Việc tăng nhiệm vụ, thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng cho Ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp
1. Việc tăng nhiệm vụ cho ủy ban kiểm tra các cấp
Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều có sự sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ của UBKT các cấp cho phù hợp với tình hình mới. Trước Đại hội II của Đảng (năm 1951), nhiệm vụ của các cơ quan kiểm tra tập trung vào tra xét những vấn đề vi phạm kỷ luật đảng. Điều lệ Đảng do Đại hội II của Đảng thông qua xác định nhiệm vụ của UBKT các cấp là: “xem xét tư cách và cách làm việc của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu hủ hóa, lạm dụng chức vụ”. Điều lệ Đảng do Đại hội III thông qua quy định nhiệm vụ của UBKT các cấp là: “kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, kỷ luật của Đảng, trái với đạo đức cách mạng và pháp luật Nhà nước”.
Đến Đại hội IV của Đảng, nhiệm vụ của UBKT các cấp được quy định: kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) vi phạm Điều lệ, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhiệm vụ này đã được Đại hội V của Đảng bổ sung thêm: kiểm tra những vụ đảng viên (kể cả cấp ủy viên) vi phạm Điều lệ Đảng, nhằm vào những vụ vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, tư cách đảng viên... Đến Đại hội VI của Đảng, nhiệm vụ này được sửa đổi, bổ sung thành: kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) chấp hành Điều lệ Đảng, nhằm vào việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, chấp hành kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, tư cách đảng viên; kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng ở cấp dưới; kiểm tra tài chính của Đảng; giải quyết thư tố cáo đối với đảng viên về những vấn đề có quan hệ đến công việc nói trên và thư khiếu nại về thi hành kỷ luật trong Đảng v.v..
Đến Đại hội VII của Đảng, nhiệm vụ của UBKT các cấp lại được bổ sung thêm những nhiệm vụ mới: kiểm tra đảng viên (kể cả cấp ủy viên cùng cấp) và tổ chức đảng cấp dưới chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên; xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật và căn cứ thẩm quyền quy định tại điều 36 Điều lệ Đảng mà quyết định hoặc đề nghị cấp ủy quyết định thi hành kỷ luật; kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc của cấp ủy cấp dưới; kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới; kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính của cấp ủy cùng cấp; giải quyết thư tố cáo về những nội dung quy định tại điểm 1, điều 33 Điều lệ Đảng đối với đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới; giải quyết thư khiếu nại về việc thi hành kỷ luật trong Đảng theo thẩm quyền quy định tại điều 36 Điều lệ Đảng.
Tại Đại hội VIII và Đại hội IX của Đảng, nhiệm vụ của UBKT các cấp lại được sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung mới: kiểm tra đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng; xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật; giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng; kiểm tra tài chính của cấp ủy cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.
Theo quy định của Điều lệ Đảng khóa VI, khóa VII, khóa VIII, khóa IX, các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp chủ yếu mới thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, còn chức năng, nhiệm vụ giám sát trong Điều lệ Đảng chỉ quy định: “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, chưa được quy định cụ thể để thực hiện. Đến Đại hội X của Đảng, điều 32 Điều lệ Đảng quy định UBKT các cấp có thêm nhiệm vụ: “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”(1). Từ Đại hội XI của Đảng đến nay, về cơ bản, các quy định về công tác kiểm tra, giám sát nói chung, nhiệm vụ của UBKT các cấp nói riêng vẫn được giữ nguyên theo quy định của Điều lệ được Đại hội XI của Đảng thông qua.
2. Việc tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật cho ủy ban kiểm tra các cấp
Kỷ luật của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng và có tác dụng to lớn đối với hoạt động xây dựng nội bộ Đảng và hoạt động lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, kỷ luật đảng có vai trò, tác dụng to lớn trong việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo đảm cho Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội và lãnh đạo hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội, nghề nghiệp một cách đúng đắn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Thi hành kỷ luật đảng là một công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, UBKT các cấp có thẩm quyền phải xem xét một cách thận trọng, nghiêm túc, khách quan, bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục và quy trình, không được làm tắt, chủ quan, định kiến dẫn đến bỏ qua các thủ tục cần thiết trong quá trình xem xét. Làm được như vậy mới có tác dụng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, có tác dụng, giáo dục, răn đe đối với những tổ chức đảng, đảng viên có liên quan, hướng tới mục đích cao nhất của công tác thi hành kỷ luật trong Đảng là góp phần đấu tranh đẩy lùi các hiện tượng lệch lạc, tiêu cực trong Đảng và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp cách mạng mới. Nếu quá trình thi hành kỷ luật đảng không được tiến hành nghiêm túc sẽ gây ra những hậu quả tai hại khó lường, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng có thẩm quyền nói riêng và uy tín lãnh đạo của Đảng nói chung. Đây chính là yêu cầu mà việc tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật cho UBKT các cấp cần phải quán triệt.
Thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng là quyền của các tổ chức đảng được quyết định thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định và hướng dẫn của Trung ương Đảng. Căn cứ đối tượng vi phạm bị xử lý (có hay không có chức vụ, là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp nào quản lý...), mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật sẽ phải áp dụng đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên vi phạm để xác định thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng thuộc tổ chức đảng cấp nào.
Trong các nhiệm kỳ gần đây, thẩm quyền của UBKT các cấp trong việc thi hành kỷ luật đảng được tăng lên gắn với mở rộng phạm vi kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm từ xa, từ đầu, từ sớm, ngay từ khi mới manh nha. Có thể nêu ra những nội dung về việc tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng cho UBKT các cấp theo các quy định mới của Đảng và Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28.7.2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII như sau:
Một là, cho phép UBKT từ cấp huyện và tương đương trở lên được quyền áp dụng hoặc đề xuất áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngay từ khi tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng
Trong Quy định số 01-QĐ/TW ngày 10.5.2018 của Bộ Chính trị về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống tham nhũng, tại điều 5 về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng, ghi rõ UBKT các cấp:
“5. Có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
6. Yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.
7. Quá trình kiểm tra, được niêm phong tài liệu liên quan đến vi phạm; trường hợp cần thiết, yêu cầu đảng viên đến cơ quan Ủy ban kiểm tra giải trình làm rõ các vấn đề liên quan”(2).
Theo quy định trên, thì khi tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng, UBKT có quyền yêu cầu hoặc đề xuất và áp dụng các biện pháp ngăn chặn một cách chủ động, kịp thời mà không cần theo quy trình thông thường nhằm ngăn ngừa trường hợp đối tượng đang trong giai đoạn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, chưa có các quyết định của cơ quan có thẩm quyền như khởi tố vụ án, khởi tố bị can sẽ bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra.
Hai là, UBKT đảng ủy cơ sở được quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với đảng viên.
Theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26.7.2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở không có thẩm quyền kỷ luật đảng viên nhưng có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất đảng ủy cơ sở và ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định”(3).
Hiện nay, theo Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28.7.2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải là cấp ủy viên cùng cấp)”(4).
Ba là, cho phép UBKT các cấp được quyết định các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đối với tổ chức đảng.
Trước đây, theo Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, UBKT các cấp từ cấp cơ sở đến UBKT Trung ương không có quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng: “Đảng ủy cơ sở, đảng ủy cấp trên cơ sở; cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy huyện, quận và tương đương trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp không có thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng nhưng có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất ý kiến với cấp ủy trong việc xử lý kỷ luật”(5).
Hiện nay, theo Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, “Ủy ban kiểm tra các cấp xem xét, kết luận, đề xuất với cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy trong việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp; quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới”(6). Đây là quy định rất mới và có tính đột phá giúp việc thi hành kỷ luật trong Đảng tiến sát đến phương châm “kịp thời”, vì từ khi UBKT các cấp có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất ý kiến với cấp ủy trong việc xử lý kỷ luật đến khi ra quyết định thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng nhiều khi phải trải qua rất nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, nên nhiều khi quyết định kỷ luật được ban hành đã mất tính thời sự và răn đe.
Thực hiện quy định nêu trên, tại kỳ họp thứ năm của UBKT Trung ương khóa XIII, UBKT Trung ương đã quyết định: thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Công ty IPC nhiệm kỳ 2015-2020, Chi bộ Công ty SADECO các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020; chi bộ Công ty Tân Thuận các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020 và Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.
Bốn là, tăng thẩm quyền, tạo ra tính chủ động cho UBKT các cấp trong việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm pháp luật.
Trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tại điểm 4.6, Điều 8, ghi rõ:
“Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến ủy ban kiểm tra cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng. Ủy ban kiểm tra kiểm tra xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do các cơ quan chức năng thụ lý”(7).
Quy định mới này giúp UBKT các cấp có thể chủ động và kịp thời trong xử lý kỷ luật đảng viên khi có vi phạm pháp luật, khắc phục được tình trạng nhiều khi đảng viên đã bị xử lý hình sự, thậm chí đã bị giam giữ nhưng vẫn chưa bị xử lý kỷ luật về Đảng, vẫn còn giữ danh xưng là đảng viên.
3. Một số nhận xét
Tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng cho UBKT các cấp là điểm mới trong các nhiệm kỳ gần đây và nội dung này được thể hiện nhiều nhất trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Cần khẳng định rằng, việc tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật cho UBKT các cấp là cần thiết để khắc phục tình trạng trong xem xét thi hành kỷ luật, có vụ việc còn nể nang, né tránh, xử lý chưa triệt để hoặc xử lý nhẹ; một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật mà chỉ xử lý nội bộ; có vụ việc thuộc thẩm quyền cấp dưới xử lý, nhưng cấp dưới không xem xét, xử lý lại đề nghị cấp trên v.v..
Từ Ðại hội III của Ðảng đến nay, theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, UBKT cấp trên cơ sở được giao thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên là cán bộ do cấp ủy cấp mình quản lý, với các hình thức cách chức, lưu đảng, khai trừ (Ðại hội III), nhưng trước khi ra quyết định phải xin ý kiến của cấp ủy cùng cấp. Quy định này cho thấy, Ðảng ta đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của UBKT các cấp - cơ quan giúp Ðảng trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Ðảng; được cấp ủy bầu ra, nắm vững Ðiều lệ Đảng và các quy định của Đảng, có nghiệp vụ chuyên sâu, có cơ quan giúp việc, có cán bộ chuyên trách và phương pháp đúng đắn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cũng như chức năng tham mưu, giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng.
Để bảo đảm phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”, việc tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đảng cho UBKT các cấp là hợp lý, vì kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật cần do cơ quan chuyên trách đảm nhiệm, đối với tổ chức đảng thì UBKT có đội ngũ cán bộ được tín nhiệm và giàu kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, nếu không phân cấp cho UBKT xử lý kỷ luật, thì cấp ủy sẽ gặp khó khăn, vì tất cả cán bộ, đảng viên do cấp ủy quản lý có vi phạm đều phải báo cáo cấp ủy xem xét, xử lý kỷ luật, dẫn đến không bảo đảm tính kịp thời. Việc tăng thêm thẩm quyền kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng viên cho UBKT để cấp ủy dành thời gian lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mặt công tác của Ðảng với tư cách là cơ quan lãnh đạo giữa hai nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng./.
_________________________________________________
(1) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.52-53.
(2) Bộ Chính trị: Quy định số 01-QĐ/TW ngày 10.5.2018 về trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, Hà Nội.
(3), (5) ĐCSVN (2016): Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.155, 161.
(4), (6), (7) ĐCSVN (2021): Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.196, 199, 188.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 24.5.2022
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thư cảm ơn của PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng biên tập Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)” và đón nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông xin được gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thủ trưởng các đơn vị, các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các đồng chí cộng tác viên và bạn đọc lời cảm ơn trân trọng. Tạp chí rất mong tiếp tục nhận được tình cảm và sự quan tâm của các đồng chí !
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận