Báo chí cách mạng - công cụ tuyên truyền hữu hiệu của Đảng trong Cách mạng tháng Tám
Tháng 9.1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đế quốc Pháp lao vào vòng chiến. ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa thi hành một chính sách cực kỳ phản động; phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đánh phá phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân ta. Tháng 9.1940, quân đội phát xít Nhật tràn vào Đông Dương. Chính quyền thuộc địa đã nhanh chóng đầu hàng dâng nước ta cho Nhật. Hai tên đế quốc - phát xít Pháp - Nhật tạm thời câu kết với nhau thực thi những chính sách đàn áp, bóc lột cực kỳ tàn bạo, đẩy nhân dân Đông Dương vào cảnh sống ngột ngạt về chính trị, bần cùng về kinh tế, đứng trước bờ vực của sự diệt vong.
Trước sự tồn vong của vận mệnh dân tộc, Đảng ta từng bước hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dương.
Sự thay đổi chính sách cách mạng Đảng qua các hội nghị trên là đúng đắn, sáng tạo, kịp thời, có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển thắng lợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, quyết định những hình thức, phương thức đấu tranh và các công tác của Đảng, trong đó có công tác báo chí.
Từ kinh nghiệm đấu tranh trong các cao trào cách mạng 1930 - 1931; 1936 - 1939, bước vào cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939 - 1945), Đảng ta và đồng chí Nguyễn Aí Quốc rất quan tâm sử dụng báo chí làm công cụ lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng của Đảng.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương (11.1940), khi đề ra nhiệm vụ của công tác tuyên truyền đã nhấn mạnh: “Cái cốt yếu là phải ra một tờ báo bí mật”(1). Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (11.1940) cũng khẳng định: Cái mấu chốt của công tác cổ động, tuyên truyền của mặt trận lúc này là ra một tờ báo làm cơ quan chung của mặt trận(2). Đến Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (5.1941), bên cạnh chủ trương xác lập một cơ quan tuyên truyền chung, Đảng ta và đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới báo chí bí mật ở các địa phương. Nghị quyết Hội nghị ghi rõ: "Muốn cho sự tuyên truyền kịp thời và khỏi gián đoạn, mỗi khi các đảng bộ mất mối liên lạc với nhau thì mỗi Đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền ít nhất là ban tỉnh uỷ phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời"(3). Hội nghị còn nhấn mạnh: "trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu, cờ đỏ búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận mà thay vào. Phải khêu gợi tinh thần cứu quốc mạnh mẽ, thức tỉnh một cách thống nhất những tính ái quốc của nhân dân"(4).
Từ những định hướng chung đó, trong hầu hết các chỉ thị, nghị quyết thông báo sau này, Trung ương Đảng luôn luôn nhấn mạnh đến việc quan tâm chỉ đạo báo chí, coi đó là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của sự nghiệp cứu quốc. Báo chí công khai không còn điều kiện phát huy tác dụng do Pháp - Nhật thực hiện chính sách phát xít hoá, Đảng ta chủ trương lãnh đạo chuyển báo chí vào hoạt động bí mật. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các cấp bộ Đảng và cấp bộ Việt Minh và cả những chi bộ Đảng trong nhà tù đã xuất bản báo chí bí mật ngày càng nhiều để tuyên truyền, động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng đấu tranh chống phát xít và tay sai của chúng, thực hiện đường lối chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Nam. Báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Tạp chí Cộng sản cùng hàng loạt báo chí địa phương, đoàn thể được bí mật phát hành trong các tổ chức Đảng, các hội cứu quốc và trong quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Nguyễn ái Quốc, với phương châm tuyên truyền mềm dẻo, thống nhất, báo chí cách mạng của Đảng, của Mặt trận từ Trung ương xuống địa phương đã tập trung truyền tải chủ trương đường lối, nhiệm vụ giải phóng dân tộc của Đảng đến các cấp bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân.
Cuối 9.1941, Tạp chí Cộng sản cơ quan lý luận của Đảng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách ra số 1 đã đăng một loạt bài giới thiệu đường lối sách lược cứu quốc của Đảng. Bài "Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương" đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên tinh thần mới: "Đảng ta quyết định từ bỏ các quan niệm hẹp hòi, khắc phục các sai lầm khuyết điểm, đề ra phương hướng sửa chữa để Đảng không những là người lãnh đạo cách mạng Đông Dương, mà còn là người đại diện cho toàn thể các dân tộc ở Đông Dương. Đảng viên phải làm tròn nhiệm vụ, không sợ khủng bố, không sợ chết chóc"(5). Cũng trong số 1, bài "Chính sách mới của Đảng" đề ngày 23.9.1941, đã chỉ cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ nhiệm vụ và khẩu hiệu đấu tranh mới của Đảng. Bài viết báo: "Báo phải bỏ những khẩu hiệu đã lỗi thời, nêu cao những khẩu hiệu mới: đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật, đánh đổ bọn Việt gian. Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Ngày làm 8 giờ, có bảo hiểm xã hội. Thủ tiêu mọi thứ thuế hiện hành, thực hiện đánh thuế theo thu nhập. Chia đất của bọn đế quốc và Việt gian cho dân cày và binh lính. Nam nữ bình quyền. Tổ chức một mặt trận chống Pháp và chống Nhật, phát động cao trào cứu nước, xây dựng lực lượng vũ trang. Tóm lại chính sách mới Đảng là chính sách "tất cả cho việc giải phóng đất nước"(6).
Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương tái bản Tạp chí cộng sản. Số 1 của Tạp chí cộng sản ra ngày 24.2.1943 đã đăng tải toàn bộ nội dung Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức vào tháng 2.1943, tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên. Trong bài "Vấn đề khởi nghĩa - Kỷ niệm Xô viết Nghệ An" viết ngày 15.7.1943, đăng trên Tạp chí cộng sản số 2, ra ngày 24.9.1943, đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đã phân tích những vấn đề của việc sửa soạn khởi nghĩa chống phát xít Nhật, Pháp, nêu lên những phương pháp cốt yếu làm cho đông đảo quần chúng tham gia khởi nghĩa, làm cho chiến tranh du kích biến thành địa phương khởi nghĩa, làm cho khởi nghĩa có tính chất quần chúng, "đúng ý nghĩa cách mạng giải phóng dân tộc".
Bên cạnh Tạp chí cộng sản (ra không đều kỳ), báo Cờ giải phóng cơ quan ngôn luận của Đảng (số 1 ra ngày 10.10.1942) do Tổng bí thư Trường Chinh phụ trách, đóng vai trò rất quan trọng truyền tải chủ trương đường lối, nhiệm vụ giải phóng dân tộc của Đảng đến các cấp bộ, đảng viên, đến quần chúng nhân dân.
Trong bài "Vấn đề về chính sách của Đảng" (Cờ giải phóng, số 2 ra ngày 26.8.1943), đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đã luận giải những vấn đề sinh tử của dân tộc mà Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (5.1941) đã vạch ra. Đồng chí viết: "Nhiệm vụ của cuộc vận động cách mạng Đông Dương trong giai đoạn này là: trước hết phải giải phóng cho dân tộc.Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn này phải cách mạng dân tộc giải phóng. Muốn hoàn thành cuộc cách mạng ấy, Đảng phải vận động tất cả các tầng lớp nhân dân thành lập mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp. Sống dưới ách Nhật - Pháp, không những thợ thuyền, dân cày, tiểu tư sản thành thị và tư sản bản xứ bị thống khổ, mà cả địa chủ bản sứ cũng bị thống khổ. Địa chủ bản xứ vẫn còn ít nhiều khả năng làm cách mạng. Phải kéo họ vào mặt trận dân tộc giải phóng. Bởi vậy, khẩu hiệu thổ địa cách mạng (tịch thu rộng đất của địa chủ chia dân cày) hiện nay không còn thích hợp nữa. Nó có thể đẩy địa chủ xa lìa cách mạng; nó có thể chia rẽ mặt trận dân tộc thống nhất, cản trở việc động viên mọi lực lượng cách mạng của dân tộc Đông Dương chống bọn phát xít. Điều quyết định trên của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 chứng minh rằng: đứng trước họa diệt vong hăm dọa dân tộc, Đảng ta coi quyền lợi của dân tộc cao hơn hết thẩy, đã biết mềm mỏng nhân nhượng với địa chủ bản xứ, thành thực vì mục đích giải phóng dân tộc mà đấu tranh"(8). Đồng chí nêu rõ Hội nghị Thường vụ trung ương tháng 2 năm 1943 đã bổ sung những nội dung mới cho đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, khẳng định "nhiệm vụ cốt yếu của giai cấp vô sản Đông Dương và của Đảng ta lúc này không những là phải vận động toàn thể dân tộc Đông Dương làm cách mạng phá tan xiềng xích của phát xít Nhật Pháp, mà còn phải làm cách mạng đánh vào dinh luỹ của phát xít quốc tế, đặng ủng hộ Liên Xô kháng chiến, góp phần vào Mặt trận dân chủ quốc tế chống phát xít xâm lược"(9).
Ngày9.3.1945 phát xít Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, Ban thường vụ Trung ương đã họp, ra chỉ thị :"Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" vào ngày 12.3.1945, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Sau đó với bút danh C.G.P đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh viết bài "Cuộc "đảo chính" của Nhật ở Đông Dương" đăng trên báo Cờ giải phóng, số 11, ra ngày 25.3.1945, phân tích nguyên nhân của cuộc đảo chính, thất bại không thể tránh khỏi của phát xít Nhật, và chỉ rõ: "Chính quyền Pháp đã đổ. Chính quyền Nhật chưa ổn định. Các hạng tay sai của Nhật, Pháp đang hoang mang. Tình thế rất thuận tiện. Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương phải lợi dụng đến cùng cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn đặng phát triển cao trào. Rụt dè, do dự lúc này là có tội(...). Toàn bộ công tác của Đảng phải nhằm vào mục đích gấp tiến tới khởi nghĩa, sẵn sàng hưởng ứng quân đông minh"(10).
Theo chủ trương của Đảng: "Cần phải nêu cao cờ đở sao vàng của Mặt trận Việt Minh không nên lạm dụng việc nêu cờ đở búa liềm. Cần xuất bản một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền trung ương của Mặt trận Việt Minh"(11), ngày 25.1.1942, báo Cứu quốc "Cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh" (sau đổi thành Cơ quan tuyên truyền cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh) ra số đầu. Bằng những bài văn nghị luận, bình luận chính trị sắc sảo, thơ ca, phóng sự, tuỳ bút... báo Cứu quốc đã có những đóng góp quan trọng trong tuyên truyền đường lối cứu quốc của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, trong động viên, tổ chức đồng bào đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phát xít và tay sai của chúng để giành độc lập, tự do cho xứ sở. Ngay từ đầu, báo Cứu quốc kêu gọi đồng bào "mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa tổ quốc tới chốn vinh quang độc lập (...) Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến trên con đường giải phóng dân tộc"(12).
Cùng với báo Trung ương, báo của các Cấp bộ địa phương, nhất là của các xứ uỷ, cũng đóng vai trò quan trọng trong truyền tải chủ trương, đường lối cứu quốc của Đảng. Ngày 16.6.1940, với danh nghĩa của Ban chấp hành Trung ương, các đồng chí trong Xứ uỷ Bắc kỳ đã ra "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương" đăng trên báo Giải Phóng cơ quan của Xứ uỷ Bắc Kỳ số 5 (15.7.1940). Tuyên ngôn hiệu triệu các bậc thượng lưu trí thức, các nhà tư sản, địa chủ phú hào ái quốc, các viên chức, hương chức, hội tề, lực lượng công, nông, binh và dân chúng cần lao..."Đứng dậy đấu tranh mãnh liệt trong hàng ngũ mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, dưới bóng cờ "giải phóng quốc gia dân tộc" đem độc lập cho quê hương, đem tự do cho dân chúng (...) kẻ của người công giúp cách mạng mau hát khúc khải hoàn"(13).
Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước. Sau hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (5.1941) đồng chí Nguyễn ái Quốc quyết định và chỉ đạo xuất bản báo Việt Nam độc lập (Việt Lập) nhằm thông qua báo chí tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, giáo dục cán bộ, hội viên của các tổ chức cách mạng do Đảng lãnh đạo, hăng hái tham gia đấu tranh, quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người trực tiếp viết bài đăng trên báo, kêu gọi tất cả các giai cấp công nhân, nông dân, các giới đồng bào (phụ lão, phụ nữ, thanh niên...) hãy "...đồng tâm hiệp lực. Muôn người một lòng, nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập"(14).
Trong 135 số báo Việt Nam độc lập ra đời ở Việt Bắc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hồ Chí Minh, có tới gần 40 bài có nội dung đề cập tới vấn đề đoàn kết. Ngay trong số 2 (đánh số 102) ra ngày 1.8.1941, Việt Nam độc lập viết "dân ta muốn sống chỉ có một con đường: là đoàn kết lại để đánh Tây đánh Nhật.
Đoàn kết lại đồng bào ơi!
Trước thời cứu nước, sau thời cứu thân"(15).
Báo Việt Nam độc lập lên án những tội ác dã man của đế quốc Pháp, phát xít Nhật và tay sai đối với đồng bào ta; phân tích tình hình, nhiệm vụ cách mạng, hướng dẫn cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương đấu tranh của Đảng.Trước tình hình đoàn kết nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc vận động giải phóng dân tộc, đồng thời giải đáp cho các đồng chí thanh niên về sức mạnh của cách mạng, về vấn đề khởi nghĩa, báo Việt Nam độc lập số 125, ngày 11.5.1942 đã đăng bài "bao giờ khởi nghĩa" nêu rõ quan điểm của Đảng, hướng dẫn các đoàn thể cứu quốc đẩy mạnh việc tổ chức vận động nhân dân: "Sức cách mệnh ngày càng nhất định càng thêm mạnh... Nếu đoàn thể có chính sách đúng, có kế hoạch khéo, nếu cán bộ biết hoạt động, tuyên truyền tổ chức thì toàn dân nhất định sẽ đoàn kết"(16).
Vào năm 1943, trước tình hình phong trào cách mạng có nhiều chuyển biến, để đẩy mạnh một bước công việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Cao Bằng và Bắc Cạn, báo Việt Nam độc lập số 168, ra ngày 11.7.1943, đăng bài "Thêm hai khẩu hiệu". Bài báo có đoạn: "Lâu nay chúng ta vẫn chuẩn bị khởi nghĩa. Chuẩn bị bằng cách phát triển và củng cố các hội cứư quốc và V.M. Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị lên một bước. Chuẩn bị tất cả những điều cần thiết để vũ trang khởi nghĩa. Một là chúng ta phải tổ chức đội tự vệ chiến đấu. Đội tự vệ chiến đấu ấy phải luyện tập cách đánh du kích để sau này biến thành đội du kích. Hai là chúng ta phải sửa soạn đủ vật liệu để lúc đứng lên khởi nghĩa có đủ mà dùng"(17).
Từ giữa năm 1944, Hồng quân Liên Xô và quân Đồng Minh đẩy mạnh tiến công quân đội phát xít Đức trên chiến trường châu Âu, quân đội Mỹ tổ chức phản công quân đội Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương. Trước tình hình chuyển biến rất nhanh chóng, Đảng ta, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn Tổng khởi nghĩa (7.5.1944) và ra hiệu triệu quốc dân đồng bào "Sắm vũ khí đuổi thù chung" (10.8.1944). Hưởng ứng Chỉ thị và hiệu triệu của Đảng, báo Việt Nam độc lập - cơ quan tuyên truyền Việt Minh Cao - Bắc - Lạng số 194, ra ngày 20.8.1944, viết bài "Để chuẩn bị ứng phó thời cơ phải khẩn cấp đào tạo cán bộ! Phải khẩn cấp động viên dân chúng". Bài báo viết: "Cơ hội ta đã gần đến. Chúng ta phải chuẩn bị cho đầy đủ mà đón lấy cơ hội. Tất cả các cán bộ phải nghe lời kêu gọi của đoàn thể mà chuẩn bị khẩn cấp(...). Ta phải nhớ: cơ hội ngày giờ không đợi ta đâu! Ta phải ra công, ra sức, biết tiếc từng giờ từng phút mới được (...) phải động viên dân chúng, nghĩa là làm cho dân chúng hiểu rằng tình hình đã khẩn cấp lắm rồi, họ có bao nhiêu sức, bao nhiêu của, đều phải trút ra mà cứu mình và cứu nước"(18).
Tại Nam Kỳ, vào đầu năm 1943, Ban cán sự Miền Đông Nam Kỳ được thành lập, ra báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền cách mạng. Báo có nhiều bài tuyên truyền Chủ trương, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh, giáo dục quần chúng theo đường lối của Đảng (19).
Báo chí là công cụ hữu hiệu để Đảng ta chỉ rõ kẻ thù, định hướng cho quần chúng đấu tranh. Thời gian đầu, báo chí tập trung ngọn lửa đấu tranh vào kẻ thù chính của cả dân tộc là đế quốc Pháp. Báo chí tuyên truyền, vạch tội ác của đế quốc Pháp trong việc kéo dân Đông Dương vào thảm họa chiến tranh, làm ta điêu đứng khốn cùng. Sau khi Nhật nhảy vào Đông Dương, bắt tay đế quốc Pháp và tay sai phản động chống phá phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương, thì lúc này kẻ thù chính là cả hai tên đế quốc, phát xít Pháp - Nhật, dân ta một cổ hai tròng áp bức. Báo chí đã nêu đi nêu lại khẩu hiệu "Đánh Pháp đuổi Nhật, Việt Nam độc lập" làm cho khẩu hiệu , khẩu hiệuđó trở thành hành động thường trực trong cán bộ đảng viên và quần chúng. Trong bài "Chính sách mới của Đảng" đăng ở số đầu Tạp chí cộng sản nêu cao khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật, đánh đổ Việt gian.
Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn của Mặt trận, tờ Việt Nam độc lập, số 110, ra ngày 1.11.1941 đăng bài "Nhật là quân ăn cướp, giết người" đã vạch rõ tội ác của giặc Nhật đối với đồng bào ta: "Đồng bào ta đã bị Pháp bóc lột chẳng kém gì Nhật bóc lột dân Cao Ly. Nay lại sắp bị Nhật bóc lột nữa! Một cổ hai tròng sống làm sao được?" và kêu gọi: "Muốn sống thì ta phải mau mau đoàn kết lại đánh đuổi Pháp, Nhật, giành lấy quyền độc lập tự do"(20).
Trong bài "Vấn đáp về chính sách của Đảng" (Cờ giải phóng, số 2 ra ngày 26.8.1943), đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh chỉ rõ: "ở Đông Dương hiện nay phát xít Nhật là kẻ thù chính. Bọn thực dân Pháp đã rơi xuống địa vị làm đầy tớ cho Nhật (21).
Ngày 9.3.1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, thống trị nhân dân, khủng bố phong trào giải phóng của dân tộc ta. Cuộc họp của Thường vụ trung ương Đảng (họp từ ngày 9 đến ngày 12.3.1945) kết luận: kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể, trước mắt của toàn thể nhân dân Việt Nam và Đông Dương là phát xít Nhật; khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp được thay đổi bằng khẩu hiệu thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, chống chính quyền Nhật và chính quyền bù nhìn Việt gian thân Nhật.
Bằng những lý luận sắc bén, kết hợp với tình hình thực tế trên thế giới và trong nước, thông qua báo chí, các cấp bộ Đảng và Việt Minh đã vạch trần phát xít Nhật là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân Đông Dương, chúng có mưu đồ làm bá chủ toàn cầu mà trước hết là vùng Đông Nam á; chúng đưa ra thuyết "Đại Đông á" để nhằm lung lạc, lừa bịp nhân dân, thực hiện âm mưu thống trị các dân tộc; vạch rõ sự thất bại không tránh khỏi của chủ nghĩa Pháp xít Nhật. Với bút danh C.G.P, Tổng bí thư Trường Chinh đã viết bài: "Phải nhằm đúng kẻ thù" đăng trên báo Cờ giải phóng số 12, ra ngày 12.4.1945, khẳng định; "kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - của chúng ta lúc này là đế quốc phát - xít Nhật. Nhiệm vụ cần kíp của chúng ta là đánh đổ kẻ thù ấy"(22).
Cùng với báo Trung ương, các báo địa phương cũng hướng dẫn nhân dân nhằm vào kẻ thù chính mà đấu tranh. Báo Việt Nam độc lập, số 208 ra ngày 13.3.1945, trong bài "Một sự chuyển biến to ở Đông Dương", chỉ rõ: "...trên trường chính trị Đông Dương, đoàn thể Việt Minh và dân chúng Đông Dương chỉ có một kẻ thù là quân phát xít Nhật và tất cả lực lượng và mũi tên của người ái quốc Việt Nam hoàn toàn chĩa vào kẻ thù duy nhất ấy là quân phát xít Nhật"(23).
Báo chí cách mạng còn đóng vai trò quan trọng trong công tác đối ngoại, tuyên truyền cho sự đoàn kết quốc tế của dân ta với nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cho việc liên minh của dân tộc ta với lực lượng dân chủ chống chủ nghĩa Pháp xít, ủng hộ cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của Liên Xô và cuộc kháng Nhật của nhân dân Trung Quốc. Qua báo chí, Đảng ta chỉ rõ vai trò, vị trí và sức mạnh của Liên Xô trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Báo chí cách mạng có nhiều bài giải thích chủ trương của Đảng về vấn đề "Hoa quân nhập Việt" qua đó giúp các cấp Đảng bộ, Việt Minh nhận thức rõ thực chất của sự việc, nắm vững sách lược, có thái độ và hành động đúng với quân đội Tưởng Giới Thạch.
Là một công cụ chỉ đạo sắc bén của Đảng, báo chí cách mạng đã góp phần quan trọng trong truyền tải chủ trương đường lối cứu nước đúng đắn sáng tạo của Đảng đến với các cấp bộ Đảng và đông đảo nhân dân, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ta, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, kêu gọi đồng bào đồng tâm, hiệp lực tham gia các đoàn thể cứu quốc, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Mặt trận Việt Minh vào sự thắng lợi của cách mạng; góp phần xây dựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Báo chí cách mạng cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng của Đảng, góp phần làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng và hành động, tạo nên sức mạnh của Đảng lãnh đạo thắng lợi cách mạng tháng 8.1945./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, T.6, tr.546.
(2), (3), (4) Sđd, T7, tr79, 127, 126.
(5), (6), (7) Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Cộng sản - Những chặng đường phát triển, H.2000, tr25, 27.
(8), (9), (10) Ngọn cờ giải phóng, Nxb. Sự Thật, H.1974, tr14-15, 15, 69-70.
(11) Trường Chinh (1976), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, T.1, tr.209.
(12) Dẫn theo Nguyễn Thành, Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-1945, Nxb Khoa học xã hội, H.1984, tr286
(13) (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T.7, tr.14.
(15), (16), (17), (18) Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (2000), Báo Việt Nam độc lập 1941-1945, Nxb. Lao động, Hà Nội, tr.13, 95, 267, 402-403.
(19) Biên bản toạ đàm Tiền Phong và Giải phóng ở Nam Bộ, Lưu tại Viện Lịch sử Đảng.
(20), (23) Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Báo Việt Nam độc lập 1941-1945, Sđd, tr38, 449 - 450.
(21), (22) Ngọn cờ giải phóng, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1974, tr.15, 73.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 5 (tháng 9+10)/2005
Bài liên quan
- Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
- Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
- Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
- Mấy vấn đề về định hướng phát triển báo chí kiến tạo
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia. Quảng bá hình ảnh quốc gia được thực hiện thông qua nhiều phương tiện và phương thức khác nhau, trong đó, báo chí đối ngoại được xem như là công cụ chủ đạo, là vũ khí sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền hình ảnh Việt Nam với thế giới. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần phát huy hiệu quả việc quảng bá hình ảnh quốc gia trên báo điện tử VietnamPlus.
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên công nghệ số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo nhân lực báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh của đất nước.
Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
Xu hướng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông
Bài viết tìm hiểu thực trạng cập nhật thông tin chính trị, xã hội của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí truyền thông trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng (TTĐC) truyền thống và mạng xã hội (MXH). Kết quả phân tích cho thấy mức độ thường xuyên cập nhật thông tin trên MXH phổ biến hơn so với các kênh TTĐC. Đội ngũ cán bộ cũng có xu hướng cập nhật và sử dụng hiệu quả thông tin chuyên sâu về chính trị trên MXH, đặc biệt, thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thông tin về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bài viết nêu một số giải pháp nâng cao hiệu quả cập nhật và tuyên truyền các thông tin chính trị, xã hội trên các kênh, phương tiện TTĐC và MXH của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, truyền thông.
Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
Nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên hiện nay
Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan báo chí - truyền thông nói chung và của đội ngũ phóng viên nói riêng. Việc truyền thông chính sách hiệu quả hay thất bại đều bắt đầu từ năng lực của lực lượng tham gia truyền thông chính sách. Trong khi đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực truyền thông chính sách còn chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ khi hiểu được nhu cầu bồi dưỡng truyền thông chính sách của đội ngũ phóng viên, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông mới có thể xây dựng chương trình bồi dưỡng hợp lý, thiết thực và hiệu quả.
Bình luận