cho rằng, con người tự do là con người luôn nhận thức một cách rõ ràng về trách nhiệm đạo đức của chính mình. Hơn thế, “tự do” của I.Kant cũng đòi hỏi con người phải tôn trọng “nhân tính” của bản thân và tha nhân theo nguyên tắc đạo đức: “Hãy hành động sao cho việc sử dụng nhân tính nơi bản thân mình cũng như nơi những chủ thể khác luôn luôn như một mục đích chứ không phải như là một phương tiện”(14). Với tất cả lý do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, khái niệm “tự do” của I.Kant có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục và phát triển nhân cách của con người.
Ngày nay, nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ thường hiểu khái niệm “tự do” theo nghĩa thực dụng, đó là sự hưởng thụ những gì sẵn có và hành động theo sở thích cá nhân, mà không cần đến sự rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Chính cách hiểu đó đã dẫn đến căn bệnh lười biếng, lối sống buông thả, phóng khoáng, vô tổ chức, vô kỷ luật… Vì thế, việc tìm hiểu về khái niệm “tự do” của I.Kant là một việc làm cần thiết, bởi nó giúp chúng ta nhận thức một cách đúng đắn về vai trò của khái niệm này đối với việc giáo dục và phát triển nhân cách con người: “tự do” chính là cơ sở của sự rèn luyện, tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người chứ không phải là sự lãng quên hay đánh mất nhân cách con người.
Ba là, tự do trong quan niệm của I.Kant chính là xuất phát điểm và cơ sở giúp con người nhận thức được những giá trị đạo đức tốt đẹp.
Trong các tác phẩm viết về đạo đức học của mình, I.Kant khẳng định rằng, “tự do” là cơ sở dẫn dắt con người nhận thức về những nguyên tắc đạo đức hiện hữu nơi bản thân mình, nhờ đó nhận thức được những giá trị đạo đức tốt đẹp (cái “thiện tối cao”). Nói cách khác, khái niệm “tự do” của I.Kant có vai trò quan trọng trong việc mang lại cho con người niềm tin - niềm tin vào những giá trị đạo đức tốt đẹp. Rõ ràng với ông, “tự do” dù chưa thể mang lại cho con người sự sung sướng về vật chất, nhưng nó có thể mang lại niềm vui sướng về tinh thần, nhất là khi con người nhận biết được những giá trị đạo đức tốt đẹp hay sự trưởng thành về nhân cách của chính mình. Như vậy, với khái niệm “tự do”, I.Kant không chỉ đòi hỏi con người phải khổ luyện để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức của chính mình mà còn mang lại cho con người niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp trên thế gian này. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong khái niệm tự do của I.Kant.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, niềm tin của con người vào những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc dường như đang bị phai mờ theo thời gian, chính vì thế, không ít người đã lãng quên hoặc từ bỏ hoàn toàn những giá trị tốt đẹp ấy để mải miết chạy theo lối sống tự do thực dụng kiểu phương Tây một cách mù quáng. Trong bối cảnh như vậy, tham chiếu theo khái niệm “tự do” của I.Kant cho chúng ta thấy ý nghĩa quan trọng của nó trong việc thức tỉnh con người, rằng ở đây “tự do” không phải là việc con người hành động một cách bừa bãi theo sở thích nhất thời mà phải luôn đặt nó vào mối liên hệ với trách nhiệm và niềm tin - niềm tin vào những giá trị đạo đức tốt đẹp mà con người có thể đạt được sau khi hoàn thành nghĩa vụ đạo đức của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, quan niệm của I.Kant về “tự do” cũng có những hạn chế nhất định:
Thứ nhất,“tự do” trong quan niệm của I.Kant là thứ “tự do” trừu tượng, phi lịch sử.
Theo I.Kant, tự do chính là sự giải phóng con người khỏi tất cả những ham muốn, dục vọng của bản thân, độc lập hoàn toàn với không gian, thời gian và các quy luật nhân quả của thế giới tự nhiên. Kant coi đó là sản phẩm thuần túy của thế giới bên trong con người (thế giới siêu cảm tính), do đó con người không thể sử dụng những kinh nghiệm sẵn có để chứng minh về sự tồn tại của nó. Theo ông, cách thức duy nhất để con người nhận biết về “tự do” là hành động theo mệnh lệnh của những nguyên tắc đạo đức mà lý tính thiết lập. Ông còn gọi đó là “tự do tiên nghiệm” hay “tự do nội tâm”. Chính vì thế, chúng ta có thể nói rằng, “tự do” của I.Kant là thứ “tự do” trừu tượng, phi lịch sử.
Thứ hai,“tự do” trong quan niệm của I.Kant là thứ “tự do” phi thực tế.
Tự do trong quan niệm của I.Kant đòi hỏi con người phải hạn chế, hy sinh những ham muốn, sở thích, dục vọng cá nhân, dành toàn bộ sức lực và tâm trí để tuân thủ mệnh lệnh của những nguyên tắc đạo đức. Hơn thế, nó còn đòi hỏi con người luôn phải hành động sao cho “châm ngôn của ý chí” có thể trở thành một quy luật đạo đức phổ quát cho toàn xã hội. Nói cách khác, nó đòi hỏi con người phải sử dụng lý trí của bản thân vào việc thiết lập nên những quy tắc đạo đức chung cho toàn xã hội. Với những yêu cầu đó, chúng ta thấy, “tự do” của I.Kant không chỉ mang tính trừu tượng, phi lịch sử, mà còn phi thực tế. Bởi lẽ, con người với tư cách những hữu thể cảm tính và hữu hạn không bao giờ có thể trở thành những con người “tự do” như I.Kant mong muốn. Rõ ràng, chúng ta chỉ có nhìn nhận khái niệm “tự do” của I.Kant ở khía cạnh là một lý tưởng mà con người luôn khao khát đạt được.
Thứ ba, I.Kant đã quá đề cao “tự do cá nhân”, coi “tự do cá nhân” là cơ sở, nền tảng để xây dựng toàn bộ toà nhà đạo đức học của mình.
Mặc dù, ông đặt “tự do cá nhân” trong mối liên hệ với nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức, nhưng trên thực tế, mỗi cá nhân chỉ là một hữu thể hữu hạn và không hoàn hảo, do đó thường xuyên có xu hướng chối bỏ nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức của bản thân. Vì thế, I.Kant đã viện dẫn đến “Thượng đế” và “sự bất tử của linh hồn” như là điều kiện để buộc mỗi cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ và trách đạo đức của mình, tức là trở thành cá nhân tự do như ông mong muốn. Nói cách khác, với I.Kant, mỗi cá nhân chỉ có thể đạt đến “tự do” thực sự khi họ ở trong “vương quốc của Thượng đế”. Như vậy, I.Kant đã đặt “tự do cá nhân” trong mối liên hệ với “đức tin” vào sự hiện hữu của “Thượng đế” và “sự bất tử của linh hồn”. Ở khía cạnh này, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định rằng, “tự do” của I.Kant là “tự do” trừu tượng và phi hiện thực.
Tóm lại, với vai trò là phạm trù nền tảng trong đạo đức học của I.Kant, tự do giữ vai trò cơ sở để giải quyết mọi vấn đề đạo đức và là sự bảo đảm vững chắc nhất cho sự tồn tại của đời sống đạo đức. Quan niệm về “tự do” mà I.Kant đưa ra và luận giải có ý nghĩa nhân văn sâu sắc không chỉ đối với thời đại của ông, mà còn với thời đại của chúng ta ngày hôm nay./.
_______________________________
(1), (2), (3), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14) Immanuel Kant (2007), Phê phán lý tính thực hành, Dịch và chú giải: Bùi Văn Nam Sơn, Nxb.Văn học, tr.278, 1176, 8, 225 - 226, 862 - 863, 170 - 171, 169, 56, 55, 168, 58, 174, 76.
(4) Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học Kant, Nxb. Văn hóa Thông tin.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 4.2021
Bài liên quan
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
- Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
- Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
- Lịch sử hình thành khái niệm văn hóa đại chúng ở phương Tây
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Một trật tự toàn cầu mới đang được định hình, điều đó cũng đồng nghĩa với một sự đòi hỏi về cách tiếp cận an ninh mới do những luật chơi mới định hình. Chiến tranh lai cùng với tiến trình chuyển đổi số đang đặt ra một sự tác động đồng thời, thay đổi bản chất sức mạnh của mỗi quốc gia. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tư duy mới về an ninh, tư duy phức hợp, để có thể đồng lúc nhìn thấy từ nhiều chiều kích khác nhau, những tác động an ninh trong một tương quan tổng thể. Thay vì tập trung vào các danh mục của các mối đe dọa, ngăn chặn và phòng ngừa, vấn đề an ninh quốc gia hiện nay được chuyển hướng vào một mục tiêu duy nhất đó là an ninh quốc gia tổng thể, việc ngăn chặn và phòng ngừa cũng phải chuyển hướng sang thích ứng và phản ứng linh hoạt hiệu quả trước mọi tình huống, bằng mọi biện pháp và từ mọi điểm tiếp cận. Các trọng tâm chiến lược cho an ninh quốc gia cũng chuyển từ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc ưu tiên, sang việc dịch chuyển liên tục các mục tiêu theo hướng tấn công vào bất kỳ điểm tiếp cận nào có thể làm suy yếu theo hiệu ứng mạng lưới một cách nhanh nhất sức mạnh quốc gia. Những thách thức mới này, do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận phức hợp về an ninh và hình thành nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới - trong đó an ninh truyền thống và các vấn đề phi truyền thống hòa nhập thành một tổng thể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
(LLCT&TT) Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp qui luật.
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.
Bình luận