Tìm hiểu chính sách dân số của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1961 đến nay
Vấn đề dân số đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu. Theo số liệu thống kê, năm 1999 dân số thế giới là 6 tỷ người. Hàng năm dân số thế giới tăng trung bình từ 80 - 90 triệu người. Dự báo đến 2005 là 8 tỷ người và có thể đạt tới 17 tỷ người trước khi có sự ổn định về dân số thế giới. Gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng đến quá trình phát triển của từng quốc gia và toàn thế giới. Gia tăng dân số nhanh góp phần làm căng thẳng thêm các vấn đề toàn cầu như: cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu, sự quá tải dân cư ở các thành phố lớn, không đáp ứng đầy đủ những nhu cầu sống cơ bản như lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, nhà ở... của người dân. Nhằm giảm bớt sự gia tăng dân số thế giới vẫn đang ở mức đáng lo ngại, ngày 11.7 hàng năm được chọn làm ngày dân số thế giới. Hạn chế tốc độ gia tăng dân số, góp phần ổn định quy mô dân số thế giới là vấn đề có ý nghĩa cấp bách toàn cầu hiện nay.
Ở nước ta, theo số liệu tổng điều tra dân số ngày 1.4.1999, dân số nước ta là 76.327.919 người. Là nước đông dân thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 13 trong tổng số trên 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với diện tích 330.000 km2, trong đó 3/4 là núi rừng. Dân số là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Với dân số đông, nước ta có nguồn lao động dồi dào, có thị trường tiêu thụ rộng lớn trong nước. Song trong điều kiện nước ta hiện nay, dân số đông là một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.
Từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân số, có tầm nhìn chiến lược đối với công tác dân số mà mục đích tối cao của nó là:” Vì sức khoẻ người mẹ, vì hạnh phúc và sự hoà thuận của gia đình để nuôi dạy con cái được tốt...”.
Chính sách dân số hướng tới giảm sinh ở Việt Nam ra đời cách đây hơn 40 năm được đánh dấu bằng Quyết định 216/CP ngày 26.12.1961 của Hội đồng Chính phủ. Lúc đó dân số nước ta có khoảng 30 -31 triệu người, chưa bằng nửa số dân hiện nay .
Ngày 16.10.1963, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 99-TTG “Về công tác hướng dẫn sinh đẻ” nhằm giảm tốc độ tăng dân số trên toàn miền Bắc từ 3,5% xuống 2,5% và còn 2%. Tiến tới mỗi gia đình chỉ có 2-3 con, khoảng cách mỗi lần sinh từ 5-6 năm.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, ngày 13.5.1970, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 94 - CP “Về cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch”, nhấn mạnh: phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trong tất cả các tỉnh, thành, phấn đấu trong vòng vài năm tỉ lệ phát triển dân số ở miền Bắc xuống còn từ 2,2- 2,4%, trong đó các thành phố còn từ 1,9- 2%; các tỉnh đồng bằng còn từ 2,3-2,5%; khuyến khích phát triển dân số đối với các dân tộc thiểu số ở vùng núi, rẻo cao.
Sau khi miền Nam giải phóng, việc giảm tỉ lệ gia tăng dân số được đặt ra trong phạm vi cả nước. Đại hội IV của Đảng (12.1976) khẳng định phải: “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, quyết tâm giảm dần tốc độ gia tăng dân số hàng năm, phấn đấu đến năm 1980 tỉ lệ tăng dân số là trên 2% một ít. Mọi ngành, mọi cấp phải coi trọng cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công tác có tầm quan trọng to lớn, có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân ta”(1).
Để đạt mục tiêu trên, Hội đồng Bộ trưởng ra một số chỉ thị nhằm đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, song kết quả đạt được còn thấp.
Vì vậy, Đại hội V của Đảng (3.1982) nhấn mạnh: tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch là một công việc cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội mà tất cả các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phải hết sức quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết hạ tỷ lệ phát triển dân số đến mức hợp lý.
Mục tiêu là: “Giảm tốc độ tăng dân số bình quân cả nước từ 2,4% hàng năm xuống 1,7% vào năm 1985”(2) nhưng do nhiều yếu tố nên không đạt được tỷ lệ 1,7% năm 1985.
Trước tình hình dân số trở thành vấn đề gay gắt, tại Đại hội lần VI (12.1986), Đảng đã khẳng định, tình hình kinh tế- xã hội của đất nước đòi hỏi giảm tỉ lệ phát triển dân số từ 2,2% xuống 1,7% vào năm 1990 và yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ y tế xã, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch ở huyện, động viên thanh niên gương mẫu thực hiện cuộc vận động này(3) .
Để triển khai các chủ trương, chính sách về dân số, bộ máy tổ chức thực hiện công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình cũng dần dần hoàn thiện. Năm 1963, Uỷ ban bảo vệ bà mẹ trẻ em lập ra các tổ chức để chỉ đạo công tác dân số kế hoạch hoá gia đình. Năm 1975, Hội đồng Bộ trưởng quyết định chuyển giao công tác sinh đẻ có kế hoạch cho Bộ y tế. Năm 1984, Uỷ ban quốc gia dân số kế hoạch hoá gia đình được thành lập (Bộ Y tế vẫn giữ chủ chốt dịch vụ tránh thai). Hiến pháp, Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân quy định trách nhiệm thực hiện kế hoạch hoá gia đình của mỗi người. Quyết định 162 của Hội đồng Bộ trưởng (1988) đã quy định một số chính sách, khuyến khích và không khuyến khích (nhà ở, đất đai canh tác, dịch vụ xã hội, thi đua khen thưởng...) trong việc thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình. Tuy nhiên, trong 14 năm, tính từ 1976 - 2000 mặc dù thu nhập quốc dân trong nước (GDP) tăng 164,7% nhưng dân số cũng tăng 134,7% nên thu nhập bình quân đầu người hầu như không tăng. Từ thực tế đó, Đại hội lần thứ VII của Đảng (6.1991) khẳng định: Phải thực hiện đồng bộ chiến lược dân số trên cả ba mặt: quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bố dân số; giảm tỷ lệ phát triển dân số mỗi năm khoảng 0,4 - 0,6 phần nghìn và coi việc “giảm tốc độ tăng dân số là một quốc sách”(4).
Tháng 6.1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình (gọi tắt là Uỷ ban quốc gia dân số) trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, với chức năng: tham mưu, xây dựng kế hoạch, tổ chức điều phối các hoạt động về dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình. Điều đó chứng tỏ, trong mọi thời kỳ, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình, thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Việc đảm bảo dân số ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chất lượng cuộc sống của từng thành viên cộng đồng không ngừng được cải thiện là yêu cầu đặt ra đối với mọi dân tộc, mọi đất nước nhất là trong thời kỳ mới hiện nay.
Muốn đạt được mục tiêu đó phải quan tâm sâu sắc đến dân số và phát triển. Dân số và phát triển có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Vì vậy, phải phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, giải phóng con người.
Từ năm 1992, Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt đến chất lượng dân số. Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần 4 (khoá VII), năm 1993 chỉ rõ: “Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế- xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội”.
Tiếp đó, ngày 3.6.1993, Chính phủ ra Quyết định số 270-TTG phê duyệt “Chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình đến năm 2000”.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta nhận định: đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, chính trị ổn định; đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ngày càng được cải thiện; quan hệ đối ngoại rộng mở, uy tín nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đảng chủ trương thực hiện chiến lược công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tại Đại hội lần thứ VIII (6.1996) Đảng chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần và thể lực của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và hội nhập vào cộng đồng quốc tế”(5).
Quan điểm về dân số và phát triển của Đảng được thể hiện sâu sắc ở Đại hội lần thứ IX (4.2001) và trong Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010. Đại hội chỉ rõ: tiếp tục giảm tốc độ tăng dân số, sớm ổn định ở mức hợp lý; giải quyết đồng bộ, từng bước và có trọng điểm chất lượng dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư và giải quyết việc làm, làm lành mạnh xã hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản- kế hoạch hoá gia đình(6).
Từng buớc đổi mới nhận thức về vấn đề dân số, mối quan hệ giữa dân số và phát triển, chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống.
Thực hiện chủ trương, chính sách dân số của Đảng, Nhà nước trong 40 năm (1961-2001), toàn quốc đã phát động được phong trào sinh đẻ có kế hoạch, từng bước huy động được các ngành, các lực lượng xã hội tham gia, đặc biệt là ngành y tế, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động. Một số tỉnh thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình như Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh...
Chương trình kế hoạch hoá gia đình có bước chuyển biến rõ rệt, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 6 con (1960) xuống còn 2,1 con như hiện nay. Cuộc vận động “dù gái hay trai chỉ hai là đủ”, “dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” đã được nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai tăng nhanh. Tỷ lệ sinh giảm từ 25,3%0 năm 1994 xuống còn 22,3%0 năm 1995. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2000 giảm tỷ lệ tăng dân số xuống còn 1,7% đã giảm xuống còn 1,4%. Ngày càng có nhiều người kết hôn muộn, đẻ con muộn, đẻ thưa, đẻ ít để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Đông đảo phụ nữ đã hiểu rằng, thực hiện kế hoạch hoá gia đình sẽ giúp họ giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ, phát triển tài năng tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội, nâng cao địa vị của người phụ nữ. Không những thế, chất lượng cuộc sống cũng ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, những kết quả của việc thực hiện chính sách dân số trong mối quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2001 mới chỉ là bước đầu và chưa vững chắc. Tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên còn chiếm 25% tổng số người nạo phá thai (khoảng 300.000 ca mỗi năm). Tỷ lệ sinh con thứ ba giảm chậm. Năm 2003 - 2004 gia tăng dân số nhanh đáng lo ngại. Một số dịch bệnh đe doạ ở một số vùng và có nguy cơ phát triển; “số người lây nhiễm HIV ngày càng tăng”(5) ; tỷ lệ gái mại dâm ở tuổi vị thành niên trong số gái mại dâm tăng. Tốc độ giảm tỷ lệ tăng dân số chậm so với các nước trong khu vực (các nước trong khoảng 15 - 20 năm giảm số con trung bình 6 con xuống 4 con). Tư tưởng nhiều con, nhiều của, trọng nam khinh nữ còn nặng... Nếu không giảm tỷ lệ gia tăng dân số nhanh thì nước ta sẽ có nguy cơ bùng nổ dân số. Và như vậy, khó thoát ra khỏi sự nghèo đói theo tiêu chí của thế giới. Từ những kinh nghiệm thành công và chưa thành công, từ những tồn tại và yếu kém của công tác dân số trong thời gian gần đây, đòi hỏi phải được đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực.
Theo chúng tôi, trước mắt cần quan tâm những vấn đề sau:
1. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi và sâu sắc Pháp lệnh dân số đến mọi người dân, làm cho mọi người hiểu đúng và đầy đủ pháp lệnh này. Thực hiện mô hình gia đình ít con, khoẻ mạnh để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì trên thực tế, từ khi Pháp lệnh dân số có hiệu lực (2003), không ít người hiểu không đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước dẫn đến tình trạng gia tăng dân số. Nếu không duy trì xu thế giảm sinh một cách vững chắc thì khó đạt chỉ tiêu đến năm 2005 dân số nước ta là 83 triệu người và đến năm 2010 dân số khoảng 88,89 triệu người như Chiến lược dân số Việt Nam (2001 -2010) đề ra.
2. Mở rộng và nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình. Giải quyết từng bước có trọng điểm các nội dung liên quan đến vấn đề dân số và phát triển. Chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực.
3. Cần xác định rõ việc thực hiện chiến lược dân số là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Nhận thức đúng đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho sự phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp.
Thực hiện được những vấn đề cơ bản đó, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2001-2010 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ thứ IX là: “Đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kiến trúc thượng tầng định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao”(6).
_________________________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4).2005
(1) Văn kiện Đại hội Đảng IV, ST, HN, 1976.
(2) Văn kiện Đại hội Đảng V, ST, HN, 1982.
(3) Văn kiện Đại hội Đảng VI, ST, HN, 1986.
(4) Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, ST, HN, 1991.
(5) Văn kiện Đại hội Đảng VIII, Nxb CTQG, HN, 1996.
(6) Văn kiện Đại hội Đảng IX, Nxb CTQG, HN, 2001.
TS Hoàng Thị Điều
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận