Trần Thanh Phương: Nhà báo viết sử
Tôi biết anh Phương qua những trang sử của Báo Nhân Dân, gặp người và được quen biết với anh qua nhà thơ Lê Quang Trang, Trưởng Ban Nhân Dân cuối tuần, sau này là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết.
Người lưu giữ nhiều hiện vật quý giá
Tôi đến hôm ấy để nói lời tạ lỗi với anh vì mấy lần anh viết thư cho tôi, thậm chí có lần ra Hà Nội, đến Tòa soạn Báo Nhân Dân đề nghị cho anh xin ảnh, và chép cho anh mấy bài thơ mình yêu thích để làm cuốn sách chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam. Nhưng, mục đích quan trọng hơn, tôi muốn hỏi chuyện về anh để viết về một con người mà tôi rất kính trọng về nhân cách; một phóng viên, theo tôi nghĩ, đã làm nên niềm tự hào cho Báo Nhân Dân, đáng để các thế hệ làm Báo Nhân Dân sau này biết đến, phấn đấu theo bước chân của những người đi trước.
Ngồi một lúc thì nhiều bạn đại học của anh cùng đến chơi. Tuy vậy, mọi người vẫn “ưu tiên” cho tôi vì ai cũng thấy rằng, viết về anh Phương, về những công việc anh Phương đã làm là rất đích đáng, càng đáng để viết trên Báo Nhân Dân. Vả lại, vào lúc này anh không còn được khỏe như trước.
Lúc đó, anh đã linh cảm ngày đi xa đang đến gần. Anh nói với tôi: “Không ai làm hết được những điều mơ ước của mình trong một cuộc đời. Ai rồi cũng có một điểm dừng”.
Điểm dừng ấy của anh vào đúng 12h30 ngày 7/2/2020, lập xuân vừa được mười ngày. Trong niềm tiếc thương, vì sự ra đi đột ngột của anh, tôi có một niềm an ủi: Anh đã sống thêm một mùa xuân, đã vui qua Tết với chị Hương và gia đình Anh đã bỏ tục hóa tiên khi những mơ ước của mình đã trọn.
Hai vợ chồng anh Trần Thanh Phương - chị Phan Thu Hương được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập 3 kỷ lục là: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam; Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam; Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam. Và hầu hết những di sản quý giá ấy, anh chị đã hiến tặng cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Báo chí Việt Nam...
Con đường đến “71 Hàng Trống”
Ở phố Hàng Trống, có một số nhà đặc biệt, đó là số 71, một phía nhìn ra Hồ Gươm, một phía đối diện với Nhà thờ Lớn, đó là trụ sở Báo Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với sức mạnh của Đồng khởi (1960), đặc biệt là với chiến thắng Ấp Bắc 1963 của ta, đế quốc Mỹ nhận thấy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (ra đời 1961) nhằm bình định Miền Nam trong vòng 18 tháng bị phá sản; chính quyền Giôn-xơn chủ trương gây sức ép tối đa bằng cách đưa quân đội vào Miền Nam để Mỹ hóa chiến tranh, đưa chiến tranh phá hoại bằng không quân và Hải quân ra Miền Bắc. Với chiến dịch Mũi tên xuyên, ngày 5/8/1964, Mỹ đã cho không quân, hải quân bắn phá Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh, Hải Phòng và Bãi Cháy, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại.
Vào năm 1964 - 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào Miền Nam. Đó là các Sư đoàn bộ binh 1 (Anh cả đỏ), Sư đoàn kỵ binh không vận 1, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn Kỵ binh không vận 101 (Thiên thần mũi đỏ), Lữ đoàn 3, Sư đoàn bộ binh 25 (Tia chớp nhiệt đới), Trung đoàn kỵ binh thiết giáp 11 v.v.. cùng hàng chục vạn tấn phương tiện chiến tranh.
Lực lượng đánh thuê có quân số 20.500 binh lính, gồm Sư đoàn bộ binh Mãnh hổ, Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Rồng xanh Hàn Quốc, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia Australia, Trung đoàn Thái Lan, Đại đội pháo binh New Zealand và nhiều nước khác. Cộng vào đó là 52 vạn lính Việt Nam Cộng hòa, sau này phát triển lên thành hơn một triệu quân.
Trong bài báo “Mỹ hoạt động hòa bình giả để mở rộng chiến tranh thật” trên Báo Nhân Dân số ra ngày 8/1/1966, Bác Hồ với bút danh Chiến Sĩ viết: “Tháng 3/1965 ở Miền Nam có độ 31.600 tên lính Mỹ. Từ tháng 4/1965, tổng Giôn bắt đầu quảng cáo cái món “đàm phán không điều kiện” thì số quân đội Mỹ sang Miền Nam ồ ạt tăng thêm. Tháng 5 là 48.500 tên. Tháng 7 là 79.600 tên. Tháng 10 là 148.000 tên. Tháng 12 là 184.000 tên.”
Chiến tranh lan ra cả nước và càng ngày càng trở nên ác liệt. Miền Bắc chuyển từ thời bình sang thời chiến. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước:
“Giôn-xơn và bè lũ phải biết rằng, chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của Nhân Dân Việt Nam anh hùng. Chúng càng hung hăng thì tội của chúng càng thêm nặng. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân Dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, Nhân Dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Cả nước một ý chí đanh thép: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”! Nhiều sinh viên đại học, thanh niên đô thị hăng hái tòng quân. Báo Nhân Dân cũng tăng cường lực lượng, tuyển chọn những sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ các trường đại học, nhất là sinh viên Văn - Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Sư phạm Hà Nội để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Là sinh viên năm cuối của Đại học Sư phạm Hà Nội, đang tập quân sự tại huyện Phù Cừ, Hưng Yên, Trần Thanh Phương được một cán bộ tổ chức của Báo Nhân Dân đến tận nơi hỏi: “Báo Nhân Dân đề nghị anh về làm phóng viên, anh chấp thuận không”? Chưa hề nghĩ đến chuyện làm báo, nhưng do ý thức tổ chức kỷ luật và uy danh của Báo Nhân Dân, anh đồng ý. Đó là năm 1967.
Và anh được biên chế vào Ban Miền Nam của báo (lúc đó do Trần Kiên làm Trưởng ban). Tổ chức tìm đến anh Phương vì anh là sinh viên xuất sắc, hơn nữa, anh lại là người Miền Nam, có tình cảm đặc biệt với Miền Nam.
Nhiều thời kỳ, Báo Nhân Dân đã có những cách chọn người phù hợp với công việc, tạo nên sự kế tục đẹp đẽ giữa các thế hệ.
Vào Báo Nhân Dân cùng năm 1967 với Trần Thanh Phương có các anh chị tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và được đào tạo cơ bản tại các trường đại học trong và ngoài nước khác như Vũ Công Thạo, Trung Đông, Duy Phục, Quốc Vinh, Lương Khôi, Chiêu Nghi... Sau năm đó là Hồng Vinh, Nguyên Thao, Anh Trang, Hoàng Huy, Hồng Khanh, Minh Sơn và các học sinh được tuyển lựa từ cấp 3 để đào tạo tại Báo như Khắc Thuyết, Đinh Luyện, Kim Anh, Kim Dung, Phạm Thị Sửu, Lưu Bích Hoằng...
Trần Thanh Phương thường được cử đi các đơn vị bộ đội Miền Nam tập kết, các trường học sinh Miền Nam, theo dõi chiến sự để viết bài. Trong một lần đến Bệnh viện E (bệnh viện dành riêng cho cán bộ Lào, cán bộ từ Miền Nam ra) anh phát hiện ra một thiếu niên anh hùng của Huế. Và bài viết “Mười lăm tuổi hai lần dũng sĩ” được đăng trên trang 3 Báo Nhân Dân số thứ 2 ngày 16/12/1968. Ngay trưa hôm đó, anh được Tổng Biên tập Hoàng Tùng gọi lên gặp.
Đang mùa lạnh mà mồ hôi anh túa ra như tắm. Ông Hoàng Tùng nổi tiếng hắc xì dầu, ở báo ai cũng sợ. Chắc bài mình có gì sai sót, ông gọi lên để xát xà phòng đây! Nhưng không ngờ, anh được khen và nói nhà thơ Tố Hữu muốn gặp tác giả. Thật là vinh dự! Từ bài báo và tư liệu của Trần Thanh Phương (bút danh Trần Thanh) mà Tố Hữu làm được bài thơ “Chuyện em Hòa: Tên em là Nguyễn Văn Hòa - Mẹ em thường gọi em là “cu theo”...
Người thờ chữ
Trần Thanh Phương có tên khai sinh là Nguyễn Văn Phương, sinh ngày 23/9/1940 tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân tỉnh Cà Mau, con ông Nguyễn Văn Biện, một nông dân yêu nước thường nuôi giấu và liên lạc cho cán bộ. Anh tham gia cách mạng năm 14 tuổi và tập kết ra Bắc năm 1955 trên chuyến tàu của Ba Lan, khai tên theo tên người anh họ là Trần Thanh Phương.
Khi về Báo Nhân Dân, tuy là người Miền Nam nhưng còn nhỏ tuổi và ở tít đất mũi, anh chưa hiểu về Miền Nam mấy. Cho nên, đọc báo, thấy có bài viết về Miền Nam là anh cắt dán lại để tham khảo. Công việc cắt dán báo, sưu tầm tư liệu của anh bắt đầu từ đấy.
Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, anh gặp chị Phan Thu Hương, một nữ sinh Văn khoa dịu dàng và lãng mạn tại Mỹ Hào, nơi sơ tán và bén duyên từ đấy. Chị Hương học sau anh một lớp, quê Thanh Khê, Thanh Chương, một vùng đất học của xứ Nghệ. Ra trường, chị Hương làm ở Báo Người Giáo viên nhân dân, sau về dạy văn tại Trường cấp 3 hữu nghị Việt Nam - Ba Lan.
Vốn yêu văn chương và để bài giảng của mình sâu sắc hơn, chị thường cắt dán những bài báo viết về các tác giả, tác phẩm trong sách giáo khoa. Sự say mê của hai anh chị giống nhau, anh Phương dạy chị cách ghi rõ nguồn, tập trung theo chuyên đề; còn chị là người nỗ lực tìm báo và cắt dán.
Thờ chữ, tôn trọng tri thức chính là phẩm chất của một anh sư phạm; điều kiện để làm tốt việc này là anh nhà báo. Cộng vào đó là tình yêu vô hạn của anh chị đối với Bác Hồ, Bác Tôn, yêu Cách mạng và các văn nghệ sĩ. Chính điều này đã khiến anh chị đạt được nhiều kỷ lục trong việc sưu tầm.
Bộ sưu tập các bài báo về Bác Hồ gồm 3.500 bài được đóng trong 7 tập khổ A3.
Cùng đó là sưu tập về lịch sử, di tích, ẩm thực, trang phục Việt Nam, nghề truyền thống, thiên tai, tư liệu về Trường Sa - Hoàng Sa, các sự kiện nổi bật như việc lật đổ Ngô Đình Diệm, vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng Epco, vụ sập cầu Cần Thơ, vụ khủng bố 11/9, tư liệu về Trường Sa - Hoàng Sa...
Tổng cộng ông đã thực hiện hơn 120 tập tư liệu. Ngoài các tài liệu, tư liệu, đặc biệt có cuốn “Đất nước tôi: Sưu tập các bài báo” có kích thước lớn nhất Việt Nam (120cm x 80cm, nặng 87kg) gồm hơn 10 nghìn bài báo, và bộ sưu tập 700 chân dung, bút tích các nhà văn Việt Nam từ những người xưa như Quách Tấn và các nhà thơ mới, các nhà văn trong Tự lực văn đoàn.
Khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, ông rất vui, góp nhiều ý kiến xây dựng Bảo tàng và hiến tặng, chuyển nhượng hơn 1.000 tư liệu, hiện vật quý như tập lưu Gia Định báo, tập lưu Báo Dân chủ, Báo Giải phóng, Sưu tập ảnh đen trắng: “Tội ác của quân đội Cam-pu-chia ở xã Ba Chúc, huyện Bảy Núi tỉnh An Giang và nhiều hiện vật liên quan đến Báo Nhân Dân như bộ sưu tập báo, giấy giới thiệu công tác, ảnh chụp nhà báo Đinh Phong đón các tù binh được trao trả...
Chị Phan Thu Hương kể: Khi ở trong tập thể Báo Giải phóng 150 Đồng Khởi, gia đình chúng tôi ở lầu 3, nhà thơ Chế Lan Viên ở lầu 4. Gặp tôi, anh hỏi thăm. Tôi thưa tôi là Hương, vợ nhà báo Trần Thanh Phương. Chế Lan Viên nói ngay: “Tôi rất phục hai loại người: Người có tài và người có tài liệu. Phương không biết tài đến đâu nhưng Phương có tài liệu”!
Khi viết đến đây, khi nắp quan tài anh đã đóng, tôi cũng không biết anh có tài đến đâu. Nhưng tôi vô cùng khâm phục trước những cuốn sách anh đã viết: San hô đỏ (xuất bản năm 1975); Trong rừng dẻ hương; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau (1987); Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006). Nhật ký: Sài Gòn tầng cao - Sài Gòn tầng thấp (2000); Ngòi bút và cây kéo (Hồi ký, 2008).
Truyện ngắn: Tuyển tập ngắn, in chung (1975). Truyện dài: Phương Đông (1980). Sưu khảo: Những người còn sống mãi (1980); Những trang về An Giang (1984); Minh Hải địa chí (1985); Bác Tôn của chúng ta (Sưu tập, 1988); Cửu Long địa chí (1988); Bác Hồ của chúng ta (1989); Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ (2001); Nghệ sĩ Bạch Tuyết - cải lương Chi Bảo (2004); 100 sự kiện nổi bật ở TP. Hồ Chí Minh (1975 - 2005) (2006); Nguyễn Quang Sáng với bạn bè (Sưu tầm, 2010); Chân dung bằng chữ (Bút tích, 2011); Huỳnh Văn Tiểng - tình sâu nghĩa nặng (Biên soạn, 2012); Lời cuối với Nhà văn đã đi xa (2016); Rượu với văn chương (2017)...
Đặc biệt, cuốn “Đây các nhà tù Mỹ - ngụy” là một cuốn tư liệu tin cậy, đầy đủ nhất cho đến nay về các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc và khám Chí Hòa. Bởi thế, anh được mệnh danh là “Nhà báo viết sử”. Bên cạnh những Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao Động, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng thì vinh phong của Nhân Dân đã ghi nhận đúng những gì anh đã cống hiến, hy sinh.
Gia sản tinh thần của anh chị không mấy ai so được. Nhưng về vật chất, cũng không mấy ai nghèo như anh Phương, chị Hương. Ngày cưới nhau, anh chị ở gầm cầu thang của Báo Người giáo viên Nhân Dân 14 Lê Trực, kê xong cái giường một chỉ còn lại một hàng gạch 10cm.
Tháng 6/1975, anh về thăm quê Cà Mau, ba đã mất năm 1965, chỉ còn người má đứng trơ trọi giữa nền nhà, cắm một con dao trên nền đất trống. Anh dồn tiền đủ làm cho má một chiếc lều. Nhà anh ngoài báo, không có một vật gì đắt giá, xe máy cũng không.
Sau chuyến năm 1975, anh xin chuyển về Nam hẳn, làm tại Báo Giải phóng rồi dần trở thành Phó Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, bao nhiêu nhuận bút có được chỉ mua báo và làm việc công ích. Ai đã từng cắt dán báo, sẽ biết nỗi cực nhọc, tốn kém, mất ngủ và mất việc đến chừng nào!
Anh chị lại không có con để nối dõi, để tiếp tục sự nghiệp. Ai là người kế tục công việc cao cả của anh chị?
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Người làm báo điện tử ngày 22.6.2020
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận